Tu Tập Để Hướng Về Một Mục Tiêu Tâm Linh
Có hai cách mình có thể tu tập để hướng về mục tiêu tâm linh:
- Trên cơ sở của tín tâm - ta sẽ có tín tâm rằng mình có thể đạt được mục tiêu đó. Dựa trên cơ sở của tín tâm này mà bạn sẽ tu tập để hướng về mục tiêu, và khi tiến xa hơn trong quá trình tu tập thì cuối cùng, bạn sẽ vững tin rằng mình có thể đạt được mục tiêu. Chẳng hạn như nếu mục tiêu của bạn là khắc phục và đoạn trừ đau khổ mãi mãi, và bạn có tín tâm rằng điều này có thể xảy ra, nên khi tu tập để hướng đến mục tiêu đó, nếu như nỗi khổ giảm bớt thì bạn sẽ vững tin rằng có thể đạt được mục tiêu của mình. Như một phần của sự tiến triển trên đường tu, bạn sẽ nghiên cứu và hành thiền nhiều hơn, và thông qua đó, cũng tin tưởng một cách hợp lý rằng mình có thể đạt được mục tiêu.
- Trên cơ sở của lòng xác tín - trước tiên, bạn sẽ được thuyết phục bằng lý do và lý lẽ rằng có thể đạt được mục tiêu, rồi thì sẽ tu tập để hướng đến mục tiêu ấy.
Đây là hai cách tiếp cận thường được thảo luận về hai phương pháp để phát bồ đề tâm, nếu như muốn đưa nó vào công thức cổ điển của nhà Phật.
Trước tiên, ta sẽ phát bồ đề tâm tương đối, nhắm đến giác ngộ trong tương lai của chính mình, điều chưa xảy ra, nhưng có thể xảy ra. Chúng ta muốn thực hiện điều này để tạo lợi lạc cho tất cả mọi người, vì thấy rằng cách duy nhất mà mình có thể giúp đỡ tất cả chúng sinh là đạt được trạng thái thấu hiểu nhân quả, và những cách hiệu quả nhất để giúp đỡ tha nhân một cách trọn vẹn. Thêm vào đó, ta có tín tâm rằng mình có thể đạt được nó.
Khi ngày càng tiến bộ xa hơn thì ta sẽ phát triển cái gọi là bồ đề tâm tuyệt đối, nói về chứng ngộ Không tướng (tánh Không) – sự kiện là các pháp không tồn tại theo những cách bất khả. Ta sẽ thấu hiểu thực tại, và thấy rằng bản tánh của tâm có khả năng không phóng chiếu vọng tưởng, mà đúng ra là chỉ nhận thức thực tại thôi. Nhờ sự thấu hiểu đó mà mình sẽ vững tin một cách hợp lý rằng có thể đạt được mục tiệu. Rồi thì tín tâm sẽ trở thành tâm xác tín.
Đối với cách tiếp cận khác thì trước tiên là phát triển sự hiểu biết này về thực tại, khi ta hiểu rằng giác ngộ là điều khả dĩ, nên trước tiên là bồ đề tâm tuyệt đối. Trên cơ sở này, ta sẽ vững tin rằng mình có thể đạt giác ngộ, và vì tâm xác tín này mà ta sẽ nỗ lực để đạt được nó. Cách tiếp cận thứ hai này được tìm thấy trong một trong những sáng tác của ngài Long Thọ (Nagarjuna), một bậc thầy vĩ đại của Ấn Độ, được gọi là “Luận Giải Bồ Đề Tâm” (“A Commentary on Bodhichitta”, Phạn ngữ Bodhichitta-vivarana).
Cách tiếp cận này được trình bày trong vần kệ mà chúng ta đã xem xét, về cách rút ra Tứ Diệu Đế từ nhị đế, và từ Tứ Diệu Đế đưa đến Tam Bảo. Mục đích của sự trình bày này là để giúp ta hiểu rằng giải thoát và giác ngộ là điều khả dĩ, vì chúng dựa trên thực tế.
- Giải thoát có nghĩa là trạng thái thoát khỏi tái sinh bất tự chủ mãi mãi: hoàn toàn thoát khỏi luân hồi, để thoát khổ mãi mãi. Những người đã đạt được giải thoát là các vị “A la hán”, những bậc giải thoát.
- Giác ngộ là trạng thái mãi mãi thoát khỏi mọi ám chướng ngăn cản bạn thấu hiểu cách hiệu quả nhất để giúp tất cả chúng sinh cũng đạt được giải thoát và giác ngộ. Các bậc giác ngộ được gọi là “Phật”.
Một khi đã vững tin rằng không chỉ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, mà chính mình cũng có thể đạt được giải thoát và giác ngộ, thì điều này sẽ đem lại cho ta rất nhiều sức mạnh và sự ổn định trong việc tu tập. Tuy nhiên, nó không dễ hiểu lắm, nhưng không ai nói rằng điều đó dễ dàng!
Nhị Đế
Trong buổi đầu tiên, chúng ta sẽ bàn luận về dòng thứ nhất:
Bằng cách thấu hiểu ý nghĩa của nhị đế, là nền tảng, cách mà vạn pháp an trụ,
Nền tảng mà toàn bộ cuộc thảo luận dựa vào là khai thị về nhị đế, liên quan đến cách vạn pháp tồn tại và vận hành, nói cách khác là cách mà vạn pháp an trụ. Hai chân lý về vạn pháp đều xác thực, nên đều đúng:
- Chân lý tương đối: vạn pháp sinh khởi phụ thuộc vào nhân duyên. Đương nhiên là các pháp cũng phụ thuộc vào những mức độ khác, chẳng hạn như các thành phần của chúng và các khái niệm đề cập đến chúng. Ở đây, điểm chính là nhân quả theo ý nghĩa kinh nghiệm, đặc biệt là kinh nghiệm về hạnh phúc và bất hạnh, liên quan đến sự thúc bách của nghiệp.
- Chân lý tuyệt đối: mặc dù đối với chúng ta thì có thể các pháp không có vẻ như do duyên sinh, tuy nhiên, hiện tướng lừa đảo của cách tồn tại bất khả dĩ thì không tương ứng với thực tại. Thực tại tương ứng với sự phóng tưởng của mình thì hoàn toàn vắng bóng. Việc vạn pháp hoàn toàn tự chúng tồn tại, không phụ thuộc vào nhân duyên thì hoàn toàn vắng mặt, được gọi là “Không tướng”, hay “tánh Không”.
Tứ Diệu Đế
Trên cơ sở về tính xác tính của hai sự thật thì Đức Phật đã thấu hiểu và hình thành Tứ diệu đế. Điều này được biểu hiện trong dòng thứ hai:
Nhờ tứ đế mà ta sẽ biết chắc về cách mình cứ trôi lăn trong luân hồi, nhưng cũng có thể đảo ngược nó.
Tứ Diệu Đế được những bậc có chứng ngộ cao xem là sự thật. Đây là một điểm thú vị, vì nó có nghĩa là không chỉ chư Phật xem những sự kiện này là chân thật, mà ngay cả những người đã đạt được một giai đoạn nào trước đó, đúng ra là một chặng đường khá dài trước khi đạt được Phật quả, cũng thấy như vậy. Nó sẽ xảy ra khi ta có nhận thức vô niệm về tánh Không, hay nói cách khác là thực tại tuyệt đối. Sự hiểu biết này hoàn toàn chính xác và quả quyết. Vì nó vô niệm, nên điều đó có nghĩa là ta không nhận thức các pháp bằng các phạm trù.
Khi suy nghĩ bằng một phạm trù, như “chó”, thì bạn có một cái gì đó đại diện cho một con chó. Sự đại diện này có thể hơi khác nhau đối với mỗi người, nhưng khi nhìn thấy một con chó trên đường phố, hoặc bất cứ nơi nào thì mình sẽ nhận thức được nó, nhờ có phạm trù này. Nhờ hình ảnh mà mình có trong đầu về một con chó, không nhất thiết phải là một hình ảnh cụ thể, mà ta có thể làm cho nhận thức về con chó ăn khớp với nhau. Khi cảm nhận điều gì vô niệm thì điều đó không có máy lọc của bất kỳ danh mục hay thứ gì đại diện cho nó. Đó là lý do nó được gọi là “nhận thức trần trụi”. Bạn sẽ nhận thức các pháp mà không bỏ chúng vào những cái hộp.
Các bậc có chứng ngộ cao, hay arya theo tiếng Phạn, nhận thức thực tại mà không đặt nó vào chiếc hộp của “thực tại”, như là, “Hiện nay, tôi đang nhìn thấy thực tại.”. Các vị thấu hiểu một cách trọn vẹn, chính xác và quả quyết điều mà mình đang nhận thức, đó là thực tại, mà không cần phải đặt nó trong bất kỳ chiếc hộp hay phạm trù nào. Nó không quá dễ dàng. Ngay cả khi ta có thể không nói ra về những cái hộp mà mình đặt nó vào, thì nó vẫn là cách thông thường mà mình nhận thức tất cả mọi thứ. Chúng ta đặt tất cả vào những chiếc hộp, như thể các thứ tồn tại trong những chiếc hộp một mình, tách biệt với mọi thứ khác.
Ở đây, không cần phải giải thích thêm về nhận thức khái niệm. Vấn đề là bạn không cần phải là một vị Phật để nhận thức thực tại theo cách này. Khi nhận thức về thực tế một cách vô niệm thì ta sẽ thấy Tứ Diệu Đế là đúng, và sẽ xác quyết về chúng.
Tứ đế này là gì? Thứ nhất là khổ. Thứ hai là nguyên nhân tạo ra khổ. Thứ ba là sự chân diệt của khổ và nhân tạo khổ. Thứ tư là chân đạo, hay sự hiểu biết dẫn đến sự chân diệt của khổ. Những điều này được gọi là những sự thật như trong “khổ đế”, “tập đế”, và vân vân.
Toàn bộ cuộc thảo luận này nằm trong bối cảnh tái sinh, dòng tâm thức vô thỉ vô chung. Tái sinh là nền tảng. Chúng ta đã nói về kinh nghiệm riêng biệt về các pháp từ sát na này đến sát na khác, nếu nó hoạt động về mặt nhân quả thì không thể có một khởi đầu tuyệt đối, khi mà nó không có sự khởi đầu. Tương tự như vậy, không thể có sát na cuối cùng, khi mà nó biến thành hư vô. Điều đó bất khả. Từ sự thật cơ bản về nhân quả thì ta sẽ phải kết luận rằng những dòng tâm thức cá nhân không có sự khởi đầu hay kết thúc, nên tái sinh phải là sự thật.
Khổ Đế
Có ba khía cạnh về khổ đế:
- Đầu tiên là sự bất hạnh thông thường mà chúng ta gọi là khổ vì đau khổ (khổ khổ). Tất cả chúng ta đều trải qua bất hạnh. Bất hạnh không nhất thiết giống như đau đớn. Hạnh phúc và bất hạnh, lạc thú và đau đớn là hai cặp khác nhau. Lạc thú và đau đớn là những cảm giác thể chất, trong khi hạnh phúc và bất hạnh là những trạng thái của tâm thức. Ai đó có thể chịu đau, nhưng lại vui vẻ về điều đó, như sau khi tập thể dục thật cực nhọc, trong khi có người thì có thể trải nghiệm lạc thú, nhưng lại rất không vui về điều đó, như khi họ bị ép buộc phải quan hệ tình dục với ai. Vì vậy, đây là hai biến thể khác nhau. Ở đây, chúng ta đang nói về sự bất hạnh, điều mà tất cả chúng ta đều biết, và nó được mô tả về mặt các loại tái sinh tồi tệ hơn, chứa đủ các nỗi khổ.
- Loại thứ hai được gọi là khổ vì thay đổi (hoại khổ), và nó đề cập đến hạnh phúc thông thường của chúng ta. Vấn đề với hạnh phúc thông thường là nó không bao giờ kéo dài, hay làm cho mình toại nguyện. Chúng ta luôn muốn nhiều hơn, nhưng nếu có quá nhiều loại hạnh phúc này thì mình sẽ cảm thấy khó chịu, và nó trở thành nỗi bất hạnh. Một ví dụ dễ hiểu là khi ăn quá nhiều món ăn mà bạn thích thì nó sẽ khiến cho bạn ngán ngẫm. Rồi thì bạn không muốn ăn nữa, và cảm thấy không vui. Vì vậy, vấn đề là hạnh phúc thông thường của chúng ta thì bất toại nguyện, hay không ổn định. Cuộc sống bình thường của chúng ta thì thăng trầm, và đôi khi thì mình hạnh phúc, và đôi khi thì không hạnh phúc, nhưng không có gì bảo đảm cả. Bất kể điều gì đang xảy ra xung quanh mình thì ta không bao giờ biết mình sẽ cảm nhận ra sao trong khoảnh khắc tiếp theo. Đột nhiên, ta có thể không vui, hoặc buồn chán, hay chán nản. Nó liên tục lên xuống, thăng trầm như vậy.
- Loại khổ thứ ba được gọi là nỗi khổ thâm nhập khắp nơi (hành khổ), và nó là cơ sở khiến ta trải qua những thăng trầm của nỗi bất hạnh và hạnh phúc thông thường. Cơ sở chính là sự tồn tại hay tái sinh bất tự chủ của mình, theo tiếng Phạn là samsara. Chúng ta cứ phải tái sinh nhiều lần với một loại thân tâm, là cơ sở để trải nghiệm những thăng trầm, hay hạnh phúc và bất hạnh thông thường của đời sống. Đây là khổ đế, vấn đề thật sự của mình. Đây là nỗi khổ chính mà mình sẽ nhìn thấy, nếu ta thấy được thực tế.
Tập Đế
Nếu thấy được thực tế thì bạn sẽ thấy sự thật là những gì mình trải nghiệm sẽ thăng trầm, với một cơ sở cũng cứ lặp đi lặp lại. Khi thấy được điều này thì mình sẽ hiểu rằng nó phải xuất phát từ một nguyên nhân. Điểm chính của chân lý tương đối là tất cả các pháp sinh khởi từ nguyên nhân, vậy thì điều gì là nguyên nhân thật sự, khiến ta phải liên tục vướng vào tái sinh bất tự chủ, như được nói đến trong vần kệ? Nói cách khác là nó xảy ra như thế nào? Nguyên nhân để duy trì chu kỳ lặp đi lặp lại này là gì?
Trong buổi nói chuyện cuối cùng thì ta đã thấy rằng nếu mình gặp bất hạnh thì đó là kết quả của hành vi phá hoại, và nếu mình có được hạnh phúc thông thường thì đó là kết quả của hành vi xây dựng. Cộng thêm vào đó là nghiệp, mà tôi thường dịch là sự ép buộc. Vậy thì chúng ta có hành vi bắt buộc phá hoại và hành vi bắt buộc xây dựng. Điều này không giống như hành vi xây dựng của một vị Phật, mà là hành vi có tính cách thúc bách, khi mình làm việc thiện một cách bắt buộc, dựa vào một bản ngã, hay phải là người hoàn hảo, và làm mọi việc đúng một cách bắt buộc. Điều này khá loạn thần.
Nếu ta hành động một cách bắt buộc thì đó là do tác động của phiền não, mà chúng ta đã thảo luận về mặt hành vi phá hoại thúc bách. Vì tức giận nên mình giết người. Vì tham lam mà mình ăn cắp thứ gì đó. Vì si mê mà ta cho rằng hành động của mình sẽ không có hậu quả, như là, “Tôi sẽ không bị bắt. Không sao đâu. Nếu như mình đi ăn cắp thì sẽ rất là vui!”.
Đằng sau hành vi phá hoại cưỡng bách này là sự vô ý thức, một từ ngữ thường được dịch là “vô minh”, nhưng không có ngụ ý là mình ngu ngốc, mà chỉ mê lầm thôi. Chúng ta vô ý thức về điều gì? Đầu tiên, chúng ta không có ý thức về nhân quả, mà nếu mình thật sự hiểu và vững tin thì sẽ hành động một cách tiêu cực. Theo bản năng thì ta biết rằng nó sẽ khiến cho mình đau khổ, đó không phải là một hình phạt, mà đơn giản là kết quả của những nguyên nhân mà mình tạo ra.
Thật ra thì có hai loại vô minh. Một là mình không biết rằng hành động có tính cách hủy hoại thì cuối cùng sẽ tạo ra đau khổ, hai là nghĩ theo cách ngược lại, như là, “Nếu mình hành động một cách phá hoại thì nó sẽ đem lại hạnh phúc cho mình. Nếu như đi ăn cắp món gì mà mình thích thì nó sẽ làm cho mình vui vẻ. Nếu như giết hại kẻ thù thì mình sẽ hạnh phúc.”. Mặc dù ngay sau khi có hành động tiêu cực đó thì ta có thể cảm thấy vui vẻ, như, “À, mình đã giết con muỗi đó, bây giờ mình có thể thư giãn!”, tuy nhiên, đối với những hậu quả lâu dài, cụ thể là cảm thấy bất hạnh, cho dù điều gì xảy ra, đó là vì hành vi phá hoại như thế. Vì vậy nên hành vi phá hoại xuất phát từ sự vô minh về nhân quả, nói một cách khác là không nhận thức được chân lý tương đối. Tôi sẽ không giả vờ rằng tất cả những điều này dễ hiểu, bởi vì nó không dễ hiểu, nhưng nó là điều mà chúng ta có thể học hỏi thêm.
Nếu như tóm tắt điều này thì lý do tại sao tôi thường cảm thấy không vui là vì tôi chưa hiểu nhân quả. Khi tâm tôi tràn đầy sân hận, tham lam, ganh tỵ, vân vân, thì nó sẽ khiến tôi hành động một cách tiêu cực. Thật ra việc này là tự hủy hoại bản thân, vì kết quả là tôi sẽ đau khổ trong một thời gian rất dài. Đây là sự liên kết mà mình phải thực hiện.
Hạnh phúc mà ta trải nghiệm cũng xuất phát từ vô minh, nhưng trong trường hợp này là vô minh về chân lý tuyệt đối về vạn pháp. Nói một cách chính xác hơn thì phải nói rằng vô minh đứng sau cả hai hành vi xây dựng và phá hoại. Đối với hành vi phá hoại thì chúng ta vô minh về cả hai chân lý tuyệt đối và tương đối. Đối với hành vi xây dựng thì ta chỉ vô mình về chân lý tuyệt đối mà thôi. Có một giọng nói trong đầu nghĩ rằng, “Tôi nên làm gì đây? Tôi muốn sự việc xảy ra theo ý mình! Tôi rất lo lắng.”. Có vẻ như có một cái “tôi” nhỏ bé mà mình có thể tìm ra, và đang nói chuyện. Nhưng điều này không tương ứng với thực tế. Không có điều gì như vậy. Chỉ có một bộ phận phát ngôn trong tư tưởng của mình, và không có cái “tôi” nhỏ bé đang thực hiện việc phàn nàn và lo lắng. Khi vô minh về cách mình hiện hữu thì mình đang vô minh về thực tại tuyệt đối, và ta đồng hóa mình với sự phóng chiếu về một cái “tôi” giả tưởng bên trong chúng ta. Bởi vì nó không tương ứng với thực tế, nên ta không an tâm về điều đó, và cố gắng làm cho bản thân an toàn. Dĩ nhiên là mình không bao giờ thành công.
Một cơ chế mà mình sử dụng để cố làm cho cái “tôi” nhỏ bé được tưởng tượng ra được an toàn là phiền não. Chúng ta cảm thấy rằng, “Nếu có thể có được điều gì thì mình sẽ được an toàn”, nên ta khởi tâm tham lam, luyến ái và tham dục. Rồi mình cảm thấy rằng, “Nếu có thể tránh xa điều đó thì mình sẽ được an toàn”, nên ta khởi tâm sân hận và ác cảm. Hay mình có thể ngây thơ và nghĩ rằng, “Nếu cứ giả vờ là bất cứ điều gì đang đe dọa mình không hề tồn tại thì mình sẽ được an tâm”. Trên cơ sở này thì ta cũng có hành vi tiêu cực, như khi mình thờ ơ với sự căng thẳng đang tăng lên bên trong. Dựa trên cơ sở này thì mình la hét, làm tổn thương và thậm chí giết người. Với lòng tham thì ta trộm cắp hay có hành vi tình dục bất ổn, làm tổn thương người khác. Với sự si mê thì ta trở thành người nghiện công việc, ăn uống theo chế độ thiếu lành mạnh, và không bao giờ tập thể dục. Vì vậy mà tất cả những điều này xuất phát từ sự vô minh về chân lý tuyệt đối, cách mình tồn tại, và về nhân quả.
Đối với hành vi xây dựng thì ngay cả khi có thể không có cơ sở phiền não thì vẫn có sự vô minh này đàng sau tất cả. Ta sẽ cố chứng minh, hoặc thiết lập sự tồn tại của mình bằng cách làm người hoàn hảo hay người tốt, bằng cách làm một phụ huynh tốt nhất, hay bất cứ điều gì, để “Điều này sẽ làm cho cái 'tôi' nhỏ bé trong đầu tôi cảm thấy an toàn”, nhưng nó chẳng bao giờ thành công. Chúng ta không bao giờ thấy an toàn. Mặc dù ta sẽ có niềm vui nào đó khi giúp đỡ người khác, nhưng đó vẫn là hạnh phúc bình thường, nên sẽ không lâu bền. Ta sẽ không bao giờ hài lòng với nó, bởi vì chắc chắn ta vẫn cảm thấy mình chưa đủ tốt, chưa đủ hoàn hảo. Chúng ta vẫn cảm thấy mình phải chứng minh điều gì đó. Rõ ràng là nó dựa trên sự vô minh này ở mức độ sâu sắc nhất về cách mình tồn tại.
Đối với loại đau khổ thứ ba, tức cơ sở để trải nghiệm những thăng trầm của khổ đau và hạnh phúc thông thường, thì chúng ta có một đồ án rất phức tạp, gọi là “thập nhị nhân duyên”, mà tôi sẽ không giải thích chi tiết ở đây, nhưng nó liên quan đến cách mà nghiệp vận hành.
Theo cách đơn giản nhất thì nghiệp nói về sự ép buộc, dựa trên cơ sở đó mà mình hành xử theo cách nào đó, có tính cách phá hoại hay xây dựng. Thật ra sự ép buộc có nghĩa là gì? Ép buộc có ý nghĩa là bạn không thật sự có tự chủ đối với điều gì đó, giống như người nào bắt buộc phải gõ ngón tay. Điều này phát sinh từ cảm giác muốn làm một điều gì đó. Từ ngữ trong tiếng Tây Tạng chỉ có nghĩa là “tôi muốn làm điều đó, tôi ước mong được làm điều đó, tôi thích làm điều đó”, như cảm giác thích la hét, hoặc ôm ai, hay ăn uống. Rồi thì yếu tố ép buộc xuất hiện, và mình sẽ làm điều đó. Đơn giản là điều này sẽ tích tập một xu hướng nào đó để lặp lại hành vi ấy, và xu hướng trải nghiệm khổ đau, nếu đó là một hành vi phá hoại, và xu hướng trải nghiệm hạnh phúc, nếu đó là hành động mang tính xây dựng. Xu hướng này sẽ được kích hoạt ở thời điểm nào đó, do những trợ duyên nào đó. Nó sẽ chín muồi, rồi thì mình sẽ cảm thấy vui vẻ, hoặc không vui, hay muốn hét lên một lần nữa, hay muốn ôm ai một lần nữa.
Đây là một đồ án vĩnh viễn, cứ lặp đi lặp lại, bởi vì chúng ta liên tục trải qua mong muốn tiếp tục loại hành vi này. Rồi thì lề thói của hành vi này cứ lặp đi lặp lại không có kết cuộc, bởi vì ta không ngừng củng cố và tăng cường nó. Vì vậy mà mình sẽ luôn luôn trải qua sự thăng trầm của hạnh phúc và bất hạnh.
Ở đây, câu hỏi phù hợp nhất là làm thế nào để những xu hướng này được kích hoạt để tạo ra kết quả, để mình cảm thấy muốn lặp lại hành vi? Điều này được giải thích một cách rất hay ho với 12 khoen, ngay cả khi nó rất phức tạp. Chúng ta liên tục có sự thăng trầm này, và nó không cần phải là chuyện lớn. Ngay cả khi đang ngủ thì có lẽ mình ở trong trạng thái trung dung, khi mà mình không ngủ ngon, và không vui lắm. Vậy thì tâm trạng khi mình trải nghiệm nỗi khổ và hạnh phúc bình thường là gì? Chữ tiếng Phạn là trshna, có nghĩa là “khát khao”. Nó thường được dịch là “ái”, nhưng thực tế chỉ có nghĩa là khát khao.
Nói một cách cơ bản thì khi trải qua đau khổ thì ta sẽ muốn đoạn diệt nó, giống như bạn muốn thoát khỏi cơn khát. Khi trải nghiệm hạnh phúc thì mình không muốn rời xa nó, mà còn khát khao hơn nữa. Nó giống như khi bạn thật là khát nước, và uống ngụm nước đầu tiên thì không đủ, phải không? Bạn không muốn rời xa nước, mà muốn uống nhiều nước hơn nữa. Rồi thì điều sẽ xảy ra là một sự chấp thủ về một cái tôi vững chắc, khi mà mình nghĩ, “Tôi phải diệt từ nỗi khổ này”, “Tôi không được loại bỏ hạnh phúc này”, và điều này kích hoạt chủng tử nghiệp. Đây là nguyên nhân thật sự của nỗi khổ bao trùm khắp nơi. Thế thì xu hướng trải nghiệm hạnh phúc và bất hạnh, v.v., xuất phát từ hành vi trộn lẫn với phiền não, xuất phát từ vô minh về thực tại ở mức độ sâu sắc nhất, cách mà cảm giác của mình tồn tại (chúng thay đổi trong mọi lúc), và cách mình tồn tại (không phải là một thực thể không an toàn, có thể được tìm thấy trong đầu của mình, điều có thể được an toàn bằng cách chấp thủ).
Sự vô minh này là nguyên nhân cơ bản, và nó được liên kết với cả hành vi xây dựng và phá hoại của mình. Nó là kẻ gây rối thật sự, khiến cho các khuynh hướng hạnh phúc, đau khổ, và lặp lại hành vi của mình, thật sự tồn tại. Nếu như nhìn vào cơn khát này thì về bản chất nội tại, nó được nối kết với tâm vô minh về cách mình tồn tại. Chúng ta nghĩ rằng, “Tôi là 'tôi', người quan trọng duy nhất, nên không thể lìa xa niềm hạnh phúc này. Việc tôi không đau khổ là điều rất quan trọng”, thay vì là, “Được, tôi vui hay buồn ... vậy thì sao?” Nguyên nhân thật sự khiến ta tiếp tục tái sinh một cách vô tự chủ đơn giản là vì mình vô minh về nhị đế.
Chân Diệt Của Nhân Tạo Khổ
Chân lý thứ ba là diệt đế, khi mà nhân tạo khổ được chấm dứt, nên khổ đau cũng chấm dứt. Làm thế nào để đoạn trừ mãi mãi tâm vô minh về thực tại? Khi bạn nhận ra những điều không tương ứng với thực tế thì không có nền tảng nào cho nó nữa. Nó không tương ứng với bất cứ điều gì chân thật, nên không có điều gì để phát huy nó.
Chẳng hạn như khi bạn có một vài cảnh trí trong vở kịch, và có những cái cây phía để sau dựng đứng nó. Theo thuật ngữ Tây Tạng thì có nghĩa là không có gì giống như những cái cây như vậy để duy trì vọng tưởng của mình về những điều bất khả. Khi không có gì để chống giữ cảnh trí thì điều gì sẽ xảy ra? Nó sẽ rơi xuống.
Một khi bạn có thể chú tâm vào thực tại, rằng không có gì chống đỡ những vọng tưởng sai lầm của mình thì với sự tu tập, cuối cùng, bạn có thể chú tâm vào chứng ngộ này mãi mãi. Không có cách nào mà tình huống đó có thể xảy ra được nữa. Vở kịch về cái tôi nhỏ bé trong đầu tôi sẽ lo lắng là, “Tôi nên làm gì?” và “Tôi phải là người hoàn hảo” và “Sự việc phải xảy ra theo ý của tôi”, sẽ chấm dứt. Khi thấy rằng chẳng bao giờ có bất cứ điều gì chống đỡ những vọng tưởng của mình thì tâm ta sẽ không phóng chiếu bất cứ điều gì bất khả dĩ nữa. Trên cơ sở này, mình sẽ không kích hoạt bất kỳ xu hướng nào trong số đó nữa, bởi vì đó sẽ không có gì để kích hoạt chúng. Sẽ không còn những điều như vậy nữa: “Tôi, tôi, tôi. Tôi phải hạnh phúc, và tôi không thể đau khổ!”.
Nếu không có gì để kích hoạt xu hướng ấy thì bạn không thể nói rằng bạn có xu hướng đó nữa. Một cái gì đó chỉ có thể là xu hướng cho một kết quả, nếu có thể có một kết quả. Nói cách khác thì toàn bộ khái niệm về một xu hướng phụ thuộc vào việc có kết quả. Nếu không có kết quả thì không còn xu hướng sản sinh ra nó nữa.
Đây là cách mình có thể đảo ngược luân hồi. Mặc dù tâm ta tràn đầy những xu hướng từ vô thỉ, nhưng nếu không có gì để kích hoạt chúng thì chúng sẽ không tồn tại nữa. Khi duy trì nhận thức về thực tại thì ta sẽ đơn thuần không tích tập hành vi bốc đồng, mang lại nhiều xu hướng hơn. Nhờ vậy mà luân hồi và nền tảng cho những cảm xúc thăng trầm sẽ chấm dứt, kết thúc mãi mãi. Đây là một sự chân diệt, và ta sẽ thành tựu giải thoát.
Chân Đạo Dẫn Đến Chân Diệt
Diệu đế thứ tư thường được dịch là “đạo đế”, nói về các tâm thái hay sự hiểu biết giống như con đường dẫn bạn đến một mục tiêu. Đây là sự hiểu biết chính xác và quả quyết về nhị đế. Khi mình càng quen thuộc với nó, để cuối cùng mình sẽ có được nó trong mọi lúc, thì nó sẽ trở thành một đạo lộ đưa đến sự chân diệt của luân hồi.
Kết Luận
Đây là cách mà ta rút tỉa tứ đế từ nhị đế.
Làm thế nào để mình thể nhập luân hồi? Theo vần kệ mà chúng ta đã xem xét thì điều này thảo luận về hai diệu đế đầu, trong số Tứ Diệu Đế, đó là khổ đế và tập đế. Về cơ bản thì mình thể nhập luân hồi vì vô minh về nhị đế. Một là mình vô minh về thực tại, hai là tưởng tượng nó hoàn toàn khác biệt với thực tại. Làm thế nào để thoát khỏi điều này? Nhờ diệu đế thứ ba và thứ tư, hay chân diệt và chân đạo. Vì vậy, từ vô minh về nhị đế về thực tại mà ta có được hai diệu đế đầu trong Tứ Diệu Đế, và nhờ có sự hiểu biết mà mới có được hai diệu đế sau.
Mặc dù đây là một chủ đề rất phức tạp, nhưng đây là cách ta làm việc với giáo pháp nhà Phật, để cố đạt được sự xác tín rằng mình thật sự có thể đạt được những mục tiêu mà đạo Phật mô tả, và đang nhắm đến bằng việc tu tập. Một khi đã thấu hiểu tất cả mọi điều một cách chính xác thì ta có thể kết hợp nó với tất cả những điểm khác mà nó bao hàm. Sau đó, mình sẽ quen thuộc với nó nhờ thiền quán: ta sẽ biến nó thành một thói quen để thấy được thực tại.
Trên cơ sở lắng nghe, tư duy và thiền định này, ta có thể vững tin rằng mục tiêu mà mình đang hướng đến với công phu tu tập là điều khả dĩ, rằng nó là sự thật, và có thể đạt được, và chính mình có thể thành tựu nó, nếu ta có đủ nỗ lực. Theo cách này thì việc tu tập sẽ ổn định hơn rất nhiều, bởi vì nó không chỉ dựa trên niềm tin dễ bị lung lạc rằng những gì mình đang hướng tới có thể là điều khả dĩ. Thay vì vậy thì ta sẽ tin chắc vào điều đó.