Dẫn Nhập
Tứ Diệu Đế
Đức Phật đã tại thế khoảng 2500 năm trước ở Ấn Độ. Vì các đệ tử của Ngài đều có căn cơ khác nhau, nên Ngài đã dạy mỗi người theo một cách riêng, thích hợp nhất đối với cách họ sẽ lãnh hội giáo pháp, nhưng điều đầu tiên mà Ngài đã thuyết cho tất cả mọi người là về tuệ giác cơ bản, về cách Ngài thành tựu giác ngộ: Ngài đã dạy về điều mà Ngài gọi là “Tứ Diệu Đế”. Đây là bốn sự thật về đời sống mà phàm nhân không thấy là sự thật, nhưng các bậc có chứng ngộ cao (arya), những người đã nhìn thấy thực tại vô niệm thì sẽ thấy chúng là sự thật. Tóm lại, bốn chân lý này là đáp án cho những câu hỏi sau đây:
- Các loại khổ và vấn đề thật sự mà mọi người gặp phải trong cuộc sống là gì?
- Nguyên nhân của chúng là gì?
- Có thể thật sự thoát khỏi những vấn đề này hay không, để đạt được chân diệt, để chúng sẽ không bao giờ tái diễn nữa?
- Đâu là sự hiểu biết sẽ đưa đến chân diệt, vì nó sẽ đoạn diệt nhân tạo khổ?
Câu trả lời cho những thắc mắc này tạo nên cấu trúc cơ bản cho những gì Đức Phật đã giảng dạy một cách sâu rộng trong quãng đời còn lại của Ngài, và đây là điều đầu tiên mà Ngài đã dạy.
Khi nhìn vào Tứ Diệu Đế thì chúng không tự mình tồn tại một cách cô lập. Chúng đi theo một nền tảng, và dẫn đến một mục tiêu, khi chúng được lãnh hội trọn vẹn. Nói một cách đơn giản thì nền tảng cho tứ đế này, bốn sự thật về cuộc sống, là thực tại.
Nếu muốn tóm tắt đạo Phật trong một chữ, thì một trong những người bạn của tôi, người cũng là một giảng sư trong nhà Phật, đã nói rằng chữ đó sẽ là chủ nghĩa hiện thực.
Nếu có thể nhìn thấy thực tại, thấu hiểu và chấp nhận nó mà không phóng chiếu điều gì bất khả dĩ và phi thực tại về nó, thì ta sẽ có khả năng xử lý các tình huống rắc rối trong đời sống một cách thực tiễn.
Thế thì khai thị về thực tại là nền tảng cho bốn chân lý này. Tuy nhiên, thực tại bao gồm nhiều mức độ khác nhau về cách vạn pháp tồn tại và cách chúng vận hành trong đời sống. Đức Phật đã dạy tất cả những điều đó.
Tam Bảo
Từ Tứ Diệu Đế này thì điều rõ rệt là phương hướng mà mình phải đưa vào cuộc sống, để khắc phục đau khổ và khó khăn. Phương hướng này được biểu thị bằng cái mà biệt ngữ trong nhà Phật gọi là “Tam Bảo”, hay “Ba Đối Tượng Quy Y”, Phật, Pháp, Tăng. Mỗi một Bảo có ý nghĩa ở nhiều mức độ, nhưng ở mức độ sâu sắc nhất thì chúng biểu thị:
- Pháp - mục tiêu mà ta đang nỗ lực để thành tựu, cụ thể là đoạn trừ những khó khăn và nguyên nhân của chúng, và đạt được sự hiểu biết trọn vẹn, để đoạn diệt chúng mãi mãi.
- Phật – những bậc đã thành tựu mục tiêu này một cách viên mãn, và dạy cách để ta thực hiện điều này cho chính mình.
- Tăng – là những người noi theo giáo pháp này, và đã đạt được phần nào mục tiêu, nhưng chưa được trọn vẹn.
Khấn Nguyện 17 Đạo Sư Nalanda
Đức Dalai Lama đã sáng tác một tác phẩm tuyệt vời như một lời thỉnh cầu 17 vị đạo sư vĩ đại từ tu viện vĩ đại ở Ấn Độ vào thời cổ xưa, để ban cho nguồn cảm hứng. Tu viện này được gọi là Nalanda, và tồn tại khoảng một ngàn năm. Hoạt động như một tu viện, đó là trường đại học nổi tiếng nhất thời bấy giờ, và sản sinh ra những bậc thầy vĩ đại nhất của truyền thống Phật giáo Ấn Độ. Đức Dalai Lama đã sáng tác bài này theo hình thức một bài khấn nguyện mỗi một trong số 17 vị đạo sư lừng danh nhất: “Xin ban lực gia trì để con noi theo bước của ngài”. Sau những vần kệ khẩn cầu riêng rẽ cho từng vị một thì Đức Dalai Lama đã kết thúc bằng một vài câu kệ tổng quát hơn cho tất cả các vị đạo sư này.
Điều tôi muốn trình bày là luận giải về một trong những vần kệ kết thúc đó. Nó tóm tắt những gì tôi vừa giải thích về thực tại (nhị đế), Tứ Diệu Đế và Tam Bảo. Quy y chỉ có nghĩa là nếu đi theo phương hướng mà Tam Bảo nêu ra, thì ta sẽ tự mình thoát khỏi khổ đau và khó khăn.
Vần kệ đó là:
Khi thấu hiểu ý nghĩa của nhị đế, chính là nền tảng, cách mà vạn pháp an trụ,
“An trụ” nghĩa là cách các pháp hiện hữu, cách chúng vận hành. Nói cách khác là thấu hiểu thực tại.
Ta sẽ xác quyết về cách mình tiếp tục thể nhập vào, nhưng cũng có thể đảo ngược luân hồi, nhờ tứ đế.
Nếu hiểu được thực tại thì chúng ta sẽ hiểu cách mình tái tạo vấn đề, cũng như cách đoạn diệt chúng, nhờ tứ đế này.
Nhờ có nhận thức xác thực mà tín tâm về Tam Bảo trở nên kiên định.
Hãy nhớ rằng Ba Đối Tượng Quy Y được xây dựng theo mục tiêu mà ta có thể đạt được, sự chấm dứt hoàn toàn tất cả các vấn đề, để chúng không bao giờ tái diễn, và sự hiểu biết để đem lại điều đó.
Nếu bạn muốn tu tập đường tu nhà Phật thì hãy nhắm vào một mục tiêu. Làm sao để biết rằng mục tiêu đó có thể đạt được? Có phải nó chỉ là điều hư cấu? Có phải nó là một câu chuyện hay, hay là sự thật? Nhiều người sẽ nỗ lực để đạt được mục tiêu chỉ dựa vào niềm tin rằng “Thầy của tôi nói rằng nó là như vậy. Vậy là ổn rồi. Tôi muốn tin tưởng, nên sẽ tin nó là như vậy.”.
Điều này có thể hữu hiệu cho nhiều người, nhưng không luôn luôn là cách tu tập ổn định nhất. Sau khi tu tập một thời gian dài thì điều thường xảy ra là bạn sẽ bắt đầu đặt câu hỏi, mình đang làm gì đây? Đó là vì bạn vẫn sân hận, luyến ái, ích kỷ và nhiều hơn vậy nữa. Đó là những kẻ gây rối thật sự, và rất khó để đoạn diệt chúng. Nên việc tiến triển của sự tu tập rất chậm, nhưng bạn phải nhận ra rằng sự tiến triển cũng không bao giờ là một đường thẳng, mà luôn luôn thăng trầm. Có những ngày thì nó tốt đẹp hơn và có những ngày thì tồi tệ hơn. Nếu chỉ dựa vào tín tâm để tu tập các phương tiện của nhà Phật thì bạn có thể thấy chán nản, vì nó không có vẻ như bạn đang đi đến đâu. Sau đó, bạn sẽ đặt câu hỏi, “Thật sự là có thể đạt được mục tiêu hay không?”.
Đó là lý do tại sao vần kệ này nói rằng, “Nhờ có nhận thức xác thực”. Nói cách khác là khi bạn thật sự thấu hiểu, dựa trên sự hợp lý và lý lẽ, rằng mục tiêu đó tồn tại và có thể đạt được, rồi thì niền tin vào mục tiêu, tính khả thi của việc đạt được nó và có những người đã thật sự thành tựu nó, sẽ rất vững chắc. Bạn tin rằng những điểm này là sự thật, không chỉ vì chúng được viết trong những kinh sách thiêng liêng nào đó. Bạn đã vững tin rằng chúng là sự thật, bởi vì nhị đế là thực tại, và tứ đế và Tam Bảo sẽ theo sau một cách hợp lý, dựa trên thực tại.
Xin ban lực gia trì để con cấy rễ đường tu giải thoát.
Bạn gieo một hạt giống, nhưng ở đây bạn cấy một cái “rễ”, không phải một hạt giống. Sự lựa chọn từ ngữ này cho thấy rằng cấu trúc của nhị đế, tứ đế và ba đối tượng quy y là cội nguồn của toàn bộ đường tu nhà Phật, vì tất cả đều bắt nguồn từ đó. Khi cội rễ này được cấy trong tâm trí một cách vững chắc thì toàn bộ việc tu tập sẽ đặt nền tảng trên sự xác tín. Bạn sẽ hiểu những gì mình đang thực hiện, bạn hiểu rằng có thể đạt được mục tiêu, và hiểu mục tiêu đó là gì.
Tôi nghĩ rằng đây là một cách tiếp cận rất quan trọng đối với đạo Phật, bởi vì nếu mình sẽ noi theo một con đường tâm linh thì việc vững tin rằng nó thực tiễn là điều rất quan trọng. Nó không phải là một loại ảo tưởng lý tưởng mà mình bị lôi cuốn vì tình cảm, nhưng điều đó thì hoàn toàn bất khả. Nếu như ta vững tin rằng những gì mình đang thực hiện trong đời sống tâm linh là điều thực tiễn, thì có thể đưa cảm xúc lành mạnh vào trong đó. Chúng ta cần có một sự quân bình về cả hai: sự hiểu biết và cảm xúc lành mạnh, như lòng bi mẫn, nhiệt tình, kiên nhẫn và những điều tương tự.
Nhị Đế
Chân Lý Tương Đối, Quy Ước
Khi thấu hiểu ý nghĩa của nhị đế, chính là nền tảng, cách mà vạn pháp an trụ,
Dòng đầu tiên trong câu kệ nói về nhị đế: “chân lý tương đối”, hay “chân lý quy ước”, và “chân lý sâu tuyệt đối”, hay nói một cách khác là hai sự thật về thực tại của vạn pháp. Một cái ở mức độ thiển cận hơn, bề mặt hơn, và một cái ở mức độ sâu sắc nhất. Cả hai đều xác thực, nhưng từ các quan điểm khác nhau. Có rất nhiều bài thuyết pháp về nhị đế, nhưng ở đây, hãy theo dõi bài mà Đức Dalai Lama thường sử dụng khi nói chuyện với công chúng.
Nhân Và Quả
Đâu là mức độ bề mặt của chân lý về tất cả mọi việc mà chúng ta trải nghiệm? Đó là tất cả mọi việc mà mình hiện đang kinh nghiệm, chỉ vì mối quan hệ của nó với các nguyên nhân trước đó của nó. Nói cách khác là mọi việc sinh khởi hay xảy ra đều phụ thuộc vào nhân quả. Vật lý cũng dạy nguyên tắc nhân quả này, nhưng chỉ liên quan đến hiện tượng vật lý, chẳng hạn như mối quan hệ giữa việc đá một trái banh, và trái banh sẽ chuyển động. Mối quan hệ này là cơ học đơn giản, nhân và quả.
Đương nhiên, nhân quả có thể được giải thích ở mức độ phức tạp hơn nhiều, khi bạn xem xét tất cả các yếu tố đưa đến sự kiện của một điều gì đó. Chẳng hạn, nếu xem xét các vấn đề kinh tế, hâm nóng toàn cầu, chiến tranh ở các vùng, v.v..., thì rõ ràng là những sự kiện này không xuất phát từ chỉ một nguyên nhân. Chúng cũng không xuất phát mà không có lý do nào cả, và chúng cũng không xuất phát từ những nguyên nhân không phù hợp. Thay vì vậy, tất cả các tình huống như vậy phát sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Chúng bao gồm không chỉ những gì đang xảy ra trong hiện tại, mà còn có những gì đã xảy ra trong quá khứ. Giống như ở đất nước này, tại Ukraine, bạn có thể tách biệt tình hình hiện tại ra khỏi quá khứ của Liên Xô, hoặc Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, và tất cả những điều đó. Tình hình kinh tế và sinh thái ngày nay đã phát sinh như hệ quả của tất cả mọi việc đã xảy ra trong suốt lịch sử, nên bạn không thể nói rằng những gì hiện đang xảy ra là lỗi của một người hay một điều đã xảy ra. Sự việc phát sinh phụ thuộc vào một mạng lưới lớn của các nhân duyên. Đây là thực tại, đúng không?
Hay nếu nhìn vấn đề theo khía cạnh tâm lý học, khi có một vấn đề trong gia đình thì một lần nữa, bạn không thể nói rằng nó chỉ xuất phát từ một nguyên nhân, hoặc không có nguyên nhân. Mỗi thành viên trong gia đình đã đóng góp về mặt nhân quả cho vấn đề trong gia đình. Tương tự như vậy, bạn không thể nói rằng cách mà mỗi người trong gia đình cư xử không có liên quan gì đến những gì đang xảy ra cho họ ở công sở, ở trường và với bạn bè của họ. Tất cả mọi việc đều có ảnh hưởng. Hơn nữa, tình hình gia đình không tồn tại cô lập với xã hội và các hệ thống chánh trị, xã hội và kinh tế. Bằng cách này hay cách khác, tất cả những điều này đều ảnh hưởng đến vấn đề.
Vậy thì ở đây, chủ nghĩa hiện thực đề cập đến sự thật là vạn pháp đều tương quan lẫn nhau và ảnh hưởng đến tất cả những pháp khác. Tất cả mọi việc đang xảy ra là kết quả của một mạng lưới nhân duyên rộng lớn phức tạp. Đó là thực tại.
Nếu đây là trường hợp của các đối tượng vật chất, cũng như những vấn đề toàn cầu và vấn đề gia đình, vậy thì ở mức độ cá nhân đối với mỗi một người trong chúng ta thì sao? Còn hạnh phúc và bất hạnh thì sao? Chúng có nguyên nhân không? Có phải chúng sinh khởi mà không có nguyên nhân nào? Cuối cùng thì đôi khi, tôi hạnh phúc, đôi khi thì không cảm thấy hạnh phúc, và không có cách nào để biết tôi sẽ có cảm giác gì trong khoảnh khắc kế tiếp. Thế thì có phải điều đó xảy ra mà không có nguyên nhân? Hay nó đang xảy ra phụ thuộc vào chính những điều tôi đang làm trong lúc này? Điều đó không có lý, đúng không? Tôi có thể ăn cùng một món trong hai ngày khác nhau, và một ngày thì tôi cảm thấy vui vẻ khi ăn nó, rồi ngày khác thì tôi cảm thấy khổ sở khi ăn nó, thế thì nó không xuất phát từ thức ăn. Tôi có thể ở bên cạnh người tôi yêu nhất, và đôi khi vẫn cảm thấy hạnh phúc, đôi khi thì không hạnh phúc. Tôi có thể giàu có và mọi việc đều diễn ra một cách tốt đẹp, và tôi vẫn có thể không hạnh phúc.
Vậy thì niềm hạnh phúc và bất hạnh này đến từ đâu? Có phải một đấng cao cả nào đó đang bấm một cái nút để gởi chúng đến cho mình, để đôi khi tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc và đôi khi thì không? Hãy tha thứ cho tôi, tôi không có ý xúc phạm. Tôi đã đưa vấn đề đến một cực đoan ngớ ngẩn. Nhưng nếu tất cả mọi thứ mà bạn trải qua, như vật thể chuyển động, hay bàn tay của bạn bị phỏng và đau đớn khi vô tình đụng vào bếp nóng đều tuân theo luật nhân quả, thì không phải là hạnh phúc và bất hạnh cũng nên tuân theo luật nhân quả dễ hiểu hay sao? Đây là câu hỏi và điểm chính về thực tại, liên quan đến chân lý tương đối, trong bối cảnh của câu kệ này. Nó đề cập đến thực tại của mối quan hệ nhân quả, giữa hành vi và kinh nghiệm của mình, và hạnh phúc hay bất hạnh là kết quả.
Nghiệp
Điều này đưa chúng ta đến giáo pháp cơ bản của đạo Phật về nghiệp. Nghiệp là gì? Đây không phải là một chủ đề dễ dàng. Có một số giải thích và rất nhiều sự hiểu lầm, nhưng về cơ bản thì:
Nghiệp nói về sự bắt buộc, điều thúc đẩy và nét đặc trưng về cách hành động, nói năng và suy nghĩ của chúng ta.
Hành vi của chúng ta, dù là phá hoại, xây dựng, hay thậm chí trung lập, đều khá bắt buộc, nếu như bạn nghĩ về nó.
- Tôi khó chịu và muốn la hét với người nào đó, rồi bắt buộc phải hét lên.
- Tôi là người bảo vệ quá mức, và cứ muốn nhìn xem em bé có ổn không, rồi lại dòm chừng hết lần này đến lần khác một cách bắt buộc, nhiều hơn mức cần thiết hay lành mạnh.
- Tôi đói bụng và muốn đi đến tủ lạnh để lấy một món ăn vặt, rồi bắt buộc phải đi.
Sự bắt buộc này xuất phát từ đâu? Và nó sẽ dẫn đến điều gì? Đây là những câu hỏi mà giáo pháp về nghiệp nêu ra. Giải thích của đạo Phật là khi bạn hành động, nói năng hoặc suy nghĩ một cách bắt buộc thì nó sẽ tích tập tiềm năng và khuynh hướng trong dòng tâm thức của bạn, điều sẽ tiếp tục ở đó trong từng khoảnh khắc của kinh nghiệm của bạn sau đó. Khi bị các hoàn cảnh khác nhau kích hoạt thì chúng sẽ đưa đến cảm giác mà bạn muốn lặp lại lề thói hành xử. Dựa trên cảm giác đó thì sự bắt buộc sẽ nảy sinh, khiến bạn không thể kiểm soát được việc lặp lại hành động đó. Sự bắt buộc này là nghiệp liên quan trong đó.
Tất nhiên, bạn cũng có thể giải thích hiện tượng này ở cấp độ sinh lý: việc hành động theo một cách nào đó sẽ tích tập và củng cố một đường dây thần kinh, để sau đó bạn có thể noi theo một lề thói hành xử một cách dễ dàng hơn. Chắc chắn đạo Phật không bác bỏ nền tảng thể chất này, nó chỉ tiếp cận hiện tượng theo quan điểm kinh nghiệm, nhưng vẫn phân tích nó như một ví dụ xa hơn nữa về nhân quả.
Còn hạnh phúc và bất hạnh thì sao? Đạo Phật cũng giải thích những điều này về mặt nhân quả. Nếu bạn gặp bất hạnh thì đó là kết quả lâu dài của hành vi phá hoại mà bạn đã tạo ra dưới sự tác động của phiền não. Nếu bạn trải nghiệm hạnh phúc bình thường, loại hạnh phúc không bền lâu và không bao giờ toại nguyện, nhưng vẫn cảm thấy vui vẻ, thì đó là kết quả lâu dài của hành vi xây dựng, được thực hiện dưới sự tác động của cảm xúc tích cực, như nhẫn nhục và lòng tốt. Tuy nhiên, nó vẫn là hành vi bắt buộc, bởi vì nó bị lẫn lộn với tâm vô minh về cách mình tồn tại, như một người hoàn hảo hay cầu toàn một cách bắt buộc.
Làm thế nào để hiểu những mối quan hệ nhân quả? Trước hết, cần phải hiểu sự khác biệt giữa hành vi xây dựng và phá hoại. Sự khác biệt giữa hai điều này không được nêu ra về mặt ảnh hưởng của hành vi của bạn đối với người khác. Ví dụ, nếu bạn rất tức giận với người nào và đâm họ một dao, thì đó là điều phá hoại. Mặt khác, là một bác sĩ phẫu thuật, nếu như bạn dùng dao để giải phẫu người nào, để làm một việc cứu người thì đó là điều xây dựng. Rõ ràng là hành vi dùng dao đâm vào thân thể của ai không phải là yếu tố quyết định ở đây, cho dù hành động đó mang tính xây dựng hay phá hoại. Tất cả phụ thuộc vào động lực: tâm trạng mà hành động được thực hiện, và mục tiêu mà bạn dự định sẽ đạt được bằng hành động ấy.
Nếu hành động được phiền não thúc đẩy, chẳng hạn như sân hận, luyến ái, tham lam, ngây thơ, ganh tỵ, kiêu hãnh, ích kỷ và những thứ này, thì đó là điều tiêu cực, ngay cả khi bạn đang làm điều gì có vẻ tốt đẹp. Ví dụ, nếu bạn xoa bóp người nào vì lòng ham muốn, và muốn lợi dụng họ về mặt tình dục thì hành động của bạn là phá hoại. Mặt khác, nếu hành động tương đối không vướng phiền não thì nó có tính xây dựng, ngay cả khi hành động đó không đẹp chút nào. Chẳng hạn như với tư cách là cha mẹ, bạn bắt đứa con hư hỏng vào phòng của nó, không phải vì tức giận, mà vì lòng yêu thương và quan tâm để dạy nó không được nghịch ngợm. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp thì hành động mang tính xây dựng vẫn có tính cách bắt buộc, vì bị trộn lẫn với sự thôi thúc vô thức, tạo ra cảm giác về một bản thể chân thật từ hành động của bạn, trong trường hợp này, là một phụ huynh tốt
Vậy thì làm thế nào để hiểu mối quan hệ nhân quả giữa nỗi bất hạnh và hành vi phá hoại, dựa trên phiền não, và mối quan hệ nhân quả giữa hạnh phúc và hành vi xây dựng, tương đối không có phiền não? Đây không chỉ là một câu hỏi rất thú vị, mà còn là một câu hỏi rất quan trọng, bởi vì Đức Phật đã xác định nghiệp,phiền não và vô minh về cách mình tồn tại như là nguyên nhân cho cảm giác của mình. Chúng là nguyên nhân cho sự bất hạnh và hạnh phúc bình thường bất toại nguyện. Cần phải vượt lên trên cả hai, để thoát khỏi những nỗi khổ mà cả hai loại cảm giác đều chất chứa.
Hãy nghĩ về điều đó. Ví dụ như khi bạn đang hành động, nói năng hay suy nghĩ về điều gì đó hay người nào đó trong khi đang tức giận thì bạn có thấy thoải mái không? Năng lượng của bạn có trầm tĩnh hay không? Không, nó không trầm tĩnh chút nào. Nó bị kích động. Những lúc như vậy thì bạn có vui vẻ không? Tôi không nghĩ rằng bất cứ ai sẽ nói rằng họ vui vẻ, trong khi đang tức giận hay có bất cứ sự phiền não nào. Tương tự như vậy, nếu như quan sát năng lượng của mình trong khi bạn cảm thấy tham lam thì bạn sẽ không thoải mái, vì lo ngại là mình vơ vét không đủ. Khi rất quyến luyến với ai và nhớ họ rất nhiều thì bạn cũng không thoải mái, và năng lượng của bạn rất xáo trộn. Trong khi nếu không cảm thấy tức giận, tham lam, ích kỷ hay những điều như vậy, và chỉ cố gắng tử tế thì tâm bạn sẽ tương đối bình tĩnh, năng lượng của bạn sẽ êm dịu hơn, đúng không? Nói một cách cơ bản thì bạn cảm thấy hạnh phúc, mặc dù đây có thể là một mức độ hạnh phúc tinh tế, không có gì sôi nổi. Ngay cả khi bạn là một người “làm việc tốt” một cách cưỡng ép, và muốn làm cho mọi việc hoàn hảo thì năng lượng của bạn sẽ thoải mái hơn, và bạn sẽ hạnh phúc hơn khi làm điều gì lợi lạc, hơn là khi hành động vì tức giận. Đương nhiên, nếu trong khi làm điều gì tích cực mà bạn sợ lầm lỗi hay làm không đàng hoàng thì chắc chắn bạn sẽ không thoải mái vì những suy nghĩ và lo lắng như vậy.
Điều đáng chú ý ở đây là cảm giác bất hạnh hay hạnh phúc tương đối này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, ngay cả sau khi hành động của bạn đã kết thúc. Điều đó cho thấy rằng những gì bạn cảm thấy, ngay cả khi đang làm một việc gì khác, có thể bị ảnh hưởng vì những gì bạn đã làm trước đó. Tuy nhiên, khi Đức Phật nói về mối quan hệ giữa nghiệp và mức độ hạnh phúc hay bất hạnh mà bạn trải qua thì Ngài không chủ yếu đề cập đến những gì mình cảm thấy ngay sau một số hành động, mà Ngài nói về kết quả lâu dài hơn nhiều. Tuy nhiên, ta có thể bắt đầu đánh giá cao quan điểm của Ngài, khi nghĩ về mối quan hệ giữa hành vi đầy cảm xúc bắt buộc và cách năng lượng đang vận hành trong cơ thể.
Rồi thì chân lý tương đối về mọi việc mà mình trải qua là tất cả đều sinh khởi phụ thuộc vào nhân duyên, bao gồm cả tâm trạng chung của mình, và không chỉ những gì mình muốn làm, mà còn liệu mình có hạnh phúc hay không hạnh phúc. Đây là một khía cạnh của thực tại, mà câu trong vần kệ gọi nó là nền tảng, cách mà vạn pháp an trụ, nên đó là cách mà vạn pháp tồn tại, vận hành và hoạt động.
Chân Lý Tuyệt Đối
Chân lý thứ hai về vạn pháp thì tập trung vào một mức độ sâu hơn. Tuy các pháp có vẻ tồn tại và vận hành theo những cách bất khả vì vọng tưởng của chúng ta, những cách bất khả mà chúng có vẻ tồn tại thì không phù hợp với thực tại.
Sự hoàn toàn vắng mặt của điều gì có thể được tìm thấy mà tương ứng với sự phóng chiếu của mình được gọi là “Không tướng”, thường được dịch là “tánh Không.”.
Dù có nhiều mức độ vi tế trong những cách tồn tại bất khả mà tâm ta phóng chiếu vì tập khí vô minh, nhưng mình có thể bắt đầu làm việc với chân lý tuyệt đối này, bằng cách làm việc với nó ở mức độ tổng quát nhất: vạn pháp không tồn tại theo những cách bất khả. Làm sao chúng có thể tồn tại như vậy được? Thực tế là không có gì tương ứng với những điều vô nghĩa bất khả dĩ mà tâm vô minh của mình phóng chiếu ra. Nó hoàn toàn vắng bóng, không có điều gì là như vậy cả.
Hãy xem xét một ví dụ cổ điển: Một đứa trẻ nghĩ rằng có một con quái vật ở dưới gầm giường. Thật ra thì có một con mèo ở dưới gầm giường, nhưng đứa trẻ phóng chiếu lên con mèo rằng nó là một con quái vật. Sau đó, bởi đứa bé tin rằng thật sự có một con quái vật ở đó, mặc dù điều này vô nghĩa, nhưng nó rất sợ. Thế thì việc phóng chiếu những điều vô nghĩa này có ảnh hưởng đến đứa bé, nhưng nó chắc chắn không làm cho con mèo trở thành con quái vật thật sự, bởi vì không có thứ gì là quái vật. Thế thì tánh Không là sự vắng bóng hoàn toàn của một con quái vật thật sự, tương ứng với trí tưởng tượng của đứa bé. Chưa hề có một con quái vật và không bao giờ có thể có. Nhưng nếu lấy đi sự phóng chiếu thì vẫn còn một con mèo ở dưới gầm giường, chứ không phải là không có gì ở đó.
Theo thói quen thì ta tưởng tượng rằng mọi thứ tồn tại theo cách mà chúng xuất hiện đối với mình. Chúng ta chỉ nhận thức được những gì ở ngay trước mắt mình, hay những gì mình cảm nhận trong lúc này. Chẳng hạn như bây giờ tôi có thể không vui, và dường như cảm giác này tự phát sinh mà không có lý do nào cả. Tôi chỉ không vui. Tôi không biết tại sao. Tôi cảm thấy chán, cảm thấy tệ hại. Tôi không vui, và điều đó dường như không liên quan đến những gì tôi đang làm, hay với những người ở gần tôi. Đột nhiên tôi cảm thấy tồi tệ, không vui. Nó không cần phải là chuyện lớn. Nó có thể là một cảm giác không hài lòng ở mức độ thấp. Vậy thì nó xuất hiện như thế nào? Nó có vẻ như không có nguyên nhân. Nhưng điều đó bất khả dĩ. Điều đó không tương ứng với thực tại. Đó là chân lý tuyệt đối.
Vậy thì chân lý quy ước, tương đối là tất cả mọi thứ, bao gồm cả sự bất hạnh hay hạnh phúc của tôi, phát sinh từ một quá trình nhân quả. Mặc dù đó là thực tại, nhưng nó không xuất hiện như vậy đối với tôi. Dường như những gì tôi cảm nhận tự nhiên xuất hiện mà không có lý do nào cả. Chân lý tuyệt đối là cách nó xuất hiện đối với tôi không tương ứng với thực tại, đó là một sự phóng chiếu về điều gì bất khả dĩ. Nếu bạn nghĩ về nó thì điều đó thật sự rất sâu sắc.
Hãy để tôi đưa ra một ví dụ khác. Giả sử tôi có một người bạn thân, và đôi khi thì người này la hét với tôi. Chúng tôi có một mối quan hệ tuyệt vời, nhưng đột nhiên bạn tôi tức giận về điều gì đó và la hét với tôi. Điều này xuất hiện đối với tôi ra sao? Nó có vẻ như là “bạn không yêu tôi nữa”. Tôi rất buồn bực, vì tất cả những gì xuất hiện trong đầu tôi là bạn tôi đang la hét với tôi, và tôi hoàn toàn nhìn anh ta bằng điều đó, không có gì hơn. Nhưng sự phóng chiếu đó không tương ứng với thực tại. Việc la hét đó không xảy ra từ hư vô, hoàn toàn cách biệt với việc chỉ là một sự cố trong bối cảnh tình bạn lâu dài của chúng tôi. Có lẽ điều này cũng đã xảy ra với bạn.
Điều xảy ra là ta đánh mất toàn bộ mối quan hệ mà mình có với bạn của mình - tất cả những lần mà ta đã ở bên người này, tất cả những sự giao hảo trước đây giữa mình và họ. Nhưng đó không phải là điều duy nhất, mà mình còn mất tầm nhìn của viễn ảnh lớn hơn. Mình không phải là người duy nhất trong đời của người bạn này, và tình bạn của chúng tôi không phải là điều duy nhất ở trong đời sống của anh ấy. Ngoài tôi ra thì người bạn này có cả cuộc đời riêng tư, và điều này cũng ảnh hưởng đến cách anh ấy cảm nhận và hành động. Có thể anh ấy đã trải qua một ngày khó khăn trong công việc, hoặc có một số vấn đề với bố mẹ anh ấy, và điều này khiến người bạn của tôi rơi vào tâm trạng tồi tệ, nên anh đã la hét với tôi. Chân lý tuyệt đối là những điều tôi phóng chiếu là bất khả dĩ: thực tế thì không phải là việc anh ấy la hét với tôi hoàn toàn tự nó tồn tại, độc lập với bối cảnh của phần còn lại của tình bạn của chúng tôi, và phần còn lại của những gì đang xảy ra trong cuộc sống của anh ấy. Một thực tế tương ứng với sự xuất hiện của các sự kiện tồn tại một cách độc lập không thể nào tồn tại, không có chuyện như vậy. Sự vắng mặt hoàn toàn của phương cách tồn tại như vậy được gọi là “Không tướng”, “shunyata” trong tiếng Phạn, đó là chữ giống như chữ con số không.
Về mặt nhị đế thì khi các pháp không có sự tồn tại cô lập và độc lập với nhau, thì nhân quả sẽ hữu hiệu. Đó là vì nhân và quả chỉ tồn tại một cách tương đối và phụ thuộc lẫn nhau. Điều gì không thể tồn tại như một nguyên nhân, trừ khi có một kết quả khả dĩ bắt nguồn từ nó. Nếu một cái gì không thể tạo ra kết quả thì làm sao nó có thể tồn tại như là một nguyên nhân của bất cứ điều gì? Thế thì chân lý tương đối của các pháp, cụ thể là quan hệ nhân quả của chúng, chỉ có thể hoạt động vì chân lý tuyệt đối về vạn pháp: không có gì tồn tại theo cách bất khả, không tương quan với tất cả những pháp khác.
Thực tế là nhị đế hỗ trợ lẫn nhau theo cách này, như đã đề cập trong vần kệ, là nền tảng, cách mà vạn pháp an trụ. “Nền tảng” cũng cho thấy nó là nền tảng cho những điều trong dòng tiếp theo. Trên cơ sở thấy được thực tại, cụ thể là nhị đế, mà Đức Phật đã lãnh hội tứ đế.
Câu Hỏi
Trải Nghiệm Thực Tại Chân Thật
Có thể trải nghiệm thực tại chân thật một cách trực tiếp hay không, khi mà bạn không có bất cứ khái niệm sai lầm nào? Hay đó là một điều bất khả?
Không, không, có thể chứ. Mặc dù tâm hành của chúng ta khiến cho mọi thứ có vẻ tồn tại theo cách bất khả dĩ, tuy nhiên, vì trên thực tế thì chúng không tương ứng với thực tại, nên có thể đoạn trừ những điều gây ra sự biến dạng đó. Đó là vì có một điều như thực tế, và bởi vì thực tế bị bóp méo không phải là một phần của bản chất cơ bản của tâm hành. Tâm hành có thể hoạt động mà không có bất kỳ sự phóng chiếu hay biến dạng nào.
Trên cơ sở đó thì chúng ta hiểu rằng khi tâm hành của mình bóp méo hiện thực thì điều đó sẽ tạo ra cho mình những vấn đề, đau khổ và bất hạnh. Nhưng vì có thể ngăn chận tâm trí phóng chiếu sự méo mó đó, nên ta sẽ không còn tạo ra và trải qua vấn đề của chính mình. Một khi đã hiểu rằng tâm thức của mình có khả năng đạt được mục tiêu này thì chúng ta đã đạt được nó như là phương hướng an toàn nhất được đưa vào đời sống của mình, để tránh né và ngăn ngừa đau khổ. Phương hướng an toàn này là cái gọi là “quy y”. Nhưng chỉ có thể nhắm đến mục tiêu, khi mình vững tin rằng thật sự có thể đạt được nó. Lòng xác tín sẽ xuất phát từ việc nhận ra rằng tất cả những điều tôi đã đề cập đều dựa trên thực tế, và khả năng nhận thức của mình.
Tuy nhiên, nó đòi hỏi một sự rèn luyện rất lâu dài để làm quen với thực tại, để vượt qua các ám chướng. Đây là lúc mà thiền góp mặt. Trong bối cảnh này thì thiền là một sự rèn luyện để làm quen với thực tại, bằng cách tích tập cách nhìn thực tại như một tập khí ích lợi. Nếu bạn hình thành tập khí đó thì bất cứ khi nào gặp ai, bạn đều quen với cách nhìn thấy họ không chỉ theo cách mà họ thực sự xuất hiện trước mắt bạn, mà đúng hơn là bạn hoàn toàn nhận thức được rằng họ đã từng là một đứa trẻ, họ có một tuổi thơ và một cuộc sống trưởng thành, và nhiều điều đã ảnh hưởng đến họ trong suốt cuộc đời của họ. Và có lẽ họ sẽ già nua hơn và bị ảnh hưởng vì nhiều điều hơn nữa. Theo cách này thì bạn sẽ thấy thực tế của toàn bộ bối cảnh cuộc sống của con người, và thấy rằng mọi việc xảy ra trong đó đều liên quan lẫn nhau. Quan điểm này về thực tế của người này cho phép bạn giao tiếp với họ một cách lợi lạc và thực tế hơn nhiều, so với việc chỉ nhìn họ một cách thiển cận như một bức ảnh tĩnh lặng trước mắt mình.
Nhưng bạn cần phải rèn luyện bản thân để làm điều đó. Không có nghi ngờ gì là thật ra bạn không biết được tất cả các chi tiết về cuộc sống của họ và tác động của chúng, nhưng đó không phải là vấn đề. Chỉ cần nhận thức được rằng người này có một lịch sử trong quá khứ, với nhiều lực tác động, và rất có thể sẽ có một tương lai rất mở rộng đối với bạn về thực tế của người đó. Vậy nếu như thấy một đứa bé, chẳng hạn vậy, thì bạn không chỉ nhìn nó như một đứa bé; mà đây là một người có tiềm năng làm người lớn, và tất cả những gì mà tôi đang làm hiện nay sẽ ảnh hưởng đến việc em bé này trở thành người lớn như thế nào. Bạn sẽ nhìn vào toàn bộ bức tranh. Bạn đang tiếp xúc với thực tại.