Cách Nhìn Cuộc Đời Từ Quan Điểm Đạo Phật

Điều quan trọng nhất trong cuộc sống hàng ngày là tránh tất cả những cách hành xử, nói năng và suy nghĩ tiêu cực càng nhiều càng tốt, và trưởng dưỡng tất cả những điều tích cực, mang tính xây dựng càng nhiều càng tốt. Để thực hiện việc này thì tâm mình phải được điều phục, bằng cách đoạn trừ vô minh về thực tại và hành vi nhân quả. Khi sống một cuộc đời như vậy thì chúng ta sẽ có được quan điểm của nhà Phật đối với đời sống.

Chủ đề của chúng ta, Cách Nhìn Cuộc Đời Từ Quan Điểm Đạo Phật, trên cơ bản thì liên quan đến cách mình áp dụng Phật pháp trong đời sống hàng ngày. Thật ra thì Phật pháp có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Điều này vô cùng quan trọng. Chúng ta có thể nghiên cứu các giáo pháp và hành thiền mỗi ngày, nhưng làm cách nào để hội nhập những điều này vào đời sống hàng ngày thì không rõ ràng. Thật sự thì giáo pháp có ý nghĩa gì về mặt thực hành? Nó sẽ thay đổi cuộc sống hay ảnh hưởng đến cá nhân mình ra sao? Có phải việc tu hành đạo Phật chỉ là một điều mà chúng ta làm ở bên lề như một sở thích, hay một cách để trốn tránh khó khăn trong cuộc sống của mình? Có phải ta chỉ thể nhập vào một vài quán tưởng hay ảo tưởng đẹp đẽ, hay pháp tu của chúng ta là điều gì rất hữu ích, và trên thực tế, thật sự giúp ích cho mình trong cuộc sống? Cuối cùng thì đó là những điều mà Phật pháp dự tính thực hiện, để giúp mình khắc phục đau khổ và khó khăn trong cuộc sống.

Hướng Dẫn Hữu Ích

Chúng ta có thể tìm thấy một sự hướng dẫn rất hữu ích, để áp dụng giáo pháp trong cuộc sống hàng ngày, trong một bài cầu nguyện ngắn, được gọi là Ba Pháp Tu Phải Được Thực Hành Liên Tục, thường được tụng trước hầu hết các buổi thuyết pháp. Trong đó, chúng ta có những vần kệ sau đây:

Không làm điều ác,
Chỉ làm điều lành,
Điều phục tâm mình.
Đó là lời Phật dạy.

Đây là những điểm quan trọng nhất trong giáo lý nhà Phật. Trong dòng đầu tiên, 'Không làm điều ác', ác có nghĩa là điều gì tự hủy hoại mình, điều gì tạo ra khó khăn và bất hạnh cho người khác, hay về lâu dài, cho bản thân mình. Do đó, điều đầu tiên chúng ta phải làm trong pháp tu nhà Phật là cố gắng không làm hại người khác, hay bản thân mình. Trong dòng thứ hai, 'Chỉ làm điều lành', điều lành có nghĩa là điều gì mang lại những điều tốt đẹp cho người khác, cho mình, và đem lại hạnh phúc.

Để thực hiện điều này thì dòng thứ ba nói rằng, 'Điều phục tâm mình'. Điều này cho thấy nguồn gốc tạo ra cả ác hạnh và thiện hạnh. Để hoàn thành việc kềm chế điều thứ nhất và thực hiện điều thứ hai thì chúng ta phải tự mình cải thiện thái độ và cảm xúc của mình, vì chúng xuất phát từ tâm mình. Thái độ và cảm xúc của mình sẽ ảnh hưởng đến cách mình liên hệ với người khác và cách mình hành động, nói năng và suy nghĩ trong đời sống. Và dòng cuối cùng là, 'Đó là lời Phật dạy'.

Thấu Hiểu Thực Tại

Nếu nhìn sâu hơn một chút, như một trong những người bạn giảng sư Phật giáo của tôi đã nêu ra thì cách tiếp cận cơ bản của nhà Phật là phải thực tế: hiểu biết thực tại là gì, và đối phó với nó một cách thực tế. Nói cách khác là hành vi và sự hiểu biết của mình về sự việc phải dựa vào thực tại.

Thực tại là gì? Thực tại là nhân quả, hay cái thường được gọi là “duyên khởi”. Các pháp sinh khởi hay xảy ra phụ thuộc vào nhân quả. Nói cách khác là hành vi tiêu cực hay xây dựng của chúng ta xuất phát từ những nguyên nhân. Nếu như nhìn vào hành vi của mình thì ta sẽ thấy nó đang tạo ra vấn đề, hay đem lại nhiều hạnh phúc và lợi ích hơn cho bản thân và tha nhân. Nhưng không nên phát xét hành vi của mình. Việc không phán xét rất là quan trọng, đối với cách mình đối phó với cuộc sống.

Đạo đức nhà Phật không dựa vào việc tuân theo luật lệ từ một đấng thiêng liêng hay cơ quan lập pháp, hoặc nhà cai trị nào đưa ra. Nếu như có đạo đức căn cứ theo luật pháp như vậy thì chúng ta sẽ có sự phán xét. Nếu như tuân theo luật pháp và quy luật thì mình sẽ được coi là người tốt và được khen thưởng; và nếu không tuân theo những điều này, nếu như mình phạm pháp thì sẽ bị coi là người xấu, và đáng bị trừng phạt. Đó không phải là đạo đức của nhà Phật, hay cách đạo Phật đối phó với cuộc sống. Điều quan trọng là nhận thức được điều này, khi thấy mình đang phán xét bản thân. Đây là một trong những sự thay đổi sâu sắc trong thái độ mà chúng ta phải cố gắng thực hiện, đó là ngưng phán xét bản thân, chẳng hạn như nghĩ rằng mình là người xấu, không tốt, không đủ tốt, hay những điều mình đã làm thì rất là khủng khiếp.

Thay vì vậy, cần phải xem cách mình đối phó với cuộc sống về mặt nhân quả. Nếu ta tạo ra khó khăn và làm xáo trộn mọi việc thì điều này phát sinh từ nhân duyên, chứ không phải vì mình là người xấu. Nếu như nhìn sâu hơn thì ta sẽ thấy mình bị mê lầm đối với hoàn cảnh đó; chúng ta không thấu hiểu sự việc. Thật ra vấn đề là sự phóng chiếu. Mình có xu hướng phóng đại sự việc và phóng chiếu đủ điều vô nghĩa về bản thân, hoàn cảnh và những người xung quanh. Rồi thì mình có xu hướng tin rằng những vọng tưởng này tương ứng với thực tại, trong khi trên thực tế thì chúng không tương ứng chút nào. Nếu như tự quán xét bản thân và lý do tại sao mình hành động một cách tiêu cực, thường thì ta có thể thấy mình đã phóng chiếu một số điều vô lý lên bất cứ điều gì có liên quan đến tình huống, và phản ứng theo vọng tưởng của mình.

Nhị Đế

Gần đây, Đức Dalai Lama nói rất nhiều về những điều có thể là cách phổ quát nhất để giúp mọi người làm cho cuộc sống ít khó khăn hơn. Ngài không giới hạn bản thân cho đại chúng trong đạo Phật, mà nói một cách phổ quát, như mối quan tâm của Ngài. Ngài nói rằng chúng ta cần phải bắt đầu bằng cách thấu hiểu nhị đế. Đây là điều cơ bản nhất. Không cần phải xem xét nhị đế một cách rất tinh vi, mà bằng một cách cơ bản hơn nhiều, để bất cứ ai cũng có thể liên hệ với nó. Một mặt thì có những vọng tưởng dựa trên sự phóng đại hay không có gì ngoài những ý tưởng ngông cuồng của chúng ta; và mặt khác thì có thực tại. Đây là hai sự thật.

Đối với một tâm trí mê lầm thì vọng tưởng dường như là sự thật, chẳng hạn như, “Tôi là kẻ thất bại, tôi không tốt, không ai yêu tôi cả”, hoặc là “Đây là thảm họa lớn nhất trên thế giới”, khi món mình đang nấu bị khét, hay nhà hàng hết món ăn mà mình gọi, hoặc mình bị kẹt xe và nghĩ sẽ không bao giờ về tới nhà. Chúng ta phóng đại và cho rằng đây là những điều khủng khiếp nhất có thể xảy ra, và việc bị kẹt xe chẳng hạn, sẽ kéo dài mãi mãi. Chúng ta xem những vọng tưởng này là đúng. Đó là sự thật quy ước: những điều mà tâm mê lầm sẽ xem là đúng, dù là nó sai.

Rồi thì có thực tại, sự thật sâu sắc nhất. Thực tại là vụ kẹt xe xảy ra vì nhân duyên; đó là giờ cao điểm, và mọi người đều muốn về nhà. Vậy thì mình trông đợi cái gì? Nó giống như việc phàn nàn trời lạnh vào mùa đông. Chúng ta mong đợi cái gì? Mùa đông thì phải lạnh như vậy thôi.

Cần phải có khả năng phân biệt giữa hai sự thật, và khi nhận ra mình đang phóng đại và phóng chiếu những điều vô nghĩa thì hãy buông bỏ những điều vô nghĩa này. Nói tóm lại, nếu muốn hiểu được những gì đang xảy ra với mình trong cuộc sống thì cần phải hiểu sự khác biệt giữa nhị đế, và kết hợp sự hiểu biết này vào cuộc sống của mình. Đây là điều thiết yếu.

Điểm này được nêu ra trong dòng kế tiếp trong cùng một bài cầu nguyện:

Tựa như những ngôi sao, một hình ảnh mập mờ, hay một ngọn đuốc (xoay vòng), ảo ảnh, giọt sương hay bọt nước, một giấc mơ, một tia sấm chớp hay những đám mây, hãy xem các pháp hữu vi đều như thế.

Cần phải nhận ra khi mình phóng đại và phóng tưởng, làm cho chuyện không có gì hay rất nhỏ trong cuốc sống trở thành chuyện lớn. Cần phải nhận ra rằng những điều có vẻ rất thật chỉ giống như ảo ảnh, một giấc mơ, bọt nước và vân vân. Chúng không thật sự vững chắc như cách chúng hiện ra. Vì vậy, ta sẽ không tin rằng chúng tương ứng với thực tại. Việc không tin vào điều này thì giống như chọc thủng chiếc bong bóng trong trí tưởng tượng của mình.

Vọng Tưởng

Trên cơ bản thì có hai loại vọng tưởng; một số thì có lợi, và số khác thì có hại. Những vọng tưởng nào là hữu ích? Chúng ta có thể có một ý định tích cực hay trung lập; ví dụ như ta có thể có ý định tổ chức một chuyến đi. Chúng ta sẽ đi từ đây đến đó, và tính trước. Đó là một vọng tưởng: mình cần phải làm cái này hoặc cái kia, mang cái này hay cái kia theo, đặt chỗ, v.v... Loại vọng tưởng này cũng áp dụng cho thói quen làm việc hay lập danh sách mua sắm khi đến cửa hàng. Đây là những dự đoán liên quan đến những gì mình tính làm, một kế hoạch về cách mình sẽ hoàn thành một điều gì đó. Chúng ta thường làm điều này ở công sở, khi lập một kế hoạch cho những điều mình phải hoàn thành trong năm.

Tuy nhiên, rồi thì cần phải nhận ra dự kiến của mình giống như một giấc mơ. Điều đó có nghĩa gì ở mức độ thực tế? Nó có nghĩa là hãy linh hoạt. Đây là các pháp hữu vi, như bài cầu nguyện có nói. Chúng chịu sự tác động của nhân duyên; đôi khi, chúng được gọi là “pháp duyên sinh”. Các pháp sinh khởi dựa vào nhân duyên, nên khi lập kế hoạch thì tình hình sẽ bị nhân duyên ảnh hưởng, và những nhân duyên này có thể thay đổi. Một ví dụ về sự thay đổi có thể là không còn chỗ trống trên một chuyến bay nào đó. Dù mình đã tính đi chuyến bay đó, nhưng phải thay đổi kế hoạch. Thay vì phàn nàn và bực bội về điều này thì hãy chấp nhận thực tế. Đây là điều chúng ta cần phải rèn luyện. Khi bị dính mắc với kế hoạch ban đầu và không có sự linh hoạt để nhận ra là kế hoạch đầu tiên giống như một ảo ảnh, hay bọt nước và tất cả những điều ẩn dụ trong bài cầu nguyện, rồi thì mình giữ chặt nó.

Nó sẽ tạo ra điều gì? Nó sẽ tạo ra một tâm trạng rất không vui. Chúng ta có thể rất tức giận hay thất vọng. Nó chỉ làm cho mình đau khổ và không thay đổi được tình huống. Nguyền rủa vấn đề kẹt xe khi mình bị mắc kẹt trong đó sẽ không giúp ích gì; có bóp kèn cũng chẳng ích lợi gì. Điều hữu ích duy nhất là chấp nhận thực tế rằng tình hình mà mình dự trù đã thay đổi. Ví dụ như mình tính sẽ đến nơi vào một thời điểm nào đó; nhưng lại bị lỡ chuyến xe lửa, hay nó đến trễ, và không thể làm gì được hết. Đây là cách áp dụng giáo pháp ở mức độ hữu ích trong cuộc sống của mình.

Cần phải hiểu là có một cách đúng đắn và không đúng đắn để xem xét sự việc. Cách không đúng là nghĩ rằng điều gì liên tục chịu sự ảnh hưởng của các nhân duyên luôn thay đổi là bất biến và cố định, giống như nghĩ rằng kế hoạch nào đó phải cố định. Cách suy nghĩ như vậy rất thông thường. Cần phải sẵn sàng thay đổi kế hoạch, khi chúng cần được thay đổi, và sự việc không diễn ra như mình đã trù liệu. Ta có thể bị kẹt xe, hay người ta hủy bỏ cuộc hẹn, và những điều tương tự như vậy. Trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh (Engaging in Bodhisattva Behavior), ngài Tịch Thiên (Shantideva) đã ban cho lời khuyên tốt nhất về việc này:

Nếu có thể khắc phục vấn đề thì buồn bã để làm gì? Nếu không thể khắc phục vấn đề thì buồn bã lại có ích gì?

Lời khuyên ấy thật là cơ bản, là một điều mà chúng ta cần phải thẩm thấu và thể nhập nó thành một phần trong cách mình đối phó với cuộc sống. Nếu gặp tình huống khó khăn trong cuộc sống và nếu có thể thay đổi vấn đề thì chỉ cần thay đổi nó. Nếu không thể thay đổi vấn đề, và cũng không thể làm gì được thì buồn bực cũng chẳng ích lợi gì. Ví dụ như hành lý của mình bị thất lạc trong chuyến đi, và không thể lấy lại nó trong vài ngày thì cứ chấp nhận thực tế thôi.

Một vài tuần trước, tôi có một kinh nghiệm rất thú vị. Lúc đó, tôi đang đi Hòa Lan (Holland) để tham dự buổi thuyết pháp của Đức Dalai Lama. Tôi đến phi trường để bay đến Amsterdam, và xếp hàng để đến quầy xét vé. Hệ thống máy vi tính đã bị hư, và người ta xếp hàng rất dài. Mọi người đều lo sợ họ sẽ không thể đến quầy xét vé kịp thời để lên máy bay. Đến một lúc thì những người đứng trước tôi lấy vé và hộ chiếu của họ ra, và khi tôi cũng làm như vậy thì mới biết là mình đã quên mang theo hộ chiếu. Không thể dăng ký chuyến bay mà không có hộ chiếu, mà tôi cũng không có thẻ căn cước của nước Đức.

Đây là lần đầu tiên trong đời mà điều này xảy ra với tôi. Tôi phải làm gì đây? Tôi đang ở sân bay và hoàn toàn không có cách nào có thể quay trở lại căn hộ của mình, rồi trở lại phi trường với hộ chiếu kịp thời để đi chuyến bay đó. Tôi có buồn bực vì điều đó không? Có buồn bực cũng chẳng giúp ích gì. Tôi có tức giận không? Cũng chẳng ích lợi gì. Tôi đã đến quầy thông tin và hỏi liệu có chuyến bay nào trễ hơn không, và không có chuyến bay nào từ sân bay đó; nhưng có một chuyến bay vào tối hôm đó ở phi trường khác, ở phía bên kia của thành phố. Điều này có nghĩa là tôi sẽ không thể tham dự một sự kiện vào buổi tối mà tôi tính tham dự. Phải làm sao đây? Tôi đã trở về nhà, mua vé cho chuyến bay khác để bay vào tối hôm đó, chỉ thế thôi.

Những loại kinh nghiệm này là bài kiểm tra về cách mình đã hội nhập  giáo pháp vào đời sống ra sao. Chúng ta có buồn bực vì việc này và hoảng sợ hay không? Nếu như mình tức giận thì điều đó chỉ làm cho mình tổn thương và đau khổ. Cần phải chấp nhận thực tế ngay lập tức và lo liệu những điều mình cần phải làm. Đó là cách mình phải kết hợp và sử dụng lời dạy của Đức Phật về lẽ vô thường ở mức độ thực tiễn, thay vì bám chấp vào những vọng tưởng, ví dụ như về cách mình đã dự định đi một chuyến bay nào, rồi đi xe lửa từ phi trường Amsterdam đến Rotterdam, và tham dự sự kiện buổi tối. Điều đó giống như một giấc mơ, và sẽ không xảy ra. Được rồi, vậy thì bây giờ, chúng ta sẽ thực hiện một kế hoạch khác.

Điều này liên quan đến một chỉ giáo rất cơ bản, được nêu ra trong công phu hành thiền: chúng ta nên hành thiền mà không có kỳ vọng nào cả. Nếu không có kỳ vọng thì sẽ không có thất vọng. Điều đó rất cơ bản đối với ứng dụng thực tế trong đạo Phật.

Chị tôi có hai đứa con trai và bốn đứa cháu nội. Tôi luôn khuyến khích chị đừng mong đợi con trai hay cháu nội gọi điện thoại cho chị ấy. Nếu chúng ta mong đợi điều đó thì sẽ bị thất vọng, vì họ sẽ không làm điều đó. Nếu muốn nói chuyện với ai thì cứ gọi điện thoại cho họ. Nó đơn giản như vậy; và mình sẽ chấp nhận thực tế. Nếu có thể thay đổi tình thế thì hãy thay đổi nó. Nếu như không thể thay đổi vấn đề thì thôi. Chúng ta sẽ không nhận được hành lý thất lạc sớm hơn thời gian nó sẽ đến nơi. Phải chấp nhận điều đó.

Xin nhắc lại, có hai loại vọng tưởng. Một loại thì hữu ích, vì mình cần phải thực hiện một số kế hoạch nào đó. Phải mua vé máy bay, nếu mình muốn đi đâu đó. Tuy nhiên, những vọng tưởng khác thì không những không hữu ích, mà còn gây hại nữa.

Quán Chiếu Và Ứng Dụng Thực Tiễn

Trước khi xem xét những vọng tưởng bất lợi thì bạn nên dành một chút thời gian để quán chiếu về tình huống của mình. Chúng ta linh hoạt đến mức nào? Mình sẽ buồn bực đến cỡ nào khi sự việc không đi theo dự tính? Chúng ta bị dính mắc đến mức nào đối với lịch trình cố định, về cách sự việc phải diễn tiến ra sao; chẳng hạn như công việc này phải được thực hiện ở đúng thời điểm này; hay nếu như đến nhà hàng thì họ sẽ có đúng những món ăn mà mình thích, và nó sẽ được đem ra nhanh chóng. Chúng ta bị dính mắc với một số kế hoạch và kỳ vọng đến mức nào? Hãy cố nhận ra nó khó chịu như thế nào khi mình bị thất vọng. Ta thất vọng vì những kỳ vọng của mình. Ta nghĩ rằng kế hoạch của mình phải tương ứng với thực tế, về cách mọi việc sẽ diễn ra.

Nhưng tất cả mọi việc đều phụ thuộc vào nhân duyên. Nhà hàng có thể hết món ăn mà mình thích. Đây là nhân duyên. Chuyến xe lửa đến trễ; chúng ta bị kẹt xe và hụt chuyến bay. Đây là những nhân duyên. Hãy bỏ ra vài phút để quán sát bạn linh hoạt như thế nào. Đó có phải là điều mà bạn cần phải cải thiện không? Nếu chỉ học hỏi về lẽ vô thường, hay tập trung vào hơi thở, và nhận thức hơi thở là vô thường thì không đủ. Điều đó rất tốt, nhưng làm thế nào để áp dụng điều đó trong cuộc sống? Đó là khía cạnh chủ yếu của sự hiểu biết về vô thường.

Hãy nghĩ về một ví dụ thực tế như bạn làm rớt một cái dĩa, và nó bị vỡ. Cảm xúc của bạn đối với điều này ra sao? Bạn đang nấu bữa ăn tối và thức ăn bị khét. Bạn đối phó với điều đó về mặt cảm xúc như thế nào? Đó là nơi biểu lộ sự tiến bộ của mình. Chúng ta cố làm việc gì đó bằng máy vi tính hay điện thoại, nhưng không được. Bạn có thể thử làm cái gì khác ngay lập tức hay không? Hay bạn sẽ buồn bực? Bạn có chửi thề không?

Đây là những ứng dụng thực tế của giáo pháp. Nếu cảm thấy buồn bực trong những tình huống đó, và không thể chuyển sang kế hoạch B, luôn luôn có cách khác để làm điều gì đó trên điện thoại hay máy vi tính, v.v..., nếu bạn thấy buồn bực thì nó cho thấy đây là lãnh vực mà mình cần phải cải thiện.

Vọng Tưởng Bất Lợi

Như đã đề cập, trong hai loại vọng tưởng, một loại có lợi cho việc dự trù kế hoạch và lịch trình, và loại kia thì có hại. Hãy tưởng tượng những điều như “Tôi là người thất bại; không ai yêu thương tôi; đây là một người ghê gớm, và vân vân”  là bất lợi. Hay khi bạn nghĩ nếu thức ăn bị cháy, hoặc mình bị lỡ chuyến xe lửa thì đó hoàn toàn là một thảm họa. Những vọng tưởng bất lợi như vậy dựa trên sự phóng đại.

Khi tức giận, ta sẽ phóng đại những phẩm chất tiêu cực của một điều gì đó và thổi phồng nó lên. Nhiều người đã trải nghiệm điều này với xe điện ngầm hoặc tàu điện ngầm, khi vừa xuống cầu thang thì xe điện rời khỏi sân ga. Bạn có thể đối phó với điều đó như thế nào? Bạn có chửi thề không? Đó không phải là điều tồi tệ nhất trên thế giới, khi phải chờ thêm năm hay mười phút nữa. Nhưng chúng ta thổi phồng nó lên và phản ứng với sự tức giận, buồn bực. Điều này khiến cho ta không vui, và chẳng giúp ích gì, phải không?

Khi có lòng tham lam và luyến ái thì ta nghĩ rằng điều gì là tuyệt vời nhất trên thế gian, hay mình đang ở cạnh người tuyệt vời nhất. Chúng ta phóng đại, yêu mến, và chỉ nhìn thấy những mặt tốt được phóng đại của người đó thôi. Chúng ta kỳ vọng người đó sống theo cách phóng đại của mình, nhưng không ai có thể làm như vậy, rồi thì mình thất vọng.

Thái độ như vậy là có vấn đề. Thông thường thì vấn đề là chúng ta nhìn sự việc từ góc độ quá hẹp hòi. Điều này có thể xảy ra, ví dụ như khi mình gặp trở ngại trong cuộc sống, hoặc có ai từ chối mình, hay người nào làm điều gì khó chịu với mình. Một người có quan hệ tình cảm với mình làm điều gì đó mà mình không thích như không gọi điện thoại vào ngày sinh nhật của mình, hoặc tức giận và la hét với mình, hay có thể bất cứ điều gì. Chúng ta chỉ tập trung vào một sự cố. Chúng ta không thấy bức tranh rộng lớn hơn về toàn bộ mối quan hệ. Chúng ta chỉ nhận diện họ bằng hành động hẹp hòi này, nên rất tức giận.

Khi gặp khó khăn hay bệnh tật, ta có thể nghĩ rằng, “Tội cho mình quá; Tôi là người duy nhất đau khổ như vầy.” Đây cũng là một quan điểm rất hẹp hòi. Nó là một vọng tưởng dựa trên việc không nhìn thấy viễn cảnh lớn hơn. Chẳng hạn như “Không ai thương tôi hết.”. Nếu như nhìn lại cả đời thì có phải là không có ai yêu thương mình hay không? Con chó của mình không thương mình hay sao? Không có ai đã từng đối xử tốt hay chăm sóc mình hay sao? Một ví dụ khác là “Tôi đúng là một kẻ thất bại.” Điều này có đúng không? Có đúng là chúng ta chưa bao giờ thành công bất cứ điều gì? Chúng ta đã thành công với việc học cách đi đứng, hay học cách đi vệ sinh, nên chắc chắn mình đã thành công khi thực hiện một điều gì đó.

Một lần nữa, vọng tưởng của mình không tương ứng với thực tế; nhưng mình muốn nó phải tương ứng, nên tin rằng nó thật sự tương ứng. Chúng ta muốn người tình của mình là người tuyệt vời, đặc biệt nhất trên thế giới. Một ví dụ điển hình là chim cánh cụt ở Nam Cực, và cách chúng có một bạn đời suốt đời. Đối với mình thì chúng đều trông giống hệt nhau, nhưng đối với chim cánh cụt thì chỉ có con này trong cả đàn là con đặc biệt. Từ quan điểm của chim cánh cụt thì chắc chắn là con người có vẻ giống hệt nhau; nhưng đối với mình thì nếu như có ai khác yêu ta cũng chẳng hệ trọng gì. Không, chỉ có bạn thôi, người đặc biệt nhất, bạn yêu tôi. Đây là cách phóng đại không có ích lợi gì.

Phủ Nhận Thực Tế

Một hình thức khác của vọng tưởng bất lợi là phủ nhận thực tế, không nhìn thấy thực tế của người khác và phủ nhận nó. Điều này xảy ra khi chúng ta đối tượng hóa con người và biến họ thành một đối tượng mà không xem họ là con người có cảm giác. Có một câu rất nổi tiếng trong đạo Phật: “Tất cả mọi người đều muốn hạnh phúc, không ai muốn khổ đau.”. Chúng ta nghiêm túc về điều này đối với người khác đến mức nào? Thường thì mình hay bỏ qua điều đó và hành xử như thể dù mình có đối xử hay nói chuyện với người khác như thế nào thì cũng không sao. Như thể luật nhân quả không áp dụng ở đây, và không có ai khác có cảm xúc.

Ví dụ, một người nào đó trong văn phòng của mình rất đáng ghét và khó chịu. Nhưng họ vẫn muốn được hạnh phúc và không muốn khổ. Họ muốn được mọi người ưa thích và không muốn bị ai ghét. Họ hành động một cách khó chịu vì họ rất vô minh về những gì sẽ đem lại hạnh phúc. Một lần nữa, điều này trở lại vấn đề không phán xét. Như ngài Tịch Thiên đã nói, chúng ta phá hủy hạnh phúc của mình như thể đó là kẻ thù của ta. Nói cách khác, chúng ta chạy về phía nguyên nhân tạo ra nỗi bất hạnh. Nếu ai đó hành động một cách ích kỷ khủng khiếp thì điều đó chỉ khiến mọi người từ bỏ họ. Không ai thích cách họ hành động, nhưng người đó nghĩ rằng điều đó sẽ khiến cho họ hạnh phúc.

Điều này rất quan trọng: khi bạn gặp người khác thì hãy cố hiểu rằng, “Bạn muốn được hạnh phúc, cũng giống như tôi. Bạn có cảm xúc, cũng giống như tôi có. Bạn không muốn khổ đau và muốn được yêu thích, giống như tôi muốn. Bạn không muốn bị ghét bỏ hay từ chối, giống như tôi không muốn.”. Điều này rất hữu ích để thực hành trong khi đi xe buýt hay lái xe. Mọi người đều muốn đến nơi họ cần đến, và không ai muốn bị kẹt xe, giống như chúng ta cũng không muốn. Không có lý do gì để tức giận với người khác. Mọi người đều có cảm xúc, giống như mình cũng có cảm xúc.

Câu hữu ích nhất là: “Không phải ai cũng yêu thích Đức Phật; vậy tại sao ta lại mong đợi mọi người yêu thích mình?” Hay “Họ đã đóng đinh Chúa Giê-su, vậy chúng ta mong đợi điều gì cho bản thân?” Có phải là mọi người sẽ yêu mến ta? Điều này rất hữu ích, khi có ai không yêu thích mình, hay không phải ứng một cách tích cực như mình mong muốn. Đây là những câu có thể rất hữu ích trong cuộc sống ở mức độ thực tế, để đối trị những kỳ vọng và vọng tưởng không thực tế của mình. Chúng ta có thể nghĩ, “Tôi nên luôn luôn đúng, và mọi người nên nghe lời tôi.”. Nhưng tại sao họ nên nghe lời của mình?

Hãy nhớ rằng ở đây, chúng ta đang phân biệt giữa những điều thực tế và những điều không thực tế. Ta có thể có ý định làm tốt hơn, cải thiện, tập trung hơn, hay bất cứ điều gì. Việc làm tốt hơn, khi mà trên thực tế mình có khả năng để làm điều đó, là một kỳ vọng thực tế. Nhưng khi mình nghĩ rằng, “Tôi luôn luôn là người quan trọng nhất trong đời bạn. Bạn nên luôn luôn có mặt sẵn sàng vì tôi”, nên khi người phối ngẫu của bạn đi làm về và dường như không có gì xảy ra trong cuộc sống của anh ấy hoặc cô ấy trong suốt cả ngày, và họ về tới nhà không có chuyện gì, nên bây giờ thì họ phải hoàn toàn có mặt với mình, đó là một kỳ vọng không thực tế, đúng không?

Hãy dành một chút thời gian để xem mình có kỳ vọng không thực tế hay không. Chúng ta có bao nhiêu kỳ vọng không thực tế này, và có dễ nhận ra chúng không? Ta có nhận ra rằng chúng bất lợi, và làm hại bản thân khi mình tin tưởng chúng hay không? Chúng ta có thấy cách chúng tạo ra nỗi đau như thế nào không? Đức Dalai Lama thích gọi chúng là những kẻ phá rối nội tâm.

Nhiều người ở phương Tây chịu ảnh hưởng của triết lý có khuynh hướng phê phán. Đối với nhiều người trong chúng ta thì một trong những suy nghĩ rắc rối nhất là mình không đủ tốt. Điều này rất phê phán. Cần phải nhận ra rằng không ai đánh giá mình và chắc chắn chúng ta không cần phải đánh giá chính mình. Chúng ta có thể mê lầm; nhưng điều đó không có nghĩa là mình có khiếm khuyết hay xấu xa. Đây là một vọng tưởng tự hủy hoại bản thân rất nặng nề.

Điều thiết yếu là có thể phân biệt giữa hai sự thật. Điều có vẻ đúng đối với mình, ví dụ như mình không đủ tốt, thật ra là sai. Không có lý do gì để tin điều đó, nên phải cố gắng không tin tưởng nó, và sống theo luật nhân quả. Nếu muốn hoàn thành điều gì thì cần phải tạo ra nhân cho điều đó. Nếu điều đó khả dĩ thì chỉ cần thực hiện nó; và nếu nó bất khả dĩ thì hãy chấp nhận thực tế. Ví dụ, nếu muốn có một công việc tốt hơn thì cần phải tìm việc, chứ không chỉ chờ một cái gì từ trên trời rơi xuống, hoặc chờ ai ban tặng cho mình. Có nhân quả. Cần phải tiếp thu các khả năng và tận dụng chúng, và không chỉ mắc kẹt trong một tình huống, nghĩ rằng nó quá khủng khiếp, mình sẽ không bao giờ vượt qua được, và không làm gì được. Kiểu suy nghĩ này rất tiêu cực. Như lời cầu nguyện có nói, 'Không làm điều ác'. Đây không chỉ là về mặt hành động hay nói năng, mà còn về cách suy nghĩ. Nó bao gồm cách mình nhìn bản thân và người khác.

Tứ Diệu Đế

Cách tiếp cận phân biệt vọng tưởng với thực tại là làm thế nào để áp dụng tứ diệu đế trong đời sống. Như Đức Dalai Lama nhấn mạnh thì cần phải đi từ nhị đế đến tứ diệu đế. Cần phải hiểu rằng những vấn đề của mình, diệu đế thứ nhất, xuất phát từ những nguyên nhân, đó là diệu đế thứ hai. Chúng ta có những vọng tưởng này và, thêm vào đó là vô minh, hay không có ý thức là những vọng tưởng này không phù hợp với thực tại. Nếu muốn đạt được sự chấm dứt của điều đó, diệu đế thứ ba, để đoạn trừ nó, thì phải hiểu thực tại, tức diệu đế thứ tư, và làm bể bong bóng ảo tưởng của mình.

Không cần phải làm Phật tử để áp dụng điều này. Như Đức Dalai Lama có nói thì đây là cách tiếp cận phổ quát, không phải đề cập đến nó như tứ diệu đế. Chúng ta không phải gọi nó là bất cứ điều gì. Như vậy thì nó thật sự dẫn đến Tam Bảo mà không cần phải nói đó là gì. Chúng ta hiểu nếu nguyên nhân của vấn đề được loại bỏ thì vấn đề sẽ biến mất. Trạng thái mà tất cả các nguyên nhân và vấn đề đều biến mất, và sự hiểu biết đem lại điều này là Pháp Bảo. Đây là diệu đế thứ ba và thứ tư. Chư Phật là những người đã thực hiện những điều đó một cách viên mãn, và Tăng đoàn là những vị đã thực hiện điều này một phần nào.

Vậy thì chúng ta có nhị đế, tứ đế và tam bảo, và không cần phải làm Phật tử để có những điều này. Đường phân chia để trở thành Phật tử là mục tiêu để tu tập, cải thiện những kiếp tương lai. Tuy nhiên, cách tiếp cận này không đòi hỏi sự tin tưởng vào kiếp quá khứ và vị lai. Như Đức Dalai Lama đã nêu ra, cách tiếp cận kinh điển truyền thống của chúng ta như đã được đưa vào Tây Tạng vào thời của ngài A-đề-sa (Atisha) là lam-rim, động lực ở ba mức độ. Những điều này là nhằm cải thiện cuộc sống tương lai, thoát khỏi luân khỏi, rồi đạt giác ngộ, để có thể phổ độ tất cả chúng sinh thoát khỏi luân hồi. Toàn bộ cấu trúc này phụ thuộc vào những kiếp tương lai và tái sinh. Với bốn ý tưởng hướng tâm về Pháp thì đó là điều tương tự, tái sinh. Toàn bộ đường tu dựa trên niềm tin rằng có sự tái sinh.

Đối với người Tây phương, hay đối với cách tiếp cận tổng quát hơn thì tốt hơn là bắt đầu với nhị đế, tứ đế và tam bảo. Sau này, chúng ta có thể giới thiệu các cuộc thảo luận về nhân quả; nhưng nhân quả không có nghĩa lý gì, nếu chúng ta có một sự khởi đầu tuyệt đối. Điều này dẫn đến tâm vô thủy; và nếu hiểu tâm vô thủy thì sẽ hiểu tái sinh. Tại thời điểm này, chúng ta có thể thật sự muốn tạo lợi lạc cho những kiếp tương lai, và giải thoát khỏi luân hồi, vòng tái sinh bất tự chủ. Khi việc dấn thân vào đường tu tuần tự lam-rim chỉ dựa trên niềm tin về tái sinh thì nó không vững chắc. Không có nghĩa là thực hành lam-rim trên cơ sở này là vô ích; nhưng nó sẽ ổn định hơn, nếu chúng ta có thể bắt kịp ở mức mà người Tây Tạng khởi đầu theo truyền thống, cụ thể là niềm tin xác tín về tái sinh.

Sơ đồ về nhị đế và vân vân cũng chỉ cho mình cách kết hợp giáo pháp vào cuộc sống. Nó khởi đầu với sự phân biệt giữa vọng tưởng và thực tế, việc thừa nhận khi mình đang tạo ra vọng tưởng và có sự tin tưởng sai lầm về những vọng tưởng ấy. Tất cả những điều này phải được thực hiện mà không có sự phán xét. Ví dụ, “Tôi nghĩ bạn sẽ giúp tôi điều đó, nhưng bạn lại không làm”, hay, “Tôi nghĩ rằng bạn sẽ làm điều đó một cách đúng đắn, và bạn không làm được như vậy”. Trong công việc, chúng ta sẽ giao việc cho ai đó, với kỳ vọng họ sẽ làm tốt, nhưng họ không làm được như vậy. Vậy thì mình sẽ làm gì? Mình sẽ tự làm điều đó. Ta có tức giận với người đó không? Nó sẽ không giúp ích gì. Đừng giao cho họ một nhiệm vụ tương tự trong tương lai, hay dạy họ cách làm đúng. Hãy đối phó với thực tế. Chúng ta bực mình vì mong rằng người đó sẽ làm đúng mà không cần bất cứ sự hướng dẫn nào. Ta có thể hy vọng họ sẽ làm đúng; nhưng điều này thì khác. Nếu không có kỳ vọng thì không có thất vọng.

Cảm Xúc Phiền Não

Khi muốn noi theo câu 'Không làm điều ác' thì cần phải nhận ra khi cách hành động, nói năng hoặc suy nghĩ của mình chịu ảnh hưởng của cảm xúc phiền não. Định nghĩa của cảm xúc phiền não là một tâm trạng khiến ta mất đi sự an lạc và tự chủ, khi nó phát sinh. Khi tức giận thì mình không an lạc, rồi sẽ nói và làm những điều mình sẽ hối hận về sau. Khi chúng ta tham lam hoặc bám lấy ai thì đó không phải là một trạng thái yên bình và sẽ nói những điều mà sau này, mình cho là khá vô lý. Thường thì điều này sẽ khiến cho người khác bỏ đi, vì mình đòi hỏi quá đáng và bám víu họ.

Cần phải nhận ra khi mình hành động vì ảnh hưởng của cảm xúc phiền não. Khi có chút nhạy cảm với năng lượng của mình thì ta có thể thấy mình có một chút lo lắng, khi có một sự thù địch hay bám chấp bên trong. Những cảm xúc tiêu cực và phiền não này xuất phát từ sự vô minh, vô ý thức của mình. Chúng ta không có ý thức về nhân quả. Không phải là mình ngu ngốc; mà là không biết rằng các pháp bắt nguồn từ nhân quả, và những vọng tưởng của mình không phù hợp với thực tại.

Pháp Luyện Tâm Thất Điểm (Seven-Point Mind Training) có nêu ra một cách ngắn gọn:

Hãy đổ lỗi cho một điều, đó là tâm ái ngã

Điều này có nghĩa là ta luôn bám chấp mọi việc phải xảy ra theo cách của mình, theo cách mình muốn. Đó là thái độ “tôi trước tiên”: Thái độ mà tôi dự kiến và mong đợi mọi thứ sẽ diễn ra đúng như vậy. Việc đổ thừa thái độ như vậy đã tạo ra những vấn đề là lời khuyên rất hữu ích. Ví dụ như: “Tôi muốn nhà hàng này hoàn hảo”, hay “Tôi muốn buổi tối này hoàn hảo”, hay “Tôi muốn bạn hành động như thế này đối với tôi.”. Điều này xuất phát từ “tôi, tôi, tôi”. Ta chỉ nghĩ về bản thân mình, chứ không nghĩ đến bạn. Chúng ta không nghĩ rằng ai đó có thể đã trải qua một ngày khó khăn, hay bận tâm đến điều gì khác. Nó chỉ là về “tôi”, và những gì mình muốn. Đây là loại vấn đề mà chúng ta muốn lưu tâm đến và thay đổi trong cuộc sống hàng ngày. Quan điểm của đạo Phật về cuộc sống là đổ lỗi cho tâm ái ngã đã tạo ra tất cả vấn đề của mình. Điều này có nghĩa là ích kỷ và vị kỷ. Điều này không gợi ý là mình phải hoàn toàn bỏ mặc nhu cầu của bản thân, mà là không xem nhu cầu của mình là điều quan trọng duy nhất, và bỏ mặc nhu cầu của người khác. Đây là cách tiếp cận rất cơ bản.

'Chỉ làm điều lành' có nghĩa là hành động với sự hiểu biết và không tức giận, tham lam hay đòi hỏi. Không nên làm một người cần sự chấp nhận và luôn luôn cần sự chú ý của người khác. Khi những thái độ đó ảnh hưởng đến hành vi của mình thì rắc rối sẽ xảy ra, đúng không? Chúng ta đưa ra những yêu cầu không thực tế đối với người khác, rồi cảm thấy thất vọng. Hành động một cách xây dựng có nghĩa là không có những thái độ đó trong khi hành động. Điều này không có nghĩa là ở mức độ sâu nhất, mình đã đạt được chân diệt đối với những cảm xúc và thái độ phiền não này; nhưng ta có thể không hành động theo ảnh hưởng mạnh mẽ của chúng.

Đời Sống Là Nơi Tu Tập

Chúng ta không muốn vô minh và không nhận ra phẩm chất của người khác. Cần phải nhận thức rằng người khác cũng có cảm xúc giống như mình. Giống như mình không muốn bị từ chối hay thờ ơ thì người khác cũng không muốn bị thờ ơ hay từ chối. Đây là những nhận thức mà ta cần áp dụng trong đời sống. Để thực hiện điều này thì cần phải 'điều phục tâm mình', như đã được nêu ra trong dòng thứ ba của bài cầu nguyện.

Cách xem đời sống của mình như nơi tu tập là điều rất hữu ích. Thực hành có nghĩa là như vậy. Chắc chắn nó không chỉ giới hạn trong việc ngồi thiền trên tọa cụ, trong một môi trường đẹp đẽ im lặng với nến, nhang, và chắc chắn là không có trẻ con khóc.

Có một lần, tôi đến một trung tâm Phật giáo, nơi một đệ tử của tôi đang giảng dạy, và có người đã đem đứa con hai tuổi của họ vào lớp. Trong khi buổi học đang diễn ra thì đứa trẻ hai tuổi chạy vòng quanh lớp học. Chúng ta mong đợi gì ở một đứa bé hai tuổi, rằng nó sẽ ngồi yên hoàn toàn trong một tiếng rưỡi? Người giảng viên nói rằng việc đưa trẻ mới biết đi đến lớp là hoàn hảo; đó là một thử thách tuyệt vời, khi có đứa bé này chạy xung quanh và gây ra nhiều tiếng ồn, trong khi chúng ta đang cố gắng hành thiền. Đây là một pháp tu thực tiễn. Chúng ta có thể tu tập mà không buồn bực hay mất tập trung không? Không có nghĩa là phụ huynh sẽ không để ý, để cho đứa bé không bị tổn thương, nhưng chúng ta có thể thực hành với tiếng động ồn ào của xe cộ bên ngoài, hay thậm chí khi bị kẹt xe?

Đây là đời sống, và đời sống phải là nơi tu tập, là chiến trường thật sự chống lại vô minh, vô ý thức và những cảm xúc phiền não của mình. Trong tác phẩm Bồ Đề Bảo Xuyến (Bodhisattva’s Garland of Gems), ngài A-đề-sa nói rõ điều đó:

Ở chốn đông người, hãy giữ gìn lời nói.
Khi đơn độc, hãy giữ gìn tâm thức.

Điều này rất hữu ích. Khi ở cạnh người khác, hãy xem cách mình nói chuyện với họ. Không chỉ là lời nói mà còn là giọng nói, cảm xúc và thái độ đằng sau lời nói. Nếu thấy mình đang nói với tâm thù hằn hay kiêu hãnh thì hãy chú ý đến điều đó và hạ giọng xuống. Khi ở một mình thì cũng nên làm như vậy đối với tâm mình. Hãy theo dõi những gì mình đang suy nghĩ, chẳng hạn như hội chứng “Tội nghiệp cho mình quá, không có ai biết ơn mình hết.”.

Điều này dẫn đến điểm trong pháp Luyện Tâm Thất Điểm, đó là tác phẩm có nói rõ có ba điều khó khăn: phải có chánh niệm về pháp đối trị; có phương tiện chánh niệm để ghi nhớ chúng; chánh niệm để áp dụng và duy trì chúng. Đây là những điều khó khăn và quan trọng nhất mà mình phải có chánh niệm. Chúng ta đã lắng nghe về thực hành chánh niệm, nhưng điều này không có nghĩa là vì nó được hiểu trong bối cảnh Tây phương, nên mình chỉ có mặt trong hiện tại. Chữ “chánh niệm” có nghĩa là ghi nhớ. Cần phải nhớ rằng những gì mình đang phóng tưởng là rác rến, rồi áp dụng nhận thức này và tiếp tục sử dụng nó. Đó là tu tập thực tế trong đời sống hàng ngày.

Trạng Thái Vô Niệm Và Khái Niệm

Chúng ta đã nghe tất cả lời khuyên của nhà Phật về việc giữ cho tâm vô niệm và không có khái niệm. Điều đó nghĩa là gì? Tất nhiên, chúng ta có thể tụng đọc một định nghĩa và phân tích rất chuyên môn về điều đó; nhưng nếu như xem xét nó ở mức độ thực tế thì điều mà mình nhắm vào là không phải suy nghĩ về những điều này để áp dụng chúng. Trong tình huống mình bị lỡ chuyến bay hay xe lửa thì mục đích là không phải nghĩ về lẽ vô thường, và cách tất cả mọi việc đều do nhân duyên ảnh hưởng ra sao, và nếu ta nổi giận thì điều đó sẽ vô ích. Có thể mình phải nghĩ về những điều này trong bước đầu; nhưng cái mà mình muốn là giúp cho nó trở nên tự động. Mình sẽ không phải nghĩ về nó; nó đã có mặt sẵn ở đó. Mình sẽ tự động không phản ứng quá mức, thay vì vậy thì sẽ linh hoạt.

Đó là mục tiêu mà mình nhắm vào. Nó không phải là một trạng thái huyền bí. Có thể đây không phải là trạng thái vô niệm sâu sắc đầy đủ, nhưng nói theo cách phi kỹ thuật thì đây là điều mà mình đang tu tập để đạt được. Chúng ta tu tập để có thể kết hợp tất cả những giáo pháp này vào đời sống, để tránh tạo ra ngày càng nhiều đau khổ hơn cho tự thân và tha nhân. Tất cả là như vậy.

Câu Hỏi

Khi Nào Thì Nên Linh Hoạt Để Thay Đổi Kế Hoạch

Tôi muốn nghĩ mình là người linh hoạt, và muốn đối diện với thực tế, nhưng nó không phải luôn luôn là sự thật. Một vấn đề mà tôi gặp phải khi hiểu biết thực tế là lúc nào nên bỏ cuộc và lúc nào thì nên tiếp tục với một kế hoạch, khi đã biết những gì mình có thể thay đổi và không thể thay đổi. Ví dụ như tôi đã lỡ chuyến xe lửa, và nó đã chạy qua rồi, nên tôi bắt một chiếc taxi và lên xe lửa ở ga tiếp theo. Làm thế nào để biết việc cố gắng nỗ lực cho kế hoạch của mình là điều hữu ích?

Có một số yếu tố liên quan đến việc theo đuổi một kế hoạch hay buông bỏ nó. Chúng ta phải xem liệu có những sự lựa chọn khác hay không, và nếu có thể thay đổi nó, chẳng hạn như ví dụ của bạn về việc đi taxi và lên xe lửa ở ga kế tiếp. Nếu không có taxi thì sẽ phải bỏ cuộc. Đó là một ví dụ ở mức độ thực tế. Nhưng ở mức độ khác thì hãy cho rằng mình đã nộp đơn vào trường và bị từ chối năm nay. Liệu mình sẽ bỏ cuộc, hay sẽ nộp đơn lại vào năm sau? Mình phải cân nhắc điều này. Không có gì tiêu cực về việc nộp đơn vào năm tới, nếu như mình không được bất cứ trường nào khác nhận. Việc này đòi hỏi việc phân tích tình hình để xem điều gì là thực tế. Có phải chúng ta đang phóng đại khả năng và trình độ của mình hay không? Mình cũng cần phải hỏi ý kiến của người khác.

Mỗi một sự lựa chọn cần có sự phân tích; không có một câu trả lời được cấp môn bài bao gồm tất cả mọi việc. Cần phải xem xét việc hoàn thành mục tiêu của mình phụ thuộc vào điều gì, bởi vì mọi việc sinh khởi từ nhân duyên. Những nhân duyên này có thể được đáp ứng không? Nếu như hiện giờ chúng không thể được đáp ứng, thì chúng có khả năng được đáp ứng trong tương lai hay không? Có những sự lựa chọn khác hay không? Cần phải tiếp cận việc quyết định và thay đổi này một cách rất hợp lý.

Là Một Người Giàu Tình Cảm

Đây là điều mới mẻ đối với tôi, để xem cách mà tôi đang giữ bản thân mình trong vòng lẩn quẩn đau khổ. Tôi cố gắng nhớ là vọng tưởng của mình không hợp lý, nhưng cảm xúc của tôi thì khác, và cứ bị thụt lùi. Tôi có thể làm gì để thực hành việc không đánh giá thấp bản thân, bởi vì hiện nay, việc ghi nhớ là điều khó khăn?

Thông thường thì chúng ta biết điều gì có ích và điều gì là tốt nhất, nhưng cảm xúc của mình rất mạnh mẽ, đến nỗi khó mà làm bất cứ điều gì thay đổi nó. Nó thật sự là một vấn đề rất phổ biến. Ta cần phải cố dứt khoát hơn, nghĩa là phải tin rằng mặc dù tôi có thể rất xúc động và buồn bực, v.v..., nhưng nó không phải là điều mà tôi cho là quan trọng.

Điều quan trọng là không hiểu lầm điều này có nghĩa gì. Chúng ta có thể rất buồn bực hay xúc động vì một điều gì đó; nhưng những điều này sẽ trôi qua. Tâm trạng và cảm xúc sẽ trôi qua và thay đổi. Chúng ta không muốn bám chấp vào chúng và đồng hóa mình với chúng. Ví dụ như, không nên nghĩ rằng, “Tôi rất buồn vì tôi lại làm sự việc rối lên, và không sống đúng theo kỳ vọng của mình. Tôi không tốt chút nào.”.  Nếu nghĩ theo cách đó thì ta đang đồng hóa mình với tâm trạng, và sẽ bám giữ nó. Ta xem những gì mình cảm nhận là rất quan trọng hay đặc biệt, nhưng không phải như vậy. Nó chỉ là một tâm trạng thoáng qua. Cần phải vững tin rằng đó không phải là những gì mình muốn. Cần phải vững tin rằng tâm trạng này sẽ qua đi, rồi để nó trôi qua. Trong tâm khảm thì ta hiểu đó là một kỳ vọng không thực tế. Mình cảm thấy tổn thương, nhưng nỗi đau ấy sẽ qua đi. Ta sẽ không xem sự tổn thương đó nghiêm trọng như thể đó là ngày tận thế.

Theo truyền thống thì một tâm trạng có thể được mô tả như một đám mây trên bầu trời, và nó sẽ trôi qua. Đó thật sự là cách duy nhất để bắt đầu đối phó với nó. Ngoài ra, chúng ta cần nhận thức rằng cảm xúc sẽ thăng trầm. Một số người trong chúng ta đa cảm hơn những người khác, và vậy thì cũng được thôi, không phải phán xét về điều đó. Đó là một phần của việc chấp nhận thực tại. Thực tại là hiện giờ, đây là vị trí của mình; chúng ta có thể rất xúc động và dễ buồn bực, nhưng không nhất thiết phải bám lấy nó. Hãy tu tập nhiều hơn và nhiều hơn nữa, để vững tin thực tại là gì.

Ví dụ, “Tôi đã đến nơi nhập thất này và nghĩ mình sẽ có được định tâm tuyệt vời, nhưng tâm trí lại nghĩ đến bao nhiêu việc.”. Được. Vậy thì chúng ta đã có một kỳ vọng không thực tế. Tất nhiên, tâm sẽ đi lang thang và đương nhiên là nó chưa được tốt đẹp mà. Hãy hạ thấp kỳ vọng và thành thật về điều đó. Ví dụ như “Tôi có thể đạt được định tâm ở mức độ cao nhất, nhưng nó sẽ không xảy ra mà không phụ thuộc vào nhân quả. Tôi phải khổ công tu hành.”.

Hơn nữa, nếu ta là người rất giàu tình cảm thì xu hướng đó có thể được chuyển hóa và sử dụng để tạo ra cảm xúc tích cực. Trong trường hợp đó thì ta có thể cảm thấy lòng từ bi mạnh mẽ hơn. Theo ý nghĩa này thì việc có cảm xúc là điều tích cực. Cuối cùng thì có một số người rất lý trí, và rất khó để có bất cứ cảm xúc nào. Đối với họ thì rất khó để thật sự cảm nhận lòng từ bi. Nếu bạn là một người rất đa cảm thì điều gì tích cực đã có mặt sẵn rồi, nên chỉ là vấn đề chuyển hóa nó. Điều đó sẽ dần dần xảy ra, nếu bạn áp dụng luật nhân quả.

Tu Tập Ngoài Lãnh Vực Thoải Mái Của Mình

Chúng ta thực hành tất cả pháp tu này, và cũng thấy cần có người chịu trách nhiệm trong nhiều tình huống trong xã hội. Khi nào thì chúng ta biết mình đã sẵn sàng để bước lên một bước nữa, để ra khỏi lãnh vực thoải mái của mình và đối phó với những điều thách thức bản thân về mặt cảm xúc?

Điều này liên quan đến những gì có tính xây dựng hay phá hoại. Ví dụ, ra khỏi lãnh vực thoải mái của mình để đến một quán rượu và chơi với những người say rượu có thể không có tính xây dựng. Chúng ta có thể nói một vị bồ tát sẽ xuống địa ngục để giúp đỡ chúng sinh ở đó, nhưng điều đó có thể hơi quá đáng đối với một người như mình. Tuy nhiên, nếu chỉ ra khỏi lãnh vực thoải mái của mình để làm điều gì có tính xây dựng, như nói vài lời tử tế với một người vô gia cư trên đường thì lại khác.

Điều đầu tiên chúng ta cần phân biệt là mức độ hữu ích của tình huống không nằm trong lãnh vực thoải mái của mình có thể là về những gì mình đang cố gắng thực hiện. Một số bạn trẻ có thể đến một câu lạc bộ và nhảy nhạc techno suốt đêm cho đến sáng. Nó sẽ có ích lợi gì, khi ra khỏi lãnh vực thoải mái của mình và làm điều đó hay không? Đó đúng là việc ra khỏi lãnh vực thoải mái của mình, nhưng không có gì tích cực về điều đó cả, trừ khi ta đang cố gắng khắc phục thái độ phán xét tiêu cực. Nhưng ta có thể nỗ lực để khắc phục thái độ đó mà không phải nhảy cho đến sáng và bị điếc tai vì nhạc quá lớn. Tuy nhiên, có những thứ khác có thể nằm ngoài lãnh vực thoải mái của mình, chẳng hạn như làm việc với người tị nạn. Ra khỏi lãnh vực thoải mái để làm việc với người tị nạn thì có tính cách xây dựng và tích cực, giúp ta phát triển tâm bố thí quảng đại.

Ở Berlin, tôi có một lớp thảo luận nhỏ hàng tuần. Tất cả chúng tôi đều là bạn bè, và cùng nhau đi ăn sau lớp học. Tôi đã nêu ra câu hỏi về cách giáo pháp giúp họ như thế nào trong cuộc sống hàng ngày. Một trong những học sinh của tôi nói rằng anh ấy đang nỗ lực để ra khỏi lãnh vực thoải mái của mình, và giải thích rằng anh có xu hướng chú ý đến những người có bề ngoài đẹp đẽ nhiều hơn và gần gũi với họ hơn. Dù sao đi nữa thì anh xem họ quan trọng hơn người khác. Vì vậy, anh đã kết bạn với một người vô cùng mập mạp ở sở làm, có những nét kỳ lạ trên mặt và không phải là người hấp dẫn. Anh muốn thật sự thấy rằng đây là một con người muốn được hạnh phúc, được yêu thích và không muốn bị ghét bỏ hay bỏ rơi. Người này có thể trở thành một người bạn mới tuyệt vời, một viên ngọc quý. Anh quyết định không thờ ơ với người này. Đó là một ví dụ rất hay về điều gì tích cực, liên quan đến việc ra khỏi lãnh vực thoải mái của mình. Những việc như vậy rất có thể thực hiện được. Nếu muốn vượt qua giới hạn bình thường thì hãy thực hiện những bước khả dĩ, không phải là không thực hiện được.

Một người bạn khác thì đi đến cực đoan. Lúc nào anh cũng thích ra khỏi lãnh vực thoải mái của mình, ví dụ như anh sẽ đi chơi với những người bán thuốc phiện ở công viên. Anh ấy làm như vậy, vì cảm thấy khó chịu khi ở gần những người này. Thật ra thì tôi không thấy bất kỳ lợi ích nào trong đó. Nó gần như là cách ra vẻ đại trượng phu để thực hiện điều đó.

Chìa khóa cho điều đó là đổ lỗi cho một điều: tâm ái ngã. Khi không thoải mái với người khác hay tình huống nào thì đó là vì mình đang nghĩ về “tôi, tôi, tôi”. Ví dụ như, khi bạn nghĩ rằng, “Tôi không thích điều này, và tôi không thể xử lý nó.”, thì ta không nghĩ về người khác. Vấn đề là quan tâm đến người khác và thấy rằng tất cả chúng ta đều là con người.

Tóm Tắt

Đây là một số nguyên tắc rất cơ bản. Nếu có thể chấm dứt thái độ quá ích kỷ và vị kỷ thì chúng ta sẽ hạnh phúc hơn. Khi ở gần người khác, thay vì chỉ nói về bản thân, nếu như thể hiện lòng quan tâm chân thành đối với người khác và hỏi thăm về cuộc sống của họ thì mình sẽ vui vẻ hơn rất nhiều, và chắc chắn người kia cũng sẽ vui hơn. Đây là sự thay đổi cơ bản và thực tế về cách mình đối phó với đời sống và người xung quanh. Hãy nhớ điều này là chánh niệm mà chúng ta muốn đạt được. Chúng ta sẽ cố ghi nhớ để áp dụng lời khuyên này, khi tỏ ra ích kỷ, hay chỉ nghĩ về bản thân. Chẳng hạn như người kia đang bận và muốn đi, nhưng mình cứ nói hoài. Chúng ta nghĩ những điều mình phải nói rất quan trọng. Thật ra thì người kia có muốn nghe nó hay không? Không, nhưng mình cho là họ muốn nghe. Đời sống là nơi chúng ta cần phải áp dụng giáo pháp. 

Top