Tâm Xả Ly: Quyết Tâm Để Được Tự Do

Tâm Xả Ly: Định Nghĩa Và Ngụ Ý

Tâm xả ly (nges-'byung) là quyết tâm thoát khỏi không chỉ một vài dạng khổ, mà còn thoát khỏi nhân tạo khổ nữa. Nó đòi hỏi tâm sẵn sàng từ bỏ nỗi khổ và nhân tạo khổ, nên đòi hỏi lòng can đảm lớn lao. Nó không chỉ nhắm vào mục tiêu có được điều gì tốt đẹp, mà không phải trả giá cho nó.

Video: Geshe Tashi Tsering — “Tâm Xả Ly Là Gì?”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ “Vietnamese” để xem phụ đề tiếng Việt.

Tâm xả ly cũng ngụ ý tín tâm vào sự kiện rằng ta có thể thoát khỏi nỗi khổ đó, và nhân tạo ra nó. Đó không chỉ là điều mơ tưởng. Đó là tín tâm vào một sự kiện là đúng (dad-pa), theo cả ba cách.

  1. Tín tâm sáng suốt (dang-ba'i dad-pa), xóa sạch phiền não về đối tượng. Vì vậy, tâm xả ly đúng đắn sẽ xóa tan lòng do dự, tự thương hại và phẫn nộ về việc phải từ bỏ điều gì mình ao ước.
  2. Tín tâm vào một sự kiện là đúng, dựa vào lý lẽ (yid-ches-pa). Chúng ta phải hiểu làm thế nào mà việc thoát khổ và nhân tạo khổ là điều khả thi.
  3. Tín tâm vào một sự kiện, với nguyện vọng hướng về nó (mngon-dad-kyi dad-pa). Cũng như hai giai đoạn bồ đề tâm (giai đoạn tâm nguyện và giai đoạn tâm hành), ta không chỉ ước muốn hay sẵn sàng từ bỏ một mức độ của nỗi khổ nào và nhân tạo ra nó, dựa vào niềm tin rằng mình có thể làm như vậy, mà thật sự phải từ bỏ cả hai điều này càng nhiều càng tốt trong hiện tại, với khả năng của mình, dấn thân vào những pháp tu sẽ giúp ta thoát khỏi những điều này mãi mãi.

Hơn nữa, tâm xả ly đúng đắn không giống như tâm xả ly ngắn hạn sôi nổi (sna-thung spu-sud-kyi nges-'byung), từ bỏ mọi thứ một cách nhiệt tình và cuồng tín, dựa vào tín tâm mù quáng rằng một yếu tố bên ngoài sẽ cứu rỗi mình. Nó đòi hỏi một thái độ thực tế về việc mình phải tu hành khó nhọc. Chúng ta có thể có nguồn cảm hứng từ người khác, nhưng phải tự mình hạ thủ công phu.

Hơn nữa, phải có thái độ thực tế về cách mà sự tiến triển sẽ xảy ra. Việc thoát khỏi luân hồi không bao giờ là một quá trình tuyến tính, với mọi việc trở nên tốt đẹp hơn mỗi ngày. Luân hồi sẽ tiếp tục thăng trầm, cho đến khi ta được tự do mãi mãi. Khi nhìn từ góc độ của một khoảng thời gian dài, ta có thể thấy sự tiến triển, nhưng trên cơ sở hàng ngày, thì tâm trạng của chúng ta sẽ tiếp tục thăng trầm.

Vì vậy, phải giữ kỷ luật và kiên nhẫn, để chịu đựng khó khăn, khi noi theo đường tu nhà Phật, và có hạnh tinh tấn như áo giáp (go-cha'i brtson-'grus) để tiếp tục tu hành, bất chấp thăng trầm. Với tín tâm sáng suốt ủng hộ tâm xả ly, ta sẽ không thất vọng hay mất tinh thần.  

Hai Giai Đoạn Của Tâm Xả Ly, Theo Tông Khách Ba

Trong Ba Điểm Tinh Yếu Của Đường Tu Giác Ngộ (The Three Principal Aspects of the Path, Lam-gtso rnam-gsum), Tông Khách Ba (Tsongkhapa) đã phân biệt:

  1. Tâm xả ly của phạm vi sơ căn, đưa mối quan tâm chính để tạo lợi lạc cho kiếp này đến những kiếp vị lai
  2. Tâm xả ly trung căn, đưa mối quan chính đối với việc tạo lợi lạc cho những kiếp tương lai, đến thành tựu giải thoát khỏi luân hồi.

Điều thứ nhất là một mức độ tâm xả ly được phát triển chung với người ngoại đạo, những người muốn lên thiên đàng. Điều thứ hai thì dành riêng cho Phật tử.

Tâm Xả Ly Của Pháp Nhẹ Nhàng

Chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt này, bằng cách bổ sung thêm một giai đoạn sơ khởi, phiên bản “Pháp Nhẹ Nhàng” ("Dharma-Lite"), (như CocaCola có ít đường). Tâm xả ly của Pháp Nhẹ Nhàng đưa mối quan tâm chính của mình từ việc làm hài lòng bản thân trong thời điểm này, đến việc tạo lợi lạc cho những thời điểm sau trong kiếp này, hay những thế hệ sau.

Tuy nhiên, tâm xả ly của Pháp Nhẹ Nhàng chỉ có giá trị như một phần của đường tu nhà Phật, khi mình chỉ xem nó như một bước đệm, để đi đến hai mức độ Pháp "thực thụ". Để đi đến mức độ "thực thụ", thì phải hiểu giáo pháp về tái sinh của nhà Phật một cách đúng đắn, và tin rằng chúng là sự thật, dựa vào lý lẽ. Nếu không thì làm sao ta có thể tu tập một cách chân thành, để tạo lợi lạc cho những kiếp tương lai, hay để thoát khỏi tái sinh bất tự chủ?

Sau đó, với tâm xả ly của Pháp Nhẹ Nhàng, ta sẽ xem xét những vấn đề hàng ngày mà mình gặp phải trong đời sống - trong các mối quan hệ của mình, trong việc đối phó với những khó khăn, v.v... Chúng ta cũng xem xét các nguyên nhân, và sẵn sàng từ bỏ cả hai, để cải thiện chất lượng của cuộc sống này - và không chỉ ngay lập tức, mà còn cho thời gian sau này trong kiếp này nữa. Đây là tâm xả ly ở mức độ chung với tâm lý trị liệu.

Song song với cấp độ này, có thể có phiên bản Pháp Nhẹ Nhàng của pháp quy y (đưa phương hướng an toàn vào trong đời sống). Chúng ta sẽ quy y, để cải thiện bản thân, để sống với những sự loạn thần, để chúng chỉ tạo ra vấn đề tối thiểu cho mình. Ta sẽ trông cậy vào những người đã thành tựu điều này một cách trọn vẹn hay một phần nào, để chỉ cách cho mình.

Tâm Xả Ly Và Quy Y Tạm Thời

Lam-rim (đường tu tuần tự đến giác ngộ) trình bày chủ đề quy y trước tiên, về mặt tâm xả ly ở phạm vi sơ căn. Ở đó, nó dựa vào tâm sợ hãi những tái sinh tồi tệ hơn, và tín tâm vào sự kiện là Tam Bảo có thể dẫn dắt ta đến tái sinh tốt đẹp hơn. Giống như các phiên bản Pháp Nhẹ Nhàng, mức độ của tâm xả ly này cũng chỉ là điều tạm thời. Nó cũng không phải là hình thức đầy đủ, đúng nghĩa.

Pháp Bảo là sự chân diệt của khổ và nhân tạo khổ, và chân đạo dẫn đến chân diệt. Tuy nhiên, ở mức độ sơ căn, Pháp Bảo không phải là Pháp Bảo thật sự. Nỗi khổ mà mình muốn chấm dứt chỉ là nỗi khổ ô trược; nhân tạo ra nó chỉ là tâm vô minh về luật nhân quả; sự chấm dứt chỉ tạm thời; và đường tu là không tạo ác hạnh.

Hơn nữa, những người đã thành tựu điều gọi là Pháp Bảo này là những người có những tái sinh tốt nhất như con người và chư Thiên, không phải là chư Phật, và không nhất thiết là Thánh Tăng của những vị đã chứng ngộ tánh Không.

Tâm Xả Ly Và Quy Y Đúng Nghĩa

Chỉ ở mức độ Lam-rim trung căn, thì ta mới thấy tâm xả ly trọn vẹn, đúng nghĩa và pháp quy y trọn vẹn, đúng nghĩa. Ở đây, khổ đế là tất cả ba loại khổ (khổ khổ, hoại khổ và hành  khổ), tập đế là vô minh về tánh Không, diệt đế thì sẽ kéo dài mãi mãi - không chỉ tạm thời như tái sinh trong những cõi cao hơn, hay những tầng thiền định – và đạo đế là trí tuệ chứng ngộ tánh Không.

Ở đây, chúng ta sẽ thọ pháp quy y theo đúng nghĩa, và nhắm đến Pháp Bảo thật sự của những chân diệt và chân đạo một cách tương ứng, như cách chúng tồn tại một cách viên mãn trong dòng tâm thức của chư Phật, và tồn tại một phần nào trong dòng tâm thức của chư Thánh Tăng.

Tâm Xả Ly Và Quy Y Ở Cấp Độ Bồ Tát

Ở mức độ Lam-rim cao cấp của động lực bồ đề tâm, thì tâm xả ly sẽ nhắm vào việc giúp tất cả chúng sinh thoát khỏi nỗi khổ luân hồi và nhân tạo ra nó - không chỉ nỗi khổ vì đau đớn của họ, và không chỉ là nỗi khổ của một số chúng sinh. Ước nguyện cho tất cả chúng sinh hoàn toàn thoát khổ và nhân tạo khổ, với niềm tin xác tín rằng đó là điều khả thi, được gọi là "lòng bi mẫn". Tâm bi là một khía cạnh của tâm xả ly ở mức độ Bồ tát.

Để có được khả năng giải thoát tất cả chúng sinh, thì ta phải có một khía cạnh khác về tâm xả ly của chư Bồ tát. Chúng ta phải từ bỏ không chỉ phiền não chướng (nyon-sgrib) ngăn cản sự giải thoát của tự thân, mà còn phải từ bỏ cả sở tri chướng (shes-sgrib) ngăn cản tâm toàn tri. Một lần nữa, điều này ngụ ý việc hiểu biết tâm toàn tri, những ám chướng ngăn chận điều này, và tín tâm vững chắc rằng có thể đoạn trừ những ám chướng này mãi mãi. Nó cũng ngụ ý về tín tâm vững chắc rằng tất cả chúng sinh có thể đoạn trừ những ám chướng này mãi mãi.

Kết Luận

Trên suốt đường tu nhà Phật, chúng ta phải sẵn sàng từ bỏ nỗi khổ và nhân tạo khổ. Vì vậy, phải nhận ra cội nguồn của nỗi khổ là tâm ích kỷ, lười biếng, tham ái, sân hận, v.v..., và từ bỏ chúng càng nhiều càng tốt ngay bây giờ, và phấn đấu càng sớm càng tốt, để đoạn trừ chúng mãi mãi.

Thậm chí trong Mật tông, phải có tâm xả ly sâu sắc hơn nữa. Chúng ta phải sẵn sàng từ bỏ, rồi thật sự buông bỏ hình ảnh phàm trần về bản thân và đồng hóa mình với nó càng nhiều càng tốt. Tâm xả ly quả thật là một pháp tu sâu rộng, từ Pháp Nhẹ Nhàng cho đến pháp tu Mật tông cao nhất.

Top