Học Hỏi Về SEE: Trở Thành Công Dân Toàn Cầu

Học Hỏi Về Xã Hội, Cảm Xúc Và Đạo Đức, Đại Học Emory, Khuôn Khổ Ngắn Gọn

24:25
Học Hỏi Về Xã Hội, Cảm Xúc Và Đạo đức (SEE) là một chương trình được Trung Tâm Khoa Học Tư Duy Và Bi Mẫn Dựa Trên Đạo Đức (Center for Contemplative Science and Compassion-Based Ethics) ở Đại Học Emory phát triển. Mục đích của chương trình này là nuôi dưỡng những cá nhân, các nhóm xã hội và cộng đồng rộng lớn hơn một cách lành mạnh về cảm xúc, và có trách nhiệm về mặt đạo đức. Trong phần thứ ba này, và cũng là phần cuối cùng, Học Hỏi Về SEE: Trở Thành Công Dân Toàn Cầu, chúng ta sẽ hiểu cách mà thế giới phụ thuộc lẫn nhau như thế nào, cách mà tất cả mọi người đều ước muốn có được hạnh phúc, và chúng ta có thể đóng góp cho sự thay đổi ở cấp độ toàn cầu như thế nào.

Chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng phức tạp hơn, toàn cầu hơn, và phụ thuộc lẫn nhau hơn. Những thử thách mà các thế hệ trong hiện tại và tương lai phải đối diện có bản chất rất lớn rộng. Chắc chắn giải pháp của họ sẽ đòi hỏi một cách tư duy và giải quyết vấn đề mới, có tính cách hợp tác, liên ngành và định hướng toàn cầu. Chỉ có lòng bi mẫn thôi thì không đủ để tiếp cận thế giới. Bên cạnh lòng bi mẫn, còn phải bổ sung thêm những quyết định có tinh thần trách nhiệm, dựa trên sự hiểu biết về các hệ thống rộng lớn hơn mà mình đang sống trong đó.

Thoạt đầu, Phạm Vi Toàn Cầu có vẻ khó khăn, nhưng nó được xây dựng bằng cùng một loại kiến thức và kỹ năng, như đã được tìm hiểu trong phạm vi Cá NhânXã Hội, chỉ mở rộng thêm cho các cộng đồng, xã hội, và cộng đồng toàn cầu. Các chỉ số cho thấy giống như cách mình có thể hiểu hành vi của bản thân và người khác, thì khả năng thấu hiểu cách mà các hệ thống vận hành cũng là điều bẩm sinh. Bằng cách đào sâu nhận thức này, và áp dụng tư duy phê phán trong tình huống phức tạp, thì hoạt động đạo đức có thể phát sinh. Việc giải quyết vấn đề sẽ trở thành một quá trình toàn diện hơn, tránh xu hướng phân chia vấn đề thành những mảnh nhỏ, rời rạc.

Phạm Vi Toàn Cầu được tìm hiểu qua những đề tài sau đây:

  • Trân trọng Tính Tương Thuộc 
  • Thừa Nhận Nhân Loại Chung
  • Tham Gia Cộng Đồng Và Toàn Cầu

Trân Trọng Tính Tương Thuộc

Tính tương thuộc là khái niệm sự vật và sự kiện không phát sinh mà không có bối cảnh, thay vì vậy, lại phụ thuộc vào hàng loạt những sự vật và sự kiện khác, để tạo ra sự tồn tại của chúng. Ví dụ như một bữa ăn đơn giản mà mình ăn, nếu như đi ngược về quá khứ và nơi chốn, để truy nguyên những thành phần của thức ăn này, thì chúng xuất phát từ nhiều nguồn gốc và cá nhân khác nhau. Tính tương thuộc cũng có nghĩa là những sự thay đổi trong một lãnh vực sẽ tạo ra thay đổi ở những nơi khác. Kết quả đều có nguyên nhân, và trên thực tế, có thể phát sinh từ nhiều nhân duyên đa dạng.

Mục tiêu của việc quán chiếu về tính tương thuộc không phải để phát triển một sự hiểu biết khô khan về cách hệ thống toàn cầu hoạt động, mà là để liên hệ kiến thức với mối quan tâm của mình đối với bản thân, tha nhân và hành tinh. Chúng ta có thể tìm hiểu tính tương thuộc từ hai khía cạnh:

  • Thấu Hiểu Các Hệ Thống Tương Thuộc
  • Những Cá Nhân Trong Bối Cảnh Hệ Thống

Thấu Hiểu Các Hệ Thống Tương Thuộc liên quan đến việc đi từ trọng tâm “bên trong” và “khác”, sang trọng tâm “bên ngoài” của những hệ thống rộng lớn hơn. Chúng ta sẽ hướng nhận thức của mình vào việc thấu hiểu nguyên tắc của tính tương thuộc và các hệ thống toàn cầu, chẳng hạn như nhân quả. Với những cá nhân trong bối cảnh hệ thống, chúng ta sẽ nhận ra cách mà sự tồn tại của mình, cũng như của những người xung quanh mình, liên quan một cách phức tạp như thế nào đến hàng loạt các sự kiện, nguyên nhân và con người trên khắp thế giới.

Thấu Hiểu Các Hệ Thống Tương Thuộc

Tính tương thuộc vừa là quy luật tự nhiên, vừa là thực tại cơ bản trong đời sống của con người. Không ai có thể duy trì sự sống, dù nó sẽ yếu kém hơn nhiều, nếu như không có sự hỗ trợ của vô số những người khác, những người sẽ làm việc để cung cấp những nhu cầu thiết yếu cơ bản như thực phẩm, nước uống và nơi trú ẩn, cũng như cơ sở hạ tầng của vô số tổ chức chịu trách nhiệm về giáo dục, thực thi pháp luật, chánh phủ, nông nghiệp, vận chuyển, chăm sóc sức khỏe, v.v... Những cuộc khủng hoảng lớn đã được biết một cách rộng rãi, chẳng hạn như khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2007-2009, và những lo ngại ngày càng gia tăng về việc khí hậu thay đổi và bạo động trên toàn cầu, chứng tỏ tính tương thuộc về kinh tế và sinh thái ở mức độ toàn cầu.

Trong những xã hội truyền thống thì cảm giác kết nối với người khác đã ăn sâu hơn rất nhiều trong đời sống hàng ngày. Sự sống thường phụ thuộc vào việc chia sẻ và trao đổi tài nguyên, và các hình thức hợp tác xã hội khác, từ thu hoạch mùa màng, đến xây dựng công trình và chống lại thú săn mồi. Từ khi cuộc Cách Mạng Công Nghiệp xảy ra, với mong muốn cải thiện tình hình kinh tế, chúng ta đã trở nên lưu động hơn, và tách rời với cộng đồng. Điều này đã khiến cho ảo tưởng về tính độc lập phát sinh, khiến cho mình dễ tin tưởng rằng khi đến tuổi trưởng thành, ta sẽ không cần người khác nữa. Cảm giác tự túc sai lầm này đã góp phần gia tăng cảm giác cô lập về mặt tâm lý và xã hội. Chúng ta là những sinh vật có tính cách xã hội cao, mà khả năng sinh tồn cũng như sức khỏe tâm lý của mình đều phụ thuộc vào những mối quan hệ với người khác.

Những Cá Nhân Trong Bối Cảnh Hệ Thống

Để giúp cho sự hiểu biết của mình về các hệ thống phụ thuộc lẫn nhau có ý nghĩa, thì phải bổ sung cho nó, bằng cách xem xét cách mà tất cả chúng ta đều nằm trong bối cảnh lớn hơn như thế nào. Điều này sẽ giúp ta chống lại xu hướng sai lầm, xem bản thân như không hề liên hệ với người xung quanh, hay độc lập với hệ thống lớn hơn, bằng cách nào đó. Ở đây, chúng ta sẽ khám phá mối quan hệ của mình với người khác, và tính phức tạp của những mối quan hệ này. Kết quả sẽ nằm trong ba lãnh vực:

  • Cảm giác biết ơn người khác một cách chân thật, ở cấp độ hệ thống.
  • Nhận thức sâu sắc hơn về tiềm năng của mình, để định hình đời sống của người khác.
  • Khát vọng ngày càng gia tăng, để thực hiện những hành động đảm bảo phúc lợi rộng rãi hơn.

Chúng ta sẽ khởi đầu, bằng cách xem hành vi của mình ảnh hưởng đến người khác ra sao, và ngược lại, rồi tìm hiểu những cách khác nhau mà người khác sẽ đóng góp cho hạnh phúc của mình. Chúng ta có thể làm điều này, bằng cách lập một danh sách và xem đi xem lại. Thay vì chỉ tập trung vào những người mà mình biết, như trong Phạm Vi Xã Hội, thì ở đây, nó bao gồm phạm vi rộng hơn nhiều: những cá nhân, cộng đồng và hệ thống mà có thể mình không quen biết. Phải hiểu rằng mình không thể phát triển – đừng nói gì đến việc sống còn - nếu không có sự hỗ trợ của vô số cá nhân, nên việc trân trọng người khác là điều cần thiết.

Tất cả mọi người đều đóng một vai trò trong mạng lưới rộng lớn, là những người hỗ trợ cho đời sống của mình. Khi nhận ra điều này, thì cảm giác hỗ tương sẽ phát triển trong lòng mình. Ta sẽ không cần tìm hiểu xem người khác sẽ tạo lợi lạc cho mình như thế nào, trước khi chấp nhận là rất có khả năng, họ sẽ giúp mình theo cách nào đó. Khi nhận thức này tăng lên, thì bản chất hỗ tương, đôi bên cùng có lợi trong những mối quan hệ sẽ dần dần chiếm ưu thế hơn, so với quan điểm hẹp hòi, chỉ chú trọng vào bản thân, hay cạnh tranh với người khác. Việc cảm giác kết nối với người xung quanh ngày càng gia tăng sẽ có tác dụng trực tiếp chống lại cảm giác cô đơn, bằng cách gia tăng khả năng hoan hỷ cảm thông của mình. Nó sẽ giúp cho bạn tùy hỷ với thành tích của người khác, cung ứng pháp đối trị với lòng đố kỵ và ganh tỵ, cũng như tính tự phê bình gay gắt, hoặc so sánh với người khác theo cách không thực tế.

Thừa Nhận Nhân Loại Chung

Sự hiểu biết phong phú hơn về tính tương thuộc, đặc biệt là khi kết hợp với các kỹ năng được trưởng dưỡng trong Phạm Vi Xã Hội về lòng quan tâm đồng cảm, nên dẫn đến cảm giác quan tâm đến người khác nhiều hơn, và nhận ra những cách mà tất cả chúng ta đều tương quan với nhau. Sau đó, điều này có thể được tăng cường, mở rộng và củng cố, bằng cách trưởng dưỡng sự thừa nhận về nhân loại chung một cách rõ rệt. Ở đây, chúng ta sẽ sử dụng tư duy phê phán, để nhận ra cách mà ở mức độ cơ bản, toàn thể loài người đều có những điểm chung nào đó về đời sống nội tâm và điều kiện trong đời sống của họ. Dựa vào cách này, chúng ta có thể trưởng dưỡng một mức độ cảm kích, đồng cảm và bi mẫn đối với bất cứ ai, ở bất cứ nơi nào, ngay cả những người ở xa, hoặc có vẻ rất khác biệt với mình. Chúng ta sẽ tìm hiểu nhân loại chung, qua hai chủ đề:

  • Trân Trọng Tính Bình Đẳng Cơ Bản Của Tất Cả Mọi Người
  • Trân Trọng Cách Các Hệ Thống Sẽ Ảnh Hưởng Đến Phúc Lợi 

Việc trân trọng tính bình đẳng cơ bản của tất cả mọi người là khi mình nhận ra tất cả mọi người - từ bạn bè và gia đình mình, đến những người xa lạ ở phía bên kia hành tinh - về cơ bản, đều bình đẳng về khát vọng có được hạnh phúc và phúc lạc, và lánh xa nỗi khổ. Việc trân trọng cách mà các hệ thống sẽ ảnh hưởng đến phúc lạc, là thừa nhận rằng những hệ thống toàn cầu có thể thúc đẩy hay làm tổn hại phúc lạc ấy, thông qua việc áp dụng những giá trị tích cực, hay duy trì những niềm tin có vấn đề.

Trân Trọng Tính Bình Đẳng Cơ Bản Của Tất Cả Mọi Người

Chúng ta sẽ mở rộng việc nhận thức tính bình đẳng cơ bản của nhân loại đối với những người ở ngoài cộng đồng trực tiếp của mình. Cuối cùng, ta sẽ mở rộng nhận thức này với cả thế giới. Chúng ta sẽ thực hiện điều này, bằng cách chú trọng vào những điều mà là con người, tất cả chúng ta đều chia sẻ, chẳng hạn như ước muốn phát triển mạnh mẽ, và lánh xa nỗi khổ, cũng như bất toại nguyện. Điều này sẽ giảm thiểu thành kiến và xu hướng hạ thấp nhu cầu của người khác.

Bằng cách nhận diện người khác cũng giống như vậy, thì “nhóm thịnh hành” của mình có thể được mở rộng, để bao gồm những người thuộc về các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo khác nhau, v.v... Khả năng này được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau trong xã hội, từ việc một người hiến máu, cho đến việc quyên góp từ thiện mạnh mẽ sau khi một vụ thiên tai xảy ra, cho đến việc phản đối sự bất công đối với những nhóm mà mình không phải là một thành viên trong đó. Các kỹ năng trân trọng tính tương thuộc và đồng cảm với người khác đóng vai trò như pháp đối trị cho nhiều trở ngại mà mình có thể đối diện, khi liên hệ với người khác, chẳng hạn như thành kiến, cảm giác xa cách và không quan tâm đến vấn đề của những người ở ngoài vòng thân hữu của mình.

Khi chú trọng vào bản thân, thì thế giới có vẻ nhỏ bé, còn các vấn đề và mối bận tâm của mình thì có vẻ rất to lớn. Nhưng khi chú tâm vào người khác, thì thế giới sẽ rộng mở. Vấn đề của mình sẽ không còn là điểm chính trong tâm trí, nên sẽ có vẻ nhỏ bé hơn, và mình sẽ gia tăng thêm khả năng kết nối và thực hiện hành vi bi mẫn.

Trân Trọng Cách Mà Các Hệ Thống Ảnh Hưởng Đến Phúc Lạc

Các hệ thống có thể thúc đẩy hay làm tổn hại phúc lạc ở mức độ văn hóa và cấu trúc - bằng cách thúc đẩy những giá trị tích cực, hay duy trì những niềm tin có vấn đề, và tính bất bình đẳng. Chúng ta có thể dành thời gian để quán chiếu cảm giác của mình, khi gặp phải vấn đề bất bình đẳng, định kiến, thành kiến hay thiên vị. Chúng ta cũng có thể sử dụng những ví dụ trong lịch sử và vấn đề hiện tại, để minh họa tác động của những hệ thống có vấn đề như vậy. Cuối cùng, ta có thể tìm hiểu xem liệu định kiến và thành kiến có bao giờ là điều chính đáng hay không, hay toàn thể loài người có quyền bình đẳng, để mưu cầu hạnh phúc hay không.

Việc trưởng dưỡng tâm đồng cảm ở phạm vi rộng lớn hơn là điều rất quan trọng, bởi vì là con người, khả năng đồng cảm bẩm sinh của mình dường như không tự động sinh khởi, để bao trùm nỗi khổ ở quy mô lớn, hay những vấn đề ở cấp độ toàn cầu. Chẳng hạn như hầu hết chúng ta có xu hướng đồng cảm mạnh mẽ với một nạn nhân trong số nhiều nạn nhân. Tuy nhiên, nhờ cách học hỏi về vấn đề cơ cấu và văn hóa, thì lòng trân trọng và tuệ giác về nỗi khổ sẽ tăng trưởng, cũng như phản ứng tinh tế của mình đối với nỗi khổ sẽ gia tăng.

Nhờ việc thừa nhận nhân loại chung, mà ta có thể học cách giao tiếp và hợp tác giữa các nhóm sắc tộc và xã hội, trong khi có hiểu biết và kỳ vọng thực tế hơn về người khác. Với ý thức lớn hơn về những điều mà mình chia sẻ với tha nhân, ta có thể trân trọng, thay vì không tin tưởng vào những điểm khác biệt rõ rệt, và điều này sẽ giảm thiểu định kiến và sự cô lập. Nhờ việc hiểu biết cách mà phúc lạc của con người được định hình bằng các hệ thống, thì tâm đồng cảm, cũng như tư duy phán xét của mình về những giải pháp khả thi đối với nỗi khổ của con người sẽ trở nên sâu sắc hơn và bao trùm hơn.

Tham Gia Cộng Đồng Và Toàn Cầu

Việc trân trọng tính tương thuộc, hòa hợp với cách mà mình có được lợi lạc từ người khác, và thừa nhận nhân loại chung, có thể tạo ra tinh thần trách nhiệm và ước muốn hành động. Rồi thì tự nhiên, ta sẽ muốn đền đáp lòng tốt mà mình đã thọ nhận từ xã hội, và hành động thay cho những người đang gặp khó khăn, cần sự giúp đỡ. Tuy nhiên, làm thế nào để tham gia trong những hệ thống phức tạp, hoặc ở cấp độ cộng đồng hay toàn cầu một cách hữu hiệu?

Toàn bộ mục tiêu của Học Hỏi SEE là trợ lực cho chúng ta, để nhận ra và chứng ngộ tiềm năng của mình, với tư cách là những công dân toàn cầu giàu lòng trắc ẩn. Để đạt được điều này, có hai bước để tìm hiểu:

  • Tiềm Năng Của Mình, Đối Với Việc Tạo Ra Thay Đổi Tích Cực Trong Cộng Đồng Và Thế Giới
  • Tham Gia Vào Các Giải Pháp Cộng Đồng Và Toàn Cầu

Hai điểm này tương tự như nhau, nhưng điểm thứ nhất giúp cho ta nhận ra mình có thể làm gì, để tạo ra sự thay đổi tích cực, dựa trên khả năng và cơ hội của mình. Điểm thứ hai giúp ta tìm hiểu các giải pháp sáng tạo, đối với những vấn đề ảnh hưởng đến cộng đồng của mình và thế giới.

Tiềm Năng Tạo Ra Thay Đổi Tích Cực Trong Cộng Đồng Và Thế Giới 

Nếu muốn tham gia trong cộng đồng hay thế giới, và giải quyết nhu cầu của nó theo cách ích lợi cho mình và người khác, mà không bỏ cuộc vì thất vọng, và có cái nhìn thực tế và hiệu quả, thì ta phải nhận ra giới hạn và khả năng của mình. Điều quan trọng là phải tìm hiểu cách mà mọi việc không nằm trong quyền năng của mình, và những vấn đề sâu xa cần có thời gian để thay đổi. Điều đó không có nghĩa là mình không thể tham gia vào hành động hữu hiệu. Thật vậy, nếu ta cảm thấy bất lực, khi đối mặt với những vấn đề khó khăn, thì điều này sẽ khiến cho việc trưởng dưỡng lòng bi đối với tha nhân và tự thân trở nên khó khăn hơn nhiều. Đó là vì lòng bi - mong ước hay chủ ý làm vơi nỗi khổ phụ thuộc vào niềm hy vọng – đó là sự tin tưởng rằng mình có thể làm vơi bớt nỗi khổ.

Tuy không thể thay đổi toàn bộ hệ thống, nhưng ta có thể hành động theo những cách sẽ gia tăng sự thay đổi một cách tối đa, bằng cách tập trung vào những yếu tố chính trong một hệ thống. Điều này có thể tạo ra cảm giác được trợ lực, mà không bị choáng ngợp vì quy mô của những vấn đề ở mức độ toàn cầu và hệ thống. Nếu như ta có thể xác định một vài yếu tố chính, tạo ra hầu hết những tác động trong một hệ thống, thì có thể tập trung giải quyết những yếu tố đó, và đạt được kết quả đáng kể. Cũng đáng suy ngẫm về thực tế là ngay cả khi mình không thể tạo ra thay đổi ở quy mô lớn ngay lập tức, thì ngay cả những sự thay đổi ở quy mô nhỏ hơn mà mình có thể tạo ra, cũng rất đáng giá. Những sự thay đổi ở quy mô nhỏ hiện nay có thể phát triển thành những thay đổi lớn hơn nhiều sau này. Những thay đổi lớn hơn có thể được tạo ra bằng những hành vi tập thể nhỏ bé hơn, như phân loại rác tái chế từ bãi rác. Nhờ sự hiểu biết thấu đáo về các hệ thống phụ thuộc lẫn nhau, mà ta sẽ tự tin rằng các hành động và cách xử sự ở quy mô nhỏ hơn sẽ tạo ra nền tảng cho tác động lớn hơn trong tương lai, ngay cả khi mình không thể trực tiếp nhìn thấy kết quả.

Các vấn đề xã hội và toàn cầu phức tạp phải được phân chia thành những phần nhỏ hơn, để được phân tích và tiếp cận. Khi thấy hành động của mình có thể giải quyết những thành phần nhỏ hơn của vấn đề ra sao, và cách mà những thành phần này phụ thuộc lẫn nhau như thế nào trong những hệ thống rộng lớn hơn, thì ta sẽ có lòng tự tin, cảm giác tự chủ và trợ lực. Đối với việc này, phải có kỹ năng tư duy phán xét. Ở đây, tư duy phán xét liên quan đến việc nghĩ ra giải pháp cho những vấn đề phức tạp, theo cách am hiểu giá trị cơ bản của con người. Tuy điều này không đảm bảo là những hành động được thực hiện nhất thiết sẽ được người khác xem là điều ích lợi, nhưng tư duy phán xét sẽ gia tăng xác suất đạt được kết quả có tính cách xây dựng.

Tham Gia Vào Các Giải Pháp Cộng Đồng Và Toàn Cầu

Ngay cả khi việc thực hiện các giải pháp có thể không nằm trong khả năng của mình, thì mình vẫn có thể phản ảnh về các vấn đề và giải pháp khả thi cho chúng. Chúng ta có thể sử dụng những điểm đại cương sau đây, để tìm hiểu những vấn đề mà mình phải đối diện:

  • Thừa nhận các hệ thống và tính phức tạp của chúng
  • Đánh giá hậu quả ngắn hạn và dài hạn của các hành vi
  • Đánh giá tình huống trong bối cảnh giá trị cơ bản của con người
  • Giảm thiểu ảnh hưởng của cảm xúc tiêu cực và thành kiến
  • Trưởng dưỡng thái độ cởi mở, hợp tác và khiêm tốn về mặt trí thức
  • Xem xét ưu điểm và nhược điểm của một quá trình hành động cụ thể

Thường thì những hành động sẽ được thực hiện, mà không có sự đánh giá đúng đắn về hệ quả ngắn hạn và dài hạn. Khi xem xét một vấn đề cụ thể nào, thì cũng phải nghĩ về số người sẽ bị ảnh hưởng vì một quá trình hành động. Nếu như noi theo quy trình này, và trở nên quen thuộc với nó, thì tự nhiên, ta sẽ bắt đầu nghĩ về những tác động rộng lớn hơn của những hành vi ấy, và cách chúng có thể ảnh hưởng đến những người mà thoạt nhìn thì có vẻ khá xa cách với vấn đề này. Chúng ta cũng phải xem xét vấn đề đó liên quan như thế nào với những giá trị cơ bản của con người, và các giải pháp sẽ thúc đẩy sự phát triển của cá nhân, xã hội và toàn cầu như thế nào.

Việc tham gia vào cộng đồng và toàn cầu được hỗ trợ rất nhiều bằng thái độ cởi mở, sẵn sàng cộng tác với người khác, học hỏi và tôn trọng quan điểm, ý kiến, kiến thức và kinh nghiệm của họ. Việc tranh luận lành mạnh chỉ có thể xảy ra, khi mình nhận thấy người khác cũng đang sử dụng lập luận và kinh nghiệm của họ, để đạt được vị trí mà họ đang có hiện nay, ngay cả khi những vị trí đó khác biệt với vị trí của mình. Nếu không có tính khiêm tốn về mặt trí thức và tinh thần cởi mở, thì việc tranh luận và đồng thuận với nhau là điều bất khả thi, và buổi nói chuyện có thể biến thành sự xung đột và tranh giành quyền lực, không tạo ra lợi lạc.

Có một vài vấn đề nghiêm trọng mà ta có thể giải quyết một mình, với tư cách cá nhân, không cần hợp tác và làm việc với người khác, và điều đó đòi hỏi khả năng truyền đạt ý tưởng và giá trị của mình một cách rõ rệt. Do đó, việc tham gia vào cộng đồng và toàn cầu được hỗ trợ rất nhiều, bằng khả năng nêu rõ quan điểm của mình, đặt câu hỏi, học hỏi với người khác, và tranh luận với tính cách xây dựng. Việc có thể truyền đạt ý tưởng một cách rõ ràng và rành mạch trên cơ sở tư duy phán xét và những giá trị được giữ gìn một cách sâu sắc của mình, và có thể nói theo cách trao truyền sức mạnh và cảm hứng, ngay cả khi thay mặt cho những người không có tiếng nói, là một kỹ năng mạnh mẽ đối với tất cả chúng ta, với tư cách là những công dân toàn cầu, và những nhà lãnh đạo chuyển hóa. 

Tóm Tắt

Trong hai phần đầu tiên, chúng ta đã học cách lèo lái cảm xúc của mình và tương tác hài hòa với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Trong phần thứ ba, và là phần cuối cùng này, ta sẽ bắt đầu thấu hiểu thế giới phụ thuộc lẫn nhau như thế nào, cách mà toàn thể loài người đều có ước muốn được hạnh phúc và lánh xa nỗi khổ, và cách hành động của mình có thể đóng góp vào sự thay đổi toàn cầu rộng lớn hơn.

Chúng ta đang sống trong một thế giới rất phức tạp. Là người lớn, đôi khi, dường như mình có thể tự sống còn, mà không cần sự hỗ trợ của ai. Ta có thể có cảm giác là đồng loại của mình trên khắp thế giới không quan trọng, vì xét cho cùng, họ rất khác biệt với mình. Thường thì nó có vẻ như không thể, hay quá khó để tạo ra bất cứ sự thay đổi thật sự nào trên thế giới. Khi hiểu được thực tại về hoàn cảnh của mình – cách mà tất cả thức ăn mình dùng, quần áo mình mặc, và chiếc xe mà mình lái, đều bắt nguồn từ công lao của người khác, thì tự nhiên, ta sẽ có cảm giác trân trọng họ. Khi thấy rằng những đồng loại này cũng muốn được hạnh phúc giống như mình, thì ta cũng sẽ mong muốn họ được hạnh phúc. Cuối cùng, với sự hiểu biết rằng những hành động nhỏ nhoi sẽ tạo ra kết quả to lớn hơn, thì ta sẽ tự tin rằng bất cứ hành động có tính xây dựng nào mà mình thực hiện - dù nhỏ đến đâu - cũng sẽ đem lại lợi ích cho thế giới.

Đây là một chương trình đào tạo mà mình không chỉ đọc, rồi quên đi, mà phải thực hành từng điểm một. Là con người, chúng ta đều khác nhau, nhưng tất cả chúng ta đều phải đối diện với hàng loạt thử thách, trong khi lèo lái con đường của mình, qua vô số cuộc gặp gỡ riêng tư và hoàn cảnh xã hội. Khi nói đến việc đối phó với những thăng trầm trong cuộc sống, thì có sự phân biệt rõ ràng giữa những hành động được thúc đẩy vì tư lợi, và những hành động tính đến lợi ích của tha nhân. Với nhận thức lớn về những xung động và thành kiến của mình, cùng với khả năng kềm chế phản ứng của mình, và xem xét tình huống một cách phê phán, ta có thể xử lý bất cứ điều gì mình sẽ đối diện trong đời sống. Chúng ta có thể tiến về phía trước, và chứng ngộ tiềm năng to lớn của bản thân, để trở thành một mãnh lực cho điều tốt đẹp: tốt đẹp cho mình, tốt đẹp cho người khác và tốt đẹp cho thế giới rộng lớn hơn.

Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn, thì xin đọc phiên bản đầy đủ của Khuôn Khổ Học Hỏi SEE và học hỏi về những chương trình khác của Trung Tâm Khoa Học Tư Duy và Bi Mẫn Dựa Trên Đạo Đức.

Top