Học Hỏi Về SEE: Thấu Hiểu Cảm Xúc

Học Hỏi Về Xã Hội, Cảm Xúc Và Đạo Đức, Đại Học Emory, Khuôn Khổ Ngắn Gọn

23:19
Học Hỏi Về Xã Hội, Cảm Xúc Và Đạo đức (SEE) là một chương trình được Trung Tâm Khoa Học Tư Duy Và Bi Mẫn Dựa Trên Đạo Đức (Center for Contemplative Science and Compassion-Based Ethics) ở Đại Học Emory phát triển. Mục đích của chương trình này là nuôi dưỡng những cá nhân, các nhóm xã hội và cộng đồng rộng lớn hơn về mặt cảm xúc, và có trách nhiệm đạo đức một cách lành mạnh. Trong phần trước tiên này, tức Học Hỏi Về SEE: Thấu Hiểu Cảm Xúc, chúng ta sẽ học cách lèo lái và đối phó với cảm xúc của mình.

Dẫn Nhập

Học Hỏi Về SEE được thiết lập, để giúp đỡ chúng ta trong ba lãnh vực của đời sống: cá nhân, xã hội và toàn cầu. Ba phạm vi này có thể được tiếp cận một cách độc lập, hay theo bất kỳ thứ tự nào; tuy nhiên, nếu muốn học cách đáp ứng nhu cầu của người khác và cộng đồng rộng lớn hơn, thậm chí là toàn bộ thế giới, thì trước tiên, phải quan tâm đến nhu cầu của chính mình và đời sống nội tâm.

Chúng ta sẽ thực hiện điều này, bằng cách phát triển “hiểu biết về cảm xúc”. Điều này bao gồm khả năng thừa nhận cũng như nhận diện cảm xúc và ảnh hưởng của chúng đối với bản thân và người khác. Sự thừa nhận này sẽ giúp ta thành công trong việc định hướng cảm xúc của mình. Cuối cùng, sự hiểu biết về cảm xúc sẽ giúp mình kềm chế những hành vi bốc đồng, có thể làm hại bản thân và tha nhân, đồng thời, có được sự bình tĩnh cần thiết, để đưa ra những quyết định đúng đắn vì lợi ích lâu dài nhất cho tự thân. Do đó, hiểu biết về cảm xúc là một kỹ năng quan trọng, giúp cho mình phát triển.

Ý Thức, Lòng Bi Và Tham Gia Trong Phạm Vi Cá Nhân

Học Hỏi Về SEE tìm cách thúc đẩy ba khả năng là ý thức, lòng bi mẫn và tương tác, được gọi là “các chiều”. Các chiều này kết hợp với nhau, để cung cấp kiến thức, kỹ năng và động lực để giải quyết những vấn đề cá nhân, đối mặt với thế giới ngày càng phức tạp, và trở thành một công dân toàn cầu có trách nhiệm. Trong lãnh vực cá nhân, ba chiều được xem xét từ ba góc độ khác nhau:

  • Chú Ý Và Ý Thức Về Bản Thân 
  • Bi Mẫn Với Bản Thân 
  • Tự Điều Chỉnh Bản Thân

Chú ý và ý thức về bản thân đề cập đến việc định hướng sự chú ý của mình, để ngày càng nhận thức ra trạng thái tinh thần và thể chất của mình. Nó liên quan đến việc tìm hiểu cảm xúc của mình, với sự hướng dẫn của “bản đồ tâm thức”. Sau đó, với lòng bi mẫn với bản thân, ta sẽ học cách khảo sát cảm giác và cảm xúc của mình, và cố thấu hiểu chúng trong bối cảnh rộng lớn hơn. Điều này liên quan đến việc tìm hiểu cách mà cảm xúc của mình phát sinh từ những nhân duyên khác nhau, rồi dẫn đến việc chấp nhận bản thân tốt hơn. Cuối cùng, với tuệ giác thu thập được từ hai quan điểm đầu, chúng ta sẽ tham gia vào việc tự điều chỉnh bản thân, để trau dồi khả năng kiểm soát xung động, cải thiện khả năng phản ứng một cách tích cực, đối với những thử thách trong đời sống hàng ngày.

Khi được xem xét một cách toàn diện, thì những chủ đề này trong phạm vi cá nhân đều có thể được xem là việc trau dồi kiến thức về cảm xúc. Nếu không có khả năng thương lượng về đồ hình phức tạp trong tâm trí và cảm xúc của mình, thì hầu như chúng ta không thể vượt qua những lề thói thâm căn cố đế, tự hủy hoại bản thân. Điều này sẽ hạn chế khả năng tự kiểm soát, ngay cả tự do của mình. Không dính líu gì đến tâm ích kỷ, các công cụ và kỹ năng cụ thể mà mình sẽ phát triển trong quá trình trau dồi bản thân có thể được sử dụng, để tránh việc lấn áp cảm xúc, thay vì vậy, sẽ giúp ta hành động theo những cách giúp cho mình phát triển và thành công. Hãy xem xét ba khía cạnh này một cách sâu sắc hơn.

Chú Ý Và Ý Thức Về Bản Thân

Mục tiêu của lãnh vực cá nhân là có thể kết hợp ý thức của đương sự về những điều đang xảy ra trong thân tâm của mình, với thông tin sẵn có về thân và tâm. Chẳng hạn như học cách nhận ra tâm sân hận trong kinh nghiệm riêng của mình, bằng cách chú ý đến cảm giác và cảm xúc của bản thân, đồng thời, có sự hiểu biết sân hận là gì, tại sao nó lại xuất hiện, và cách làm cho nó lắng dịu. Sự kết hợp giữa kinh nghiệm trực tiếp và kiến thức được học hỏi này là bước đầu tiên, để hướng về việc hiểu biết về cảm xúc.

Chú ý và ý thức về bản thân đòi hỏi ba khả năng:

  • Quan tâm đến cơ thể của mình và cảm giác của nó
  • Quan tâm đến cảm xúc và cảm giác của mình
  • Noi theo bản đồ tâm thức

Quan Tâm Đến Cơ Thể Của Mình, Và Cảm Giác Của Nó 

Chúng ta sẽ bắt đầu, bằng cách chú ý đến những gì đang xảy ra bên trong cơ thể, ở mức độ cảm giác. Thân thể là nguồn thông tin liên tục về trạng thái của hệ thần kinh, vì các trạng thái cảm xúc thường đi kèm với sự thay đổi trong toàn bộ cơ thể: nhịp tim, bắp thịt co thắt hay thả lỏng, cảm giác nóng bức hay mát mẻ, v.v... Việc lưu ý đến những điều đang xảy ra trong cơ thể thường có thể báo cho ta biết trạng thái cảm xúc của mình nhanh hơn là chỉ tập trung vào những khía cạnh tinh thần về một kinh nghiệm.

Bằng cách chú ý đến hệ thống thần kinh, thông qua nhận thức về cảm giác trong cơ thể, ta sẽ dần dần học cách phát hiện ra những dấu hiệu căng thẳng và phúc lạc. Ta sẽ bắt đầu nhận biết nhanh hơn là mình có đang ở trong trạng thái quá hưng phấn (lo lắng, tức giận quá mức, kích động) hay thiếu hưng phấn (thờ ơ, trầm cảm) hay không. Nhận thức này là bước đầu tiên, để học cách giúp cho cơ thể quân bình, và trở lại trạng thái sinh lý lành mạnh, là điều kiện tiên quyết để hành động vì lợi ích tốt nhất cho tự thân và tha nhân.

Quan Tâm Đến Cảm Xúc Và Cảm Giác Của Mình

Việc học cách quan tâm và điều chỉnh cơ thể sẽ tạo ra nền tảng, đối với việc quan tâm đến cảm xúc và cảm giác. Cơ thể càng an tĩnh và ổn định hơn, thì càng dễ tập trung vào tâm thức hơn. 

Tuy cảm xúc có thể phát triển rất nhanh, nhưng chúng thường khởi sự như một tia lửa, trước khi trở thành một đám cháy rừng mãnh liệt. Nếu có thể nắm bắt được cảm xúc tiêu cực của mình ở giai đoạn đầu, khi nó chỉ là một tia lửa, thì ta có thể đối phó với nó một cách khá dễ dàng. Nhưng nếu muốn làm được điều này, thì phải phát triển khả năng nhận ra cảm xúc và cảm giác, khi chúng phát sinh ngay trong giây phút hiện tại. Khả năng này có thể được học hỏi và cải thiện theo thời gian, với những thực hành như chánh niệm.

Noi Theo Bản Đồ Tâm THức

Việc lưu ý đến cảm xúc và cảm giác của mình được hỗ trợ rất nhiều, khi có một bản đồ tâm thức như nguồn tài nguyên, giúp ta lèo lái cảm xúc của mình. Bản đồ tâm thức sẽ cung cấp thông tin, giúp mình nhận diện những nhóm cảm xúc khác nhau, đặc điểm chung của chúng, và điều gì đã khiến cho những cảm xúc này phát sinh và thúc đẩy chúng. Chúng ta sẽ hiểu rằng không phải tất cả cảm xúc đều có tính tiêu cực cố hữu, mà sẽ trở nên tiêu cực, khi không phù hợp với bối cảnh và tình huống. Chẳng hạn như việc sợ hãi có thể có tính xây dựng, khi nó cảnh báo mình không nên đến gần một con rắn độc, nhưng có thể phản tác dụng, khi mình cứ luôn bồn chồn lo sợ.

Nhờ việc trau dồi ý thức về cảm xúc, với sự hướng dẫn của bản đồ tâm thức, ta sẽ thấy rằng sự cáu kỉnh là một trạng thái cảm xúc nhẹ nhàng hơn, có thể dẫn đến sân hận, và khi sân hận không được kiểm soát, thì có thể tạo ra cơn thịnh nộ. Việc có khả năng nhận ra những dạng cảm xúc tinh vi hơn, trước khi chúng chuyển sang trạng thái cảm xúc không thể kiểm soát được, là một kỹ năng quan trọng, để có tinh thần quân bình.

Bi Mẫn Với Bản Thân

Lòng bi mẫn với bản thân không phải là thương hại bản thân, nuông chìu để làm thỏa mãn bản thân, hay chỉ là lòng tự trọng cao. Bi mẫn với tự thân là chăm sóc bản thân một cách chân thành, đặc biệt là đời sống nội tâm của mình. Điều quan trọng là phải hiểu cách cảm xúc liên hệ với nhu cầu của mình như thế nào. Mức độ hiểu biết về cảm xúc này sẽ cho phép mình chấp nhận bản thân nhiều hơn, bởi vì khi hiểu được tại sao và làm thế nào mà cảm xúc phát sinh, thì mình có thể liên hệ với chúng, mà ít phán xét bản thân hơn. Sau đó, khi thấy rằng cảm xúc chỉ là điều nhất thời, phát sinh theo bối cảnh, và không phải là một phần không thể thay đổi trong tâm mình, điều này cũng giúp cho mình tự tin, và có động lực để tiếp tục làm việc với bản thân.

Hai đặc điểm này - chấp nhận bản thân và tự tin – sẽ tạo ra nền tảng cho việc chấp nhận sự chỉ trích, và đối phó với thất bại một cách tích cực, và có khả năng hồi phục nhanh. Điều này sẽ ngăn chận thất vọng, dẫn đến việc phê phán bản thân quá mức, hay đánh mất giá trị bản thân. Lòng bi mẫn với bản thân có hai khía cạnh:

  • Thấu hiểu cảm xúc theo bối cảnh
  • Chấp nhận tự thân

Lòng bi mẫn với bản thân dựa trên việc đánh giá thực tiễn về khả năng của mình. Nếu như không nhân từ với bản thân, thì ta có thể cảm thấy mình nên làm nhiều việc hơn, trong khi không thể làm như vậy, rồi đưa đến thất vọng, và mất đi tính trợ lực. Thay vì đánh giá bản thân theo thành công thế gian, thì nên nhìn nhận những thiếu sót của mình với tính trung thực, thấu hiểu và kiên nhẫn.

Thấu Hiểu Cảm Xúc Theo Bối Cảnh

Việc thấu hiểu cảm xúc của mình theo bối cảnh - cách chúng liên quan đến giá trị, nhu cầu và kỳ vọng của mình - đòi hỏi việc tư duy phê phán. Trước đây, chúng ta đã học cách quan tâm đến thế giới nội tâm, còn ở đây, ta sẽ tìm hiểu cách cảm xúc của mình phản ứng đối với một hoàn cảnh được thúc đẩy không chỉ vì tác nhân bên ngoài, mà còn vì quan điểm và thái độ của riêng mình. Những quan điểm và thái độ này bắt nguồn từ nhận thức chủ quan về nhu cầu của riêng mình. Chẳng hạn như tâm bồn chồn có thể là kết quả của việc muốn biết chắc hơn về một vấn đề nào đó, trong khi điều này không thể xảy ra. Tâm sân hận có thể xuất phát từ nhu cầu muốn được tôn trọng. Cảm giác vô vọng có thể là kết quả của việc muốn thay đổi một hoàn cảnh ngay lập tức, trong khi cần phải có thời gian và lòng kiên nhẫn. Trong tất cả những trường hợp này, cảm xúc được kích hoạt chủ yếu vì thái độ và kỳ vọng của mình.

Khi có được những tuệ giác này, thì ta sẽ dễ nhận ra và trân trọng giá trị của tự thân hơn, và trưởng dưỡng ý thức vững chắc về giá trị của bản thân và lòng tự tin bên trong, trong khi học cách nhận diện những kỳ vọng không thực tế, là điều có thể dẫn đến việc đánh giá bản thân một cách không lành mạnh. Bằng cách nhận ra việc phản ứng theo cảm xúc thường bắt nguồn từ nhu cầu của mình, ta cũng có thể bắt đầu đánh giá những nhu cầu này một cách phê phán, vì không phải chúng đều tương đương với nhau. Điều này có thể liên quan đến việc phân biệt nhu cầu với lòng ham muốn, bằng cách trân trọng giá trị của tự thân một cách sâu sắc hơn, và điều gì sẽ tạo ra đời sống thể hiện những giá trị này. Điều này trái ngược với việc theo đuổi những ham muốn ngắn hạn, có thể không dẫn đến phúc lạc lâu dài.

Chấp Nhận Tự Thân

Việc chấp nhận tự thân có tầm quan trọng lớn, vì tâm sân hận trong xã hội ngày càng hướng vào bên trong. Việc chỉ trích bản thân quá mức, ghét bỏ và ghê tởm bản thân là điều vô cùng tổn hại đến sức khỏe và hạnh phúc của mỗi cá nhân, và sau đó, có thể tạo ra tổn hại to lớn cho người khác. Việc củng cố lòng tự trọng không phải là giải pháp tốt nhất, vì lòng tự trọng lại dựa vào việc so sánh với người khác, và tính hung hăng thường biểu hiện, khi lòng tự trọng cao của người đó bị đe dọa. Một phương pháp tốt hơn là trau dồi nghị lực chịu đựng, khả năng phục hồi nhanh chóng, tính khiêm tốn và lòng dũng cảm, bằng cách hiểu rõ hơn về đời sống tình cảm và nhu cầu của mình. Việc thực hiện điều này sẽ giúp cho mình thư giãn việc lý tưởng hóa theo chủ nghĩa hoàn hảo, và hướng về những kỳ vọng thực tế về tự thân và tha nhân.

Văn hóa hiện đại rất hữu hiệu, đối với việc dạy cho chúng ta hàng loạt quan niệm phi thực tế, qua truyền thông xã hội, truyền hình, phim ảnh, v.v... Chúng ta thường so sánh bản thân với những người nổi tiếng được lý tưởng hóa, hoặc tin rằng mình nên biểu diễn giống như “Nam Siêu Nhân” hay “Nữ Siêu Nhân”, không hề có nhược điểm hay thiếu sót nào. Những tiêu chuẩn bất khả thi này sẽ tạo ra nỗi khổ không cần thiết về mặt tinh thần. Hậu quả là thất vọng có thể biểu hiện thành chứng trầm cảm và tự trách bản thân, thậm chí đến mức tự làm hại bản thân về mặt thể chất, hay thù địch và bạo động hướng về bên ngoài.

Khi có sự hiểu biết hạn hẹp về đời sống tình cảm của mình, ta sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, đối với việc chịu đựng thử thách, khó khăn và thất bại, đồng thời sẽ ít có khả năng tìm ra cơ hội để thay đổi và thực hiện hành vi có tính xây dựng. Việc có quan điểm thực tế về những điểm hạn chế của mình là điều trọng yếu, để phá vỡ chu trình độc hại này. Bằng cách phát triển tính kiên nhẫn và hiểu biết về những khó khăn của mình, bản chất và nguồn gốc của chúng, ta sẽ có động lực để định hướng lại bản thân, thoát khỏi những trạng thái tinh thần và hành vi tổn hại này. Đồng thời, ta cũng biết rằng mình có giá trị bản thân không phụ thuộc vào cách làm việc của mình, hoặc khả năng đáp ứng với những tiêu chuẩn tùy ý, do chính mình hay người khác đặt ra. Ý thức về giá trị bản thân này - điều không phụ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài - đóng vai trò như sự hỗ trợ mạnh mẽ cho khả năng phục hồi nhanh chóng.

Chúng ta sẽ trưởng dưỡng cách chấp nhận bản thân này, bằng cách quán chiếu về thực tế là việc thất vọng và đau khổ là điều không thể tránh khỏi, ở một mức độ nào đó. Chúng ta không thể trở thành người giỏi nhất về mọi mặt, luôn luôn chiến thắng, biết hết mọi việc, hoặc chẳng bao giờ mắc phải sai lầm. Không chỉ riêng mình phải đối diện với điều này, mà đây là sự thật về đời sống, đối với tất cả mọi người.

Điều Chỉnh Tự Thân

Các chủ đề và thực hành được đề cập trong hai phần trước đặt nền tảng cho việc điều chỉnh bản thân. Điều chỉnh bản thân nói về những thực hành và hành vi củng cố cho tuệ giác và nhận thức mà mình có được về thân thể, trí óc và cảm xúc. Mục tiêu ở đây là có thể thành công trong việc điều hướng cảm xúc của mình, để chúng không tạo ra những vấn đề thái quá cho bản thân hay người khác, mà sẽ trở thành đồng minh của mình, thay vì là trở ngại. Việc điều chỉnh bản thân gồm có ba thành phần:

  • Quân bình cơ thể
  • Kiểm soát lý trí và xung động
  • Điều hướng cảm xúc

Giữ Cơ Thể Quân Bình

Việc trau dồi khả năng kiểm soát nhận thức và xung động là điều cần thiết, để thành công với việc lèo lái cảm xúc, là điều không dễ thực hiện, nếu như mình cảm thấy căng thẳng, hay ở trong trạng thái thiếu hưng phấn, hoặc quá hưng phấn. Việc có tinh thần ổn định và minh mẫn là điều hầu như bất khả, nếu như không điều chỉnh một số vấn đề thể chất trong cơ thể. Do đó, những thực hành giúp cho cơ thể quân bình rất có lợi cho mình. Việc giúp cho cơ thể quân bình là một bước đặc biệt quan trọng, nếu như mình đã từng bị chấn thương, hay trải qua thời thơ ấu khó khăn, hoặc sống trong điều kiện thấp kém hơn.

Phải phân biệt giữa việc giữ cho cơ thể quân bình và chỉ thư giãn thân thể, hay làm cho mình buồn ngủ. Mục tiêu ở đây là tạo ra một trạng thái điều hòa về thể chất và tinh thần, có lợi cho việc chú ý và học hỏi. Đó là một trạng thái năng động, phục hồi nhanh chóng và cân bằng, thay vì trạng thái uể oải, buồn ngủ hay phờ phạc.

Bước đầu tiên để giúp cho cơ thể quân bình, là tạo ra không gian an toàn. Nếu không có cảm giác tin cậy và an toàn, thì mình vẫn ở trong tình trạng cảnh giác cao độ. Tuy nhiên, khi cảm thấy an toàn, thì ta sẽ được tự do để tìm hiểu những tư tưởng và cảm giác của mình, với tính tò mò. Sự an toàn được tạo ra nhờ khả năng dự đoán, và khả năng dự đoán được tạo ra bằng hành vi nhất quán. Ở đây, sự nhất quán không phải là khắc khe với bản thân, mà là nhất quán về việc đối phó với bản thân bằng lòng cảm thông và trắc ẩn.

Việc giúp cho cơ thể quân bình và phát triển cảm giác an toàn có thể được hỗ trợ bằng những điều sau đây:

  • Sử dụng tài nguyên là khi mình tập sử dụng “tài nguyên” bên ngoài hay bên trong. Tài nguyên bên ngoài có thể là một người bạn, một địa điểm mà mình yêu thích, một kỷ niệm đẹp, một con thú cưng, v.v... Tài nguyên bên trong có thể là một kỹ năng mà mình sở hữu, hay một vài khía cạnh tích cực của bản thân, như khiếu hài hước, hay một bộ phận nào đó trong cơ thể có năng lực và mạnh mẽ. Việc nhớ đến tài nguyên của mình có thể giúp ta có được vị trí an toàn, có khả năng phục hồi nhanh chóng và thoải mái. Sau khi đã phát triển, thì ta có thể theo dõi cảm giác, mỗi khi nghĩ đến tài nguyên của mình, và đối chiếu điều này với cảm giác trong cơ thể, khi cảm thấy căng thẳng hay bồn chồn.
  • Việc tiếp xúc với sự hỗ trợ là khi chạm vào hay cầm món gì, khiến cho mình cảm thấy vững chãi, hay khi cơ thể cảm nhận sự hỗ trợ. Hãy chú ý đến cảm giác về đối tượng hay sự hỗ trợ, rồi thay đổi tư thế, và cố gắng để ý xem cảm giác của mình sẽ thay đổi như thế nào.
  • Các hoạt động như yoga, thái cực quyền, nghe nhạc, vẽ và viết nhật ký cũng là những cách tốt, để chuyển sang những phương pháp cân bằng cơ thể nghiêm chỉnh hơn. Chúng ta cũng có thể sử dụng phương pháp lâu đời nhất và đơn giản nhất, khi đếm hơi thở, hoặc hít thở sâu.

Kiểm Soát Lý Trí Và Xung Động

Nếu muốn thành công trong cuộc sống, thì phải có khả năng tập trung vào công việc, mà không liên tục phân tâm. Đây không chỉ là việc có thể chú ý trong các cuộc họp quan trọng, mà còn là khả năng lưu ý đến những ý nghĩ và hành vi phản tác dụng của mình. Việc có khả năng kiểm soát các xung động và không thực hiện chúng, dựa vào việc trau dồi sự chú ý, đến mức mình có thể duy trì nó, mà không bị lôi cuốn vào những việc làm cho tâm sao lãng. Điều quan trọng nhất là sự chú ý ở đây đề cập đến khả năng chú tâm vào bên trong, và theo dõi những thay đổi trong thân tâm, khi chúng xảy ra. Viện rèn luyện sự chú ý sẽ dạy cho mình cách tạo ra một khoảng không giữa sự kích thích và phản ứng: một không gian mà trong đó, một phản ứng được cân nhắc kỹ càng hơn có thể được hình thành.

Khả năng này là điều cần thiết, nếu như mình kiên trì với mục tiêu dài hạn, và thành công trong việc xử lý những thử thách của mình. Khi đã kiểm soát sự chú ý một cách tốt đẹp, hơn là chỉ chú ý đến thầy cô hay cấp trên của mình, thì ta còn có thể kiểm soát quá trình nhận thức và cảm xúc của mình, đồng thời diễn đạt hành động của mình một cách rõ ràng hơn. Dựa vào cách này, ta có thể tận hưởng, và có được lợi thế trong đời sống.

Có những phương thức cụ thể, có thể tăng cường khả năng chú ý của mình. Chúng ta có thể học cách “hoàn toàn có mặt”, bằng cách chú tâm vào những đối tượng cụ thể, phát triển nhận thức về những điều đang xảy ra trong thân tâm, cũng như quán sát những ý nghĩ và cảm xúc của mình. 

Điều Hướng Cảm Xúc

Chúng ta sẽ sử dụng các kỹ năng có được, từ việc giữ cho cơ thể quân bình, và trau dồi khả năng kiểm soát lý trí, để điều hướng cảm xúc của mình. Bước cuối cùng này chính là áp dụng kiến thức vào thực tế, và tạo thành bước cuối cùng của quá trình hiểu biết cảm xúc.

Ở đây, chúng ta sẽ phát triển cách phân biệt cảm xúc. Đây là khả năng nhận biết khi nào thì cảm xúc có hiệu năng và hữu ích cho tự thân và tha nhân, và khi nào thì chúng trở nên độc hại, hay có hại cho bản thân và người khác. Ta có thể làm việc này, bằng cách phản ảnh về kinh nghiệm cá nhân, và sử dụng bản đồ tâm thức của mình. Khi cố gắng theo dõi cảm xúc đã diễn ra như thế nào trong quá khứ, và kết quả mà chúng đã tạo ra, thì tự nhiên, ta sẽ phát triển sự hiểu biết về cảm xúc tích cực và tiêu cực. Điều này sẽ giúp cho mình thận trọng với những tâm trạng có thể làm hại bản thân và người khác. Ta cũng có thể quyết định muốn khuyến khích thái độ nào trong bản thân, và muốn chuyển hóa thái độ nào. Khi phát triển khả năng nhận diện và điều chỉnh cảm xúc, thì ta sẽ bắt đầu cảm nhận lòng nhiệt tình, can đảm và lòng tự tin được nâng cao.

Tóm Tắt

Việc phát triển khả năng hiểu biết về cảm xúc - sự hiểu biết về tâm trí, cảm xúc và cảm nhận của mình - là một bước cần thiết, trên đường dẫn đến ý thức lành mạnh về lòng tự trọng, và khả năng đối phó với đủ loại cảm xúc của mình. Khi hiểu rằng cảm xúc không phải là một phần vốn có của mình, thì ta có thể thành công trong việc xử lý chúng, và đi đến việc chấp nhận bản thân. Ta sẽ thấy rằng không có lý do gì để cảm thấy tội lỗi khi tức giận, hay khó chịu khi phiền muộn. Một khi ta có được bản đồ tâm thức, cũng như hiểu được nguyên nhân và tác động của những cảm xúc khác nhau, thì ta có thể tự mình khám phá ra điều gì sẽ đem lại cho mình sự an lạc, và điều gì khiến cho mình thống khổ; và đối với những cảm xúc tiêu cực ấy, ta sẽ có những kỹ năng để nắm bắt chúng và áp dụng biện pháp khắc phục, trước khi chúng vượt qua tầm kiểm soát của mình. Việc rèn luyện điều này sẽ tạo ra lòng tự tin, cũng như giúp ta nhìn thấy và đạt được tiềm năng của mình.


Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn, thì xin đọc phiên bản đầy đủ của Khuôn Khổ Học Hỏi SEE và học hỏi về những chương trình khác của Trung Tâm Khoa Học Tư Duy và Bi Mẫn Dựa Trên Đạo Đức. 

Top