Chánh Niệm: Những Tâm Sở Liên Hệ

Việc tu tập chánh niệm bắt nguồn từ các nguồn gốc Phật giáo truyền thống. Từ đó, chúng ta sẽ học hỏi về những tâm sở phải đi kèm với chánh niệm, để việc tu tập nó được trọn vẹn. Tâm sở là những cách nhận thức một đối tượng hội đủ điều kiện, hay giúp cho việc nhận thức về nó. Chúng bao gồm các yếu tố thiết lập một nhận thức, chẳng hạn như sự thích thú; những yếu tố giúp duy trì sự thích thú, chẳng hạn như định tâm, và những cảm xúc tô điểm cho nó, chẳng hạn như lòng từ hay sân hận. Bằng cách học hỏi về chúng, và kết hợp những yếu tố liên quan trong việc thực hành chánh niệm, chúng ta sẽ rút tỉa được lợi lạc tối đa từ pháp tu này.

Việc tu tập “chánh niệm”đã được áp dụng rộng rãi trong xã hội Tây phương hiện đại như một phương pháp làm giảm thiểu sự căng thẳng tinh thần, kềm chế cơn đau và gia tăng hiệu quả về việc giải quyết công việc hay đời sống nói chung. Xuất phát từ những pháp hành thiền trong đạo Phật, việc rèn luyện chánh niệm đòi hỏi việc tĩnh tâm và theo dõi hơi thở, ý nghĩ, cảm xúc, cảm giác hạnh phúc hay buồn bã, cảm thọ trong thân thể, v.v... Khóa rèn luyện chánh niệm thường được trình bày theo hình thức tổng quát hơn, như quán sát phút giây hiện tiền luôn biến đổi của các đối tượng luôn thay đổi trong tâm mình. 

Video: Geshe Tashi Tsering — “Chánh Niệm Chỉ Là Sự Khởi Đầu”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ “Vietnamese” để xem phụ đề tiếng Việt.

Nguồn Gốc Phật Giáo Ấn Độ

Bài thuyết pháp về chánh niệm (Pali: sati) của Phật giáo Nguyên thủy dựa trên tác phẩm Giải Thoát Đạo (Path of Liberation, Pali: Vimuttimagga) của ngài Upatissa, và Thanh Tịnh Đạo (Path of Purification, tiếng Pali: Visuddhimagga) của ngài Phật Âm (Buddhaghosa). Trong đó, chánh niệm được mô tả như một khía cạnh toàn diện của nhiều pháp thiền. Chánh niệm trong thiền có nét đặc trưng của việc ghi nhớ hay hồi tưởng lại, như việc luôn nhớ đến hơi thở hay sự thật về cái chết. Công năng của nó là không quên lãng, và được biểu hiện như việc canh chừng tâm trí để không đánh mất đối tượng của nó. Theo một ý nghĩa nào đó thì chánh niệm là một loại “keo tinh thần”, giữ chặt đối tượng mà không buông bỏ nó. Một khi nó đã được thiết lập với một đối tượng thì chánh niệm phải đi kèm với trí tuệ về một số điểm đặc trưng của đối tượng đó, chẳng hạn như tánh vô thường của nó.

Ngài Thế Thân (Vasubandhu), đại diện cho trường phái Tiểu thừa Tỳ Ba Sa Bộ, (Hinayana Vaibhashika) trong tác phẩm A Tỳ Đạt Ma Câu Xá (Phạn ngữ: Abhidharmakosha), đã liệt kê chánh niệm (Phạn ngữ: smrti) là một trong mười tâm sở đi kèm với mọi sát na của sự nhận thức. Nó đi kèm với chúng, cho dù những nhận thức này có đi kèm với các tâm sở thiện, ác hay vô ký (trung lập về mặt đạo đức) hay không. Do đó, lúc nào chánh niệm cũng có mặt, không chỉ trong bối cảnh thiền định.  

Trong A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận (tiếng Phạn: Abhidharmakosha-bhashya), Thế Thân định nghĩa chánh niệm là tâm sở của việc không buông lung, hay không quên đối tượng của nó, do đó, điều này đòi hỏi việc ham muốn hay lưu ý đến đối tượng của nó. Vì ham muốn hay chú ý đến đối tượng của nó, nên chánh niệm giúp cho mình hồi tưởng lại đối tượng đó sau này. 

Trong tác phẩm thuộc về trường phái Đại thừa Duy Thức (Mahayana Chittamatra) của mình, tức Ngũ Uẩn Luận (Phạn ngữ: Panchaskandha-prakarana), Thế Thân đã trình bày chánh niệm một cách đặc biệt trong bối cảnh hồi tưởng một đối tượng. Do đó, trong tác phẩm này, ngài tuyên bố rằng chánh niệm là tâm trạng không buông bỏ một đối tượng quen thuộc và lưu ý đến nó một lần nữa. Trong bài luận giải về tác phẩm này, ngài An Tuệ (Sthiramati) giải thích rằng “đối tượng quen thuộc” có nghĩa là điều gì mà mình đã trải nghiệm trước đó. Do đó, việc hồi tưởng một đối tượng có thể nằm trong bối cảnh thiền định về đối tượng đó, hay đơn giản là trong công việc hàng ngày để ghi nhớ điều gì.

Trong tác phẩm thuộc về trường phái Duy Thức, tức A Tỳ Đạt Ma Tập Luận (Phạn ngữ: Abhidharmasamuccaya) của mình, Vô Trước (Asanga) đã trình bày chánh niệm là một trong năm tâm sở biệt cảnh. Là một trong năm món này, chánh niệm là một tâm sở chỉ xảy ra trong những tâm thiện, và chỉ trong những tâm thiện đó mà thấu rõ đối tượng của nó, nói cách khác là tri thức nhận biết đối tượng của nó một cách chính xác và dứt khoát. Đối tượng của nó phải là một điều gì có tánh thiện mà mình đã quen thuộc; sắc thái của nó phải là chú tâm vào đối tượng này, và không quên lãng hay đánh mất nó; và công năng của nó là ngăn ngừa tâm tán loạn.

Khai Thị Của Tông Khách Ba

Trong Đại Luận Trình Tự Đường Tu Giác Ngộ (Lam-rim chen-mo), trong phần phát triển định Tam Muội (Phạn ngữ: samadhi) và định tâm (Tam Ma Địa; Phạn ngữ: shamatha) thì bậc thầy Tây Tạng Tông Khách Ba (Tsongkhapa) đã khai triển định nghĩa về chánh niệm của Vô Trước. Ngài giải thích rằng trong bối cảnh thiền định (shamatha) thì chánh niệm (Tạng ngữ: dran-pa), có ba đặc điểm:

  • Nó tập trung vào một đối tượng mà trước đây mình đã quen thuộc, không phải là điều xa lạ. Do đó, đối tượng của nó là điều gì mà mình đã biết chắc, và có thể có tính chất thiện hảo, giống như hình ảnh của một vị Phật được quán tưởng, hay tính vô ký (trung lập về mặt đạo đức), như thân thể.
  • Nó buộc chặt tâm vào đối tượng đến nỗi mình sẽ không quên đối tượng. “Không quên lãng” không chỉ có nghĩa là khi có ai hỏi thì mình có thể nhớ các chỉ giáo để thực hành là gì, hoặc đối tượng của mình là như thế này hay như thế kia. Điều đó có nghĩa là ngay khi đã buộc tâm vào đối tượng ấy thì mình sẽ giữ vững nó ngay lập tức mà không bị phân tâm chút nào vì tâm tán loạn. Nếu như tâm ý đã đi lang thang, dù chỉ chút ít thôi thì mình cũng đã mất chánh niệm. Vì vậy, sau khi đã đặt tâm ý vào một đối tượng, và nghĩ rằng tôi đã cột chặt tâm mình vào đối tượng này như thế này, rồi thì với một tâm trạng không suy nghĩ lan man (bằng lời) bất cứ điều gì mới mẻ, hãy trưởng dưỡng sự tương tục của mãnh lực không gián đoạn của điều này, là cách để giao phó bản thân cho chánh niệm. Vậy thì việc phó thác bản thân cho chánh niệm giống như giao phó bản thân cho bác sĩ hay vị thầy tâm linh của mình. Ta chỉ giao phó bản thân cho một bác sĩ hoặc một vị thầy tâm linh, khi mình tự tin rằng người đó hội đủ điều kiện. Tương tự như vậy, ta chỉ giao phó bản thân mình cho chánh niệm, khi tâm trạng của mình hội đủ tiêu chuẩn để thật sự là một trạng thái chánh niệm.
  • Công năng của nó là không làm cho mình bị phân tâm vì những đối tượng khác. Nói một cách đầy đủ hơn thì chánh niệm ngăn ngừa tâm ý của mình quên đi, hay đánh mất đối tượng trọng tâm; nó giữ tâm ý của mình vào đối tượng này với sự bền bỉ; và duy trì sự tương tục của sự quen thuộc với đối tượng này.    

Thiền Chánh Niệm          

Khi thực hành để đạt được định tâm, shamatha, thì đối tượng trong thiền vẫn không đổi, ví dụ như khi chú tâm vào một vị Phật được quán tưởng. Tuy nhiên, trong thực hành chánh niệm, như được dạy trong xã hội Tây phương hiện đại thì đối tượng là khoảnh khắc hiện tiền luôn biến đổi của những đối tượng luôn đổi thay trong nhận thức về tinh thần hay thể chất của chúng ta. Điều này phù hợp hơn với khai thị về chánh niệm của Phật giáo Nguyên thủy, về mặt đối tượng của nó, và phù hợp với khai thị từ trường phái Tỳ Ba Sa Bộ của Thế Thân, rằng chánh niệm đi kèm với mọi sát na của nhận thức. Tuy nhiên, như Thế Thân và Vô Trước đã nêu ra trong các tác phẩm thuộc trường phái Duy Thức của các ngài, đối tượng không phải là điều mà mình đã quen thuộc trước đây, chẳng hạn như sắc tướng của một vị Phật, mà đúng hơn là cố gắng tập trung vào những gì mình đang trải qua trong từng khoảnh khắc - cảm thọ trong thân thể, ý tưởng, cảm xúc hoặc cảm giác. Tuy nhiên, như ngài Vô Trước đã thẩm định thì mình sẽ chú tâm vào chúng với độ chính xác và quyết đoán.

Trạng thái chánh niệm của khoảnh khắc hiện tiền mà mình cố gắng phát triển thật ra là một sự pha trộn của một số tâm sở được nêu ra trong việc phân tích về tâm thức trong đạo Phật. Những tâm sở chủ yếu được sử dụng là tự thân chánh niệm, tỉnh giác và bất phóng dật. Để thực hành chánh niệm một cách hiệu quả hơn thì việc nhận diện từng yếu tố này là điều ích lợi, để trong trường hợp có bất cứ yếu tố nào thiếu sức mạnh thì mình có thể điều chỉnh chúng.

Chánh Niệm

Tự thân chánh niệm, cái gọi là “keo tinh thần”, cần phải đi kèm với hai tâm sở khác: tưởng (nhận biết) và quý (cân nhắc).

“Tưởng” (Tạng ngữ: 'du-shes, Phạn ngữ: samjna) tập trung vào các đặc điểm của những thành phần khác nhau, tạo ra mỗi khoảnh khắc trong kinh nghiệm của mình. Nó đơn cử điều này tách biệt với mọi thứ khác. Chẳng hạn như tưởng làm nổi bật cảm thọ đau đớn của thể xác, so với nỗi đau từ những cảm  thọ khác mà mình đang cảm nhận trong cùng một lúc, chẳng hạn như nhiệt độ của căn phòng mà mình đang ở trong đó. Sự cân nhắc chính xác sẽ xem đối tượng một cách chính xác như thị – cái đau chỉ đơn thuần là cảm giác thể chất, không hơn và không kém.

Khi chánh niệm được tưởng và quý chính xác đi kèm thì ta sẽ cố gắng duy trì tâm ý vào nội dung của khoảnh khắc hiện tiền luôn thay đổi. Mình sẽ cố làm điều đó mà không mất đi nội dung của khoảnh khắc hiện tại, chính là đối tượng trọng tâm của mình, mà không bị phân tâm. Việc phân tâm thường xảy ra, vì ta cứ nghĩ về những gì mình đã trải qua trong những khoảnh khắc trước, hay những gì mình có thể trải nghiệm trong những khoảnh khắc tương lai. Rồi thì ta đánh mất sự kiện rằng những ý tưởng về quá khứ hoặc tương lai chỉ là những gì đang xảy ra trong hiện tại. Mình không xem chúng đơn thuần là nội dung của kinh nghiệm trong khoảnh khắc hiện tại của mình, thay vì vậy, lại bị lôi cuốn vào “câu chuyện” của chúng. Hậu quả là ta đã mất đi đối tượng trọng tâm, vì bị những ý tưởng này làm mình phân tâm. Tuy nhiên, nếu ta thành công trong việc duy trì tâm bất loạn, thì đã đạt được chánh niệm ổn định, không quên đi đối tượng của nó. Bằng cách này, chánh niệm có công năng làm keo tinh thần để giữ gìn tâm ý của mình vào khoảnh khắc hiện tiền luôn thay đổi trong kinh nghiệm của chúng ta.

Trong bản luận giải về tác phẩm Biện Trung Biên Luận (Phạn ngữ: Madhyantavibhaga) của  ngài Vô Trước, ngài An Tuệ đã giải thích rằng thỉnh thoảng ta cần phải tự nhắc nhở mình về đối tượng của mình, như một sự hỗ trợ để duy trì chánh niệm. Điều này có nghĩa là nói thầm trong đầu một từ chủ yếu, để giữ vững chánh niệm. Điều này phù hợp với sự khẳng định của Thế Thân, rằng chánh niệm đòi hỏi việc chú tâm đến đối tượng của nó. Ngài Tông Khách Ba đã khai triển về điểm này: “Nếu con bác bỏ điều này, nói rằng đây là suy tưởng lan man, nên không tự nhắc nhở mình bằng lời, thì rất khó phát triển chánh niệm và tỉnh giác mạnh mẽ.”.

Tỉnh Giác

Tỉnh giác (Tạng ngữ: shes-bzhin, Phạn ngữ: samprajanya) là tâm sở theo dõi và xem xét tình trạng mà chánh niệm đang giữ gìn đối tượng. Nó hoạt động trong bối cảnh duy trì chánh niệm về đối tượng của mình, đó là nội dung của kinh nghiệm trong khoảnh khắc hiện tiền của chúng ta. Vậy thì theo một nghĩa nào đó, tỉnh giác là một phần của chánh niệm mạnh mẽ. Như Tông Khác Ba đã nêu ra, chánh niệm càng mạnh mẽ hơn thì mình càng quen thuộc với việc duy trì chánh niệm hơn mà không bị phân tâm. Kết quả là khi bị phân tâm thì mình sẽ nhạy cảm hơn, để lưu ý đến việc này. Theo cách này thì chánh niệm càng mạnh mẽ hơn thì tỉnh giác cũng sẽ mạnh mẽ hơn.

Không nên nghĩ về tỉnh giác theo thuật ngữ nhị nguyên, như tâm của người canh gác tồn tại một cách độc lập, nhìn vào tâm thức của một thực tập sinh (trainee) hoàn toàn tách biệt với nó. Mặt khác, ngài Tông Khách Ba nêu ra rằng phải cẩn thận phân biệt hai yếu tố chánh niệm và tỉnh giác. Ngài cảnh báo rằng, “Nếu con nhầm lẫn và trộn lẫn tất cả những tâm thái này với nhau, và không có sự phân biệt này, giống như nhiều thiền giả ở Tây Tạng hiện nay, thì mọi việc sẽ trở nên rối rắm, và ta nghi ngờ rằng họ thật sự đạt được Tam Muội.”.

Tỉnh giác không chỉ đơn thuần ghi nhận sự lệch hướng trong chánh niệm, mà theo một nghĩa nào đó, còn kích hoạt một “hệ thống báo động” bên trong, nên với việc khôi phục tác ý thì ta sẽ điều chỉnh sự tập trung, và thiết lập lại chánh niệm. Tuy nhiên, để cho tỉnh giác và khôi phục tác ý thực hiện công năng của chúng thì mình phải sử dụng thành phần chính thứ ba của thực hành chánh niệm, đó là bất phóng dật.  

Bất Phóng Dật

Bất phóng dật (Tạng ngữ: bag-yod, Phạn ngữ: apramada; cẩn thận, lòng tận tâm) là tâm sở trông nom và cẩn thận về tâm trạng của mình. Nó bảo vệ tâm trí, để tâm không nghiêng về phía tiêu cực, và giữ cho nó ở phía xây dựng, tích cực. Vì vậy, với tâm bất phóng dật, ta sẽ xem xét tâm thái của mình một cách nghiêm chỉnh, và “quan tâm” đến nó. Về vấn đề này thì bất phóng dật có phần giống với tâm sở của việc ham muốn đối tượng trọng tâm mà Thế Thân đã mô tả như một phần của chánh niệm.

Thế Thân đưa ra quan điểm rằng nếu không ham muốn đối tượng của mình trong những thời điểm cụ thể nào, nói cách khác là nếu không giữ chặt nó, theo một nghĩa nào đó, như điều đáng ghi nhớ, thì ta sẽ không thể hồi tưởng nó. Tuy nhiên, tâm bất phóng dật đòi hỏi nhiều hơn là ham muốn. Nó không chỉ đơn thuần quan tâm đến một đối tượng một cách trọn vẹn, để mình có thể nhớ nó, mà đúng hơn là vì tâm bất phóng dật mà mình sẽ sử dụng sự khôi phục tác ý để điều chỉnh việc giữ gìn chánh niệm, khi tỉnh giác phát hiện ra là chánh niệm đã sai sót. Nếu không có bất phóng dật thì ta sẽ không quan tâm là mình đã quên mất đối tượng trọng tâm, tức khoảnh khắc hiện tiền, ngay cả khi nhận thấy mình bị phân tâm. Vậy thì bất phóng dật là cơ sở cho việc trì giới, nhờ đó mà mình kềm chế hành vi phá hoại.

Thuật ngữ Tây Tạng dành cho bất phóng dật, “bag-yod”, theo nghĩa đen có nghĩa là “thận trọng”. Đối ngược với nó là bag-med, thiếu thận trọng, bất cẩn. Tuy nhiên, danh từ tiếng Phạn nguyên thủy đã được dịch sang tiếng Tây Tạng như bag-yod là “apramada”, nghĩa là “không pramada”. “Pramada” nghĩa là say sưa hay tâm trí không ổn định, đến mức mà mình không quan tâm về việc mình nói hay làm, cũng không cẩn trọng về một trong hai điều này. Với tâm bất phóng dật thì mình không giống như người say rượu. Chúng ta sẽ tỉnh táo, dè dặt và có trách nhiệm, vì vậy mà quan tâm đến tâm trạng của mình.

Video: Tiến sĩ Alan Wallace — “Sau Chánh Niệm Là Gì?”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ “Vietnamese” để xem phụ đề tiếng Việt.

Tóm Tắt

Thế thì việc thực tập chánh niệm sử dụng một mạng lưới tâm sở phức tạp, tất cả đều tập trung vào nội dung luôn biến đổi của kinh nghiệm hiện tiền của mình. Ngoài ba tâm sở chính là chánh niệm, tỉnh giác và bất phóng dật, nó còn đòi hỏi tâm sở tưởng, quý, trì giới và khi cần thiết thì khôi phục tác ý. Vì vậy, cần có trí tuệ để phân biệt mỗi một yếu tố này một cách chắc chắn. Thế thì trí tuệ trong bối cảnh thiền chánh niệm là không bị giới hạn vào việc chỉ tập trung vào một vài khía cạnh của đối tượng của nó, chẳng hạn như sự vô thường của từng sát na trong kinh nghiệm của mình, mà còn tập trung vào những khía cạnh khác nhau của tâm trạng của mình, trong khi đang hành thiền.

Trong thảo luận của ngài về việc phát triển một trạng thái định tĩnh của shamatha, Tông Khách Ba nhấn mạnh việc cần phải dựa vào những bản văn có thẩm quyền của các bậc thầy Phật giáo Ấn Độ vĩ đại. Ngài khuyên rằng:

 Đừng chỉ đặt hy vọng vào việc thúc đẩy bản thân mình với lòng nhiệt tình mù quáng. Như Aryashura đã viết trong Ba La Mật Đa Yếu Luận (Phạn ngữ: Paramitasamasa), "Nếu chỉ sử dụng lòng nhiệt tình thì con sẽ bị kiệt sức. Nhưng nếu trưởng dưỡng tự thân bằng sự hỗ trợ của trí tuệ thì con sẽ thành tựu những mục tiêu cao cả.”.
Top