Nhu Cầu Của Lòng Quan Tâm, Và Trước Hết Là Tĩnh Tâm

Vì Sao Phải Phát Triển Tính Nhạy Cảm Quân Bình?

Chúng ta đã thấy “Phát Triển Tính Nhạy Cảm Quân Bình”, là một chương trình đào tạo liên quan đến cách phát triển sự chú ý quân bình: cách mình chú ý đến các tình huống và tác động của hành vi của mình đối với người khác và bản thân, và cách mình phản ứng. Trong tất cả các trường hợp này, ta có thể làm quá nhiều hoặc quá ít. Điều quan trọng là trong bất cứ hình thức rèn luyện nào mà mình muốn cải thiện bản thân thì phải xác định vấn đề thật sự của mình là gì? Chúng ta muốn cải thiện điều gì, và cần phải cải thiện điều gì?

Cần phải phân biệt những gì mình muốn làm, những gì ta cần làm, và những gì mình thích làm. Hầu hết chúng ta không thích làm bất cứ điều gì. Nó giống như định luật vật lý, năng lượng của mình chỉ đi xuống mức thấp nhất. Nhưng nếu ta xem xét đời sống và mối quan hệ của mình với người khác, thì có thể phát hiện ra là chúng thật sự không quá mãn nguyện. Mình không quá vui vẻ với mọi người, và cần phải làm điều gì về vấn đề này.

Lúc đầu thì mình muốn làm điều gì đó, vì thấy rằng, “Tôi không vui”, rồi thì tiến thêm một bước nữa, đó là “Thật sự là mình phải làm việc này, nếu không thì vấn đề sẽ trở nên tồi tệ hơn”, bởi vì mình quá nhạy cảm và phản ứng thái quá đối với mọi việc, và mọi người không muốn ở gần mình, vì họ quá mệt mỏi. Nếu như ta hoàn toàn vô cảm với người khác và bị cuốn vào thế giới tự tôn nhỏ bé của mình thì một lần nữa, tác động của điều đó là gì? Ta sẽ cảm thấy rất cô lập và một lần nữa, không ai thật sự muốn ở gần mình, vì mình hoàn toàn lãnh đạm.

Khắc Phục Phiền Não

Trừ khi mình thật sự muốn thay đổi, và thấy rằng mình thật sự cần phải thay đổi, để cải thiện chất lượng cuộc sống, nếu không thì ta sẽ không làm bất cứ điều gì về vấn đề này. Điều mà mình luôn luôn phải làm là khắc phục cảm giác không muốn làm gì cả, bởi vì đó là điều sẽ thật sự ngăn cản chúng ta, ngay cả khi mình có động lực, nhưng “Tôi không thấy thích thú”. Ta có thể thấy rất rõ ràng với ví dụ này, chẳng hạn như, mình sẽ đi tập thể dục. Tất cả chúng ta đều biết rằng vì sức khỏe của mình nên cần phải tập thể dục, nhưng hầu hết thời gian thì mình không thích làm việc đó, đúng không, mặc dù ta muốn làm điều đó, và hiểu rằng cần phải làm điều đó.

Cách để làm việc với điều đó là phân tích những lý do khiến mình không thích làm điều đó? Những lý do, những cảm xúc đằng sau lý do tại sao tôi muốn làm điều đó là gì? Rồi bạn sẽ sử dụng trí phân biệt để xem điều nào quan trọng hơn? Tôi muốn điều gì ảnh hưởng đến bản thân mình? Tôi có muốn sự lười biếng ảnh hưởng mình hay không, đó là lý do tại sao tôi không thích làm điều đó? Hay là muốn tâm trạng muốn cải thiện bản thân ảnh hưởng đến mình? Cái nào quan trọng hơn với tôi? Lười biếng hay muốn cải thiện?

Đây là điều mà ngài Tịch Thiên (Shantideva), bậc thầy Phật giáo Ấn Độ vĩ đại, luôn nhấn mạnh. Ngài nói rằng những phiền não này, giống như sự lười biếng, là kẻ thù thật sự. Đây là những điều mà mình phải đấu tranh với bản thân, và không trở thành nô lệ của chúng. Ngay cả khi bạn không thích làm điều đó, nhưng hãy cứ làm đi. Dù sao đi nữa thì hãy thực hiện nó, vì một khi thật sự bắt tay vào việc thì bạn sẽ thấy việc rèn luyện bản thân thật là đáng giá. Nếu chúng ta thực hiện khóa đào tạo này để cải thiện mối quan hệ với người khác, đặc biệt là nếu mình giao tiếp nhiều với người khác thì động lực và sự thúc đẩy sẽ mạnh mẽ hơn nhiều.

Nếu bạn có con nhỏ thì sẽ không muốn thức dậy vào giữa đêm để cho em bé bú. Bạn không muốn thức dậy, nhưng dù sao bạn vẫn làm điều đó, vì nhu cầu của em bé. Không nhất thiết phải là một em bé. Nếu bạn có một con chó thì bạn không có hứng thú dắt chó đi dạo hai lần trong ngày, nhưng bạn cần phải làm điều đó, và con chó sẽ thật sự phàn nàn, nếu bạn không dẫn nó đi, nên hãy làm như vậy. Đối với công việc cũng vậy, chắc chắn là hầu hết thời gian thì mình không thích đi làm, và chắc chắn là không thích làm việc, nhưng dù sao thì bạn vẫn đi làm.

Rồi thì bạn có thể trải qua việc đó bằng cách phàn nàn lớn tiếng, hay nói thầm trong đầu, và hoàn toàn đau khổ khi thực hiện nó, hay có thể cố gắng dấn thân vào đó. Hãy nhìn xem có lợi ích gì để làm việc này cho bản thân hay người khác hay không, rồi thì bạn có thể đắm mình trong đó. Và sau một thời gianthì nó sẽ ổn thỏa và thậm chí, còn có thể thú vị nữa. Tôi có một người bạn rất, rất là mập và không tập thể dục, nhưng anh ta có một con chó. Mặc dù anh ấy không thích dẫn con chó ra ngoài, nhưng đó là bài thể dục của anh. Lúc đi dạo với con chó thì anh hiểu rằng mình cũng được lợi ích, vì ít nhất anh cũng được tập thể dục.

Lợi Ích Của Việc Rèn Luyện Tính Nhạy Cảm

Chúng ta đã thấy việc rèn luyện tính nhạy cảm là một điều gì đó, thật ra, khi mình xem xét bản thân và thấy rằng, “Làm sao để mình lưu tâm đến người khác? Mình sẽ phản ứng như thế nào? Làm sao để mình lưu tâm đến bản thân, và phản ứng như thế nào?” thì mình sẽ thấy nó mất quân bình rất nhiều, và sẽ phát khởi một số động lực như, “Tôi thật sự muốn thay đổi, tôi cần phải thay đổi.”. Và khi chúng ta tập luyện trong một nhóm, ngay cả khi đó là một nhóm rất nhỏ, thì mọi người thường thấy họ muốn tập với nhóm nhiều hơn là tự tập ở nhà, vì họ có cơ hội xã giao. Nó không nên là một câu lạc bộ xã hội mà các bạn đến với nhau chỉ để tán gẫu và uống trà, đại loại như vậy. Nhưng bạn đang làm một điều gì có tính cách xây dựng để giúp đỡ lẫn nhau. Nó sẽ mang lại nhiều năng lượng hơn cho cả nhóm, và cho từng cá nhân tham gia trong nhóm.

Các Giai Đoạn Rèn Luyện Tính Nhạy Cảm

Rồi thì ta đã thấy trong phần tổng quan là bất kỳ hình thức rèn luyện nào mà mình thực hiện đều có hình thức tiến triển. Đó là trường hợp khi mình học chơi một nhạc cụ; khi mình rèn luyện thân thể. Nó cũng là trường hợp ở đây, khi mình rèn luyện bản thân về những vấn đề nhạy cảm. Điều quan trọng là phải hiểu cấu trúc của cách rèn luyện này hoạt động theo những bước tiến triển dần dần, rồi mới có thêm một chút tự tin về những gì mình đang làm, và sẽ thấy nó đang đi đến đâu. Mình sẽ thấy rằng vấn đề là việc chú ý và phản ứng; đó là những vấn đề cơ bản.

Ta sẽ thấy rằng nền tảng để có thể giải quyết những vấn đề này là làm lắng dịu tâm trí, để mình không phán xét và biết cởi mở, quan tâm đến người khác, và quan tâm đến bản thân. Ta sẽ tuân theo những nguyên tắc đạo đức cơ bản, và hiểu rằng mình có khả năng đạt được sự quân bình này, rằng mình có các khả năng. Rồi thì mình sẽ học cách khám phá những khả năng đó, làm thế nào để tiếp cận những khả năng đó, bằng cách hiểu cách mà tâm thức và cảm xúc hoạt động. Thế thì điều ngăn cản ta sử dụng một cách hữu hiệu những yếu tố cơ bản mà mình sở hữu là vì chúng ta có đủ các vọng tưởng. Chúng ta không lưu tâm đến tình huống thật sự, vì chỉ chú ý đến vọng tưởng của mình, và phản ứng theo những vọng tưởng đó, chứ không phải tình huống thực tế. Chúng ta sẽ học cách giải tỏa kết cấu của những vọng tưởng này và đi vào thực tại, rồi học cách trưởng dưỡng những tài năng cơ bản này của tâm thức và cảm xúc của mình, để có thể phát triển tính nhạy cảm quân bình.

Đó là chương trình rèn luyện, nên bạn sẽ thấy nó đi theo những bước hợp lý, và chúng ta có một số ý tưởng về cách mà nó đang tiến triển, cách mà nó sẽ hoạt động. Khi hiểu được cấu trúc của những gì mình đang làm, về cách mình có thể thực hiện nó, và mục tiêu là gì, thì bạn có thể đặt hết tâm trí vào đó.

Trên cơ bản thì những gì tôi đang giải thích là những chỉ giáo về cách hành thiền một cách thành công. Thiền là điều hoàn toàn liên quan đến cách làm thế nào để tạo ra sự chuyển hóa tích cực cho bản thân, cho nhân cách của mình và vân vân. Đó là toàn bộ quan điểm về thiền định.

Hai Cách Tiếp Cận Việc Phát Triển Bản Thân

Những chỉ giáo cơ bản này là để bạn biết mình đang làm gì, cách thực hiện nó, nó sẽ hoạt động như thế nào, bạn đang nhắm đến điều gì – chúng có thể được áp dụng trong bất cứ hình thức đào tạo nào, bởi vì có hai cách tiếp cận bất cứ hình thức nào, đối với việc phát triển bản thân.

Một cách là dựa vào niềm tin. “Tôi thật sự không biết điều gì sẽ xảy ra, và nó sẽ hoạt động như thế nào, nhưng tôi có niềm tin, nên sẽ làm điều đó. Đối với một số người thì điều này sẽ hữu hiệu, nhưng không ổn định lắm, vì nếu như vị thầy hóa ra là người lợi dụng, hay hành xử một cách kỳ lạ và vân vân, thì bạn sẽ mất hết niềm tin.

Tuy nhiên, nếu bạn tiếp cận việc phát triển bản thân, cho dù đó là phương pháp tâm linh, hay chỉ là phương pháp thế tục thông thường, dựa trên sự hiểu biết và tự tin, thì không cần biết người lãnh đạo có là một ví dụ tốt cho những gì bạn đang làm hay không, bởi vì bạn sẽ tự tin vào phương pháp, và biết mình đang làm gì. Tất nhiên, nếu như người lãnh đạo là một ví dụ điển hình cho việc này thì rất hữu ích, nhưng rất khó để tìm thấy những người thật sự rất truyền cảm, có chứng ngộ cao, rất là hiếm. Họ tồn tại, nhưng rất hiếm. Có một sự khác biệt, khi bạn nghĩ về phương pháp trị liệu, tâm lý trị liệu và một vị thầy tâm linh. Một nhà trị liệu không cần phải là một ví dụ sống động về những gì họ đang cố gắng giúp bạn đạt được, còn vị thầy tâm linh thì nên là một ví dụ sống động.

Tuy nhiên, khi vị thầy tâm linh không phải là một ví dụ sống động thì thật sự có vấn đề. Đó là điều rất thất vọng. Vì không dễ có được một ví dụ sống động tốt thật sự, nên cần phải chú trọng hơn vào việc tự tin vào phương pháp, bởi vì việc rèn luyện tính nhạy cảm quân bình này có thể được thực hiện trong bối cảnh của một đường tu tâm linh, nhưng cũng có thể được thực hiện trong bối cảnh của một phương pháp  trị liệu.

Hiệu Quả Phi Nhân Cách Hóa Của Công Nghệ Hiện Đại

Hiện giờ, vì chỉ có một thời gian ngắn hôm nay, nên chúng ta chỉ có thể có một chút khái niệm về những bài tập này. Bài mà tôi đã chọn là “Phát Triển Lòng Quan Tâm”, hay “Thái Độ Chăm Sóc”, hay bất cứ điều gì mà bạn muốn gọi nó. Tôi nghĩ rằng với sự phát triển xã hội hiện nay đang diễn ra trên thế giới, với các phương tiện truyền thông xã hội và mạng xã hội, v.v..., thì nhu cầu về lòng quan tâm sẽ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.

Hiện nay, phần lớn sự giao tiếp của mình với người khác đều thông qua các phương tiện truyền thông của một loại công nghệ nào đó, thay vì giữa người với người. Điều đó có xu hướng rất phi nhân cách hóa, bởi vì mọi người bắt đầu giống như những nhân vật trong một trò chơi thực tại ảo (virtual reality) trong máy ví tính. Ở mức độ tốt nhất thì bạn sẽ thấy họ, cho là trong Skype đi, một cú điện thoại bằng Skype, nhưng thường thì thậm chí bạn không nhìn thấy họ, nếu đang nhắn tin, hay chỉ tiếp xúc qua Facebook, v.v... Có thể bạn chỉ thấy một số hình ảnh, lúc họ đi nghỉ mát.

Ta sẽ đánh giá mọi người bằng tiểu sử sơ lược của họ trên Facebook, và khóa họ trong tiểu sử đó, và chính mình cũng bị khóa trong tiểu sử sơ lược của mình, và bạn không thật sự nhìn thấy người ở đằng sau tiểu sử đó. Đó là lý do vì sao lòng quan tâm lại rất quan trọng, bởi vì chính điều kiện này mà mình có được từ phương tiện truyền thông xã hội để phi nhân cách hóa người khác, khiến cho ta cũng ngày càng vô cảm hơn ở ngoài đời, trong đời sống thật, nghĩa là không phải ở trước máy vi tính hay điện thoại di động của bạn.

Thật thú vị khi quan sát một nhóm người trên xe buýt, hay tàu điện ngầm. Quá nhiều người lạc lõng trong thế giới nhỏ bé của họ với tai nghe (earphones), và họ chơi với điện thoại di động. Họ đang nhắn tin cho người khác, hay đang chơi trò chơi bằng máy vi tính, nhưng không có cảm giác thật sự rằng có những người khác ngồi bên cạnh họ, hay ngồi trên xe điện ngầm.

Hiện nay, chúng ta đã có hiện tượng này về mặt giao thông, trước tất cả những phương tiện truyền thông xã hội và điện thoại di động. Chúng ta bị kẹt xe, và không xem những người trong những chiếc xe này là những con người thật sự với cảm xúc, và họ rất khó chịu và bất hạnh như mình. Thế thì vấn đề giao thông cũng làm mất nhân cách của con người, đúng không?

Kết quả của quá trình phi nhân cách hóa này là gì? Kết quả, hiệu quả của nó về mặt cảm xúc là mình sẽ thấy ngày càng cô lập hơn, ngày càng cô đơn hơn. Để bù đắp cho điều đó thì hiện giờ, chúng ta có xu hướng này, đó là “Nếu tôi tweet, nếu tôi gởi thông điệp nhỏ xíu này lên, và chia sẻ nó cho cả thế giới, hoặc đưa nó lên trang Facebook của mình, thì bằng cách nào đó, nó sẽ làm cho mình quan trọng.”. Chúng ta rất cô đơn, cảm thấy rất cô lập, và bằng cách chia sẻ cảm giác của mình thì nó sẽ kết nối mình với người khác. Nhưng nó không thật sự làm điều đó, đúng không? Phản ứng mà mình đang tìm kiếm là một phản ứng bất toại nguyện, đó là số lần “thích” mà mình nhận được trên trang Facebook. Điều đó hoàn toàn phi nhân. Nó không phải là phản ứng của con người, mà là một phản ứng cơ học. Nó không có nghĩa gì cả, khi bạn thật sự nghĩ về nó, “Liệu nó có làm cho mình hài lòng không? 100 cái thích không làm cho tôi thỏa mãn; nhưng nếu là 101 cái thì liệu nó sẽ làm cho mình hài lòng hay không?”. Điều đó không hữu hiệu, đúng không?

Lòng Quan Tâm

Lòng quan tâm này rất hữu ích để cởi mở lòng mình, thoát khỏi sự cô lập, từ cảm giác cô đơn đi đến nhận thức rằng, “Mỗi một người khác là một con người, là một con người và có cảm xúc giống như tôi”, nên mình không cô độc, và sẽ cởi mở với người khác, giao tiếp với họ. Không chỉ là giao dịch kinh doanh, mà là một sự giao tiếp bằng tình cảm, tích cực đối với người khác.

Ý tưởng cơ bản ở đây đối với lòng quan tâm là gì? Trước hết, chúng ta phải tĩnh tâm; thái độ chăm sóc thường là điều thứ hai trong quá trình. Nếu tâm mình sao lãng, nếu ta đang nghe nhạc, hay thậm chí không dùng tai nghe (earphones), nếu như âm nhạc đang trỗi lên trong đầu, hay có lời nói huyên thuyên trong tâm trí, hay những thứ tương tự như vậy, thì rất khó phát triển lòng quan tâm này. Nếu không tập trung thì có rất nhiều thứ khác đang diễn ra trong đầu mình. Nếu chúng ta đang phán xét về việc mình giao tiếp với người khác, hoặc nhớ đến lịch sử xa xưa, hay những chuyện cũ về con người hay định kiến, thành kiến, thì chúng cũng quấy nhiễu, thì đó là một vấn đề đối với việc phát triển lòng quan tâm này. Vì vậy, phải làm cho tất cả những điều này lắng dịu, có thể là nó hơi đáng sợ.

Cách Chúng Ta Che Chở Bản Thân

Nếu bạn nghĩ về nó, tất cả những loại âm nhạc mà mọi người đang nghe và v.v ... theo một ý nghĩa là một tấm khiên, hay một sự bảo vệ, để họ không phải suy nghĩ. Họ không phải đối diện với tình huống này, hay đối phó với khó khăn trong cuộc sống. Chỉ cần nhấn chìm tất cả bằng âm nhạc. Âm nhạc thường là điều tạo ra một tâm trạng nào đó mà bạn muốn. Nó có thể là loại nhạc techno, nên sẽ tạo ra cho bạn rất nhiều năng lượng, hay điều gì giống như vậy. Một lần nữa, chúng ta hiện đang dựa trên một số cơ chế bên ngoài, thậm chí để có thể phát triển bất kỳ cảm giác nào. Thế thì mình đang tự phi nhân cách hóa bản thân mình hơn nữa. Ở đây, trong khóa đào tạo này, không phải mình muốn có một vài bản nhạc ballad đầy lòng quan tâm với giọng hát hay, “Tình yêu, tình yêu, tình yêu”, theo kiểu này. Nếu muốn phát triển một thái độ chăm sóc thì nó phải xuất phát từ lòng mình.

Một khi bạn đã tĩnh tâm, điều mà tôi nói là đáng sợ, vì bạn không có tấm khiên đó, không có sự bảo vệ, rồi thì bạn có thể bắt đầu phát triển lòng quan tâm này. Cơ sở của nó là nhận ra những điều hoàn toàn là thực tại. Thực tại là, “Bạn là một con người và bạn có cảm xúc, cũng giống như tôi. Tâm trạng hiện tại của bạn sẽ ảnh hưởng đến sự giao tiếp của chúng ta, giống như tâm trạng của tôi sẽ ảnh hưởng đến nó.”.

Bạn phải quán chiếu về điều đó, đây có phải là thực tại không? Và nó là thực tại, đúng không? Bạn là một con người, tôi là một con người. Trong một sự giao tiếp chân thật, ngoài đời thật, không phải giao tiếp ảo, thì tâm trạng của bạn sẽ ảnh hưởng đến nó, giống như tâm trạng của tôi sẽ ảnh hưởng đến nó. Trong thực tại ảo, nếu như bạn có tâm trạng tồi tệ, thì chỉ cần tắt máy, đúng không? Nhưng đó không phải là ở ngoài đời thật. Tâm trạng của bạn không thật sự được biểu lộ rất rõ rệt, ngay cả với biểu tượng khuôn mặt cười, nếu nó dựa trên một tin nhắn SMS rất khó hiểu và ngắn gọn, hoặc một tweet, chỉ có 160 ký tự. Tâm trạng, cảm xúc, không thật sự là điều thiết yếu. Tất cả những gì bạn đang làm là truyền tải một số thông tin cơ bản. Như tôi có nói, nó rất đáng sợ, khi chúng ta đã quá quen với việc đứng sau những tấm khiên công nghệ, để thật sự gặp gỡ ai đó ở ngoài đời. Có thể mình chưa trải nghiệm điều này, nhưng ta có thể thấy rằng đây là xu hướng đang xảy ra trên thế giới.

Nhân Và Quả

Tại sao tôi lại sợ gặp một người khác? Điều này trở thành một câu hỏi rất thú vị. Chúng ta cảm thấy dễ bị tổn thương, hoặc không biết phải làm gì. Chúng ta đã mất đi những kỹ năng xã giao, nên thái độ quan tâm này, tấm lòng quan tâm này càng trở nên thiết yếu hơn, để thấy rằng không có gì phải sợ hãi. Bạn có cảm xúc, tôi có cảm xúc, chúng ta sẽ ảnh hưởng đến nhau, nhưng điểm tiếp theo ở đây là cách tôi đối xử với bạn, và những gì tôi nói sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn hơn nữa. Vậy thì bây giờ, ý thức về đạo đức xuất hiện ở chỗ mình không muốn biến điều này thành một cuộc gặp gỡ khó chịu với một người khác; nên đó là “nhân quả.”.

Bạn có một tâm trạng nào đó, tôi có một tâm trạng nào đó. Tôi phải tôn trọng điều đó, thừa nhận điều đó, nhưng cách mình giao tiếp với nhau sẽ ảnh hưởng đến nhau. Cách tôi đối xử với bạn sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn, và cách bạn đối xử với tôi sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng của tôi. Tôi quan tâm đến điều đó. Quan tâm... Tôi đang sử dụng một từ ngữ Tây Tạng, đúng ra là một chữ tiếng Phạn mà tôi đang dịch ở đây... có nghĩa là, không phải tôi lo lắng, mà là coi trọng điều đó.

Tôi xem trọng điều gì? Rằng bạn là một con người có cảm xúc. Rằng cách tôi đối xử với bạn sẽ ảnh hưởng đến bạn, nên tôi xem trọng điều đó. Do đó mà tôi lo ngại về những gì sẽ xảy ra trong sự giao tiếp giữa chúng ta, và nó sẽ ảnh hưởng đến bạn như thế nào, và nó sẽ ảnh hưởng đến tôi như thế nào. Chữ này cũng có ý nghĩa là cẩn thận. “Quan tâm” và “cẩn thận” là hai chữ liên quan với nhau. Tôi cẩn thận trong việc giao tiếp với bạn. Điều đó không có nghĩa là tôi cứng nhắc, nó không có nghĩa như vậy, nhưng cẩn thận như khi bạn đang đi trên một con đường rất hẹp, và bạn lo là sẽ bị té, nên phải cẩn thận. Mối quan tâm, chăm sóc, và việc cẩn thận đó hợp tác với nhau.

Do đó, kết luận của mình ở đây là, “Giống như tôi hy vọng bạn sẽ quan tâm đến tôi và cảm xúc của tôi trong việc giao tiếp của chúng ta, thì tôi hy vọng rằng bạn cũng sẽ làm như vậy, và không lo ra để gởi SMS hay nói chuyện trên điện thoại và bỏ mặc tôi, trong khi mình đang trò chuyện giữa chừng. Tôi quan tâm đến bạn, tôi quan tâm đến cảm xúc của bạn, tôi xem trọng bạn. Tôi đang có mặt với một con người, chứ không phải đang ngồi một mình trước màn hình máy vi tính.”.  Được rồi, bạn hiểu ý niệm chung chung này chứ?

Dòng Lý Luận

Sau đó, khi xem xét dòng lý luận này, “Bạn là một con người, và cũng có cảm xúc giống như tôi”, v.v... - qua dòng lý luận này, bạn sẽ đi đến kết luận. Có một quá trình để tạo ra một tâm trạng và cảm giác. Đương nhiên, cuối cùng thì mình sẽ không phải trải qua quá trình và các giai đoạn để tạo dựng nó, mà có thể luôn luôn được như vậy. Chúng ta chỉ cần nhắc nhở bản thân, rồi phát khởi tâm trạng đó.

Tuy nhiên, vào lúc đầu, nó sẽ không đến với mình một cách dễ dàng, nên bạn phải tự mình làm việc, để có một cảm giác nào đó. Đó là lý do tại sao tôi gọi đây là một “dòng lý luận”. “Bạn là một con người. Bạn là một con người và có cảm xúc giống như tôi. Tâm trạng hiện thời của bạn sẽ ảnh hưởng đến việc giao tiếp của chúng ta, giống như tâm trạng của tôi cũng sẽ ảnh hưởng đến nó.”. Nên đây là một dòng lý luận, hay những bước suy nghĩ, sẽ giúp mình tạo ra một cảm giác nào đó. Kết luận, tâm trạng mà mình đang cố gắng phát khởi và cảm nhận, là “Tôi quan tâm đến bạn, tôi quan tâm đến cảm xúc của bạn.”.

Chánh Niệm

Sau đó, trong các chỉ giáo về định tâm mà chúng ta thấy trong các tác phẩm vĩ đại về thiền định trong nhà Phật thì có sự hướng dẫn sau đây, liên quan một cách cụ thể đến chánh niệm. Chánh niệm là một tâm sở, trên cơ bản thì giống như chất keo tinh thần. Ngày nay, chữ "chánh niệm" đã được phong trào vipassana và chánh niệm sử dụng, và có một ý nghĩa khác với thuật ngữ tiếng Phạn nguyên thủy của nó, cụ thể là chỉ nhận thức hơi thở, tình huống, cảm thọ của thân thể, cảm giác, v.v... Đúng ra thì đó là một chữ khác trong tiếng Phạn và tiếng Tây Tạng. Rất tốt, nhưng các thuật ngữ có xu hướng bị lẫn lộn với nhau, và mất đi độ chính xác. Thuật ngữ nguyên thủy, thật sự dành cho chánh niệm thì giống như chữ “ghi nhớ”. Có nghĩa là giữ gìn một điều gì đó trong tâm trí. Nó giống như keo tinh thần. Khi bạn đang thật sự tập trung vào một điều gì đó, thì nó là keo dán giữ tâm bạn ở đó, để không quên lãng.

Chất keo tinh thần này rất cần thiết khi bạn đang cố đạt được định tâm, rằng một khi tạo ra một tâm trạng hay cảm giác thì bạn sẽ không mất nó. Đó là tâm sở chánh niệm. Nó giữ cho tâm mình dính chặt ở đó, để bạn không mất cảm giác đó, hay sự hiểu biết, hay sự tập trung đó, bất kể bạn đang tu tập pháp nào. Làm thế nào để duy trì chánh niệm đó? Đây là sự hướng dẫn mà chúng tôi tìm thấy từ kinh sách Phật pháp cổ xưa, bằng cách sử dụng những ngôn từ chủ yếu (keyword).

Sử Dụng Từ Chủ Yếu

Kinh sách nói rằng việc sử dụng từ chủ yếu là không có tâm tán loạn; đó là không bắt đầu có vấn đề, “Blah, blah, blah”, trong đầu bạn nữa. Đó chỉ là sự phân tâm, vì bạn không chú ý, nhưng việc sử dụng từ chủ yếu chỉ là để nhắc nhở bạn tập trung tinh thần. Nên thỉnh thoảng, bạn sẽ sử dụng một từ chủ yếu, để giữ keo tinh thần ở đó, khi nhận thấy keo tinh thần đang bỏ đi, và bạn đã mất nó, hay nó lại bị suy yếu nữa.

Trước tiên, bạn sẽ tạo ra một tâm trạng, bằng một dòng suy nghĩ nào đó. Nó sẽ không xảy ra một cách tự nhiên. Rồi bạn sẽ cố duy trì tâm trạng ấy và sự hiểu biết ấy: “Bạn là một con người và có cảm xúc giống như tôi”, rồi thỉnh thoảng, bạn tự nhắc nhở mình bằng một từ chủ yếu: “con người”, “bạn có cảm xúc”, chỉ vậy thôi.

Nếu đã quen với điều đó – thật ra đó là ý nghĩa của chữ “thiền”, cụ thể là làm quen với việc tạo một thói quen tích cực - thì trong đời sống bình thường, chúng ta sẽ nhớ điều này. Một lần nữa, đó là chữ “chánh niệm” này. Ta sẽ bắt đầu giao tiếp với người khác trên cơ sở bạn là một con người và có cảm xúc. Thế thì mình sẽ coi trọng người khác và cách tôi đối xử với họ, cách tôi nói chuyện với họ sẽ có ảnh hưởng; không phải mình đang chơi trò chơi thực tại ảo trong máy vi tính. Bạn sẽ có cảm xúc để phản ứng với họ.

Và trong quá trình giao tiếp đó, khi thấy mình đang phi nhân cách hóa người khác thì hãy sử dụng một từ chủ yếu. Nếu đã quen với cách thực hành này thì từ chủ yếu sẽ xuất hiện, khi mình bắt đầu cảm thấy khó chịu với người nào và cảm thấy: “Mình không thèm nói chuyện với họ nữa. Ước gì họ sẽ bỏ đi, để cho mình yên”, đại khái là như vậy. Hãy sử dụng từ chủ yếu “con người”, “cảm giác”. Hãy tự nhắc nhở mình. Hướng dẫn này rất, rất là hữu ích, nếu bạn thật sự hiểu và áp dụng nó.

Chẳng hạn như bạn có một đứa con, một đứa con nhỏ, và bạn rất là bực mình. Đứa bé đang khóc lóc và phàn nàn, vân vân, nhưng bạn sẽ tự nhắc nhở mình, nó là một đứa bé. Mình mong đợi điều gì? Điều đang xảy ra là bạn đang áp đặt vọng tưởng vào đứa bé rằng nó nên là một người lớn, và điều đó thật lố bịch. Bạn phải tự nhắc nhở bản thân, đó là thực hành chánh niệm, bằng cách sử dụng những từ chủ yếu. Đó thật sự là một hướng dẫn rất sâu sắc.

Từ chủ yếu có thể là một cụm từ, không nhất thiết chỉ là một chữ. Chữ đầu tiên là từ điểm sơ khởi đầu tiên, “Tôi sẽ không dựng chuyện hay nói bất cứ chuyện gì về bạn.”. Nói cách khác là không phán xét, không phàn nàn và chỉ trích bạn trong đầu mình như, “Ồ, bạn thật là ngu ngốc”,  và những điều như vậy. Chúng ta sẽ tự nhắc nhở bản thân, đặc biệt là khi mình bắt đầu đi vào những chuyện phán xét người kia trong đầu, trong khi đang giao tiếp với họ. Chúng ta có thể chỉ sử dụng chữ “im đi”. Hãy đặt ra những từ chủ yếu riêng cho riêng mình, bất cứ chữ nào hữu hiệu.

Rồi thì đối với câu “Bạn là một con người, bạn có cảm xúc,” thì bạn chỉ cần nói “con người”, chỉ cần nói “cảm xúc”, bất cứ chữ nào mà bạn muốn sử dụng. Có lẽ vậy là đủ rồi, hay có thể bạn cần nói nhiều hơn, như “Tôi quan tâm đến bạn; tôi quan tâm đến cảm xúc của bạn.”. Cuối cùng, có lẽ bạn chỉ cần một từ để nhắc nhở bản thân mình, “người”, “con người”. Chẳng hạn như tự nhắc nhở về tư thế của mình. Khi đang giao tiếp với ai, và nét mặt của bạn nhìn khủng khiếp, vai bạn gồng lên để chú ý, và bạn đang căng thẳng, thì hãy tự nhắc nhở mình: “buông xả”, “tư thế”, “thư giãn”. Tôi thấy điều này thật rất hữu ích.

Hiện nay, chúng ta đang lạc đề một chút, nhưng tôi thấy nó rất hữu ích cho suốt ngày, chẳng hạn như, khi tôi thấy bắp thịt trên mặt mình căng thẳng, như tôi đang nhăn trán và miệng nghiến chặt, thì hãy tự nhắc nhở bản thân “thư giãn”. Giống như vậy, bạn sẽ thư giãn các bắp thịt trên mặt. Hoặc nếu răng của bạn nghiến rất chặt, thì hãy “thư giãn”. Bạn sẽ sử dụng một từ chủ yếu để tự nhắc nhở mình. Và bạn chỉ nhớ sử dụng từ chủ yếu, nếu đã quen với việc này. Thiền là như vậy, là tư duy về nó hết lần này đến lần khác.

Định Tâm

Định tâm là một tâm sở, là một thành phần của thiền. Nhưng định tâm có thể được thấy trong bất cứ hoạt động nào, không chỉ thiền. Thiền theo nghĩa đen là tạo dựng một thói quen tích cực, một thói quen tích cực của tâm thức và cảm xúc; chúng ta không nói về thói quen chơi nhạc cụ hay thể thao một cách tích cực. Việc tạo ra một thói quen có nghĩa là quen thuộc hay làm quen với điều gì đó, và điều đó có nghĩa là bằng cách lặp đi lặp lại. Bạn sẽ phát khởi một tâm trạng nào đó, một sự thông hiểu hay tình thương nào đó, hay bất cứ điều gì, và lặp đi lặp lại nhiều lần, để nó trở thành một thói quen, một thói quen tự nhiên. Hoặc tĩnh tâm hết lần này đến lần khác, cho đến khi điều đó trở thành một thói quen tự nhiên, khiến cho tâm bạn tĩnh lặng.

Định là tâm sở giúp bạn giữ tâm ý ở yên một chỗ, khi nó hướng đến một điều gì đó. Nó giúp cho tâm ý của bạn trụ ở đó. Bạn có điều đó ở nhiều mức độ khác nhau. Nó chỉ là một phần trong cách tâm mình vận hành. Khi xắt rau thì phải chú ý, nếu không thì bạn sẽ làm đứt tay. Đó không phải là thiền. Vì vậy nên phải tập trung tinh thần, để tâm ý tập trung vào điều mà mình đang làm. Nó sẽ thay đổi theo cường độ từ rất, rất là ít định tâm, cho đến định tâm hoàn hảo.

Khi tập luyện để phát triển định tâm trong thiền định thì trên cơ bản, mình sẽ cố tránh hai chướng ngại. Một là tâm ý của bạn bay đến một đối tượng quyến rũ, nên bạn bị phân tâm, đó tâm tán loạn. Hai là bị hôn trầm, nên bạn không thật sự chú ý, sự chú tâm vào đối tượng quá lỏng lẻo, hay thậm chí có thể mất đi.

Việc tập trung tinh thần là điều hoàn toàn thiết yếu trong việc rèn luyện tính nhạy cảm. Bạn đang nói chuyện với ai, hoặc ai đó đang nói chuyện với mình, nên bạn cần có khả năng tập trung. Bạn phải tiếp tục chú ý đến những gì họ nói, không để tâm trí mình bắt đầu suy nghĩ về điều gì khác và đi lang thang, hoặc đưa ra nhận xét trong đầu. Bạn cũng phải coi chừng, đừng trì độn đến nỗi bạn chỉ lâng lâng, và phải hỏi người kia, “Bạn đã nói gì? Tôi không chú ý”. Thậm chí, bạn không lạc lõng trong ý tưởng của mình, mà chỉ uể oải, vì đang chán hay sao đó.

Một dấu hiệu khác cho thấy khả năng chú ý quá yếu là khi bạn nghe người kia nói, nhưng cách diễn đạt bằng tiếng Anh là “Nó đi vào tai này và ra khỏi tai kia”. Bạn không hiểu chút nào về những điều họ nói.

Những bài thiền định mà bạn có như cái gọi là “luyện tâm chánh niệm” sẽ dạy bạn tập trung vào hơi thở. Như một trong những vị thầy của tôi đã nói, không phải là bạn luyện tập để trở thành một con cắc kè chỉ ngồi trên tảng đá và thở, mà là để phát triển một kỹ năng mà bạn sẽ sử dụng trong việc giao tiếp với người khác, để tập trung và chú ý đến người kia, về những gì họ đang cảm nhận, về những gì họ đang nói, về những gì họ đang làm, và chú ý đến cách mình hành động.

Việc hành thiền đúng đắn phải có sự tập trung tinh thần. Bạn sẽ sử dụng nó để phát triển kỹ năng tập trung của mình, rồi sử dụng sự tập trung đó trong đời sống hàng ngày. Tất cả chúng ta đều có tâm sở cơ bản là định, nếu không thì bạn không thể làm bất cứ điều gì. Thú vật có sự tập trung khi chúng săn mồi hay đào hố, hay làm bất cứ việc gì; chúng có sự tập trung. Tâm sở định chung chung này là một trong những năng khiếu cơ bản của tâm thức.

Cân Nhắc Về Vấn Đề Văn Hóa Trong Việc Thực Hành

Bây giờ đến phần rèn luyện, trong bất kỳ bài tập cụ thể nào, trước tiên, chúng ta sẽ tập với những người không có mặt ở đây, vì điều đó dễ dàng hơn về mặt cảm xúc. Rồi tùy theo văn hóa, một là bạn giao tiếp với người khác, rồi với chính mình, hay là giao tiếp với chính bạn trước, rồi với người khác. Trong một số nền văn hóa thì rất khó làm cho mọi người giao tiếp với người khác, vì họ rất nhút nhát, giống như người Đức, nên nếu như để cho họ làm việc với bản thân trước, rồi giao tiếp với người khác thì dễ hơn. Trong khi người Mỹ La-tinh thì rất cởi mở và thoải mái với người khác, nhưng việc nhìn vào bản thân họ thì khó hơn nhiều. Việc rèn luyện luôn luôn phải thích nghi với văn hóa và cá nhân của mọi người trong nhóm.

Giao Tiếp Với Người Khác Trong Thời Đại Công Nghệ

Khi nghĩ đến xu hướng giao tiếp rộng rãi hiện nay của mọi người qua các thiết bị kỹ thuật số (digital devices) thì tôi nghĩ rằng giai đoạn đầu tiên trong các bài tập, tức làm việc với những người không có mặt với họ, đặc biệt rất phù hợp. Trong bối cảnh này, điều cực kỳ quan trọng để hiểu là, “Bạn là một con người, tôi đang giao dịch với một con người ở đây, chứ không chỉ xử lý với các pixel trên màn hình.”. Đây là một câu hỏi rất thú vị: liệu người này chỉ là pixels trên màn hình, hay đây là một con người thật? Có một người thật đằng sau màn hình không? Điều này sẽ dẫn ta đến bài thiền quán về Không tướng (tánh Không): liệu mình có nhận diện người kia qua những pixel trên màn hình SMS hay nhắn tin tức thời không? Có phải đó là người không? Người đó là ai, hay là gì?

Điều thiết yếu là phải nhận ra khi mình nhầm lẫn giữa người đó với các pixel trên màn hình, và xem họ chỉ là những pixels thì thật dễ có thái độ lạnh lùng như “Ai mà cần nghĩ tới họ và cảm xúc của họ làm gì?” Nếu không có hứng thú thì tôi chỉ cần nhấn nút và tắt nó đi; vì nó chỉ là những pixels.

Bắt Đầu Bài Tập

Rồi thì hãy làm việc với những bức ảnh của những người lạ mà tôi đã ghim lên bảng. Những tấm hình này chỉ được lấy ra từ một tạp chí. Có nhiều loại người khác nhau, nam và nữ ở các độ tuổi khác nhau, và các chủng tộc khác nhau. Đầu tiên, mình phải nhìn vào hình mà không có lời bình luận trong đầu. Điều đó không quá dễ dàng. Chúng ta sẽ cố gắng làm điều đó, chỉ nhìn vào từng một người, đi từ hình này sang hình khác.

Hầu hết mọi người thấy rằng họ đưa ra nhận xét trong đầu về một loại người nhiều hơn với loại người khác. Bạn có thể có nhiều nhận xét hơn về trẻ nhỏ, phụ nữ, đàn ông, những người thuộc chủng tộc khác, hay có thể là những người mà bạn thấy hấp dẫn. Việc lưu ý điều này không chỉ tiết lộ rất nhiều về bản thân mình, mà còn giúp ta hiểu được loại tiếng ồn xảy ra trong tâm mình.

Để tạo ra thái độ quan tâm thì trước tiên, cần phải dành thời gian cho pháp thực hành căn bản phải xảy ra trước đó, đó là việc “tĩnh tâm”. Nếu như bạn bịa đặt ra những câu chuyện về những người ở trong hình, trong khi đang nhìn họ thì bạn sẽ không bao giờ phát khởi được lòng quan tâm. Phương pháp đơn giản nhất để tĩnh tâm là buông bỏ. Chỉ cần buông bỏ những tiếng ồn bằng lời nói đang diễn ra trong đầu bạn. Điều mà mình sẽ làm như việc trợ giúp cho điều đó là nắm tay lại. Không cần phải nắm rất chặt. Sau đó, khi xòe tay ra thì hãy buông bỏ những suy nghĩ dư thừa. Bạn có thể sử dụng từ chủ yếu “buông bỏ” để tự nhắc nhở mình,

Hãy thử điều đó trong một khoảnh khắc, khi nhìn vào những tấm ảnh, và chỉ cần lắng dịu tâm mình, không phán xét, không bình luận, chỉ cần cởi mở với người đó. Hãy làm điều đó chỉ trong vài phút. Hãy bắt đầu thực hành với việc tập trung vào một bức ảnh nhiều hơn, rồi nếu bạn có thể lặng lẽ nhìn vào người đó thì sau đó, hãy tập trung vào một người khác trong bức ảnh tiếp theo. Nếu tâm trí bạn rất ồn ào thì trước hết, có thể tập trung vào hơi thở để lắng tâm, trước khi bắt đầu nhìn vào những bức ảnh.

Video: Mingyur Rinpoche — “Khởi Đầu Hành Thiền Phật Giáo”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ "Vietnamese" để xem phụ đề tiếng Việt.

[tạm dừng]

Sự Quân Bình Giữa Tĩnh Tâm Và Lòng Quan Tâm

Một số người thấy rằng khi tĩnh tâm thì họ không có nhiều cảm giác. Đó là lý do tại sao tất cả các thực hành tiếp theo đứng trên hai chân. Một chân là việc tĩnh tâm, và chân kia là lòng quan tâm. Bạn không thể chỉ tĩnh tâm, bởi vì sau đó, nói một cách chính xác thì người đó hoàn toàn không quan trọng, vì họ chỉ là những pixels. Mặt khác, nếu như trước hết, bạn cố phát triển thái độ quan tâm thì sẽ có xu hướng phán xét và nhận xét về người đó. Bạn không thể thật sự phát triển lòng quan tâm, nên cần cả hai. Có một sự cân bằng. Điều rất hữu ích là nhận ra bằng kinh nghiệm của chính mình trong bài tập này, rằng nếu chỉ cần tĩnh tâm thì không đủ, nhưng đó là cơ sở để mình có thể phát triển một số cảm giác tích cực sau đó.

Đồng Cảm

Đôi lúc, khi nhìn vào những bức ảnh này, mình sẽ bắt đầu cảm nhận cùng một cảm xúc mà người trong hình đang thể hiện. Điều tương tự thường xảy ra trong cuộc sống. Đây là hiệu ứng của cái gọi là “tế bào thần kinh gương” (“mirror neurons”), một cơ chế sinh học, nên “không có gì đặc biệt”. Đó là lý do tại sao khi những người ở gần bạn cười thì bạn sẽ cười theo; khi người ta khóc thì bạn cũng khóc theo. Đó là một cảm giác đồng cảm, điều đó ổn thôi, nhưng nếu người khác bị trầm cảm rồi mình cũng bị trầm cảm theo thì không hữu ích cho lắm.

Nếu bạn nhớ lại trong chuỗi các bài tập luyện của chúng ta, có một bài liên quan đến cảm xúc, đó là khi bạn ở bên cạnh người nào bị trầm cảm hay rất đau khổ, thì bạn phải cảm nhận nỗi bất hạnh đó, để đồng cảm với họ, để không thấy sợ hãi. Nhưng nếu mình đã tự rèn luyện bản thân để có thể tĩnh tâm, và tiếp cận với mức độ sâu nhất của tâm thức tĩnh lặng, thì ta sẽ để cho nỗi buồn và phiền muộn mà mình cảm nhận từ người kia lắng xuống trong chính mình. Rồi thì ta có thể tiếp cận sự ấm áp tự nhiên, sự hiểu biết và những yếu tố tích cực khác trong tâm mình, là những điều sẽ giúp mình an ủi người đó. Đó là bí mật về cách làm điều đó. Rõ ràng là nếu muốn làm được điều này thì đòi hỏi khá nhiều sự rèn luyện, nhưng ít nhất là bạn cảm thấy điều gì đó, khi nhìn vào những người trong ảnh, đó là bước đầu tiên rất quan trọng.

Tuy nhiên, cần phải coi chừng việc mất cân bằng cực độ khi quá nhạy cảm. Nếu đó là vấn đề thì mình sẽ bị cuốn theo cảm xúc. Nếu người đó bị tổn thương, la hét và ở trong tình trạng hoảng loạn thì mình cũng hoảng loạn theo, rồi không thể giúp họ. Nó giống như, chẳng hạn khi bạn ở bên cạnh một người đang lo lắng, nếu bạn cũng thấy lo lắng thì sẽ làm cho tình hình tồi tệ hơn. Bạn có thể cảm thấy sự lo lắng của họ, nhưng nếu như được rèn luyện kỹ càng thì bạn sẽ có khả năng nội tâm để làm lắng dịu bất kỳ sự lo lắng nào mà bạn có thể cảm thấy, rồi sự bình tĩnh của bạn sẽ tạo ra một hiệu ứng gương (mirror effect), để giúp người kia bình tĩnh lại. Điều này thật sự hữu hiệu.

Điều đó rất khác với khi bạn ở gần một người bồn chồn, mà bản thân bạn thì không cảm thấy gì cả. Việc không cảm thấy bất cứ điều gì, chỉ là một khoảng trống, sẽ không giúp cho người kia bình tĩnh lại. Nếu bạn có thể tiếp cận với sự tĩnh lặng cơ bản trong tâm thức, thì đi cùng với nó sẽ là những phẩm chất hữu ích khác, chẳng hạn như lòng nhiệt tình, thông hiểu và tình cảm.

Dĩ nhiên là một số người có thể ảnh hưởng đến bạn nhiều hơn những người khác. Đó là vì mối quan hệ và lịch sử mà bạn có thể đã có với người đó, lý do vì nghiệp, có rất nhiều yếu tố khác nhau. Không phải tất cả những con chim cánh cụt đều giống nhau! Thường thì những thành viên trong gia đình mình là thử thách lớn nhất.

Bình Tĩnh Trong Khi Giao Tiếp Với Người Khác

Trong một số nền văn hóa thì việc bình tĩnh trong khi nói chuyện với người khác là điều mất lịch sự. Ví dụ như đối với người Mỹ La-tinh thì bạn phải biểu lộ nhiều cảm xúc hơn. Nhưng làm thế nào để giữ quân bình giữa việc bình tĩnh và biểu lộ tình cảm, khi nó phù hợp với hoàn cảnh? Tôi nhớ đến một hình thức rèn luyện mà tôi đã từng áp dụng cho một nhóm võ thuật ở Berlin. Đó là một nhóm luyện tập ninjutsu, một loại võ thuật rất hung hăng, tác chiến. Điều tôi cố rèn luyện cho mọi người là phải rất bình tĩnh bên trong, nhưng rất mạnh mẽ bên ngoài. Tôi đã bảo họ cố làm một cử chỉ rất mạnh mẽ, hay hét lên “Hah!”, trong khi duy trì năng lượng bình tĩnh bên trong. Đó là cách duy nhất để thành công trong một môn võ thuật: giữ bình tĩnh bên trong, trong khi bề ngoài thì mạnh mẽ. Nhưng điều đó đòi hỏi rất nhiều sự rèn luyện và thực hành.

Còn về nhu cầu biểu lộ tình cảm với người Mỹ La-tinh thì tôi cũng có khá nhiều kinh nghiệm với những người như vậy. Điều mà tôi khám phá ra là có một sự khác biệt: bạn phải phân biệt giữa việc bình tĩnh và làm mặt lạnh như tiền. Việc tỏ ra bình tĩnh thật sự giúp cho họ cảm thấy thoải mái. Nếu bạn bình tĩnh, nhưng vẫn thể hiện nét mặt trong khi họ sôi nổi thì thật ra bạn đang thể hiện cảm xúc, nhưng đó là cảm xúc bình tĩnh. Bạn không hoàn toàn sôi nổi theo cách mà họ đang thể hiện.

Tuy nhiên, cảm xúc của bạn phải chân thành. Nếu bạn chỉ giả vờ và họ có thể cảm nhận là bạn đang giả vờ thì điều này sẽ trở nên khá khó chịu. Và một lần nữa, càng thoải mái bao nhiêu thì bạn càng có khả năng tạo ra tình cảm bất nhiêu. Đây là nghệ thuật đòi hỏi việc càng thoải mái thì càng dễ nảy sinh cảm xúc, chẳng hạn như bạn sẽ dễ khóc hơn, nếu là người không hay khóc lóc. Thêm vào đó, bạn rất thoải mái, không căng thẳng và ôm ấp mọi việc trong lòng.

Thái độ quan tâm này rất quan trọng, đặc biệt là với những thành viên trong gia đình mình. Họ có xu hướng là những người có thể khiến mình lo lắng và buồn bã nhiều nhất. Nếu ta có thể bình tĩnh với họ một chút thì sẽ giúp ích rất nhiều. Nói đến sự bình tĩnh đó thì chúng ta chỉ đang nói đến mức độ thiển cận ở đây, tuy nhiên, đó không phải là một mức độ rất dễ dàng, như ngưng phàn nàn trong đầu và gọi họ bằng những cái tên xấu xa, v.v... Nếu có thể làm cho điều đó lắng dịu, thì có thể mình không bình tĩnh về mặt cảm xúc, nhưng nếu ít nhất mình có thể ngăn chận điều đó thì có thể phát triển thái độ quan tâm này. Hãy hướng điều này về phía mẹ hoặc cha, dì hay chú của mình, hoặc bất cứ người nào làm ta bực mình. Mình sẽ nghĩ rằng, “Bạn là một con người và có cảm xúc. Bạn muốn được hạnh phúc, không muốn bất hạnh. Bạn đang cố gắng hết sức mình. Những gì bạn đang làm để cố giúp cho mình hạnh phúc có thể không hữu hiệu, nhưng bạn vẫn là một con người. Bạn cũng đang cố gắng hết sức như tôi.”.

Buông Bỏ Định Kiến

Trong một trong những bài tập sau đó, khi mình tĩnh tâm ở mức độ sâu hơn nhiều, so với việc chỉ làm lắng dịu giọng nói trong đầu, một trong những điều mà mình thật sự phải buông bỏ là những định kiến, đặc biệt là về vai trò mà mình kỳ vọng người khác sẽ nhận lấy, và vai trò mà mình trông mong chính mình sẽ nhận lấy. “Đáng lẽ bạn là người mẹ, đáng lẽ bạn là người cha. Làm cha mẹ thì nên như thế này và thế kia, nhưng bạn lại không làm được như vậy”, nên đó là điều rất bực mình. Đó là lý do tại sao những người trong gia đình mình làm chúng ta bực mình nhiều hơn người lạ, hay bạn bè, bởi vì mình có những kỳ vọng về vai trò mà mình áp đặt cho họ. Đó là điều mà bạn phải buông bỏ, để có được sự giao tiếp nhân bản thật sự với người đó.

Top