Mối Quan Hệ Giữa Việc Rèn Luyện Tính Nhạy Cảm Và Phật Pháp
Chương trình “Phát Triển Tính Nhạy Cảm Quân Bình” là một chương trình tôi đã phát triển cho việc rèn luyện và đạt được cảm xúc thăng bằng. Nó dựa vào Phật pháp, nên tất cả những bài thực hành trong đó đều bắt nguồn từ tài liệu của đạo Phật; nhưng nó là một hình thức rèn luyện mà không yêu cầu bất cứ nền tảng hay bối cảnh Phật giáo nào để người ta có thể tham gia. Trên cơ bản thì tôi đã phát triển nó vì nhiều người gặp khó khăn trong cuộc sống, và không thật sự biết cách áp dụng Phật pháp để tự giúp mình. Những người chưa tu tập theo đạo Phật cũng phải đối mặt với những vấn đề này, và không phải lúc nào cũng dễ tìm ra phương pháp để đối phó với chúng. Đây là những vấn đề liên quan đến tính nhạy cảm.
Khó khăn trong việc áp dụng phương pháp của nhà Phật vào vấn đề này là không có từ ngữ nào dành cho chữ nhạy cảm trong tiếng Phạn hay tiếng Tây Tạng. Nếu muốn tìm ra các phương pháp từ truyền thống đạo Phật để giúp mình giải quyết những vấn đề này thì phải phân tích những yếu tố khác nhau liên quan đến tính nhạy cảm.
Chú Ý Và Phản Ứng
Khi thực hiện việc phân tích thì chúng tôi thấy rằng đúng ra, có hai thành phần liên quan đến việc rèn luyện tính nhạy cảm. Đó là (1) lưu tâm, nói cách khác là cách mình chú ý, và (2) phản ứng, cách mình hưởng ứng. Đương nhiên, khi nói về nhạy cảm thì chúng ta đang nói về tính nhạy cảm về cảm xúc, chứ không nói về vấn đề dị ứng và loại nhạy cảm đó.
Có những khó khăn đối với cách mình chú ý. Một là mình chú ý quá nhiều, hai là chú ý quá ít; rồi đến cách mình phản ứng: một là phản ứng quá mức, hai là không phản ứng đủ, hay hoàn toàn không có phản ứng gì cả. Các lãnh vực mà chúng ta đang nói đến là (1) ảnh hưởng từ hành vi của mình - về mặt hành vi của mình ảnh hưởng đến người khác, và hành vi của mình ảnh hưởng đến bản thân - và (2) hoàn cảnh: tình huống của người khác và của mình.
Khi phối hợp tất cả những yếu tố này lại với nhau thì sẽ có rất nhiều biến thể mà mình có thể gặp vấn đề. Chẳng hạn như ta không lưu tâm đủ đến ảnh hưởng mà hành vi của mình sẽ tạo ra cho người khác, hoặc quá lo âu về ảnh hưởng của nó đối với người khác. Nếu ai nói điều gì với mình, và mình cảm thấy rất dễ tổn thương, rồi phản ứng quá mức. Hoặc mình không quan tâm đến điều người khác nghĩ, và không quan tâm đến việc mình có thể ngắt lời họ, hay làm điều gì tương tự như vậy. Chúng ta có thể nhận thấy những gì đang xảy ra, nhưng không hành động hay làm gì cả. Hay thật ra mình có thể làm điều gì đó, nhưng không có cảm giác gì; hay có thể không phán đoán một cách thăng bằng về cách mình phản ứng hay đối phó với tình huống. Tất cả những khó khăn này liên quan đến vấn đề nhạy cảm.
Lý Do Chương Trình Được Phát Triển
Tôi đã phát triển chương trình này vào cuối thập niên 90, và trong khi phát triển nó và suy nghĩ về những vấn đề mà mọi người gặp phải thì điều chủ yếu mà tôi quan tâm đến là việc mọi người giao tiếp với người khác hàng ngày, ở công sở, với gia đình, bạn bè của họ và vân vân. Vì vậy, tôi đã phát triển chương trình này, và có 22 bài tập. Đó là một chương trình rất đầy đủ, nên tôi chỉ mô tả một chút thôi.
Phải mất ba năm để hoàn thành nó, có một lớp học mỗi tuần, làm việc rất từ từ, cẩn thận, chậm rãi. Tôi đã dạy nó hai lần ở Berlin, mỗi lần mất ba năm, và giới thiệu về nó ở nhiều nước trên thế giới, và mọi người thấy nó rất hiệu quả.
Nhưng thời thế đã thay đổi. Trước khi có mạng lưới xã hội (social networking) thì tôi đã phát triển nó; đó là trước thời có việc gởi nhắn tin và làm nhiều việc trong cùng một lúc (multi-tasking), mà ngày nay có rất nhiều người tham gia. Đối với tôi thì dường như hiện nay, người ta còn cần những chương trình này nhiều hơn trước đây, vì việc mất thăng bằng về tính nhạy cảm để đáp ứng với tất cả những sự tiến bộ trong công nghệ này còn xảy ra nhiều hơn. Tôi đã lập một danh sách của một vài ví dụ về việc mất thăng bằng mà người ta có thể nghĩ đến một cách nhanh chóng và dễ dàng trong thời đại mạng lưới xã hội hiện đại của chúng ta.
Mất Thăng Bằng Về Tính Nhạy Cảm Trong Thời Đại Mạng Lưới Xã Hội
Chúng ta có mặt với người nào, nhưng lại gởi nhắn tin, hay nói chuyện điện thoại với người khác. Mình hoàn toàn không nhạy cảm với hoàn cảnh của người khác, như thể “Họ không còn tồn tại nữa, bây giờ họ không còn quan trọng nữa”, và như thể việc nhắn tin cho người bạn khác, hay đăng một câu tweet hay đại loại như vậy thì quan trọng hơn. Điều đó rất là thiếu nhạy cảm, đúng không?
Có một vấn đề khá khó khăn về việc chú ý là chúng ta không chú ý đến người đang hiện diện với mình. Hay mình liên tục xem tin nhắn và trang truyền thông xã hội của mình và những điều tương tự. Có những người trẻ ngủ bên cạnh điện thoại của họ vào buổi tối, và thậm chí không ngủ ngon. Ta có thể thấy rằng họ không lưu tâm đến ảnh hưởng của việc này đối với bản thân, vì ngày hôm sau thì họ hoàn toàn mệt mỏi, không tập trung tinh thần ở trường, hay ở sở, đại loại là những vấn đề như vậy. Dường như chúng ta quá thiếu tính nhạy cảm, theo ý nghĩa là mình thật sự muốn biết những gì mọi người đang nghĩ, đang làm, những tweets của họ, Instagram, trang Facebook và tất cả những điều đó, nhưng thật sự đó là sự vô cảm với họ, bởi vì mối quan tâm chính của mình là về tôi, “Tôi không muốn bỏ lỡ bất cứ điều gì”, đúng không?
Hay mình làm nhiều việc trong cùng một lúc. Chúng ta thấy mọi người đi bộ và hầu như lúc nào họ cũng phải có tai nghe (earphone) và Ipod để nghe âm nhạc, không kể tất cả những việc khác mà họ đang làm trong cùng một lúc. Kết quả là gì? Họ luôn luôn bị phân tâm. Họ không bao giờ lưu tâm đến những điều đang xảy ra quanh họ hay người khác một cách trọn vẹn, đại loại là như vậy.
Ảnh Hưởng Của Việc Thiếu Nhạy Cảm
Tôi đã đọc điều gì trên Internet gần đây, rằng có một vụ giết người, một vụ nổ súng trên xe điện ngầm. Tôi không nhớ là nó xảy ra ở đâu, ở New York hay San Francisco, hay ở đâu đó, và có một máy quay phim an ninh, và nó quay lại cảnh mọi người ở trên xe điện ngầm. Hầu hết mọi người đều mải mê với điện thoại di động và lo nhắn tin hoặc chơi trò chơi video, hay điều gì tương tự, trong thế giới nhỏ bé của họ, thậm chí họ còn không để ý là người nào đã bị giết trên xe điện ngầm đó. Thậm chí họ còn không nhìn lên. Đây là một ví dụ cực đoan về tính vô cảm, không hề lưu tâm, chỉ mải mê trong thế giới nhỏ bé của riêng họ một cách tuyệt đối, như thể phần còn lại trên thế giới không tồn tại.
Một số người gặp khó khăn đối với việc phản ứng một cách chân thành giữa người với người, nên họ lấy danh tánh giả trên Internet, và giao tiếp với người khác bằng danh tánh giả này. Hay vì không sử dụng trí phán đoán rất tốt nên họ trả lời cho người khác một cách quá ít ỏi; nói cách khác là thay vì nói chuyện với người nào hay giao tiếp với ai thì họ chỉ gởi cho người kia một tin nhắn, hay thậm chí không làm điều đó mà có thể đăng một điều gì đó trên Twitter, để cả thế giới cùng thấy nó.
Có một sự vô cảm đối với bất cứ cảm giác riêng tư nào mà người khác có thể muốn có. Và có toàn bộ hiện tượng về việc “thích” trên Facebook, và thật sự quan tâm về việc mình có bao nhiêu cái “thích”, rồi thấy chán nản, nếu bạn không có đủ người bấm “thích”, mà trên cơ bản là mình chỉ quan tâm đến “tôi”. Có bao nhiêu người thích “tôi”? Đôi khi, phản ứng cảm xúc của mình không thật sự là liệu họ có thích mình hay không, mà là vấn đề “mình” có được bao nhiêu lần “thích”, nên nó liên quan đến “mình”.
Rồi thì ta nhạy cảm với hoàn cảnh của mình, như ngồi ở nhà xem Facebook và tất cả những hình ảnh về những chuyến nghỉ phép của mọi người, và họ đã có một thời gian tuyệt vời, vui vẻ ra sao, và “Tội nghiệp cho mình, chỉ ngồi đây xem hình của họ trên máy vi tính”. Thế là người ta thấy phiền muộn hơn, quá nhạy cảm về hoàn cảnh của riêng mình, và vấn đề này trở nên trầm trọng hơn vì Facebook. Kết luận là mọi người, thậm chí hơn cả trong quá khứ, cần một cái gì như việc rèn luyện tính nhạy cảm, để có thể giúp họ giải quyết những vấn đề ngày càng tệ hại hơn, vì sự phát triển của mạng lưới xã hội và công nghệ.
Khóa Rèn Luyện Tính Nhạy Cảms Sẽ Tiến Triển Bằng Hai Chân
Điều gì có thể được thực hiện? Chương trình này, như tôi đã nói, có 22 bài tập, và hoạt động theo những giai đoạn tiến triển. Tôi thích giải thích toàn bộ quá trình rèn luyện như nghỉ ngơi hay đứng bằng hai chân: hai điều cơ bản cần thiết. Toàn bộ chương trình rèn luyện phụ thuộc vào hai điều cơ bản mà mình phải phát triển. Đây là những điều được gọi là “tâm tĩnh lặng” và “lòng quan tâm”, hay “thái độ quan tâm”.
Tâm Tĩnh Lặng
Có tâm tĩnh lặng có nghĩa là làm lắng dịu tất cả những việc trò chuyện, phán xét, phân tâm, âm nhạc, tất cả những điều khác đang diễn ra trong tâm trí mình, để thật sự im lặng, lưu tâm và cởi mở với người khác, hay cởi mở với cảm xúc của chính mình.
Ban đầu, lúc vừa phát triển chương trình thì tôi quan tâm đến những vấn đề mà tất nhiên mọi người vẫn có, là quá quan tâm đến việc làm hài lòng người khác, nên chẳng bao giờ làm lắng dịu lo âu của mình về điều đó và nghĩ rằng, “Tôi cảm thấy như thế nào?”. Điều này thường xảy ra với những người luôn luôn thiếu khả năng nói 'không' với người khác, nên luôn chìu theo ý người khác quá mức. Đó là nếu bạn giao tiếp với người khác, vì có những người thậm chí không giao tiếp với ai. Nếu bạn liên tục nghe nhạc thì không thể tĩnh tâm và xem xét, “Tôi cảm thấy thế nào? Cảm giác của tôi là gì? Nhu cầu của tôi là gì?” Bạn phải làm lắng dịu những ý tưởng dư thừa này.
Trong việc giao tế trực tiếp với người khác thì điều quan trọng là không nghĩ đến điều gì khác. “Khi nào thì người này sẽ câm mồm lại và bỏ đi? Có lẽ có một tin nhắn trên Facebook của mình, hay điều gì tương tự mà mình đã bỏ lỡ, vì đang tốn thì giờ nói chuyện với người này.”. Tất cả những ý nghĩ này. Một ví dụ khác rất kỳ cục là bạn đang nói chuyện với ai đó, rồi lại nghĩ rằng, “Wow, những điều họ nói rất tuyệt vời. Xin lỗi nhé.”. Thậm chí, bạn không nhất thiết nói “xin lỗi nhé”, mà chỉ nghĩ rằng mình phải tweet nó, hay phải gởi tin này cho người khác. Đó không phải là tâm tĩnh lặng.
Ban đầu, lúc phát triển chương trình thì tôi cũng nghĩ nhiều hơn về những ý tưởng phán xét, “Ồ, những điều mà người này nói ngu ngốc quá,”, hay khơi lại những chuyện xa xưa trong quá khứ của họ, và không an trú trong hiện tại. Dĩ nhiên là mình cũng phải làm cho những điều này lắng xuống. “Lắng dịu xuống” không có nghĩa là mình không cảm thấy gì hết. “Lắng dịu xuống” chỉ có nghĩa là mình cởi mở với những cảm xúc tích cực để đối phó với tình hình.
Tất nhiên, đạo Phật có rất nhiều phương pháp để tĩnh tâm. Một điều rất đơn giản là chỉ cần xả bỏ, để nhận ra là mình đang suy nghĩ “Blah, blah, blah”, trong đầu, và buông bỏ nó. Chúng ta có thể giúp mình làm điều đó bằng cách tưởng tượng bàn tay nắm lại, rồi mở tay ra và buông bỏ ý nghĩ này. Có một số phương pháp khác, nhưng đây không phải là dịp để thảo luận đầy đủ về tất cả các phương pháp được dạy trong mỗi một bài tập này.
Lòng Quan Tâm
Chân thứ hai là cái mà tôi gọi là “lòng quan tâm” hay “thái độ quan tâm”. Một khi mình đã tĩnh tâm thì đó là để nhận thức về người khác hay chính bản thân mình về mặt “Bạn là một con người có cảm giác cũng như tôi, và cách mà tôi cư xử đối với bạn và cách tôi nói chuyện với bạn sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn, giống như cách bạn hành động và nói chuyện với tôi sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của tôi. Vì vậy, tôi sẽ coi trọng bạn và việc bạn có cảm xúc, và tôi quan tâm đến bạn.”. Không phải là tôi lo lắng về cảm xúc của bạn, nhưng tôi quan tâm đến chúng một cách sâu sắc và chân thành, không chỉ thích thú về lãnh vực khoa học.
Tôi nghĩ trong thời đại truyền thông xã hội của chúng ta thì lòng quan tâm này còn quan trọng hơn trước đây nữa, bởi vì theo nhiều cách thì nhân danh việc liên hệ với người khác nhiều hơn nữa, thật ra thì mình ít liên hệ với người khác hơn, vì không thật sự thấy người kia có tình cảm, và là một con người thật. Họ chỉ là người nào trên màn hình máy vi tính, hoặc ai đó trong một tin nhắn mà bạn có thể tắt đi, khi không muốn đối phó với họ nữa.
Nếu mọi việc đi theo chiều hướng tất cả những người khác trở thành những nhân vật trong một trò chơi lớn trong máy vi tính của thực tại ảo mà bằng cách nào đó, bạn có thể giao tiếp hay nhấn nút và trò chơi sẽ kết thúc, và không còn có mặt ở đó nữa thì bạn không phải đối phó với nó nữa, rồi mình không xem người khác là con người một cách nghiêm túc nữa. Và ta không coi trọng bản thân mình như một con người, vì đó là cách mà mình giao tiếp với người khác.
Thế thì đây là hai điều cơ bản mà chúng ta sẽ phát triển ở đây. Trước khi bắt đầu khóa rèn luyện thì chúng ta sẽ phát khởi tâm tĩnh lặng và lòng quan tâm. Mỗi bài tập sẽ bắt đầu bằng việc tái khẳng định hai điều đó. Sau đó, phần còn lại của các bài tập sẽ được chia thành những giai đoạn. Có bốn giai đoạn cơ bản mà mình cần phải làm việc, và sau đó là giai đoạn thứ năm: rèn luyện cao cấp hơn.
Những Điểm Cơ Bản
Mường Tượng Tính Nhạy Cảm Lý Tưởng
Giai đoạn đầu là những điểm cơ bản mà mình phải có để phát triển bản thân hơn nữa. Trước tiên, mình sẽ sử dụng trí tưởng tượng để cố hình dung ra tính nhạy cảm lý tưởng thì giống như thế nào. Điều này bao gồm:
- Không có những câu chuyện đang diễn ra với lời bình trong tâm trí.
- Quan tâm và lo lắng cho người khác một cách chân thành.
- Không phán xét - không phán xét về họ hay bản thân mình, “Mình thật ngu ngốc”, v.v...
- Không tự xem mình là quan trọng – đó là cách mà ta cảm thấy rằng, “Mình là trung tâm của thế giới, và mọi người nên chú ý đến tôi, và tôi không quan tâm đến những điều bạn nghĩ; chỉ có điều tôi nghĩ thì mới quan trọng”.
- Không có những bức tường vững chắc giữa chúng ta - trong việc giao tiếp với người nào thì không dựng lên tấm chắn hay những bức tường lớn quanh mình, không phòng thủ.
- Không sợ hãi.
- Hoan hỷ – cảm thấy vui vẻ khi ở gần người khác.
- Có lòng cảm thông nồng nhiệt - là một người hiểu biết, có thể thông cảm và hiểu vấn đề của người khác là gì.
- Nét mặt - không hoàn toàn tỏ vẻ lạnh như tiền, như thể mình đang chán, và chỉ mong cho người kia đừng nói nữa và bỏ đi, hy vọng là điện thoại của mình sẽ reo để họ ngưng nói.
- Tự chủ – làm chủ bản thân, để không làm tổn thương người khác vì những điều mình nói hay làm.
- Lời tử tế - phải chú ý đến giọng nói của mình, và những gì mình nói.
- Hành động một cách chu đáo – cần phải suy nghĩ trước khi hành động.
- Tự phát - không cứng nhắc, nhưng cũng ý thức được cách mình hành động sẽ ảnh hưởng đến người khác, nên không chỉ làm bất cứ điều gì nảy sinh trong đầu mình. Đối với một số người thì một cái ôm là điều thích hợp, khi họ rất buồn bã và phiền muộn. Nhưng đối với một người khác đang buồn bã và phiền muộn thì cái ôm đó có thể không phù hợp, nên hãy suy nghĩ kỹ, và sử dụng trí phán đoán một cách đúng đắn.
Ta sẽ tưởng tượng nó sẽ ra sao, nếu như mình được như thế. Bạn phải có một vài ý niệm về mục tiêu mà mình đang hướng đến, để đạt được nó. Bạn có thể tưởng tượng mình đang cố gắng để được như vậy không?
Khẳng Định Khả Năng Tự Nhiên Của Mình
Sau đó, phải khẳng định và đánh giá những khả năng tự nhiên của mình trong bài tập tiếp theo. “Liệu mình có thể trở thành như vậy không? Mình có những phẩm chất để làm việc này hay không?” Chúng ta có, và sẽ tái khẳng định điều đó bằng cách nhớ lại những thời điểm mà mình có mỗi một phẩm chất này.
- Cảm thấy vui vẻ và thư giãn như nằm trên một chiếc giường ấm áp - bạn biết cảm giác đó như thế nào.
- Tập trung và chú ý - nếu như đang viết điều gì thì bạn phải tập trung tin thần, hoặc nếu đang đánh máy thì bạn phải tập trung, nếu không thì bạn sẽ đánh sai. Vì vậy, sự kiện mình có khả năng viết hoặc đánh máy cho thấy là mình có thể tập trung. Việc gởi tin nhắn hiển nhiên là đòi hỏi rất nhiều sự tập trung.
- Cảm nhận sự ấm áp và thể hiện sự ấm áp - nếu bạn đã từng vuốt ve một chú mèo con hoặc chó con thì bạn sẽ có cảm giác ấm áp đó.
- Hiểu biết - nếu bạn biết cách buộc dây giày thì bạn có một mức độ hiểu biết về cách làm một điều gì đó, và có thể làm điều đó với sự hiểu biết đúng đắn.
- Tính tự chủ để không gây hại – chẳng hạn như, khi lấy một cái dằm ra khỏi ngón tay thì bạn hoàn toàn có khả năng thực hiện việc tự chủ khéo léo, để rất cẩn thận về cách làm điều đó.
- Cảm thấy được truyền cảm hứng và phấn chấn với năng lượng – điều gì truyền cảm hứng cho hầu hết mọi người, nghe nhạc, hoàng hôn, điều gì sẽ truyền cảm hứng cho họ, nên mình có khả năng thấy phấn chấn và tràn đầy năng lượng.
Bạn thấy đó, để phát triển bản thân thì điều rất quan trọng trước tiên là phải có ý niệm về điều mà mình muốn thành tựu, rồi khẳng định rằng mình có những phẩm chất để có thể đạt được điểm đó. Nó chỉ là vấn đề phát triển những phẩm chất đó, nhưng mình có những phẩm chất đó. Nếu như có thể tự chứng minh là mình có những phẩm chất ấy, thì ta sẽ có một chút tự tin rằng đó là điều khả dĩ.
Kềm Chế Hành Vi Tiêu Cực
Một khía cạnh khác - một khía cạnh cơ bản - của việc ứng phó với người khác và chính mình một cách nhạy cảm là kềm chế hành vi tiêu cực, nên đó là nền tảng đạo đức, “Tôi sẽ không làm điều gì tiêu cực và làm hại bạn, tôi sẽ không làm điều gì tự hủy hoại.”. Với bài tập này, ta sẽ nhận ra những khía cạnh khác nhau trong hành vi của mình là phá hoại đối với người khác, hay hủy hoại bản thân. Việc này không chỉ không thành thật với người khác, mà còn không thành thật với chính mình. Khi nhúng tay vào hành động làm hại người khác, mà cũng có hại cho bản thân, như làm việc quá sức, không nghỉ ngơi đầy đủ, không ăn uống đàng hoàng, không tập thể dục, thì đó là những hành vi tự hủy hoại.
Có nhiều khía cạnh tinh tế liên quan đến điều này. Nếu như đi bộ với một người lớn tuổi thì không nên đi quá nhanh, đừng nói quá nhỏ đến nỗi họ không nghe được những gì bạn nói. Đại loại là những điều như vậy. Chúng có vẻ khá nhỏ nhặt, nhưng thật ra rất quan trọng, nếu bạn hành động một cách nhạy cảm với những người có nhu cầu đặc biệt, như một người cao niên.
Đừng phán xét về điều đó. Đôi lúc, khi người kia gặp khó khăn khi nghe bạn nói, và bạn phải nói lớn tiếng hơn thì bạn có xu hướng nghĩ rằng họ thật ngu ngốc, vì bạn phải nói to hơn với họ. Đó là sự phán xét, đúng không? Đó là một thành phần khác trong tính nhạy cảm thăng bằng của mình, không phán xét. Họ không hiểu những gì mình nói, vì họ không nghe rõ, nhưng mình lại nghĩ rằng họ không hiểu những gì mình nói, vì họ ngu ngốc.
Kết Hợp Tính Nồng Nhiệt Với Sự Hiểu Biết
Rồi thì bài tập cuối cùng trong lãnh vực này là kết hợp tính nồng nhiệt với sự hiểu biết. Cần có sự kết hợp của cả hai. Giống như, “Tôi sẽ coi trọng bạn bởi vì bạn, lời nói và cảm xúc của bạn là thật.”. Chẳng hạn như, “Khi tôi nói tôi buồn bực thì đó là sự thật, nên bạn cần phải hiểu và tỏ vẻ nồng nhiệt với tôi.”. Cũng như vậy, khi bạn nói là bạn buồn bực thì tôi cần phải nghiêm túc và đối xử với bạn một cách nồng nhiệt và hiểu biết. Như tôi đã nói, tất cả các bài tập này có nhiều phần. Tôi chỉ có thể giới thiệu một chút về mỗi một bài trong số này.
Khám Phá Tài Năng Trong Tâm Thức Và Trái Tim
Giai đoạn thứ hai của khóa rèn luyện được gọi là “Khám Phá Tài Năng Trong Tim Óc”. Nếu như thấy rằng mình có những phẩm chất để có thể phát triển tính nhạy cảm thăng bằng và lành mạnh này cho người khác và chính mình, thì mình sẽ tiếp cận chúng như thế nào? Đó là câu hỏi, và đó là điều mà phần này sẽ giải quyết.
Từ “Tôi” Đến Tâm Hành
Trước tiên, cần phải đưa sự chú ý của mình từ tôi và bản thân tôi sang hoạt động tinh thần (tâm hành) đang diễn ra. Giống như khi có ai nói điều gì với mình, và thay vì tập trung vào “Anh ấy vừa nói điều đó với tôi”, và tất cả những điều đó, “Bây giờ thì mình nên nói gì đây?” và vân vân, thì hãy xem những gì đang xảy ra chỉ là việc nghe thấy âm thanh. Đó chỉ là tất cả những gì đang xảy ra. Lắng nghe ai nói. Đó là tâm hành. Ổn rồi chứ? Đó là sự phát sinh của tâm ảnh ba chiều của âm thanh. Họ chỉ nói một từ và một âm tiết vào lúc mà bạn nghe thấy, nhưng trong đầu bạn thì nó được nối thành một câu có ý nghĩa. Đó là việc nghe là gì. Không có cái “tôi” cụ thể là người quan sát hay kiểm soát tách rời với nó. Tuy nhiên, tôi chịu trách nhiệm cho những gì tôi trải nghiệm và những gì tôi làm. Những gì mình đang cố làm ở đây là khách quan hơn về mặt kinh nghiệm của mình.
Lúc nào nội dung cũng thay đổi về những gì mình kinh nghiệm. Tâm hành của việc nghe những nội dung là điều cá nhân, và tôi phải chịu trách nhiệm về những gì tôi làm và những gì tôi nói để đáp lại, và tôi sẽ trải nghiệm hiệu quả của nó. Nhưng điều chủ yếu là chỉ tập trung vào sự kiện rằng đó chỉ là tâm hành đang diễn ra. Chỉ là hoạt động tinh thần.
Tâm Hành Cá Nhân Luôn Xảy Ra
Sau đó, với bài tập tiếp theo, chúng ta sẽ nhận ra rằng tâm hành này rất cơ bản. Nó rất tinh tế, luôn luôn ở đó, tôi gọi nó là sự phát sinh của tâm ảnh ba chiều và một số nhận thức về nó luôn luôn xảy ra.
Chẳng hạn, mình đang nhìn ai đó, nên thấy vẻ bực bội trên mặt họ: người đó đang bực bội. Rồi thì mình khảo sát những gì đang xảy ra với tâm hành của mình để thấy và nhận ra rằng:
- Cảm xúc của riêng tôi không ngăn cản tôi nhìn thấy khuôn mặt, vẫn còn sự phát sinh của cảnh tượng đó. Tôi nhìn thấy nó, dù tôi có bực bội, sợ hãi hay bất cứ điều gì, vì điều đó không ngăn cản việc nhìn thấy.
- Ý nghĩ bằng lời của tôi cũng không ngăn chận được nó.
- Nếu tôi nghĩ mình không thể liên hệ với người này và những vấn đề của họ, thì điều đó không khiến cho tôi không có khả năng nhìn thấy là họ đang bực bội.
- Họ bực bội: Tôi không có khả năng thay đổi thực tại, nếu tôi nghĩ, “Người này không tồn tại, hay họ là một con quái vật”, hay bất cứ thứ gì. Điều đó không thay đổi thực tế.
- Bất kể điều gì đang diễn ra trong tâm trí tôi thì tâm hành của việc chỉ nhìn thấy người đó, thấy khuôn mặt bực bội của họ, hay nghe những lời khó chịu của họ, vẫn đang diễn ra. Nó luôn luôn ở đó.
Tiếp Cận Tài Năng Tự Nhiên Trong Tâm Thức Và Trái Tim
Sau đó, bài tập tiếp theo là tiếp cận những tài năng tự nhiên này trong tim óc nói chung. Đây là một bài tập rất sâu sắc để tĩnh tâm, thư giãn. Ta sẽ làm điều này bằng cách buông bỏ dần dần:
- Sự căng thẳng của bắp thịt.
- Bất kỳ ý nghĩ bằng lời hay tâm ảnh nào có thể phát sinh.
- Định kiến - về người khác, về bản thân và về sự giao tiếp khả dĩ của mình.
- Không chỉ là phán xét bằng lời nói, mà cả sự phán xét phi ngôn ngữ - không cần phải nói trong đầu rằng “người này ngu ngốc”, hay “họ thật là phiền phức”, nhưng mình vẫn có thể phán xét, dù không bằng lời nói.
- Vai trò và những kỳ vọng liên quan đến vai trò mà ta có thể phóng chiếu lên bản thân mình, hoặc lên người khác - chẳng hạn như, “Ta là mẹ, mi là con. Người mẹ thì phải hành động như vậy, đứa con thì phải hành động như thế kia.”. Hoặc là, “Anh là người bạn đời của tôi. Đáng lẽ anh phải cư xử như vậy. Tôi thì phải hành xử giống như vai trò này.”.
Nếu bạn có thể tĩnh tâm và buông bỏ tất cả những điều đó, để mọi sự căng thẳng và áp lực biến mất thì điều mà bạn sẽ để ý - và người khác cũng nhận thấy - là cảm giác nồng nhiệt và cởi mở tự nhiên đối với người khác. Bạn sẽ ân cần và quan tâm. Không có việc do dự hay bồn chồn khi trả lời bằng bất cứ cách nào có vẻ phù hợp. Tất cả những điều đó đều khả dĩ, và ta sẽ thấy nó, nếu như mình chấm dứt việc suy nghĩ, “Tôi, tôi, tôi. Họ nghĩ gì về tôi?”, và tất cả những điều đó. Hãy thấy nó chỉ là hoạt động tinh thần, và đó là tất cả những gì đang diễn ra, và nếu bạn có thể tĩnh tâm đủ thì những phẩm chất tự nhiên, là một phần của tim óc sẽ có mặt ở đó, để bạn có thể sử dụng chúng.
Ngũ Trí
Việc kế tiếp mà mình sẽ làm là học cách làm việc với cái gọi là “ngũ trí”, đó là những cách cơ bản mà tâm thức hoạt động, cách mà tâm hành hoạt động.
Đại Viên Cảnh Trí
Với cái gọi là “đại viên cảnh trí” thì mình sẽ tiếp nhận thông tin. Chúng ta thu nhận rất nhiều thông tin, chỉ là mình không chú ý đến nó. Nếu thật sự nhìn vào người khác thì bạn có thể biết rất nhiều điều từ nét mặt, từ ngôn ngữ của cơ thể, từ cách họ chăm sóc bản thân, cách họ ăn mặc, cách họ giữ mình. Chúng ta thấy rất nhiều; tất cả những thông tin đó đang đi vào. Nếu đủ yên tĩnh thì bạn có thể chú ý đến những điều này.
Nếu như thật sự lắng nghe những gì người kia nói thì bạn có thể biết rất nhiều điều từ giọng điệu, cảm xúc đằng sau nó, thậm chí cả âm lượng. Một người nói nhỏ đến mức bạn không thể nghe rõ họ nói gì thường là người thiếu tự tin. Có rất nhiều điều được truyền đạt qua cách người ta nói và âm lượng mà họ sử dụng.
Bình Đẳng Tánh Trí
Loại trí tuệ tiếp theo là cái gọi là “bình đẳng tánh trí”, cụ thể là nhìn thấy những lề thói về mặt hành vi của người khác và kết hợp chúng lại với nhau. Chúng ta có khả năng làm điều đó. Bạn phải có khả năng làm điều đó, nếu không thì làm sao bạn biết rằng hai người này là phụ nữ và hai người kia là đàn ông? Chúng ta có thể thấy các pháp có những điểm tương đồng.
Diệu Quan Sát Trí
Rồi đến “diệu quan sát trí”. Vì vậy, dù nhìn thấy những lề thói trong hành vi của người khác, ví dụ như khi ở cạnh người bạn đời của mình và bắt đầu hiểu được những gì đang xảy ra với họ theo lề thói của họ, nên chúng giúp mình hiểu họ. Với trí tuệ này, mình cũng thấy tính cá nhân của tình huống cụ thể này, và nó có những đặc điểm riêng. Mỗi một khoảnh khắc ăn khớp với lề thói thì không phải lúc nào cũng giống nhau.
Thành Sở Tác Trí
Rồi thì có “thành sở tác trí” để đáp ứng với những gì mình nhận thức được bằng những loại trí tuệ khác. Đây chỉ là việc sẵn sàng đáp ứng về mặt làm một điều gì đó, hay với những gì mình nhận thức, hoàn thành điều gì đó. Ngay cả một con sâu cũng biết, khi nhìn thấy thức ăn, để đáp ứng bằng cách ăn nó, trên cơ sở nhìn thấy những mảnh thức ăn khác nhau cũng đều là thức ăn như nhau. Một con sâu biết điều đó.
Pháp Giới Thể Tánh Trí
Rồi thì có “pháp giới thể tánh trí”, để biết đây là gì và cụ thể phải làm gì, không chỉ để phản ứng chung chung, mà còn phải làm gì một cách cụ thể.
Đây là những công cụ là một phần trong những tài năng của tâm thức. Chúng là cách mà tâm hoạt động, mà mình có thể sử dụng. Trên thực tế thì mình sử dụng chúng trong đời sống hàng ngày. Để giải thích một cách rất đơn giản thì bạn nhìn thấy cái lỗ ở trên tường ở đằng kia, và bạn biết đó là một cánh cửa, và biết mình phải làm gì với nó. Bạn biết rằng bạn có thể đi qua cửa, và biết rằng bạn phải mở cửa, chứ không đập vào cửa. Đó là cách mà tâm thức của mình làm việc. Chúng ta thấy nhiều cánh cửa khác nhau, và tất cả chúng ta đều biết rằng đó đều là những cánh cửa, và phải làm gì với mỗi một cánh cửa đó. Thế thì điều tương tự cũng được áp dụng về mặt mọi người đều bực bội như nhau, và hầu hết mọi người thích gì. Nhưng đây là trường hợp cá nhân, nên nó phải được cá nhân hóa.
Tất cả những điều đó là giai đoạn thứ hai, khám phá những tài năng của tâm thức và trái tim của mình.
Xua Tan Vô Minh Về Hiện Tướng
Giai đoạn thứ ba là “xua tan vô minh về hiện tướng”. Việc mình chú ý đến điều gì và phản ứng với điều gì là những hiện tướng về mặt cơ bản, cách các pháp xuất hiện với mình. Hãy nhớ rằng tâm hành là việc tạo ra hiện tướng, những tâm ảnh ba chiều. Và đó là việc nhìn thấy là gì, nghe là gì, suy nghĩ là gì.
Hãy cố hiểu khái niệm về tâm ảnh ba chiều này, vì nó rất quan trọng. Chúng ta thấy gì? Có tất cả những người ngồi đây trước mặt tôi và ánh sáng đang tỏa ra, chạm vào võng mạc của tôi và điều đó đang được chuyển thành các xung điện và hóa chất. Bằng cách nào đó, ở mức độ kinh nghiệm thì điều đó được chuyển dịch thành một tâm ảnh ba chiều, đó là những gì mình thấy. Không phải là có một tâm ảnh ba chiều mà bạn có thể tìm thấy trong đầu của mình. Đó là lý do tại sao chúng ta nói đó là tinh thần, nhưng thật ra về mặt sinh lý học thì tất cả những gì đang xảy ra là việc bắn ra các tế bào thần kinh và hóa chất.
Tâm Ảnh Ba Chiều Kết Hợp Với Phóng Tưởng
Vấn đề là tâm hành đặt các phóng tưởng lên trên những tâm ảnh ba chiều này. Chúng ta thường phản ứng bằng phóng tưởng hơn là tình hình thực tế. Chẳng hạn như có ai không gọi điện thoại cho mình thì đó chỉ là một sự việc, mình không nghe tin của họ. Rồi thì mình phóng chiếu lên họ, “Họ không còn thích tôi nữa”, và tất cả những điều đó; trong khi đó thì có thể là điện thoại của họ đã hết pin. Trước tiên, phải chứng thực hiện tướng mà mình nhận thấy. Phải xác nhận hiện tướng thông thường mà mình thấy, và lưu ý đến bất cứ sự thổi phồng hay phóng đại nào mà mình có thể có đối với nó.
Giống như bạn sống với ai đó và họ không rửa chén, không dọn dẹp, đại khái là vậy. Đó là sự thật, nhưng rồi mình phóng chiếu lên nó, “Bạn là một người bẩn thỉu kinh khủng; bạn không bao giờ dọn dẹp và rất vô trách nhiệm”, v.v... Phương pháp giải tỏa phóng tưởng này là thấy rằng sự phóng chiếu đó giống như một chiếc bong bóng mà mình đã thổi ra phồng lên từ tình huống đó. Rồi hãy tưởng tượng mình đã chọc thủng bong bóng đó, nhưng không phải theo ý nghĩa nhị nguyên của một cái “tôi” riêng rẽ với nó chọc thủng bong bóng bằng một cây kim, mà chỉ là nó bị nổ.
Hay mình có thể tưởng tượng là có một cuốn chuyện thần tiên về hoàng tử hay công chúa, hoặc sự bừa bãi, hay nạn nhân tự cho là mình đúng đắn và người bẩn thỉu lười biếng kinh khủng - bất cứ loại câu chuyện nào mà bạn đang bịa đặt ra từ đó. Hãy đóng sầm cuốn sách lại, không còn chuyện thần tiên gì nữa hết. Đó là bài tập đầu tiên này.
Giải Tỏa Hiện Tướng Lừa Đảo
Sau đó, chúng ta có một loạt những bài tập giải tỏa hiện tướng lừa đảo, phóng tưởng. Trước tiên, mình sẽ hình dung những sự thay đổi trong cuộc sống, giống như một người già đi, để giải tỏa hiện tướng lừa dối của người chỉ mới một tuổi và chỉ theo cách đó mãi mãi. Nó là cách ta nhận thức nó. Mình thấy ai đó, chẳng hạn như một người già bị bệnh Alzheimer, và nghĩ rằng họ luôn luôn như vậy. Mình không nghĩ rằng họ là một người hoạt động thường xuyên; họ đã có một cuộc sống, có nghề nghiệp, đã có một gia đình và vân vân. Giống như thể họ chỉ như vậy và mãi mãi là như vậy, người mắc bịnh Alzheimer này không nhớ cả tên của họ. Rồi thì mình sợ phải tiếp xúc với họ; thậm chí sợ chạm vào họ.
Chẳng hạn như mình đang ở cạnh ai đó, người bạn đời của mình và họ đang bực bội, rồi thì mình nói, “Ồ, anh luôn luôn bực bội.”. Điều đó có nghĩa là gì? Rằng mỗi một khoảnh khắc trong đời sống của họ, từ khi là một đứa bé cho đến bây giờ, và đến khi họ chết, họ luôn bực bội? Mình đã quên mất những sự thay đổi trong cuộc sống, rằng có rất nhiều tình huống khác nhau. Chúng ta không thấy tình huống đó trong bối cảnh của toàn thể mối quan hệ. Điều đó rất quan trọng trong các mối quan hệ, khi mà mình có xu hướng quên đi toàn bộ bối cảnh của tất cả các khía cạnh khác nhau trong sự giao tiếp giữa mình và ai đó. Chỉ vì một ví dụ cụ thể trong hiện tại rất có ấn tượng, nên mình có xu hướng nghĩ rằng nó là như thế, bạn hiểu không? Đó hoàn toàn là một sự thổi phồng, đúng không?
Hay những điều tương tự về bản thân mình, chúng ta nghĩ rằng, “Tôi luôn luôn là như vậy; nó sẽ luôn luôn như thế này.”. Việc nghĩ về bối cảnh trong cả cuộc đời bạn, cách bạn phát triển trong suốt quãng đời là một điều quan trọng. Không phải là bạn luôn luôn ở trong giai đoạn đặc biệt này, khi mà bạn không tìm được một công việc, hay gặp khó khăn trong một mối quan hệ, hay điều gì tương tự. Cuộc sống trải qua rất nhiều giai đoạn, nhiều thay đổi. Bạn sẽ thấy bối cảnh lớn hơn.
Phân Tích Kinh Nghiệm Thành Những Thành Phần Và Nguyên Nhân
Sau đó, trong bài tập tiếp theo, ta sẽ phân tích kinh nghiệm của mình thành những thành phần và nguyên nhân. Chẳng hạn như có ai đang bực bội. Có rất nhiều, rất nhiều nguyên nhân cho điều đó, không chỉ là “Điều tôi nói đã làm bạn bực mình. Tôi là toàn bộ nguyên nhân”, hay “Bạn là một người kinh khiếp, và bạn luôn bực bội.”. Bạn biết sự thể ra sao, khi mình về nhà, hay người bạn đời của mình về nhà, nếu mình là người ở nhà. Như thể mình tưởng tượng là không có điều gì xảy ra trong cuộc sống của người này, trước khi mình về nhà, hoặc trước khi họ về nhà. Hiện giờ thì họ có mặt ở đây, và thực tế là họ đã trải qua một ngày khó khăn ở văn phòng, hay có một ngày khó khăn ở nhà với những đứa trẻ trong ngày, nhưng điều đó không tồn tại trong tâm trí mình. Nên mình phải thấy rằng cách họ hành động hiện nay, cách họ cảm nhận hiện giờ, phụ thuộc vào những gì xảy ra trước đó, trong ngày. Nó không chỉ là những gì mình thấy đang xảy ra ngay trước mắt, mà không có bất cứ điều gì xảy ra trước đó.
Tôi nghĩ điều này liên quan nhiều nhất với việc gởi tin nhắn, tất cả email và nhắn tin mà chúng ta gởi cho nhau. Như thể mình tưởng tượng người kia hoàn toàn không có gì xảy ra trong đời sống của họ. Nếu họ không trả lời và hồi âm ngay lập tức thì mình sẽ rất buồn bực. Chúng ta hoàn toàn không nhạy cảm về sự kiện là họ có một đời sống đang diễn ra, và khi bạn gọi cho ai thì bạn nên hỏi, “Bạn có bận không? Bạn có thì giờ không? Đây có phải là thời điểm tốt không, hay tôi nên gọi điện thoại cho bạn lát nữa?”.
Nó cực kỳ thiếu nhạy cảm và tự cao khi nghĩ rằng tôi có thể ngắt lời bạn bất cứ lúc nào bằng tin nhắn SMS hay một cú điện thoại, và bạn phải trả lời ngay lập tức. Xét về hiện trạng của người đó, tâm trạng của họ, v.v..., có tất cả những nhân tố của thời thơ ấu của họ, cha mẹ của họ và những gì đang diễn ra trong công việc và sức khỏe của họ, và rất nhiều điều khác nhau; nên hãy giải tỏa nó.
Kinh Nghiệm Như Những Con Sóng Trên Đại Dương
Sau đó, có những bài tập khác về việc xem những kinh nghiệm của mình như những con sóng trên đại dương; cảm xúc của mình dâng lên rất cao, nhưng con sóng sẽ ập xuống. “Sao bạn có dám nói điều đó với tôi?!” Nếu có ai nói điều gì thật là xúc phạm, và bạn rất đau lòng, vân vân, giống như một con sóng lớn trên đại dương. Nhưng nếu bạn chỉ thư giãn, giống như với sóng biển trên đại dương, thì dần dần, bạn sẽ bình tĩnh lại. Chỉ cần xem đây là một hoạt động tinh thần, như một làn sóng lớn trong đại dương của tâm trí bạn. Hãy để nó bình tĩnh lại; đừng để nó làm xáo trộn chiều sâu của đại dương.
Chẳng hạn, người nào nói điều gì với mình; họ nói điều gì thật xúc phạm, hay thật là sốc, hay rất chê bai mình. Hoạt động tinh thần lúc đó là gì? Chúng ta đã có điều này trong bài tập đầu tiên của phần này. Đơn giản là lắng nghe. Bạn chỉ nghe từ ngữ, đó là tất cả những gì đã xảy ra. Nếu đã tĩnh tâm đủ nhờ luyện tập thì bạn có thể cảm thấy năng lượng bị xáo trộn bên trong. Ai đó nói nặng lời với bạn và giống như bạn cảm nhận nó trong bụng, gần như vậy, một sự căng thẳng trong năng lượng của bạn. Điều đó giống như con sóng lớn này trên đại dương, nhưng tâm thức chỉ nghe thấy, giống như đại dương. Nó giống như vậy.
Tâm thức chỉ là đại dương rất êm đềm, chỉ nghe thấy những ngôn từ, nhưng rồi nó thắt lại với cảm giác này trong bụng, như thể nó đang cố gắng tạo ra một cái “tôi” cụ thể đứng đó và la hét, “Sao bạn lại nói vậy với tôi? Sao bạn dám làm như vậy!” Nó rất chặt chẽ. Ở đây, điều mà bạn phải làm là hãy để nó đi xuống. Nó chỉ là một con sóng trên đại dương. Không có gì là chuyện lớn. Hãy để nó bình tĩnh lại và một lần nữa, trở thành đại dương, hay chính là đại dương. Rồi tất cả chỉ là bạn đã nghe một số ngôn từ, và sau đó, bạn có thể trả lời một cách bình tĩnh, không phải theo kiểu: “Sao bạn dám nói như vậy! Tôi, tôi, tôi!".
Sau đó, chúng ta có những bài tập để kết hợp những cách khác nhau để giải tỏa hiện tướng của mình bằng lòng bi mẫn.
Phản Ứng Bằng Tính Nhạy Cảm Thăng Bằng
Sau đó, phần thứ tư, là giai đoạn cuối cùng của khóa rèn luyện cơ bản này, là “phản ứng bằng tính nhạy cảm thăng bằng”. Nói cách khác là một khi đã giải tỏa được những phóng tưởng thì mình sẽ thật sự thấy những gì đang xảy ra với người khác hay với chính mình, nên sẽ không phóng chiếu, cũng không bỏ qua những gì đang diễn ra, như khi bạn vô cảm. Rồi thì bạn phải có khả năng ứng phó với tình hình. Những gì mình muốn là có thể ứng phó với thực tại, thay vì ứng phó với ảo tưởng của mình.
Điều Chỉnh Tâm Sở
Bài tập đầu tiên là “điều chỉnh tâm sở”. Chúng ta sẽ tìm hiểu về các yếu tố khác nhau có mặt với tâm hành của mình: cách mình chú ý, mức độ quan tâm của mình đối với mọi thứ, những gì mình có thể phân biệt trong một tình huống hay trong một người, cách mình tập trung tinh thần, cách mình phân biệt, chủ ý của mình là gì. Và chúng ta thấy rằng với tất cả những yếu tố này, mình có thể thay đổi chúng, có thể điều chỉnh chúng, nhưng không phải theo cách nhị nguyên của “tôi” ở đây và điều chỉnh các nút trên radio ở đó; mà chỉ cần thay đổi chúng. Hãy quan tâm nhiều hơn về những gì người khác nói, không phải là “Ồ, thật là nhàm chán”, rồi thì “Tôi chẳng quan tâm đến chuyện đó.”. Hãy quan tâm, đó là cách mà bạn giao tiếp với mọi người, bạn quan tâm đến cuộc sống của họ. “Chuyện gì đang xảy ra với bạn?”. Hãy chân thành.
Chúng ta thấy mình có thể phát triển sự quan tâm. Nếu có cả đống áo len ở đây thì mình sẽ không quá quan tâm đến nó. Nhưng nếu trời rất lạnh và cần tìm một chiếc áo len để mặc, vì mình thấy rất lạnh thì ta sẽ quan tâm đến chúng. Có thể thay đổi và điều chỉnh những tâm sở của mình.
Làm Thông Suốt Cảm Xúc
Sau đó, chúng ta có một bài tập rất quan trọng, liên quan đến việc “làm thông suốt cảm xúc”. Nó liên quan đến việc chấp nhận khổ đau và có thể mang lại hạnh phúc, bởi vì đôi khi mình ở cạnh ai, và người đó thật buồn bực hay buồn rầu, và mình sợ phải chấp nhận điều đó, đối phó với nó và cảm nhận điều đó. Cảm giác đồng cảm và thấu cảm của mình bị tắt nghẽn.
Nói một cách cơ bản là mình sợ hãi. Phải học hiểu rằng không có gì để sợ hãi về mặt cảm xúc. Hoặc mình quá bận rộn, nên chẳng màng đến việc đó. Phải học hiểu rằng dù bạn có thể thấy buồn vì nỗi buồn của người khác, nhưng không có nghĩa là mình phản ứng thái quá, rồi bắt đầu khóc lóc, và người khác phải an ủi bạn. Đúng hơn là, dù có thấu cảm với nỗi buồn của họ thì câu hỏi là làm thế nào để có khả năng an ủi và cổ vũ họ. Làm sao để làm điều đó? Làm sao để có được cảm giác nhạy cảm thăng bằng đối với khổ đau và nỗi buồn của họ, mà vẫn có thể đem lại sự thoải mái, nồng nhiệt và hiểu biết? Đó là một bài tập tốt để phát triển điều đó.
Điều khá thú vị là nếu mình là cha mẹ, có một đứa con nhỏ, và đứa nhỏ rất buồn bực thì mình sẽ tìm cách nào để làm điều đó. Đứa trẻ bị thương và tất nhiên bạn rất buồn khi đứa trẻ bị té và bị thương, nhưng dù sao đi nữa thì bạn phải mang lại sự ấm áp, thoải mái và tự mình không buồn bực, không kinh hoàng. Khi bạn đối phó với người bạn đời của mình thì khó khăn hơn nhiều. Về cơ bản thì vấn đề là nhận ra không có gì phải sợ cảm xúc và hãy thoải mái với chúng.
Đây là những bài tập rất đơn giản để không sợ cảm giác. Bạn sẽ làm điều đó bằng cách làm việc với cảm giác trong thân thể. Bạn gãi tay rất mạnh; rồi chỉ cần cầm tay mình, rồi cù lét tay. Có gì khác biệt không? Nó chỉ là một cảm giác. Không thành vấn đề. Điều khó khăn hơn là khi người bên cạnh bạn gãi tay bạn thật mạnh, chỉ nắm tay bạn và cù lét tay bạn. Có gì khác biệt không? Không có gì khác biệt; Nó chỉ là một cảm giác thể chất. Đúng ra thì rất thú vị khi trải nghiệm điều đó, và phân tích sự khác biệt về cách bạn đối phó với điều đó. Phản ứng cảm xúc của bạn đối với điều đó rất là thú vị.
Có Những Quyết Định Nhạy Cảm
Sau đó, bài tập cuối cùng là “có những quyết định nhạy cảm”, mình phải làm những gì. Ở đây, trước hết, phải phối kiểm sự thật; có phải mình đang phản ứng với thực tại chứ không phải với phóng tưởng của mình? Một khi đã có ý niệm về thực tại là gì thì phải phân tích: Tôi cảm thấy thích làm gì? Tôi muốn làm gì Tôi cần phải làm gì? Trực giác nói với tôi điều gì?
Một ví dụ mà tôi sử dụng, mà tôi nghĩ khá rõ ràng, là việc ăn kiêng.
- Tôi muốn ăn kiêng – rồi thì bạn phân tích những lý do tại sao mình muốn ăn kiêng - vì sức khỏe hay để nhìn đẹp đẽ hơn, hay bất cứ điều gì.
- Tôi có cần ăn kiêng hay không? - có phải là vì tôi mắc bệnh chán ăn (anorexic) và có ảo tưởng là mình quá mập, hay là thật sự cần phải làm như vậy, vì huyết áp cao hay sao đó?
- Tôi thấy thích làm gì? - bạn tôi vừa mang cho tôi một cái bánh. Tôi muốn ăn nó. Tôi muốn ăn kiêng, cần phải ăn kiêng, nhưng lại cảm thấy muốn ăn. Tại sao tôi thích ăn bánh? Tham lam, luyến ái, dục vọng. Một người bạn đã đem bánh tới, v.v...
Sau đó, bạn sẽ tìm hiểu: bạn có trung thực với chính mình không? “Bồ tát giới có nói rằng nếu ai cho tôi cái gì thì họ sẽ tạo ra công đức từ việc bố thí, nên tôi sẽ ăn miếng bánh mà họ đã đem lại. Nhưng đó là một sự biện minh, bởi vì thật ra là tôi rất tham lam, và thật sự muốn ăn chiếc bánh này!”. Hãy thành thật với chính mình về những gì đang diễn ra. “Tôi sẽ ăn bánh, vì lòng bi mẫn đối với bạn.”. Mình đang đánh lừa ai đây?
Trong bất cứ trường hợp nào thì bạn sẽ đánh giá lý do tại sao mình muốn làm điều gì đó, tại sao mình cần làm điều đó, tại sao mình thích làm điều gì khác, rồi có một quyết định hợp lý. Người ở bên cạnh tôi đang bực bội, tôi muốn bỏ chạy, nhưng cần phải ở lại và an ủi họ, và tôi cảm thấy như, “Ồ, tôi chỉ mong là người này sẽ bình tĩnh lại. Tôi cảm thấy vô vọng và không biết phải làm gì.”. Bạn đánh giá tất cả những điều này. “Tôi muốn bỏ chạy, tôi không muốn đối phó với điều này, nhưng cần phải giải quyết nó.”. Và nhu cầu thì quan trọng hơn, lý do mà nhu cầu quan trọng hơn nỗi sợ của tôi, hoặc bất cứ điều gì, là vì tôi không thích đối phó với điều này. Thế là bạn sẽ đối phó với nó.
Thật ra, đó là nguyên tắc rất quan trọng để noi theo trong công việc. Có bao nhiêu lần ở sở làm, và “Tôi thật không muốn làm điều này. Tôi thật không thích làm điều này, nhưng cần phải làm nó. Và tại sao tôi cần phải làm điều này? Để tôi có thể trả tiền thuê nhà”, hay bất cứ điều gì. Không cần biết là “Tôi không thích làm công việc ngu ngốc này” - bạn sẽ làm nó. “Tôi muốn làm một điều gì khác” - vậy thì sao! Rồi bạn làm việc một cách tốt nhất trong tình huống đó. Bạn sẽ đối phó với nó một cách nhạy cảm. Đó là rèn luyện cơ bản.
Khóa rèn luyện cao cấp là những bài tập xa hơn, đi sâu vào việc giải tỏa phóng tưởng của mình.
Những Bước Thực Hành
Phương pháp thật sự mà mình sử dụng cho mỗi bài tập đòi hỏi việc đi qua rất nhiều phần. Đó là lý do tại sao nó thường mất ba hay bốn buổi cho mỗi bài tập.
Trước tiên, ta sẽ thực hành bài tập với những người không có mặt ở đây. Điều này có hai giai đoạn: đầu tiên là với những tấm hình hay bức ảnh từ một tạp chí, rồi chỉ nghĩ về mọi người. Trong trường hợp về bài tập để phát triển lòng quan tâm thì mình sẽ nghĩ rằng, “Bạn là một con người, và bạn cũng có cảm xúc giống như tôi”, rồi nhìn vào một bức ảnh của người mà bạn có quan hệ thân thiết, một người chỉ quen biết, một người xa lạ - một bức ảnh lấy từ tạp chí - và người mà bạn không thích. “Bạn là một con người, bạn cũng có cảm xúc như tôi.”. Một lần nữa, mình sẽ làm việc với ba hay bốn người: một người mà mình rất thích, một người chỉ quen biết, một người nào đó chỉ là người lạ làm việc trong một cửa hàng mà mình đến mua đồ, và một người mà mình không thích, nhưng bây giờ chỉ nghĩ về họ.
Rồi thì mình làm việc với những người sống động, những người có mặt ở đây. Chúng ta sẽ ngồi trong một vòng tròn và nhìn mỗi một người trong vòng tròn. “Bạn là một con người, bạn có cảm xúc. Và bạn có cảm xúc, bạn có cảm xúc, bạn có cảm xúc.”. Và tất nhiên điều đó phải xảy ra sau điểm này, “Tôi sẽ ngưng bịa đặt những câu chuyện và nhận xét trong đầu về mỗi người”, và để giúp mọi người cảm thấy thoải mái với điều đó thì đừng bắt đầu cười hay làm người khác phân tâm kiểu đó. Ngoài ra, không phải là mình nhìn chằm chằm vào nhau, giống như nhìn những con vật trong sở thú.
Sau đó, nếu mọi người thấy thoải mái đủ, và về mặt văn hóa thì có thể có những biến thể, chúng ta sẽ có hai người trong mỗi nhóm. Nó rất mạnh mẽ, rất hiệu quả về mặt cảm xúc. Một người sẽ nói với người kia, “Bạn là một con người, bạn có tình cảm, tôi quan tâm đến bạn”, và người kia lắng nghe, cảm thấy rằng họ đang được chấp nhận, rằng có người quan tâm đến họ. Rồi bạn đổi vai trò. Điều này rất mạnh mẽ về mặt cảm xúc.
Nếu có đủ thể loại trong nhóm và có đủ thời giờ thì điều rất hữu ích là lặp lại kiểu bài tập một đối một (one-to-one) với người nào cùng giới tính với bạn, sau đó với người khác giới. Nếu có đủ sự khác biệt về tuổi tác để làm điều đó thì một người già hơn và một người trẻ hơn sẽ nói chuyện với nhau. Rất thú vị, khi một người trẻ nói với một người già, “Bạn là một con người và bạn có cảm giác giống như tôi.”.
Sau đó, giai đoạn cuối cùng của bất kỳ bài tập là hướng vào chính mình. Trước tiên, giai đoạn này được thực hiện với một tấm gương, và ta nhìn vào chính mình. Hãy chú ý đến nét mặt của bạn và tất cả những điều này. “Tôi là một con người” vân vân. Nếu đang thực tập trong một nhóm và có một tấm gương lớn thì tất cả mọi người đều nhìn vào chính mình trong gương, và thấy rằng, “Tôi cũng giống như mọi người khác. Không có gì khác biệt. Giống như mọi người trong nhóm đều có cảm xúc thì tôi cũng vậy. Cũng như mọi người là một con người có nhu cầu và hiểu biết, nên không có gì khác biệt. Tôi chỉ là một trong số những chú chim cánh cụt này ở Nam Cực.”.
Rồi mình làm bài tập mà không cần gương. Sau đó, phần cảm động nhất là làm điều đó với bức ảnh của mình vào lúc đầu đời, đặc biệt là những khoảng thời gian mà mình cảm thấy ân hận và tiêu cực đối với chính mình. “Lúc đó, tôi là một con người, tôi có cảm xúc, tôi chỉ cố gắng hết sức mình”, vân vân, và để phát triển tính nhạy cảm này với bản thân và lịch sử của chính mình.
Bạn có thể thấy rằng những bài tập này có thể rất cảm động, đó là lý do tại sao điều rất quan trọng là không thực hành quá nhanh, để mọi người có thời gian bày tỏ kinh nghiệm và đặt câu hỏi sau mỗi bài tập. Cũng cần phải nhận ra đây không phải là khóa thực tập cho những người có vấn đề cảm xúc trầm trọng. Trên cơ bản thì tinh thần của bạn phải ổn định một chút, bởi vì rất nhiều cảm xúc sẽ xuất hiện. Phải hiểu rõ là nếu bất cứ bài tập nào quá khó khăn về mặt cảm xúc thì bạn không cần thực tập nó. Đây là lý do tại sao bài tập đầu tiên, là việc tĩnh tâm, rất là quan trọng, bởi vì những gì bạn đang tạo ra là một không gian an toàn mà trong đó, nguyên tắc cơ bản của nhóm là không có sự phán xét, “Tôi sẽ không kể những câu chuyện trong đầu về bạn, rằng những gì bạn đang trải qua và vân vân thì thật là ngu ngốc, hoặc tôi sẽ coi thường bạn”, v.v... Đây là không gian an toàn mà mọi người đều cảm thấy thoải mái.
Mặc dù một người có thể tự thực hiện cách rèn luyện này - không cần một nhóm và tôi đã nêu ra trong cuốn sách cách làm điều này - tất nhiên, nếu bạn thực hiện trong một nhóm nhỏ thì sẽ hiệu quả hơn nhiều. Không phải một nhóm lớn, mà là một nhóm nhỏ.
Đó là khóa thực tập cơ bản, và đã có một vài nhóm trên thế giới bắt đầu thực hiện việc này mà không có tôi ở đó, bởi vì chắc chắn là tôi không có thời gian để thật sự phát triển khóa này và quảng bá nó. Có một nhóm ở Mễ Tây Cơ (Mexico) vẫn đang tiếp tục. Có một nhóm ở Đức, giống như vậy. Mọi người đều được hoan nghênh để tham gia khóa thực tập này. Như tôi đã thấy qua kinh nghiệm giảng dạy thì thật sự phải mất khoảng ba năm để thực tập nó với tốc độ thoải mái, áp dụng mỗi một bài tập và mỗi một phần của bài tập mỗi tuần một lần.
Một khi bạn đã làm việc với khóa thực tập, hay thậm chí một phần của nó thì một bài tập có thể rất hữu ích là nhắc nhở bản thân về những điểm khác nhau trong việc tu tập hàng ngày, hay hành thiền, hoặc bất cứ điều gì bạn làm, bởi vì đối với mỗi bài tập - và tôi có cuốn cẩm nang đi với điều này - có những từ chủ yếu mà bạn sẽ sử dụng để nhắc nhở bản thân về những điểm trong mỗi bài tập cụ thể.