Sử Dụng Kiếp Người Quý Báu Bằng Cách Tốt Nhất
Tất cả chúng ta đều đã đạt được một kiếp người quý báu, với một thân người quý giá, giúp cho việc tiến triển tâm linh cao cả nhất. Ta sẽ không có cơ hội tốt hơn để đạt được giác ngộ, so với hiện tại, với tư cách là con người, ngay cả khi được tái sinh thành Đế Thích, vua của chư thiên!
Vì không có cơ sở nào để tu tập tốt hơn những gì mình đang hiện có, nên điều quan trọng là phải biết tất cả các quy trình, để sử dụng nó một cách tốt nhất. Cách tuyệt vời nhất để có sự tiến triển trong việc tu tập là ngày càng có một tấm lòng nhân hậu và nồng nhiệt hơn. Dựa trên cơ sở của sự nồng nhiệt thì ta sẽ tiếp tục phát triển sự dấn thân với bồ đề tâm. Đây là ước nguyện đạt được giác ngộ, nói cách khác là ước muốn đoạn trừ tất cả những khiếm khuyết và đạt được tiềm năng trọn vẹn nhất của mình, để có thể mang lại lợi lạc tối đa cho tất cả chúng sinh. Việc dâng hiến lòng mình cho tha nhân và thành tựu giác ngộ là cách sử dụng tốt nhất mà ta có thể làm, đối với kiếp người quý báu.
Công Đức Từ Hành Vi Trong Kiếp Trước Là Nhân Cho Sự Thành Công Trong Kiếp Này
Có nhiều loại người khác nhau, và trong số này, rất hiếm gặp được những người có chút quan tâm nào về việc làm lợi lạc cho những kiếp tương lai, đừng nói gì đến việc đạt giác ngộ. Hầu hết mọi người chỉ quan tâm đến việc tìm kiếm hạnh phúc cho cuộc sống này mà thôi. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều giống nhau về cách mà tất cả chúng ta đều mong muốn được hạnh phúc, và không ai muốn đau khổ hay gặp vấn đề.
Đối với những người chú trọng vào việc có được hạnh phúc trong kiếp này thì có hai loại hạnh phúc: hạnh phúc vật chất và hạnh phúc tinh thần. Hầu hết người ta chỉ chú trọng vào một hình thức hạnh phúc vật chất nào đó. Tuy nhiên, dù tất cả chúng ta đều cố mang lại một mức độ hạnh phúc vật chất nào đó trong đời sống, nhưng hầu hết mọi người không thật sự biết cách làm điều đó. Chẳng hạn như có những người chỉ vì nhu cầu có được thực phẩm, y phục, nơi trú ẩn và địa vị mà phải ra ngoài giết người, ám sát người khác hay giết hại những sinh vật vô tội. Những người khác thì cướp giựt, lừa gạt hay trộm cắp, tất cả đều để theo đuổi hạnh phúc và nỗ lực tìm kiếm một loại phúc lạc vật chất nào đó. Tuy vậy, dù có cố gắng hết sức thì họ vẫn không biết cách đúng đắn để đem lại niềm phúc lạc đó. Thay vì có được hạnh phúc thì họ chỉ tạo ra thêm nhiều vấn đề cho bản thân.
Mặt khác thì những người cố gắng hết sức để kiếm sống một cách trung thực với việc kinh doanh, thương mại, nông nghiệp, giáo dục, nghệ thuật, v.v.., có thể được chia thành hai nhóm. Có những người thành công, có khả năng trở nên giàu sang và có nhiều của cải, và những người không thành công, hay thậm chí hoàn toàn thất bại. Nếu như nêu ra thắc mắc là điều gì có thể giải thích vấn đề này, tại sao một số người thì thành công, trong khi những người khác lại thất bại, đó là vì những chủng tử và tiềm năng mà họ đã tích lũy trong những kiếp trước. Những người có hành vi phá hoại trong những kiếp trước đã tích tập nhiều ác nghiệp, và kết quả là họ thất bại trong kiếp này. Những người hành động một cách xây dựng trong những kiếp trước đã tích tập công đức, và điều này giải thích cho sự thành công và hạnh phúc của họ trong kiếp này.
Nếu bạn không chấp nhận lời giải thích này về lý do tại sao một số người thành công và những người khác thất bại, thì hãy cho rằng thật sự không có lý do gì lại có một sự khác biệt như vậy. Nếu mọi người đều nỗ lực làm việc và có khả năng như nhau thì họ sẽ thành công bằng nhau. Một số người nghĩ rằng thành công là kết quả của loại công việc mà họ làm để kiếm sống trong kiếp này, chẳng hạn như kinh doanh hay thương mại, nhưng điều đó không hoàn toàn chịu trách nhiệm cho thành công của họ. Nguyên nhân thật sự dẫn đến thành công là những công đức đã được tích tập từ những hành vi mang tính xây dựng trong tiền kiếp, trong khi công việc và hoạt động mà mình tham gia trong suốt cuộc đời sẽ này đóng vai trò trợ duyên, để giúp cho những nhân đó trổ quả.
Theo đó thì thành công phụ thuộc vào nhân duyên sinh khởi với nhau. Nhân xuất phát từ kiếp trước, nghiệp lực được tích tập trong những kiếp đó. Hoàn cảnh xảy ra thì dựa vào thời gian và nỗ lực trong suốt kiếp này. Hai yếu tố này phải kết hợp với nhau.
Quan Tâm Đến Kiếp Tương Lai
Cho dù người ta có khá giả đến mức nào trong kiếp này, dù họ có thể tận hưởng bao nhiêu sự huy hoàng đi nữa thì dường như không có ai cảm thấy hài lòng với những gì mình đã tích lũy. Không ai nói rằng, “Bây giờ thì mình có đủ rồi; nên không phải tích lũy thêm nữa.”. Không bao giờ họ hài lòng với những gì họ có. Họ luôn luôn muốn có nhiều hơn nữa. Họ sử dụng cả đời để làm việc. Tuy nhiên, công việc của họ không bao giờ kết thúc.
Nó trở thành một chu kỳ không ngừng lặp lại, giống như chu kỳ làm việc của nông dân, dù là mùa nào trong năm thì họ cũng lao động, trồng trọt, chăm nom đồng áng và thu hoạch. Vào mùa xuân thì họ lại trồng cây và trải qua chu kỳ một lần nữa. Đó là một ví dụ về cách chúng ta cứ tiếp tục làm việc.
Dù mình không bao giờ nghĩ rằng công việc của kiếp này sẽ chấm dứt, nhưng trên thực tế thì đến lúc nào đó, nó sẽ kết thúc, khi mà mình chết. Vào thời điểm đó, nó sẽ kết thúc trong trạng thái thương tiếc và đau buồn, thay vì hạnh phúc.
Vì vậy, những người đang làm việc chỉ để có được thực phẩm, y phục và sự công nhận trong đời này đang thật sự lừa dối chính mình. Đó là vì mặc dù có thể có được sự thoải mái về mặt vật chất, nhưng họ không đạt được hạnh phúc tinh thần. Nếu như không có hạnh phúc tinh thần thì cuộc sống của họ vẫn không được mãn nguyện, và họ sẽ chết trong đau khổ.
Thế thì điều quan trọng là cố gắng làm việc cho hạnh phúc tinh thần lâu dài hơn. Hạnh phúc vật chất mà mình có thể đạt được trong kiếp này thì không tồn tại lâu dài. Nếu như muốn có hạnh phúc lâu dài chân thật thì ta phải nghĩ đến những kiếp tương lai. Đó là vì khi nghĩ đến điều đó thì ta có thể làm việc vì hạnh phúc lâu bền chân thật.
Nếu như mình nỗ lực để đạt được hạnh phúc trong những kiếp sau, thì điều đó sẽ làm tròn định nghĩa của việc trở thành một hành giả tâm linh, tham gia vào việc tu tập Pháp. Nếu như chỉ giới hạn trong những mối bận tâm của kiếp này, là những điều dễ biến hoại, thì mình chỉ đơn thuần là một người trần tục, vật chất. Nếu như khởi sự giải quyết sự quan tâm về những kiếp tương lai thì mình sẽ trở thành một hành giả tâm linh.
Kềm Chế Hành Vi Tiêu Cực Là Cách Đem Lại Hạnh Phúc Trong Những Kiếp Tương Lai
Cách để đảm bảo hạnh phúc trong những kiếp tương lai liên quan đến việc thực hiện một số “biện pháp phòng ngừa” nào đó của Pháp. Cụ thể thì điều đó có nghĩa là kềm chế những hành động tiêu cực. Cụ thể là có thập ác, bao gồm ba thân nghiệp, bốn khẩu nghiệp và ba ý nghiệp. Ta sẽ tạo ra hạnh phúc trong những kiếp tương lai, bằng cách kềm chế và không tạo tác những hành vi tiêu cực nào trong số những điều này.
Bây giờ thì ta đã xác định rằng nếu hành động một cách tích cực thì mình sẽ khởi đầu việc tu tập tâm linh, điều sẽ mang lại những điều tốt đẹp trong kiếp này và những kiếp tương lai. Loại hành vi xây dựng này bao gồm, ví dụ như, nhìn vào việc giết hại động vật hay côn trùng có chủ ý, hoặc hành động ăn cắp có chủ ý, và thấy tất cả những bất lợi và hậu quả tiêu cực sẽ xảy ra từ điều này. Nó liên quan đến việc nhận ra điều đó, rồi quả quyết rằng mình sẽ không giết hại hay trộm cắp. Khi người ta đưa ra quyết định như vậy thì không nhất thiết phải có một quân đội hay cảnh sát bao quanh, để đảm bảo họ sẽ hành động một cách đúng đắn và xây dựng. Ý thức về đạo đức và luân lý của họ sẽ giúp họ kềm chế những hành vi tiêu cực.
Vậy thì việc giữ đạo đức nghiêm ngặt là biện pháp phòng ngừa để giúp mình chết với tâm an lạc. Nếu không thì ta có thể chết trong tâm trạng rất buồn phiền và lo lắng. Tuy nhiên, nếu như mình thực hiện các biện pháp phòng ngừa bằng cách làm người có đạo đức thì sẽ không có gì phải lo lắng vào lúc lâm chung. Ta có thể yên tâm rằng mình sẽ được tái sinh thành một con người, hay thậm chí một vị trời ở một trong các cõi của chư thiên, như một vị Đế Thích hay gì đó.
Những Vấn Đề Cứ Tái Diễn Một Cách Bất Tự Chủ Trong Mọi Kiếp
Ngay cả khi được tái sinh làm một con người, hay thậm chí một vị vua trời thì mình vẫn sẽ gặp khó khăn trong cuộc sống. Có những vấn đề cứ tái diễn mà mình không kiểm soát được, bất kể sẽ tái sinh ở đâu, hay tái sinh thành loại chúng sinh nào. Do đó, không có lý do gì để tuân theo đạo đức kềm chế các hành động tiêu cực, nếu như chỉ muốn không bị tái sinh trong tình trạng tồi tệ hơn bằng cách đó, bởi vì bất kể tái sinh vào cõi nào, hay thành loại chúng sinh nào, thì mình vẫn sẽ gặp khó khăn.
Điều này cho thấy rằng cần có một phạm vi rộng hơn. Chẳng hạn, nếu ta phát triển một trạng thái tĩnh lặng và ổn định, gọi là “shamatha” trong tiếng Phạn, và “shinay”, trong tiếng Tây Tạng, thì kết quả là mình có thể tái sinh thành một vị trời trong một trong những cõi cao hơn, như sắc giới hoặc vô sắc giới. Rồi thì bạn có thể có thụ hưởng tất cả những sự huy hoàng của dạng tái sinh đó. Nhưng ngay cả khi được tái sinh vào một trong những cõi giới cao hơn thì không có gì đặc biệt về điều đó. Nó giống như đi lên tầng thượng của một tòa nhà chọc trời, một khi đã lên đó rồi thì không còn gì để làm ngoài việc đi xuống.
Vững Tin Về Lời Phật Dạy
Do đó, dù mình có tái sinh ở cõi nào thì điều cần thiết là phải cố đoạn diệt khó khăn, và tiến xa hơn nữa. Để làm được điều này thì cần phải đi sâu vào căn nguyên của những vấn đề và đau khổ của mình, bằng cách đoạn diệt nó bằng trí bát nhã, để có thể phân biệt rõ ràng giữa thực tế và ảo tưởng. Nhờ vậy mà cuối cùng, mình sẽ chứng ngộ tánh Không, nghĩa là sự vắng bóng của những cách tồn tại bất khả. Sự lãnh hội rõ ràng về thực tế này sẽ đoạn trừ những vọng tưởng sai lầm, nhờ vậy mà sẽ đoạn trừ mãi mãi tất cả những khó khăn và nỗi khổ mà mình có thể gánh chịu trong bất cứ kiếp nào. Nó sẽ đem lại hạnh phúc lâu bền mãi mãi, và đó là điều mà mình có thể đạt được.
Ta có thể học hỏi về tánh Không từ kinh sách cổ điển, bảo tồn lời Phật dạy. Nhưng làm sao để có được niềm tin vào tính xác thực của những kinh sách này, không chỉ liên hệ đến tánh Không, mà còn liên quan đến tất cả mọi điều mà Đức Phật đã nói? Phải có niềm tin vào tính xác thực của chúng, dựa trên cơ sở lý lẽ và phân tích. Lấy ví dụ như tánh Không. Chúng ta có thể thiết lập tính xác thực của tánh Không, bằng cách dựa vào lý luận hợp lý. Ngoài ra, có thể xác nhận giáo pháp về cách thành tựu định tâm và trạng thái tĩnh lặng, ổn định, nhờ việc áp dụng những chỉ giáo này vào việc tu tập, để đạt được những trạng thái này. Thêm vào đó, nhờ những pháp tu này mà ta có thể tự biết rằng mình sẽ đắc nhiều loại thần thông, được mô tả là sản phẩm phụ của việc thành tựu định tâm như vậy. Thật sự là ta có thể xác nhận những điều mà Đức Phật đã dạy, bằng kinh nghiệm bản thân.
Như vậy, dựa vào công phu và nỗ lực của chính mình để viên thành những gì Đức Phật đã dạy về các chủ đề, mà ta có thể xác nhận bằng lý lẽ và kinh nghiệm cá nhân, và nói chung là phát triển niềm tin vững chắc vào tính xác thực của lời Phật dạy. Với sự an toàn mà mình có được từ niềm tin vững chắc đó, ta sẽ phát triển niềm tin sâu sắc vào tính xác thực của những điều ẩn mật khác mà Đức Phật đã dạy.
Chẳng hạn như Đức Phật nói rằng nếu như mình hành động một cách tích cực thì kết quả là sẽ được tái sinh ở một trong những cõi tốt đẹp hơn, như một con người hay vị trời. Mặt khác, nếu mình hành động một cách phá hoại và tiêu cực, thì những gì theo sau sẽ là tái sinh thành một chúng sinh trong địa ngục, một con quỷ “đói”, hay súc sanh. Đây là những lời tuyên bố về nhân quả mà rất khó chứng minh hay xác nhận bằng kinh nghiệm của riêng mình, hay bằng lý lẽ thuần túy. Nhưng không nhất thiết phải chấp nhận chúng, trên cơ sở niềm tin mù quáng vào thẩm quyền của kinh điển. Đó là vì nếu như lý lẽ và kinh nghiệm chứng minh được tính xác thực của những gì Đức Phật đã dạy, liên quan đến việc đạt được định tâm và lãnh hội đúng đắn về tánh Không, thì việc chấp nhận những gì Đức Phật đã nói về nghiệp và nghiệp quả là điều hoàn toàn hữu lý.
Do đó, cần phải suy nghĩ rất kỹ về những lời mà Đức Phật đã nêu ra về tánh Không, về thực tại, về việc hoàn toàn không có những cách hiện hữu bất khả. Khi đã nhận ra rằng những điều này là đúng, thì phải xem xét thêm những lời tuyên bố của Đức Phật, rằng kết quả của hành vi tích cực là hạnh phúc, và kết quả của hành động phá hoại và tiêu cực là đau khổ. Rồi thì ta sẽ có được niềm tin vững chắc rằng những lời tuyên bố này cũng đúng, và dựa vào đó, có một quyết định vững chắc để sửa đổi hành vi của mình cho phù hợp với lời Phật dạy. Nếu muốn hạnh phúc thì phải hành động theo cách để đem lại điều đó. Cụ thể là mình phải hành động một cách xây dựng và tích cực.
Tâm Xả Ly: Quyết Tâm Thoát Khỏi Mọi Khó Khăn
Chúng ta cũng có thể làm tốt việc xem xét là cơ sở tu tập của một kiếp người tuyệt hảo mà mình hiện có, với tất cả các cơ hội tu tập cho việc tiến triển tâm linh, đã không xuất hiện từ hư không. Đó là kết quả của việc tích tập công đức lớn lao trong những kiếp trước. Chúng ta đã phải hành động một cách rất xây dựng và tích cực, và điều đó đã đem lại sự tái sinh và những cơ hội mà mình đang hiện có, nên không được lãng phí cơ hội này. Nếu như hoàn toàn dấn thân vào những hoạt động chỉ thuộc về kiếp này, chẳng hạn như để có được thực phẩm và y phục, danh tiếng và uy tín, thì kiếp này là một sự lãng phí. Nếu như đây là mối quan tâm duy nhất của mình, thì chính vì sự dính mắc này mà ta không thể quay lưng lại với lòng mê đắm chỉ riêng một kiếp sống này.
Mặt khác, nếu như nỗ lực hết mình để đạt được hạnh phúc trong kiếp sau, với sự tái sinh như một vị trời, chẳng hạn như Đế Thích, thì điều này cũng có vấn đề. Hãy nhìn vào cách sống của một vị trời như vậy. Vị trời này có hạnh phúc lớn lao và không có những vấn đề thiển cận, nhưng vào lúc chết thì vị trời ấy sẽ vô cùng hối hận và ăn năn, bởi vì toàn bộ cuộc sống đầy lạc thú dường như chỉ là một giấc mơ, và sẽ mang lại nỗi khổ và bất hạnh mãnh liệt, khi họ phải đối mặt với cái chết. Vì vậy, để có được một tái sinh như vậy làm mục tiêu của mình thì không phải là giải pháp cho tất cả những vấn đề của chúng ta.
Hơn nữa, phải tận dụng tối đa cơ sở tu tập này mà mình có được như thân người quý báu, bởi vì đó là điều mình sẽ mất đi. Sau khi sinh ra thì không có ai thoát khỏi cái chết. Chắc chắn cái chết là điều sẽ đến với tất cả chúng ta, chỉ là vấn đề thời gian thôi. Không ai có thể biết chắc khi nào thì cái chết của mình sẽ đến. Việc suy nghĩ về thực tế này sẽ khiến mình tỉnh táo, và muốn tận dụng tối đa những cơ hội mà mình đang hiện có, khi ta còn sống và khỏe mạnh.
Thế thì mình phải quay lưng với lòng tham đắm, đối với việc sở hữu những thứ chỉ thuộc về kiếp này. Ta sẽ làm như vậy bằng cách quán chiếu về cách mà những điều dễ biến hoại trong cuộc đời này không có bản chất lâu dài nào cả. Nhờ vậy mà mình sẽ lánh xa lòng tham đắm với những thứ chỉ thuộc về kiếp này, và quyết tâm thoát khỏi những vấn đề, dựa trên lòng tham đắm ấy. Lòng quyết tâm để được tự do này được gọi là “tâm xả ly”.
Tương tự như vậy, cần phải xem xét những kiếp tương lai và tất cả những tình huống mà mình có thể tái sinh vào. Khi nghĩ đến sự huy hoàng và hạnh phúc mà mình có thể có được trong những lần tái sinh trong tương lai như một con người hay là một vị trời, thì cũng nên nhớ rằng những điều này cũng kéo theo những vấn đề. Dù đời sống có thể tốt đẹp đến đâu thì những vấn đề bất tự chủ vẫn sẽ tái diễn. Do đó, lòng quyến luyến và tham đắm với những điều này trong những kiếp tương lai cũng là điều mà mình phải lánh xa. Chúng ta sẽ thực hiện điều này bằng cách cố phát triển một loại quyết tâm thứ hai. Cụ thể, đó là quyết tâm thoát khỏi những vấn đề sẽ xảy ra vì lòng tham đắm này trong những kiếp tương lai.
Thế thì có hai loại quyết tâm để được tự do. Có lòng quyết tâm thoát khỏi khó khăn trong kiếp này, và quyết tâm thoát khỏi khó khăn trong mọi kiếp tương lai.
Vô Thường
Một hành giả tâm linh là người luôn chánh niệm về thực tế là không có tình huống nào trong cuộc sống là tĩnh tại, là người chánh niệm về vô thường và cái chết, cũng chánh niệm và nhận thức được vấn đề của mình và tất cả những vấn đề có mặt trong cuộc sống. Đây là điều thúc đẩy một hành giả như vậy áp dụng các biện pháp phòng ngừa, để tránh tất cả những vấn đề này. Nếu như chỉ cần quên đi lẽ vô thường, những khó khăn và cái chết, mà mình có thể khiến cho chúng biến mất thì sẽ rất tốt, điều đó rất tuyệt. Nhưng sự thật là không thể làm được điều đó. Nếu chỉ cần bỏ mặc thực tế là mình sẽ chết và đời sống của mình có vấn đề, thì không làm cho những sự thật đó biến mất. Do đó, tốt hơn là nhận thức được vấn đề của mình, đối diện với chúng một cách thực tiễn, rồi áp dụng các biện pháp để đoạn diệt chúng. Đây là những điều liên quan đến việc tu hành.
Khi Đức Phật chuyển Pháp luân lần đầu tiên thì Ngài đã làm như vậy, bằng cách thuyết giảng về vô thường, về cách không có điều gì còn tồn tại một cách tĩnh tại. Toàn bộ việc truy cầu tâm linh của Ngài bắt đầu bằng việc chứng ngộ về vô thường. Và, tương tự như vậy, khi cuộc đời của Ngài kết thúc và nhập niết bàn thì điều đó cũng được thực hiện trong bối cảnh chứng minh cho mọi người thấy sự thật về vô thường.
Tứ Diệu Đế
Hơn nữa, không phải là vấn đề không có nguồn gốc. Chúng không xảy ra mà không có lý do. Đúng hơn thì tất cả các vấn đề thật sự và nỗi bất hạnh của mình phát sinh từ những nguyên nhân thật sự, cụ thể là nghiệp và phiền não, hay nói cách khác là hành vi bốc đồng và ảo tưởng của mình. Chính là nghiệp và phiền não đã tạo ra tất cả các vấn đề.
Hiện nay, trong hai nguyên nhân tạo ra tất cả các vấn đề thì ta có thể thấy rằng nghiệp bắt nguồn từ phiền não. Và nếu như khảo sát 84,000 loại phiền não đã được mô tả trong kinh sách nhà Phật thì ta sẽ phát hiện ra rằng tất cả đều xuất phát từ một nguồn gốc duy nhất, cụ thể là vô minh hay vô ý thức, khiến cho ta chấp vào sự hiện hữu và bản thể được thiết lập một cách thật sự.
Tuy nhiên, không có điều gì là bản thể được thiết lập một cách thật sự - không phải đối với bản thân mình, hay với bất cứ điều gì - nhưng ta vẫn chấp vào các pháp như thể chúng có một bản thể hay sự tồn tại được thiết lập một cách chân thật. Do đó, nếu có thể chứng ngộ và phân biệt rằng một bản thể thật sự được thiết lập như vậy là điều bất khả, thì nó sẽ đóng vai trò của một pháp đối trị, để đoạn trừ tâm chấp thủ rằng các pháp có một bản thể như vậy.
Khi chứng ngộ rằng không có điều gì là sự hiện hữu được thiết lập một cách chân thật, rằng không có pháp nào có một bản thể thật sự được thiết lập, thì thực chứng này được xem là một “đạo lộ tâm thức chân thật”, một “chân đạo”, một trong Tứ Diệu Đế. Đó là một đạo lộ trong tâm thức mà các bậc chứng ngộ cao cả, các “thánh nhân”, xem là chân thật hay đúng đắn, đưa đến thành tựu giải thoát và giác ngộ.
Khi có được một chân đạo, cụ thể là trí bát nhã nhận thức rằng không có điều gì là bản thể được thiết lập một cách chân thật của bất cứ điều gì, thì ta sẽ không còn bất cứ phiền não nào nữa, vì những vọng tưởng như vậy dựa trên sự phóng chiếu và tin tưởng vào những cách hiện hữu bất khả dĩ. Khi không còn bất cứ phiền não nào, thì ta sẽ không hành xử một cách bốc đồng. Và khi không còn hành động một cách bốc đồng thì ta sẽ không tạo ra vấn đề cho bản thân nữa. Trạng thái mà các vấn đề sẽ không bao giờ phát sinh nữa, được xem là một “sự chấm dứt thật sự”, một “chân diệt”.
Đây là phần trình bày về bốn sự thật được các bậc thánh nhân, những bậc có chứng ngộ cao xem là đúng. Đây là Tứ Diệu Đế. Hai diệu đế đầu đối phó với những vấn đề phiền não, cụ thể là những vấn đề và nguyên nhân thật sự tạo ra chúng, đó là nghiệp và phiền não. Khi chú tâm vào hai diệu đế cuối cùng, đối phó với những gì mang lại giải thoát, thì ta sẽ muốn đạt được chân diệt của tất cả các vấn đề, bằng cách đoạn trừ nguyên nhân của chúng mãi mãi. Và cách để làm điều đó là phát triển chân đạo. Đây là cách mình có thể nhận ra và lãnh hội bốn sự thật này, được các bậc có chứng ngộ cao cả xem là sự thật.
Dựa trên nền tảng tuyệt hảo mà mình đã có được bằng kiếp người quý báu, giờ đây, cần phải nỗ lực hết sức để chứng ngộ Tứ Diệu Đế này. Khi đã thực hiện điều này thì ta sẽ sử dụng cơ hội mà mình có được với tái sinh này một cách đúng đắn. Khi tích tập được một tập khí ích lợi trong tâm thức, một nhận thức liên tục và ổn định rằng không có điều gì là sự hiện hữu được thiết lập một cách chân thật, thì ta sẽ hoàn toàn đoạn diệt tất cả các vấn đề mãi mãi.
Phát Tâm Bi
Hiện nay, việc đoạn trừ tất cả các vấn đề của riêng mình thì rất tốt, nhưng điều đó không đủ. Đó là vì mình chỉ là một người, trong khi tha nhân thì vô số. Chẳng bao giờ có thể đếm được có bao nhiêu chúng sinh, và mỗi chúng sinh trong số họ đều có những khó khăn, tất cả đều đau khổ, bằng cách này hay cách khác, nên sẽ không công bằng, khi chỉ làm việc cho riêng mình, mà phải tìm kiếm một giải pháp cho tất cả mọi người.
Khi mình quán chiếu thì sẽ thấy rõ ràng là tất cả những chúng sinh khác đều đã vô cùng tử tế đối với mình, thật ra thì không có gì tử tế hơn những chúng sinh ấy. Khi xem xét lòng tốt của chư Phật và lòng tốt của chúng sinh thì ta sẽ nhận ra rằng lòng tốt của chư Phật và chúng sinh đều như nhau. Chẳng hạn như nếu mình thích mật ong thì phải nghĩ xem mật ong xuất phát từ đâu. Nó bắt nguồn từ rất nhiều con ong, và những con ong này phải làm rất nhiều việc để tạo ra nó. Chúng phải bay quanh rất nhiều bông hoa, thu thập phấn hoa, tiết ra mật ong và nhỏ nó vào tổ ong. Nếu muốn thưởng thức mật ong thì ta phải dựa vào công lao và lòng tốt của những côn trùng nhỏ bé này. Tương tự như vậy, khi xem xét những miếng thịt mà một số người trong chúng ta có thể ăn, chẳng hạn như khi mình cần một số thực phẩm để giúp cho cơ thể có nhiều sức mạnh hơn khi mình đau yếu, thì nó xuất phát từ đâu? Nó xuất phát từ những động vật đã phải hy sinh mạng sống để nuôi dưỡng chúng ta, và cho mình thêm sức lực.
Do đó, một khi đã có quyết tâm mạnh mẽ để thoát khỏi tất cả những sự khó khăn của chính mình, thì phải chuyển thái độ đó sang người khác. Cũng giống như ta đã quyết tâm thoát khỏi khó khăn của chính mình, thì tương tự như vậy, giờ đây, mình phải ước mong tất cả những chúng sinh khác cũng thoát khỏi khó khăn của họ. Một thái độ như vậy được gọi là lòng “bi mẫn”.
Nếu không suy nghĩ nghiêm túc về những vấn đề của chính mình, về cách mà ta không muốn trải qua những điều này, và nếu như không quyết tâm thoát khỏi chúng thì rất khó mà xem trọng vấn đề của người khác. Ta sẽ không thể phát tâm bi một cách chân thành, để mong muốn người khác thoát khỏi những rắc rối của họ. Ví dụ như nếu có một viên chức đã phải trải quá rất nhiều gian khổ trong sự nghiệp, rồi mới đạt được một chức vị cao thì người đó sẽ có lòng cảm thông và bi mẫn đối với vấn đề của người khác. Một người như vậy sẽ có lợi thế hơn nhiều để giúp đỡ người khác, so với người làm viên chức cả đời một cách thoải mái, mà không hề biết gian khổ là gì.
Bồ Đề Tâm
Thái độ mà mình mong ước cho tha nhân thoát khổ được gọi là lòng “bi mẫn”. Thái độ mà mình ước mong cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc là định nghĩa về lòng “từ ái”. Nếu như nhìn vào ước nguyện cho mọi người đều được hạnh phúc và thoát khỏi khó khăn, và nếu mình đã quyết định như vậy, thì vì tất cả chúng sinh đã đối xử tốt với mình, nên ta phải thật sự làm điều gì đó, không chỉ ở mức độ hời hợt, mà còn giúp họ thoát khỏi mọi vấn đề của họ. Việc gánh lấy trách nhiệm này được gọi là “quyết tâm phi thường”.
Nếu chỉ đơn thuần miệt mài với những mối quan tâm ích kỷ của riêng mình thì không có cách nào để đạt được bất kỳ chứng ngộ nào, hay phát triển những phẩm hạnh của một vị Phật. Trong khi đó, nếu ta quay lưng lại với tâm ích kỷ và quan tâm đến hoàn cảnh của người khác, thì đây là cơ sở để trở thành một vị Phật giác ngộ. Vì lòng quan tâm ích kỷ mà mình đã nhúng tay vào những việc như giết người, trộm cắp, vân vân, để tích lũy tài sản cho bản thân. Những phương tiện bất thiện xảo như vậy chỉ mang lại nhiều vấn đề hơn, và cội nguồn của tất cả những điều này là lòng ích kỷ.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã có thể đạt được giác ngộ, để có tâm toàn trí và chứng ngộ viên mãn, đó là kết quả của việc chỉ quan tâm đến phúc lợi của chúng sinh. Trên thực tế thì toàn thể chư Phật của mọi thời đại đã thành tựu trạng thái này, để chứng ngộ tiềm năng trọn vẹn nhất của mình trên cơ sở của lòng quan tâm đến chúng sinh. Vì vậy, nếu như có cái nhìn thực tiễn thì ta sẽ thấy rằng tuy có thể có lòng quyết tâm phi thường này để đem lại hạnh phúc cho tất cả chúng sinh, và giúp họ thoát khỏi mọi khó khăn, nhưng ta không có khả năng làm điều đó, dù có ước muốn mãnh liệt bao nhiêu. Chỉ có một vị Phật mới có khả năng này, để giúp tất cả chúng sinh khắc phục khó khăn và có được hạnh phúc.
Do đó, cần phải hiến dâng lòng mình một cách trọn vẹn, để tạo lợi lạc cho chúng sinh, và đạt được trạng thái giác ngộ của một vị Phật, để có thể thực hiện được điều đó một cách tối đa. Điều đó được xem là “bồ đề tâm”.
Với một tấm lòng tận tâm như vậy, có bồ đề tâm thì giả sử như mình cúng dường một vật đơn giản, như một bông hoa. Nếu như chủ ý của một việc cúng dường như vậy là để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh và đạt được giác ngộ, để ta có thể thực hiện điều đó một cách tối đa, thì công đức tích tập từ hành động đơn giản đó rất to lớn. Trên thực tế, khi mục tiêu của mình là để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh thì lợi lạc sẽ tương xứng với mục tiêu đó. Nó bao la như số lượng chúng sinh. Lợi ích của việc hiến dâng tấm lòng một cách thanh tịnh và chân thành theo cách này thì rộng lớn hơn nhiều, so với lợi ích của việc cúng dường cả một thế giới đầy vàng bạc châu báu cho Đức Phật. Ngay cả khi ta nuôi dưỡng tất cả chúng sinh trong vũ trụ thì lợi ích của việc chỉ cần một sát na của lòng tận tụy vì bồ đề tâm còn rộng lớn hơn.
Lý lẽ của điều này có thể được thành lập, nếu ta nghĩ rằng một bữa ăn cho tất cả chúng sinh trong vũ trụ chỉ làm thỏa mãn cơn đói của họ một lần thôi. Họ sẽ sớm bị đói nữa, và vấn đề đói khát của họ sẽ tái diễn. Nhưng nếu với bồ đề tâm mà mình ước mong làm vơi đi mọi nỗi khó khăn của tất cả mọi người trong mọi lúc, và dấn thân để đạt được giác ngộ, để có thể thực hiện điều này một cách tốt nhất, thì điều này sẽ không chỉ làm giảm cơn đói của mọi người, mà còn mang lại khả năng hoàn toàn kết thúc vấn đề của họ.
Lời Kết
Do đó, cần phải cam kết một cách mạnh mẽ rằng mình sẽ không làm hại bất kỳ chúng sinh nào, như một bước hướng về việc phát bồ đề tâm. Khi thấy được tất cả những sự bất lợi và trở ngại của việc làm tổn thương người khác, dù họ có thể là ai, và cam kết không làm như vậy, thì việc này sẽ đem lại lợi lạc lớn lao. Do đó, đây là loại hành vi rất đáng khen ngợi. Một sự cam kết mạnh mẽ là mình sẽ không làm tổn thương hay làm hại bất cứ ai là một biện pháp mà tất cả chúng ta có thể áp dụng ngay bây giờ. Không cần nghĩ về việc tu tập tâm linh như điều gì rất cao cả và xa xôi.
Nói ngắn gọn thì việc trở thành một hành giả tâm linh không liên quan gì đến việc phải sống một cuộc đời kỳ lạ. Có nhiều lời tường thuật trong lịch sử về các vị cư sĩ đã là những hành giả vĩ đại. Khi nhìn vào tiểu sử của 84 vị đại thành tựu giả có thành tựu cao cả của Ấn Độ thời xưa thì có rất nhiều vị trong số này là cư sĩ.
Cũng không cần phải tuyệt vọng, nếu mình đã già, hay nghĩ rằng người già không thể trở thành hành giả tu tập. Nếu như nhìn vào những bài tường thuật trong quá khứ thì có ví dụ về cư sĩ Shrijati, người đã 80 tuổi khi trở thành một người tu hành. Trong kiếp đó, ông đã thành tựu được quả vị của một bậc giải thoát, hay A la hán. Thế nên ta không bao giờ quá già nua để tu tập.
Mặt khác, nếu chúng ta còn trẻ thì không nên phù phiếm, mà hãy tận dụng bất cứ năng lực nào mà mình có được để quyết tâm tu hành. Không được nghĩ rằng mình có thể bỏ qua việc áp dụng những pháp đối trị này, cho đến khi mình lớn tuổi hơn, bởi vì không có cách nào biết được cái chết sẽ xảy ra vào lúc nào. Hơn nữa, dường như tuổi già là điều xảy ra với tất cả chúng ta một cách đột ngột. Khi điều này xảy ra thì ta sẽ cảm thấy như thể bỗng nhiên, cuộc đời của mình đã trôi qua.
Có nhiều điều tích cực đơn giản mà ta có thể làm. Tôi biết một số người ở các quốc gia khác đã dành rất nhiều công sức và tiền bạc để nuôi chim. Họ có đồ đựng thức ăn cho chim ở ngoài vườn, và bỏ hàng ngàn đô la để mua thức ăn mỗi ngày. Trên thực tế là họ hy sinh cả những kỳ nghỉ phép của mình, vì không muốn chim chóc thiếu thức ăn. Đây là một cách tu hành xuất sắc; khiến cho tôi cảm thấy hoan hỷ, khi nhìn thấy điều này, bởi vì đó thật sự là hình thức tu tập của một vị Bồ tát. Có nhiều ví dụ về người Tây Tạng cũng đã đến Ấn Độ như khách hành hương, đã cho bồ câu ăn bánh mì, và các loại chim khác ăn gạo. Đây là cách tu tập tuyệt hảo để có được thọ mạng lâu dài.
Tóm Tắt
Nếu muốn tóm tắt buổi thảo luận này, thì những điểm chính là:
- Phát triển một tấm lòng nhân hậu và nồng nhiệt, để hoạt động liên tục vì lợi ích của tất cả chúng sinh.
- Không bao giờ làm tổn thương ai, hay phá hoại bất cứ điều gì; không bao giờ gây hại hay tạo ra vấn đề.
Đây là những điểm chính đối với việc tu hành tốt đẹp. Cần phải tận dụng tối đa cơ sở tu tập này mà ta đã có được với kiếp người tuyệt hảo, bằng cách dâng hiến tấm lòng với bồ đề tâm một cách thuần tịnh cho tha nhân, và để thành tựu giác ngộ. Nếu như làm được như vậy thì ta sẽ có thể đạt được trạng thái của một người hoàn toàn sáng suốt và phát triển đầy đủ, một vị Phật giác ngộ viên mãn.