Khắc Phục Nghiệp Thúc Bách

Cấp Độ Sơ Căn: Kềm Chế Hành Vi Phá Hoại

Chúng ta đã thấy nghiệp và kỷ luật đều liên quan với mỗi một trong ba cấp độ động lực và mục tiêu theo trình tự, như đã được trình bày trong đường tu tuần tự lam-rim. Chúng ta cũng đã thấy cách hoạt động của nghiệp và cách nó vận hành để mãi mãi duy trì những nỗi khổ.

  • Hành vi phá hoại mang lại trải nghiệm bất hạnh. Ta sẽ trải nghiệm những điều xấu xa, tương tự như những gì ta đã làm với người khác, và có cảm giác muốn như lặp lại hành vi phá hoại ấy.
  • Từ hành vi xây dựng, ta sẽ trải nghiệm niềm hạnh phúc bình thường không bao giờ kéo dài mãi mãi và chẳng bao giờ được toại nguyện, và sẽ kinh qua những điều tốt đẹp, tương tự như những điều tốt đẹp mà ta đã làm trước đây, nhưng một lần nữa, chúng sẽ không tồn tại mãi mãi. Ta cũng muốn lặp lại hành vi xây dựng ấy.
  • Từ cả hai hành vi này, dù có tính cách xây dựng hay phá hoại thì ta vẫn phải trải qua luân hồi bất tự chủ. Ta sẽ tái sinh hết lần này đến lần khác, bởi vì lúc lâm chung thì ta sẽ bị thôi thúc để bám vào một thân thể. Ta sẽ bám chấp vào một cái “tôi” vững chắc để tiếp tục tồn tại.

Để hoàn thành mục tiêu ban đầu phù hợp với các giai đoạn lam-rim, đó là chấm dứt kinh nghiệm khổ đau vì bất hạnh, ta sẽ trì giới để kềm chế hành vi phá hoại. Khi cảm thấy muốn hành động một cách tiêu cực thì ta sẽ nhận ra tất cả những điều không vui sẽ xảy ra, và sẽ ngăn cản việc thể hiện cảm xúc bằng hành động. Điều đó đòi hỏi kỷ luật cao, dựa trên trí phân biệt đúng đắn về những gì có hại và những gì có lợi, cụ thể là có hại hay có lợi cho bản thân mình. Để có thể trì giới như vậy thì phải có chánh niệm về những nỗi bất hạnh và khổ đau sẽ xảy ra, nếu như mình hành động theo cảm giác tiêu cực ấy, và làm những gì mình muốn làm.

Chánh niệm giống như một chất keo tinh thần giúp ta nhớ rằng nếu mình hành động theo mỗi một cảm giác tiêu cực thì điều đó sẽ đem lại nỗi bất hạnh và khổ đau lớn lao cho mình. Để có chánh niệm thì cần có định tâm, để sự chú tâm  duy trì trong sự hiểu biết này. Cần phải có một thái độ quan tâm đối với điều này. Ta sẽ quan tâm đến tác động mà hành vi của mình sẽ tạo ra đối với bản thân và người khác, nên sẽ xem trọng đời sống của mình. Vì quan tâm đến cách mình hành động, nên ta sẽ cẩn thận.

Chúng ta cũng cần phải chú ý đến những điều mình thích làm. Phải coi chừng khi mình thích hành động hoặc nói năng, hay suy nghĩ một cách tiêu cực. Rồi thì cần phải tỉnh giác để theo dõi, với trí phân biệt và nhận thức sâu sắc, và phát hiện ra khi mình muốn làm điều gì, và phân biệt được điều mình muốn làm là tiêu cực. Ta sẽ không vô minh: ta hiểu rằng nếu mình thực hiện điều đó thì nó sẽ mang lại nhiều vấn đề. Đây là những phần liên quan đến việc áp dụng trì giới để kềm chế hành vi phá hoại.

Điểm chính mà chúng ta cần phải có đối với loại kỷ luật tự giác này, cũng như trong thiền định là chánh niệm, chất keo tinh thần. Cần phải giữ vững trí phân biệt và hiểu biết rằng nếu hành xử một cách tiêu cực thì điều đó sẽ tạo ra nỗi bất hạnh cho mình. Tất cả những điều khác sẽ theo sau, khi keo tinh thần dính chặt và giúp ta không quên lãng. Nếu keo tinh thần dính tốt thì ta sẽ tự động cảnh báo để chú ý khi keo bị lỏng. Nếu quan tâm đến những gì mình sẽ trải nghiệm như kết quả của hành vi của bản thân thì ta sẽ lập tức khôi phục lại chánh niệm, khi mất đi nó. Càng thực hành nhiều như vậy thì sẽ càng dễ nhớ và áp dụng việc trì giới về tính tự chủ. Vậy thì trì giới là một tâm sở, đó là tâm thái giúp ta kềm chế hành vi phá hoại.

Video: Tiến sĩ Chonyi Taylor — “Nhận Ra Những Sự Nghiện Ngập”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ "Vietnamese" để xem phụ đề tiếng Việt.

Phạm Vi Trung Căn: Chấm Dứt Việc Kích Hoạt Nghiệp Lực Và Chủng Tử Nghiệp

Để đạt được mục tiêu của động lực lam-rim ở phạm vi trung căn, cụ thể là giải thoát khỏi nỗi khổ vì thay đổi (hạnh phúc thông thường) và nỗi khổ thâm nhập khắp nơi (luần hồi bất tự chủ), chúng ta cần phải ngưng kích hoạt nghiệp lực và chủng tử nghiệp đem lại những nỗi khổ này. Làm sao để kích hoạt chúng? Bằng cách mà mình phản ứng đối với cảm giác vui hay buồn.

Thông thường thì điều đầu tiên xảy ra khi cảm thấy vui hay buồn là một tâm sở thường được gọi là “tham ái” phát sinh. Tuy nhiên, theo nghĩa đen thì chữ này có nghĩa là “khao khát”. Nếu cảm thấy bất hạnh thì ta sẽ khao khát được chia tay với cảm giác không vui đó. Nếu như ta cảm thấy niềm hạnh phúc bình thường mà đương nhiên không bao giờ kéo dài thì điều đó giống như một người đang khát nước, sẽ không muốn rời xa nước. Giống như khi thật là khát nước và chỉ cần một ngụm nước thôi là bạn không muốn ai đem ly nước đi, bởi vì bạn lại khát nước hơn nữa. Một trong hai hình thức khao khát này bắt đầu quá trình kích hoạt. Lúc không vui thì ta nghĩ rằng, “Tôi phải loại bỏ điều này!”. Hay khi vui vẻ thì ta nghĩ rằng, “Tôi không muốn điều này kết thúc.”.

Bước thứ hai xảy ra là chúng ta bám chấp vào một cái “tôi” kiên cố, cần phải thoát khỏi bất hạnh và không xa rời hạnh phúc, “Tôi phải thoát khỏi cảm giác không vui! Tôi không bao giờ phải xa rời cảm giác vui vẻ!”. “Tôi, tôi, tôi!”,  như thể có một cái “tôi” đang tồn tại độc lập, bất kể tôi làm gì, nói hay nghĩ gì, phải được hạnh phúc và không bao giờ bất hạnh. Sự kết hợp giữa tham ái và chấp thủ này kích hoạt những nghiệp lực và chủng tử nghiệp dẫn đến những tái sinh về sau một cách cưỡng bách.

Tôi đang đơn giản hóa quá trình này ở đây; vì nó phức tạp hơn nhiều so với những gì tôi đã giải thích. Thật ra thì quá trình kích hoạt nghiệp quả xảy ra mọi lúc, không chỉ vào lúc chết, và dẫn đến tái sinh cưỡng bách, bất tự chủ. Việc không muốn mình đau buồn hoài và không muốn hạnh phúc kết thúc thì xảy ra trong mọi lúc, thậm chí một cách vô thức.

Để chấm dứt hội chứng kích hoạt nghiệp lực và chủng tử nghiệp này thì ta phải chứng ngộ tánh Không, mà tôi gọi là “Không tướng” (“Voidness”). Ta phóng chiếu một cái “tôi” lên bản thân mình, điều tồn tại như một thực thể cô lập, không bị ảnh hưởng vì bất cứ điều gì nó làm, phải luôn luôn vui vẻ và không bao giờ buồn bã, điều đó không tương ứng với thực tại. Không tướng có nghĩa là không có một điều như vậy; không ai tồn tại theo cách đó. Nếu có thể hiểu rằng sự vắng mặt của bất cứ điều gì tương ứng với ảo tưởng của mình và tập trung vào nhận thức đó thì ta sẽ không hoảng sợ vì tham ái và chấp thủ, khi trải qua nỗi bất hạnh hay hạnh phúc bình thường. Thay vì vậy, ta sẽ nghĩ rằng, “Bây giờ thì mình vui vẻ, bây giờ thì mình không vui. Vậy thì sao? Cảm giác sẽ thăng trầm; đó là bản chất cuộc sống. Không có vấn đề gì; không có gì đặc biệt.".

Rồi thì điều chúng ta phải chấm dứt là xem cảm giác của mình và bản thân mình, người đang cảm nhận chúng là chuyện lớn, vì cách làm như vậy sẽ kích hoạt các chủng tử nghiệp và nghiệp lực của mình. Ví dụ, giả sử tôi thật không vui khi không thích những điều ai đó đang làm hay nói. Nếu như tôi bám chấp vào cái “tôi, tôi, tôi, tôi không hài lòng với những gì bạn đang làm”, thì tôi sẽ khao khát để loại trừ cảm giác không vui đó, và nó kích hoạt chủng tử nghiệp và nghiệp lực của tôi để hét lên với bạn. Khi được kích hoạt thì chúng khiến cho cảm giác muốn la hét sinh khởi, và xu hướng tức giận của tôi cũng được kích hoạt. Tuy nhiên, khuynh hướng giận dữ không phải là chủng tử nghiệp, mà là khuynh hướng của một cảm xúc phiền não. Những cảm xúc và thái độ phiền não cũng có những xu hướng, điều này cho thấy sự kiện là ngay cả khi không cảm nhận những cảm xúc này, hay khi những thái độ này không biểu hiện thì chúng vẫn tiếp diễn. Nhưng khi tất cả những chủng tử nghiệp và nghiệp lực này được kích hoạt thì vì thiếu tính tự chủ và chắc chắn là không được an lạc, nên tôi buộc phải thực hiện ước muốn đó và la hét với bạn.

Nhưng, nếu tôi có thể nhận thức rằng, “Tôi không vui, tôi không thích những gì bạn đang làm, nhưng đó không phải là lý do để làm lớn chuyện”, nên tôi không tập trung vào bản thân mình và những gì tôi muốn. Kết quả là tôi không kích hoạt nghiệp lực và chủng tử nghiệp để la hét. Rõ ràng là sự hiểu biết phải khá sâu sắc và được khắc sâu để có thể đạt đến mức độ này. Tôi đang đơn giản hóa nó, nhưng đây chỉ là để cung cấp cho bạn ý tưởng chung chung.

Cách Đoạn Trừ Nghiệp Lực Và Chủng Tử Nghiệp

Một nhân chỉ có thể tồn tại và vận hành như một nhân liên quan đến việc có một quả có thể phát sinh từ nó. Nếu không thể có quả của một điều gì đó, thì nó không thể tồn tại như một nhân. Cụ thể hơn thì một điều gì đó chỉ có thể là tiềm năng cho một quả, nếu như một quả có thể phát sinh từ nó. Để quả phát sinh thì tiềm năng cần phải được kích hoạt. Nhưng nếu không còn bất cứ điều gì có thể kích hoạt tiềm năng, nên quả không thể phát sinh từ nó, thì không còn tiềm năng nữa. Chỉ có thể có một tiềm năng cho một quả, nếu có thể có một quả.

Đó là cách đoạn trừ nghiệp lực và chủng tử nghiệp. Với sự chứng ngộ vô niệm sâu sắc nhất về tánh Không, rằng không có một cái “tôi” vững chắc v.v..., thì bạn bắt đầu loại bỏ cả những cảm xúc phiền não đi kèm với hành vi phá hoại, cũng như thái độ phiền não đi kèm với ngay cả hành vi có tính xây dựng. Đó là vì cảm xúc và thái độ phiền não phát sinh vì tâm chấp thủ vào một cái “tôi” vững chắc. Tuy nhiên, trong quá trình dài để đạt được chứng ngộ vô niệm không có một cái “tôi” vững chắc thì những cảm xúc và thái độ phiền não của mình bắt đầu mất đi sức mạnh. Vì vậy mà ta bắt đầu làm chậm quá trình kích hoạt nghiệp quả cũ, vì chúng được kích hoạt bởi những cảm xúc và thái độ phiền não. Do đó, ta sẽ làm cho lực thúc bách của mình suy yếu.

Nói cách khác là ngay cả khi những cảm xúc và thái độ phiền não yếu ớt kích hoạt nghiệp quả của mình, để tạo ra cảm giác như muốn la hét ai đó thì ta có cơ hội tốt hơn để không lặp lại hành động ấy, hành vi của mình sẽ ít bị thúc bách hơn, bởi vì tâm sân hận phiền não sẽ yếu ớt hơn. Càng kềm chế ý muốn tạo ra hành động mà mình muốn làm, khi nó có tính cách phá hoại hay xây dựng một cách loạn thần thì mình càng ít tạo ra thêm nghiệp quả. Do đó, quá trình đoạn trừ nghiệp lực và chủng tử nghiệp sẽ xảy ra nhanh hơn.

Để quá trình tịnh hóa này được thành công thì chúng ta cần phải trì giới, để luôn có chánh niệm về tánh Không. Nói một cách đơn giản thì ta cần có nó, để có chánh niệm về “Vui vẻ hay buồn rầu, vậy thì sao? Không hề có thứ gì như một cái 'tôi' phải luôn luôn vui vẻ và không bao giờ buồn. Đương nhiên là tôi tồn tại, nhưng không phải theo cách bất khả dĩ này.”.

Nếu bạn nghĩ về những gì sẽ xảy ra, khi chúng ta lãnh hội điều này một cách sâu sắc, và nó đã bắt đầu ảnh hưởng kinh nghiệm của mình thì rất là thú vị. Chẳng hạn, ta sẽ không còn ham muốn một cách bất tự chủ hay có nhu cầu giải trí trong mọi lúc, để lúc nào cũng nghe nhạc, lúc nào cũng xem truyền hình, nếu không thì mình sẽ không vui. Chúng ta cũng sẽ không bắt buộc phải liên tục xem điện thoại, để xem mình có nhận được tin nhắn mới hoặc một bài đăng tải trên trang Facebook của mình hay không, hoặc để xem tin tức, bởi vì chúng ta không còn bám chấp vào một cái “tôi” kiên cố, sợ bỏ lỡ điều gì, hay sợ bất hạnh, chúng ta sẽ thoát khỏi những cách gây rối.

Phạm Vi Thượng Căn: Khắc Phục Tâm Vị Kỷ

Nói một cách rất ngắn gọn thì để đạt được mục tiêu của phạm vi lam-rim thượng căn, để toàn tri nghiệp dĩ của tha nhân, để biết cách tốt nhất để giúp đỡ họ thì chúng ta cần mãnh lực bồ đề tâm đằng sau việc thấu hiểu tánh Không. Bồ đề tâm là gì? Dựa trên lòng từ bi sâu sắc bình đẳng đối với tất cả chúng sinh, ta sẽ gánh lấy trách nhiệm và quyết tâm giúp tất cả thoát khỏi nỗi khổ và nhân tạo khổ. Tuy nhiên, ta nhận thức rằng chỉ khi nào trở thành một vị Phật toàn trí thì ta mới biết cách tốt nhất để hướng dẫn mỗi một chúng sinh trong toàn thể chúng sinh. Thế thì bồ đề tâm là một tâm thức nhắm vào giác ngộ của riêng mình trong tương lai, điều chưa xảy ra, nhưng có thể xảy ra trên cơ sở của cái gọi là “Phật tánh”. Yếu tố này đề cập đến tánh thuần tịnh tự nhiên và những phẩm chất tốt đẹp của tâm mà tất cả chúng sinh đều có, và giúp cho tất cả chúng sinh giác ngộ. Chủ ý của ta là đạt giác ngộ cho riêng mình, và dựa trên thành tựu đó, sẽ giúp đỡ mọi người đầy đủ hơn những gì ta có thể làm, và những gì ta đang cố gắng hết sức để thực hiện trong hiện tại.

Khi chú tâm vào sự hiểu biết tánh Không, cộng thêm bồ đề tâm thì sẽ có nhiều sức mạnh và năng lượng đằng sau sự hiểu biết của mình hơn trước đây. Ta có thể thấy rõ hơn sự tương quan của tất cả các pháp, và điều này sẽ phá vỡ những tập khí khiến cho tâm ta làm cho các pháp xuất hiện trong những chiếc hộp cô lập với nhau. Nhờ vậy, ta có thể hiểu được tất cả các nguyên nhân tạo ra tình huống hiện tại của mỗi một chúng sinh, và ảnh hưởng của bất cứ điều gì mình có thể dạy họ để giúp họ khắc phục khó khăn và nỗi khổ. Chúng ta sẽ thấy bức tranh toàn cảnh về sự tương quan của những gì đã xảy ra, những gì đang xảy ra và những gì chưa xảy ra. Điều này sẽ giúp cho mình có những lời khuyên và giúp đỡ người khác một cách hữu hiệu nhất.

Để trưởng dưỡng bồ đề tâm thì cần phải trì giới để khắc phục lòng vị kỷ và tập trung hoàn toàn vào việc tạo lợi lạc cho người khác. Ở đây, một ví dụ đơn giản về cách mà lòng quan tâm đến người khác sẽ đem lại cho ta nhiều năng lượng hơn là giả sử mình về nhà sau một ngày dài làm việc vất vả và hoàn toàn kiệt sức. Nếu sống một mình thì ta có thể không phải lo nấu ăn và chỉ cần nằm xuống ngủ. Nhưng nếu như có con thì không cần biết mình mệt mỏi ra sao, ta sẽ ráng nấu một bữa ăn cho chúng và chăm sóc cho nhu cầu của chúng. Mối quan tâm của chúng ta đối với người khác đem lại cho mình nhiều năng lượng hơn là chỉ quan tâm đến bản thân.

Đây là những gì liên quan với phạm vi trì giới thượng căn này. Chúng ta cần có kỷ luật tự giác để chấm dứt tâm ích kỷ, ngưng nghĩ về bản thân và nghĩ về người khác, và nhắm vào việc đạt được trạng thái phát triển cao nhất khả dĩ, đó là trở thành một vị Phật toàn trí.

Tóm Tắt

Trì giới là chìa khóa để lần lượt khắc phục nghiệp xấu ác, rồi đến toàn bộ nghiệp dĩ (cả tích cực và tiêu cực), rồi khắc phục tâm vị kỷ ngăn trở tâm toàn trí, hiểu được tất cả nghiệp chướng của tha nhân, để có thể giúp họ cũng khắc phục được nó. Tuy nhiên, chỉ có kỷ luật bản thân thôi thì không đủ; kỷ luật cần phải đi kèm với chánh niệm, tỉnh giác, chú tâm, quan tâm, vân vân.

Sự hiểu biết về tánh Không trong suốt tiến trình này là điều quan trọng, nếu không thì chúng ta sẽ có cách tiếp cận việc trì giới một cách rất nhị nguyên. Chúng ta tưởng tượng có một cái “tôi” là cảnh sát, và một cái “tôi” khác là người hư hỏng, phải bị trừng phạt. Nếu như tiếp cận toàn bộ chủ đề phát triển kỷ luật đạo đức theo cách nhị nguyên ấy thì chúng ta sẽ có thêm nhiều vấn đề khác. Vấn đề là chỉ cần áp dụng việc trì giới mà không cần nghĩ rằng, “Tôi phải làm điều này” và “tôi, tôi, tôi”, và “Ồ, mình thật kinh khủng. Mình quá tệ.”. Hãy buông bỏ tất cả những điều này và cứ hành động!

Top