Đại Thủ Ấn Là Gì?

11:33
Đại Thủ Ấn (mahamudra) là một bộ giáo pháp được tìm thấy trong nhiều trường phái Phật giáo Tây Tạng, bao gồm các phương tiện để chứng ngộ bản tánh của tâm, đưa hành giả đến giác ngộ. Các trường phái khác nhau có thể đề xuất những cách tiếp cận hơi khác nhau để đạt được mục tiêu này, nhưng dù có noi theo trường phái nào thì việc tu tập để thấu hiểu bản tánh của tâm là một cách khiến cho đời sống của chúng ta tràn đầy ý nghĩa.

Mahamudra trong tiếng Phạn có nghĩa là “đại ấn”, đề cập đến một hệ thống hành thiền cao cấp và tinh vi về bản tánh của tâm, và các chứng ngộ thành tựu được nhờ pháp tu này. Giống như con ấn bằng sáp được đóng dấu trên các tài liệu pháp lý để xác thực chữ ký, thì con ấn lớn của Đại Thủ Ấn được đóng dấu trên các hành trì xác thực, đem lại giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sinh.

Nét đặc thù của Đại Thủ Ấn là tập trung vào chính tâm thức, và mối quan hệ mật thiết của nó với thế giới hiện tướng thông thường và Không tướng (tánh Không). Tâm mê lầm và vô minh về mối quan hệ này sẽ thúc đẩy phiền não và nghiệp của chúng ta, mà kết quả là đau khổ và khó khăn không ngừng. Thiền Đại Thủ Ấn là một phương pháp có hiệu quả cao, để thoát khỏi nỗi khổ này, và thành tựu giác ngộ, nhưng chỉ khi nó được thực hiện trên một nền tảng vững chắc. Điều này có nghĩa là cần phải tu tập nhiều trong toàn bộ trình tự đường tu của lam-rim, để có sự tiến triển.

Các hành trì theo phong cách Đại Thủ Ấn được tìm thấy trong các truyền thống Kagyu, Sakya và Gelug của Phật giáo Tây Tạng. Trong Kagyu và Gelug thì Đại Thủ Ấn có cả hai cấp độ tu tập theo Kinh điển và Tối Thượng Du Già Mật Điển (anuttarayoga), tập trung vào các cấp độ thông thường trong Kinh điển, và cấp độ tâm thanh quang, trong Tối Thượng Du Già Mật Điển. Trường phái Sakya chỉ truyền thụ cấp độ Tối Thượng Du Già Mật Điển. Ở đây, chúng ta sẽ tập trung vào cấp độ Kinh điển, theo các hình thức của Gelug và Karma Kagyu. Gelug nhấn mạnh vào pháp thiền về tánh Không của tâm thức, trong khi Karma Kagyu nhấn mạnh vào pháp thiền về tâm thức chứng ngộ tánh Không vô niệm.

Đối với cả hai cách tiếp cận thì điều quan trọng là phải phân biệt chính xác tâm là gì.

Tâm là tâm hành cá thể, chủ quan của việc kinh nghiệm điều gì.

Tâm hành này tiếp tục không ngừng trong cả đời, không có sự khởi đầu hay kết thúc. Việc nhận ra bản lai diện mục của tâm thức thì vô cùng khó khăn, nên thành công trong việc tu tập chỉ có thể dựa trên cơ sở của việc tích tập vô lượng công đức và tịnh hóa ác nghiệp, khi các pháp tu sơ khởi được lặp đi lặp lại, hay ngondro.

Truyền Thống Gelug

Tâm hành (hoạt động tinh thần) có hai bản tánh tinh yếu: bản tánh tương đối bản tánh tuyệt đối. Truyền thống Gelug định nghĩa bản tánh tương đối là “tánh quang minh và tánh giác đơn thuần”.

  • Tánh quang minh – tâm hành phát sinh ra hiện tướng (tạo tác hiện tướng), cụ thể là tâm ảnh ba chiều của sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, tất cả đều đi kèm với một mức độ hạnh phúc, những cảm xúc khác nhau, và các tâm sở cơ bản như là tác ý và định.
  • Tánh giác - một số dạng nhận thức. Nó không tách rời, cũng không đi sau việc tạo tác hiện tướng - không phải là ý nghĩ đầu tiên xuất hiện, rồi mình mới nghĩ về nó. Tánh giác chỉ là một cách chủ quan để mô tả cùng một tâm hành tạo tác hiện tướng.
  • Đơn thuần – tâm hành chỉ là như vậy, và không bao gồm việc có một  cái “tôi” riêng biệt, có thể tìm thấy, là tác nhân hay người quan sát hoạt động tinh thần này, hay là một “tâm” riêng biệt, có thể tìm thấy, giống như một loại máy phi vật chất, làm tất cả mọi việc. Tâm hành xảy ra trên cơ sở thể chất của một bộ não và hệ thống thần kinh, nhưng điều đó không có nghĩa là tâm là tương đương, hoặc có thể được hạ thấp thành điều gì thuộc về thể chất.

Bản tánh tuyệt đối của tâm hành là “không có sự tồn tại tự lập”. 

  • Tánh Không – sự hoàn toàn vắng bóng của bất cứ điều gì có thể được tìm thấy từ phía tánh quang minh và tánh giác đơn thuần mà được thiết lập bằng tự lực của nó, rằng có một thứ gì như là tâm hành, thậm chí không phải là chính những đặc điểm xác định này. Điều duy nhất mà mình có thể nói đến là sự kiện mà tất cả chúng ta đều đồng ý về mặt quy ước, rằng mình có kinh nghiệm chủ quan và cá nhân trải nghiệm mọi thứ như sự định danh
  • Định danh - thực tế là như một xã hội, chúng ta có khái niệm và chữ “tâm thức”, mà mình đã đặt ra như một tên gọi trong tâm thức, và định danh cho dòng tương tục từ sát na này đến sát na khác của việc tạo tác ra hiện tướng và nhận thức đơn thuần, mà chúng ta đều trải nghiệm. Tuy nhiên, việc định danh không phải là một hành vi năng động, sẽ tạo ra bất cứ điều gì, mà chỉ đơn giản là một cách giải thích cho sự tồn tại thông thường hợp lệ của các pháp. Không có bản tánh tự thiết lập từ phía tâm hành, hoặc bất cứ điều gì khác giải thích cho sự tồn tại của nó, vì điều đó bất khả dĩ. Tánh Không là hoàn toàn không có bất kỳ một pháp quy ước nào được thiết lập bằng tự tánh.

Phong cách hành thiền Đại Thủ Ấn của phái Gelug tập trung vào bản tánh quy ước của tâm hành, với chánh niệm để ngăn ngừa việc mất đi sự chú ý, và tỉnh giác để phát hiện ra việc mất đi sự chú tâm này. Hãy nghĩ về một chiếc đèn pin, nhưng khi mà mình không chú ý đến những gì nó đang soi sáng (sự xuất hiện của các đối tượng của giác quan hay ý tưởng, cộng với cảm xúc đi kèm với chúng). Thay vì vậy, mình sẽ tập trung vào hoạt động của đèn pin đang diễn ra trong từng sát na, làm hiển thị các hiện tướng. Điều quan trọng không phải là tập trung vào tâm hành như thể nó là một đối tượng, mà là chỉ tập trung chú ý trong khi tâm hành đang diễn ra. Phải bảo đảm là mình không nhận diện “tôi” là chiếc đèn pin, không phải là người cầm đèn pin, hoặc đang quan sát những gì xuất hiện. Khi những tư tưởng xuất hiện thì chỉ cần chú ý đến chúng, mà không bị cuốn hút vào câu chuyện của chúng, và chúng sẽ tự động biến mất, và chủ ý ban đầu để hành thiền về chính tâm thức sẽ đưa sự tập trung của mình trở về hoạt động tinh thần. Một cách khác là chính mình sẽ cắt đứt ý nghĩ, và cố ý đưa sự chú tâm của mình trở lại.

Một khi đã đạt được định tâm (shamatha), tập trung vào bản tánh tương đối của tâm hành, thì mình sẽ tập trung vào bản tánh tuyệt đối của nó, đó là không có sự hiện hữu tự lập, có tự tánh. Cuối cùng thì mình sẽ đạt được tuệ giác đặc biệt của vipashyana (quán), kết hợp với shamatha (chỉ), và tập trung vào tánh Không của tâm thức. Ta sẽ tiếp tục tu tập cho đến khi cặp đôi này trở thành vô niệm, và thông qua các giai đoạn thì mình sẽ thành tựu giải thoát và giác ngộ.

Truyền Thống Karma Kagyu

Khai Thị Của Đức Karmapa Thứ Ba

Bản tánh tương đối của tâm hành là “tánh bất khả phân của sự tạo tác ra hiện tướng (tánh quang minh) và hiện tướng”. Bản tánh tuyệt đối của tâm hành là “tánh giác và tánh Không bất khả phân” và “sự tạo tác hiện tướng/hiện tướng, và tánh giác/tánh Không bất khả phân”. 

  • Tánh Không – tri kiến tha-không (other-voidness), theo đây thì tánh Không là một trạng thái tinh thần vượt qua ngôn từ và khái niệm - “vượt qua” cả về ý nghĩa của một sự nhận thức không có mọi cấp độ thô thiển hơn của tâm thức mà qua đó, ngôn từ và khái niệm xảy ra, cũng như theo ý nghĩa tồn tại theo cách vượt qua những gì tương ứng với ngôn từ và khái niệm.
  • Bất khả phân, tương đương với bất nhị – không có thành phần nào trong một cặp bất khả phân tồn tại, hay có thể được thiết lập bằng chính nó, độc lập với thành phần kia.

Khai Thị Của Đức Karmapa Thứ Chín

Bản tánh tương đối của tâm hành là “tánh quang minh, tánh giác và tánh vô niệm”.

  • Tánh quang minh (tạo tác hiện tướng) - được mô tả là “trong sáng”.
  • Tánh giác - tương đương với “ý thức”, theo ý nghĩa của sự “tỉnh thức”.
  • Tánh vô niệm – tánh trần trụi, trạng thái nhận thức không có tư tưởng khái niệm. Tư tưởng khái niệm là điều phóng chiếu các hiện tướng của sự tồn tại được thiết lập một cách thật sự, và phân loại các pháp như là điều này hay điều kia.

Bản tánh tuyệt đối là tánh bất khả phân, hay tánh bất nhị của hiện tướng và tánh Không, tánh quang minh và tánh Không, tánh giác và tánh Không.

  • Tánh Không – tri kiến ngã-không, theo đó thì tánh Không là trạng thái vượt qua ngôn từ và khái niệm, chỉ đơn thuần tồn tại theo cách vượt qua những gì tương ứng với ngôn từ và khái niệm (chẳng hạn như thật sự tồn tại, không thật sự tồn tại, cả hai, hoặc không có cả hai.)

Theo phong cách thiền Đại Thủ Ấn của phái Karma Kagyu thì hành giả sẽ đạt được định tâm (shamatha) bằng cách tĩnh tâm bằng chánh niệm và tỉnh giác, trong sát na hiện tiền của tánh quang minh, tánh giác và tánh vô niệm, không có bất kỳ tư tưởng khái niệm nào. Điều này có nghĩa là hành thiền mà không có sự lo âu hay kỳ vọng nào, và không có sự nhận diện bằng khái niệm như đối tượng “này”, hay đối tượng “kia”: 

  • Những gì bạn đang nhận thức - một số thông tin giác quan, hay một tư tưởng ngẫu nhiên.
  • Bạn đang làm gì.
  • Ai đang làm điều đó.
  • Bản tánh tương đối của tâm là gì.

Thiền sử dụng các phương pháp tương tự để tập trung, như được sử dụng trong phong cách Gelug, đã được mô tả ở trên. Để đạt được trạng thái tuệ giác (vipashyana) về bản tánh tuyệt đối của tâm thì thiền sẽ khảo sát và phân tích mối quan hệ giữa tâm, theo nghĩa tương đối của nó, và hiện tướng.

Tóm Tắt

Pháp thiền Đại Thủ Ấn Gelug tập trung vào mối quan hệ giữa tâm và hiện tướng quy ước, từ quan điểm rằng tâm khiến cho tất cả các đối tượng tồn tại một cách quy ước xuất hiện, và được nhận biết, và nó thực hiện điều này, vì nó không tồn tại bằng mãnh lực của tự tánh, có thể tìm thấy. Cả hai yếu tố tâm và hiện tướng quy ước chỉ có thể được giải thích như là những gì mà khái niệm và ngôn từ dành cho chúng đề cập đến, trên cơ sở của sự xuất hiện và nhận thức đơn thuần, từ sát na này đến sát na khác.

Pháp thiền Đại Thủ Ấn Karma Kagyu tập trung vào mối quan hệ giữa tâm và hiện tướng, từ quan điểm về tánh bất nhị của chúng – không thể được thiết lập như tồn tại một mình nó, tách rời với cái kia. Cả hai đều tồn tại vượt qua ngôn từ và khái niệm theo nghĩa là cả hai đều không tồn tại như các đối tượng có thể tìm thấy, bên trong các phạm trù giống như chiếc hộp, tương ứng với ngôn từ hay khái niệm.

Dù sử dụng phương pháp nào thì chúng ta đều đi đến cùng một kết luận, rằng mình chỉ có thể hiểu biết bản tánh của hiện tướng, từ mối quan hệ của chúng với tâm thức. Khi thấu hiểu được tâm thức và thế giới của hiện tướng quy ước, có một nền tảng tu tập lam-rim vững chắc và hành trì pháp tu sơ khởi sâu rộng, cộng thêm việc duy trì pháp thiền Đại Thủ Ấn, thì ta có thể thành tựu giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sinh.

Top