Bốn Đại Hội Kết Tập Kinh Điển

Khi các sử gia xem xét các sự kiện lịch sử nổi bật, chẳng hạn như “Bốn Đại Hội Kết Tập Kinh Điển”, thì sẽ lấy những tài liệu liên quan đến chúng – những kinh nghiệm khác nhau của các nhân chứng – và sắp xếp chúng một cách mạch lạc. Đây là điều gọi là "lịch sử." Nhưng trong bối cảnh Phật giáo thì lịch sử chỉ là một cách để thấu hiểu quá khứ về mặt tinh thần, với mục đích tiến triển qua các cấp độ giáo giáp trong nhà Phật, để đi đến giải thoát; không phải là chúng ta có thể thấy Bốn Đại Hội Kết Tập Kinh Điển được trải nghiệm theo một cách duy nhất. Có rất nhiều phiên bản về Bốn Đại Hội Kết Tập Kinh Điển, thật ra một số thậm chí không chấp nhận có bốn sự kiện này. Tất cả các phiên bản này đều hữu ích, và chúng ta phải xem xét từng phiên bản một, nếu muốn hiểu tài liệu từ quan điểm bao quát hơn, không có thành kiến hay điều kiện văn hóa.

Lịch Sử Là Gì?

Lịch sử là một cách sắp xếp những tài liệu trước đây, để thấu hiểu một vài sự phát triển đã xảy ra theo thời gian. Nếu nhìn vào trích đoạn, “Nếu lịch sử thu thập được, thì con người đã tham dự sự kiện”, chúng ta có thể xem lịch sử là điều tồn tại độc lập – như sự vật tự hiện hữu – và con người chỉ là kẻ ngoại cuộc, xem và tham dự nó như một sự kiện thể thao. Nhưng lịch sử không tồn tại như “một sự vật”. Nó chỉ là một cách sắp xếp và xem xét các chủ đề khác nhau trong tài liệu trong một khoảng thời gian. Theo thuật ngữ nhà Phật thì cách sắp xếp tài liệu lịch sử này là một “cấu trúc tinh thần”.

Chúng ta có thể liên hệ ý tưởng về cấu trúc tinh thần này với chủ đề về những sự phóng chiếu. Ví dụ, chúng ta có thể hỏi, "Cuộc Cách Mạng ở Nga có xảy ra không?". Dù câu trả lời sẽ là “Có”, nhưng ta vẫn cần phải hỏi: Vậy thì thật ra điều gì đã xảy ra trong thời điểm này? Nhiều người đã có mặt ở đó và trải nghiệm điều gì khác biệt trong từng khoảnh khắc, nhưng họ có trải nghiệm “Cuộc Cách Mạng” như thể đó là một con voi mà tất cả mọi người đang nhìn không? Nếu không, thì cuộc cách mạng là gì? Cuộc cách mạng chỉ được mô tả sau đó, khi các sử gia khác nhau cố gắng làm cho những kinh nghiệm khác nhau của nhiều người có mặt ở đó trở nên dễ hiểu. Sau đó, các sử gia này gom góp lời tường thuật của các nhân chứng mục kích thành một dạng tổng hợp tinh thần nào đó – một sự sắp xếp các kinh nghiệm được gọi là “lịch sử”. Chúng ta cũng có thể thấy kiểu sắp xếp tài liệu đạo Phật này có thể được trình bày theo nhiều cách khác nhau.

Ví dụ, nếu lấy chủ đề tâm lý học, dù có rất nhiều trường phái tâm lý học, nhưng thật ra chủ đề nói về điều gì? Chúng ta có thể nói rằng tâm lý học là số kinh nghiệm lớn lao trong từng khoảnh khắc của rất nhiều người khác nhau. Sau đó, một nhà tâm lý học sẽ trình bày những kinh nghiệm này trong một sơ đồ có tổ chức, được giải thích theo một lý thuyết tâm lý. Các kinh nghiệm có thể được trình bày không chỉ trong một sơ đồ, mà có thể được tổ chức theo nhiều hệ thống.

Nếu chúng ta thắc mắc về triết học, thật ra có điều gì đã xảy ra trước đây không? Câu trả lời sẽ là "Tất nhiên là có điều gì đó đã xảy ra.". Nhưng nó chỉ là một cấu trúc tinh thần gom góp các sự kiện trong một sự tổng hợp của “lịch sử”? Đây là một câu hỏi quan trọng, vì nó giới thiệu cho mình cách nhìn phân tích của đạo Phật về sự vật – một cách quan trọng để thấu hiểu.

Phật tử Tây Tạng nghiên cứu bốn trường phái của Phật giáo Ấn Độ như một khóa học theo trình tự, tức là cấp độ này dẫn đến cấp độ khác, cả về sự hiểu biết của mình, lẫn những tuệ giác ngày càng sâu sắc hơn, và làm tan rã tri kiến sai lầm về thực tại một cách vi tế hơn. Đây là một cách sắp xếp tài liệu, với mục tiêu thành tựu giải thoát và giác ngộ; mục tiêu của đạo Phật. Nếu những sơ đồ có tổ chức này chỉ đơn thuần là cấu trúc tinh thần, thì chúng được xây dựng trong tinh thần từ một người nào đó, hay một nhóm người, vì một mục tiêu; giống như các lý thuyết tâm lý khác nhau được kết hợp lại với mục đích giúp đỡ bệnh nhân. Chúng ta có thể sắp xếp tài liệu của giáo lý nhà Phật theo sự phát triển hợp lý về các ý tưởng, khi mà mình có sự khởi đầu của một khái niệm về một giáo lý nào đó được phát triển, và sau đó, lại được triển khai hay mở rộng thêm – đây là điều được gọi là “ lịch sử đạo Phật.”.

Theo lối suy nghĩ Tây phương của chúng ta thì ý tưởng về cách mọi thứ phát triển – về cái gọi là “tiến triển” – là điều mà mình rất quan tâm. Nó dựa trên khái niệm về thời gian tuyến tính, điều gì cụ thể về mặt văn hóa. Thời gian tuyến tính cung cấp cho chúng ta, những người Tây phương, thông tin hữu ích về cách các ý tưởng phát triển theo thời gian, nhưng đối với người Tây Tạng và người Ấn Độ thì thông tin này không thích hợp. Họ không tin vào lịch sử theo thời gian tuyến tính. Vậy thì liệu chúng ta có thể nói rằng phân tích lịch sử phương Tây của mình có giá trị hơn so với Ấn Độ/Tây Tạng không? Đức Phật đã dạy tất cả các chủ đề trong cùng một lúc, ở nhiều cõi, vì vậy vấn đề phân chia giáo lý theo thời gian là điều khá không thích hợp. Dù ba lần ban truyền trong ba lần chuyển Pháp luân có thể được phân chia, còn niên đại thật sự của những lần ban truyền này thì không đáng kể.

Điều quan trọng là không có quan điểm học thuật bằng khái niệm thiên vị kiêu căng, một quan điểm chỉ xem lịch sử là đúng, và những người sau này đã phát triển tất cả những ý tưởng này. Đây không phải là đạo Phật. Đạo Phật xác thực chỉ là những điều Đức Phật đã dạy. Do đó, liệu có hữu ích hay không, khi nghiên cứu hoặc xây dựng một dòng phát triển về các ý tưởng, để có một quan điểm lịch sử? Liệu nó có hữu ích cho mình hay không, khi lấy khái niệm về Đức Phật là gì trong một khoảng thời gian, để thấy sự phát triển hay tiến triển của một ý tưởng?

Nhìn về mặt phát triển hay tiến triển là một cách để dán nhãn cho trình tự thời gian, một cách khác là về mặt thoái hóa. Cả hai cách đều xác thực như nhau, bởi vì đó là cách nó có ý nghĩa trong bối cảnh của một cách nghĩ nào đó. Hay bạn có thể xem đó chỉ là điều người ta đặt ra, hoặc để có tính hợp pháp - “đây là điều mà Đức Phật muốn nói” - về mặt bất liễu nghĩa hay liễu nghĩa.

Nếu quay trở lại câu hỏi mục đích của lịch sử là gì, của việc xây dựng một lịch sử về sự phát triển của các tư tưởng nào đó, có thể chúng ta không có câu trả lời. Tuy nhiên, có thể nói rằng đối với cách suy nghĩ rất tuyến tính của mình, thì nó hữu ích ở chỗ sẽ giúp ta hiểu được ý nghĩa của tài liệu trong khuôn khổ khái niệm của chính mình. Điều quan trọng đối với mình là không được phán xét, và từ quan điểm nhà Phật, không được nói rằng việc sử dụng một quan điểm lịch sử thì xác thực hơn nhiều, so với một vài cách hiểu của đạo Phật về cách sắp xếp tài liệu.

Ở đây, khi đề cập đến thời gian tuyến tính, chúng ta đang nói về thời gian có điểm khởi đầu, do một đấng cao cả hơn tạo ra, hay bắt đầu bằng một vụ nổ lớn (Big Bang). Sự khởi đầu này sẽ tiếp tục và đi đến kết thúc bằng sự hủy diệt của vũ trụ hay một cuộc khủng hoảng lớn, vì vậy mà thời gian sẽ kết thúc. Điều này trái ngược với quan điểm nhà Phật, đó là không có sự khởi đầu và kết thúc. Thay vì vậy thì sẽ có một vụ nổ lớn khác, một cuộc khủng hoảng lớn khác hay bành trướng để trở thành hư vô – nó cứ tiếp diễn như vậy, theo cách phi tuyến tính.

Các quan điểm khác nhau về tuyến tính và phi tuyến tính nhấn mạnh một trong những ích lợi của việc nghiên cứu tài liệu Phật giáo, bởi vì điều này giúp ta nhận diện những cách suy nghĩ cụ thể theo văn hóa của mình là gì. Chữ “cụ thể” ở đây rất quan trọng, vì nó cho thấy chỉ có nền văn hóa của mình mới nghĩ theo cách này, nhưng trên thực tế, chúng ta phải hiểu rằng có nhiều cách khác để nhìn vào vũ trụ và trải nghiệm của mình. Thường thì vì ta chỉ quen thuộc với quan điểm của riêng mình, nên thậm chí không xem xét khả năng có một cách nhìn khác về vũ trụ, nói gì đến việc chúng có thể xác thực như nhau. Do đó, việc nghiên cứu điều gì khác biệt như cách suy nghĩ trong nhà Phật sẽ giúp ta nhận diện những sự phóng chiếu mà mình có về cách sắp xếp tài liệu. Các khái niệm về “một chân lý”, “sự tiến triển” hay “suy thoái” chỉ đơn giản là những cách hiểu do tâm tạo - chúng không nhất thiết là điều phổ biến, cũng như không tồn tại “ở ngoài kia” như là Chân Lý.

Theo quan điểm Duy thức (Chittamatra), “đó là cách nó hiện ra đối với mình”. Các tình huống hiện ra đối với mỗi người theo cách khác nhau, tùy theo nền văn hóa của họ. Ví dụ như trong pháp trị liệu gia đình, cách mà một tình huống sẽ hiện ra đối với người mẹ, người cha hay con cái sẽ khác nhau. Khi mở mang đầu óc để xem xét có nhiều cách khác để sắp xếp dữ liệu và hiểu nó, đối với nhiều mục đích khác nhau, thì sẽ có rất nhiều công cụ khác mà mình có thể sử dụng để giải quyết vấn đề hàng ngày. Việc xem xét những khả năng khác cho ta thấy rằng có thể mình đã bị điều kiện hóa vì nền văn hóa của mình, và trên thực tế, việc xem xét nó theo cách khác sẽ giúp ta tìm ra giải pháp tốt hơn. Hoặc khi kết hợp những quan điểm khác nhau để đưa ra một tổng hợp tinh thần khác thì ta có thể thấy nó hữu ích.

Vì hoàn cảnh của mình, khiến ta suy nghĩ theo cách nào đó, không có nghĩa là phải phán xét văn hóa của mình, nghĩ rằng nền văn hóa của mình cao hơn và văn hóa của người khác thấp hơn hay ngược lại. Tất cả chúng ta đều lớn lên trong một bối cảnh nào đó, vì không ai tồn tại ngoài bối cảnh. Cũng không cần phải xem hoàn cảnh của mình bị hạn chế, bởi vì điểm chính là có những cách hữu ích khác để xem xét và thấu hiểu những chủ đề khác nhau.

Sau Khi Đức Phật Nhập Diệt

Nếu quay qua ý tưởng lịch sử của Tây phương, thì sau khi Đức Phật nhập diệt, đệ tử của Ngài phải đối phó với số tài liệu lớn mà Đức Phật đã giảng dạy, mà không có tài liệu nào được ghi chép. Có nhiều phiên bản khác nhau về những gì đã xảy ra với số tài liệu này, tùy theo các trường phái và tác giả khác nhau trong thế giới Phật giáo. Những người khác nhau sẽ nhớ những sự kiện khác nhau, và kể lại câu chuyện hay phiên bản của họ cho đệ tử hoặc con cái của họ, v.v... Do đó, vì có nhiều phiên bản khác nhau về điều gì đã xảy ra, chúng ta không thể chỉ tìm ra chỉ một khả năng hay “một sự thật”.

Các đại đệ tử của Đức Phật kể lại rằng những người ghi lại giáo lý đều là những vị A la hán, nhưng thật ra chúng ta không biết cả năm trăm vị đều là A la hán, đều là những bậc giải thoát hay không. Năm trăm vị A la hán được cho là đã tề tựu và đọc thuộc lòng từng chữ những điều Phật dạy.

Ở đây, điều quan trọng cần lưu ý là không có điều gì về lời Phật dạy đã được ghi lại trong khoảng bốn trăm năm từ lúc Đức Phật nhập diệt. Sau đó thì phiên bản xuất hiện bằng tiếng Pali của trường phái Nguyên thủy (Theravada) đã được ghi chép, trong khi các phiên bản khác thậm chí còn được ghi chép muộn hơn nữa. Đó là lý do mà ngài Tịch Thiên (Shantideva) nói rằng: “Nếu quý vị thắc mắc về độ chính xác trong trí nhớ của chúng tôi về những điều đã được nói, thì chúng tôi cũng có thể thắc mắc về độ chính xác của những điều quý vị nhớ.”. Chúng ta không biết chắc rằng các vị A la hán có nhớ từng chữ một hay không, bởi vì có rất nhiều tài liệu. Tình trạng này, khi mà giáo pháp trước hết được truyền khẩu, rồi sau đó được ghi chép, không phải là điều đặc thù trong đạo Phật mà thôi. Trên thực tế, trong nhiều tôn giáo trên thế giới, không có điều gì được ghi chép vào thời của người sáng lập tôn giáo đó, và mọi việc được ghi nhớ và chỉ được ghi lại rất lâu sau đó.

Ngôn Ngữ Được Ghi Chép Và Học Thuộc Lòng

Về mặt lịch sử của ngôn ngữ được ghi chép, chúng ta có thể đặt câu hỏi, tại sao chúng ta lại phát triển ngôn ngữ được ghi chép? Theo nhiều nhà nghiên cứu thì chủ yếu điều này được phát triển vì mục đích quân sự, để gởi một số mệnh lệnh, v.v... đến một bộ phận khác trong quân đội, hoặc cho mục tiêu hành chánh. Ban đầu, đặc biệt là ở Ấn Độ, ngôn ngữ ghi chép không bao giờ được sử dụng trong các vấn đề triết học cũng như tâm linh. Nó chỉ được sử dụng cho những mục tiêu thực dụng, chẳng hạn như trong trường hợp các thương nhân ghi chép lại họ đã bán những món gì, giá cả bao nhiêu.

Để hiểu liệu người ta có thể thật sự nhớ thật nhiều tài liệu vào thời đó hay không, chúng ta có thể xem người Tây Tạng ngày nay. Người Tây Tạng có thể ghi nhớ hàng ngàn trang kinh sách, rồi có thể trì tụng chúng. Ví dụ điển hình nhất là Đức Dalai Lama, người đã học thuộc lòng số tài liệu khổng lồ mà từ đó, Ngài có thể trích dẫn bất cứ lúc nào, bất kể ở đâu. Do đó, không có gì đặc sắc về cách duy nhất mà những người không có sách vở, hay thậm chí không có khái niệm về sách vở, có thể học thuộc lòng rất nhiều điều.

Khó mà tưởng tượng sự việc sẽ ra sao, nếu như không có sách, nói gì đến máy tính và internet, và toàn bộ hệ thống giáo dục hoàn toàn dựa vào việc lắng nghe giảng giải về giáo lý, là điều người ta phải ghi nhớ – điều này có nghĩa là, theo ý nghĩa nào đó, để học thuộc lòng. Nhu cầu học thuộc lòng ngụ ý rằng những giáo lý này sẽ không chỉ được tụng một lần, mà thay vì vậy, sẽ phải được tụng đi tụng lại nhiều lần theo một cách sắp xếp. Việc lặp đi lặp lại sẽ giúp ích cho các đệ tử nhỏ tuổi, những người sau khi lắng nghe giáo pháp nhiều lần, sẽ liên tục trì tụng, thực hành và học hỏi. Chỉ trên cơ sở đã lắng nghe và học thuộc lòng, thì một đệ tử mới có thể thật sự nghĩ về các giáo pháp và cố gắng hiểu ý nghĩa của chúng.

Việc học thuộc lòng trong hệ thống giáo dục thậm chí còn tồn tại cho đến ngày nay đối với người Tây Tạng trong các viện Phật học. Dù đã có kinh sách, nhưng các Tăng sinh vẫn trì tụng và học thuộc lòng. Trên thực tế, toàn bộ hệ thống giáo dục đều hướng về việc tận dụng khả năng ghi nhớ đặc biệt của đầu óc trẻ em. Khi còn nhỏ, chúng ta có thể học thuộc lòng nhiều điều, chẳng hạn như các bài đồng dao, và nhớ những bài này nhiều năm sau; còn việc nhớ điều gì từ ngày hôm qua, chẳng hạn như số điện thoại thì khó hơn nhiều, vì trí nhớ dài hạn luôn tốt hơn trí nhớ ngắn hạn.

Hệ thống giáo dục Tây Tạng là như vậy cho đến khi mười ba tuổi, các đệ từ không được học bất cứ lời giảng giải nào, mà chỉ học thuộc lòng. Có thể một số người Tây phương cảm thấy điều này không thỏa đáng, và là một cách học hỏi theo “thời trung cổ”, nhưng người ta có thể lập luận rằng cách học theo thời trung cổ có ích lợi của nó. Học sinh học thuộc lòng không hoàn toàn phụ thuộc vào internet và thư viện. Họ có thể nhớ điều gì mà không cần phải tra cứu nó.

Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Thứ Nhất

Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Thứ Nhất được triệu tập tại Vương Xá (Rajagrha) thuộc vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha) vào năm sau khi Đức Phật nhập diệt. Xin lưu ý rằng thuật ngữ “Hội Đồng” là một danh từ phương Tây, có nghĩa là một cơ quan quản lý được bầu ra. Ở đây, thuật ngữ này thật ra có nghĩa là một cuộc tụ họp với mục tiêu tất cả mọi người cùng nhau trì tụng Kinh điển và đảm bảo không có sự sai lạc.               

Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Thứ Nhất có sự tham gia của năm trăm vị A la hán. Trong số năm trăm vị này, ba vị trong số những người thuộc lòng xuất sắc nhất đã tụng một trong ba phần chính trong giáo pháp của Đức Phật. A Nan (Ananda), em họ của Đức Phật (việc có một người thân trong gia đình là phong tục thời bấy giờ, và vẫn có thể thấy trong truyền thống Tây Tạng), sở hữu trí nhớ siêu phàm, nên đã tụng thuộc làu tất cả các bộ kinh. Vì ganh tỵ nên ngài Đại Ca Diếp (Mahakashyapa), một nhà sư lớn tuổi nhưng tương đối mới tu tập, đã không muốn ngài A Nan có mặt, nhưng vì ngài A Nan có trí nhớ tốt nhất, nên các vị A la hán khác đã mời ngài tụng kinh. Các bài kinh là chủ đề của việc tu tập, đặc biệt về định tâm.

Theo một phiên bản thì một phần của giáo lý A Tỳ Đạt Ma (abhidharma) đã được ngài Đại Ca Diếp trì tụng. Các truyền thống khác nói rằng ngài Đại Ca Diếp chỉ là người chủ trì và giáo pháp A Tỳ Đạt Ma do Đức Phật giảng dạy không được trì tụng vào thời điểm này, mà chỉ được nhiều vị A la hán trong đại hội kết tập sau này. A Tỳ Đạt Ma ở đây được dịch là “các chủ đề kiến thức đặc biệt” và đề cập đến siêu hình học – cách thấu hiểu vũ trụ như thế nào, vũ trụ được tạo nên từ cái gì, các loài chúng sinh khác nhau trong vũ trụ, chủ đề sinh vật, v.v... Môn học này giúp ta phát triển cái gọi là “trí phân biệt”, để thấu hiểu những yếu tố khác nhau trong kinh nghiệm của mình.

Giới luật trong Tăng đoàn (vinaya) đã được nhà sư Ưu Bà Ly (Upali) trì tụng. Có cả giới của chư Tăng Ni, cũng như các phân loại của giới Sa di, Cụ túc giới v.v. Đức Phật đã đặt ra giới luật để giải quyết một sự cố hay vấn đề trong Tăng đoàn, chứ không phải để ép buộc người khác “vâng lời”. Trong hệ thống tu viện Cơ Đốc giáo, một trong những giới nguyện chính là vâng lời - là một giới không tồn tại trong hệ thống tu viện nhà Phật. Quy luật trong Kinh thánh hay thiên đường Hy Lạp cổ đại hay các nhà vua và hệ thống pháp luật tư pháp Tây phương có cơ quan lập pháp phải được noi theo và tuân thủ. Trong những bối cảnh này, sự vâng lời đồng nghĩa với việc là “người tốt”, trong khi việc không vâng lời sẽ bị trừng phạt. Khi nhìn vào hệ thống “tư pháp” – hành chánh công lý – của Tây phương, chúng ta thấy không có cái gọi là “công lý”. Nếu người nào làm theo luật là người tốt; nếu không vâng lời, thì họ “có tội”. Toàn bộ khái niệm tội lỗi này là lối suy nghĩ rất Tây phương.

Ngược lại, đạo đức nhà Phật dựa trên sự hiểu biết vấn đề, chứ không dựa vào sự vâng lời. Khi một vấn đề hay khó khăn phát sinh, thì một giải pháp hay quy tắc sẽ được đặt ra, để vấn đề này không tái diễn, và tạo ra nhiều khó khăn hơn. Ngày nay, điều này liên quan đến bất kỳ tổ chức hay xã hội nào với cái gọi là luật lệ hay quy tắc nào đó mà công dân phải tuân theo một cách nghiêm ngặt. Tuy nhiên, nếu mọi người hiểu lý do hoặc động cơ đằng sau những quy tắc này, thì sẽ không cần đến cảnh sát, và xã hội sẽ vận hành trơn tru hơn nhiều.

Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Thứ Nhất do ngài Đại Ca Diếp chủ trì, ngài là một trưởng lão Bà-la-môn tôn quý từ Ma Kiệt Đà. Ngài đã trở thành nhà sư khi khá lớn tuổi. Trước khi nhập diệt, Đức Phật đã ban cho Đại Ca Diếp chiếc y cũ rách của mình, để đổi lấy chiếc y mới của vị Bà-la-môn. Về sau, điều này được xem là dấu hiệu cho thấy Đức Phật đã trao thẩm quyền trong dòng truyền thừa giáo pháp của Ngài cho Đại Ca Diếp, nên ông cảm thấy mình phải gánh trách nhiệm.

Tuy nhiên, tôn ý của Đức Phật luôn luôn là thẩm quyền của giáo pháp phải bình đẳng, tức là không có người chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trong suốt lịch sử nhà Phật, có một sự biện chứng liên tục giữa một nhân vật trung tâm có thẩm quyền, người chịu trách nhiệm tổ chức để tạo ra cấu trúc cho giáo pháp, có một số quyền lực nào đó, và một Tăng đoàn dân chủ, bình đẳng, mà người lãnh đạo được bầu ra, và trong Tăng đoàn đó, những quyết định nào sẽ được đưa ra. Ngày nay, đối với việc thọ cụ túc giới cho chư Ni, đây là điều hiển nhiên trong Tăng đoàn Tây Tạng. Dòng truyền thừa của những loại giới này đã bị gián đoạn, nhưng có một phong trào mạnh mẽ đối với việc thiết lập lại chúng. Tuy nhiên, Đức Dalai Lama không thể chỉ giới thiệu chúng lại. Quy định của Đức Phật là những loại quyết định này không thể được một thẩm quyền trung ương nào đề ra, mà phải được một hội đồng trưởng lão quyết định, các vị này phải đồng ý. Một quyết định lớn được nhất trí thông qua trong Tăng đoàn thật ra là điều khó thực hành, và là vấn đề vẫn tồn tại đến ngày nay, chẳng hạn như Liên Minh Châu Âu. Trong Tăng thân, Đức Phật khuyến khích việc tư duy độc lập, bất chấp các vị tổ, và vì không có việc thực thi nghiêm ngặt về một số phong tục, nên nhiều cách diễn giải khác nhau đã phát triển trong các lãnh vực khác nhau.

Sau khi Đức Phật nhập diệt, ngài Đại Ca Diếp đã tiếp nhận Tăng đoàn, thành lập hội đồng kết tập giáo pháp của Phật. Khi khởi đầu hội đồng kết tập đầu tiên, ngài A Nan đã gặp vị Thừa Tướng nước Ma Kiệt Đà, để nói với ông về tôn ý của Phật về một trật tự dân chủ bình đẳng, nhưng Thừa Tướng quá bận rộn với việc chuẩn bị tấn công vương quốc A Bàn Đề (Avanti) ở phía Tây Ma Kiệt Đà.

Theo suy đoán thì việc ngài Đại Ca Diếp là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và khởi xướng việc kết tập giáo pháp có lẽ đã góp phần cho sự tồn tại của trật tự trong nhà Phật trong thời kỳ khó khăn đó. Bắt nguồn từ ngài Đại Ca Diếp mà sau đó, một dòng tộc trưởng, dòng truyền thừa hay kế thừa, đã phát triển, đó là những người lãnh đạo toàn bộ Tăng đoàn. Người Tây Tạng tính ra một dòng gồm bảy vị tổ, trong khi theo truyền thống Thiền (Nhật Bản) thì tính ra 28 vị tổ, vị cuối cùng là Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma), người đã mang Thiền đến Trung Quốc, và bắt đầu dòng truyền các vị tổ Trung Quốc trong truyền thống Thiền. Sau đó, các nhánh trong những truyền thống này đã đến Hàn Quốc, Nhật Bản, v.v... Ở các quốc gia theo Phật giáo Nguyên thủy tại Đông Nam Á, các quốc tổ bắt đầu một dòng kế vị, ví dụ như “Đại Tổ Sư của Thái Lan”, v.v... Ở Tây Tạng, một chức vị tương tự như tộc trưởng đã được phát triển với thể chế của các vị Dalai Lama. Trong trường hợp của tộc trưởng và Đức Dalai Lama, thì các ngài không được xem như Giáo Hoàng – không thể sai lầm với dòng truyền trực tiếp từ Đức Phật, có thẩm quyền hợp pháp đối với chế độ Tăng đoàn. Thay vì vậy, trên cơ bản thì các ngài có trách nhiệm thống lãnh toàn bộ chế độ Tăng đoàn và chăm lo cho phúc lợi của cả hai cộng đồng tăng lữ và cư sĩ trong nước.

Một điểm thú vị trong lịch sử phát triển giáo pháp của Đức Phật là sự phân nhánh của các trường phái, trong cái thường được gọi là truyền thống Tiểu thừa. Những trường phái này có những phiên bản A Tỳ Đạt Ma hơi khác biệt chút ít, cũng như điều chỉnh hoặc thay đổi Luật tạng tùy theo nhu cầu khác nhau. Sự thích ứng này được một nhóm trưởng lão quyết định một cách dân chủ và không chuyên quyền. Các trưởng lão theo phong tục của Kỳ Na giáo (Jain). Hệ thống tôn giáo/triết học Kỳ Na giáo bắt đầu năm mươi năm trước thời Đức Phật, và Ngài đã áp dụng nhiều ý tưởng từ đó. Các nhà sư Kỳ Na giáo sẽ tụng giới đã học thuộc lòng hai tuần một lần, vì chúng không được ghi chép.

Sau khi Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Thứ Nhất đã diễn ra, khi việc chư Tăng tụng thuộc lòng các bài pháp đã trở thành thông lệ, trước tiên là lắng nghe những lời chính xác của giáo pháp bằng khẩu truyền (ở thời điểm này thì không yêu cầu việc thấu hiểu!) rồi ghi nhớ chúng một cách chính xác. Cho đến ngày nay, khẩu truyền là đặc điểm quan trọng trong các tu viện Tây Tạng. Tụng kinh theo nhóm là phong tục quan trọng trong các tu viện Phật giáo truyền thống ở khắp châu Á.

Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Thứ Hai

Khoảng một trăm năm sau Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Thứ Nhất – có nhiều ý kiến khác nhau về niên đại, một là 386 trước Công nguyên, hai là 376 trước Công nguyên – đã có một Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Thứ Hai được tổ chức tại Tỳ Xá Ly (Vaishali) thuộc nước cộng hòa Bạt Kỳ (Vajji).

Có nhiều phiên bản khác nhau mô tả mục đích chánh của Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Thứ Hai, đó là sự chia rẽ trong Tăng đoàn. Ở đây, xin lưu ý là “chia rẽ” không có nghĩa là ly giáo, giống như Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) đã làm đối với Đức Phật. Không phải là người ta thù hằn và muốn giết nhau; mà chỉ là sự bất đồng về phong tục. Một phiên bản cho rằng trong số mười vấn đề tranh cãi sẽ được thảo luận, thì vấn đề chính trong thời điểm này là ý kiến khác nhau về việc liệu các nhà sư có được phép sử dụng vàng (tiền) theo luật trong tu viện hay không.

Nhóm cảm thấy Đức Phật có chủ ý không cho chư Tăng sử dụng vàng là Phật giáo Nguyên thủy (Theravada). Đây là những vị rất nghiêm khắc, thuộc nhóm bảo thủ. Theravada có nghĩa là “Những Người Đề Xuất Theo Các Trưởng Lão.” Theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy thì ngay cả ngày nay, chư Tăng không được dùng tiền hay mang theo tiền, và phải có thị giả hay sa di lo liệu về bất cứ vấn đề tài chánh nào. Mahasanghika (Đại Chúng Bộ), có nghĩa là “Cộng Đồng Đa Số,” là nhóm đã tách ra và nói rằng việc chư Tăng có vàng là điều thích đáng.

Điểm sử dụng vàng là điều tạo ra tranh cãi, vì một số nhà sư bắt đầu tích lũy tiền, và điều đó bắt đầu tạo ra vấn đề trong một cộng đồng được xem là bình đẳng. Thậm chí ngày nay, nó vẫn là vấn đề trong các dòng tu khác nhau. Trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, ví dụ ở Thái Lan thì tiền được xử lý rất nghiêm ngặt, và các nhà sư không được đụng vào tiền bạc. Ở các nước Phật giáo Nguyên thủy thì chư Tăng Ni không trả tiền cho bất cứ thứ gì. Họ phải sống bằng cách khất thực, và nhận bất cứ thức ăn nào mà thí chủ cúng dường. Các cư sĩ hỗ trợ Tăng đoàn bằng cách thí thực và đặt thức ăn vào bát khất thực, tích tập lực tích cực – cái gọi là “công đức”. Tình trạng này khác với tình hình ở Tây Tạng, nơi quá lạnh và khoảng cách quá xa để có thể đi chân không khất thực, đặc biệt là mùa đông. Trong hệ thống Tây Tạng truyền thống, nhiều người sẽ mang thức ăn đến các tu viện, rồi tu viện sẽ phân phát cho chư Tăng. Trong lịch sử ở các quốc gia khác nhau, những quy tắc này đã phát triển theo cách khác nhau.

Một phiên bản khác nói rằng vấn đề chánh được thảo luận trong Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Thứ Hai liên quan đến tình trạng của những vị được gọi là A la hán, những chúng sinh đã giải thoát. Những chúng sinh này không biết tất cả các pháp, tức là không toàn tri. Ví dụ, nếu họ đi lạc thì sẽ phải hỏi đường. Tuy nhiên, bất chấp sự hạn chế về kiến thức, các hành giả Phật giáo Nguyên thủy thừa nhận rằng họ vẫn hiểu biết về giáo pháp; rằng họ biết cách dạy người khác và biết ý nghĩa của giáo pháp. Các hành giả Phật giáo Nguyên thủy nhấn mạnh rằng các vị A la hán, tương tự như Phật, hoàn toàn dứt sạch phiền não, chẳng hạn như dục vọng.

Tuy nhiên, nhóm kia, tức Đại Chúng Bộ, dựa trên kinh nghiệm của mình, nói rằng các vị A la hán vẫn có thể bị quyến rũ trong giấc mơ. Họ có thể có những giấc mơ gợi tình và xuất tinh về đêm. Họ đặt câu hỏi rằng nếu các vị A la hán vẫn còn bị ảnh hưởng vì những giấc mơ tình dục, thì liệu họ có còn là A la hán không. Đây là một vấn đề rất thực tiễn, vì nó phát sinh từ kinh nghiệm của các hành giả. Đại Chúng Bộ nói rằng một vị Phật hoàn toàn không bị tác động vì những giấc mơ. Tuyên bố này dẫn đến sự nhấn mạnh nhiều hơn về sự khác biệt giữa một vị Phật và A la hán. Đối với các hành giả Phật giáo Nguyên thủy thì không có sự khác biệt lớn như vậy giữa một A la hán và một vị Phật. Đối với họ, Đức Phật đã giảng dạy cho đông đảo quần chúng hơn, trong khi các vị A la hán chỉ giảng dạy cho một số quần chúng hạn chế.

Nếu xem xét sự phát triển của nhóm Đại Chúng Bộ trong lịch sử, thì một phần của Đại Chúng Bộ đã đi từ miền Trung Ấn Độ đến phía Tây Bắc, khu vực mà ngày nay là miền Bắc Pakistan. Một nhóm khác đi về phía Nam đến khu vực mà ngày nay là Andhra Pradesh, trên bờ biển phía Tây Ấn Độ, nửa đường đi xuống. Đặc biệt là ở khu vực Andhra, nơi Đại thừa xuất hiện lần đầu tiên, và sau này Mật tông cũng phát triển ở đó và ở Pakistan. Theo lịch sử thì ý niệm về một vị Phật ngày càng được phát triển theo hướng toàn tri; ý tưởng rằng một vị Phật hoàn toàn tri giác vạn pháp trong cùng một lúc, và có thể hiển lộ bằng vô số sắc tướng, thuyết giảng và được thấu hiểu bằng mọi ngôn ngữ. Khái niệm về một vị Phật tiếp tục mở rộng, cho đến khi đi đến quan điểm Đại thừa trình bày nhiều phẩm hạnh nhất về một vị Phật.

Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Thứ Ba  

Một số nguồn không ghi lại cuộc tụ họp thứ ba như hội đồng kết tập kinh điển. Những nguồn tài liệu có ghi lại sự kiện này thì nói rằng Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Thứ Ba đã diễn ra khoảng 150 năm sau Hội Đồng Thứ Hai. Theo các phiên bản khác nhau thì niên đại mà Hội Đồng Thứ Ba xảy ra là khoảng 237 trước Công nguyên hay 247 trước Công nguyên.

Tám mươi năm trước đó thì Đế quốc Maurya ở miền Bắc Ấn Độ đã được hình thành, nên vào thời điểm của Hội Đồng Thứ Ba thì vị hoàng đế lừng danh A Dục (Ashoka) đã cai trị. Vị hoàng đế này rất tàn ác, và lúc đầu đã tạo ra nhiều cuộc chiến, khiến cho số lớn dân chúng bị thiệt mạng. Nhưng sau khi nghe Pháp thì ông đã sám hối, trở thành một tín đồ thuần thành và hết lòng ủng hộ giáo lý nhà Phật, đã phái nhiều đạo sư đi giảng giải Phật pháp trong khắp đế quốc của mình và các vùng lân cận. Thời vua A Dục trị vì là thời điểm Phật giáo lần đầu tiên lan truyền đến Tích Lan (Sri Lanka), cũng như A Phú Hãn (Afghanistan), Kashmir, Miến Điện (Myanmar) ngày nay, v.v...

Theo một phiên bản thì trọng tâm chính của Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Thứ Ba là vì nhiều nhóm tập họp lại có nhiều tri kiến khác nhau, nên các hành giả Phật giáo Nguyên thủy quan tâm đến việc duy trì tánh thuần khiết của giáo pháp. Do đó, vị Sư Trưởng của Hội Đồng đã viết một bài phân tích bác bỏ tất cả những tri kiến hiện thời mà ông cho là những cách diễn giải sai lầm về giáo lý nhà Phật. Những người có cách hiểu hay tri kiến khác nhau về A Tỳ Đạt Ma - cách vạn pháp tồn tại trong quá khứ, hiện tại và tương lai (các vấn đề siêu hình) - đã thành lập một trường phái riêng, “truyền thống Nhất Thiết Hữu Bộ” và tách ra khỏi các hành giả Phật giáo Nguyên thủy.

Theo các hành giả Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvastivadins) thì toàn bộ vật chất được cấu tạo bằng các hạt hay nguyên tử, theo nghĩa phi Tây phương, vì vậy nên vạn pháp đều tồn tại – theo thuật ngữ tiếng Phạn thì “sarvasti” có nghĩa là tất cả đều tồn tại. Họ khẳng định rằng về cơ bản thì vật chất (các hạt) trong vũ trụ duy trì y nguyên trong quá khứ, hiện tại và vị lai; chỉ thay đổi cấu hình của chúng. Ví dụ, các nguyên tử trong cơ thể xuất phát từ các nguyên tử trong tinh trùng và trứng của cha mẹ. Các nguyên tử này sẽ giống như những nguyên tử hòa tan vào đất khi người ta chết, hoặc trở thành tro bụi, nếu cơ thể được hỏa táng. Dựa vào cách này mà mới có khái niệm về vạn pháp tồn tại trong quá khứ, hiện tại và vị lai. Chủ đề này liên quan đến ngày nay về mặt khoa học hiện đại. Chúng ta có thể xem xét liệu một số lượng vật chất và năng lượng nào đó trong vũ trụ có tồn tại theo thời gian, thay đổi hình dạng, hay liệu chúng có phải là vật chất và năng lượng mới được tạo ra hay không.

Các hành giả Phật giáo Nguyên thủy không đồng ý với tri kiến của các hành giả Nhất Thiết Hữu Bộ. Thay vì vậy, họ chỉ khẳng định hiện tại, và nói rằng những điều duy nhất tồn tại là các pháp hiện thời. Đối với họ, những sự kiện trong quá khứ chưa mang lại kết quả, chẳng hạn như một cuộc tranh cãi giữa hai vợ chồng đã diễn ra trong quá khứ, nhưng vẫn còn tác dụng ở chỗ nó có thể dẫn đến việc ly dị.

Qua nhiều thế kỷ, sau Đại Hội Kết Tập Kinh Điển Thứ Ba thì ngày càng có nhiều trường phái bắt đầu tách ra, dựa trên sự hiểu biết khác nhau: một số từ Phật giáo Nguyên thủy, trong khi những số khác từ các trường phái Đại Chúng Bộ hay Nhất Thiết Hữu Bộ. Khoảng năm mươi năm sau, trường phái Pháp Tạng Bộ (Dharmaguptaka) chia ra nhóm riêng. Những người trong trường phái này đề cao địa vị của chư Phật, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trước tiên cúng dường cho các bảo tháp – di tích chứa đựng xá lợi của Đức Phật hay một đạo sư đã chứng ngộ – rồi đến chư Phật, và sau cùng là Tăng lữ, có tầm quan trọng ít hơn. Ở đây, khía cạnh sùng mộ trở thành trọng tâm chính.

Trường phái Pháp Tạng Bộ là trường phái Phật giáo Tiểu thừa chính, được tìm thấy ở Càn Đà La (Gandhara), ngày nay là khu vực trải dài miền Bắc Pakistan và miền Đông A Phú Hãn. Ở nơi đây, phiên bản sớm nhất về giáo lý nhà Phật đã được ghi chép, bắt đầu từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, và những phiên bản này được biết theo ngôn ngữ Càn Đà La.

Một trong những vấn đề chính lúc bấy giờ là câu hỏi “Đức Phật là ai hay là gì?” Nhiều thế kỷ trôi qua, chúng ta có thể hiểu rằng người sáng lập ra bất cứ tông phái nào (hay “tôn giáo”) ngày càng được tôn vinh. Khi xem xét các truyền thống Tiểu thừa khác (mười tám truyền thống), thì ta sẽ thấy trong quá trình phát triển lịch sử qua nhiều thế kỷ trước Công nguyên, Đức Phật ngày càng trở nên siêu nhiên hơn, theo ý nghĩa là Ngài có thêm nhiều oai lực và trở nên toàn tri hơn. Do đó, sự khác biệt giữa một vị A la hán và một vị Phật trở nên lớn hơn. Chúng ta có thể lưu ý ở đây là Đức Phật đã giảng dạy cho các đối tượng khác nhau một cách thiện xảo, để giáo pháp thích ứng với nhu cầu cụ thể trong thời đó, đối với khía cạnh sùng mộ của hành trì tôn giáo, cũng thể hiện rõ ràng trong văn học phi Phật giáo. Nhu cầu có một đấng được sùng mộ tương ứng với việc Đức Phật ngày càng trở nên một bậc siêu việt, cũng như việc chú trọng vào việc thờ phụng các bảo tháp, xá lợi và tượng đài không chỉ của Đức Phật, mà còn của nhiều nhân vật vĩ đại khác.

Để phản ứng lại khía cạnh sùng mộ này thì kinh điển Đại thừa nhấn mạnh về lợi lạc lớn lao, năng lực tích cực hay công đức có được nhờ việc trì tụng và nghiên cứu Kinh sách. Theo lịch sử thì kinh điển Đại thừa bắt đầu xuất hiện lần đầu giữa thế kỷ thứ nhất và thế kỷ thứ tư sau Công nguyên, tại khu vực ngày nay là Andhra Pradesh, ở phía Đông miền Nam Ấn Độ. Đây là khu vực mà nhánh Đại Chúng Bộ của Tiểu thừa đã di chuyển đến, và kiến lập Đức Phật như một nhân vật siêu phàm, mở rộng khoảng cách giữa thành tựu của Phật và thành tựu của A la hán. Kinh điển chính của Đại thừa nổi bật trong thời kỳ đầu là Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa (Prajnaparamitra Sutras), mà Đức Phật đã thuyết trên đỉnh Linh Thứu về tánh Không của vạn pháp, đó là lần chuyển Pháp luân thứ hai.

Trọng tâm của kinh điển Đại thừa không phải là lòng sùng mộ thái quá, khi mà người ta chỉ thắp nhang và nến, v.v... cho các di tích, mà thay vì vậy, chú trọng vào nhu cầu nghiên cứu và trì tụng kinh sách. Trong những kinh này, lợi lạc của việc học hỏi được lặp đi lặp lại liên tục với những con số được đưa ra, chẳng hạn như việc học hỏi và trì tụng một bài kinh sẽ tạo ra công đức ba mươi sáu triệu lần nhiều hơn công đức cúng dường một bảo tháp. Tuy nhiên, như ngài Tịch Thiên (Shantideva), một đại sư Ấn Độ vào thế kỷ thứ tám sau Công nguyên đã nêu ra thì việc cúng dường vẫn không phải là điều vô ích.

Khía cạnh sùng mộ cũng có mặt trong trường phái Pháp Tạng Bộ, một trường phái phát triển hơn ở Trung Á. Những người theo trường phái này đã tổng hợp một sắc thân gọi là “đà la ni” (dharanis). Trên cơ bản, đà la ni là một câu ngắn hay công thức được trì tụng liên tục để tâm tập trung và chánh niệm về một giáo huấn nào đó - một dạng sùng mộ. Việc sử dụng đà la ni phát triển vào thời Ấn Độ giáo sùng mộ đang phát triển. Việc Ấn Độ giáo đã ảnh hưởng đạo Phật hay ngược lại là điều khó nói. Cả hai việc đều xảy ra trong cùng một lúc, đối với việc tín đồ Ấn Độ giáo trì tụng, giống như trường hợp Hare Krishnas, và Phật tử trì tụng đà la ni.

Khía cạnh sùng mộ từ phong trào Pháp Tạng Bộ được thể hiện rõ ràng trong Phật giáo Trung Quốc, nơi mà các tín đồ vào chùa thắp nhang và nến, liên tục trì tụng đà la ni. Nói chung, hầu hết các trường phái Phật giáo ở Trung Quốc không quá chú trọng vào việc học. Đà la ni không chỉ ảnh hưởng đến khía cạnh sùng mộ trong Phật giáo, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của Mật tông. Do đó, sau này trong lịch sử Phật giáo, việc trì tụng mật chú, thường ngắn hơn nhiều so với đà la ni, được liên tục lặp đi lặp lại trong pháp tu Mật tông, để giúp cho hành giả chánh niệm về ý nghĩa của một giáo pháp cụ thể.

Sự phát triển của trường phái Pháp Tạng Bộ không chỉ dẫn đến việc chú trọng nhiều hơn vào khía cạnh sùng mộ, mà còn tạo ra một phiên bản khác về giới xuất gia cho chư Tăng Ni. Truyền thống này đã đi qua Trung Á, rồi đến Trung Quốc. Giữa thế kỷ thứ tư và thứ năm sau Công nguyên, một nhánh khác tách ra khỏi Nhất Thiết Hữu Bộ, được gọi là Nhất Thiết Hữu Căn Bổn (Mulasarvastivada), và phiên bản về giới luật tu viện của nhánh này được người Tây Tạng noi theo. Do đó, hiện nay có ba dòng truyền thừa xuất gia chánh: thứ nhất là Phật giáo Nguyên thủy ở Đông Nam Á; thứ hai là Nhất Thiết Hữu Căn Bổn, là dòng truyền thừa đã đến Tây Tạng, rồi đến Mông Cổ và các vùng lân cận; thứ ba là Pháp Tạng Bộ, đã đến Trung Quốc, rồi Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.

Đại Hội Kết Tập Kinh Điển Thứ Tư 

Có hai hội đồng riêng biệt được gọi là “Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Thứ Tư.” Hội đồng xảy ra sớm hơn được tổ chức theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy vào cuối thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên ở Tích Lan. Lúc bấy giờ, có nạn đói trầm trọng và nhiều nhà sư đã chết đói. Do đó, để bảo tồn các giáo lý đã được truyền khẩu cho đến lúc đó, chúng đã được ghi chép lại. Đó là tiếng Pali, thổ ngữ mà các giáo lý Phật giáo Nguyên thủy đã được ban truyền.

Còn về Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Thứ Tư khác, vào cuối thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên ở Kashmir và miền Bắc Ấn Độ, trong trường phái Nhất Thiết Hữu Bộ, Cưu Ma La Đa (Kumaralata) đã bác bỏ thẩm quyền của sách A Tỳ Đạt Ma, ủng hộ việc hoàn toàn dựa vào Kinh điển của Nhất Thiết Hữu Bộ. Truyền thống theo sau ông được gọi là “Kinh Lượng Bộ” (“Sautrantika”). Cũng vào thời điểm này, trong thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, người Quý Sương (Kushan) đến từ Trung Á đã chinh phục Gandhara, Kashmir và miền Bắc Ấn Độ, và thành lập triều đại Quý Sương. Trong triều đại của hoàng đế Quý Sương Kanishka, một hội đồng khác được gọi là “Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Thứ Tư” này đã được triệu tập ở Kashmir, dưới quyền của Vô Cấu Hữu (Vimalamitra). Ở đó, các thành viên trong hội đồng đã bác bỏ lời khẳng định của Kinh Lượng Bộ, và hệ thống hóa các giáo lý A Tỳ Đạt Ma của Nhất Thiết Hữu Bộ trong Đại Trí Huệ Kinh (Mahavibhasa Sutra). Điều này trở thành cơ sở cho nhánh Tỳ Bà Sa Bộ (Vaibhashika) trong Nhất Thiết Hữu Bộ. Cả hai giáo lý Tỳ Bà Sa Bộ và Kinh Lượng Bộ đều được thuyết giảng trong các tu viện đại học ở Ấn Độ, và ngày nay vẫn tiếp tục trong các tu viện Tây Tạng.

Tóm Tắt

Người Tây Tạng/Ấn Độ xem lịch sử là điều phi tuyến tính, dựa trên các trình độ trong giáo lý nhà Phật, trong khi người Tây phương xem lịch sử là điều tuyến tính, sắp xếp tài liệu lịch sử một cách hợp lý, dựa trên ngày tháng và sự kiện. Theo quan điểm lịch sử của phương Tây thì giáo lý nhà Phật đã không được ghi chép trong nhiều thế kỷ, sau khi được Đức Phật thuyết giảng, thay vì vậy thì chúng được truyền khẩu, trì tụng liên tục và ghi nhớ – một phong tục còn tồn tại đến ngày nay. Các Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển được thành lập, để các tín đồ trong tất cả các trường phái Phật giáo cùng nhau trì tụng giáo lý, và nhận ra những sự sai lầm có thể xảy ra. Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Thứ Nhất có sự tham dự của năm trăm vị A la hán, trong đó thì có ba vị, mỗi vị sẽ tụng một trong những phần chánh trong giáo lý của Đức Phật. Ngài Đại Ca Diếp gánh trách nhiệm đối với hội đồng này, bất chấp tôn ý của Đức Phật về việc cộng đồng tăng lữ sẽ duy trì chủ nghĩa bình đẳng. Uy quyền của Đại Ca Diếp đã dẫn đến việc hệ thống hóa các giáo lý và các dòng truyền thừa của chư tổ.

Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Thứ Hai được thành lập để cân nhắc xem chư Tăng Ni có nên sử dụng vàng hay không, và tình trạng của các vị A la hán về vấn đề dục vọng. Do sự khác biệt về quan điểm giữa chư Tăng, nên một sự chia rẽ đã xảy ra trong tăng chúng, giữa các truyền thống Phật giáo Nguyên thủy và Đại Chúng Bộ.

Trong thời trị vì của Hoàng Đế A Dục (Ashoka), Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Thứ Ba được thành lập, để xác định tánh thanh tịnh của giáo lý và hài hòa những sự diễn giải khác nhau, dưới ánh sáng của các trường phái khác nhau đã tách ra và phát triển. Kết quả của sự khác biệt hơn nữa đối với việc diễn giải giáo lý là Nhất Thiết Hữu Bộ đã tách ra khỏi Phật giáo Nguyên thủy.

Ở Tích Lan, Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Thứ Tư đã được triệu tập để ghi chép những lời Phật dạy. Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Thứ Tư ở Kashmir đã được triệu tập để tổng hợp các giáo lý, tạo ra nền tảng cho hệ thống học thuyết Tỳ Bà Sa Bộ trong Nhất Thiết Hữu Bộ, đồng thời bác bỏ cách diễn dịch của Kinh Lượng Bộ.

Dựa theo cách này, vì thiếu người lãnh đạo có thẩm quyền, nên những cách diễn giải và ý kiến khác nhau đã xuất hiện một cách tự nhiên ở các địa phận khác nhau, thế là đạo Phật đã phát triển.

Top