Phỏng Vấn Matthieu Ricard

21:54
Nhà sư lừng danh Matthieu Ricard đã nói chuyện với Study Buddhism (Học Phật) về cuộc đời và công việc của mình tại nhà của Thầy ở Tu Viện Shechen Tennyi Dargyeling, ở Nepal.
Những ngôn ngữ khác
Image%201

Matthieu Ricard là người đa dạng: một nhà sư, tác giả của một vài quyển sách bán chạy nhất, dịch giả cho Đức Dalai Lama, một nhiếp ảnh gia lành nghề và nhà khoa học.

Được truyền cảm hứng từ chư đại sư Phật giáo Tây Tạng mà ông đã gặp trong thời gian học bằng Tiến sĩ về tế bào di truyền, ông đã hoàn thành việc nghiên cứu và sau đó dọn đến Hy Mã Lạp Sơn, nơi mà ông đã sống 45 năm qua. Thầy là một trong những thiền giả lâu năm đầu tiên tham gia các chương trình nghiên cứu khoa học trong phòng thí nghiệm, nghiên cứu tác động của bài thiền về tâm từ ái đối với não bộ. Kết quả phòng thí nghiệm đặc thù đã khiến cho Thầy có biệt danh lan rộng trong giới truyền thông thịnh hành là “người đàn ông hạnh phúc nhất thế giới”.

Tất cả số tiền thu được từ sách và ảnh của Matthieu Ricard đều được quyên góp cho Karuna-Shechen, hiệp hội nhân đạo mà Thầy đã thành lập năm 2000, để tiếp sức cho người dân kém may mắn ở các vùng Hy Mã Lạp Sơn thuộc Ấn Độ, Nepal và Tây Tạng. Trong cuộc phỏng vấn này, Thầy nói với Study Buddhism về lý do tại sao Thầy bỏ sự nghiệp khoa học đầy triển vọng để đi tu, vai trò của lòng vị tha đối với việc biến thế giới của chúng ta thành một nơi tốt đẹp hơn, và tại sao tất cả chúng ta cần phải lên tiếng vì quyền lợi của động vật.

Study Buddhism: Thầy đang nghiên cứu về tế bào di truyền học tại Viện Pasteur lừng danh với người đoạt giải Nobel François Jacob, khi dấn thân vào đường tu nhà Phật. Thầy có thể cho biết điều gì đã đưa Thầy đến với đạo Phật không?

Matthieu Ricard: Lúc 20 tuổi, tôi đã xem phim tài liệu của Arnaud Desjardins về tất cả các đại sư Tây Tạng, những người đã trốn thoát sau khi Trung Quốc xâm chiếm Tây Tạng, và đang sống ở khắp nơi trên dãy Hy Mã Lạp Sơn. Tôi có cảm giác như thể có 20 vị Socrate, 20 vị Thánh Phanxicô của thành Assisi (Francises of Assisi) đang sống trong thời đại của chúng ta, và tôi có cảm hứng rất mạnh mẽ để gặp các ngài. Tôi đã đến Darjeeling vào tháng 6 năm 1967 và gặp Kyabje Kangyur Rinpoche, vị Thầy chính của tôi. Nhưng tôi cũng gặp Đức Karmapa thứ 16, cũng như Dudjom Rinpoche, và nhiều đại sư khác vào lúc đó.

Tôi đã đi lại giữa Ấn Độ và Pháp mỗi năm trong sau năm liền, trong khi đang học bằng Tiến sĩ ở Viện Pasteur. Nhiều năm trôi qua, tôi nhận ra khi ở Viện Pasteur thì tâm tôi luôn hướng về Darjeeling, và khi ở Darjeeling thì tôi hoàn toàn quên mất Viện Pasteur! Vì vậy, tôi cảm thấy “Đó không phải là hoàn cảnh đúng đắn”, và sau khi học xong bằng Tiến sĩ, tôi quyết định ở lại Darjeeling mãi mãi. Tôi đã ở đó bảy năm mà không quay lại Âu châu.

Việc hoán chuyển từ sự nghiệp khoa học đầy triển vọng thành một Phật tử ở Ấn Độ có dễ dàng không?

Khoa học nói về việc theo đuổi thực tại, chân lý một cách chặt chẽ. Có khoa học, lãnh vực về các hiện tượng bên ngoài – sinh vật và vật lý. Và có khoa học về tâm thức, mà đạo Phật nói đến, là khoa học tìm ra nhân tạo khổ và cách đối trị nhân tạo khổ. Tôi nghĩ rằng “Đó là một cách sống tốt”, đặc biệt là với nguồn cảm hứng phi thường và sự hiện diện của chư đại sư giác ngộ.

Nói một cách chính xác thì đạo Phật có thể cống hiến điều gì cho con người ngày nay?

Tôi cảm thấy đạo Phật giải quyết cái mà chúng ta gọi là thắc mắc chính trong đời, đó là “Tại sao tôi nên tiếp tục sống?” Bạn có thể biết mình không muốn sống một cuộc đời chán chường, vô nghĩa. Nhưng ở tuổi 20, có thể bạn không biết cách sử dụng đời mình một cách tốt nhất. Rõ ràng là tôi không muốn lãng phí cuộc đời khi gặp gỡ chư đạo sư. Khi chư đại sư này có mặt, thì tôi cảm thấy mình có phương hướng. Bạn thấy ngay trước mắt điều gì nằm ở cuối đường. Sứ giả đã trở thành thông điệp: bạn có tấm gương sống động ngay trước mặt.

Tôi nghĩ nếu chúng ta có duyên gặp được Phật pháp và những vị thầy vĩ đại thì đó là điều vô cùng may mắn. Chúng ta có kiếp người quý báu này, và đó là điều tuyệt vời, bởi vì điều này ban cho mình trí thông minh để tìm ra đâu là nhân tạo khổ, và cố gắng khắc phục những nhân này. Tuy nhiên, chúng ta hay lạc lối.

Việc gặp gỡ một vị thầy chân chánh, người có lòng bi mẫn, kiến thức, trí tuệ là điều may mắn lớn. Một vị thầy thật sự chân chánh. Và nhờ vị thầy này mà bạn sẽ thể nhập đường tu, rồi từng bước một tiến bước trên đường tu và đoạn trừ nhân tạo khổ. Đó là may mắn lớn, và chúng ta nên trân trọng nó, nếu như đã có được nó, và nên tận dụng điều này một cách tốt đẹp.

Bạn sẽ đặt vào đó bao nhiêu quyết tâm, bao nhiêu tự tin, bao nhiêu công sức là tùy ý bạn. Điều đó tùy theo ý bạn, nhưng ít nhất là con đường sẽ rõ rệt.

Sự việc dường như đã xảy ra một cách rất tốt đẹp đối với Thầy. Rốt cuộc thì các phương tiện truyền thông lớn đã gọi Thầy là “người đàn ông hạnh phúc nhất trên trái đất”! Việc này đã xảy ra như nào thế?

Đây là trò đùa lớn nhất trên thế giới! Điều này bắt đầu với một nhà báo, vào một buổi sáng, khi anh ta không biết viết cái gì. Nó liên quan đến các nghiên cứu mà tôi đã tham gia ở phòng thí nghiệm của Richard Davidson ở Madison, nghiên cứu tác động của lòng bi mẫn đối với não bộ.

Matthieu Ricard tham gia nghiên cứu tại Đại học Wisconsin, nơi các nhà thần kinh học gắn 256 cảm biến vào đầu Thầy để đo sóng não gamma. Ảnh của Jeff Miller/Đại Học Wisconsin-Madison.

Họ thấy các tần số gamma trong não có sự kích hoạt rất mạnh mẽ ở nơi tôi và sau này, ở nhiều thiền giả vĩ đại hơn tôi. Những tần số gamma đó và những vùng não được kích hoạt cũng liên quan đến phúc lạc. Cuối cùng thì có 25 thiền giả.

Làm sao bạn có thể nói rằng tôi là người hạnh phúc nhất trong 7 tỷ người? Tất nhiên đó là điều vô nghĩa! Bạn có thể hiểu điều này ngay lập tức. Nhưng dù điều này đã được nói ra, thì bạn biết đó, tôi không quá bất hạnh. Tôi nghĩ đối với điều này phải cảm ơn thầy tôi và việc tôi đã nỗ lực hết sức mình, dù tôi rất lười biếng đối với việc thực hành chỉ giáo của thầy trong nửa thế kỷ qua. Bạn biết đó, lẽ ra tôi có thể làm tốt hơn rất nhiều, nhưng ít nhất là tôi đã làm một chút để ít nhất góp phần cho việc tận hưởng cuộc đời, và cảm thấy rất may mắn đã dấn thân trên đường tu.

Cha của Thầy, ông Jean-Francois Revel quá cố, là một triết gia nổi tiếng, vào thời điểm đó, đã gặp khó khăn đối với việc Thầy quyết định từ bỏ sự nghiệp khoa học đầy triển vọng để trở thành nhà sư. Cuốn sách Nhà Sư Và Nhà Triết Học (The Monk and the Philosopher) là bản ghi lại đối thoại giữa Thầy và cha của Thầy về những quan điểm khác biệt của Thầy và nỗ lực để thấu hiểu ý tưởng và quan điểm của hai bên. Trong số các chủ đề khác thì Thầy khám phá triết học và tín ngưỡng nhà Phật qua lăng kính tư tưởng và truyền thống triết học phương Tây của cha mình. Việc hiểu biết về triết học phương Tây có lợi lạc gì đối với các hành giả nhà Phật không, hay chỉ là một sự phân tâm rắc rối?

Tùy theo đường tu của bạn là gì, bạn đang tu tập pháp tu nào. Nếu bạn là một người tư duy, thiền giả nhiều hơn, noi theo chỉ giáo của thầy mình, đặc biệt nếu bạn là một hành giả phương Đông, thì tôi không nghĩ bạn cần triết học phương Tây. Thậm chí bạn không cần nền tảng triết học sâu rộng ngay cả trong đạo Phật.

Mặt khác, nếu bạn đang háo hức nghiên cứu triết học phương Đông và Phật giáo, mà đỉnh cao là Trung quán (Madhyamaka), và cũng nghiên cứu Nhân minh học (logic), thì nhất định phải đối diện với những quan điểm khác. Do đó, việc có một vài khái niệm về những xu hướng chính trong triết học phương Tây là gì sẽ giúp bạn sàng lọc suy nghĩ của chính mình, để xua tan một vài bóng tối mà bạn có thể có đối với sự hiểu biết của riêng mình về triết học Phật giáo.

Nếu phải đối mặt với một vài tranh luận, thì điều này sẽ giúp cho tâm trí bạn nhạy bén. Các triết gia nhà Phật đã tranh luận với các triết gia Ấn Độ giáo, và điều đó đã giúp họ rất nhiều đối với việc xác định và thiết lập tri kiến của mình một cách rõ ràng. Tôi nghĩ quả thật là có lợi lạc khi thực hiện điều tương tự đối với những triết lý khác.

Thầy là tác giả của cuốn sách bán chạy nhất Hạnh Phúc: Hướng Dẫn Để Phát Triển Kỹ Năng Quan Trọng Nhất Trong Đời Sống (Happiness: A Guide to Developing Life's Most Important Skill), dựa trên các nghiên cứu khoa học, văn học và triết học phương Tây, cũng như tư tưởng nhà Phật. Hạnh phúc là gì, đau khổ là gì? Chúng khác biệt như thế nào?

Chúng ta biết về khổ nhiều hơn một chút, đúng không? Từ con người cho đến những con vật bé nhỏ, không ai tìm kiếm khổ đau, nhưng lại không biết cách nhận diện khổ đau. Đôi khi cái mà chúng ta gọi là "hạnh phúc" thật ra lại là đau khổ. Có một vài nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến đau khổ, chẳng hạn như vô minh, lôi cuốn, ác cảm, thù hận, ganh tỵ, kiêu mạn. Đây là những độc tố tinh thần tạo ra nỗi khổ.

Hạnh phúc là gì? Cuối cùng thì đó là sự giải thoát hoàn toàn khỏi những ám chướng trong tinh thần: giác ngộ! Tất nhiên, đó là điều gian nan đối với hầu hết chúng ta, đó là một chặng đường dài. Nó không phải là tất cả hay không có gì. Mỗi một bước trên đường tu đúng hướng sẽ dần dần làm xói mòn các nhân tạo khổ. Khi đoạn trừ tâm thù hận, kiêu mạn, ganh tỵ và dục vọng ám ảnh mạnh mẽ, thì bạn sẽ giảm bớt nhân tạo khổ và mỗi  sát na trong đời sống sẽ trở nên thú vị hơn.

Khi bạn thành tựu giác ngộ, như Đức Dalai Lama có nói, thì bạn sẽ nghỉ ngơi triệt để. Trước khi thành tựu điều này thì chúng ta phải nỗ lực không ngừng.

Matthieu Ricard với một số nhà sư trẻ mà Karuna-Shechen, tổ chức từ thiện mà Thầy đã thành lập năm 2000, đang bảo trợ.
Thầy đã chứng kiến sự ra đời của phong trào hành thiền và chánh niệm ở phương Tây cách đây nhiều thập kỷ. Bây giờ thì “chánh niệm” ở khắp mọi nơi và ngay cả các tập đoàn cũng mở các khóa học về đề tài này cho nhân viên của họ. Nó có phải là sự phát triển tích cực không?

Khoảng 35 năm trước, khi Jon Kabat-Zinn bắt đầu MBSR, hay chương trình giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm trong bệnh viện, ông đã đóng góp rất nhiều cho nhân loại, vì điều này đã lan rộng đến hàng trăm bệnh viện, nơi mà người ta đang đau khổ. Nó không chỉ mang lại lợi ích cho bệnh nhân, mà còn cho cả nhân viên điều dưỡng, giúp họ trải nghiệm khó khăn của tự thân một cách lành mạnh hơn, ích lợi hơn nhiều.

Hiện nay thì “chánh niệm” ở khắp mọi nơi. Khi nói đến các tập đoàn, bạn có thể hỏi "Tại sao họ muốn có chánh niệm nhiều hơn?" Có phải chỉ để có được hiệu xuất khốc liệt hơn? Tôi vững tin rằng yếu tố của lòng nhân từ, bi mẫn, vị tha sẽ tự nhiên xuất hiện nếu bạn luyện tập MBSR một cách đúng đắn. Tuy nhiên, nó không được thể hiện một cách rõ ràng như tôi nghĩ, đặc biệt là trong thế giới tập đoàn. Nếu bạn có lòng quan tâm, thì không thể tàn nhẫn. Có thể có một tay bắn tỉa có chánh niệm, một người bịnh tâm thần có chánh niệm, nhưng không thể có những tay bắn tỉa và những người bịnh tâm thần có lòng quan tâm.

Chúng ta phải bắt đầu bằng việc có chánh niệm trong khi phát triển và trưởng dưỡng tâm bi. Bạn sẽ có cả hai chánh niệm và lòng bi trong cùng một lúc, vì nếu muốn thực hành lòng bi và lòng từ vị tha, thì phải có chánh niệm.

Tuy trọng tâm chính của Hạnh Phúc là hạnh phúc cá nhân, nhưng cuốn sách Lòng Vị Tha của Thầy đã chứng minh rằng chỉ có một xã hội vị tha mới có thể biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn và giải quyết những thử thách mà xã hội của chúng ta phải đối diện trong thế kỷ 21. Lòng vị tha là gì và nó bổ sung cho nỗ lực của chúng ta vì hạnh phúc cá nhân như thế nào?

Hạnh phúc ích kỷ không có tác dụng. “Tôi, tôi, tôi…” suốt ngày sẽ khiến bạn khổ sở, và hiển nhiên, bạn sẽ làm cho tất cả mọi người xung quanh mình khổ tâm. Nó sẽ mang lại cảm giác sai lầm và cũng mâu thuẫn với thực tế. Chúng ta không phải là những thực thể riêng biệt, có thể tạo dựng hạnh phúc trong một bọt nước nhỏ hay  góc nhỏ, rồi người khác có thể làm điều gì mà họ muốn. Thực tại là sự phụ thuộc lẫn nhau, và trạng thái tinh thần cao cả nhất, cảm xúc thỏa mãn nhất trong tất cả, là lòng từ ái vị tha, lòng tốt, bi mẫn, nhân từ.

“Vị tha” có nghĩa là quý trọng người khác, quan tâm họ có khỏe không, có đau khổ không. Nếu biết điều gì có thể được cải thiện cho phúc lạc và hạnh phúc của họ, hay để đoạn trừ nỗi khổ của họ, thì bạn sẽ có ý định làm điều gì đó. Có thể bạn không thể thực hiện điều này, nhưng chủ ý của bạn là vị tha. Lòng vị tha có mặt trong động lực. Đương nhiên, nếu bạn có khả năng, thì hành động sẽ theo sau điều này.

Đó là cách tốt nhất để làm lợi lạc cho tha nhân. Và ngược lại, đó là cách tốt nhất để tìm ra hạnh phúc, như phần thưởng! Nó giống như tác dụng phụ. Hạnh phúc của riêng mình sẽ phát sinh, khi thành tựu hạnh phúc của tha nhân. Nhưng phải cẩn thận! Nếu bạn không quan tâm đến người khác, nhưng vừa nghe nói, "Tôi sẽ hạnh phúc, bằng cách làm việc thiện cho người khác. Tôi chẳng hề quan tâm, nhưng ở đây, tôi đang bố thí tiền cho người ăn xin này!", thì điều này sẽ không hữu hiệu, vì vấn đề không chỉ là hành động. Sự tỏa sáng ấm áp xuất phát từ lòng vị tha chân thật, không quan tâm đến bản thân mình, mà quan tâm đến tha nhân.

Hãy xem Đức Dalai Lama: "Lòng bi, lòng bi, lòng bi." Đó là điều mà lúc nào Ngài cũng nói. Dù bạn có năm phút hay mười năm để hành thiền, thì hành trì phải là lòng từ vị tha.

Con thường nghe Đức Dalai Lama nói đùa rằng nếu chúng ta thật sự muốn ích kỷ, thì nên thực hành lòng vị tha, bởi vì như Thầy nói, chúng ta cũng có được lợi lạc tuyệt vời từ đó! Thầy có thể nêu ra một bài thiền ngắn để phát triển lòng vị tha không?

Một bài thiền ngắn về lòng từ vị tha là:

  • Hãy tĩnh tâm bằng cách quán sát hơi thở của mình vài phút.                                                                               
  • Rồi thì hãy lấp đầy tâm mình, lấp đầy toàn bộ cảnh quan tinh thần của mình với lòng nhân từ và bi mẫn. Hãy nghĩ rằng: "Nguyện cho người này, mà tôi đang nghĩ đến - đứa bé này, vị phụ huynh đó, người mà tôi gặp ngoài đường - nguyện cho người đó được hạnh phúc, nguyện cho những nguyện vọng tích cực của người đó được thành tựu, nguyện cho người đó thoát khổ. Nếu người đó đang đau khổ, thì nguyện cho căn nguyên của nỗi khổ của người đó được đoạn diệt."
  • Bạn sẽ tạo ra một cảm giác nhân từ, rồi duy trì chánh niệm trong tâm bi.
  • Nếu bị tán tâm, thì bạn sẽ quay trở lại với điều này, nếu nó bị suy yếu thì hãy làm cho nó hồi sinh.

Tôi nghĩ đó là một bài thiền có thể tạo lợi lạc cho tha nhân và bản thân bạn.

Chân dung của Matthieu Ricard: Nhà sư, người nhân đạo và nhiếp ảnh gia.
Cảm ơn Thầy về bài thiền ngắn gọn và lợi lạc bất khả tư nghì này. Thầy đã giải thích cách mà lòng vị tha nằm trong động lực ra sao, và có giá trị hơn nhiều, nếu chúng ta có thể tiếp tục bằng hành động thực tiễn. Liệu việc hành thiền mà không hành động vẫn có lợi lạc, hay mình có thể xem đó là việc tự duy về tự thân thái quá hay trốn tránh thế gian?

Không nên nghĩ về việc tu tập và hành thiền như điều gì ích kỷ. Hoàn toàn không phải như vậy! Tất cả các đại sư trong quá khứ đều dành thời gian nhập thất. Thầy tôi, Khensur Rinpoche đã nhập thất 30 năm! Kyabje Trulshik Rinpoche cũng gần như vậy. Và thầy tôi, Kangyur Rinpoche đã nhập thất rất nhiều năm. Nếu tu tập là để đoạn trừ tâm chấp ngã và vị kỷ, thì làm sao nó có thể là điều ích kỷ? Nó giống như nói với người nào đang xây một bệnh viện lớn trong nhiều năm, "Ồ, tất cả những công trình điện lực, ống nước, xi măng này không giúp ích gì cho ai hết, chỉ cần ra đường rồi điều khiển nó thôi." Đó là điều ngu xuẩn! Khi bệnh viện được xây xong, thì sẽ có lợi hơn rất nhiều. Tương tự như vậy, khi người nào giống như Khensur Rinpoche, hay Đức Dalai Lama, thì bạn có thể thấy họ có thể giúp đỡ chúng sinh nhiều hơn như thế nào. Đối với trường hợp của Đức Dalai Lama, đây là kết quả của 60 năm tu hành bốn tiếng một ngày, và dành thời gian để nhập thất.

Trọng tâm của việc tạo lợi lạc cho tha nhân là tiến trình giác ngộ của tự thân. Xét cho cùng thì trong Đại thừa, Mahayana, chúng ta nói rằng mục tiêu không phải là trở thành một vị Phật và chỉ có thế thôi. Mục tiêu là thành Phật để có thể biểu hiện công hạnh giác ngộ cho chúng sinh, để giúp họ đoạn trừ khổ đau. Đó là điều quan trọng.

Một vị Phật cũng có khả năng thấy được nghiệp của chúng sinh, hiểu được họ đã trôi lăn bao nhiêu kiếp trong luân hồi, trôi lăn trong vô minh, và ban giáo pháp hoàn toàn phù hợp với họ, để thoát khỏi vòng luân hồi lẩn quẩn khắc nghiệt. Vì vậy, theo cách nào đó thì việc tiến triển trên đường tu nhờ thiền định là điều tối hậu – và cuối cùng là cách duy nhất – để thật sự giúp đỡ chúng sinh.

Bởi vì nếu không thì bạn chỉ chấp vá các triệu chứng, mà không tìm ra căn nguyên của nỗi khổ, đó là vô minh, không biết rằng vạn pháp đều không có sự tồn tại cố hữu. Điều này đưa đến sự phát sinh của ảo tưởng, củng cố và cụ thể hóa thế giới, mắc kẹt trong sự lôi cuốn và ác cảm, rồi thì khổ đau vô hạn.

Thầy là người ủng hộ mạnh mẽ quyền lợi của động vật và khuyến khích mọi người nên theo chế độ không ăn thịt mà dựa vào đó, Thầy đã viết cuốn sách Lời Cầu Xin Cho Động Vật: Đạo Đức, Triết Học Và Tiến Hóa Bắt Buộc Để Đối Xử Với Tất Cả Chúng Sinh Với Lòng Bi Mẫn (A Plea for the Animals: The Moral, Philosophical, and Evolutionary Imperative to Treat All Beings). Tại sao con người chúng ta lại đối xử tệ bạc với động vật như vậy?

Trong số con người thì có nhiều người đau khổ, nhưng cách mà chúng ta đối xử với động vật thời nay quả là kinh khủng.

Mỗi một tiếng có sáu triệu thú vật bị giết để cho con người sử dụng!

Thật sự như vậy là rất nhiều thú vật và cái chết. Trong một tuần, con số thú vật tử vong còn nhiều hơn toàn thể số người mất mạng trong các cuộc chiến cộng lại. Rõ ràng là có một khoảng trống về đạo đức trong hệ thống đạo đức của chúng ta. Nền văn minh của chúng ta đã có nhiều tiến bộ – chúng ta đã bãi bỏ chế độ nô lệ và tra tấn - nhưng đối với thú vật thì lại biến chúng thành công cụ.

Tại sao chúng ta lại biến chúng thành công cụ? Có phải mình không xem chúng thật sự có tri giác? Rằng chúng không thể thật sự suy nghĩ và cảm nhận? Liệu có sự khác biệt giữa tâm thức con người và thú vật hay không?

Đương nhiên là có sự khác biệt về mức độ thông minh. Còn về việc có tri giác (là những chúng sinh có thể phân biệt giữa hạnh phúc và khổ đau), với Tuyên Bố Của Cambridge Về Ý Thức (Cambridge Declaration on Consciousness) thì nhiều nhà khoa học vĩ đại trong thời của chúng ta, kể cả Christof Koch, một người dứt khoát theo chủ nghĩa giản hóa và là học trò của Francis Crick, nói rằng “động vật cao cấp hơn” có ý thức và một số động vật như chim thậm chí có thể đã phát triển ý thức bằng những đường lối khác so với loài linh trưởng và con người.

Matthieu Ricard, người đã viết tác phẩm Lời Cầu Xin Cho Động Vật: Đạo Đức, Triết Học Và Tiến Hóa Bắt Buộc Để Đối Xử Với Tất Cả Chúng Sinh Với Lòng Bi Mẫn, đang ôm một con ngỗng.

Bồ câu và quạ cực kỳ thông minh. Quạ New Caledonia có thể chế tạo công cụ, có thể sử dụng các công cụ được cung cấp trong phòng thí nghiệm theo những cách mới mẻ mà chúng không sử dụng trong thiên nhiên. Chúng cực kỳ thông minh, nhưng không có vỏ não trước trán. Xét về trí thông minh tuyệt đối thì thú vật có thể làm những việc mà chúng ta không thể làm: dơi có thể bay trong bóng tối nhờ có sonar của chúng, loài chim di cư có thể bay 10,000 km khi nhìn vào các vì sao hay ánh sáng phân cực. Chúng ta không thể làm điều đó. Tất cả mọi người đều có những kỹ năng cần thiết để tồn tại, nhưng về mặt ý thức thì chúng ta tin rằng điều đó giống nhau giữa động vật và con người.

Thầy có thông điệp cuối cùng cho độc giả của chúng con không?

Tôi xin nhắc lại: nếu chúng ta có cơ hội gặp gỡ Phật pháp và những bậc thầy vĩ đại thì đó là điều vô cùng may mắn. Nếu chúng ta gặp gỡ một đạo sư chân chính, người có lòng bi mẫn, kiến thức và trí tuệ thì đó là điều may mắn lớn lao. Nếu như có được điều này thì ta nên trân trọng và tận dụng nó một cách tốt đẹp.

Nhưng đừng quên những chúng sinh khác – đó không chỉ là giải thoát của tự thân,  là điều rất, rất hạn hẹp. Nên bao gồm tất cả những chúng sinh khác, kể cả thú vật, vì chúng cũng không muốn khổ!

Xin tri ân Thầy rất nhiều vì đã dành thời gian và tất cả những điều Thầy đang làm để trải rộng hạnh phúc và an lạc trên thế giới!
Top