Đây không phải là lần đầu tiên tôi diện kiến Serkong Rinpoche. Thật ra, lần đầu tiên tôi gặp ngài là năm 2008, nhờ quen biết với Tiến sĩ Berzin mà tôi có cơ hội gặp ngài trong chuyến viếng thăm Dharamsala lần đầu tiên, nơi quê nhà của Đức Dalai Lama. Lúc đó, đối với một người mới đến với đạo Phật thì việc gặp gỡ một người được công nhận là tái sinh của một đại sư cao quý như vậy là điều khá căng thẳng. Tôi đã mang theo một tượng Phật nhỏ để Rinpoche ban lực gia trì, và nghĩ rằng ngài có thể tháo chiếc khăn khata dài bằng lụa ra để xem và chiêm ngưỡng bức tượng, nhưng thất vọng thay, ngài chỉ cầu nguyện vài câu và thổi vào bức tượng, trong khi nó vẫn còn được bọc trong khata, thế là xong. Tuy nhiên, tôi sớm nhận ra điều này đơn thuần là một phần trong nhân cách của Rinpoche: đặc biệt thực tế và rất, rất hài hước. Và vì ra đời cách nhau chỉ vài tuần, nên chúng tôi cũng chia sẻ mối liên hệ trong cùng thế hệ: đó là tính yêu thích công nghệ và tiện ích, cũng như phim kinh dị!
Sinh năm 1984, trong một gia đình lớn theo truyền thống ở vùng cao nguyên Spiti, miền Bắc Ấn, khi mới ba tuổi rưỡi, ngài đã được công nhận là tái sinh của Tsenshap Serkong Rinpoche, một trong những đại sư được kính ngưỡng nhiều nhất trong thế kỷ 20, và là đối tác tranh biện của Đức Dalai Lama thứ 14. Trong cuộc phỏng vấn này, tôi đã nói chuyện với Serkong Rinpoche về hệ thống tulku của Tây Tạng, cách mà chúng ta có thể duy trì lòng bi mẫn trong thời đại phân cực cực đoan ngày nay, và giải đáp thắc mắc muôn thuở: ý nghĩa của đời sống là gì?
Study Buddhism: Con có thể tưởng tượng có một vài áp lực khi ngài được công nhận là tái sinh của một vị thầy lỗi lạc như vậy. Điều này đem lại cho ngài trách nhiệm gì, và ngài có cảm thấy mình là cùng một người với vị tiền nhiệm hay không?
Serkong Rinpoche: Ồ, đó là điều rất rắc rối để trả lời! Thứ nhất, tôi chưa bao giờ gặp vị tiền nhiệm. Sắc thân thì khác nhau, và tâm thức cũng có một vài sự khác biệt. Hầu hết, tôi có thể nói rằng mình không cảm thấy giống ngài. Cách ngài tu tập, lòng sùng mộ của ngài đối với bổn sư – tôi thật sự ngưỡng mộ ngài, khi lắng nghe về những phẩm hạnh của ngài. Tuy nhiên, tôi cảm thấy rất gắn bó với trách nhiệm của Serkong Tsenshap Rinpoche để tạo lợi lạc cho mọi người. Đôi khi, tôi nghĩ rằng: “Dù mình có phải là vị tái sinh hay không thì cũng có cơ hội tuyệt vời này”. Vì vậy nên tôi cảm thấy rất may mắn khi có cơ hội này.
Một trong những điều tuyệt vời nhất mà Serkong Rinpoche tiền nhiệm đã làm là phụng sự Đức Dalai Lama. Ngoài ra, nhờ lòng bi mẫn với người dân Spiti, mà ngài đã tạo ra mối quan hệ sâu đậm với họ, cũng như người Tây Tạng và một số người Tây phương ở Âu châu và nước Mỹ. Tôi cũng có cùng một ước nguyện được phụng sự Đức Dalai Lama. Dĩ nhiên là nhiệm vụ này hơi khác biệt một chút, bởi vì vị tiền nhiệm của tôi là một đạo sư có đầy đủ phẩm hạnh, còn tôi thì không được như ngài. Tôi vẫn phải tu học. Tuy nhiên, với sự hướng dẫn của Đức Dalai Lama, tôi sẽ cố gắng hết sức để làm bất cứ điều gì Ngài muốn tôi làm. Trên hết, để tiếp tục những việc mà vị tiền nhiệm của tôi đã làm trước đó, có rất nhiều người mong muốn tôi giảng dạy cho họ và kết nối duyên lành với tôi. Vì vậy nên tôi cảm thấy mình nên làm điều này cho họ.
Ngài đã được công nhận khi mới ba tuổi rưỡi, và phải rời xa gia đình, bao gồm tất cả các anh chị em, để sống trong tu viện. Ở tuổi đó, ngài thật sự không thể tự mình đưa ra bất kỳ quyết định nào, nên nói một cách cơ bản là ngài đã bị đặt để trong tình huống đó. Vậy thì câu hỏi ở đây là hệ thống tulku của Tây Tạng hữu ích như thế nào, và có bền vững trong tương lai hay không?
Trong quá khứ thì điều này rất hữu ích, và trong tình hình hiện tại thì tôi tin rằng nó vẫn hữu ích. Ví dụ điển hình nhất là Đức Dalai Lama thứ Mười Bốn. Ngài là vị thứ mười bốn trong dòng tái sinh, vì vậy nên đến nay, chúng ta đã có những bậc thầy vĩ đại như Ngài. Tôi nghĩ điều đó rất hữu ích.
Nhưng bây giờ thì bạn thấy nên có một vài giới hạn, nếu không thì chỉ có rất nhiều vị tái sinh. Bởi vì điều chúng ta cần là những vị tốt nhất, và thật khó chọn ra những vị nào sẽ là người tốt nhất, và vị nào sẽ rất thành công. Thậm chí các tu viện đã có những cuộc thảo luận lớn về điều này. Đó là lý do tại sao đôi khi Đức Dalai Lama thích phân biệt giữa lạt ma và tulku. Đâu là sự khác biệt? Ngài nói rằng có những người có thể là cả hai, nhưng cũng có những người là những vị tái sinh – tulku – nhưng hoàn toàn không phải là lạt ma. Chúng ta có thể nói về điều gì giống như "tulku ngỗ nghịch!" Có thể có một tulku không phải là lạt ma, bởi vì lạt ma là người hội đủ phẩm hạnh.
Vì vậy, tuy hệ thống tulku rất quan trọng và đã đóng vai trò mạnh mẽ trong Phật giáo Tây Tạng, nhưng cũng có thể đưa đến một vài tình huống nguy hiểm. Một lạt ma hội đủ phẩm hạnh sẽ không bao giờ tìm cách hủy hoại tín tâm của người khác, dù chỉ một chút thôi, bởi vì tín tâm là tất cả. Tín tâm là nền tảng kết nối của mọi người đối với đạo Phật, nên có hiểm họa lớn ở đây.
Còn về việc hệ thống tulku có tồn tại trong tương lai hay không, có nên tồn tại hay không thì tôi không phải là người quyết định nên tồn tại hay không tồn tại!
Đương nhiên, một trong những lợi ích chính của việc được công nhận khi còn trẻ như vậy là bạn được tiếp cận với những vị thầy giỏi nhất trong thế giới Phật giáo, và có cơ hội tiếp thu giáo pháp theo cách mà hầu hết người Tây phương chỉ có thể nằm mơ thôi. Đối với những người trong chúng ta bắt đầu tu học muộn hơn, thì có thể đạt được điều gì từ việc học hỏi giáo lý nhà Phật?
Đạo Phật có rất nhiều phương tiện và giáo huấn tốt đẹp, giúp ta đoạn trừ đau khổ! Đây là điều mà của cải vật chất và tiền bạc không thể mua được. Một khi bạn bắt đầu cảm thấy muốn thoát ra khỏi cái mà mình gọi là luân hồi – là điều ám chỉ tất cả những nỗi khổ và vấn đề của mình – thì câu hỏi đặt ra là liệu một người có nên học hỏi hay không. Nhưng đó là điều rất riêng tư, và tùy theo sở thích riêng của mỗi người. Đức Dalai Lama luôn nói rằng có tôn giáo nhà Phật, triết học Phật giáo và khoa học Phật giáo. Vì vậy, có nhiều điều khác nhau có thể mang lại lợi lạc cho những loại người khác nhau.
Chẳng hạn như lòng bi mẫn. Phật tử nói về điều này rất nhiều, nhưng chỉ thực hành lòng bi mẫn không khiến cho bạn trở thành Phật tử. Tuy nhiên, nếu muốn phát khởi tâm bi thật tốt, thì tất cả chúng ta đều có thể nghiên cứu các phương pháp trong nhà Phật. Bạn có thể cải thiện tâm bi của mình như vậy. Tôi không nghĩ có ai lại không muốn cải thiện lòng bi của mình, bởi vì đó là điều tuyệt vời, đúng không?
Vậy thì nói chung, có nhiều phẩm chất cao cả mà chúng ta có thể thành tựu, nhờ vào việc nghiên cứu đạo Phật, mà không cần phải trở thành Phật tử. Và các pháp tu giúp mình luyện tâm và chống lại những chướng ngại mà chúng ta đang đối mặt.
Ngài vừa đề cập đến việc chúng ta phải đối diện với chướng ngại. Ý ngài là như thế nào? Và sau khi hiểu ra chúng là gì, thì mình sẽ bắt đầu tu học đạo Phật như thế nào để khắc phục chúng?
Chướng ngại có thể là những điều rất nhỏ nhặt, chẳng hạn như mình quá phân tâm vì điện thoại di động. Đôi khi chúng ta quên mất những người xung quanh mình. Giống như trong gia đình tôi, khi chúng tôi nói chuyện, rồi anh chị em của tôi đến thăm và mang theo điện thoại di động, và bố mẹ tôi luôn cố gắng trò chuyện với chúng tôi, nhưng anh chị em của tôi luôn bận rộn. Tôi có thể thấy nỗi buồn và cô đơn, tuy thân thể thì có mặt ở đây, nhưng về mặt tinh thần thì chúng tôi lại không có sự kết nối.
Tôi nghĩ một khởi điểm tốt là nghiên cứu về chư đạo sư Na-lan-đà và lý lẽ mà các ngài đã sử dụng. Ở phương Tây, người ta đã được giáo dục tốt và con người hiện đại rất thông minh, nhưng bản ngã có thể rất cao. Đối với một số người, chứ không phải ai cũng vậy! Nhưng việc thử thách bản thân bằng những điều này là điều rất tốt.
Truyền thống Phật giáo Tây Tạng thật sự thúc đẩy phong cách Lam-rim, nói về lòng sùng mộ bổn sư, kiếp trước và kiếp sau, cái chết, vô thường, tất cả những điều này. A-đề-sa (Atisha), đạo sư Na-lan-đà, đã xem xét cách tâm thức của người Tây Tạng vận hành, do đó phong cách Lam-rim này thật sự được đề ra cho người Tây Tạng.
Đối với người Tây phương, tôi nghĩ nên dựa vào cách chư đạo sư Na-lan-đà cố gắng thực hiện những cuộc đối thoại – cách mà các ngài có tri kiến và nêu ra câu hỏi cũng như nhận lời giải đáp và trả lời thắc mắc. Các ngài đã tranh luận. Tất cả những điều này rất thú vị, và tôi nghĩ phong cách Na-lan-đà này là một cách tiếp cận đạo Phật an toàn hơn nhiều.
Tranh luận đóng một vai trò lớn, đặc biệt là trong Phật giáo Tây Tạng, như một cách để có lòng xác tín đối với giáo pháp. Và một trong những đặc điểm chính của đạo Phật là chúng ta phải đặt câu hỏi về sự việc - ngay cả những học thuyết chính. Chúng ta có thể lấy tái sinh làm ví dụ về điều mà rất nhiều người Tây phương đến với đạo Phật phải trăn trở. Nói một cách chính xác thì tái sinh là gì, và chúng ta có thể là Phật tử mà không tin vào điều này hay không?
Đôi khi nó thật là rắc rối đối với nhiều người, và cả tôi nữa! Sau khi chết, chúng ta sẽ rời bỏ thân này, và ý thức của mình sẽ tiếp nối. Rồi chúng ta sẽ có một sắc tướng khác, và sử dụng sắc tướng này, như chúng ta nói trong nhà Phật, giống như một nhà trọ. Chúng ta đến và đi, chúng ta ở lại và ra đi.
Đạo Phật không chỉ nói về những kiếp quá khứ và vị lai... Lòng bi, lòng từ đối với tha nhân, lòng kham nhẫn. Tất cả những loại hành trì tốt đẹp này mới là điều mà đạo Phật thật sự nói đến.
Nếu bạn không có nhiều kiến thức về ý thức, về cách vận hành của ý thức, thì đó là một đề tài thật sự khó khăn. Nếu bạn thật sự quan tâm, rồi học hỏi và biết một chút về ý thức, về cách vận hành của nó, thì tái sinh là gì và liệu có tái sinh hay không, câu trả lời sẽ rất rõ ràng.
Nhưng liệu bạn có thể hành trì các pháp tu nhà Phật mà không tin vào kiếp trước và kiếp sau hay không? Chắc chắn là được, chắc chắn. Đạo Phật không chỉ nói về những kiếp quá khứ và vị lai. Bởi vì khi chúng ta xem xét Tứ Diệu Đế thì điều này không nói về những kiếp quá khứ và vị lai. Đây là khai thị đầu tiên của Đức Phật và trọng tâm của Ngài là về nỗi khổ. Khi bạn nghĩ về khổ, và nghĩ xem có cách nào để diệt khổ hay không, thì có rất nhiều điều: lòng bi, lòng từ đối với tha nhân, lòng kham nhẫn. Tất cả những loại hành trì tốt đẹp này mới là điều mà đạo Phật thật sự nói đến.
Bạn có thể xem qua Lam-rim, và có thể chỉ cần đặt một dấu chấm hỏi ở ý niệm tái sinh, rồi bỏ qua điều này và tiếp tục với những đề tài khác. Khi đã chấm dứt tất cả các đề tài và nếu có đủ can đảm, thì bạn có thể quay lại dấu chấm hỏi về tái sinh và cố gắng tìm ra lý luận về điểm này. Đừng bỏ qua nó!
Ngài đã sống ở Canada khá nhiều năm. Ngài đến đó để cải thiện tiếng Anh, để có thể mang giáo pháp đến với các đệ tử Tây phương tốt hơn. Hiện nay, sau khi đã trải nghiệm cuộc sống ở cả phương Đông và phương Tây, ngài thấy những điểm khác biệt lớn là gì?
Tôi nghĩ có một sự khác biệt lớn lao. Tất nhiên, ở Á châu, chúng tôi lớn lên trong truyền thống Phật giáo, nên cha mẹ chúng tôi sẽ nói: “Hãy đi nhiễu và tụng Om Mani Padme Hum”, và chúng tôi sẽ tự động làm việc này. Đồng thời, thật ra người ta có rất ít kiến thức về đạo Phật. Họ cảm thấy “Đây chỉ là truyền thống của chúng ta, không có gì khác.”.
Khi tôi thuyết Pháp ở Spiti, mọi người sẽ lắng nghe rất chăm chú và chỉ gật đầu đối với bất cứ điều gì tôi nói. Sau đó, tôi sẽ chờ đại chúng nêu ra một vài câu hỏi về những điều tôi đã nói, và thường thì không có câu hỏi nào. Tôi nghĩ rằng điều này có một chút vấn đề. Nếu không có nghi ngờ gì, thì điều đó có nghĩa là thật sự không có sự quan tâm nào. Ở phương Tây thì điều này không giống như vậy! Người ta sẽ đi nghe những buổi thuyết pháp về đạo Phật và thật sự lắng nghe những điểm chánh. Lời khai thị sẽ thật sự chiếm lấy tim họ! Người ta sẽ phân tích và đặt câu hỏi đối với bất cứ điều gì tôi nói ở phương Tây, khiến cho tín tâm trở nên mạnh mẽ hơn nhiều.
So với đời sống ở Ấn Độ thì đời sống của tôi ở Canada cũng có sự khác biệt lớn. Trong tu viện, chúng tôi phải tuân theo và tôn trọng tất cả các quy luật khác nhau. Nhưng nếu bạn có bao giờ cảm thấy không muốn tuân theo những quy luật này, thì có thể cảm thấy như mình đang ở tù. Tôi cảm thấy rất gần gũi với lối sống tu viện, nhưng dĩ nhiên, đôi khi tôi không muốn noi theo lối sống ấy.
Tất nhiên, khi dọn sang Canada thì tôi không hoàn toàn trở thành người Canada! Tôi đi học tiếng Anh, và tất cả bạn bè của tôi chỉ gọi tôi là Serkong, điều đó khá buồn cười. Nhưng tôi đã kết bạn với một vài người bạn tốt, và cuối cùng cảm thấy mình thuộc về họ. Tôi thấy rất nhiều sự khác biệt giữa cách suy nghĩ của những người ở quê nhà và người ở Canada. Tôi cảm thấy, “Ồ! Đây là cách người bình thường suy nghĩ!”
Khi ở trong tu viện, mọi người rất tôn trọng tôi. Nhưng trong số những người bạn của tôi ở Canada thì hoàn toàn không giống như vậy. Điều này thật sự giúp tôi nhớ rằng mình là người rất bình thường! Trong tu viện, tôi luôn có dao nĩa, cốc và dĩa riêng, những thứ mà không có ai khác sử dụng để ăn uống. Ở Canada, bạn bè của tôi sẽ ăn kem và chỉ nói: "Ồ, nếm thử đi, nó ngon lắm!". Điều này thật sự khiến tôi cảm thấy mình có liên hệ với người khác.
Hiện nay, thế giới cảm thấy hơi lạc lối. Con người đang trở nên cực đoan hơn, các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy đang được bầu trên toàn cầu, và dường như chúng ta vẫn không coi trọng vấn đề khí hậu thay đổi. Con thường cảm thấy hơi bất lực và buồn khi nhìn vào tình trạng của hành tinh và vô số vấn đề mà chúng ta phải đối mặt: dường như tất cả đều không thể vượt qua. Lời khuyên của ngài là gì?
Lòng bi rất quan trọng đối với sự sống còn của chúng ta. Nhưng lòng bi không chỉ dành cho người khác. Lòng bi cũng bao gồm cả bản thân bạn. Đôi khi lòng bi chỉ có vẻ như là "Hãy nghĩ về người khác" và điều đó nghe giống như là "Đừng nghĩ về bản thân mình". Tôi nghĩ đó là ý niệm thật sai lầm! Nếu như bạn nói rằng lòng bi là điều quan trọng, thì một người có lòng bi đương nhiên cũng quan trọng. Đó là lý do tại sao bạn nên cảm thấy, "Mình có khả năng giúp đỡ người khác, vậy thì mình nên cố gắng tu tập càng nhiều càng tốt để giúp đỡ người khác."
Giống như khi một đứa bé rất buồn, thì người mẹ sẽ không vui chút nào. Nếu đứa bé mỉm cười hay rất vui, thì cuối cùng người mẹ sẽ rất vui, đến mức quên cả những vấn đề nhỏ nhặt của mình. Vậy thì nó giống như vậy. Lòng bi là chìa khóa để giúp đỡ người khác, và từ đó, bản thân bạn sẽ tự động mỉm cười.
Nếu bạn cảm thấy tất cả những người khác chỉ là hàng xóm của mình, thì một khi bạn đóng cửa lại và ở trong nhà với gia đình của mình, thì mọi thứ trở nên quá hẹp hòi, quá nhỏ nhen. Nhưng nếu bạn cảm thấy cả thế giới là nhà của mình, thì bạn cảm thấy mình nên làm điều gì cho nhân loại. Nếu bạn chấp nhận thế giới này là nhà của mình, thì đây là mức độ kế tiếp: Tôi có thể giúp ích gì? Nếu không, bạn chỉ ở trong phòng và không quan tâm đến người khác. Vậy thì bạn nên xem xét tại sao, làm thế nào và tôi có thể đóng góp điều gì cho thế giới này. Rồi thì cuối cùng, tôi nghĩ bạn sẽ phát tâm bi rất nhanh.
Vậy thì ngài đang nói rằng lòng bi là chìa khóa để giải quyết vấn đề của mình: nó giúp ích cho người khác và bản thân mình, khi chúng ta có lòng bi mẫn. Vậy thì chúng ta có thể nói rằng có lẽ mình đã tìm ra ý nghĩa của cuộc đời?!
Ý nghĩa cuộc đời có thể là một trong hai điều! Một là bản thân bạn trở nên hạnh phúc và chỉ có thế thôi. Hai là bạn có được hạnh phúc và cũng làm cho người khác hạnh phúc. Đây là hai điều mà tôi nghĩ có thể là ý nghĩa của cuộc đời.
Bất cứ khi nào đi ra ngoài, bạn sẽ thấy rất nhiều người đi đây đi đó, sống bận rộn như vậy. Nếu đặt máy ảnh sau lưng họ, thì bạn sẽ thấy họ đều đang tìm kiếm điều gì đó: vì hạnh phúc của riêng mình. Nhưng có thể có một người khác cũng đi đây đi đó, nhưng lại tìm cầu hạnh phúc cho người khác. Trong hai loại người đó, nếu bạn chỉ ra ngoài tìm cầu hạnh phúc cho riêng mình thì tôi nghĩ muốn được toại nguyện là điều thật khó khăn. Giống như các tỷ phú và triệu phú, họ có thể cảm thấy, "Ồ, bây giờ tôi đang mất rất nhiều tiền, và bây giờ tôi không còn nổi tiếng nữa và sẽ mất đi tất cả những thứ này.". Cả đời họ cứ lo lắng, lo lắng và lo lắng.
Nhưng giả sử tôi là một triệu phú và kiếm được số tiền khổng lồ này, nhưng thay vì vậy, số tiền đó được dùng để làm từ thiện, quyên góp cho người khác và cuối cùng bạn sẽ làm cho người khác hạnh phúc. Rồi thì bạn cảm thấy: "Mục tiêu, ý nghĩa của đời mình là mang lại hạnh phúc cho tha nhân.". Một khi bạn nhìn thấy loại hạnh phúc này nơi người khác, thì bạn cũng sẽ cảm thấy "Ồ, hôm nay mình rất vui!" Và chỉ có vậy là bạn hạnh phúc rồi. Nếu không, bạn chỉ bỏ tiền vào ngân hàng và mất một số tiền vì việc kinh doanh, rồi bạn sẽ cảm thấy "Không xong rồi, bây giờ anh chàng kia giàu có và nổi tiếng hơn mình.". Đây là một thử thách lớn! Nên tôi nghĩ cách sống thứ hai – vì người khác – mang lại cho bạn cuộc sống ý nghĩa hơn nhiều.
Xin cảm ơn Rinpoche rất nhiều về thời gian và tuệ giác của ngài. Ngài có lời cuối nào dành cho độc giả hay không?
Có: hãy cố gắng hạnh phúc! Chúng ta nên tận hưởng đời sống, tham gia các bữa tiệc, dành thời gian có chất lượng với bạn bè, sử dụng Instagram và Facebook và tất cả những thứ này. Nhưng hãy nhớ rằng đây không phải là những điều duy nhất trong cuộc sống. Chúng ta không được quên những người xung quanh mình. Một khi họp mặt với gia đình và bạn bè, thì chúng ta thật sự nên có mặt với gia đình và bạn bè. Đừng quá phân tâm vì điện thoại di động!
Chỉ có thế thôi! Cảm ơn rất nhiều!