Study Buddhism: Xin ngài tự giới thiệu về mình.
Ringu Tulku: Tên của tôi là Ringu Tulku. Ringu là tên tu viện của tôi ở miền Đông Tây Tạng. Tôi đã tu học chủ yếu ở Sikkim, Ấn Độ. Tôi đã tu học với các Khenpo và Lạt ma, nhưng xem Dilgo Khentse Rinpoche và Đức Karmapa thứ 16 là những vị thầy chính của mình. Tôi đã thọ tất cả các giới xuất gia từ các ngài, nhưng cũng có cơ hội thọ Pháp với cả bốn trường phái Phật giáo Tây Tạng.
Study Buddhism: Trước hết, tại sao chúng ta phải học Phật? Đạo Phật có thể cung cấp điều gì cho con người?
Ringu Tulku: Chúng ta luôn được dạy để nêu ra câu hỏi: "Thật ra thì mình muốn gì?". Nếu nhìn sâu vào những điều bạn thật sự mong muốn, thì đó là thoát khỏi tất cả những nỗi khổ, đau đớn và vấn đề. Bạn không chỉ muốn bản thân thoát khỏi những điều này, mà còn muốn những người thân yêu gần gũi của mình thoát khổ nữa. Vậy thì đúng ra, việc thoát khổ, tìm cầu an lạc và hạnh phúc lâu dài, cũng như việc đem lại điều đó cho tha nhân là điều quan trọng nhất đối với chúng ta. Việc học Phật chỉ cho mình thấy những bước để thực hiện điều này, và thành tựu được nó.
Study Buddhism: Ngày nay, con người, đặc biệt là giới trẻ, cảm thấy rất nhiều áp lực để trở nên hoàn hảo và hạnh phúc, ngay cả khi họ không thể làm như vậy. Ngài thấy đâu là trở ngại lớn nhất mà giới trẻ hiện nay đang đối diện?
Ringu Tulku: Tôi nghĩ ngày nay, giới trẻ có kỳ vọng rất cao. Đó dường như là vấn đề chính. Họ dường như không thật sự hiểu cái gọi là 'luân hồi' - rằng thế giới có rất nhiều nỗi đau đớn, thống khổ, tiêu cực, thiếu sót, vô minh, hung bạo, và danh sách này cứ kéo dài mãi. Điều này rất cơ bản, nhưng chúng ta không thể mong đợi người khác sẽ luôn luôn tốt đẹp, rộng lượng và hoàn hảo.
Điều quan trọng là thấy rằng có những vấn đề ở bên ngoài, nhưng bên trong, thì chúng ta cũng có những vấn đề này. Khi thấu hiểu điều này một cách sâu sắc, thì ta sẽ có một sự chấp nhận nào đó, cũng như lòng bi mẫn, vì hiểu rằng không có ai hoàn hảo, nên khi nhìn thấy điều gì mà mình không thích, thì sẽ phát tâm bi với điều đó.
Study Buddhism: Liệu ngài sẽ nói rằng mình luôn luôn hạnh phúc hay không? Nếu không, thì tại sao không? Ngài đối phó với nỗi bất hạnh như thế nào?
Ringu Tulku: Tôi nghĩ mình khá hạnh phúc! Đó là vì tôi không mong đợi mọi việc phải hoàn hảo. Tôi không kỳ vọng quá nhiều - hầu như không có kỳ vọng, nên tôi đi du lịch rất nhiều, nhưng đi đến đâu, tôi cũng cảm thấy thoải mái.
Tôi nghĩ nói một cách cơ bản thì hạnh phúc là tâm an lạc, tâm không phiền não. Cách để giúp cho tâm không phiền não là học cách chấp nhận mọi việc, và học cách để an tâm, trong bất kỳ tình huống nào. Đây cũng là một cách tuyệt vời để đối phó với cảm xúc.
Study Buddhism: Có những bước cụ thể nào mà mọi người có thể thực hiện, để giúp cho họ hạnh phúc hơn, trong thế giới rất bận rộn này không?
Ringu Tulku: Tôi nghĩ việc bận rộn không thật sự liên quan nhiều đến hạnh phúc và khổ đau. Theo cách nào đó thì việc ta bận rộn ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào mình! Vấn đề ở đây là mọi người thường nghĩ rằng họ càng làm việc nhiều, và càng có nhiều tài sản, thì sẽ hạnh phúc hơn. Nhưng trong quá trình làm việc này, họ bị căng thẳng, và tất cả trở thành nguồn gốc của nỗi khổ. Trước tiên, nên hiểu rằng việc có được nhiều thứ, hay làm được nhiều việc, không phải là câu trả lời. Điểm chánh là cảm thấy mãn nguyện trong lòng.
Ngay cả khi bận rộn, thì đó không phải là lý do để bạn không vui. Tất cả đều quy về cách bạn tiếp cận nó. Đôi khi, mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp, và đôi khi thì không tốt lắm, nhưng điều mà ta có thể làm là cố gắng hết mình. Nếu tôi cố gắng hết sức, và mọi việc diễn ra tốt đẹp, thì thật tuyệt. Nếu không, thì ít nhất tôi đã cố gắng hết sức mình, và không thể làm được gì nhiều hơn nữa. Nếu như làm mọi việc như vậy, thì tôi nghĩ mình sẽ thoải mái hơn.
Study Buddhism: Đạo Phật được nhiều người xem là rất khoan dung và chấp nhận, nhưng đi kèm với điều này là ý niệm cho rằng nó thụ động, rằng dù cho điều gì có xảy ra đi nữa, thì không sao cả, chỉ cần hành thiền. Điều này có hợp lý không?
Ringu Tulku: Tôi nghĩ đây là một ý niệm rất sai lầm! Đường lối của đạo Phật chắc chắn không nói rằng bất cứ điều gì xảy ra, thì cũng ổn thôi. Tất nhiên, chúng ta phải thực tế và chấp nhận những gì mình có, và biết mình đang ở đâu. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó rồi bỏ cuộc, thì đó là thụ động. Nhưng cách này không cần thiết!
Bạn không cần bỏ cuộc. Bất cứ điều gì đã xảy ra, bất cứ điều gì ta đã làm, dù tốt hay xấu, hay bất cứ điều gì, kể từ bây giờ, ta sẽ không bỏ cuộc. Lần sau, chúng ta có thể tìm ra cách để làm tốt hơn, và tiếp tục làm việc, nhưng không theo cách căng thẳng hay tức giận. Điều quan trọng là không nuôi dưỡng cảm xúc tiêu cực với bản thân hay người khác. Nếu như làm như vậy, thì ta sẽ tự thiêu đốt mình, và điều đó không giúp ích gì cả.
Study Buddhism: Ngày nay, mọi người có vẻ khá sân hận. Hiện tại, ta có thể dễ dàng thấy môi trường bị tàn phá, những sự bất công trên thế giới, tham nhũng, tai tiếng, v.v... Liệu chúng ta có thể tiếp sức cho bản thân, và thay đổi thế giới không?
Ringu Tulku: Tôi nghĩ chúng ta có thể thay đổi thế giới! Nhưng nó không dễ dàng. Nó không dễ dàng, không phải vì nó không dễ dàng. Điều này không dễ dàng, vì mình không thực hiện nó! Tất cả chúng ta đều muốn người khác tử tế, rộng lượng và giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta muốn người khác cư xử tốt, nhẫn nại và khoan dung. Chúng ta muốn người khác làm việc chăm chỉ và khôn ngoan, nhưng nếu chỉ mong muốn thôi, thì không giúp cho mọi người được như vậy. Vậy thì phải bắt đầu với bản thân mình.
Chúng ta có cái gọi là lục độ ba la mật – bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ - và nếu người ta cố gắng phát triển những điều này một chút, thì sẽ trở thành những người vĩ đại. Nếu thế giới có thêm nhiều người như vậy, thì đó là một thế giới tuyệt vời. Nhưng chúng ta không thể mong đợi người khác làm điều đó, hay buộc họ phải làm. Chúng ta phải bắt đầu trưởng dưỡng những phẩm chất này trong tự thân.
Đây là cách tu hành trong nhà Phật, cải thiện bản thân mình. Nhờ vậy mà người khác sẽ dần dần thấy những phẩm chất này ích lợi cho mọi người như thế nào. Ngay cả khi mình chỉ chấp nhận và đánh giá cao ý tưởng này về mặt khái niệm, nhưng nó có thể tạo ra sự khác biệt lớn lao.
Tất nhiên, có rất nhiều điều tiêu cực ở ngoài kia, nhưng việc nổi giận sẽ không thay đổi được điều đó. Nếu tôi quá tức giận và hung hăng về điều đó, thì thật ra tôi sẽ trở thành một phần của vấn đề. Việc thư giãn và làm việc một cách kiên nhẫn, điềm tĩnh và lâu dài hơn là phương pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề.
Study Buddhism: Có những lúc con người gặp khó khăn thật sự trong cuộc sống. Họ mất việc, họ chết, họ rất lo lắng. Chúng ta có thể làm gì?
Ringu Tulku: Có một lần, tôi đã đến nước Bỉ, hay một nơi nào đó giống như vậy, và một phụ nữ đã đến gặp tôi, và nói rằng: "Ồ, tôi không thể chịu đựng được nữa, tôi đã đến đường cùng rồi, tôi sẽ tự sát.". Cô ấy nói rằng cô đã mất bạn trai và công việc, rằng cô không có tiền, nên muốn chết. Tôi nói với cô ấy rằng nếu cô muốn chết, thì không ai có thể ngăn cản cô, nhưng trước khi chết, sao lại không đi một chuyến đến Ấn Độ. “Xin đừng nói với tôi là cô không có tiền, bởi vì cô sẽ không cần tiền, sau khi chết.”, tôi đã nói như vậy!
Đôi khi, người ta đến Ấn Độ hay một nơi nào đó, rồi trở về nhà, và cười toe toét, vì họ có cái nhìn thực tế hơn về cuộc sống. Cô này đã đi Nhật, nhưng cũng vui vẻ khi trở về. Cô ấy nói cô đã suýt chết, sau khi rơi xuống một ngọn núi, và không thể ra khỏi nơi đó, nên nghĩ rằng: "Đời mình đã chấm dứt ở đây.".
Lúc đó, cô quên mất vấn đề không có bạn trai, không có việc làm, không có tiền - tất cả những điều đó dường như không đáng kể nữa. Ý tưởng duy nhất của cô ấy là: "Giá như tôi có thể sống sót để ra khỏi nơi này, thì sẽ rất hạnh phúc!". Cuối cùng thì cô đã được cứu, và thấy rất hạnh phúc, khi trở về nhà.
Vậy thì tất cả mọi việc đều tương đối. Ta thường nghĩ rằng mình đang ở trong tình huống tồi tệ, nhưng thật ra thì mọi việc có thể tồi tệ hơn. Luôn luôn có những tình huống tốt đẹp hơn và tồi tệ hơn, nếu như mình thấy rõ điều này, thì rất hữu ích.
Một nhà báo đã từng nêu ra thắc mắc với Đức Dalai Lama rằng: “Ngài luôn luôn nói mọi người phải lạc quan, nhưng còn Tây Tạng thì sao? Nó chưa được giải quyết, mà tình hình còn tồi tệ hơn bao giờ hết, và không có gì lạc quan!”. Ngài cười khúc khích như thường lệ, và nói rằng: “Bạn nói đúng. Tình hình ở Tây Tạng có lẽ là tồi tệ nhất, so với từ trước đến nay. Đó là lý do tại sao không có điều gì không thể cải thiện. Vấn đề quá tệ hại, nên nó chỉ có thể cải thiện thôi!”.
Tương tự như vậy, nên chú tâm vào những gì ta có thể cải thiện, và điều này sẽ khiến cho mình lạc quan. Câu trả lời của Đức Dalai Lama thật xuất sắc, bởi vì nếu chúng ta đang ở trong tình trạng rất tồi tệ, và chỉ nói rằng: "Ồ, thật là tồi tệ, tôi bỏ cuộc”, thì mình sẽ lạc lối. Nhưng nếu như nghĩ rằng: "Tôi có thể làm gì, để tình hình này khả quan hơn một chút?" thì ta đã lạc quan, và cái nhìn này sẽ thay đổi quan điểm của mình.
Study Buddhism: Ngài đã viết sách về chuyện dân gian Tây Tạng, ngài có thể chia sẻ câu chuyện nào mà ngài thích nhất không?
Ringu Tulku: Tôi thích những câu chuyện dân gian, nhưng cũng thích chuyện của Tolstoy. Có một câu chuyện của ông ấy, nói về một thiên thần bị lấy đi đôi cánh, và được gởi xuống trái đất, để tìm hiểu ba điều quan trọng nhất về con người. Thứ nhất, anh ta thấy có tình yêu trong trái tim con người. Thứ hai là họ không biết khi nào thì họ sẽ chết. Thứ ba là con người sống bằng tình thương của người khác. Sau đó, anh ta có đôi cánh trở lại, và có thể bay đi.
Study Buddhism: Đối với ngài thì câu chuyện này có tương ứng với giáo lý nhà Phật không?
Ringu Tulku: Có, nhưng không chỉ với giáo lý nhà Phật, mà còn tương ứng với giáo lý phổ quát mà các bậc thánh nhân tuyên thuyết. Thánh nhân là một người hoàn toàn vô ngã, nên giáo huấn của các ngài phải là tình thương – tình thương bình đẳng đối với tất cả chúng sinh. Đó là cốt lõi của đạo Phật, và tất nhiên là cốt lõi của tất cả giáo lý trong những tôn giáo lớn.
Study Buddhism: Có một bộ phim về ngài, có tựa đề là “Lạt Ma Lười Biếng” (“Lazy Lama”). Tựa đề này bắt nguồn từ đâu?
Ringu Tulku: Tựa đề này bắt nguồn từ một cuốn sách nhỏ mà các đệ tử của tôi ấn tống, với tài liệu giảng dạy của tôi, có tựa đề là “Lạt Ma Lười Biếng Xem Xét Pháp Thiền” (“Lazy Lama Looks at Meditation.”). Tôi lười biếng, không phải vì tôi không làm việc. Tôi làm rất nhiều việc và đi rất nhiều nơi, nhưng lại không hành thiền lâu. Tôi nghĩ đó là vì lười biếng!
Study Buddhism: Đối với những người vừa lười, vừa bận rộn, thì ngài có thể giới thiệu một bài thiền ngắn 5 phút, để giúp cho chúng ta trong cuộc sống hàng ngày hay không?
Ringu Tulku: Tôi nghĩ một cách tuyệt vời để bắt đầu với bất cứ điều gì là xem xét động lực của mình - tôi đang làm gì, và tại sao lại làm như vậy? Mục tiêu cuối cùng và tối hậu của mình là gì? Rồi thì ta sẽ biết rất rõ về nơi mình sẽ đi đến, và phải tu tập những gì.
Đạo Phật không chỉ có thiền. Đó là hành trì toàn diện. Người ta thường nghĩ rằng họ không thể hành thiền, hoặc không có thời gian, nên không thể tu theo đạo Phật. Nhưng chúng ta có thể tu tập đạo Phật, ngay cả khi không hành thiền. Ngoài ra, còn có bát chánh đạo và lục độ ba la mật để học hỏi! Bạn cũng có thể thực hành lòng nhân từ. Đó là một pháp tu cao cả, không cần thời gian hay nơi chốn đặc biệt.
Đây là điểm chính. Chúng ta phải biến lòng khoan dung, nhẫn nại, cư xử tốt thành một phần trong đời sống của mình. Chúng không nên trở thành điều gì phụ trội, khi mà ta chỉ dành cho chúng vài phút mỗi ngày. Cách mình nhìn mọi việc, cách mình phản ứng với sự việc, cách mình sống - đây là việc tu tập thật sự.