Đâu Là Điều Cần Thiết, Trước Khi Hành Trì Ngondro, Hay Pháp Tu DỰ Bị?

Cả hai hành trì, đó là pháp tu sơ khởi ngondro tiêu chuẩn và sáu pháp tu dự bị, đều được thực hiện trước bất cứ thời thiền nào, kể cả quy y (phương hướng an toàn) và khẳng định lại động lực bồ đề tâm. Nhưng nếu như phải thực hiện những pháp tu này ngay từ đầu, thì làm sao ta có thể thực hiện chúng, mà chưa phát tâm quy y và bồ đề tâm trước đó? Đây là câu hỏi.

Bối Cảnh Lịch Sử

Thật thú vị khi so sánh cách mà sáu hành trì dự bị được xử lý, và vị trí mà nó được sắp xếp vào giai đoạn tiệm tiến trong các tác phẩm khác nhau về lam-rim trình tự đường tu đến giác ngộ. Chỉ vì chúng đã được trình bày theo một cách trong một bản văn lam-rim, thì không có nghĩa là đây là cách chính xác, rồi thì mình sẽ bám chấp vào nó, rằng “Nó phải như thế này.”.

Nếu như nhìn vào lam-rim của Tông Khách Ba (Tsongkhapa), Đại Luận Trình Tự Đường Tu Giác Ngộ (Lam-rim chen-mo), thì trước tiên, ngài đã nói về mối quan hệ lành mạnh với đạo sư, và sau đó trình bày sáu hành trì này - dọn dẹp phòng thiền, lập bàn thờ, sắp xếp chỗ ngồi, v.v... Ngài đã trình bày sáu điều này như một cách để giữ mối liên hệ chặt chẽ giữa đệ tử và đạo sư. Nhưng phải xem bối cảnh mà Tông Khách Ba đã dạy lam-rim. Bối cảnh là một lễ quán đảnh Mật tông, mà trước tiên bạn sẽ ôn lại các giai đoạn của đường tu. Vì vậy, điều này dành cho chư tăng ni, chủ yếu là các nhà sư vào thời đó, những người đã có mối quan hệ với một vị thầy. Vì vậy mà việc trình bày mối quan hệ với guru (bổn sư) trước tiên là điều gì nằm trong bối cảnh đó - bạn đã có một đạo sư, bây giờ thì bạn đang nhận được một lễ điểm đạo từ đạo sư ấy, và đây là cách mà bạn sẽ làm điều đó.

Đức Dalai Lama thứ Năm có đề cập trong tác phẩm lam-rim của ngài, tức là Trình Tự Đường Tu Giác Ngộ: Chỉ Giáo Riêng Của Đức Văn Thù (Lam-rim 'jam-dpal zhal-lung), rằng điều rất quan trọng là đã phát tâm quy y, hay phương hướng an toàn, và bồ đề tâm, trước khi khởi đầu toàn bộ quá trình lam-rim này, và sau đó, ngài đã đi theo thứ tự của Tông Khách Ba - mối quan hệ với guru, và sau đó là sáu pháp tu dự bị này. Nếu như mình nghĩ về nó, thì tất nhiên là điều này hoàn toàn có ý nghĩa, bởi vì một trong những pháp tu dự bị là quy y và khẳng định lại bồ đề tâm, vậy thì làm sao bạn có thể làm điều này, nếu như chưa tu tập nó trước đó?

Có lẽ Đức Dalai Lama thứ Năm là người thực tế nhất trong số các bậc thầy vĩ đại đã viết những tác phẩm này, thực tế và hiện thực. Ngài là người mà trong việc bàn luận về mối quan hệ với đạo sư, đã nói rằng trước tiên thì bạn phải nhìn vào những khiếm khuyết của vị thầy, và thực tế về điều đó, đừng phủ nhận, vì các ngài không hoàn hảo, nhưng rồi thì việc tập trung vào điều đó và phàn nàn về nó sẽ không có ích lợi gì. Bạn sẽ không có được cảm hứng từ việc tập trung vào những khuyết điểm và phàn nàn. Sau đó, bạn sẽ quay qua những phẩm chất tích cực. Vậy thì không phải là thái độ này, “Tất cả các ngài là đều là Phật, và mọi việc mà các ngài làm đều hoàn hảo.”. Điều đó có thể khá ngây thơ. Điểm này về việc đạo sư là Phật phải phù hợp với bối cảnh thực tiễn, và người ta phải xem đối với một tri kiến như vậy thì mục tiêu và nền tảng của nó là gì.

Đức Dalai Lama thứ Mười Bốn luôn nói rằng Ngài không thật sự chắc chắn mình là dòng tâm thức của tất cả các Đức Dalai Lama. Ngài giải thích toàn bộ hệ thống tulku trong bối cảnh lớn hơn nhiều, so với hệ thống tulku truyền thống, nhưng lại nói rằng Ngài cảm thấy mình là dòng tâm thức của Đức Dalai Lama thứ Năm và Đức Dalai Lama thứ Mười Ba. Cách tiếp cận rất thực tế của các vị là những điều mà Ngài sẽ noi theo bằng trực giác.

Trong tác phẩm lam-rim, Trình Tự Đường Tu Giác Ngộ: Đường Tu Nhanh Chóng (Lam-rim myur-lam) thì Đức Panchen Lama thứ Năm – ngài đến sau Đức Dalai Lama thứ Năm (thầy của Đức Dalai Lama thứ Năm là Đức Panchen Lama thứ Tư ) - đã trình bày sáu pháp tu dự bị trước, sau đó là mối quan hệ với đạo sư. Ngài đã ban chỉ giáo khá sâu rộng về cách hành thiền trong từng giai đoạn của lam-rim, và vì lý do đó mà bạn khởi đầu với các pháp tu dự bị, bởi vì đó là cách bạn bắt đầu một thời thiền. Và sau đó, chủ đề đầu tiên trong lam-rim để khẳng định lại là mối quan hệ với một vị thầy.

Trong một số khai thị về các bài pháp tương đương với lam-rim được tìm thấy trong các truyền thống Tây Tạng khác thì bạn sẽ thấy việc bàn luận về mối quan hệ với đạo sư ở cuối toàn bộ trình tự đường tu này. Đức Dalai Lama thứ Mười Bốn cảm thấy điều đó tốt hơn nhiều. Nó ít tạo ra sự hiểu lầm, nhầm lẫn hơn, và trong một số trường hợp là lạm dụng. Điều đó đã được Đức Dalai Lama thứ Năm gợi ý, khi ngài nói rằng hành giả phải phát tâm quy y và bồ đề tâm, để khởi đầu toàn bộ quá trình lam-rim này.

Đây chỉ là một chút về bối cảnh lịch sử, nhưng tôi nghĩ rằng nó rất sâu sắc về cách tiếp cận những pháp tu khác nhau, đặc biệt là về mối quan hệ với một đạo sư. Ẩn ý từ khai thị của Đức Dalai Lama thứ Năm là người ta phải có một động lực đúng đắn để tu tập những giáo pháp này, trước khi thật sự đi vào hành trì nghiêm túc. Nếu không thì động lực của bạn là gì? Nó có thể khá trần tục (nếu như có thể sử dụng chữ này). Nhưng đối với một số người thì chỉ có nguồn cảm hứng lớn lao từ tấm gương của vị thầy là đủ, một ước nguyện để được như thế là đủ để cho họ khởi đầu với tất cả những pháp tu sơ khởi này. Nhưng tất nhiên, điều nguy hiểm ở đây là vọng tưởng, rằng cảm hứng không thật sự phát sinh từ phẩm chất thực tiễn của vị thầy, mà chỉ là vọng tưởng của đệ tử.

Tĩnh Tâm Trước Khi Hành Trì

Nhiều người hỏi rằng, “Tôi thích thực hành một số pháp tu của đạo Phật. Tôi nên làm gì trước tiên?”. Và nhiều người sẽ chỉ dẫn rằng, “Chỉ cần ngồi im lặng, tập trung vào hơi thở, nhận thức những ý nghĩ và cảm xúc của mình” - bởi vì bạn sẽ không thể nào hoàn toàn chú tâm vào hơi thở với một tâm thức tĩnh lặng (Ý của tôi là, chúng ta đang đùa giỡn với ai đây?) - “và, theo một nghĩa nào đó, là tự hiểu mình.”.

Ngày nay, hầu hết mọi người đều đi bộ và nghe nhạc liên tục, với iPod trong lỗ tai. Họ không bao giờ dành một khoảnh khắc nào để ở một mình và xem xét ý nghĩ của họ. Họ luôn luôn phải phân tâm. Hoặc khi ở nhà thì họ phải bật radio hay nhạc gì đó, hay trong một số trường hợp thì phải bật truyền hình lên. Từ lúc thức dậy thì họ sẽ bật nó lên cho đến khi đi ngủ. Tôi có một người dì vặn truyền hình trong phòng của bà hai mươi bốn tiếng một ngày. Bà cần có nó để ngủ, và nếu như bà trở mình trong đêm, hay tỉnh dậy một chút, thì sẽ cảm thấy an tâm khi có truyền hình. Nếu như nghĩ về nó thì điều này thật đáng kinh ngạc. Vậy thì chỉ cần im lặng, không có âm nhạc, chú tâm vào hơi thở và xem xét ý nghĩ của bạn là gì, v.v..., và cảm xúc của bạn ra sao - rằng chúng không bị âm nhạc điều khiển hay ảnh hưởng - điều này khá minh họa, là một điều sẽ mở mắt cho rất nhiều người.

Vậy thì được rồi, đó là một cách mà nhiều người được khuyên nên bắt đầu. Thật ra tôi nghĩ rằng với thời gian thì đây sẽ là một hành trì ngày càng quan trọng hơn để thực hiện. Bởi vì nó không chỉ là âm nhạc mà mọi người thường xuyên nghe, không chỉ những người trẻ tuổi, mà là ở mọi lứa tuổi, mà cũng là tin nhắn liên tục qua điện thoại di động, liên tục nhìn vào điện thoại di động, xem thông tin từ Facebook và Twitter – tất cả những điều khác đồng thời đang xảy ra - với nỗi sợ hãi tiềm tàng là họ sẽ bỏ lỡ điều gì đó, rằng việc phải biết bạn của mình đã ăn sáng bằng món gì là điều rất quan trọng.

Gần đây, một người bạn của tôi đã đến thăm, cô là một giáo sư tại một trường đại học ở thành phố New York. Cô đã giảng dạy một buổi hội thảo kéo dài ba tiếng đồng hồ, và yêu cầu mọi người để điện thoại di động trên bàn, ở cửa ra vào, vì nếu như không thì điều thường xảy ra ở các trường đại học Mỹ là mọi người sẽ nhắn tin trong suốt các lớp giảng. Tâm lý của người ta là, “Tôi không thể trải nghiệm bất cứ điều gì, tôi không thể cảm nhận cảm xúc nào hay bất cứ điều gì, trừ khi tôi nhắn tin về nó.”. Và cô cho biết là không khí rất căng thẳng trong phòng, vì họ không có điện thoại di động trong tay, đến nỗi sau mỗi một tiếng đồng hồ thì cô phải cho mọi người trong lớp nghỉ giải lao, để gởi tin nhắn trong năm phút. Không phải là nghỉ giải lao để hút thuốc lá, để đi vệ sinh, mà là để nhắn tin. Thời bây giờ thì việc nhắn tin đã trở nên quan trọng hơn thuốc lá hay nhà vệ sinh. Điều này rất đáng buồn, và sẽ là một thách thức lớn, rất lớn đối với việc tu hành trong đạo Phật - để giúp cho mọi người thoát khỏi cơn nghiện ngập này đối với dòng thông tin liên tục và sự xao lãng mà mọi người đều khao khát và nghiện ngập.

Vậy thì lúc mới bắt đầu, chỉ cần tĩnh tâm, chú tâm vào hơi thở và thoải mái với bất cứ điều gì xuất hiện trong tâm mình - theo một nghĩa nào đó là làm quen với chính mình (dù đó là một cách diễn đạt nhị nguyên một cách tệ hại) – là điều hữu ích. Nếu như nói về một pháp tu sơ khởi thì việc chú tâm vào hơi thở sẽ phải được thực hành trước khi bạn khuyên người nào lạy 100,000 lạy. Họ sẽ thật sự phát điên lên, nếu phải lạy 100,000 lần, và mỗi lần nằm rạp người xuống thì có chiếc điện thoại ngay ở đó, và họ sẽ nhìn xem có tin tức gì mới hay không. Điều đó nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng nếu bạn nghĩ về tâm lý hiện đang phát triển trên thế giới, thì đó thật là một vấn đề nghiêm trọng. Làm sao bạn có thể tu tập một cách nghiêm túc trong một thời gian dài, nếu như không thể chịu đựng và hoàn toàn phát điên về việc không có điện thoại di động trong tay, và không thể liên tục nhìn xem tin tức gì đang đến, và nói rằng: “Ồ, tôi mới vừa nằm rạp xuống thì đầu gối lại đau. Tôi phải nhắn tin cho ai đó, đưa nó lên Twitter, để cả thế giới đều biết.”.

Trong suốt lịch sử đạo Phật thì Phật giáo đã được điều chỉnh để thích nghi với các xã hội khác nhau, để đáp ứng nhu cầu và tâm lý của người dân. Và tôi nghĩ rằng trong tương lai và tương lai gần – trên thực tế là bây giờ – thì đạo Phật, đặc biệt là mình đang nói về những pháp tu sơ khởi này, sẽ phải phù hợp với những vấn đề này. Bởi vì mục tiêu của pháp tu sơ khởi là gì? Đó là để khắc phục chướng ngại. Thế thì có một chướng ngại lớn về những điều đang phát triển, với tất cả những việc nhắn tin và liên lạc trên mạng xã hội này, và nghe nhạc liên tục bằng iPod.

Khi nói về trí phân biệt (shes-rab, Phạn ngữ: prajna) -  điều thường được dịch là trí tuệ, là một chữ quá mơ hồ – thì trí phân biệt là để phân biệt giữa điều gì có lợi và có hại, thì người ta cần phải học hỏi để có khả năng phân biệt về việc khi nào thì nên bật điện thoại di động lên, khi nào thì tắt điện thoại, khi nào thì nó có ích (vì người ta không thể phủ nhận rằng phương tiện truyền thông xã hội và SMS có thể hữu ích) và khi nào thì nó là một trở ngại. Trừ khi bạn phát triển trí phân biệt này, còn không thì rất là khó. Làm thế nào để phát triển trí phân biệt? Nó rất rõ ràng trong các giáo pháp: để có được nó thì bạn phải có định tâm, và nếu muốn có định tâm thì bạn phải có kỷ luật, nên phải có tam vô lậu học. Nó hoàn hảo trong các giáo pháp, về cách làm điều đó.

Những pháp tu dự bị này rất là hữu ích cho việc tạo ra kỷ luật. Nhưng tôi không nghĩ rằng bạn có thể thật sự khởi đầu với những điều này ngay từ đầu, với những người nghiện ngập phương tiện truyền thông xã hội một cách thật nghiêm trọng. Họ không thể làm điều đó. Nên tôi nghĩ đầu tiên thì phải có một điều gì đó đi trước cả pháp tu này. Chú tâm vào hơi thở và chỉ cố gắng có mặt với ý nghĩ của bạn sẽ là một sự khởi đầu. Nhưng một khi bạn có thể đối phó với điều đó, mà không hoàn toàn phát điên lên, thì cấu trúc của các pháp tu dự bị này sẽ rất hữu ích.

Việc Tiếp Cận Sáu Pháp Tu Dự Bị Của Người Mới Tu Tập

Rồi thì chúng ta sẽ hỏi: Nhưng còn sự phản đối của Đức Dalai Lama thứ Năm ở đây thì sao? Làm sao bạn có thể thực hành sáu điều này, trong khi một trong những điều là để khẳng định lại tâm quy y và bồ đề tâm, nếu như bạn chưa tu tập điều này trước đó? Vậy thì nó là vòng tròn lẩn quẩn, đúng không? Bạn cần những điều dự bị này để thiền quán về quy y và bồ đề tâm, nhưng bạn cần có tâm quy y và bồ đề tâm để có thể thực hiện điều này. Đối với ngondro, pháp tu sơ khởi thì vấn đề cũng vậy. Làm sao bạn có thể thực hiện một pháp tu ngondro lặp lại 100,000 lần bài Cầu Nguyện Quy Y và Bồ Đề Tâm, nếu như bạn chưa phát tâm quy y và bồ đề tâm? Rồi thì bạn chỉ cần lặp lại những ngôn từ. Nếu như không hiểu biết gì về Phật, Pháp và Tăng - Tam Bảo – thì bạn đang lễ lạy cái gì? Bức tường ư? Hay một bức tranh? Ý của tôi là cái gì đây? Vậy thì người ta phải nghĩ sâu hơn một chút về cách tiếp cận những pháp tu dự bị này, trước khi thật sự phát tâm quy y và bồ đề tâm. Có cách nào để đối phó với những điều này mà thật sự phù hợp với người mới bắt đầu tu tập hay không?

Tôi có một sự phân biệt giữa Pháp Nhẹ Nhàng (Dharma-lite) và Pháp Thực Thụ (Real Thing Dharma): 

Đầu tiên là Pháp Nhẹ Nhàng  - điều này rất có lợi, vì nó là vị trí của hầu hết mọi người - chỉ nhằm mục đích cải thiện mọi việc trong kiếp này. Rất tốt. Đó là điều cần thiết.

Pháp Thực Thụ là lam-rim. Bạn thật sự tu tập để cải thiện những kiếp tương lai (để không có một tái sinh tồi tệ hơn), giải thoát khỏi tái sinh, và giác ngộ (bạn có thể giúp tất cả chúng sinh thoát khỏi tái sinh). Đó là điều thực thụ, không phải là kiếp này.

Rõ ràng là cũng có một phiên bản của Pháp Nhẹ Nhàng và Pháp Thực Thụ về quy y và bồ đề tâm, nên mình phải phân tích và suy nghĩ làm sao mà điều này được thích nghi cho những người ở mức độ Pháp Nhẹ Nhàng, bởi vì nếu như chỉ lý tưởng và nghĩ rằng “Mọi người đều rất tiến bộ, và đều thích thú về điều này một cách chân thành” vân vân, thì không thực tế. Tôi nghĩ đó là tự lừa dối mình. Phải mất rất nhiều công phu và phân tích, để hoàn toàn vững tin về tâm vô thỉ (điều ngụ ý là có kiếp trước và kiếp sau), để có đủ sự hiểu biết sâu sắc về bản tánh của tâm vô thỉ, để giúp cho việc thành tựu giải thoát và giác ngộ là điều khả dĩ. Nếu như không tin rằng giải thoát và giác ngộ là điều khả dĩ, thì làm sao bạn có thể nhắm vào những điều này? Vậy thì bạn phải làm gì? Phải tu tập pháp tu sơ khởi, pháp tu dự bị. Bằng cách nào đó, bạn phải vượt qua những chướng ngại tinh thần liên quan đến vấn đề này, như là “Ai mà cần điều đó? Hãy cố gắng cải thiện kiếp này.”. Đó là một chướng ngại lớn về mặt tinh thần, để đi sâu hơn, đúng không? Vậy thì mình phải cởi mở  đủ để nhìn sâu vào vấn đề này, và tích lũy công đức, để theo một nghĩa nào đó, là đưa mình theo đúng phương hướng.

Điều phán đoán ở đây là những pháp tu dự bị này sẽ có ích - tôi sẽ sử dụng thuật ngữ luôn được dùng trong giáo pháp – ở lúc đầu, lúc giữa và lúc cuối. Đúng không? Không chỉ những pháp tu dự bị này, mà cả ngondro cũng ích lợi ở lúc đầu, lúc giữa và lúc cuối. Vậy thì hãy thử nhìn vào sáu điều này và phân tích, suy nghĩ về cách sử dụng chúng ở mức độ thực tế, thiết thực, theo cách mà mọi người hiện đang quan tâm đến giáo pháp sẽ thực hiện.

Top