Dẫn Nhập
Chữ ngondro trong tiếng Tây Tạng (sngon-'gro) thường được dịch là “pháp tu sơ khởi”, nhưng Tsenshap Serkong Rinpoche, một trong những vị thầy chánh của tôi, luôn nhấn mạnh rằng nó không thật sự mang hương vị của chữ này. Mặc dù theo nghĩa đen nó có nghĩa là “đi trước”, vậy thì đó là điều gì đi trước một cái gì đó, và đưa đến những gì sẽ xảy ra tiếp theo, ý nghĩa chánh của nó là “chuẩn bị”. Nếu như bạn nghĩ đến một chuyến đi với đoàn lữ hành ở Tây Tạng, thì phải chuẩn bị trước khi bắt đầu cuộc hành trình. Bạn phải gom lại tất cả hành lý, và phải đặt nó trên lưng của những con thú. Nếu không chuẩn bị chu đáo thì không thể nào tham gia chuyến đi với đoàn lữ hành. Tương tự như vậy, sau khi dừng lại để nghỉ đêm và tiếp tục đi trong ngày hôm sau thì bạn phải tải hành lý lên lưng những con thú trở lại. Mỗi ngày thì bạn phải chuẩn bị như vậy, trước khi đi xa hơn trên đường đi.
Đây là ý chính của những pháp tu ngondro này. Việc hành trì chúng là điều hoàn toàn cần thiết, để thực hiện và duy trì cái gọi là “hành trình tâm linh”. Nếu như mình xem chúng như pháp tu sơ khởi, thì cũng có thể tính là mình sẽ không tu tập chúng, vì nghĩ rằng, “Tôi không cần phải thực hành pháp tu sơ khởi. Tôi chỉ muốn bắt tay vào pháp tu chánh thôi.”. Nhưng nếu như mình hiểu chúng là cách để giúp mình chuẩn bị cho chuyến đi xa, và tiếp sức thêm cho mình, để tiếp tục cuộc hành trình, thì ta sẽ đánh giá nó cao, và nhiệt tình khi tu tập chúng.
Những Cách Thực Hành Pháp Tu Ngondro
Cách mà pháp tu ngondro chuẩn bị cho hành trình tâm linh là tích tập công đức hay năng lượng tích cực, và giảm bớt ác nghiệp, hay tiềm năng tiêu cực. Rốt cuộc thì mình đã tạo ra thói quen suy nghĩ và hành động trên nền tảng của vô minh, và không nhận thức được thực tại từ vô thỉ. Điều này đã tạo ra mãnh lực lớn lao của ác nghiệp lực, cứ thúc đẩy mình tiếp tục hành động một cách cưỡng bách trong vô thức, theo cùng một lề thói. Phải có một sự nỗ lực lớn để vượt qua, và cuối cùng xóa sạch những đạo lộ bẩm sinh này, và tạo dựng những đạo lộ tích cực. Việc lập lại các pháp tu ngondro hàng trăm ngàn lần là một cách tốt để bắt đầu. Mặc dù việc lặp lại 100,000 lần một pháp tu thiện hảo nào đó thì rất nhỏ nhoi, so với việc lặp đi lặp lại những thói xấu trong vô lượng kiếp từ vô thỉ, nhưng các pháp tu ngondro sẽ bắt đầu tạo dựng những đường dây thần kinh mới trong tâm trí của mình.
Có hai phong cách hành trì ngondro: như cách chuẩn bị, khi bắt đầu việc tu học giáo pháp, hoặc như một sự thúc đẩy để phát huy chúng trên đường tu. Tất nhiên là cũng có phong cách thực hiện cả hai điều này.
(1) Trong nhiều truyền thống Tây Tạng thì vị thầy hướng dẫn các đệ tử mới hành trì một pháp tu ngondro ngay từ đầu. Nếu những người mới đồng ý thực hiện chúng thì thường là vì họ đã tìm đến với một vị thầy, để được thầy giúp đỡ, đối với việc khắc phục một số khó khăn mà họ phải đương đầu trong đời sống. Bởi vì họ có tín tâm và tự tin vào vị thầy, nên họ sẽ làm theo lời khuyên của thầy, để thực hành tu tập ngondro. Việc hành trì pháp tu ngondro sẽ thử thách sự cam kết của họ, và tạo ra kỷ luật, cũng như tính kiên trì.
Vấn đề là giúp cho đệ tử vượt qua bất kỳ chướng ngại tinh thần nào mà họ gặp phải, và giúp cho họ dễ tiếp thu những bước tu tập kế tiếp hơn. Cụ thể thì những bước tiếp theo là pháp tu Mật tông. Tuy các đệ tử mới có thể thọ nhận một số giáo lý kinh điển cơ bản trên đường tu, nhưng chỉ giáo chánh mà họ thọ nhận cho pháp tu ngondro thì liên quan đến chi tiết về các pháp quán tưởng và nghi lễ. Trong quá trình tu tập ngondro thì các đệ tử sẽ phát triển các tâm trạng và động lực đi kèm với các hành trì về thân và ngữ. Nhưng mục đích chánh dường như là thực hiện 100,000 lạy và những điều như vậy, và sau đó thì đi vào pháp tu Mật tông.
(2) Trong truyền thống Gelugpa thì các pháp tu ngondro được thực hiện trong quá trình tu tập, không phải vào lúc khởi đầu của pháp tu nhà Phật, và được thực hiện để phát huy cả hai pháp tu Kinh điển và Mật điển. Trọng tâm là trước tiên học hỏi và phát triển các tâm trạng sẽ đi kèm với việc lặp đi lặp lại pháp tu về khía cạnh thân và ngữ đến một mức độ nào đó, và cũng để phát triển động lực chân thành để hành trì pháp tu. Sau đó thì đệ tử sẽ đưa các pháp tu này vào trong quá trình tu học, và hành trì chúng theo lời khuyên của đạo sư, hoặc theo đề xướng riêng của họ, để tăng cường động lực và sự hiểu biết của mình.
Với bất cứ phương pháp nào thì hiểm họa chính mà mình phải tránh là khiến cho pháp tu trở nên máy móc, một là không có gì xảy ra trong tâm mình, trong khi hành trì chúng, hai là có thái độ tiêu cực đối với pháp tu. Tuy nhiên, khi được thực hành đúng thì cả hai phương pháp đều có hiệu quả như nhau. Chúng ta có thể thấy điều này từ các ví dụ cổ điển.
Tấm Gương Của Milarepa
Hành giả vĩ đại của phái Kagyu, tức Milarepa, đã tạo ra nhiều ác nghiệp trong giai đoạn đầu đời với việc tu tập ma thuật và vân vân, để trả thù những người thân đã lừa dối ngài và gia đình của ngài. Rõ ràng là ngài có rất nhiều trở ngại phải vượt qua, để thành công với việc tu tập giáo pháp. Thầy của ngài là Marpa đã không nói rằng, “Hãy hành trì 100,000 pháp tu này và 100,000 pháp tu kia”, như một pháp tu ngondro, mà thay vì vậy, đã bắt Milarepa xây dựng các tháp đá. Đây là công việc khó khăn không thể tưởng tượng, nhưng Milarepa rất hối hận về những điều mình đã làm trong quá khứ, và thật lòng muốn bù đắp cho điều này bằng cách nào đó, và noi theo đường tu nhà Phật, nên ngài đã có một động lực tích cực mạnh mẽ để thực hiện công việc khó khăn này, mà Marpa đã đặc biệt đề ra cho ngài, như một sự chuẩn bị, trước khi ban cho ngài lễ điểm đạo nào. Và Marpa đã không động lòng, cho đến khi ngài cảm thấy Milarepa đã tịnh hóa đủ ác nghiệp. Sau khi Milarepa hoàn thành tòa tháp thì Marpa nói rằng, “Không tốt. Hãy phá vỡ nó và xây dựng một cái khác!”.
Tấm Gương Của Tông Khách Ba
Một ví dụ kinh điển về những phong cách tu tập ngondro khác là về Tông Khách Ba (Tsongkhapa), người sáng lập truyền thống Gelug. Tông Khách Ba có rất nhiều thiên hướng mạnh mẽ về Phật pháp từ những kiếp trước. Khi ở tuổi hai mươi, ngài đã nghiên cứu toàn bộ Kangyur (Kinh tạng) và Tengyur (Luận tạng) - tất cả Kinh tạng, là lời thuyết Pháp của Đức Phật đã được chuyển dịch, và các bài luận giải về Kinh tạng từ Ấn Độ, và trước tiên, đã bắt đầu giảng dạy A Tỳ Đạt Ma (abhidharma), chủ đề kiến thức đặc biệt.
Lúc 32 tuổi, ngài đã viết tác phẩm lớn đầu tiên, Chuỗi Tràng Hạt Vàng Của Giảng Giải Xuất Sắc (Legs-bshad gser-'phreng), một bài luận giải lớn về Abhisamayalamkara, Hiện Quán Trang Nghiêm Luận, trích dẫn nhiều điểm trong Kangyur và Tengyur. Tác phẩm này mô tả chi tiết tất cả các giai đoạn của việc chứng ngộ Bát nhã ba la mật đa (Prajnaparamita) trên đường tu giải thoát và giác ngộ. Ở tuổi này, ngài cũng bắt đầu ban lễ điểm đạo Mật tông, đặc biệt là thực hành Diệu Âm Thiên Nữ (Sarasvati), vị phối ngẫu của Đức Văn Thù. Ngài cũng tiếp tục nghiên cứu Mật tông, đặc biệt là Kalachakra (Thời Luân). Trước khi thực hành pháp tu ngondro chính thức nào, như là lễ lạy, thì ngài cũng đã thực hiện khóa nhập thất Mật tông lớn đầu tiên, đó là Chakrasamvara. Trong khóa nhập thất đó, ngài cũng đã tu tập và tinh thông sáu pháp du già của Naropa và sáu pháp du già của Niguma.
Lúc 34 tuổi, ngài đã nghiên cứu miên mật về bốn bộ Mật điển, đặc biệt là giai đoạn viên mãn của Guhyasamaja và Kalachakra. Sau đó, ngài đã nghiên cứu thêm giáo pháp Trung đạo (Madhyamaka) về tánh không (Không tướng) với một vị Lạt ma vĩ đại, thuộc về phái Karma Kagyu, Lama Umapa. Vị Lạt ma này có linh kiến hàng ngày về Đức Văn Thù, và Tông Khách Ba đã tham vấn với Đức Văn Thù về Trung đạo, qua Lama Umapa. Sau đó, Tông Khách Ba và Lama Umapa đã thực hiện một kỳ nhập thất miên mật cùng với Đức Văn Thù, rồi thì Tông Khách Ba bắt đầu nhận được chỉ giáo trực tiếp từ Đức Văn Thù.
Vào thời điểm này, Tông Khách Ba cảm thấy mình vẫn chưa lãnh hội về Trung đạo và Guhyasamaja một cách đúng đắn, nên đã thỉnh cầu lời khuyên của Đức Văn Thù. Đức Văn Thù đã khuyên ngài nên thực hiện một khóa nhập thất dài về ngondro, rồi thì sẽ lãnh hội đầy đủ. Vào thời điểm đó, Tông Khách Ba đã thực hiện một khóa nhập thất bốn năm với tám đệ tử của ngài. Mỗi vị đã hoàn thành 100,000 lạy 35 lần – mỗi một lần dành cho 35 “vị Phật pháp sám hối” - và 100,000 lễ cúng dường mạn đà la 18 lần. Ngoài ra thì mỗi ngày, họ đều thực hiện lễ tự điểm đạo (self-initiation) Yamantaka dài, để làm mới giới nguyện. Họ cũng nghiên cứu Kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka Sutra), đó là một bài kinh dài, phác họa tất cả các hạnh Bồ tát. Đây là một trong số ít kinh điển được dịch từ tiếng Trung Hoa sang tiếng Tây Tạng, vì bản chánh văn tiếng Phạn đã bị thất lạc. Tông Khách Ba nói rằng chính là nhờ bài kinh này mà giáo pháp đầy đủ về Bồ tát hạnh đã được bảo tồn và có mặt ở đây. Nếu như không có bản kinh này thì chúng ta sẽ không có giáo pháp này nữa.
Vào cuối khóa nhập thất bốn năm này thì Tông Khách Ba có một linh kiến về Đức Di Lặc, nên khi xả thất thì ngài đã trùng tu lại tôn tượng của Đức Di Lặc trong ngôi chùa ở Dzingji Ling. Đức Di Lặc là vị Phật kế tiếp, và nhờ việc trùng tu tôn tượng này mà ngài đã tích tập nhiều công đức hơn nữa, bằng cách giúp những người nhìn thấy tôn tượng tạo ra nhân duyên với Đức Di Lặc.
Rồi thì ngài đã quay trở lại khóa nhập thất thêm năm tháng nữa với tám môn đệ này, để tiếp tục hành trì thêm pháp tu sơ khởi. Sau đó, ngài đã thực hiện một khóa nhập thất về giai đoạn viên mãn của Kalachakra, rồi một khóa nhập thất một năm về Trung đạo. Chính trong khóa nhập thất Trung đạo này mà cuối cùng, ngài đã có được nhận thức vô niệm về tánh Không, hoàn toàn cách mạng hóa giáo lý về tánh Không, và cách giảng giải nó.
Tấm gương về Tông Khách Ba rất truyền cảm và đầy tính minh họa. Tông Khách Ba không phải là một người trì độn; ngài cực kỳ thông minh. Ngài là học giả-hành giả thông thái nhất và cao cấp nhất trong thời đại của mình, và đã thực hiện tất cả những khóa nhập thất Mật tông này. Nhưng ngài vẫn không hài lòng với sự hiểu biết của mình về tánh Không, và chắc chắn cũng không hài lòng với sự hiểu biết của người khác. Và chính Đức Văn Thù, hiện thân của trí tuệ và trí thông tuệ, người đã nói với ngài rằng để có một sự đột phá về chứng ngộ tánh Không vô niệm chính xác, thì ngài phải hành trì các pháp tu ngondro miên mật, để tích tập thêm công đức, và tịnh hóa ác nghiệp. Đó là gương mẫu cho cách thực hiện chúng trong quá trình tu học của các bạn, như một cách để phát huy hiệu quả của chúng.
Tôi đã noi theo gương mẫu của Tông Khách Ba một phần nào, theo một cách đã được sửa đổi. Trong khi sống ở Ấn Độ và đang viết lách hay dịch thuật một tác phẩm nào thì đôi khi, tôi sẽ gặp chướng ngại. Công việc sẽ không đi đến đâu cả. Vào những lúc như vậy thì tôi sẽ chấp nhận lời mời để đến thăm các quốc gia khác, và thuyết pháp tại các trung tâm và trường đại học Phật giáo. Tôi đã gọi những chuyến đi này là “những khóa nhập thất bồ đề tâm”, vì tôi đang đi khắp nơi để giảng dạy, chia sẻ và cố gắng giúp đỡ mọi người, nên sẽ tích tập thêm công đức. Khi trở về Ấn Độ thì đầu óc tôi sẽ tỉnh táo hơn nhiều, và thường thì có thể vượt qua bất cứ điều gì đang ngăn trở mình trước đó.
Bây giờ thì cũng vậy, trong khi đang viết lách hay dịch thuật, mà không thể bày tỏ ý kiến một cách chính xác, hoặc không tìm ra cách để trình bày điều gì một cách rõ ràng và đơn giản, thì tôi sẽ dừng lại và trì chú của Đức Văn Thù và Diệu Âm Thiên Nữ một chút, với pháp quán tưởng đặc biệt, thì chắc chắn trí óc tôi sẽ trở nên sáng suốt hơn, và có thể đưa ra một giải pháp.
Pháp Tu Ngondro Thông Thường Và Phi Thường
Có hai giai đoạn trong pháp tu ngondro. Theo truyền thống Nyingma thì chúng được gọi là “ngoại ngondro” và “nội ngondro”, trong khi các truyền thống Tây Tạng khác chỉ định một “ngondro thông thường” và “ngondro phi thường”. “Thông thường” có nghĩa là phổ biến cho cả Kinh điển và Mật điển, trong khi “phi thường” có nghĩa là dự bị đặc biệt cho pháp tu Mật tông. Có lẽ một cách rõ ràng hơn để dịch các thuật ngữ này là pháp tu ngondro “được chia sẻ” và “không chia sẻ”. Tuy nhiên, dù cho chúng được gọi là gì đi nữa, thì nhiều pháp tu nội ngondro và không chia sẻ, chẳng hạn như quy y và bồ đề tâm, đều phổ biến cho cả Kinh điển và Mật điển.
Những pháp tu ngondro được chia sẻ thì trên cơ bản là cái gọi là giáo pháp “lam-rim, trình tự đường tu giác ngộ”, trong truyền thống Gelug. Trong trường phái Kagyu thì có “bốn tư tưởng hướng tâm về Pháp”, tương ứng với các pháp tu ngoại ngondro của Nyingma. Truyền thống Sakya thì trình bày “thoát khỏi bốn sự bám chấp”. Có rất nhiều cách khác nhau để cấu trúc cùng một tài liệu kinh điển trong các truyền thống Tây Tạng khác nhau. Việc mình tu tập với pháp tu ngondro nào thì không quan trọng. Một số ngondro có thể cung cấp nhiều chi tiết hơn những ngondro khác, về một số điểm nào đó, nhưng về cơ bản thì tất cả đều giống nhau.
Đối với những ngondro không được chia sẻ thì có nhiều thể loại có thể được thực hiện, mỗi một pháp tu được lặp lại 100,000 lần, hay 108,000 lần, hoặc 130,000 lần. Ngondro tiêu chuẩn của dòng Kagyu bao gồm lễ lạy, trì tụng mật chú Kim Cang Tát Đỏa 100 âm, cúng dường mạn đà la và guru-yoga. Mỗi kho tàng giáo pháp (terma) truyền thống của Nyingma có một bộ ngondro riêng. Nhưng vị thầy có thể sửa đổi các ngondro tiêu chuẩn và phát họa ra pháp tu cá nhân cho một đệ tử nào đó. Trong trường hợp của tôi thì Đức Dalai Lama đã dạy tôi nên trì tụng 600,000 mật chú Đức Quán Thế Âm và 600,000 mật chú Đức Văn Thù vào thời kỳ đầu của việc nghiên cứu giáo pháp. Sau đó, theo sáng kiến riêng của mình thì tôi đã trì tụng 100,000 mật chú Kim Cang Tát Đỏa, và trước khi thực hiện khóa nhập thất Mật tông dài đầu tiên thì Serkong Rinpoche đã bảo tôi trì tụng 100,000 lần câu kệ guru-yoga của Tông Khách Ba. Tất nhiên là mỗi pháp tu này không chỉ liên quan đến pháp quán tưởng, mà còn tạo ra các tâm trạng cụ thể đi kèm.
Riêng tôi thì nghĩ rằng cuối cùng, không có sự khác biệt nào về việc bạn sẽ tu tập loại pháp tu sơ khởi nào. Pháp tu ngondro cụ thể nào mà bạn thực hành, sẽ giúp bạn gắn bó chặt chẽ với một dòng truyền thừa cụ thể, và điều đó rất ích lợi và cần thiết. Tuy nhiên, tất cả các dòng truyền thừa đều đưa đến cùng một mục tiêu, đó là giác ngộ. Vì vậy nên cuối cùng thì chúng đều giống nhau. Bạn không thể nói pháp tu này hay hơn pháp tu kia, vì hiệu quả của chúng phụ thuộc vào động lực của bạn, cũng như tâm trạng và mức độ định tâm đi kèm.
Hơn nữa, dù có tu tập theo truyền thống Tây Tạng nào thì mỗi một nghi quỹ Mật tông đầy đủ mà bạn thực hiện đều có phần chuẩn bị với lễ lạy, cúng dường mạn đà la, Kim Cang Tát Đỏa và guru-yoga (bổn sư du già). Điều này cho thấy rõ là mình cần phải có những pháp tu ngondro chính trên suốt đường tu.
Chín Pháp Tu Ngondro Phi Thường Trong Truyền Thống Gelug
Trong truyền thống Gelug thì có chín pháp tu ngondro phi thường truyền thống, mà bạn sẽ lặp lại 100,000 lần mỗi một pháp tu. Dù có chín pháp tu, nhưng không có nghĩa là tất cả mọi người phải thực hành tất cả chín pháp tu này. Thầy của bạn có thể bảo bạn chỉ hành trì một vài pháp tu trong số này, hoặc tu tập pháp tu nào khác. Chín pháp tu này được hành trì trong bối cảnh của bài cầu nguyện “Trăm Đấng Hộ Phật Cõi Trời Đâu Suất, (Ganden Lhagyama).
(1) Lễ lạy - được thực hiện trong khi quy y và trì tụng hồng danh của 35 vị Phật trong pháp sám hối, và 8 vị Phật Dược Sư. Serkong Rinpoche nói rằng bạn chỉ cần trì tụng hồng danh của tất cả các vị Phật này trong một bận. Không phải là lạy một lạy khi trì tụng một hồng danh, mà bạn chỉ cần tụng hết các hồng danh trong một bận, và trong khi làm điều đó thì lễ lạy. Nếu không thì bạn có thể rất bối rối, và khá lo âu, trong khi cố gắng phối hợp pháp lễ lạy và trì tụng hồng danh. Trong một số truyền thống khác thì trong khi lễ lạy, bạn sẽ tụng một bài Thất Chi Nguyện. Trên thực tế thì có rất nhiều bài tụng khác nhau mà bạn có thể tụng trong khi lễ lạy. Cuối cùng thì tôi không nghĩ là có sự khác biệt nào. Bạn chỉ cần tu tập ngondro theo cách của dòng truyền thừa của bạn mà thôi.
(2 & 3) Cúng dường mạn đà la, cùng với quy y và bồ đề tâm – những pháp tu ngondro thứ hai và thứ ba này được thực hiện chung với nhau trong truyền thống Gelug. Bạn sẽ cúng dường một mạn đà la, trong khi trì tụng không chỉ bài cúng dường mạn đà la tiêu chuẩn, mà còn tụng thêm lời quy y và bồ đề tâm tiêu chuẩn nữa. Trong một số các dòng truyền thừa khác thì hai pháp tu này được thực hiện riêng biệt.
(4) Chén nước – bạn sẽ cúng dường 100,000 chén nước, bằng nước tinh khiết và trong sạch.
(5) Guru-yoga – trong truyền thống Gelug thì guru-yoga được thực hành bằng cách trì tụng “migtsema” (dmigs-brtse-ma) mà Tông Khách Ba đã sáng tác để dâng lên Rendawa, vị thầy phái Sakya của ngài, người đã trao tặng nó lại cho ngài. Cho dù bạn trì tụng phiên bản năm dòng hay chín dòng thì tôi không nghĩ là có sự khác biệt gì. Một lần nữa thì bạn sẽ làm bất cứ điều gì mà thầy của mình đề nghị.
Có rất nhiều pháp tu guru yoga khác nhau, với rất nhiều vị bổn sư khác nhau. Dù cho bạn có hành trì pháp tu này với Guru Rinpoche hay Karma Pakshi (Đức Karmapa thứ Hai) hay với Gampopa, Milarepa, Marpa hay Virupa, thì một lần nữa, tôi không nghĩ là có sự khác biệt gì. Nó sẽ kết nối bạn với dòng truyền thừa cụ thể của đạo sư đó, nhưng ở mức độ tối hậu thì các ngài đều là Phật. Vấn đề là phải ràng buộc hay kết nối thân, khẩu, ý của mình với thân, khẩu, ý của chư Phật, được đại diện bằng vị bổn sư của dòng truyền thừa, nhưng tất nhiên là bạn vẫn giữ cá tính của mình.
Nếu như sẽ hành trì một pháp tu guru-yoga, mà bạn sẽ quán tưởng hay tưởng tượng vị bổn sư (guru) trong sắc tướng của một đạo sư của dòng truyền thừa, thì sẽ rất hữu ích, nếu như bạn biết điều gì về lịch sử của vị đạo sư này, và thấy nó đầy cảm hứng. Nó phải truyền cảm hứng. Nếu không thì sẽ không hiệu quả đối với mình.
(6) Mật chú Kim Cang Tát Đỏa 100 âm - có nhiều sắc tướng Kim Cang Tát Đỏa khác nhau - như một Hộ Phật đơn, hay có vị phối ngẫu. Với câu mật chú thì có phiên bản tiêu chuẩn, dựa vào Guhyasamaja, nhưng cũng có phiên bản Yamantaka, phiên bản Heruka và phiên bản Padma. Trong mỗi một phiên bản này thì một vài chữ được thay thế. Đôi khi, một số dòng được đảo ngược theo thứ tự của chúng. Cuối cùng thì dù bạn có tụng phiên bản nào thì cũng không có gì khác biệt. Bất cứ phiên bản nào được thầy của mình giới thiệu và thực hành trong dòng truyền thừa của mình đều tốt cả. Tất cả đều hữu hiệu. Trong đạo Phật thì có rất nhiều, rất nhiều phiên bản khác nhau của hầu hết mọi pháp tu.
(7) Mật chú Mật Thệ Kim Cang – Mật Thệ Kim Cang (Samayavajra; dam-tshig rdo-rje) là một hình thức của Bất Không Thành Tựu Như Lai (Amoghasiddhi) xuất phát từ Mật điển Guhyasamaja. Việc trì tụng mật chú của ngài sẽ tịnh hóa những điều mà bạn đã vi phạm trong mối quan hệ chặt chẽ (dam-tsig, samaya) với đạo sư của mình.
(8) Tsa-tsa - tsa-tsa là những bức tượng nhỏ bằng đất sét của những vị Hộ Phật khác nhau mà bạn đúc bằng khuôn. Ở Tây Tạng thì có rất nhiều vùng đất trống, nơi bạn có thể xây dựng một ngôi đền nhỏ để thờ 100,000 tsa tsa, nhưng ở phương Tây thì điều này khó khăn hơn. Tôi tin rằng chính Lama Zopa đã nảy ra ý tưởng sử dụng nhiều khay làm nước đá với một cái khuôn. Bạn sẽ làm tsa-tsa bằng nước và để cho chúng đông đặc lại. Sau đó, bạn để cho chúng tan ra, rồi lại đổ nước đầy khay nữa. Việc làm tsa-tsa sẽ tích tập nhân để có được tôn thân của một vị Phật.
(9) Vajradaka cúng dường hỏa tịnh – đôi khi, hình tượng này được biết bằng tên Zache-kadro (Za-byed mkha’-’gro) trong tiếng Tây Tạng. Đây là một pháp tu tương tự như Kim Cang Tát Đỏa, để tịnh hóa ác nghiệp. Bạn sẽ làm điều đó bằng cách trì tụng mật chú, trong khi cúng dường hạt mè vào trong một lò than. Nó là một quá trình vật lý, tạo hình hơn nhiều, để tưởng tượng ra pháp tịnh hóa.
Cách Thực Hành Pháp Tu Ngondro
Vậy thì làm sao hành trì pháp tu ngondro? Trong một số truyền thống, đặc biệt là những truyền thống mà bạn thực hành một pháp tu ngondro vào lúc bắt đầu tu tập Pháp, thì sẽ hành trì tất cả các pháp tu sơ khởi một cách liên tiếp. Nếu như bạn sẽ thực hiện một khóa nhập thất ba năm thì nó cũng giống như vậy. Trong một số truyền thống thì phần đầu tiên của khóa nhập thất ba năm là tu tập ngondro một lần nữa.
Một số người có thể hành trì những pháp tu này suốt ngày. Chẳng hạn như ở Bồ Đề Đạo Tràng hay Boudanath thì bạn thấy người Tây Tạng lạy 100,000 lạy, với tốc độ 3,000 lạy mỗi ngày. Đối với hầu hết chúng ta thì điều đó gần như bất khả thi. Nhưng bạn cũng có thể chỉ thực hiện con số khiêm tốn hơn mỗi ngày – một là trong bốn thời một ngày, hoặc chỉ một thời vào buổi sáng và một thời buổi tối, hay chỉ một thời mỗi ngày. Dù bạn tu tập ra sao, thì điều rất quan trọng là chỉ trì tụng ba lần trong thời khóa đầu trong ngày đầu tiên, và không hơn thế nữa. Rồi thì con số này sẽ trở thành con số tối thiểu mà bạn phải hành trì mỗi ngày. Nếu như bạn bị bệnh, hay đang đi du lịch, hay làm gì đó, thì cách này sẽ làm cho việc tu tập thuận tiện hơn. Đây cũng là chỉ giáo để thực hiện một cuộc nhập thất về một vị Hộ Pháp, là chỉ trì tụng mật chú ba lần trong lần đầu tiên thôi. Serkong Rinpoche nhấn mạnh điều đó rất nhiều, bởi vì khi người ta bị bệnh, thì sẽ gặp khó khăn. Bạn không muốn mất đi tính liên tục. Nếu như mất đi hành trì liên tục, thì bạn phải bắt đầu lại từ đầu. Và nếu như tu tập một cách đúng đắn, thì mỗi ngày, bạn phải hành trì ở cùng một nơi chốn, trên cùng một chỗ ngồi.
Thỉnh thoảng, cũng có ngoại lệ. Theo kinh nghiệm bản thân thì một lần nọ, tôi đang nhập thất ở Dharamsala, và được yêu cầu đến Manali để thông dịch cho lễ điểm đạo và buổi thuyết pháp của Đức Dalai Lama. Tôi đã do dự về việc xả thất nửa chừng và ra đi, nhưng Serkong Rinpoche đã mắng tôi và nói rằng, “Tất nhiên là con phải đi. Đừng bao giờ thắc mắc hay nghi ngờ về việc này. Chỉ cần hành trì số mật chú tối thiểu mỗi ngày, rồi quay trở lại đây để tiếp tục nhập thất.”. Việc ngoại lệ như vậy thì được. Và 100,000 không phải là quá nhiều, nếu như bạn nghĩ về nó. Giống như pháp tu Kim Cang Tát Đỏa thì cách mà tôi đã làm là trì tụng mật chú này 300 lần mỗi ngày, và sẽ hoàn thành 100,000 lần trong một năm. Nó không phải là điều kinh khủng, hay khó khăn để trì tụng 300 mật chú nào trong một ngày.
Cách Tránh Vấn Đề Trở Nên Máy Móc
Yếu tố chính sẽ ngăn ngừa việc những pháp tu ngondro này trở thành máy móc là có động lực đúng đắn để tu tập chúng, như quy y và bồ đề tâm. Thêm vào đó, cần phải biết khi nào thì nên nghỉ ngơi một chút, và không công phu quá mạnh mẽ trong một thời khóa. Càng hiểu biết nhiều hơn về những điều mình đang làm, và tại sao mình lại làm điều đó, và càng khẳng định điều này mạnh mẽ hơn, trước khi bắt đầu một thời khóa, thì mình sẽ càng ít gặp vấn đề hơn, khi thực hiện nó. Rồi thì sẽ không phải là: “Tôi đang tu tập điều này, bởi vì thầy tôi bảo tôi làm như vậy, và tôi muốn trở thành một chàng trai hay cô gái tốt, và muốn thầy yêu thích mình”, hay “Tôi muốn làm cho xong cái phần kinh khiếp này”, giống như một loại thuế ác độc mà tôi phải trả, để có được những điều tốt đẹp, những điều thuộc về Mật tông, sẽ theo sau pháp tu này.
Tu Tập Theo Nhóm
Một điểm cuối cùng là có một số người nhập thất ngondro theo nhóm. Đây không phải là phương pháp truyền thống, mà là một phương pháp được phát triển đặc biệt cho người Tây phương. Có thể có những người khác ở bảo tháp Bồ Đề Đạo Tràng lạy 100,000 lạy, nhưng không phải là họ ở trong một nhóm, và người chủ trì nói rằng “Bây giờ thì hãy bắt đầu”, và tất cả mọi người cùng hành trì với nhau. Mọi người đều lễ lạy theo tốc độ riêng của mình.
Ưu điểm chính của một khóa nhập thất theo nhóm, hay sinh hoạt theo nhóm - dù là ngondro, một số pháp tu Hộ Pháp, hay thiền quán về lam-rim - là nó giúp cho bạn có tính kỷ luật. Nếu như không có nhóm thực hành pháp tu này và áp lực của nhóm, thì bạn sẽ không hành trì pháp tu ấy. Nó giống như đi đến một câu lạc bộ thể lực, và tập luyện với huấn luyện viên. Bạn sẽ tập thể dục nghiêm ngặt trong một tiếng đồng hồ, bởi vì nó là một lớp học, hay khóa tập luyện riêng với huấn luyện viên, và đó là hoàn cảnh. Hầu hết mọi người sẽ không bao giờ làm điều đó một mình. Vậy thì bạn có được lợi thế này, đối với việc tu tập theo nhóm. Ngay cả những người tự tập tạ và máy móc cũng không tập luyện ở nhà. Họ phải đi đến một nơi nào đó, để có một bầu không khí nào đó, nơi mà người khác cũng đang làm điều đó, rồi thì họ sẽ có kỷ luật để tập luyện. Tốt, như vậy thì rất tốt, nếu như việc này giúp ích cho bạn.
Nhược điểm của việc tu tập theo nhóm là bạn không thể hành trì theo tốc độ riêng của mình. Một là nhóm hành trì quá nhanh, hai là quá chậm đối với bạn, và điều này có thể khiến cho bạn rất bực mình. Đối với một số người thì tốt hơn là hành trì theo tốc độ riêng của mình. Nhờ vậy mà họ sẽ cảm thấy thoải mái với những gì họ đang tu tập. Vì vậy, nếu bạn sẽ thực hiện một khóa nhập thất theo nhóm, thì hãy cẩn thận để sự bức xúc và thù hằn không xuất hiện, nếu như tốc độ của nhóm sẽ khác với tốc độ thoải mái của riêng mình.
Kết Luận
Đây là vài lời giới thiệu về pháp tu ngondro – những pháp tu mà ta sẽ hành trì để chuẩn bị cho bước tiếp theo.
Việc xem toàn bộ đường tu như một cuộc phiêu lưu lớn là điều hữu ích. Đương nhiên là nó sẽ rất khó khăn - nếu như bạn đi bộ với một đoàn lữ hành từ vùng này sang vùng khác ở Tây Tạng, thì sẽ khó khăn - nhưng đó là một cuộc phiêu lưu, một chuyến phiêu lưu đáng giá. Sẽ có nhiều thử thách trên đường đi, nhưng nếu như mình tự chuẩn bị bằng những pháp tu ngondro này, và thỉnh thoảng tiếp sức cho tự thân bằng những pháp tu này, thì cuối cùng, ta sẽ đạt được mục tiêu của mình.