Giáo Huấn Bảy Điểm Nhân Quả Để Phát Bồ Đề Tâm

Bồ đề tâm là mục tiêu để đạt Phật quả, để giúp đỡ tha nhân một cách trọn vẹn và khả dĩ. Phương pháp bảy điểm nhân quả được dùng để phát khởi mục tiêu này và củng cố nó, một khi nó đã được khai triển thì ta sẽ trải qua một quá trình cảm xúc và hiểu biết, khởi đầu bằng tâm xả, nhờ việc thừa nhận tất cả mọi người đều đã từng là mẹ của mình, để nhớ đến tình thương của mẹ, và với lòng tri ân, ta sẽ ước mong đền đáp lòng nhân từ ấy. Điều này đưa đến việc phát tâm từ bi bình đẳng đối với tất cả mọi người, một sự quyết tâm phi thường, và kết quả của chuỗi nguyên nhân này là bồ đề tâm.

Dẫn nhập

Ta đã có được kiếp người quý báu, với tất cả tự do và thuận lợi để giúp mình theo đuổi đường tu của đạo Phật. Tuy nhiên, những sự tự do và thuận lợi này không tồn tại mãi mãi. Vì vậy, nên lợi dụng những điều thuận lợi mà mình có được một cách trọn vẹn.

Cách tốt nhất để lợi dụng kiếp người quý báu là sử dụng nó để phát triển bồ đề tâm. Bồ đề tâm là tâm ý  nhắm vào giác ngộ của riêng mình, là điều chưa xảy ra trong lúc này, nhưng sẽ được quy gán vào dòng tâm thức về sau, trên nền tảng của Phật tính, giúp cho việc thành tựu giác ngộ.

Các yếu tố này bao gồm việc tích lũy công đức và trí tuệ, những phẩm hạnh thiện hảo và tính thanh tịnh tự nhiên của tâm thức. Bồ đề tâm được đi kèm với hai chủ ý: thành tựu giác ngộ càng sớm càng tốt, và qua đó, tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh.

Khi phát bồ đề tâm, ta sẽ phát triển hai chủ ý theo thứ tự ngược lại: Trước hết, ta hoàn toàn có chủ ý làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh, không chỉ cho con người. Điều này được phát sinh nhờ lòng từ bi và lòng quyết tâm phi thường mà chúng ta sẽ bàn đến sau trong buổi thuyết giảng này. Tiếp đó, ta sẽ nhất tâm thành tựu giác ngộ và thành Phật, để mang lại lợi ích cho chúng sinh một cách hữu hiệu nhất.

Chúng ta cần đạt được giác ngộ, để loại bỏ những giới hạn và khiếm khuyết, vì hiểu rằng chúng ngăn cản mình giúp đỡ người khác bằng cách tốt nhất. Giả dụ, nếu như nổi giận với người khác thì làm sao mình có thể giúp đỡ họ được? Hơn nữa, chúng ta cần đạt được giác ngộ để thực chứng tất cả những tiềm năng của mình. Ta cần phải chứng ngộ chúng một cách viên mãn, để có thể sử dụng chúng, nhằm tạo lợi lạc cho tha nhân. Như vậy, khi phát triển bồ đề tâm, không phải là mình muốn thành Phật trước, bởi vì đó là trạng thái cao cả nhất, rồi giống như  phải trả một loại thuế ác ôn nên mình cần phải giúp đỡ người khác.

Có hai phương pháp chính để phát bồ đề tâm. Một là bằng giáo lý 7 điểm nhân quả, hai là bằng cách bình đẳng hóa và hoán chuyển thái độ của mình về tự thân và tha nhân. Ở đây, trong hai phương pháp, chúng ta sẽ thảo luận về phương pháp thứ nhất.

Phát Tâm Xả

Giáo lý 7 điểm nhân quả có sáu bước làm nhân cho bước thứ bảy, là việc phát bồ đề tâm thật sự. Nó bắt đầu bằng bước sơ khởi, không nằm trong bảy bước kia. Đó là việc phát tâm xả, giúp mình khắc phục sự lôi cuốn hay luyến ái với ai đó và cự tuyệt hay dửng dưng với kẻ khác. Điều thiết yếu của bước sơ khởi là mở tâm bình đẳng với tất cả mọi người.

Sự hiểu biết mọi người đều bình đẳng là điều cần thiết cho việc mở lòng bình đẳng với tất cả mọi người, xuất phát từ nhận thức rằng tâm thức tương tục hay dòng tâm thức vốn vô thủy vô chung. Vì thế, ở một thời điểm nào đó, tất cả mọi người đã từng là bạn của mình, đã từng là kẻ thù của mình, đã là người xa lạ, và địa vị của họ luôn luôn thay đổi. Theo ý nghĩa đó thì tất cả mọi người đều giống nhau.

Điểm chính cần phải hiểu đằng sau lối suy nghĩ này là tâm vô thủy. Đây là suy đoán cơ bản trong Phật giáo. Tái sinh liên hệ đến sự tiếp nối của kinh nghiệm. Những dòng tâm thức là sự tiếp nối của kinh nghiệm. Chúng có tính cách cá thể và không có bản thể cố hữu như người, súc vật, nam hay nữ. Hình thức sinh tồn và giới tính mà một dòng tâm thức biểu hiện trong bất cứ một tái sinh nào thì tùy thuộc vào nghiệp lực xảy ra trước đó và hậu quả của nó.

Quan điểm về tâm vô thủy là sự hiểu biết căn bản, cần thiết để có khả năng phát bồ đề tâm, bởi vì dựa trên sự hiểu biết này, nó trở nên khả dĩ để phát tâm từ bi cho tuyệt đối tất cả mọi người. Ta không nhìn những chúng sinh khác chỉ như một con muỗi, ví dụ vậy, mà đúng hơn là thấy chúng sinh này như một dòng tâm thức dài riêng biệt mà trong đời này mang sắc tướng của một con muỗi, vì nghiệp của nó; nên nó không phải là con muỗi cố hữu. Điều này giúp cho tâm mở rộng đối với con muỗi, cũng như con người. Sức mạnh của bồ đề tâm bắt nguồn từ sự kiện là với tâm bồ đề, ta sẽ có chủ ý làm lợi lạc cho tuyệt đối tất cả mọi người. Dĩ nhiên là điều này không dễ.

1/ Thừa Nhận Tất Cả Mọi Người Đều Đã Từng Là Mẹ Của Mình

Với tâm xả, một khi có khả năng thấy tất cả chúng sinh đều là những dòng tâm thức riêng biệt, mà không hề phủ nhận sắc tướng của họ trong đời này thì mình đã sẵn sàng cho bước thứ nhất trong bài thiền 7 điểm nhân quả. Đó là việc thừa nhận mỗi chúng sinh, ở một thời điểm nào đó, đã từng là mẹ của mình. Cách lập luận ở đây là chúng ta đều có một người mẹ trong kiếp này, thì cũng giống như vậy, trong tất cả những kiếp mà mình đã được sinh ra từ một tử cung hay một cái trứng thì mình đã có một bà mẹ. Từ lý luận về tái sinh vô thủy và dữ kiện là có vô số chúng sinh, mỗi người đều đã từng là mẹ của mình, và chúng ta cũng đã từng là mẹ của họ. Họ cũng là cha của mình, là bạn thân của mình, v.v... .

Khi xem mỗi người như đã từng là mẹ của mình thì nên cẩn thận, đừng nghĩ rằng việc làm mẹ của mình là bản thể cố hữu của bất cứ ai, bởi vì điều đó cũng có thể tạo ra chút rắc rối. Phải cố gắng không bao giờ mất đi tri kiến Không tướng (tánh Không), sự vắng bóng của những bản thể có tự tánh cố định.

Việc thừa nhận mỗi người đã là mẹ của mình sẽ thay đổi cách ta liên hệ với người khác một cách triệt để. Ở đây, ta sẽ vượt xa hơn việc chỉ có tâm xả đối với mọi người. Ta thấy rằng mình đã và vẫn có thể có quan hệ chặt chẽ, ấm áp và thân thương với tất cả mọi người.

2/ Nhớ Đến Lòng Nhân Từ Của Tình Mẫu Tử

Bước thứ nhì trong 7 bước là nhớ lại lòng nhân từ của tình mẫu tử. Đối với nhiều người Tây phương thì đây là bước rắc rối trong bài thiền, bởi vì người Ấn Độ và người Tây Tạng luôn luôn lấy người mẹ trong kiếp này làm thí dụ. Trong những xã hội này, dường như phần lớn người ta ít có những mối quan hệ loạn tâm thần hay khó khăn với người mẹ hơn là trong các xã hội Tây phương. Điều đó đúng hay sai, dĩ nhiên, sẽ khác nhau trong những trường hợp cá nhân. Tuy nhiên, sau khi đã sống trong xã hội Ấn Độ và Tây Tạng 29 năm thì tôi sẽ nói bằng sự quan sát của chính mình, rằng mối liên hệ giữa những đứa con đã trưởng thành và mẹ của họ ở hai nước này rất ít loạn tâm thần hơn là ở phương Tây.

Bước thiền quán này là nhớ đến việc mẹ mình đã nhân từ như thế nào, hay đã nhân từ ra sao, trong trường hợp bà đã mất, đi ngược về thời gian bà đã cưu mang ta trong bụng. Rồi hãy mở rộng điều này, nghĩ rằng mọi người đều đã thể hiện lòng nhân từ tương tự như vậy đối với mình trong những kiếp trước.

Nhiều người khi giảng dậy cho người Tây phương thì nói rằng không sao cả, nếu bạn có vấn đề với mẹ thì thay vì vậy, hãy nghĩ tới cha của mình, một người bạn thân hay bất cứ ai đã tỏ lòng nhân từ cao cả đối với bạn. Theo cách này thì bạn sẽ không bị kẹt khi cố gắng thực hành bài thiền quán này. Tôi nghĩ đó là một cách tiếp cận hữu ích. Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu mình có khó khăn trong quan hệ mẫu tử thì điều rất quan trọng là giải quyết nó và không bỏ qua việc này. Nếu không có liên hệ lành mạnh với mẹ thì sẽ rất khó để có được quan hệ yêu thương lành mạnh với bất cứ ai khác. Ta sẽ luôn luôn có vấn đề. Do đó, tôi nghĩ việc xem xét mối quan hệ hiện tại với mẹ của mình và cố gắng nhận thức lòng nhân từ của bà là điều rất quan trọng, bất kể mối quan hệ này đã, hoặc đang gặp khó khăn như thế nào.

Trước hết, cần xem xét tình mẫu tử lý tưởng. Các bản văn cổ điển có đầy sự mô tả về chuyện này: ví dụ,  bạn sẽ nhìn thấy nó trong nhiều loài động vật. Chim mẹ sẽ ấp trứng, chẳng kể lạnh hay ướt, và khi trứng nở, nó sẽ bắt côn trùng và nhai, nhưng không nuốt, rồi mang về cho chim con. Điều này thật hết sức lạ thường.

Dĩ nhiên, trong thế giới loài vật và côn trùng cũng có những ví dụ mẹ ăn thịt con, nhưng chúng vẫn trải qua nhiều khó khăn khi sinh con. Dù là mẹ ruột hay là mẹ sinh con giùm thì ai đó đã cưu mang ta trong tử cung. Ngay cả nếu mình được thụ thai trong ống nghiệm thì ai đó đã trông nom và giữ đúng nhiệt độ trong ống nghiệm. Dù mẹ của mình có muốn cưu mang mình hay không thì chuyện đó không đáng quan tâm. Việc cưu mang mình trong bụng mà không phá thai là lòng nhân từ vô hạn; nó không thoải mái cho bà chút nào. Mẹ đã chịu nhiều đau đớn khi sinh ra ta. Hơn nữa, khi còn là trẻ thơ, ai đó đã phải thức giấc lúc nửa đêm để cho ta ăn, săn sóc ta; nếu không thì mình cũng không sống nổi. Những điều như thế được nhấn mạnh trong các bản văn cổ điển.

Nếu gặp khó khăn với mẹ thì tôi nghĩ nên xem cách khởi đầu từ những bài thiền về bổn sư trong bản văn lam-rim của Đức Dalai Lama thứ Năm là manh mối. Rất nhiều bản văn ra đời sớm hơn nói rằng hầu như không thể nào tìm ra một vị thầy tâm linh chỉ có những phẩm hạnh thiện hảo. Không có vị thầy nào là lý tưởng; mỗi người là một hỗn hợp của những ưu điểm và khuyết điểm. Điều chúng ta muốn làm trong pháp thiền quán về vị thầy tâm linh là tập trung vào những phẩm chất tốt đẹp và lòng nhân từ của thầy, để phát triển lòng kính trọng, nguồn cảm hứng và cảm kích lớn lao. Điều này sẽ thúc đẩy mình tự phát triển những phẩm chất tốt đẹp và lòng nhân từ.

Đức Dalai Lama thứ Năm đã giải thích rằng trong quá trình thực hiện việc này thì không cần phải phủ nhận các khiếm khuyết hay lỗi lầm của thầy. Đó là điều ngây thơ. Mình sẽ thừa nhận những thiếu sót, nhưng tạm gát chúng qua một bên trong lúc này, bởi vì nghĩ về những lỗi lầm của thầy chỉ đưa đến sự phàn nàn và thái độ tiêu cực. Nó chẳng mang lại cảm hứng chút nào. Chỉ có cách tập trung vào những phẩm chất tốt đẹp và lòng nhân từ thì mình mới có cảm hứng.

Vậy thì trước hết, ta sẽ thừa nhận những thiếu sót, nhưng cần phải thành thật khảo sát xem những thiếu sót này có thật hay không, hay chỉ là sự phóng chiếu từ phía mình. Nếu chúng chỉ được phóng chiếu mà không phải là sự thật thì hãy buông bỏ chúng hoàn toàn. Kế đó, cần phải khảo sát xem những thiếu sót không do tưởng tượng là những điều hiện tại vị thầy đang có, hay đó là chuyện xưa cũ mà ta không muốn bỏ qua. Nếu những lỗi lầm không còn trong hiện tại thì đừng nghĩ đi nghĩ lại, bởi vì chúng chẳng còn quan trọng nữa. Một khi biết rõ những lỗi lầm đang thật sự xảy ra trong hiện tại là gì thì mình sẽ chấp nhận đó là những sai lầm trong hiện tại của thầy. Sau đó, hãy tạm để chúng qua một bên và thay vào đó, tập trung vào những phẩm chất tốt lành.

Tôi nghĩ một phương thức tương tự như vậy là thích hợp, và có thể tiến hành rất tốt, trong khi quan sát lòng nhân từ của những bà mẹ của mình. Chẳng có bà mẹ nào của ai là lý tưởng cả. Nếu cũng là bố mẹ thì ta sẽ biết nỗi khó khăn không mường tượng nổi để làm cha mẹ lý tưởng, vậy thì cũng không nên trông mong bố mẹ của mình là người lý tưởng. Rồi thì hãy xem xét những lỗi lầm và khiếm khuyết mà mẹ ta đang có, hoặc đã có, và cố tìm hiểu các nhân duyên đã đưa đến những thiếu sót này.

Bà không phải là một người xấu cố hữu, cũng như không có dòng tâm thức nào là con muỗi cố hữu (cũng là điều không phiền toái một cách cố hữu). Phải chắc chắn là mình không phóng chiếu những khiếm khuyết của mình cho người mẹ, hay nghĩ mãi về chuyện xưa cũ, rồi hãy để qua một bên tất cả những lỗi lầm tưởng tượng  trong lúc này, cũng như bỏ qua tất cả những lỗi lầm trong quá khứ và hiện tại. Ta sẽ nói không sao, bà đang có, hoặc đã có những lỗi lầm, nhưng bà cũng chỉ là người như bao nhiêu người khác, vì chúng ta ai cũng có lỗi lầm. Rồi hãy xem xét những phẩm chất tốt lành và lòng nhân từ mà mẹ đã dành cho ta.

Một giáo thọ người Tây phương mà tôi không nhớ rõ là ai, có đề nghị một phương pháp thiền quán mà tôi nghĩ rất là hữu ích. Ở thời điểm này, khi để qua một bên những phẩm chất tiêu cực của mẹ thì hãy nhìn lại đời mình trong mỗi khoảng thời gian 5 hay 10 năm. Ta có thể dùng 5 phút, nửa tiếng, một tiếng hay bất luận bao lâu mà mình muốn, để xem xét và cố nhớ lại những điều tử tế mà mẹ đã làm cho ta trong mỗi khoảng thời gian 5 hay 10 năm.

Trước tiên, từ lúc nằm trong bụng mẹ đến khi lên 5 tuổi, ta nhớ mẹ đã thay những tấm tã bẩn của mình, cho ta ăn, tắm cho ta và làm tất cả những việc này. Rồi thì hãy hồi tưởng lại từ 5 đến 10 tuổi, và vân vân. Mẹ đưa ta đến trường, có thể bà không giúp ta làm bài ở nhà, có thể bà có giúp, nhưng có lẽ bà đã nấu ăn và giặt giũ quần áo cho ta. Khi ta ở tuổi thiếu niên, mẹ cũng cho tiền tiêu vặt. Bất kể mẹ có thậm tệ như thế nào thì không có gì nghi ngờ là bà đã dành cho ta nhiều sự tử tế trong mỗi giai đoạn của cuộc đời mình.

Rồi thì chúng ta có thể làm như vậy với cha ta, với họ hàng, bạn bè v.v... . Điều này rất hữu ích cho việc thiền quán. Đó là thuốc giải độc đặc biệt cho chứng trầm cảm mà thỉnh thoảng, ta sẽ cảm thấy, khi nghĩ rằng, “Chẳng ai thương tôi cả.”. Bằng cách này, ta có thể thấy lòng nhân từ của mẹ trong đời này. Điều này giúp ta nhận ra là mỗi người đều đã tử tế với mình bằng cách tương tự như vậy. Không ai là một bà mẹ lý tưởng, chắc chắn là vậy. Trong một kiếp khác, có thể có lúc bà đã ăn thịt ta, nhưng bà cũng đã thể hiện lòng nhân từ đối với mình.

3/ Đền Đáp Lòng Nhân Từ Của Tình Mẫu Tử

Bước thứ ba trong giáo lý tinh túy 7 điểm là phát nguyện đền đáp lòng nhân từ của tình mẫu tử mà ta đã tiếp nhận. Đối với điều này, có thể thực hiện một sự sửa đổi hơn nữa từ bài thiền mà ta vừa phác thảo, đối với việc ghi nhớ lòng tốt mà mẹ đã thể hiện đối với mình. Một lần nữa, ta sẽ xem xét những khoảng thời gian 5 hoặc 10 năm của cuộc đời, và xem xét mình đã đáp lại lòng tốt của mẹ như thế nào. Ta cũng sẽ làm như vậy với cha, bạn bè và người thân của mình, v.v.

Nếu so sánh bao nhiêu tình thương và sự giúp đỡ mà mình đã nhận được, với bao nhiêu tình thương và sự giúp đỡ mình đã cho ra thì đa số chúng ta sẽ thấy mình đã nhận rất nhiều, hơn là đã cho. Điểm chính của việc này là không phải vì vậy mà cảm thấy tội lỗi, đó là một phản ứng loạn tâm thần điển hình của phương Tây. Điểm chính là để giúp ta trong bước kế tiếp của việc thiền quán về bồ đề tâm, đó là, sau khi nhận thức lòng tử tế mà mình đã nhận được, ta sẽ phát tâm tri ân sâu xa và ước muốn đền đáp lại lòng tử tế ấy.

Tôi thấy cách sửa đổi này trong pháp thiền mà tôi vừa phát thảo rất giúp ích cho việc thật sự làm cho mình rung động, nên ta sẽ thật sự cảm nhận điều gì đó. Tôi nghĩ điều này rất quan trọng. Tôi đã thấy rất nhiều Phật tử Tây phương thiền quán về lòng từ bi, ngay cả những người đi giúp đỡ người khác, nhưng họ có mối quan hệ rất tệ với cha mẹ của họ, và họ bị bế tắc. Tôi nghĩ việc tìm cách giải quyết mối quan hệ đó và không trốn tránh nó, chỉ vì nó gặp khó khăn, là điều thật sự rất hữu ích.

Phương Pháp Được Đề Nghị Để Áp Dụng Trong Việc Tu Tập

Điều quan trọng trong mỗi một bước này là mở lòng ra và mở rộng phạm vi tu tập đối với tất cả chúng sinh. Trong mỗi bước, đương nhiên, chúng ta có thể khởi đầu ở mức độ nhỏ, rồi sau đó, mở rộng dần phạm vi tu tập. Ta sẽ thực hiện điều này dựa trên tâm xả, xem mỗi người như dòng tâm thức cá nhân. Để thực hiện điều này một cách hữu hiệu, tôi thấy không phải chỉ ngồi thiền, nhắm mắt và suy nghĩ một cách trừu tượng về “tất cả chúng sinh”. Tôi nghĩ điều hiệu quả hơn là thực hành tương tự như cách mà tôi đã đề nghị trong pháp rèn luyện tính nhậy cảm, để phát triển cảm xúc quân bình.

Nói cách khác là trước tiên, hãy cố phát triển những thái độ tích cực này đối với nhiều người, trong khi chú tâm vào tấm hình của họ, đó là bạn bè, những người mình không ưa thích và người lạ. Kế đó, hãy cố gắng phát triển những thái độ trên trong khi nhìn những người thật đang ngồi trong vòng tròn xung quanh ta trong nhóm thiền. Rồi hãy cố làm việc này với những người ở trên xe điện hay xe buýt. Bằng cách này, ta thật sự áp dụng thái độ tích cực mà mình đang cố gắng phát triển đối với người khác.

Tương tự như vậy, hãy cố áp dụng đối với thú vật, côn trùng, v.v... , và không chỉ trên lý thuyết trong tâm trí, mà ngay khi nhìn thấy chúng. Khi làm như vậy, nên cố tránh những cực đoan mà thỉnh thoảng ta thấy ở người Tây Tạng, chẳng hạn, đó là tỏ ra tử tế với một côn trùng dễ dàng hơn với một con người. Nếu có một con kiến ở giữa chùa thì ai cũng cực kỳ lo lắng để nó khỏi bị hại. Vậy mà họ chẳng thường biểu lộ cùng một sự quan tâm và nhân từ đối với con người, chẳng hạn như với người Ấn Độ hay người ngoại quốc đến viếng chùa của họ, và muốn tìm hiểu về điều gì mà người ta thấy tại đó. Ở đây, chúng ta phải có cái nhìn đúng đắn.

Một số người có thể nói rằng giúp một con kiến thì dễ hơn giúp một con người. Đó là vì con kiến không đối đáp lại và làm khó dễ với bạn, trong khi người ta thì làm chuyện đó thường xuyên. Bạn có thể nhặt con kiến lên và đem nó ra ngoài, nhưng bạn không thể làm điều đó với người khác, khi họ bực bội. Trong bất cứ trường hợp nào thì ý của tôi là nhiều người thực hiện những bài thiền này một cách rất trừu tượng, “tất cả chúng sinh”,  và chẳng bao giờ áp dụng cho người thật, cho “thế giới thật.” Điều này sẽ tạo ra vấn đề lớn trong bất cứ sự tiến triển nào trên đường tu.

4/ Tâm Đại Từ

Khi đã nhận thức tất cả mọi người đã từng là mẹ của mình, nhớ lại lòng nhân từ của tình mẫu tử, và với lòng tri ân, ý tưởng đền đáp lòng nhân từ đó, tự nhiên ta sẽ có một cảm giác yêu thương nồng nhiệt. Đây là một cảm giác gần gũi và ấm áp tự động phát sinh đối với bất cứ người nào mà mình gặp. Không cần phải có một bước thiền quán riêng biệt để phát triển cảm giác này. Nó cũng được gọi là lòng yêu mến, lòng thương yêu quan tâm, tình thương mà mình trân trọng ai đó, quan tâm đến phúc lợi của họ, và ta sẽ rất buồn khi họ gặp phải điều gì bất hạnh.

Dựa trên tình thương nồng nhiệt, ta sẽ đi đến bước thứ tư, thiền quán về tâm đại từ. Thương yêu là ước muốn cho ai đó được hạnh phúc, thường là người mà mình ưa thích. Tuy nhiên, tâm đại từ là ước mong cho mọi người đều được hạnh phúc và có được nhân của hạnh phúc. Việc nó phải là cả hai, hạnh phúc và nhân của hạnh phúc, thật sự rất quan trọng. Điều này có nghĩa là mình hiểu biết tường tận rằng hạnh phúc xuất phát từ các nguyên nhân, không phải là đặc ân của thần thánh hay sự may mắn, và nguyên nhân không phải là tôi.

Nguyên nhân của hạnh phúc được nêu ra trong giáo lý về nghiệp: nếu người ta hành động một cách tích cực, không tham ái, giận dữ, v.v..., thì họ sẽ trải nghiệm hạnh phúc. Do đó, ở đây, cần phải nghĩ rằng, “Nguyện cho bạn có được hạnh phúc và nhân tạo ra hạnh phúc. Nguyện cho bạn hành xử một cách tích cực và lành mạnh, để có được hạnh phúc.”

Rõ ràng là ngay từ bước này trong các bài thiền quán về bồ đề tâm, chúng ta đang phấn đấu để thành Phật, nhằm giúp đỡ tất cả chúng sinh, nhưng không thổi phồng vai trò mà mình đóng góp trong việc giúp đỡ họ. Mình có thể chỉ cho họ cách thức, nhưng họ phải tự tạo ra nhân hạnh phúc.

5/ Tâm đại bi

Bước thứ năm là tâm đại bi: ước mong mọi người đều thoát khổ và nhân tạo khổ. Điều này cũng tương tự với sự hiểu biết trọn vẹn rằng nỗi khổ của họ xuất phát từ những nguyên nhân, và họ phải đoạn trừ những nguyên nhân ấy, để diệt khổ. Lại nữa, đây là tri kiến rất thực tế. Đại từ và đại bi không chỉ vỏn vẹn là những cảm xúc như, “Tôi rất buồn vì mọi người đều đau khổ”, mà đúng hơn là chúng đi kèm với sự thấu hiểu về hành vi nhân quả.

Video: Khandro Rinpoche — “Cách Phát Tâm Bi”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ "Vietnamese" để xem phụ đề tiếng Việt.

Tâm đại bi vượt qua tâm bi thông thường theo nhiều cách khác.

  • Thứ nhất, nó nhắm vào tất cả chúng sinh một cách bình đẳng, không chỉ một vài chúng sinh.    
  • Thứ hai, giống như tâm đại từ, nó gồm có sự thương yêu và quan tâm đến mỗi một chúng sinh, như một bà mẹ thương yêu đứa con duy nhất của mình, và ước muốn bảo vệ, trông nom nó.
  • Thứ ba, nó là ước nguyện, mong cho chúng sinh thoát khỏi nỗi khổ thâm nhập khắp nơi, khi phải tái sinh hết lần này đến lần khác một cách thiếu tự chủ, với các uẩn xuất phát từ vô minh, hòa trộn với vô minh, tạo thêm nhiều vô minh, vì vậy mà kéo dài nỗi khổ. Thế nên nó không giản dị là ước nguyện cho tha nhân thoát khỏi nỗi khổ vì đau đớn hay khổ vì thay đổi. Khổ vì thay đổi là hạnh phúc thông thường thế tục, nó không bền lâu và bất toại nguyện. Tâm đại bi không phải là ước nguyện cho chúng sinh lên thiên đàng để thoát khỏi vấn đề đó.
  • Thứ tư, tâm đại bi dựa trên niềm tin vững chắc rằng tất cả chúng sinh đều có thể  thoát khỏi nỗi khổ thâm nhập khắp nơi. Nó không chỉ là một ước nguyện tốt đẹp.

Tâm bi luôn được mô tả như một thái độ tương tự như tâm xả ly, lòng quyết tâm thoát khỏi luân hồi. Tâm xả ly là thái độ nhắm vào nỗi khổ của riêng mình, các nguyên nhân tạo ra nó và ước nguyện thoát khỏi những điều này. Dựa vào lòng quyết tâm thoát khổ và nhân tạo khổ, ta có thể phát tâm đồng cảm với tha nhân. Điều mình sẽ làm là chuyển đổi cùng một thái độ và hướng nó đến người khác, đến nỗi khổ của họ và nguyên nhân tạo khổ, và ước nguyện cho họ thoát khỏi những điều này, với cùng một cường độ mà ta mong muốn cho chính mình.

Người ta luôn nói rằng khó mà đồng cảm và thật sự phát lòng bi mẫn với người khác, trừ khi ta nghĩ đến nỗi khổ của chính mình và ước mong thoát khỏi điều này. Phải hiểu rằng tha nhân cũng thật sự trải nghiệm những niềm đau từ nỗi khổ của họ, và nỗi khổ ấy cũng khiến cho họ đau đớn như nỗi khổ của ta làm cho ta đau. Sự hiểu biết này tùy thuộc vào việc thừa nhận rằng nỗi khổ sẽ làm cho ta đau đớn. Nếu không, ta sẽ không xem nỗi khổ của người khác là nghiêm trọng. Hãy nhớ rằng chúng ta đã ước nguyện cho những bà mẹ của mình, những người đã vô cùng tử tế với ta, được hạnh phúc và thoát khổ. Ta sẽ bắt đầu thiền quán về những bà mẹ của mình và v.v... , để bài thiền này thật sự có một vài cảm xúc trong đó. 

Video: Tsenshap Serkong Rinpoche đời thứ Hai — “Lòng Bi Là Gì?”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ "Vietnamese" để xem phụ đề tiếng Việt.

Mở Rộng Phương Pháp Để Làm Vơi Đi Lòng Tự Ti Mặc Cảm

Như các bản văn có nói rằng lòng bi chỉ thể hiện một cách chân thành, nếu như trước hết, ta ước mong cho chính mình thoát khổ và nhân tạo khổ. Tôi nghĩ chúng ta có thể đề ra nguyên tắc tương tự về lòng từ. Đây là điều đặc biệt thích hợp với những ai trong chúng ta là những người đau khổ vì tính tự ti mặc cảm. Tính tự ti mặc cảm là một hiện tượng đặc biệt ở Tây phương, không thường thấy ở người Tây tạng hay Ấn Độ. Trước khi có thể thành thật mong ước cho người khác hạnh phúc và có được nhân hạnh phúc, thì ta cũng cần thật sự mong ước cho chính mình hạnh phúc và có được nhân hạnh phúc. Nếu ta không thấy mình xứng đáng để được hạnh phúc thì tại sao những người khác lại xứng đáng được hạnh phúc?

Vậy thì ước mong cho chính mình được hạnh phúc là một bước trong bài thiền mà tôi nghĩ chúng ta có thể bổ sung thêm một cách an toàn, nếu ta đau khổ vì tự ti mặc cảm. Tôi cảm thấy điều này khá quan trọng để tư duy theo cách này, rằng tất cả mọi người đều đáng được hạnh phúc. Nó giúp ta nhắc nhở bản thân về Phật tính. Chúng ta không  xấu hoàn toàn; không có ai là hoàn toàn xấu. Chúng ta đều có tiềm năng để thành Phật, để tạo lợi lạc cho tha nhân, để được hạnh phúc v.v... .

Một điểm khác là lòng từ bi cũng được phát triển trong Phật giáo Nguyên thủy và các trường phái Tiểu thừa. Tuy nhiên, ở đó, các phương pháp thiền quán không theo những bước tiệm thứ, như bảy bước ở đây, là điều giúp ta củng cố lòng từ bi dựa vào lý luận, chẳng hạn như nhớ đến lòng nhân từ của mẹ. Tuy nhiên, không nên nghĩ rằng pháp thiền quán về lòng từ bi không có mặt trong truyền thống Nguyên thủy. Tuy nhiên, những bước kế tiếp trong bài thiền về bồ đề tâm thì không có ở trong đó.

6/ Quyết Tâm Phi Thường

Các dịch giả khác nhau đã diễn đạt bước thứ sáu theo nhiều cách. Một số người gọi nó là “ước nguyện vị tha thanh tịnh”. Đức Dalai Lama dùng chữ “trách nhiệm phổ quát”. Mặc dù chính tôi đã dịch nó theo nhiều cách khác nhau, nhưng hiện nay, tôi thích gọi nó là “quyết tâm phi thường”. Với tâm đại bi, ta có ước muốn trọn vẹn và chủ ý để giúp đỡ tất cả chúng sinh. Ở đây, ta sẽ kiên quyết, dứt khoát hành động. Ta sẽ tự mình gánh lấy trách nhiệm thật sự làm điều gì đó về nỗi khổ của tha nhân. Nếu có ai đang chết đuối trong hồ thì ta không chỉ đứng trên bờ hồ và nói rằng, “Chao ơi, ước gì chuyện này không xảy ra.”. Ta phải nhảy ngay xuống nước và cố giúp người kia. Tương tự như vậy, ở đây, trong bài thiền quán về bồ đề tâm, ta sẽ nghĩ mình sẽ nhất quyết gánh lấy trách nhiệm phổ quát để giúp đỡ tất cả chúng sinh càng nhiều càng tốt.

7/ Bồ Đề Tâm

Dựa trên sáu bước theo trình tự phát triển như nguyên nhân, bước thứ bảy là phát bồ đề tâm như kết quả. Khi xem xét cách làm thế nào để tạo lợi lạc cho tha nhân nhiều nhất, với những giới hạn và phiền não trong hiện tại thì ta sẽ nhận ra là mình không giúp ích được nhiều lắm. Nếu như tôi ích kỷ, không kiên nhẫn, thích gần gũi người này và giận dữ với người kia và lười biếng, nếu lúc nào tôi cũng cảm thấy mệt mỏi, nếu tôi không thật sự hiểu được người khác, không thể truyền đạt ý tưởng một cách đúng đắn, nếu tôi sợ người khác, sợ bị người ta ghét hay hất hủi thì tất cả những điều này sẽ thật sự ngăn trở việc giúp đỡ người khác một cách tối đa.

Vì thật sự muốn giúp đỡ tha nhân nên tôi thật sự cần phải dứt bỏ những điều này. Tôi thật sự phải cải thiện bản thân mình và dứt bỏ những điều này, để có thể sử dụng những năng khiếu, khả năng và phẩm chất Phật tính để làm lợi lạc tha nhân. Hãy luôn ghi nhớ điều này, “càng nhiều càng tốt”, chúng ta sẽ không trở thành những vị trời toàn năng. Dựa theo lối suy nghĩ này, ta sẽ đặt hết tâm trí vào việc thành Phật để phổ độ chúng sinh một cách trọn vẹn. Đó là phát bồ đề tâm. Với điều đó, ta sẽ toàn tâm toàn ý chú tâm vào việc giác ngộ cá nhân chưa thành tựu, để đạt được nó càng sớm càng tốt, và giúp đỡ tha nhân với thành tựu này.

Bồ Tát Hạnh

Một khi đã phát bồ đề tâm thì ta sẽ cố gắng giúp đỡ tha nhân càng nhiều càng tốt, với khả năng của mình, bất kể những giới hạn của bản thân. Đó là vì ta có quyết tâm phi thường để gánh trách nhiệm giúp đỡ, điều này được xây dựng từ những bước trước đó, trong 7 điểm nhân quả của bài thiền quán về bồ đề tâm.

Điều này có nghĩa là bất cứ khi nào gặp những người có khó khăn, ví dụ như người vô gia cư thì ta sẽ không chỉ xem họ như những kẻ không nhà. Khi nhìn thấy họ, ta sẽ không nghĩ rằng họ nghèo nàn một cách cố hữu, lười biếng hay bất kỳ sự đánh giá nào mà mình có thể phóng chiếu ra. Đúng hơn, ta sẽ nhận thức rằng họ ở trong tình trạng như vầy chỉ trong kiếp này, ngay tại thời điểm này thôi. Tuy nhiên, dòng tâm thức của họ thì vô thủy, và ở một thời điểm nào đó, họ đã từng là mẹ của ta, đã chăm sóc ta với lòng nhân từ. Họ đã cưu mang ta trong bụng, thay tã bẩn cho ta, v.v... và ta thành thật tri ân, thật sự muốn đền đáp lại lòng nhân từ ấy. Ta ước mong họ sẽ hạnh phúc, có được nhân hạnh phúc, thoát khỏi những khó khăn và nhân tạo ra khó khăn. Ta sẽ gánh lấy trách nhiệm để cố gắng làm điều gì đó về vấn đề này.

Ta cần phải làm gì? Không phải mình phải về nhà hành thiền để khắc phục những khuyết điểm của mình, mà không thật sự làm gì hết để giúp những người này. Dĩ nhiên, chúng ta cần hành thiền nhiều hơn nữa, tuy nhiên, trong khoảnh khắc đó, nó chính là động lực thúc đẩy ta vượt qua tính nhút nhát, do dự và keo kiệt, và thật sự trao tặng cho họ một cái gì đó, tối thiểu là một nụ cười, ít nhất là mình sẽ làm điều gì đó.

Nói cách khác, ta sẽ dùng quyết tâm phi thường để giúp mình khắc phục các giới hạn càng nhiều càng tốt ngay lập tức, và sử dụng tiềm năng của mình để giúp đỡ tha nhân càng nhiều càng tốt. Chắc chắn là khi về nhà thì mình phải cải thiện bản thân nhiều hơn, nhưng đừng quên những kẻ không nhà mà chỉ lo về nhà hành thiền. Nếu lòng quyết tâm của mình chân thành thì nó sẽ giúp mình giữ chánh niệm.

Động lực mạnh mẽ nhất để cải thiện bản thân trong từng khoảnh khắc sẽ phát sinh, khi ta gặp những người cần sự giúp đỡ. Ta thấy một bà già ăn xin ngồi trên nền đất lạnh vào mùa đông ở trạm xe điện ngầm, và nghĩ nếu đó là mẹ của mình thì sao? Nếu bà thật sự là mẹ ta trong kiếp này, ngồi ăn xin trên nền đất lạnh, liệu ta có phớt lờ bước đi được không ? Hay một người trẻ tuổi bán báo của người vô gia cư trên xe điện ngầm, ta sẽ cảm nhận thế nào, nếu như đó chính là con trai của mình ? Cậu bé này cũng có cha mẹ. Đây là điều rất quan trọng. Ở Ấn Độ, chúng ta thấy người cùi và những kẻ dị dạng mà thông thường, mình chẳng bao giờ nghĩ người cùi có gia đình. Họ cũng có gia đình. Hãy xem họ như con người.

Dĩ nhiên là mình cần có trí bát nhã để phân biệt hoàn cảnh của những người vô gia cư này. Có những người ra đường xin tiền để mua ma túy hay rượu. Trong những trường hợp này thì phải dùng điều mà đạo Phật gọi là “phương tiện thiện xảo”. Mình có ước muốn giúp đỡ, có vài ý tưởng về nguyên nhân nào có thể tạo ra nỗi khổ của họ, và nguyên nhân nào có thể mang lại hạnh phúc cho họ, rồi cố gắng làm điều gì giúp ích cho họ trên thực tế.

Có lẽ nếu đưa tiền cho họ thì chẳng có ích lợi gì, vì họ chỉ mua thêm ma túy và rượu thôi, nên ta sẽ không cho tiền. Nếu mình có thức ăn thì có thể cho họ. Nhưng bất luận thế nào thì ta có thể cho họ sự chăm sóc và tôn trọng, khi không nghĩ họ là những người nghiện ngập, say rượu khủng khiếp, ghê gớm. Họ là con người, những con người đau khổ.

Không dễ gì quyết định cách nào là tốt nhất để giúp người khác. Hiện giờ, ta sẽ thấy mình bị giới hạn. Ta thật sự không biết điều gì là tốt nhất. Ta phải thành Phật để hiểu biết thật sự, nhưng hiện thời, ta sẽ cố gắng hết sức mình và chấp nhận là đôi khi, mình sẽ lầm lỗi. Ít nhất là mình có cố gắng.

Tóm tắt:

Khi đã phát bồ đề tâm bằng cách tu tập pháp tu 7 điểm nhân quả, thì mục tiêu thành tựu Phật quả để giúp đỡ tha nhân một cách tốt đẹp nhất sẽ có sự hỗ trợ của một cảm xúc mạnh mẽ, bao gồm nhiều cảm giác riêng biệt.

Chúng bao gồm cảm giác gần gũi và liên kết với tất cả mọi người một cách bình đẳng, cảm kích lòng tốt mà người khác đã dành cho ta, cảm giác tri ân sâu xa, sự quan tâm, lòng từ bi, cộng với quyết tâm mãnh liệt để gánh trách nhiệm giúp đỡ tất cả mọi người càng nhiều càng tốt.

Với loại cảm xúc tiềm tàng như thế thì tâm bồ đề của mình sẽ trở nên mạnh mẽ, chân thành và ổn định.

Top