Dẫn Nhập
Chủ đề của nghiệp là trung tâm của giáo lý nhà Phật, và liên quan rất chặt chẽ đến việc trì giới. Chúng ta sử dụng việc trì giới để khắc phục và đoạn trừ nghiệp chướng. Điều này rất phù hợp trong bối cảnh của những điều được gọi là “tứ diệu đế”, giáo huấn cơ bản nhất của Đức Phật:
- Chúng ta có rất nhiều nỗi khổ và vấn đề trong đời sống.
- Nỗi khổ của ta bắt nguồn từ những nguyên nhân.
- Có một tình huống mà mọi khổ đau và nhân tạo khổ có thể được chấm dứt mãi mãi.
- Có thể đạt được tình huống này bằng một lộ trình thấu hiểu đúng đắn về thực tại, đạo đức, v.v...
Đề án này là một cấu trúc mà nói chung thì bạn sẽ tìm thấy trong triết học và tôn giáo Ấn Độ. Tuy nhiên, Đức Phật nói rằng những người trước thời của Ngài chưa xác định được những điều này một cách đủ sâu sắc, nên Ngài gọi những gì mình đã chứng ngộ là khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế dẫn đến sự tịch diệt ấy. Mặc dù người khác có thể không đồng ý, nhưng những điểm này được các bậc thánh nhân (arya) xem là đúng, đó là những bậc có chứng ngộ cao, đã có tri kiến vô niệm về thực tại.
Điều thú vị là Đức Phật đã sử dụng chữ “arya”. Đó là danh xưng của những người đã xâm chiếm và chinh phục Ấn Độ khoảng 500 năm trước thời của Đức Phật, và đem kinh Vệ Đà (Veda) đến. Tuy nhiên, những vị arya (thánh nhân) mà Đức Phật đã đề cập đến không phải những người đi chinh phục ấy. Đây là những người không chỉ thấy được chân khổ và nhân tạo khổ là gì, mà còn khắc phục được chúng. Họ là những đấng chiến thắng. Đây là một từ ngữ được sử dụng trong thuật ngữ Phật giáo.
Thấu Hiểu Ý Nghĩa Của “Nghiệp”
Nghiệp là một trong những nguyên nhân thật sự của nỗi khổ thật sự, nhưng nói một cách chính xác thì nghiệp là gì? Danh từ tiếng Phạn bắt nguồn từ gốc kr, có nghĩa là “làm”. Khi thêm -ma ở đằng sau thì bạn sẽ có được “điều mà hành động” hay “điều thúc đẩy hành động”. Tương tự như vậy, chữ “Dharma” (“Pháp”) xuất phát từ dhr, có nghĩa là “bảo vệ”. Với -ma ở đằng sau thì nó trở thành “điều bảo vệ chúng ta”, như là, “điều bảo vệ chúng ta thoát khỏi đau khổ”. Do đó, nghiệp là điều thúc đẩy mình hành động và mang lại khổ đau, và Pháp là điều bảo vệ mình thoát khỏi đau khổ.
Thế thì nghiệp không đề cập đến tự thân hành động của chúng ta. Nhưng vì nghiệp được dịch sang tiếng Tây Tạng bằng chữ có nghĩa là “hành động” (las) trong ngôn ngữ thông tục, hầu hết các đạo sư Tây Tạng, nếu các ngài nói tiếng Anh thì sẽ gọi nghiệp là “các hành động”. Điều này rất lộn xộn, bởi vì nếu nguyên nhân thật sự của khổ là hành động của mình thì ta chỉ cần ngưng tạo tác bất cứ điều gì, rồi thì mình sẽ được tự do! Điều đó không có nghĩa lý gì cả.
Điều mà nghiệp đề cập đến thật sự là sự cưỡng bách, sự cưỡng bách thúc đẩy mình hành động, nói năng và suy nghĩ theo những cách trộn lẫn với tâm mê lầm: mê lầm về cách mình tồn tại, cách người khác tồn tại, và về thực tại. Vì bị nhầm lẫn về việc mình là ai và những gì đang diễn ra trên thế giới, nên ta hành động theo những cách rất bốc đồng. Những cách này có thể là bốc đồng một cách tiêu cực, chẳng hạn như luôn luôn la hét và tàn nhẫn với người khác, hoặc bốc đồng một cách tích cực, giống như một người cầu toàn.
Hãy xem xét trường hợp sau. Bạn có thể bị loạn thần hay thúc bách về việc làm một người hoàn hảo, và những điều như vậy, “Tôi phải làm một người giỏi” hay “Mọi thứ phải sạch sẽ và ngăn nắp”. Mọi thứ phải sạch sẽ và theo thứ tự. Những ý tưởng cưỡng bách như vậy tạo ra rất nhiều đau khổ, mặc dù làm người tốt và giữ mọi thứ sạch sẽ và ngăn nắp là điều tích cực. Thế thì đối với việc thảo luận về nghiệp, chúng ta không nói về việc ngưng hành động theo cách tích cực. Chúng ta đang nói về việc diệt trừ sự cưỡng bách loạn thần đằng sau hành động của mình, bởi vì đó là nguyên nhân của đau khổ. Đằng sau chủ nghĩa cầu toàn của chúng ta là sự nhầm lẫn về cách mình tồn tại. Chúng ta nghĩ về bản thân mình như một cái “tôi, tôi, tôi” vững chắc, và tin rằng cái “tôi” này phải hoàn hảo và tốt đẹp. Tại sao? Để mẹ hay cha sẽ vỗ đầu “tôi” và gọi “tôi” là một đứa con gái ngoan hay một đứa con trai ngoan? Như một trong những vị thầy của tôi có nói, “Vậy thì chúng ta sẽ làm gì? Ta sẽ vẫy đuôi như một con chó hay sao?”
Nghiệp Trong Bối Cảnh Tu Tập Lam-rim, Đường Tu Tuần Tự
Khi tu tập để đoạn trừ nghiệp chướng thì sự bốc đồng là một trong những nguyên nhân thật sự của đau khổ, nên ta sẽ tu tập theo các giai đoạn theo cách trình bày của lam-rim, trình tự của đường tu đưa đến giác ngộ. Tuy nhiên, “trình tự đường tu” không thật sự là điều gì mà bạn bước đi trên đó. Đúng ra thì nó đề cập đến tâm thái, mức độ hiểu biết và phát triển nội tâm mà giống như một con đường, dẫn ta đến các mục tiêu tiến bộ từng bước một. Với mỗi bước, chúng ta sẽ mở rộng phạm vi của động lực, mục đích và mục tiêu, và mỗi một bước sẽ dẫn đến sự khắc phục nghiệp chướng sâu sắc hơn, nhờ việc trì giới.
Nói rất ngắn gọn thì có ba cấp độ động lực. Cách trình bày kinh điển của lam-rim giả định sự tồn tại và niềm tin về tái sinh, nên mỗi cấp độ của động lực xoay quanh điểm này. Ngay cả khi không chấp nhận tái sinh và chỉ nghĩ về việc cải thiện kiếp sống này thì ta vẫn có thể tu tập để khắc phục nghiệp chướng theo sơ đồ với trình tự này. Tuy nhiên, hãy nhìn vào cách nghiệp liên quan đến cái mà tôi gọi là phiên bản “Pháp Thực Thụ”.
- Với động lực của phạm vi sơ căn thì ta sẽ tu tập để khắc phục những tái sinh thấp kém hơn, để tiếp tục có những kiếp sống tốt đẹp hơn trong tương lai. Cụ thể là chúng ta muốn đạt được không chỉ tái sinh tốt hơn, mà là tái sinh của kiếp người quý báu, để có thể tiếp tục có hoàn cảnh tốt nhất cho việc tu tập, để phát triển bản thân hơn nữa cho những mục tiêu cao hơn. Bởi vì hành vi phá hoại bốc đồng sẽ dẫn đến những tái sinh thấp kém hơn, nên ta nhắm vào việc đoạn trừ sự thúc bách của nghiệp như vậy ở giai đoạn khởi đầu này.
- Ở phạm vi trung căn thì ta muốn hoàn toàn khắc phục sự tái sinh. Có lẽ bạn đã nghe nói về “luân hồi”, đề cập đến sự tái sinh bất tự chủ, tràn đầy nỗi khổ và khó khăn, bất kể mình tái sinh vào cõi nào. Sự thúc bách của nghiệp, về cả hai mặt phá hoại và xây dựng, là một trong những chủ lực thúc đẩy việc tái sinh trong luân hồi của chúng ta. Do đó, ở giai đoạn trung bình này, ta đang nhắm đến việc thoát khỏi điều này.
- Ở phạm vi thượng căn thì ta muốn đạt được trạng thái mà mình có thể giúp tha nhân thoát khỏi luân hồi một cách hữu hiệu nhất. Điều này có nghĩa là tu tập để trở thành một vị Phật, một đấng toàn trí, để thấu hiểu nghiệp dĩ của tất cả chúng sinh, nhờ vậy mà biết cách hữu hiệu nhất để giúp đỡ họ. Do đó, nghiệp liên quan đến cả ba cấp độ lam-rim.
Động Lực Phạm Vi Sơ Căn: Tu Tập Để Khắc Phục Những Tái Sinh Thấp Hơn
Phật nói về chân khổ hay những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống. Ở cấp độ sơ căn, chúng ta sẽ tu tập để khắc phục những vấn đề và khó khăn cơ bản nhất mà mình phải đối diện, đó là những nỗi khổ về thể chất và tinh thần, cụ thể là bất hạnh, đau đớn, những điều khủng khiếp xảy ra với chúng ta, v.v...
Những tái sinh thấp kém hơn sẽ tràn đầy nỗi khổ thật khủng khiếp. Nó không phải là một viễn cảnh rất dễ chịu khi nghĩ rằng mình sẽ được sinh ra như một con cá bơi lội trong đại dương, rồi đột nhiên một con cá lớn hơn đến cắn thân ta thành hai mảnh, hoặc sinh ra như một con bọ nhỏ, rồi bị một con côn trùng lớn hơn hoặc con chim ăn thịt. Nó không phải là điều mà chúng ta muốn trải qua. Hãy nghĩ về sự hoang tưởng và sợ hãi của động vật luôn phải nhìn quanh để đảm bảo là không có con vật nào lớn hơn đến và lấy mất thức ăn của chúng. Hãy nghĩ về những con gà mà Đức Dalai Lama gọi là “gà trong tù”. Chúng bị nhốt nên không thể đi lại và được nuôi để cuối cùng bị ăn thịt trong một tiệm McDonald's, và một nửa thân thể của chúng bị ném vào thùng rác!
Phật giáo mô tả những tình huống tồi tệ hơn nhiều so với những tình huống này, nhưng chúng ta không cần phải đi sâu vào vấn đề đó vào lúc này. Vấn đề là ta muốn tránh tất cả những điều đó, chúng ta thật sự muốn như vậy, và điều mà ta muốn đạt được là hạnh phúc. Tất cả mọi người đều muốn được hạnh phúc; không ai muốn bất hạnh. Đó là tiền đề cơ bản trong đạo Phật. Điều mà chúng ta đang nói ở đây chỉ là hạnh phúc thông thường, mà mình sẽ đi sâu hơn, khi đến phạm vi hay cấp độ thứ hai.
Khái Niệm Đạo Đức Của Nhà Phật
Nguyên nhân thật sự của nỗi bất hạnh và khổ đau thô thiển của những tái sinh thấp hơn là gì? Ác nghiệp là nguyên nhân chính. Đó là sự thúc bách để hành động một cách phá hoại, được phiền não tạo ra và đi kèm. Việc thấu hiểu điều này rất quan trọng. Khi nói về hành vi phá hoại hay tiêu cực thì chúng ta không nói về một hệ thống đạo đức dựa vào luật pháp có nguồn gốc thiêng liêng hay luật dân sự do chính phủ đưa ra. Trong những hệ thống đạo đức này, để trở thành một người có đạo đức có nghĩa là mình phải tuân theo luật pháp, với tư cách là một công dân tốt, một con chiên ngoan ngoãn, hoặc cả hai. Hơn nữa, kết hợp với pháp luật còn có bản án có tội hay vô tội. Điều này hoàn toàn không phải là khái niệm đạo đức trong đạo Phật.
Thay vì vậy, đạo Phật giảng dạy một hệ thống đạo đức dựa trên sự hiểu biết và phân biệt giữa những gì có ích và những gì có hại. Khi hành động một cách phá hoại thì không phải vì mình không vâng lời, là người xấu; mà đúng ra là bị mê lầm về thực tại. Chẳng hạn, nếu như bạn đặt tay lên bếp nóng thì không phải là vì bạn không tuân theo luật lệ được ban hành, “Đừng đặt tay lên bếp nóng”. Bạn đặt tay lên đó là vì bạn không biết là cái bếp đang nóng. Bạn bị mê lầm; không biết rằng nếu bạn đặt tay lên đó thì sẽ bị phỏng. Bạn đã không nhận thức được mối quan hệ nhân quả.
Một ví dụ khác là giả sử tôi nói điều gì đó vô tội vạ với bạn, và nó làm tổn thương cảm xúc của bạn. Không phải tôi là người xấu vì tôi đã nói điều đó. Tôi thành thật không biết nó sẽ làm bạn tổn thương. Tôi không biết lời nói của mình sẽ có tác động gì; tôi bị mê lầm.
Cảm Xúc Phiền Não Và Hành Vi Phá Hoại
Khi chúng ta hành động một cách phá hoại thì điều này được một số cảm xúc phiền não tạo ra và đi kèm với nó.
Cảm xúc phiền não là gì? Đó là một cảm xúc mà khi phát sinh, nó sẽ khiến cho ta mất đi sự bình an và tự chủ.
Đó là một định nghĩa rất hữu ích. Chúng ta thường có thể cảm nhận được khi mình lo lắng, không được an tâm và hành động một cách bốc đồng. Điều đó cho ta biết có một cảm xúc phiền não đằng sau những gì mình cảm nhận được.
Những cảm xúc phiền não chủ yếu là gì? Trước tiên, có một cụm dục vọng, chấp thủ và tham lam. Với cả ba điều này thì chúng ta phóng đại những phẩm chất tích cực của điều gì đó, và hoàn toàn bỏ qua hay phủ nhận bất kỳ khía cạnh tiêu cực nào của nó. Là những tâm thái phiền não, chúng ngăn cản ta tận hưởng bất cứ điều gì:
- Dục vọng – khát khao có được điều mà mình không có
- Chấp thủ – không muốn buông bỏ điều gì mà mình có
- Tham lam – không mãn nguyện với những gì mình có, và chỉ muốn sở hữu nhiều hơn
Rồi thì có sân hận, có nhiều sắc thái: phẫn nộ, đối kháng, ác ý, thù hận, ác cảm, thù oán, báo thù và vân vân. Tất cả những điều này phóng đại những phẩm chất tiêu cực của ai đó hay một cái gì đó, và mù quáng đối với những khía cạnh tốt của nó. Dựa vào đó, ta sẽ sinh tâm ghét bỏ để loại trừ hay thậm chí phá hủy những gì mình không thích.
Một cảm xúc phiền não khác là vô minh, chẳng hạn như về ảnh hưởng mà hành vi của mình đã tạo ra cho bản thân và người khác. Một ví dụ là làm một người nghiện công việc và thúc đẩy bản thân quá mạnh. Chúng ta không biết điều này sẽ làm hại cho cả sức khỏe và gia đình của mình, nên nó tự hủy hoại bản thân. Hoặc ta luôn luôn đến trễ và không đúng hẹn với người khác. Việc nghĩ rằng điều này sẽ không làm tổn thương cảm xúc của người khác và khiến họ cảm thấy tồi tệ là vô minh, nên nó cũng là điều phá hoại.
Đây là những cảm xúc phiền não thông thường nhất, khiến ta mất sự bình an và tự chủ. Chúng đi kèm với sự thúc bách để hành động một cách tiêu cực. Một vài thái độ phiền não khác cũng khiến ta hành động một cách tiêu cực:
- Thiếu sự tôn trọng đối với những phẩm chất tốt đẹp và người sở hữu chúng
- Không có sự tự chủ để kềm chế những hành động tiêu cực
- Không có phẩm cách hay lòng tự trọng - tự trọng rất là quan trọng. Chẳng hạn như khi rất tôn trọng bản thân thì ta sẽ không quỵ lụy để van xin họ, “Đừng bao giờ rời xa tôi!”. Ta có ý thức về phẩm cách của mình. Khi hành động một cách tiêu cực thì mình thiếu ý thức này.
- Không quan tâm đến việc hành động của mình sẽ phản ảnh như thế nào đối với người khác, ví dụ như, nếu là người Đức thì bạn sẽ đi nghỉ mát và hành động một cách ồn ào, luôn say sưa, ồn ào và phá hoại căn phòng trong khách sạn, và điều đó sẽ gieo tiếng xấu cho khách du lịch người Đức. Với thái độ phá hoại này thì bạn không quan tâm điều này sẽ phản ảnh như thế nào về đồng hương của mình.
Đây là nhóm cảm xúc và thái độ đi kèm với hành vi phá hoại bốc đồng, và đưa đến nỗi khổ bất hạnh và những điều khủng khiếp xảy ra với chúng ta. Đây là vấn đề không chỉ trong cuộc sống này, mà ở cấp độ sơ căn của lam-rim, ta sẽ nhận ra chúng sẽ tạo ra nhiều vấn đề và bất hạnh hơn trong những tái sinh thấp hơn trong tương lai, và chắc chắn là ta muốn tránh điều đó.
Cấp Độ Trì Giới Phù Hợp Với Động Lực Lam-rim Sơ Căn
Để tránh những tái sinh thấp hơn, cũng như những tình huống tồi tệ hơn trong kiếp này thì mình phải trì giới để kềm chế những hành động tiêu cực. Ta sẽ phát triển việc trì giới bằng cách đoạn trừ tâm vô minh về hành vi nhân quả. Chúng ta hiểu rằng nếu để cho những cảm xúc phiền não khống chế bản thân thì ta sẽ bốc đồng và hành động một cách tiêu cực, tạo ra bất hạnh và khó khăn cho bản thân và người khác.
Điều rất quan trọng là phải hiểu rằng chúng ta đang nói về mức độ hành vi đạo đức đầu tiên, đó là áp dụng tính tự chủ một cách đơn giản. Tuy nhiên, tính tự chủ không dựa vào việc muốn trở thành một công dân tốt, tuân theo luật lệ, hay con chiên ngoan ngoãn của một tôn giáo, hoặc chỉ đơn giản là một chàng trai hay cô gái tốt. Đúng ra thì ta sẽ áp dụng tính tự chủ vì hiểu rằng nếu mình hành động một cách bốc đồng, hoàn toàn mất kiểm soát thì sẽ tạo ra rất nhiều vấn đề và bất hạnh. Đây là một điều rất quan trọng để nhấn mạnh trong sự hiểu biết của mình về đạo Phật. Nếu như đạo đức chỉ dựa trên sự vâng lời thì từ kinh nghiệm của bản thân, chúng ta cũng thấy nhiều người đã nổi loạn để chống lại việc phải tuân theo luật pháp và quy tắc, đặc biệt là thanh thiếu niên. Những tên tội phạm cũng nghĩ rằng họ có thể tránh né được sự chế tài của luật pháp, hay như chúng ta nói trong tiếng Anh là “trốn tránh được”, nghĩa là họ sẽ không bị bắt. Ở đây, đạo đức chỉ đơn thuần dựa trên sự hiểu biết, nên việc nổi loạn không phải là một vấn đề.
Đương nhiên, mối quan hệ giữa hành vi phá hoại và bất hạnh cũng như nỗi khổ là điều không dễ hiểu. Bạn có thể không tin điều đó, trong trường hợp này thì bạn sẽ nói, “Đạo đức này thật buồn cười!”. Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, khi có một số kinh nghiệm sống thì bạn sẽ thấy rằng nếu luôn luôn hành động một cách tiêu cực thì bạn sẽ không phải là một người rất hạnh phúc. Người khác sẽ không thích bạn và sợ bạn. Họ sợ gặp bạn, vì bạn có thể nổi giận với họ. Do đó, từ kinh nghiệm bản thân, ta có thể hiểu rằng ở mức độ rất cơ bản và hời hợt, nếu như mình chỉ nghĩ về bối cảnh của kiếp sống này thì hành động tiêu cực và phá hoại sẽ đem đến sự bất hạnh.
Đó là một điều thú vị, bởi vì ta có thể hành động một cách phá hoại và cảm thấy rất vui về điều đó. Chẳng hạn, giả sử có một con muỗi vo ve trên mặt khi bạn đang cố gắng ngủ, thì bạn sẽ đập nó và cảm thấy, “Ồ, được rồi! Mình đã giết nó rồi!” và bạn rất vui vì điều đó. Nhưng nếu quán xét sâu hơn thì bạn sẽ thấy mình vẫn còn hoang tưởng và khó chịu, bởi vì tập khí để đối phó với điều gì làm bạn khó chịu là giết nó, nên bạn sẽ đợi một con muỗi khác bay đến. Bạn không nghĩ đến việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình. Nếu bạn ở một nơi có nhiều muỗi thì giải pháp hòa bình là treo mùng hoặc gắn lưới cửa sổ.
Định nghĩa về những cảm xúc và thái độ phiền não đi kèm với hành vi phá hoại rất hữu ích trong bối cảnh này. Nó chính là ý nghĩa của chữ "làm phiền", vì chúng ta mất đi sự bình an và thiếu tự chủ. Đó không phải là trạng thái hạnh phúc, đúng không? “Tôi đang bực mình và lo sợ là một con muỗi khác sẽ tới làm tôi mất ngủ!”. Bạn không yên tâm, và bạn không có khả năng tự chủ để có thể thư giãn và đi ngủ, bởi vì bạn đang sợ. Cách mà bạn hành động là bốc đồng một cách loạn thần, như thể bạn sắp nhảy ra khỏi giường và đội một trong những chiếc nón bấc mà người Anh thường đội khi họ đi săn bắn ở Châu Phi. Bây giờ thì bạn đang ở trong chuyến săn bắn, lùng sục trong phòng để xem có một con muỗi khác hay không!
Đó là mức độ trì giới đầu tiên, tu tập để vượt qua những tái sinh tồi tệ hơn bằng cách áp dụng tính tự chủ về đạo đức, để khi cảm thấy muốn hành động một cách tiêu cực thì ta sẽ không làm điều đó.
Kết Thúc Thời Thiền
Hãy dành chút ít thời gian để tiếp thu những gì chúng ta đã học hỏi, bằng cách nghĩ về nó từ kinh nghiệm của chính mình, dưới hình thức được gọi là “thiền phân tích”. Tôi thích gọi nó là “thiền phân biệt” hơn. “Phân biệt” có nghĩa là cố gắng thấy những điểm nào đó của giáo pháp trong cuộc sống của mình. Ở đây, chúng ta sẽ quán xét đời sống của mình và cố nhận ra khi mình hành động theo cách như vậy và tiêu cực như thế thì rất là bốc đồng. Có rất nhiều tham ái hay sân hận ở đằng sau hành vi ấy, và kết quả là gì? Tôi thật sự hoàn toàn đau khổ. Chúng ta sẽ xác nhận điểm này bằng cách làm cho nó sáng tỏ với kinh nghiệm của chính mình, nên sẽ càng tin chắc rằng điều này thật sự đúng. Chỉ có thể dựa vào niềm tin hay sự xác tín rằng “đây là thực tế trong đời sống”, thì ta mới thật sự bắt đầu thay đổi hành vi của mình.