Hai Cấp Độ Khác Của Việc Trì Giới

Bình Luận

Ở phạm vi phát triển tâm linh sơ căn thì ta sẽ rèn luyện việc trì giới để kềm chế hành vi phá hoại. Mục tiêu của chúng ta là không làm cho sự việc trở nên tồi tệ hơn, không chỉ trong kiếp này, mà cả trong những kiếp tương lai. Ta phải phấn đấu để có những tái sinh tốt hơn, và những thể loại hạnh phúc thông thường mà mình có thể trải nghiệm trong những tái sinh ấy. Ta cảm thấy mủi lòng để đạt được mục tiêu đó, vì khiếp sợ mình sẽ phải gánh chịu thêm nhiều nỗi khổ và bất hạnh hơn nữa. Tuy nhiên, ta hiểu rằng có một cách để tránh điều đó, cụ thể là việc áp dụng tính tự chủ và kềm chế hành động tiêu cực. Khi thấy mình muốn làm, nói hoặc suy nghĩ điều gì tiêu cực, dựa trên một số cảm xúc phiền não như tham hay sân, thì ta sẽ để ý cảm giác đó, rồi không hành động theo nó. Mặc dù cần phải làm cho phản ứng của mình chậm lại khá nhiều, để nắm bắt được khoảng trống giữa cảm giác muốn làm điều gì và việc thực hiện điều đó một cách bốc đồng, và chắc chắn là điều đó khó khăn vào lúc đầu, nhưng ta có thể tự rèn luyện, để có thể nhận thấy khoảng trống ấy.

Hãy nghĩ về lúc bạn ngồi đó và cố làm một số công việc, rồi cảm thấy chán. Một cảm giác sẽ nảy sinh, khiến bạn muốn xem trang Facebook của mình, hay xem tin tức một lần nữa trên điện thoại, hoặc nhắn tin cho một người bạn. Ở mức độ phát triển này, ta sẽ để ý khi một cảm giác như vậy xuất hiện và quyết định một cách rõ ràng, “Nếu mình làm việc này thì sẽ không làm xong công việc, và điều đó sẽ tạo ra rắc rối. Nên không cần biết mình muốn làm điều gì, tôi sẽ không làm việc đó.”.

Video: Tiến sĩ Chonyi Taylor — “Thay Đổi Những Thói Quen Nghiện Ngập”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ "Vietnamese" để xem phụ đề tiếng Việt.

Phạm Vi Thứ Hai: Tu Tập Để Hoàn Toàn Khắc Phục Tái Sinh

Phạm vi trung căn của động lực lam-rim là tu tập để hoàn toàn khắc phục sự tái sinh bất tự chủ. Hãy nhớ rằng đó là ý nghĩa của “luân hồi”, tái sinh cứ tái diễn một cách bất tự chủ, đầy những vấn đề cũng tái diễn một cách bất tự chủ, và bạn không thể chấm dứt nó. Đây không chỉ là vấn đề về khổ, mà còn là hai khía cạnh khác của chân khổ mà Đức Phật đã nêu ra: khổ vì thay đổi (hoại khổ) và nỗi khổ thâm nhập khắp nơi (hành khổ).

Hạnh Phúc Thông Thường

Khổ vì thay đổi đề cập đến hạnh phúc thông thường của chúng ta; nhưng chẳng may là có rất nhiều vấn đề liên hệ với nó. Đầu tiên là nó không bền lâu, đó là lý do mà nó được gọi là “khổ vì thay đổi”, và chẳng bao giờ làm cho mình cảm thấy mãn nguyện, bởi vì chúng ta luôn luôn muốn có nhiều hạnh phúc này hơn nữa. Nếu có loại hạnh phúc thông thường này quá nhiều và quá lâu thì ta sẽ buồn chán, hay nó sẽ biến thành nỗi khổ. Chẳng hạn như khi ở ngoài nắng thì mình sẽ có cảm giác rất tuyệt trong một thời gian, nhưng bạn sẽ không muốn ở ngoài nắng hoài, vì sẽ cảm thấy nóng. Sau một thời gian, điều này sẽ trở thành quá mức và bạn phải đi vào bóng râm. Hoặc hãy nghĩ về việc người thân mơn trớn và vuốt ve bàn tay của bạn. Nếu họ làm điều đó không ngừng trong ba tiếng đồng hồ thì tay của bạn sẽ rất đau! Vì vậy nên hạnh phúc thông thường tạo ra những vấn đề.

Hạnh phúc thông thường là kết quả của những hành vi có tính cách xây dựng, tích cực, nhưng nó vẫn trộn lẫn với vô minh, như trong ví dụ làm một người cầu toàn, phải lau chùi nhà cửa và đảm bảo mọi thứ đều ngăn nắp. Khi dọn dẹp xong thì họ được vui vẻ một thời gian, nhưng rồi sự bất toại nguyện phát sinh và họ nghĩ rằng, “Vậy là chưa đủ sạch. Có thể mình đã bỏ lỡ một chỗ nào. Phải lau chùi một lần nữa.”. Bất kỳ loại hạnh phúc nào mà những người như vậy trải nghiệm sẽ không kéo dài rất lâu. Họ cảm thấy ngôi nhà của họ luôn luôn có thể sạch sẽ hơn.

Nỗi Khổ Thâm Nhập Khắp Nơi

Loại khổ thứ ba được gọi là “nỗi khổ thâm nhập khắp nơi”. Khi nói về những tái sinh cứ tái diễn một cách bất tự chủ mà mình phải trải qua thì thực tế là trong mỗi một lần tái sinh, chúng ta sẽ có một loại thân tâm tự động sản sinh ra vấn đề và khó khăn. Hãy nghĩ về điều này. Với loại cơ thể mà mình hiện có thì không có cách nào bạn có thể đi bộ mà không dẫm lên chúng sinh nào đó và giết hại chúng. Không có cách nào bạn có thể ăn bất cứ món gì mà không có côn trùng hay loài nào khác bị giết hại trong quá trình sản xuất ra thực phẩm đó, ngay cả khi bạn ăn chay. Cơ thể của mình bị bệnh, và cả thân lẫn tâm đều mệt mỏi. Chúng ta phải nghỉ ngơi, phải ăn uống, phải kiếm sống Điều đó không dễ dàng, phải không?

Rồi trong kiếp sau, nếu như đủ may mắn thì ta sẽ tái sinh làm người một lần nữa và bây giờ, ta là một em bé. Thật kinh khủng! Bạn không thể tự biểu lộ điều gì, ngoài việc khóc lóc; bạn không thể làm bất cứ điều gì cho mình và phải học hỏi lại tất cả mọi thứ. Điều đó thật nhàm chán! Và điều kinh khủng là chúng ta phải lặp đi lặp lại việc này vô số lần. Hãy tưởng tượng bạn phải đi học lại! Bạn có muốn đi học thêm một triệu lần nữa, và làm vô số bài tập ở nhà và vô số bài kiểm tra hay không?

Thế thì đây là vấn đề toàn diện mà chúng ta gặp phải, là hệ quả của sự tái sinh cứ tái diễn một cách bất tự chủ. Ngay cả khi tái sinh trong một trạng thái tốt hơn nhiều, ngay cả với kiếp người quý báu thì ta vẫn có những vấn đề toàn diện này. Đây là những gì mình muốn thoát khỏi khi đạt được giải thoát, và để làm được điều đó thì phải khắc phục tất cả các hình thức của nghiệp, không chỉ loại tiêu cực, mà cả loại tích cực nữa.

Hạnh Phúc Bắt Nguồn Từ Giải Thoát

Hãy xem xét lại hạnh phúc thông thường của chúng ta. Về mặt kỹ thuật thì nó được gọi là “hạnh phúc ô uế”, vì nó bị nhuộm màu hay trộn lẫn với vô minh, với ý nghĩa là nó phát sinh từ vô minh, đi kèm với vô minh và trừ khi chúng ta thay đổi thái độ đối với nó, nếu không thì nó sẽ tạo ra thêm vô minh. Thay vì vậy, điều mình muốn là đạt được loại hạnh phúc không trộn lẫn với vô minh. Đây là loại hạnh phúc lâu dài và toại nguyện. Nó là loại hạnh phúc hoàn toàn khác với loại bình thường của mình. Đó là hạnh phúc bắt nguồn từ việc thoát khỏi mọi phiền não. Không có gì rối rắm về nó cả.

Lấy một ví dụ nhỏ, giống như loại hạnh phúc như vậy một chút, nhưng chắc chắn không phải là y chang như vậy: Bạn phải mang đôi giày rất chật suốt cả ngày. Đến cuối ngày, bạn cởi giày ra và thấy nhẹ nhõm. “Ah! Chân mình không còn bị gò bó và đau đớn nữa!”. Đó là một loại hạnh phúc khác với hạnh phúc khi ăn món gì mà mình thích, phải không? Chúng ta đang nói về hầu hết cảm giác nhẹ nhõm, vì không có những ý nghĩ loạn thần, không lo lắng, không có sự bất an, tất cả những điều này. Nếu như bạn không bao giờ bị mất quân bình về cảm xúc, bất an hay lo lắng nữa thì có tuyệt vời hay không? Thật là nhẹ nhõm biết bao nhiêu!

Đây là một sự gợi ý về những gì chúng ta đang nói đến, khi nói về việc thoát khỏi tái sinh cứ tái diễn một cách bất tự chủ, thoát khỏi chân khổ, bao gồm cả sự tái sinh như vậy. Để thực hiện điều này thì cần phải khắc phục sự thôi thúc của tất cả các hình thức nghiệp, không chỉ những loại phá hoại. Cần phải khắc phục sự thôi thúc để hành động ngay cả những hành vi tích cực. Không có gì sai trái đối với việc sạch sẽ và cố gắng làm tốt mọi việc. Vấn đề là khi mắc phải một hội chứng thần kinh cưỡng bách, làm rối loạn tâm an lạc và mất kiểm soát thì đó là những gì mình phải loại bỏ.

Phân Biệt Giữa Cảm Xúc Tích Cực Và Thái Độ Phiền Não

Khi ta hành động một cách tích cực thì có những cảm xúc tích cực đi cùng với điều đó, chẳng hạn như:

  • Tâm buông bỏ - không bám chấp vào bất cứ điều gì. Nó trái ngược với tâm tham ái.
  • Không muốn gây hại
  • Không vô minh - nhạy cảm về tác động của hành vi của chúng ta đối với bản thân và người khác

Rồi có những tâm sở khác có tính xây dựng, cũng đi kèm với những hành vi tích cực hay xây dựng:

  • Tôn trọng những phẩm chất tốt và những người có những phẩm chất này
  • Tự kiểm soát bản thân để ngăn chận hành vi tiêu cực
  • Ý thức về phẩm giá đạo đức, để tôn trọng bản thân và cảm xúc của mình
  • Quan tâm về cách mà hành vi của mình sẽ phản ảnh về người khác như thế nào

Không có điều nào trong những điểm này là yếu tố gây rối. Chúng đi kèm với hành vi tích cực, xây dựng; và ta không muốn loại bỏ chúng. Tuy nhiên, kẻ gây rối ở đây cũng đi kèm với hành vi tích cực là thái độ phiền não. Nói đơn giản thì đó là việc bám chấp vào một cái “tôi” vững chắc. Ví dụ, vì vô minh về cách mình tồn tại mà ta tưởng tượng là mình hiện hữu như một thực thể vững chắc, cụ thể, “tôi”, với một bản thể thường hằng chân thật, chẳng hạn như làm một người phải luôn luôn tốt, phải hoàn hảo. “Tôi phải là người tốt. Tôi phải giúp ích. Tôi phải làm người hữu dụng.”.

Một ví dụ phổ biến là cha mẹ có con cái trưởng thành. Cha mẹ vẫn muốn con cái cần có họ và làm người hữu ích, nên họ đưa ra lời khuyên và giúp đỡ, ngay cả khi con cái họ không muốn nghe lời khuyên. Đó là điều cưỡng ép, vì họ có cảm giác về một cái “tôi” vững chắc và nghĩ rằng, “Mình chỉ có giá trị và chỉ tồn tại, nếu các con vẫn cần mình. Họ bám vào điều này như một bản thể chân thật của cái “tôi” này, như một cách để làm cho cái “tôi” đó cảm thấy an toàn. Như thể họ cảm thấy rằng, “Nếu mình giúp con cái thì mình sẽ tồn tại.”.

Cảm xúc đằng sau lời khuyên và giúp đỡ của họ thì tích cực. Họ ngỏ lời vì họ thương con. Họ muốn làm người tử tế và hữu ích. Điều này không có gì sai trái. Kẻ gây rối là thái độ của họ về bản thân họ, về cái “tôi” đó: “Tôi chỉ là một người đáng kể, nếu như các con tôi vẫn cần tôi.”. Đây là nguyên nhân gây ra khía cạnh loạn thần, cưỡng bách của việc phải ngỏ lời giúp đỡ, ngay cả khi hoàn toàn không cần thiết và không phù hợp .

Bạn có thể cảm nhận được, nếu bạn đang trải qua khía cạnh loạn thần này, bởi vì “cảm xúc phiền não” và “thái độ phiền não”, cả hai đều có cùng một từ, với cùng một định nghĩa là “phiền não”. Cả hai thái độ và cảm xúc khiến ta mất đi sự an lạc và tự chủ. Khi bạn là một phụ huynh có thái độ về bản thân rằng “Tôi chỉ có giá trị của một con người, nếu tôi có thể làm điều gì cho con cái của mình.”. Bạn cảm thấy điều gì để cho thấy là bạn thiếu an lạc? Đó là một cảm giác bất an; bạn cảm thấy bất an, nên bạn thấy mình phải luôn luôn can dự vào chuyện của con cái, ví dụ như cách chúng nuôi dạy con cái. Bạn không an lạc và rõ ràng là không có tự chủ, dù những cảm xúc tích cực của tình thương và quan tâm có mặt ở đó. Đó là những điều mà mình phải cải thiện bằng kỷ luật tự giác.

Rồi thì ta cần phải trì giới để khắc phục sự thôi thúc của nghiệp tích cực mang tính xây dựng, điều chỉ mang lại hạnh phúc thông thường, thứ hạnh phúc ngắn ngủi, sớm biến thành tình huống khó chịu. Khi muốn đưa ra lời khuyên không cần thiết, xuất phát từ tình thương và sự quan tâm, chỉ vì  bất an và muốn thấy mình có giá trị thì ta sẽ nhận ra dù điều đó có thể khiến mình vui vẻ trong lúc này, nhưng nó sẽ sớm trở thành nỗi bất hạnh, khi con gái của mình tỏ vẻ phẫn nộ, không hài lòng với những gì mình nói. Vì vậy, ta phải luyện tính tự giác và không nói bất cứ điều gì. Nhưng việc giữ im lặng là điều đó khá khó khăn!

Cấp Độ Thứ Hai Của Trì Giới Phù Hợp Với Động Lực Lam-rim Trung Căn

Dù việc sử dụng tính tự chủ, mức độ trì giới đầu tiên, có thể giúp ta tránh được vấn đề đau khổ vì sự thay đổi như trên, nhưng vẫn còn nỗi khổ thâm nhập khắp nơi về sự tái sinh bất tự chủ. Một phiên bản đơn giản hơn của điều này là hội chứng đưa ra lời khuyên không cần thiết, lặp đi lặp lại nhiều lần và không kiểm soát được nó. Chúng ta không thể chấm dứt việc can thiệp với một động lực tốt, đó là tình thương, nhưng là tình thương xuất phát từ sự bất an của chính mình.

Để thật sự khắc phục nỗi khổ vì thay đổi và nỗi khổ thâm nhập khắp nơi thì cần phải áp dụng mức độ thứ hai của trì giới. Đó là việc áp dụng kỷ luật tự giác để loại bỏ thái độ vô minh, phiền não bám chấp vào một cái “tôi” vững chắc. Không phải mình muốn chấm dứt việc giúp đỡ và không phải là mình muốn ngưng thương yêu con cái, mà điều ta muốn chấm dứt là sự bất an loạn thần này, và sự bám chấp vào một cái “tôi”, đằng sau hành vi bốc đồng lặp đi lặp lại của mình.

Hãy cho một ví dụ về những điều mình phải cải thiện, ví dụ như lòng từ. Định nghĩa của nhà Phật về lòng từ là mong muốn người khác được hạnh phúc, và có được nhân hạnh phúc, bất kể họ làm gì. Tuy nhiên, nó có thể bị trộn lẫn với vô minh, tham ái và bất an. “Đừng bao giờ rời xa tôi!”; “Tại sao bạn không gọi cho tôi?”; “Bạn không còn thương tôi nữa.”; “Tôi cần bạn”.  “Tôi, tôi, tôi”. Chúng ta vẫn muốn người kia hạnh phúc, nhưng “Đừng bao giờ rời xa tôi” và “Bạn phải gọi điện thoại cho tôi mỗi ngày!”. Tình thương không phải là vấn đề. Vấn đề là tâm luyến ái và cái “tôi” to lớn đằng sau tất cả những điều này. Ở cấp độ trung căn này, chúng ta sẽ sử dụng việc trì giới để khắc phục thái độ phiền não tự đánh bại bản thân này của “tôi, tôi, tôi”.

Quán Chiếu Về Cấp Độ Trì Giới Thứ Hai

Trước khi lên cấp độ thứ ba thì tại sao chúng ta không dành vài phút để hấp thụ mọi việc? Hãy cố gắng nhận thức rõ những gì chúng ta đã thảo luận trong cuộc sống của mình. Như châm ngôn của nhà Phật, “Đừng để chiếc gương giáo pháp quay ra ngoài để phản ảnh những vấn đề của người khác (như cha mẹ của mình), mà hãy hướng nó vào bên trong để đối diện với chính mình.”.  Hãy cố gắng có nhận thức sâu sắc trong cuộc sống, trong kinh nghiệm của bản thân về cách mà ngay cả khi bạn hành động một cách xây dựng, nếu bạn làm như vậy một cách loạn thần vì lo lắng cho bản thân, thì nó vẫn tạo ra vấn đề. Hãy cố gắng nhận ra cái “tôi” vững chắc to lớn đàng sau hội chứng mà chúng ta cảm thấy, “Tôi phải hoàn hảo. Tôi phải là người tốt. Tôi phải là người hữu ích. Tôi phải được người khác cần đến và hữu dụng.”. Hãy nhận thức những vấn đề mà điều này đem lại.

Hãy cố nhận thức rằng chúng ta không phải chứng minh điều gì cả. Không cần phải chứng minh mình là một người tốt bằng cách luôn luôn ngỏ lời giúp đỡ, ngay cả khi không ai muốn mình giúp họ. Không cần phải chứng minh mình là người sạch sẽ, hay hoàn hảo. Có phải chúng ta đang nghĩ rằng, “Tôi rất sạch sẽ, nên tôi hiện hữu” hoặc “Tôi hoàn hảo, nên tôi hiện hữu”, giống như “Tôi suy nghĩ, nên tôi hiện hữu?”. Chỉ vì mình cảm thấy bất an về “tôi, tôi, tôi”, mà chúng ta phải chứng minh mình là người tốt hay đáng giá.

Chúng ta không phải chứng minh bất cứ điều gì. Hãy nghĩ về điều đó. Chúng ta đang cố gắng chứng minh điều gì bằng cách làm người quá hoàn hảo, quá tốt, quá sạch sẽ, có năng suất quá cao như vậy? Đó là cả một bí mật: không có gì để cảm thấy bất an, và bạn không phải chứng minh điều gì cả. Cứ làm việc đi! Hãy giúp đỡ người khác.

Hiển nhiên là không dễ chỉ sử dụng việc trì giới để nói rằng, “Đừng bất an nữa.”. Cần phải hiểu rằng sự bất an đó dựa vào tâm vô minh về cách mình hiện hữu, và vô minh này không dựa trên bất kỳ điều gì phù hợp với thực tại. Chúng ta cảm thấy bất an về điều gì? Chuyện hoang đường! Chuyện hoang đường là nếu tôi làm việc có năng suất cao hay hữu dụng thì tôi tồn tại. Nếu tôi không làm việc có năng suất cao thì tôi có ngưng tồn tại không? Điều đó khá kỳ lạ, phải không? Tôi phải chứng minh điều gì khi làm một người nghiện công việc? Nếu chúng ta muốn giúp đỡ người khác thì tốt thôi. Hãy giúp người khác, nhưng đừng bị cưỡng ép về điều đó. Đó chính là vấn đề. Đó là điều phải chấm dứt. Đó là mức độ thứ hai, hoặc phạm vi trung căn của trì giới. Chúng ta sử dụng kỷ luật tự giác để hiểu rằng không có gì để chứng minh, và với sự hiểu biết đó, mình sẽ đoạn trừ tâm bất an ẩn tàng sau hành vi bốc đồng của mình.

Cấp Độ Thứ Ba: Khắc Phục Việc Không Thấu Hiểu Nghiệp Của Tha Nhân

Ở cấp độ thượng căn của động lực lam-rim thì ta sẽ nỗ lực khắc phục việc không thấu hiểu về nghiệp của người khác. Chúng ta muốn giúp đỡ tha nhân. Nếu đã đạt được giải thoát thì ta sẽ không bị tái sinh một cách bất tự chủ, nên không còn bốc đồng nữa, chúng ta không hành động một cách tiêu cực, và không có động lực loạn thần để hành động bốc đồng theo tính cách xây dựng, ngay cả khi nó không phù hợp. Mặc dù vậy, vấn đề là, dù rất muốn giúp đỡ người khác, nhưng chúng ta không biết đâu là cách tốt nhất để làm điều đó. Chúng ta không biết những lý do nghiệp chướng và bối cảnh vì sao mọi người thể hiện như vậy trong hiện tại. Ngoài ra, ta cũng không biết tác động của bất cứ điều gì mà mình dạy cho họ, không chỉ tác động đối với họ, mà còn đối với tất cả những người khác mà họ sẽ giao tiếp. Vì không biết điều gì sẽ xảy ra từ những lời mình khuyên bảo và giảng dạy, nên cách mà mình có thể giúp đỡ tha nhân rất là hạn hẹp.

Làm Việc Vì Lợi Lạc Của Tha Nhân

Làm thế nào để kỷ luật tự giác sẽ giúp ích cho tình trạng khó khăn này? Trước tiên là phải làm việc có kỷ luật, để không lãnh đạm và tự mãn. “Hiện giờ thì tôi đã thoát khổ, nên chỉ ngồi thiền, lúc nào cũng an lạc và hạnh phúc.”. Chúng ta cần phải trì giới để làm việc thêm cho người khác. Bạn có thể cảm nhận được điều đó trước giai đoạn này, khi bạn đã có một sự thành công đáng kể trong công phu thiền định. Bạn ngồi thiền và tâm trí không còn lang thang và hôn trầm nữa, và rất an lạc, không phải phiền não, mà thật sự cảm thấy tốt đẹp. Bạn rất hài lòng ở trong trạng thái đó. Nếu thật là tiến bộ thì bạn có thể ở trong trạng thái đó một thời gian rất dài, và nếu đã giải thoát thì bạn có thể tồn tại như vậy mãi mãi.

Điều gì khiến bạn thoát khỏi sự tự mãn và mãn nguyện ấy? Nếu thật sự đã giải thoát khỏi sự tái sinh bất tự chủ thì thậm chí bạn không còn có loại cơ thể bình thường này, nên bạn không bao giờ đói bụng hay bất cứ điều gì.  Điều khuấy động bạn là ý nghĩ về tha nhân. “Làm sao tôi có thể ngồi đây thật an lạc và tuyệt vời, trong khi người khác đang khổ?” Chúng ta cần phải trì giới để khắc phục mối quan tâm cho phúc lợi của riêng mình, và suy nghĩ cũng như làm việc vì người khác.

Điều rất quan trọng là điểm này là bước sau khi mình đã làm việc vì lợi ích cho bản thân. Nếu như cố gắng giúp đỡ người khác trong khi bản thân mình vẫn còn đau khổ và loạn thần thì sẽ tạo ra vấn đề. Chúng ta sẽ cáu kỉnh và khó chịu với người khác, khi họ không nghe lời khuyên của mình, và không tiến bộ nhanh đủ. Hoặc chúng ta sẽ thấy lưu luyến và ganh tị, nếu họ đến với một vị thầy khác. Có lẽ tồi tệ hơn nữa là mình cảm thấy họ hấp dẫn, và điều đó sẽ tạo ra những vấn đề lớn trong khi cố gắng giúp đỡ người đó. Chúng ta thật sự cần phải cải thiện chính mình trước. Tuy nhiên, không phải là mình phải giải thoát hoàn toàn, trước khi cố gắng giúp đỡ người khác, vì điều đó sẽ mất một thời gian rất dài. Vấn đề là không bỏ bê việc cải thiện bản thân mình trong quá trình làm việc để giúp đỡ người khác.

Trong khi cải thiện bản thân mình thì ta vẫn phải tập trung vào việc khắc phục phiền não và sự thôi thúc của nghiệp. Chúng ta vẫn cần có kỷ luật để vượt qua tính vị kỷ; nhưng ở giai đoạn này, cũng cần có kỷ luật để khắc phục sở tri chướng trong tâm thức, khiến mình không có khả năng toàn tri. Vì không phải là bậc toàn trí, nên ta không thể thấy bức tranh toàn cảnh; không thấy cách vạn pháp tương quan với nhau. Bất cứ điều gì xảy ra là kết quả của sự kết hợp của nhiều, rất nhiều nhân duyên, và tất cả những nhân duyên này đều có nhân duyên riêng của chúng.

Ở giai đoạn hiện tại, tâm thức của mình bị hạn chế; ta không thể thấy mọi việc liên quan đến những gì xảy ra với người khác. Thậm chí tệ hơn nữa, chúng ta nghĩ rằng chỉ có một nhân tạo ra một quả, đặc biệt là khi nghĩ mình là nguyên nhân. Chẳng hạn, nếu người nào giao tiếp với mình bị trầm cảm thì ta tưởng rằng đó là lỗi của mình, đơn thuần chỉ vì những điều mình đã nói hay làm. Điều này không phù hợp với thực tại. Bất cứ điều gì xảy ra với người ta là kết quả của nhiều, rất nhiều nguyên nhân, không chỉ đơn giản là những điều mình đã làm. Những gì mình đã làm có thể đã đóng góp một phần trong đó, không thể phủ nhận điều đó, nhưng nó không phải là toàn bộ vấn đề bắt nguồn từ chỉ một nguyên nhân. Hay có thể ta đang cố gắng giúp đỡ ai đó và nói với họ rằng, “Nguyên nhân vấn đề của bạn là không có một nền giáo dục tốt.”.  Hoặc nói rằng, “Tất cả vấn đề của bạn là vì cha mẹ bạn đã làm điều này hay điều kia lúc bạn còn bé.”.  Chúng ta không thấy toàn bộ bức tranh. Nó rộng lớn hơn như thế rất nhiều.

Tư Tưởng Không Phù Hợp Với Thực Tại

Chúng ta cần có sự hiểu biết rộng lớn hơn nhiều so với sự hiểu biết trong hiện tại. Vấn đề là tâm thức của mình phóng chiếu các phân loại, như những chiếc hộp, và ta sắp xếp mọi thứ vào những chiếc hộp này. Chúng ta cô lập các thứ như thể chúng tồn tại trong những cái hộp, độc lập với mọi thứ khác và tin rằng điều này tương ứng với thực tại. Chúng ta không thấy sự liên kết và phụ thuộc lẫn nhau của vạn pháp. “Đây là một nguyên nhân. Điều này xấu, điều này tốt.”. Chúng ta phân loại.

Đó không phải là cách vạn pháp tồn tại. Sự vật không tồn tại biệt lập với tất cả những sự vật khác. Chúng ta cần có kỷ luật để hiểu rằng dù mình có thể cảm thấy như vậy, nhưng nó không tương ứng với thực tại. Ở đây, một ví dụ đơn giản là bạn ở nhà cả ngày với các con. Người phối ngẫu của bạn đi làm về và không nói chuyện với bạn. Họ chỉ đi vào phòng ngủ, đóng cửa lại và nằm xuống. Trong tâm trí của mình, ta sẽ đặt người phối ngẫu của mình vào cái hộp gọi là “những người không yêu tôi”. Trên thực tế, mình cũng ném họ vào những chiếc hộp của “những người khủng khiếp”, và “những người không tử tế”. Tiềm ẩn đàng sau điều này là mối bận tâm về cái “tôi” to lớn, Họ thì ở trong chiếc hộp “những người kinh khủng” bởi vì “tôi”, tôi, tôi, tôi, muốn nói chuyện với họ. Tôi muốn, tôi muốn, tôi muốn! Tôi muốn một cái gì đó từ họ. Bởi vì chúng ta đặt họ vào một cái hộp, nên không thấy sự tương quan của tất cả mọi việc mà họ đã trải qua trước khi về đến nhà, và cách họ hành động khi bước vào nhà. Có thể hôm nay họ đã gặp khó khăn trong công việc, và điều này hay điều kia có thể xảy ra với họ trên đường về nhà, vân vân và vân vân.

Sự việc có thường xảy ra với chúng ta như vậy hay không? Ai đó về nhà và giống như họ xuất hiện từ hư không, không có gì xảy ra với họ trước khi họ về đến nhà, và mọi thứ bắt đầu từ lúc họ bước vào cửa. Hãy nhìn sự việc từ hướng trái ngược. Nếu người kia là người ở nhà với bọn trẻ và bạn đi làm về, thì sự việc hiện ra với bạn như thế nào? Có người phối ngẫu của mình ở đó, tươi tắn, như thể không có gì xảy ra với họ trong ngày, trước khi bạn bước vào nhà.

Nếu bạn nghĩ về điều đó thì tất nhiên nó không phải như vậy! Chúng ta đang nói về cách mà tâm mình làm cho mọi thứ xuất hiện. Nó làm cho chúng xuất hiện như thể sự giao tiếp giữa mình và người phối ngẫu của mình bắt đầu từ đây, tại thời điểm này, khi mình bước qua cánh cửa, và không có gì xảy ra trước đó. Tất cả mọi thứ xuất hiện trong những cái hộp mà chúng ta phân loại mọi thứ. Tập khí thâm căn cố đế đặt để con người, đồ vật và hoàn cảnh vào những chiếc hộp là điều mà chúng ta cần có kỷ luật để khắc phục. Cần phải nhận ra rằng cái nhìn theo từng ngăn riêng biệt về thế giới không phù hợp với thực tại.

Để chắc chắn là bạn hiểu rõ điều này, hãy xem một ví dụ thông thường khác. Chúng ta đặt người khác vào chiếc hộp của “người phối ngẫu của tôi”, và không nghĩ đến sự kiện là họ cũng có những mối quan hệ và tình bạn với nhiều người khác ngoài mình ra. Bởi vì mình đặt họ trong chiếc hộp tinh thần này nên ta nghĩ rằng, “Họ chỉ là của tôi. Họ nên có mặt sẵn sàng bất cứ lúc nào tôi muốn, bởi vì đó là điều duy nhất mà họ đóng vai trò, là người phối ngẫu của tôi. Không có điều gì khác xảy ra trong cuộc sống của họ.”. Chúng ta không nghĩ rằng họ có nghĩa vụ với cha mẹ họ, có bạn bè khác hoặc có những hoạt động khác. Không, họ chỉ có mặt trong cái hộp này. Điều kinh khủng là bạn cảm thấy như thể đó là sự thật, và chúng ta tin rằng điều đó phù hợp với thực tại. Rõ ràng là trên cơ sở đó, chúng ta có lòng lưu luyến với họ và sẽ tức giận nếu họ phải đi gặp người khác.

Cấp Độ Thứ Ba Của Trì Giới Phù Hợp Với Động Lực Lam-rim Thượng Căn

Ở phạm vi thượng căn của động lực lam-rim thì ta sẽ nỗ lực để đạt được trạng thái toàn trí của một vị Phật toàn giác, để là sự hỗ trợ tốt nhất cho tất cả chúng sinh. Để trở thành sự hỗ trợ tốt nhất thì mình cần phải hiểu trọn vẹn về nghiệp dĩ của mỗi người. Phải thấu hiểu tất cả các hành vi bốc đồng của họ trong quá khứ, cộng với tất cả những nhân tố khác của các nhân duyên dẫn đến tình trạng hiện tại của họ, và cần phải biết hệ quả của bất cứ điều gì mà mình sẽ dạy cho họ. Để thấy được mối tương quan trọn vẹn của nhân quả, đặc biệt là các mối liên hệ nhân quả liên quan đến nghiệp, chúng ta cần phải chấm dứt việc cô lập mọi thứ và đưa chúng vào các hộp tinh thần của những thể loại, và tưởng tượng rằng đó thật sự là cách chúng tồn tại.

Vì vậy, cần phải phát triển không chỉ kỷ luật tự giác đạo đức để vượt qua sự quan tâm cho bản thân, mà là phát triển lòng quan tâm chân thành đối với người khác. Chúng ta cũng cần kỷ luật tự giác để nhận ra rằng cách trí óc của mình làm cho mọi thứ xuất hiện trong những cái hộp không tương ứng với thực tế. Chúng ta cần cố gắng để thấy bức tranh rộng lớn hơn.

Quán Chiếu Về Cấp Độ Thứ Ba Của Trì Giới

Theo cấu trúc của đường tu tuần tự lam-rim thì có ba cấp độ trì giới, liên quan đến nghiệp:

  • Kỷ luật để kềm chế hành vi phá hoại
  • Kỷ luật để khắc phục phiền não đằng sau hành vi bốc đồng, có thể là tiêu cực hoặc tích cực
  • Kỷ luật để khắc phục những khiếm khuyết về cách lừa đảo mà tâm thức của mình làm cho mọi thứ xuất hiện, để chấm dứt việc suy nghĩ theo cách nhỏ nhặt, đặt để mọi việc vào những chiếc hộp tinh thần, và kỷ luật không được thờ ơ và tự mãn với tình huống của mình, để có thể thấu hiểu nghiệp của người khác, và giúp họ khắc phục nó.

Hãy cố nhận ra cách tâm thức của mình làm cho mọi thứ xuất hiện trong những chiếc hộp, cách ly với mọi thứ khác bằng cách sử dụng thiền quán sâu sắc. Hãy nghĩ về những người trong căn phòng này, hay nếu bạn đang đọc bài này ở nhà thì hãy nghĩ về những người bạn thấy trên xe buýt hay tàu điện ngầm. Bạn nhìn thấy họ và như thể là họ hiện ra từ hư không. Họ mới xuất hiện ở đây, và mình không hề biết những gì đã diễn ra trong nhà họ sáng nay, hay là họ có con hay không, hay họ có gặp khó khăn gì để đến đây hay không, không có điều nào trong số những sự việc này hiện ra đối với mình. Vì vậy mà mình thật sự không biết được tâm trạng của họ như thế nào, và không biết bất cứ điều gì mình có thể nói với họ sẽ có những tác động nào. Họ có thể rất mệt mỏi, hay bực mình, hay buồn bực vì những điều diễn ra sáng nay, hay có thể họ ngủ không đủ. Làm sao mình biết được? Khi nó có vẻ như thể người ta không đến từ nơi nào cả, không có bối cảnh thì làm sao mình có thể biết cách tốt nhất để giúp họ?

Dù sao đi nữa thì mình phải không tin vào bề ngoài đó, và cuối cùng, giúp cho tâm mình chấm dứt việc làm cho các pháp xuất hiện theo cách đó. Rồi thì, thậm chí ở giai đoạn này, ngay cả khi ta không biết sáng nay chuyện gì đã xảy ra với ai đó, thì ít nhất ta có thể hiểu có chuyện gì đó đã xảy ra với người này, trước khi mình gặp họ. Nếu thật lòng quan tâm thì mình sẽ hỏi thăm họ, và tôi không có ý là quan tâm như mình đang thực hiện nghiên cứu khoa học. Chúng ta đang nói về sự quan tâm thật sự, với lòng từ bi: “Tôi mong cho bạn được hạnh phúc và không đau khổ.”.

Vậy thì hãy cố nhận ra cách tâm mình tạo ra những hiện tướng lừa đảo. Hãy cố gắng thấy rằng những điều này hạn hẹp như thế nào, khi ta tin rằng chúng tương ứng với thực tại, và cách mà điều đó sẽ tạo ra vấn đề. 

Top