Những Sự Hiều Lầm Chung Về Đạo Phật
Nghĩ Rằng Đạo Phật Bi Quan
Giáo huấn đầu tiên mà Đức Phật ban cho là Tứ Diệu Đế, và điều đầu tiên trong số đó là “chân khổ”. Dù nói về sự bất hạnh, về những hình thức hạnh phúc bình thường, hay kinh nghiệm luân hồi bao trùm khắp nơi thì tất cả đều là khổ. Tuy nhiên, “khổ” là một danh từ khá khắc nghiệt trong tiếng Anh. Ý nghĩa ở đây là tất cả các trạng thái này đều bất toại nguyên và có vấn đề, vì mọi người đều muốn hạnh phúc và không ai muốn bất hạnh, nên phải khắc phục những vấn đề trong cuộc sống.
Có sự hiểu lầm là đạo Phật nói rằng có điều gì không ổn với việc cảm nhận hạnh phúc, nhưng hình thức hạnh phúc thông thường của chúng ta có những thiếu sót, chúng không bao giờ lâu dài, chẳng bao giờ toại nguyện, và khi chúng kết thúc thì mình luôn muốn có nhiều hơn nữa. Nếu như có quá nhiều thứ mà mình ưa thích, chẳng hạn như thức ăn mà mình thích nhất, thì ta sẽ thấy chán, và không thấy vui khi ăn thêm nữa. Vì vậy nên đạo Phật dạy ta phấn đấu cho hạnh phúc xuất phát từ việc thoát khỏi tất cả những tình huống bất toại nguyện này. Điều đó không có nghĩa là mục tiêu cao nhất là không cảm thấy gì cả. Điều đó có nghĩa là có nhiều loại hạnh phúc, và những gì chúng ta thường trải qua, dù tốt hơn là bất hạnh, nhưng không phải là mức độ hạnh phúc đầy đủ nhất mà mình có thể trải nghiệm.
Nghĩ Rằng Vô Thường Có Ý Nghĩa Tiêu Cực
Có một sự hiểu lầm, khi nghĩ về vô thường về mặt chỉ áp dụng cho hạnh phúc thông thường, rằng nó sẽ chấm dứt và biến thành bất toại nguyện và bất hạnh. Vô thường cũng ngụ ý rằng bất kỳ giai đoạn bất hạnh cụ thể nào trong cuộc sống của chúng ta cũng sẽ chấm dứt. Điều đó mở ra khả năng chữa lành và tận dụng những cơ hội mới để cải thiện tình hình trong đời sống. Do đó, đạo Phật cung ứng rất nhiều phương pháp để thay đổi thái độ và quan điểm của chúng ta về cuộc sống và cuối cùng, để đạt được giải thoát và giác ngộ. Tất cả những thay đổi như thế cũng tuân theo nguyên tắc vô thường cơ bản.
Nghĩ Rằng Đạo Phật Là Một Hình Thức Của Chủ Nghĩa Hư Vô
Đức Phật dạy nguyên nhân thật sự của những khó khăn trong đời sống của tất cả mọi người là vì vô ý thức (vô minh) về thực tại, cách mà họ cũng như người khác và mọi thứ tồn tại. Ngài dạy Không tướng (tánh Không) là pháp đối trị với sự vô minh này. Việc cho rằng tánh Không là một hình thức của chủ nghĩa hư vô, và Đức Phật nói rằng không có gì tồn tại là một sự hiểu lầm - bạn không tồn tại, người khác không tồn tại, vấn đề của bạn không tồn tại - nên giải pháp cho vấn đề của bạn là nhận thức rằng không có gì hiện hữu.
Tánh Không không hề có nghĩa như vậy. Chúng ta phóng chiếu vào thực tại những cách mà các pháp không thể tồn tại như vậy, chẳng hạn như cô lập và độc lập với tất cả những pháp khác. Chúng ta không biết rằng tất cả các pháp đều tương quan và phụ thuộc vào tất cả những pháp khác một cách toàn diện và hữu cơ. Sự mê lầm về điều này theo thói quen khiến tâm ta làm cho mọi thứ có vẻ tồn tại theo những cách bất khả dĩ, giống như trang mạng này dường như tồn tại như vậy, hoàn toàn độc lập với hàng chục ngàn giờ làm việc của hơn một trăm người tạo ra nó. Cách tồn tại bất khả dĩ này không tương ứng với bất cứ điều gì chân thật. Tánh Không là sự vắng mặt của bất kỳ sự ám chỉ nào tương ứng với vọng tưởng của mình về những cách bất khả dĩ. Không có gì tự nó tồn tại; điều đó không có nghĩa là không có gì tồn tại.
Hiểu Lầm Về Đạo Đức Và Giới Nguyện
Nghĩ Rằng Đạo Đức Nhà Phật Dựa Trên Sự Đánh Giá Đạo Đức Tốt Và Xấu
Về mặt đạo đức, và trong nhiều trường hợp khác, sự hiểu lầm thường có thể phát sinh vì các từ ngữ dịch thuật lệch lạc. Vì những từ ngữ này mà mình phóng chiếu những khái niệm ngoại đạo vào giáo pháp. Ví dụ, chúng ta có thể sử dụng thuật ngữ có ý nghĩa của những truyền thống Kinh Thánh, chẳng hạn như những từ đức hạnh, thất đức, công đức và tội lỗi. Những loại từ ngữ này phóng chiếu lên đạo đức trong giáo pháp ý niệm về sự phán xét đạo đức và mặc cảm, rằng một số điều là đức hạnh, có nghĩa là tốt và đúng đắn. Nếu chúng ta thực hiện chúng thì mình là người tốt, và khi hành xử như vậy thì mình sẽ tích tập công đức, giống như phần thưởng nào đó. Nhưng nếu hành động một cách vô đạo đức, “không thánh thiện”, thì mình là người xấu, và sẽ tích tập tội lỗi mà mình phải gánh lấy nỗi khổ. Điều này rõ ràng là sự phóng chiếu của đạo đức Kinh Thánh vào đạo đức nhà Phật.
Đạo đức nhà Phật hoàn toàn dựa trên việc phát triển trí phân biệt. Chúng ta cần phải học cách phân biệt giữa những gì có tính xây dựng và những gì có tính chất phá hoại, những gì có lợi và những gì có hại, rồi nhờ sự hiểu biết đó mà kềm chế những hành vi có hại, phá hoại.
Nghĩ Rằng Đạo Đức Nhà Phật Dựa Vào Việc Tuân Theo Luật Pháp
Tiếp theo, việc xem đạo đức nhà Phật dựa vào việc tuân theo luật pháp, thay vì dựa trên trí phân biệt là một sự hiểu lầm. Trong một số nền văn hóa, người ta rất coi trọng luật pháp, rồi không quá linh hoạt, nên không muốn phá luật. Trong khi đó, người Tây Tạng khá thoải mái về các nguyên tắc đạo đức. Không có nghĩa là họ có thể cẩu thả, nhưng có nghĩa là trong một số trường hợp nào đó, người ta phải sử dụng trí phân biệt về cách áp dụng một tôn chỉ. Điều mà chúng ta đang cố phân biệt ở đây là liệu mình có hành động vì tác động của phiền não hay không, hay liệu có một lý do có tính cách xây dựng nào đối với cách cư xử của mình hay không.
Nghĩ Rằng Giới Giống Như Luật Pháp, Có Thể Có Sơ Hở
Ở một cực đoan khác, ta có thể xem giới nguyện như một luật sư, nên sẽ tìm kiếm những sơ hở trong việc trình bày về nghiệp, để tìm ra lý do cho việc hành xử một cách tiêu cực, hoặc để khoan nhượng và làm nhẹ lời thề. Tôi sẽ cho một ví dụ. Chẳng hạn như ta có thể thọ giới tránh hành vi tình dục không phù hợp, rồi khẳng định rằng quan hệ tình dục bằng miệng là ổn, vì nó là sự biểu hiện của tình yêu. Chúng ta viện cớ, vì thích hình thức tình dục này. Hoặc sau khi thọ giới bỏ rượu thì lại nói rằng có thể uống rượu trong bữa ăn với bố mẹ, để không làm mất lòng họ, hoặc thỉnh thoảng có thể uống rượu, miễn là không say sưa. Chúng ta viện cớ để cố gắng qua mặt giới nguyện.
Vấn đề là nếu thọ giới thì bạn sẽ nhận trọn giới, không chỉ nhận một phần của giới đó thôi. Đây là cách mà giới nguyện được ghi rõ. Nếu không thể giữ được tất cả chi tiết của các giới, hoặc bất kỳ giới nào, như được ghi rõ trong kinh sách, thì đừng thọ giới. Không bắt buộc là bạn phải thọ giới.
Có một cách khác. Đối với việc bàn luận về giới trong A Tỳ Đạt Ma thì có ba loại: Có một giới nguyện mà trên cơ bản là bạn hứa sẽ kềm chế không thực hiện điều gì tiêu cực. Rồi có một điểm rất khó dịch, theo nghĩa đen là một điều đi ngược với giới nguyện. Nó là một giới nguyện không tránh điều gì phá hoại, chẳng hạn như giết chóc. Chẳng hạn, nếu gia nhập quân đội thì bạn có thể thề không tránh việc bắn nhau, khi kẻ thù tấn công. Rồi thì có một điều gì ở giữa, như kềm chế chỉ một phần của những điều được nêu rõ trong một giới nguyện.
Chính là loại ở giữa này mà mình có thể áp dụng ở đây. Chẳng hạn về mặt giới tại gia, để tránh hành vi tình dục không phù hợp, nếu có những thành phần của giới mà mình nghĩ không thể giữ được thì có thể chỉ hứa là không quan hệ tình dục với bạn đời của người khác, và không sử dụng bạo lực trong việc giao cấu, như cưỡng hiếp ai, hoặc ép buộc ai giao cấu với mình. Thực hiện một lời hứa như thế thật ra không phải là giới nguyện như được ghi rõ trong kinh sách, nhưng nó tích cực hơn nhiều, và tạo ra nghiệp lực tích cực hơn - tôi thích dùng chữ nghiệp lực tích cực hơn là công đức, và nghiệp lực tiêu cực hơn là tội lỗi - nên nó sẽ tạo ra nhiều lực tích cực hơn trong dòng tâm thức của mình, thay vì chỉ kềm chế loại hành vi đó. Điều này không làm hại giới nguyện, mà lại trở thành một hình thức thực hành đạo đức rất mạnh mẽ.
Nghĩ Rằng Đạo Đức Nhà Phật Là Nhân Đạo – Chỉ Tránh Làm Hại Người Khác
Một sai lầm khác về đạo đức là hiểu lầm rằng đạo đức nhà Phật là nhân đạo. “Nhân đạo” có nghĩa là chỉ tránh làm những việc gây hại cho người khác. Miễn sao mình không làm tổn thương người khác thì không sao. Đây là đạo đức nhân đạo, hay ít nhất là sự hiểu biết của tôi về đạo đức nhân đạo. Mặc dù nó rất hay, rất tốt, nhưng không phải là nền tảng của đạo đức nhà Phật. Nền tảng của đạo đức nhà Phật là nhấn mạnh vào việc tránh những điều tự hủy hoại, bởi vì mình không thật sự biết điều gì sẽ làm tổn thương người khác: Bạn có thể cho ai đó một triệu euro, nghĩ rằng mình sẽ giúp ích cho họ, rồi ngày hôm sau, họ bị cướp giựt và sát hại vì có số tiền đó, nên mình không biết điều gì sẽ giúp ích cho người khác. Chúng ta không thể nhìn thấy tương lai. Điều được nêu rõ trong Phật pháp là nếu mình hành động một cách phá hoại thì trên cơ sở của phiền não, như sân hận, tham lam, ham muốn, ganh tỵ, si mê và vân vân, đó là tự hủy hoại. Nó sẽ tạo ra tập khí tiêu cực để lặp lại hành vi đó, và sẽ khiến mình trải qua đau khổ. Đây là nền tảng của đạo đức nhà Phật.
Hiểu Lầm Về Tái Sinh
Vì Bỏ Qua Tái Sinh, Nên Không Cải Thiện Hành Vi Tiêu Cực Và Cảm Xúc Phiền Não
Khái niệm sai lầm này về đạo đức nhà Phật là nhân đạo - chỉ không làm tổn thương người khác - dường như xuất phát từ sự nhấn mạnh về thực hành Đại thừa hơi sớm, từ việc nghĩ rằng mình có thể bỏ qua các giai đoạn lam-rim sơ căn và trung căn. “Lam-rim” đề cập đến các giai đoạn của đường tu giác ngộ. Động lực của phạm vi sơ căn là để tránh tái sinh tồi tệ hơn, nhưng chúng ta không tin vào tái sinh. Phạm vi trung căn là để hoàn toàn tránh tái sinh bất tự chủ. Nhưng chúng ta vẫn không tin vào tái sinh, nên không có điều nào trong những điều này thật sự là quan trọng với mình. Chúng ta nghĩ rằng, “Hãy bỏ qua điều đó đi.”. Nhưng mình bị giáo pháp Đại thừa thu hút, vì theo nhiều cách thì nó có vẻ rất giống một số truyền thống Tây phương về lòng từ, lòng bi, khoan dung, quảng đại, từ thiện, vân vân. Điều này nghe rất hay, nên chúng ta bị điều đó thu hút, và bỏ qua, hay giảm thiểu tầm quan trọng của hai phạm vi đầu.
Khi làm như vậy thì mình cũng bỏ qua một phần quan trọng trong nội dung của nó, cụ thể là tu tập để khắc phục hành vi tiêu cực, cảm xúc và thái độ phiền não, vì chúng tự hủy hoại bản thân. Chúng ta chỉ cố gắng giúp đỡ người khác. Đó là một sai lầm. Mặc dù rất quan trọng để nhấn mạnh Đại thừa, nhưng nó phải dựa trên phạm vi sơ căn và trung căn. Trước tiên, phải cải thiện hành vi tiêu cực và cảm xúc phiền não của chúng mình, vì chúng sẽ ngăn trở việc mình cố gắng giúp đỡ người khác.
Không Xem Trọng Tái Sinh
Một lý do mạnh mẽ khiến nhiều người trong chúng ta thà bỏ qua giáo pháp của phạm vi sơ căn là vì mình nghĩ rằng tái sinh không tồn tại. Nói cho cùng thì việc nhấn mạnh phạm vi sơ căn là để tránh những tái sinh tồi tệ hơn; nên chúng ta quy y (đưa phương hướng tích cực vào trong đời sống) và tuân theo luật nhân quả để tránh hành vi phá hoại, bởi vì nó sẽ đem lại tái sinh tồi tệ hơn. Chúng ta bỏ qua điều đó, hay không nhấn mạnh điều đó, vì không tin vào tái sinh. Và đặc biệt là chắc chắn mình không tin vào cõi địa ngục, ngạ quỷ (quỷ đói), chư thiên và a tu la. Chúng ta nghĩ họ không thật sự tồn tại, và những mô tả trong kinh sách thật ra chỉ đề cập đến trạng thái tâm lý của con người. Đó thật sự là một sự bất công đối với giáo pháp, và là một sự hiểu lầm lớn.
Không Xem Trọng Tái Sinh Trong Các Sắc Tướng Phi Nhân, Phi Thú
Tôi không muốn đi sâu vào nhiều chi tiết ở đây, nhưng nếu nghĩ về một tâm thức, một dòng tâm thức, dù là của mình hay của bất kỳ ai khác, thì không có lý do gì nó không thể trải qua đủ loại hạnh phúc và bất hạnh, lạc thú và nỗi đau, và không chỉ hạn chế trong một vài loại được xác định bằng các thông số (parameters) của thân tâm của chúng ta như một con người. Sau cùng thì đây là trường hợp của những loại nhận thức giác quan. Một số thú vật có thể nhìn xa hơn nhiều so với tầm nhìn của con người; một số có thể thính tai hơn, và vân vân. Vậy thì tại sao không phải là ranh giới về mặt hạnh phúc, bất hạnh, lạc thú và nỗi đau mà mình trải nghiệm cũng có thể được mở rộng, và sẽ có một sắc tướng thích hợp làm cơ sở, chẳng hạn như thân địa ngục hoặc thân của một vị trời.
Giảm Thiểu Những Dạng Sống Khác Thành Những Trạng Thái Tâm Lý Đơn Thuần Của Con Người
Mặc dù trong việc trình bày về nghiệp thì trong kiếp sống của con người, chúng ta có thể có một số hậu quả, một số dư nghiệp của những kiếp trước trong những cõi khác - ta sẽ trải nghiệm những điều tương tự như những gì mình đã kinh qua trong những kiếp đó - tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mình có thể hạn chế việc thảo luận về các dạng sống khác mà mình và người khác có thể có được đơn thuần là những trạng thái tâm lý của con người. Đó là việc đánh lừa giáo pháp.
Nghĩ Rằng Nghiệp Không Có Lý, Vì Chỉ Hạn Chế Nó Trong Một Kiếp
Bởi vì không chấp nhận tái sinh và những trạng thái tồn tại khác, nên ta hiểu lầm nghiệp chỉ là việc mô tả hệ quả từ những hành động của mình sẽ xảy ra trong cuộc sống này. Giới hạn đó gây ra rất nhiều sự nghi ngờ về giáo pháp nói về nghiệp. Rốt cuộc thì có những tội phạm lớn không bao giờ bị bắt, và có vẻ thoát khỏi tội ác của họ. Và chúng ta có thể trải nghiệm đủ điều khủng khiếp trong đời, như chết vì ung thư, trong khi không bao giờ làm điều gì tiêu cực quá đáng. Nghiệp dường như không có nghĩa lý gì, nếu ta giới hạn việc thảo luận hay quan điểm của mình chỉ trong đời này.
Hiểu Lầm Giáp Pháp
Khử Trùng Những Phần Mình Không Ưa Thích Trong Đạo Phật
Tất cả những điều này nhấn mạnh một vấn đề lớn hơn nhiều, một sự hiểu lầm lớn hơn nhiều về Pháp, đó là nghĩ rằng mình có thể chọn những điều mà mình ưa thích trong giáo pháp, và có thể loại bỏ hay thờ ơ với những gì khó chấp nhận. Điều này được gọi là đạo Phật “được khử trùng”. Chúng ta khử trùng hay làm sạch tất cả những điều khó khăn trong đạo Phật.
Khi nghe những câu chuyện về nghiệp, có những con voi đi vào trong lòng đất và bài tiết ra vàng, và tất cả những chuyện khác thì ta nghĩ rằng, “Thôi đi! Đó là chuyện cổ tích dành cho trẻ con!” Chúng ta không thấy rằng có một số bài học trong đó. Dù mình có hiểu chúng theo nghĩa đen như một số người Tây Tạng hiểu hay không thì không phải là vấn đề. Vấn đề là đừng loại bỏ chúng; chúng là một phần của giáo pháp. Một ví dụ khác là trong kinh điển Đại thừa, khi chư Phật thuyết Pháp cho hàng trăm triệu chúng sinh; và có hàng trăm triệu vị Phật tham dự; và trong mỗi một lỗ chân lông của mỗi vị Phật lại có một trăm triệu vị Phật khác; vân vân. Thường thì chúng ta thấy rất xấu hổ về những điều này và nói rằng, “Điều này quá kỳ lạ.”. Chúng ta không chấp nhận chúng như một phần của giáo pháp.
Vấn đề ở đây là chọn lựa những phần trong đạo Phật mà mình thích. Có một số giới Mật tông và bồ tát giới nào đó chống lại việc loại bỏ một số giáo pháp nào đó, hoặc cho rằng chúng không xác thực; nói cách khác là chỉ tham gia vào một phần giáo pháp, và bỏ qua những phần khác, chỉ lấy những gì mình thích. Nếu như chấp nhận đạo Phật là con đường tâm linh của mình thì ít nhất chúng ta cần phải đủ cởi mở để nói rằng, “Tôi không hiểu giáo pháp này”, ngay cả khi nó nghe rất kỳ lạ đối với mình, và “Tôi sẽ không phán xét cho đến khi có được một lời giải thích sâu sắc hơn và hiểu rõ hơn.”. Điều quan trọng là không khép chặt tâm mình và loại bỏ chúng.
Nghĩ Rằng Sẽ Dễ Có Được Kiếp Người Quý Báu Lần Nữa
Ngay cả khi mình chấp nhận tái sinh thì một sự hiểu lầm khác là nghĩ rằng rất dễ có một kiếp người quý báu một lần nữa. Chúng ta thường nghĩ, “Vâng, vâng, tôi tin vào tái sinh, và dĩ nhiên tôi sẽ trở lại làm người, và dĩ nhiên sẽ có tất cả cơ hội để tiếp tục tu tập”, và vân vân. Điều đó là rất, rất là ngây thơ. Đặc biệt, nếu nghĩ về những hành vi phá hoại mà mình đã tạo ra, thời gian mà chúng ta đã chịu ảnh hưởng của phiền não như sân hận, tham lam, ích kỷ, v.v., so với thời gian mà mình đã hành động vì lòng từ bi thanh tịnh, thì khá rõ ràng là sẽ rất khó để có được sự tái sinh làm người quý báu lần sau.
Phấn Đấu Để Có Được Kiếp Người Quý Báu, Để Tiếp Tục Ở Cạnh Những Người Thân
Một sự sai lầm khác là phấn đấu để có được kiếp người quý giá, để có thể tiếp tục ở bên bạn bè và gia đình, vì quyến luyến họ. Hay thậm chí chỉ nghĩ rằng nếu như có được kiếp người quý giá một lần nữa thì tất nhiên tôi sẽ gặp lại tất cả bạn bè, họ hàng và những người thân yêu của mình. Đó cũng là một sự hiểu lầm. Có vô lượng chúng sinh và dạng sống. Theo mỗi một lịch sử nghiệp dĩ của mình thì tất cả chúng ta sẽ tái sinh trong những tình huống khác nhau. Vì vậy, hoàn toàn không có gì đảm bảo ta sẽ tái sinh thành loại chúng sinh nào, hay sẽ gặp ai trong những kiếp sau. Trên thực tế, có một khả năng lớn hơn nhiều là sẽ phải mất một thời gian rất dài, trước khi mình sẽ gặp lại bất cứ ai trong cuộc đời này. Có thể mình sẽ gặp lại, không phải là bất khả dĩ. Nhưng đó là một sự hiểu lầm khi nghĩ rằng nó rất dễ dàng, hay bảo đảm là sẽ xảy ra.
Hiểu Lầm Về Nghiệp
Nghĩ Rằng Mình Xấu Xa Và Đáng Gánh Lấy Quả Của Ác Nghiệp
Một điểm khác liên quan đến nghiệp và tái sinh là ngay cả khi chấp nhận rằng đau khổ trong đời này là sự chín muồi của những ác nghiệp được tích tập từ những kiếp trước, chúng ta có thể nghĩ, “Nếu như tôi đau khổ, nếu điều gì tồi tệ xảy ra thì tôi đáng bị như vậy.”. Hay bạn xứng đáng với điều đó, nếu nó xảy ra với bạn. Sự hiểu lầm ở đây là nó ám chỉ một cái “tôi” hiện hữu kiên cố, đã phạm pháp, có tội và xấu xa, và bây giờ đang nhận hình phạt mà mình đáng phải gánh. Rồi ta đổ lỗi cho “mình”, cái “tôi” vững chắc này, rất xấu xa và hiện đang bị trừng phạt, vì hiểu sai luật nhân quả.
Nghĩ Rằng Mình Có Trách Nhiệm Đối Với Nghiệp Trổ Của Người Khác
Rồi chúng ta mở rộng khái niệm tội lỗi này đến vai trò của mình về nghiệp trổ của người khác. Chúng ta không thấy có nhiều yếu tố và hoàn cảnh liên quan đến việc trải nghiệm nghiệp trổ, và mỗi một trong số này đều có những nguyên nhân riêng. Đó là một sự hiểu lầm khi nghĩ rằng tôi là nguyên nhân cho nghiệp trổ của người khác. Những gì họ trải nghiệm phát sinh phụ thuộc vào tất cả các yếu tố này, không chỉ dựa vào tôi.
Tôi sẽ cho một ví dụ. Giả sử mình bị xe đụng. Nó không phải vì những gì tôi đã làm trong kiếp trước, khiến tôi bị người ta đụng xe. Nếu ta nghĩ rằng “Tôi phải chịu trách nhiệm về mặt nghiệp dĩ đối với việc bị xe đụng”, thì không đúng. Những gì mình chịu trách nhiệm về mặt nghiệp dĩ là kinh nghiệm bị tông xe. Nghiệp của người đó chịu trách nhiệm cho việc họ đụng mình bằng xe hơi. Như vậy thì những gì xảy ra với chúng ta là kết quả của sự tương tác của nhiều, rất nhiều yếu tố nghiệp khác nhau, cũng như phiền não và các yếu tố chung chung, như thời tiết, trời mưa, đường trơn trợt, v.v... Chúng đều kết nối với nhau để tạo ra tình huống mà chúng ta phải trải nghiệm đau khổ hoặc vấn đề.
Hiểu Lầm Về Vị Bổn Sư
Bỏ Qua Vấn Đề Vị Bổn Sư Phải Có Đủ Tiêu Chuẩn Và Tạo Nguồn Cảm Hứng Cho Mình
Bây giờ, nói về vị bổn sư thì tôi nghĩ đó là vấn đề hiểu lầm lớn, không chỉ giữa những người Tây phương. Trước hết, vì sự nhấn mạnh vào tầm quan trọng của vị bổn sư, nên mình có xu hướng bỏ bê thực tế là vị thầy phải có trình độ, và có danh sách bằng cấp. Và ngay cả khi vị thầy có trình độ thì mình cần phải cảm thấy có cảm hứng từ vị thầy.
Một trong những lý do chính đối với tầm quan trọng của vị thầy tâm linh là người thầy tạo nguồn cảm hứng, năng lượng để chúng ta thực hành, mô hình mà chúng ta muốn noi theo. Chúng ta có thể lấy thông tin từ sách vở, từ Internet, v.v... Dĩ nhiên là vị bổn sư phải trả lời thắc mắc của mình, và cũng cần có khả năng sửa sai, khi mình phạm sai lầm trong công phu hành thiền. Nhưng nếu người đó không truyền cảm hứng cho mình thì ta sẽ không tiến quá xa.
Nhận Ai Làm Thầy Mà Không Quán Sát Kỹ Trước
Vì sự hiểu lầm ấy liên quan đến việc họ thật sự phải có đủ trình độ và phải truyền cảm hứng cho mình mà ta vội vàng chấp nhận người nào làm bổn sư của mình, mà không tìm hiểu ông ấy hay bà ấy một cách đầy đủ hay đúng đắn trước. Chúng ta cảm thấy áp lực vì sự nhấn mạnh này: “Bạn phải có một bổn sư; bạn phải có bổn sư.”. Rồi thì mình có nguy cơ bị vỡ mộng, khi mà về sau, mình thấy một cách khách quan rằng thầy có lỗi lầm. Chúng ta đã không tìm hiểu một cách đúng đắn. Đây là một vấn đề lớn, bởi vì nhiều vụ tai tiếng đã phát sinh đối với các vị thầy tâm linh, những người bị buộc tội đúng hay sai về hành vi không đúng đắn của họ. Đôi khi, họ bị buộc tội đúng về điều đó; họ thật sự không có trình độ và ta có thể cảm thấy bị áp lực vì sự nhấn mạnh về vị bổn sư, để chấp nhận người này là bổn sư của mình. Rồi khi khám phá ra những vụ tai tiếng liên quan đến bổn sư của mình thì chúng ta bị hụt hẫng.
Nghĩ Rằng Tất Cả Những Người Tây Tạng, Đặc Biệt Là Giới Xuất Gia, Những Vị Có Danh Hiệu, Là Phật Tử Hoàn Hảo
Như sự phụ trợ cho điều này, việc nghĩ rằng tất cả những người Tây Tạng; hay hạn chế hơn, toàn thể chư tăng ni; hay thậm chí hạn chế hơn, tất cả các Rinpoche, Geshe và Kenpo là những ví dụ hoàn hảo về việc tu tập Pháp là một sự hiểu lầm. Đó là một sự hiểu lầm rất phổ biến. Chúng ta nghĩ rằng, “Họ phải là Phật tử hoàn hảo, vì họ là người Tây Tạng”, hay là “Phật tử hoàn hảo, vì họ đắp y.”. “Họ là Phật tử hoàn hảo, vì có danh hiệu Rinpoche. Họ phải là bậc giác ngộ.”. Đây là điều rất ngây thơ. Hầu hết họ chỉ là những người bình thường.
Có thể số người tu tập theo đạo Phật trong cộng đồng Tây Tạng có một tỷ lệ lớn hơn so với hầu hết các xã hội khác, và người Tây Tạng có thể có những giá trị đạo Phật nào đó là một phần trong nền văn hóa của họ; nhưng dù sao đi nữa thì điều đó không có nghĩa là họ đều là những người hoàn hảo. Và có thể có nhiều lý do, khi một người trở thành một vị tăng hay ni. Trong số những người Tây Tạng, có thể là gia đình đưa bạn vào tu viện khi còn nhỏ, vì họ không thể nuôi bạn, và bạn sẽ có thức ăn và giáo dục. Nó có thể là vì một lý do tự thúc đẩy hơn, rằng tôi có những khó khăn, và cần có kỷ luật của đời sống tu hành, để khắc phục những vấn đề này.
Như một trong những người bạn của tôi, là một Rinpoche, đã giải thích, “Việc đắp y là dấu hiệu cho thấy tôi thật sự cần kỷ luật này, bởi vì tôi là một người rất vô kỷ luật, có nhiều phiền não, và đang nỗ lực hết sức để khắc phục chúng.”. Điều đó không có nghĩa là họ đã khắc phục chúng. Nên chúng ta không nên ngây thơ nghĩ rằng họ đều đã giác ngộ, đặc biệt là đối với các Rinpoche. Như Đức Dalai Lama luôn nói: “Nếu chỉ dựa vào tên tuổi lớn của vị tiền nhiệm thì thật là một sai lầm lớn.” Ngài nhấn mạnh rằng các Rinpoche trong đời này phải biểu lộ và chứng minh trình độ của họ, không chỉ dựa vào danh tiếng của mình.
Không Tôn Trọng Tăng Ni, Khiến Các Vị Phải Phục Vụ Phật Tử Tại Gia
Mặt khác, việc không tôn trọng và hỗ trợ các tăng ni, mà biến các vị thành đầy tớ cho Phật tử tại gia ở các trung tâm Phật pháp là một sự hiểu lầm. Điều này thường xảy ra, khi có một trung tâm Phật giáo, và có một vị tăng hay ni thường trú ở đó. Vị thầy hay cô này phải lau chùi trung tâm, dọn dẹp và sửa chữa mọi tịnh xá ở thì họ phải chăm sóc khu tịnh xá, và tất cả những việc như vậy, khi có một khóa học cuối tuần, thậm chí không thể tham dự các buổi thuyết pháp, vì họ quá bận rộn. Dường như các Phật tử tại gia nghĩ rằng chư tăng ni này là đầy tớ của họ.
Việc này nên xảy ra theo cách ngược lại. Là tăng ni, các vị rất đáng được tôn trọng, bất kể đạo đức của họ ra sao. Đó là một phần của những giáo pháp liên quan đến phương hướng an toàn hay quy y trong Tăng đoàn, người ta tôn trọng ngay cả y áo của người tu. Điều đó không có nghĩa là bạn nghĩ rằng các vị hoàn hảo và ngây thơ về điều này. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó thì nên thể hiện sự tôn trọng.
Tưởng Tượng Bổn Sư Là Một Vị Phật Không Thể Có Sự Sai Lầm Nào, Và Buông Bỏ Hết Trách Nhiệm Trong Đời Sống Của Mình
Ngoài ra, còn có một sự hiểu lầm lớn về thuật ngữ “sùng mộ bổn sư”. Tôi nghĩ rằng nó không phải là một cách phiên dịch hữu ích, bởi vì dường như nó ám chỉ sự thờ phượng gần như mù quáng, như trong tà giáo. Đó là một sự hiểu lầm lớn. Thuật ngữ được sử dụng ở đây cho mối quan hệ với vị thầy tâm linh có nghĩa là nương tựa và tin tưởng một người như mình sẽ nương tựa và tin tưởng vào một bác sĩ có trình độ. Nên cùng một từ ngữ được sử dụng cho mối quan hệ đối với bác sĩ của mình, cũng như với vị bổn sư của chúng ta. Tuy nhiên, vì chỉ giáo xem thầy là Phật này, nên chúng ta hiểu lầm và nghĩ rằng thầy không thể sai lầm, nên mình phải vâng lời ngài mà không có thắc mắc gì, giống như trong tà giáo. Đó là một sai lầm. Vì vậy mà mình buông bỏ hết mọi khả năng phê phán và trách nhiệm đối với bản thân, phụ thuộc vào việc xem mo (mo, bói xúc xắc), ném xúc xắc và quyết định mọi sự cho mình.
Chúng ta đang nhắm vào việc tự mình thành Phật, để phát triển trí tuệ, để có thể tự mình đưa ra những quyết định bi mẫn thông tuệ. Vì vậy, nếu một vị thầy chỉ nhắm vào việc làm cho mình phụ thuộc vào ngài, giống như cách nắm quyền, thì có điều gì sai trái ở đây. Có một sự hiểu lầm, khi ta nghĩ rằng điều này ổn thỏa, và thuận theo ý thầy. Nếu ta đùa giỡn với hội chứng nắm quyền và kiểm soát với một vị thầy là không theo tôn chỉ một cách đúng đắn.
Gán Ghép Vai Trò Nhà Trị Liệu Hay Mục Sư Cho Vị Thầy
Việc gán ghép vai trò của một mục sư hay nhà trị liệu cho một vị thầy để thảo luận về vấn đề cá nhân và xin lời khuyên nhủ cũng là một sự hiểu lầm. Đó không phải là vai trò của một vị thầy tâm linh trong đạo Phật. Theo truyền thống đạo Phật thì vị thầy sẽ thuyết pháp, và cách áp dụng giáo pháp là tùy theo chúng ta. Chỉ có những câu hỏi liên quan đến sự hiểu biết của mình về giáo pháp và việc hành thiền mới là điều thích đáng.
Nếu bạn có vấn đề tâm lý thì hãy đến một nhà trị liệu; đừng đi tìm vị thầy tâm linh của mình. Đặc biệt, những đề tài không phù hợp để thảo luận với tăng ni là vấn đề hôn nhân hay tình dục. Chư tăng ni là những người sống độc thân, nên không tham dự vào những vấn đề này. Đây không phải là những người mà ta có thể đặt câu hỏi về loại vấn đề này, nhưng vì xuất thân từ một truyền thống có các mục sư, linh mục và giáo sĩ Do Thái (rabbi), nên ta hy vọng chư tăng ni sẽ đảm nhận chức năng mục vụ chung chung này, để giúp mình khắc phục những thời điểm khó khăn trong đời sống cá nhân.
Tôi sẽ cho một ví dụ. Tôi đã sống rất gần gũi mỗi ngày với thầy của tôi, Tsenshap Serkong Rinpoche, trong chín năm, hầu hết suốt thời gian ấy. Trong chín năm đó, ngài không bao giờ hỏi tôi một câu hỏi cá nhân. Không bao giờ về đời sống cá nhân của tôi, về gia đình tôi, về lý lịch của tôi. Không có gì cả. Công việc hằng ngày luôn luôn là việc ngài dạy cho tôi, hay tôi làm việc với ngài để làm lợi lạc cho người khác, như thông dịch cho ngài, hoặc sắp xếp chuyến đi của ngài, hay bất cứ điều gì. Nên đó là hình thức quan hệ rất khác biệt, so với những điều chúng ta đã quen ở phương Tây, và không phải là một mối quan hệ dễ hiểu đối với mình.
Xem Thường Việc Quy Y – Đưa Phương Hướng An Toàn Vào Trong Cuộc Sống
Về mặt tu học với thầy thì việc này dẫn đến chủ đề quy y, mà tôi muốn gọi là “phương hướng an toàn”. Đây là việc đưa một phương hướng an toàn vào trong cuộc sống, như đã được Phật, Pháp và Tăng nêu ra. Việc xem thường quy y như tham gia một câu lạc bộ là một sự lầm lẫn. Bạn cắt một ít tóc, cột một sợi dây màu đỏ ở cổ, nhận một pháp danh Tây Tạng, và bây giờ, bạn đã tham gia câu lạc bộ. Đây là một vấn đề đặc biệt khi mà vị thầy xuất thân từ một dòng truyền thừa Tây Tạng cụ thể nào đó thì ta xem câu lạc bộ mà mình tham gia là một dòng truyền thừa Phật giáo Tây Tạng cụ thể nào đó, chứ không phải là Phật giáo nói chung: “Bây giờ tôi đã trở thành một hành giả Gelug.”; “Bây giờ, tôi đã trở thành một hành giả Karma Kagyu.”; “Hiện nay, tôi đã trở thành một hành giả Nyingma.”; “Hiện tại, tôi đã trở thành một hành giả Sakya.”. Thay vì: “Bây giờ, tôi đang noi theo đường tu của Đức Phật.”. Vì sự hiểu lầm này mà chúng ta trở thành bộ phái, độc quyền và không bao giờ đến một trung tâm Phật giáo khác, ngoại trừ nơi mà mình đã tham gia. Thật lạ lùng làm sao, khi hầu hết các hành giả đạo Phật ở Tây phương chỉ đến một trung tâm Phật giáo mà thôi, và sẽ không bao giờ bước chân đến một trung tâm khác nữa.
Mỗi Một Vị Thầy Đến Phương Tây Đều Cần Phải Thành Lập Trung Tâm Phật Giáo Và Tổ Chức Riêng
Điều rắc rối hơn nữa là mỗi một vị thầy truyền thống nào đến phương Tây dường như đều muốn thành lập trung tâm Phật giáo và tổ chức riêng. Tôi cảm thấy đây là một sai lầm lớn, bởi vì sau đó, tình hình trở nên không duy trì nổi. Bạn không thể duy trì 400 chi nhánh Phật giáo khác nhau trong tương lai vô hạn định. Hơn nữa, điều đó rất rắc rối cho các Phật tử mới. Ngoài ra, việc hỗ trợ tất cả những nơi này với bàn thờ, thư viện, chi phí thuê nhà, vân vân và vân vân là một sự hao hụt tài chánh và gánh nặng lớn. Ở Tây Tạng, mặc dù nhiều vị thầy đến từ Ấn Độ và Nepal, và nhiều tu viện khác nhau được thành lập, nhưng cuối cùng, họ đã họp lại với nhau và thành lập các nhóm riêng biệt. Họ không ở trong cùng những nhóm có mặt ở Ấn Độ, bạn không có Kagyu hay Sakya ở Ấn Độ, nhưng họ đã hợp nhất thành các nhóm, sau đó trở nên bền vững và tập họp nhiều dòng truyền thừa khác nhau.
Vì vậy, mặc dù có các tổ chức lớn trong Phật giáo ở phương Tây, chẳng hạn như những tổ chức do Trungpa Rinpoche, Sogyal Rinpoche, Lama Yeshe và Lama Zopa, v.v..., chúng ta cần phải nghĩ về việc các nhóm tập họp lại để tạo thành những dòng truyền thứa lớn hơn, như là điều đã xảy ra ở Tây Tạng. Nhưng khi thực hiện điều này thì cần phải tránh hai thái cực. Một là nếu Phật giáo Tây phương quá rời rạc thì không xong. Mặt khác, nếu quá chỉnh đốn thì cũng không xong. Vì vậy nên việc quan tâm một cách cẩn trọng là điều cần thiết, nhưng tôi nghĩ tính bền vững là một vấn đề lớn.
Nghĩ Rằng Nếu Mình Đã Có Thầy Thì Không Thể Tu Học Với Những Vị Thầy Khác
Việc không đến các trung tâm Phật giáo khác cũng là một sự hiểu lầm, khi nghĩ rằng mình không thể tu học với các vị thầy khác, ngay cả những vị trong cùng dòng truyền thừa với thầy của mình. Hầu hết người Tây Tạng có một vài vị thầy, không chỉ một. Sử sách đã ghi lại, chẳng hạn như A Đề Sa (Atisha), có 155 vị thầy. Những vị thầy khác nhau có những lãnh vực chuyên môn khác nhau. Một vị thì giải thích điều này hay; một vị thì giải thích điều kia hay. Một vị có dòng truyền thừa này; một vị thì có dòng truyền thừa kia. Việc có nhiều thầy không phải là không trung thành với thầy của mình. Như Đức Dalai Lama nói: “Chúng ta có thể nhìn vào các vị thầy của mình như Đức Quán Thế Âm 11 đầu, mỗi vị thầy giống như một khuôn mặt khác nhau, và sự kết hợp của tất cả các vị sẽ tạo thành một cơ thể hướng dẫn tâm linh.”.
Theo Học Với Một Vài Vị Thầy Không Hòa Hợp Với Nhau
Rồi điều rất quan trọng là đừng theo học với một số vị thầy có mâu thuẫn với nhau. Việc này sẽ không xong. Bạn phải tìm những vị thầy có mối liên hệ chặt chẽ và hài hòa với nhau, cái mà tiếng Tây Tạng gọi là dam-tshig. Đó là vì, chẳng may, những điều như vậy đôi khi xảy ra, cái mà chúng ta gọi là “chiến tranh tâm linh của các vì sao” giữa các vị thầy tâm linh bất đồng ý kiến một cách rất gay gắt về một số vấn đề nào đó, dù đó là về các vị Hộ Pháp, hay Đức Karmapa thật sự là ai, hay bất cứ điều gì. Vì vậy, nếu bạn muốn có nhiều hơn một vị thầy thì hãy chọn các vị hòa hợp với nhau.
Nghĩ Rằng Chỉ Cần Lắng Nghe Một Vị Thầy Thuyết Pháp Là Vị Đó Đã Trở Thành Thầy Của Mình
Ở đây, cũng rất cần thiết để nhận thức rằng nếu chỉ lắng nghe một bài thuyết pháp của một vị thầy thì điều đó sẽ không tự động biến vị này này thành vị thầy tâm linh của mình, với tất cả ẩn ý của lòng sùng mộ đạo sư, mặc dù tất nhiên là mình phải tôn trọng vị thầy đó. Như Đức Dalai Lama có nói, “Con có thể nghe bất cứ người nào thuyết pháp, và tham dự buổi thuyết pháp như một bài diễn thuyết, giống như ở trường đại học.”. Nó không ngụ ý điều gì xa hơn như vậy.
Những Sự Hiểu Lầm Về Việc Tu Tập
Không Kết Hợp Giữa Học Và Hành
Về phần hành trì, nếu như cho rằng truyền thống Gelug hoàn toàn là một dòng truyền thừa chuyên về nghiên cứu, còn Kagyu và Nyingma hoàn toàn là những dòng truyền thừa chuyên về hành trì thì đó là một sự hiểu lầm. Vì sự ngây thơ đó mà ta có thể tưởng tượng nếu mình tu tập theo một trong những dòng truyền thừa này thì sẽ bỏ bê khía cạnh khác, mình sẽ bỏ bê việc học, hay bỏ bê việc hành thiền. Khi vị thầy nhấn mạnh điều này hay điều kia, tu học hay hành thiền thì không có nghĩa là mình chỉ làm một thứ và bỏ qua thứ kia. Nó khá rõ ràng là mình cần cả hai.
Gần đây, trong một thính chúng có nhóm người Tây phương đã tu học tại thư viện ở Dharamsala vào thập niên 70 và 80, Đức Dalai Lama đã sử dụng một ví dụ rất hay. Ngài nói rằng Mật tông, Đại Thủ Ấn (mahamudra), Đại Viên Mãn (dzogchen) và những pháp tu cao như vậy giống như những ngón tay trên bàn tay. Lòng bàn tay, tức nền tảng, là những giáo huấn của truyền thống Ấn Độ từ Tu Viện Na-lan-đà (Nalanda), giáo huấn của các đạo sư Na-lan-đà Ấn Độ về Kinh điển. Việc hiểu lầm là đặt quá nhiều nhấn mạnh vào các ngón tay. Ngài nói rằng đôi khi, vị thầy làm như vậy là nhấn mạnh quá nhiều về các ngón tay. Họ cho các đệ tử học và chỉ thực hành các ngón tay mà quên đi bàn tay. Những ngón tay xòe ra từ bàn tay, và không tự hoạt động. Đây là hình ảnh, một ẩn dụ mà Đức Dalai Lama đã sử dụng, và tôi nghĩ đó là lời khuyên rất hữu ích. Đó là một sự hiểu lầm mà người ta nghĩ rằng, “Tất cả những gì tôi phải làm là tu tập Đại Viên Mãn; chỉ cần ngồi và để tự nhiên.”. Làm như vậy là đơn giản hóa các loại giáo pháp này mà không có nền tảng.
Cho Rằng Mình Là Milarepa, Và Cần Phải Nhập Thất Suốt Đời
Tương tự như vậy, khi nghĩ rằng mình là Milarepa, và tất cả mọi người, cụ thể là chính mình, cần phải nhập thất trọn đời, hoặc ít nhất là thực hiện một khóa nhập thất ba năm là một sự hiểu lầm. Chỉ có một vài người mới thích hợp với đời sống thiền định toàn thời; hầu hết cần phải tham gia vào việc phúc lợi xã hội. Đây là lời khuyên trực tiếp của Đức Dalai Lama. Rất, rất là hiếm có khi mình thật sự phù hợp với cả đời nhập thất thiền định, hay có thể có được lợi lạc một cách nghiêm chỉnh từ khóa nhập thất ba năm, và không chỉ ngồi đó trì tụng mật chú trong ba năm mà không thật sự cải thiện chính mình ở mức độ sâu xa.
Cho Rằng Chỉ Cần Hành Thiền Vào Lúc Rảnh Rỗi Là Có Thể Đạt Giác Ngộ
Tất nhiên, tu tập Pháp miên mật toàn thời là điều cần thiết để đạt giải thoát hay giác ngộ, và việc đánh giá quá cao rằng mình có thể thành tựu giải thoát và giác ngộ mà không cần tu tập toàn thời là một sự sai lầm. Chúng ta cứ nghĩ, “Tôi có thể tu hành trong thời gian rảnh rỗi, và sẽ đạt giải thoát và giác ngộ.”. Đó cũng là một sự hiểu lầm. Nhưng đó cũng là một sai lầm, khi không khách quan với bản thân và về khả năng của mình để có thể tu hành miên mật ngay bây giờ. Đó là vì, nếu như thúc đẩy bản thân mà thật sự không thể thực hiện cách tu tập này thì ta sẽ rất thất vọng. Ta sẽ bị cái mà người Tây Tạng gọi là lung, năng lượng thần kinh bị tán loạn và làm cho ta rối loạn về tâm lý, cảm xúc và thể chất.
Không Nghĩ Một Cách Thực Tế Là Sẽ Phải Mất Bao Nhiêu A Tăng Kỳ Kiếp Để Đạt Giác Ngộ
Điều này cũng dính líu chút ít với vấn đề không tin vào tái sinh, bởi vì nếu không tin vào tái sinh thì mình sẽ không xem xét một cách nghiêm túc về những mục tiêu lâu dài, sau khi tu hành rất nhiều a tăng kỳ kiếp. Có một giáo huấn nói rằng có thể đạt giác ngộ trong đời này, nhưng đó không phải là một cái cớ để nghĩ rằng, “Mình chỉ có kiếp này, bởi vì không có tái sinh”, thế là ta tự đẩy mình vượt qua mức mà mình có thể làm ở thời điểm này.
Đánh Giá Thấp Tầm Quan Trọng Của Việc Duy Trì Công Phu Hàng Ngày
Ngoài ra, khi xem xét mặt khác của điều này thì việc đánh giá thấp tầm quan trọng của việc hành thiền hàng ngày là một sai lầm. Điều này rất quan trọng, nếu ta sẽ duy trì việc tu tập Pháp, để có nề nếp hành thiền hàng ngày. Có rất nhiều, rất nhiều lợi ích về mặt kỷ luật, cam kết, sự ổn định trong cuộc sống và đáng tin cậy, đó là bất kể điều gì xảy ra thì ta sẽ hành thiền mỗi ngày. Nếu như nghiêm túc về việc tạo ra nhiều tập khí ích lợi, đó là mục tiêu của thiền, thì cần phải tu tập.
“Tu tập” có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là tạo dựng một tập khí có lợi, qua việc phân tích và lặp đi lặp lại. Chẳng hạn như, trong một môi trường được kiểm soát, ta có thể tưởng tượng những hoàn cảnh thử thách, khi mà mình thường buồn bực, rồi hãy phân tích nguyên nhân tạo ra rối loạn cảm xúc. Ta sẽ tìm hiểu, “Tại sao mình lại buồn bực về tình huống này hay tình huống kia? Tại sao khi bị bệnh, chẳng hạn vậy, thì mình lại nóng tính? Có phải vì ....” Rồi thì mình đi sâu hơn và thấy rằng, “Tôi đang tập trung vào bản thân mình. 'Tôi đang khổ. Tội nghiệp cho mình quá.'".
Ngay cả khi không cố ý nghĩ rằng “Tội nghiệp mình quá” trong khi bị bệnh, nhưng nếu như thật lòng thì ta phải thừa nhận rằng mình thường tập trung vào “tôi”, là điều mà ta xem là đáng chú ý nhất đối với sự quan tâm của mình. Rồi thì, bởi vì không thích những điều mình đang trải qua, nên ta cáu kỉnh, rồi trút sự cáu kỉnh của mình sang người khác. Vì vậy, trong khi hành thiền, ta sẽ phân tích những tình huống như thế, xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân, rồi tạo ra một thái độ ích lợi hơn, trong trường hợp này là sự kiên nhẫn, đối với tình huống đầy thử thách. Trong khi tu tập hàng ngày mà mình khảo sát những điều như vậy và rèn luyện một số tập khí ích lợi thì vô cùng lợi lạc. Đó là một sự hiểu lầm lớn, khi nghĩ rằng chúng ta có thể tu tập mà không cần thực hiện điều này.
Nghĩ Rằng Pháp Tu Đạo Phật Có Nghĩa Là Chỉ Thực Hiện Nghi Lễ
Khi nghĩ rằng tu tập trong đạo Phật có nghĩa là chỉ thực hiện một nghi lễ mà không cải thiện bản thân mình trước hết cũng là một sự hiểu lầm. Theo định kỳ thì nhiều người tụng một nghi quỹ (sadhana), một bản văn Mật tông quán tưởng trong một nhóm hay một mình. Và thường thì họ tụng bằng tiếng Tây Tạng, một ngôn ngữ mà thậm chí họ không hiểu, và nghĩ rằng đó là “tu tập”. Dzongsar Khyentse Rinpoche đã đưa ra một ẩn dụ tuyệt vời cho việc này. Ngài nói rằng nếu người Tây Tạng phải tụng kinh cầu nguyện và các kinh sách mỗi ngày bằng tiếng Đức, được viết theo ngữ âm bằng chữ Tây Tạng, mà chẳng hiểu tí gì về những gì họ đang tụng thì ngài nghi ngờ rằng không có bao nhiêu người Tây Tạng sẽ làm như vậy. Tuy nhiên, là người Tây phương, chúng ta lại làm điều đó và coi đó là tu tập, cứ làm như vậy là đủ để giác ngộ. Nhưng tu tập thật sự có nghĩa là tự cải thiện bản thân, nỗ lực để thay đổi thái độ, khắc phục những cảm xúc phiền não qua sự phân tích và hiểu biết, và qua đó, tạo dựng những tập khí có lợi hơn như lòng từ, lòng bi, hiểu biết đúng đắn, v.v...
Nghĩ Rằng Phải Noi Theo Phong Tục Tây Tạng, Để Tu Tập Pháp Một Cách Đúng Đắn
Một sự hiểu lầm khác là nghĩ rằng nếu muốn tu tập Pháp một cách đúng đắn thì cần phải noi theo phong tục Tây Tạng hay các hình thức Á châu, như có một bàn thờ theo phong cách Tây Tạng, trang trí tỉ mỉ trong “phòng thờ” ở nhà, hay thậm chí ở một trung tâm Phật giáo. Dĩ nhiên, nhiều đạo sư Tây Tạng đến phương Tây thích lập một trung tâm Phật giáo và trang trí giống như một ngôi chùa Tây Tạng, với những bức tường được vẽ giống như trong chùa, và được trang trí bằng những bức tranh cuộn, v.v...
Như những người bạn Tây Tạng của tôi nói, “Nếu những người Tây phương như bạn thích nó, thì tại sao không? Không có hại gì.”. Tuy nhiên, nếu như mình nghĩ việc trang trí như vậy là rất cần thiết thì đó là một sai lầm lớn. Đặc biệt là khi phải tốn rất nhiều tiền, trong khi số tiền đó có thể được sử dụng cho những việc khác có lợi ích hơn rất nhiều. Vì vậy, dù đó là một trung tâm Phật giáo hay ở nhà thì cũng không cần trang trí tỉ mỉ, theo phong cách Tây Tạng, để tu tập Phật giáo Tây Tạng. Miễn là gian phòng mà mình ngồi thiền gọn gàng, sạch sẽ thì đó là cách tôn trọng những điều mình đang làm, vậy là đủ rồi.
Nghĩ Rằng Việc Đoạn Trừ Phiền Não Sẽ Xảy Ra Một Cách Nhanh Chóng
Dù trọng tâm chính của Phật pháp là đoạn trừ nhân tạo khổ mãi mãi, cụ thể là vô minh, hoặc vô ý thức về thực tại và phiền não, việc nghĩ rằng phiền não của mình sẽ được khắc phục một cách nhanh chóng là một sự hiểu lầm. Chúng ta rất dễ quên rằng chỉ khi nào trở thành một vị A la hán, một bậc giải thoát, thì mình mới hoàn toàn thoát khỏi tâm sân hận, chấp thủ, v.v..., mặc dù trên đường tu thì mình sẽ có những điều này ở mức độ thấp hơn. Nếu như quên đi điều này thì ta sẽ chán nản, khi thấy mình vẫn tức giận sau nhiều năm tu tập. Điều này rất thường xảy ra.
Việc không kiên nhẫn với chính mình là một sai lầm. Cần phải nhận thức rằng việc tu tập sẽ thăng trầm, giống như luân hồi lên xuống. Về lâu về dài, có thể hy vọng có sự cải thiện, nhưng không quá dễ dàng như vậy. Vì vậy, việc thiếu kiên nhẫn với chính mình khi trải qua giai đoạn xuống dốc là một sai lầm. Nhưng mặt khác, cần phải tránh cực đoan quá bi quan về những tập khí tiêu cực, không nghiêm chỉnh hay lười biếng đối với việc cải thiện bản thân. Trung đạo ở đây không phải là tự đánh đòn khi mình vẫn còn sân hận, nhưng mặt khác, không nên chỉ nói rằng, “Tôi thấy tức giận”, hay “Tôi đang có tâm trạng tồi tệ”, mà không cố gắng áp dụng một vài phương pháp của nhà Phật để khắc phục chúng.
Việc thấy mình sẽ dựa vào điều gì để giải tỏa tinh thần, khi có tâm trạng tồi tệ là điều rất thú vị. Tôi có quay về với việc hành thiền không? Tôi có quay về với quy y không? Hay tôi sẽ quay qua sô cô la, hoặc tình dục, tivi, hay trò chuyện với bạn bè, hay lên Internet? Tôi sẽ quay qua điều gì? Tôi nghĩ cách mình đối phó với tâm trạng xấu sẽ tiết lộ công phu tu tập của mình.
Tóm Tắt
Đây là một vài sự hiểu lầm mà tôi đã nghĩ ra, khi ngồi xuống và suy nghĩ về vấn đề này. Chắc chắn là có nhiều, rất nhiều điều có thể được liệt kê thêm. Như tôi đã nói, có nhiều sự hiểu lầm xuất hiện đơn giản là vì mức độ khó khăn của tài liệu, đặc biệt là về tánh Không, các hệ thống triết thuyết khác nhau, v.v... Một trong những điểm về Pháp là: bất cứ điều gì Đức Phật dạy là vì lợi lạc của tha nhân. Nếu như xem trọng điều đó thì ta sẽ cố gắng tìm ra mục đích của tất cả những điểm khó hiểu trong giáo pháp là gì. Nếu không hiểu điều gì thì hãy cố hiểu nó bằng cách sử dụng các phương pháp và lý lẽ của giáo pháp, và nếu không thể tìm ra giải đáp thì hãy hỏi người nào mà bạn tin tưởng như một người có thẩm quyền. Nếu chúng ta cởi mở và sẵn sàng chấp nhận rằng phần lớn sự nhầm lẫn xuất phát từ sự hiểu lầm của mình, thì ta sẽ sẵn sàng chấp nhận sửa sai, để nhận được nhiều lợi lạc nhất từ giáo pháp.