Quy Y: Một Phương Hướng An Toàn Và Có Ý Nghĩa Trong Đời Sống

52:38
Quy y là nền tảng cho tất cả các giáo pháp và thực hành trong đạo Phật. Nó được gọi là “cửa ngõ để đi vào đường tu nhà Phật”. Khi hiểu rằng quy y nghĩa là cải thiện chính mình thì ta sẽ thấy rằng đó là một quá trình hoạt động để đưa ra một phương hướng an toàn và có ý nghĩa trong cuộc sống. Chúng ta sẽ tự cải thiện bản thân bằng cách noi theo các phương pháp mà Đức Phật đã dạy, để đoạn trừ vô minh, những cảm xúc và hành vi phiền não, và phát triển tất cả những phẩm chất tốt đẹp. Đây là những gì chư Phật đã làm và các đạo sư có chứng ngộ cao cả đang làm, và những gì chúng ta cố gắng thực hiện bằng cách noi theo gương của các ngài.

Xua Tan Vô Minh Về Mục Tiêu Tu Tập Của Đạo Phật Trong Đời Sống

Tôi đã được yêu cầu nói về vai trò thích hợp của quy y trong đời sống hàng ngày. Điều này đưa đến ví dụ về A Đề Sa (Atisha), bậc thầy vĩ đại của Ấn Độ, người đã đến Tây Tạng vào cuối thế kỷ thứ 10. Ngài là một trong những bậc thầy vĩ đại đã giúp cho đạo Phật hồi sinh ở Tây Tạng, sau khi nó bị suy tàn, lúc mới hội nhập vào Tây Tạng từ Ấn Độ. Tình hình ở Tây Tạng lúc bấy giờ có rất nhiều sự hiểu lầm, đặc biệt là về Mật tông và một số giáo lý cao cấp hơn. Vào thời đó, không có các đạo sư thật sự có trình độ. Trên thực tế thì không có bất cứ vị thầy nào ở đó để có thể giải thích giáo pháp rõ ràng hơn. Mặc dù có một số kinh sách đã được phiên dịch, nhưng rõ ràng là không có nhiều người có thể đọc, và cũng không có nhiều bản sao. Ngay cả khi họ có thể đọc thì rất khó tìm thấy bất kỳ lời giải thích nào để làm sáng tỏ những điều họ mà họ đã đọc.

Để giúp cho tình huống này, một trong những vị vua ở miền Tây Tây Tạng đã gởi một số đệ tử rất can cảm đến Ấn Độ để thỉnh mời một đạo sư vĩ đại của Phật giáo cùng về Tây Tạng với họ. Họ phải đi bộ, học những ngôn ngữ khác và đối phó với khí hậu. Nhiều người trong số họ đã chết trong chuyến đi, hay khi đã đến Ấn Độ, nhưng dù sao đi nữa thì họ đã thỉnh mời được ngài A Đề Sa, bậc thầy vĩ đại từ Ấn Độ này đến Tây Tạng. Những gì ngài đã giảng dạy qua nhiều năm sinh sống ở đó chủ yếu là quy y và nghiệp. Trên thực tế, ngài được biết đến như “Lạt ma Quy Y và Nghiệp”. Đó là dang xưng mà người Tây Tạng đã tặng cho ngài.

Ví dụ về A Đề Sa khá phù hợp trong thời nay. Ngày nay, người ta cũng bị lầm lẫn rất nhiều về đạo Phật và ý nghĩa thực hành của nó ở mức độ hàng ngày. Cũng có rất nhiều sự hiểu lầm về Mật tông và các giáo pháp cao cấp khác. Người ta tu tập những pháp tu này với rất ít kiến thức, hoặc không có nền tảng về giáo pháp cơ bản của đạo Phật. Họ tưởng tượng rằng việc thực hiện một nghi thức có phần kỳ diệu là ý nghĩa của việc thực hành Phật pháp. Người ta không thấy được điểm chính, bằng cách tầm thường hóa sự phù hợp và tầm quan trọng của quy y, và sự khác biệt mà nó sẽ tạo ra trong đời sống hàng ngày.

Bất kể tình huống trong cuộc sống của mình là gì thì pháp tu của đạo Phật nhắm vào việc chuyển hóa bản thân, cố cải thiện chính mình để trở thành một người tốt hơn. Nó không phải là điều gì mình chỉ làm ở bên lề, như một sở thích hay một môn thể thao, có thể là nửa giờ mỗi ngày, hay mỗi tuần một lần, trong một thời khóa ngắn sau giờ làm việc, khi mình rất mệt mỏi. Thay vì vậy, nó là điều thiết thực mà chúng ta cố gắng thực hiện trong mọi lúc, luôn luôn cải thiện bản thân. Điều này có nghĩa là nhận ra cả hai mặt, những thiếu sót và phẩm chất tốt đẹp của mình, rồi học hỏi các phương pháp để làm suy yếu sức mạnh của điều thứ nhất và củng cố sức mạnh của điều thứ hai. Mục đích cuối cùng là để đoạn trừ tất cả những khiếm khuyết, và chứng ngộ trọn vẹn tất cả những phẩm chất tốt đẹp. Điều này không chỉ vì lợi ích của riêng mình, mặc dù chắc chắn ta sẽ được lợi lạc từ điều đó, khi cảm thấy hạnh phúc hơn trong đời sống. Điều này cũng giúp mình trở nên hữu hiệu hơn trong việc giúp đỡ người khác, nên cũng tạo lợi lạc cho người khác. Tu tập trong đạo Phật là như vậy. Điều khiến cho Phật giáo khác biệt là các phương pháp liên quan trong đó, để có thể thành tựu những mục tiêu này, và quy y có nghĩa là hướng về những phương pháp ấy và áp dụng chúng trong đời sống của mình.

Video: Ringu Tulku — “Hành Trì Phật Pháp Là Gì?”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ "Vietnamese" để xem phụ đề tiếng Việt.

Quy Y Không Phải Là Thụ Động

Quy y Tam Bảo, Phật, Pháp và Tăng, là trung tâm của tất cả các giáo lý nhà Phật. Trên thực tế, quy y được nêu ra như một ranh giới phân biệt người nào có phải là Phật tử hay không. Nói ngắn gọn thì Pháp biểu hiện cho các phương pháp để cải thiện bản thân và mục tiêu mà tất cả chúng ta đều có thể đạt được; chư Phật là những người giảng dạy các phương pháp này và đã đạt được mục tiêu đó một cách trọn vẹn; và Tăng đoàn là những người đã đạt được nó một phần nào. Trên thực tế, chữ “Pháp” có nghĩa là “biện pháp ngăn ngừa”, những bước mà mình thực hiện để ngăn ngừa việc tạo ra vấn đề cho bản thân và cũng có thể cho người khác. Chúng là những bước mà ta thực hiện để bảo vệ chính mình.

Mặc dù danh từ tiếng Phạn nguyên bản thường được dịch là “quy y”, sharana, có nghĩa là “bảo vệ”, và thậm chí có thể được sử dụng như “nơi trú ẩn”, nhưng cần phải hiểu một cách đúng đắn. Nghĩa rộngcủa nó thì phù hợp với ý nghĩa của Pháp. Không phải là mình chỉ cần đầu hàng một cách thụ động với đối tượng nào ở bên ngoài, để họ bảo vệ cho mình. Trong bối cảnh đạo Phật thì “quy y” là điều rất chủ động; chúng ta cần phải làm một điều gì để bảo vệ bản thân.

Hãy xem xét ví dụ sau đây mà các vị thầy của tôi thường sử dụng. Giả sử trời mưa và có một hang động gần đó. Nếu chúng ta chỉ nói, “Tôi sẽ trú ẩn trong hang động này; tôi sẽ vào trong hang để trú ẩn”, rồi chỉ đứng ngoài mưa và tiếp tục lặp lại câu này thì nó sẽ không giúp ích gì. Ta phải thật sự đi vào bên trong hang động. Tương tự như vậy, nếu chỉ nói, “Con quy y Phật, Pháp, Tăng và đến với chư vị để có nơi an trú”, nhưng thật ra lại không noi theo phương hướng của Tam Bảo, để đưa những điều này vào đời sống thì cũng không giúp ích gì. Cần phải thi hành những điều mà Tam Bảo đại diện, để che chở bản thân thoát khỏi khó khăn. Đó là lý do tại sao tôi sử dụng thuật ngữ “phương hướng an toàn”, và “đem một phương hướng an toàn vào trong đời sống của mình”.

Tiếp tục với hình ảnh hang động thì sẽ không đủ nếu ta chỉ đi vào trong hang rồi đứng đó, hy vọng chỉ cần ở bên trong là mình sẽ được bảo vệ để thoát khỏi mọi vấn đề trong cuộc sống, chứ không chỉ giúp mình khỏi bị ướt vì trời mưa. Vấn đề là phải liên tục cải thiện bản thân, để cố tiếp cận với lý tưởng mà Phật, Pháp và Tăng biểu hiện. Khi nghĩ rằng có sự che chở của Phật, Pháp và Tăng là đã đủ rồi thì rất dễ lẫn lộn điều này với ý tưởng của Cơ Đốc giáo về một vị cứu tinh, và Đức Phật sẽ cứu mình bằng cách nào đó. Trong trường hợp đó thì Phật giống như Thượng đế, và Tăng đoàn giống như các vị thánh. Xét cho cùng thì hầu hết các xã hội phương Tây đều chịu một sự ảnh hưởng tiềm tàng của Cơ Đốc giáo. Với ý tưởng này, chúng ta sẽ cầu nguyện để một mãnh lực siêu việt nào đó cứu độ mình một cách kỳ diệu. Nếu sử dụng thuật ngữ Phật giáo thì nó sẽ giải thoát mình ra khỏi mọi vấn đề và đau khổ một cách kỳ diệu.

Nếu sự việc là như vậy thì điều mình chỉ cần làm là có Pháp danh bằng tiếng Tây Tạng, đeo một sợi dây màu đỏ, trì tụng một số từ ngữ kỳ diệu của một mật chú, cầu nguyện chăm chỉ, và mình đã được cứu độ bằng cách nào đó. Đặc biệt là nếu như trì tụng những bài cầu nguyện và pháp tu bằng tiếng Tây Tạng mà mình không hiểu được một chữ nào thì ta có thể nghĩ nó còn có sức mạnh huyền bí to lớn hơn nữa. Dzongsar Khyentse Rinpoche, một Lạt ma rất vĩ đại, gần đây đã đến Berlin, nơi tôi sống. Những gì ngài nói thật rất sâu sắc. Ngài nói nếu người Tây Tạng phải tụng tất cả các pháp tu bằng tiếng Đức, phiên âm bằng chữ Tây Tạng, và hoàn toàn không hiểu gì về những điều họ đang tụng thì ngài tự hỏi có bao nhiêu người Tây Tạng sẽ tu tập đạo Phật. Dĩ nhiên là mọi người đều cười. Nhưng nếu như mình chịu suy nghĩ thì thật ra điều đó hoàn toàn sâu sắc, đúng không? Điều rất quan trọng là phải khắc phục mọi xu hướng mà ta có thể xem quy y như việc ban cho mình loại giải pháp thần kỳ, huyền bí nào đó đối với tất cả các vấn đề của mình, và điều mình chỉ cần làm là quy hàng trước một sức mạnh lớn hơn.

Vấn đề thật sự liên quan ở đây là: “Tôi sẽ làm gì với đời mình?”, “Đời sống của mình có đi đến đâu hay không?”. Nhiều người trong chúng ta có thể đã nhận thức rằng đời sống của mình không đi đến đâu hết; dường như nó chỉ đi lẩn quẩn trong một vòng tròn. Chúng ta không phải nói về một vòng tròn sâu xa hơn về việc tái sinh và tất cả những điều đó, nhưng cuộc sống hàng ngày của chúng ta dường như không đi đến đâu, và dường như vô nghĩa. Tại sao chúng ta lại sống? Cảm giác như thế là một trạng thái rất đáng buồn, đúng không? Nó không phải là một trạng thái rất vui vẻ. Do đó, mình cần phải có một hướng đi có ý nghĩa nào đó, một mục đích hay chí hướng nào đó trong đời sống. Và đó là điều mà ta cần phải tự mình đưa nó vào đời sống. Đó là một quá trình chủ động. Với mục tiêu có ý nghĩa hay chí hướng nào đó trong cuộc sống thì ta sẽ biết mình đang làm gì. Nó giúp ta cảm thấy yên ổn hơn một chút, an toàn hơn một chút, phải không?

Video: Ringu Tulku — “Phật Giáo Có Thụ Động Không?”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ "Vietnamese" để xem phụ đề tiếng Việt.

Có Một Mục Tiêu Tràn Đầy Ý Nghĩa Trong Đời Sống

Chúng ta có thể đặt loại mục tiêu nào trong đời sống của mình? Thường thì mình sẽ xác định mục tiêu đó theo tình huống bất toại nguyện mà ta hiện đang trải qua, và muốn thoát ra khỏi hoàn cảnh đó bằng cách đặt ra mục tiêu này trong cuộc sống. Ở mức độ cơ bản nhất thì có thể nói tất cả mọi người đều muốn hạnh phúc và không ai muốn khổ. Đó là một loại tiền đề nhất thiết trong đạo Phật, và có một số sự thật về phương diện sinh vật học trong đó. Chúng ta muốn tránh sự đau đớn. Chúng ta muốn tránh nỗi khổ. Chúng ta muốn tránh khó khăn. Ngay cả côn trùng và giun cũng muốn như vậy, đúng không? Đó là mục tiêu của mình.

Câu hỏi là chúng ta đang nhìn vào đau khổ hay bất mãn ở mức độ nào? Liệu mục tiêu mà mình hướng đến không chỉ giải quyết vấn đề đó, mà còn giải quyết tất cả các vấn đề khác của mình hay không? Ví dụ, vấn đề của chúng ta có thể là nghèo nàn, gặp khó khăn về kinh tế, nên mục tiêu của mình là tìm một công việc tốt và kiếm được nhiều tiền. Nếu không phải là một công việc tốt thì có thể trở thành một tội phạm tài tình và làm giàu nhanh chóng. Bất kể thế nào đi nữa thì cũng phải kiếm được rất nhiều tiền bằng cách nào đó. Nhưng nếu như tìm hiểu những người có nhiều tiền và nói chuyện với họ một cách chân thành, và họ nói thật về cuộc sống của họ thì ta sẽ thấy những người này không nhất thiết phải hạnh phúc. Họ không bao giờ có đủ tiền. Không cần biết có bao nhiêu triệu thì họ luôn muốn nhiều hơn nữa. Họ không bao giờ hài lòng.

Tôi thấy điều này rất thú vị. Có những người, cho là họ có một tỷ đô la, nhưng vì khó khăn kinh tế trên thế giới hiện nay, nên chỉ còn lại nửa tỷ đô la. Họ sẽ không giúp cho các cuộc quyên góp hay tham gia bất cứ việc từ thiện nào nữa, bởi vì bây giờ họ chỉ còn có nửa tỷ, và cảm thấy không an toàn. Họ cảm thấy họ phải để dành nó, và phải có lại một tỷ bằng cách nào đó, trước khi có thể chia sẻ tài sản của mình với bất cứ ai. Rồi thì họ luôn luôn xem báo cáo thị trường chứng khoán và mỗi ngày luôn lo lắng về việc có thể mất thêm một số tiền nữa. Cũng có thể họ phải thuê vệ sĩ và những phương tiện an ninh khác như vậy, vì lo sợ là mọi người sẽ ăn cắp đồ trong nhà, hay bắt cóc con của họ. Điều này rất phổ biến đối với những người giàu có ở châu Mỹ La-tinh. Ngoài ra, họ không bao giờ thật sự cảm thấy người khác thân thiện với họ vì bất kỳ lý do nào khác, ngoài việc cố gắng để lấy được tiền của họ. Họ luôn nghi ngờ rằng nếu có ai đối xử tốt với họ thì đó là vì người ta ham tiền của họ. Hiển nhiên là dù không có vấn đề nghèo khó, nhưng chắc chắn họ có những vấn đề khác đi kèm theo việc có rất nhiều tiền.

Mục Đích Thế Gian Có Nền Tảng Không Ổn Định

Có rất nhiều cái gọi là “mục tiêu thế gian” khác được đề cập trong Phật giáo, bên cạnh việc có rất nhiều tiền. Tuy nhiên, chữ “thế gian”, có ý nghĩa tiêu cực trong tiếng Anh, và có vẻ gần như phán xét. Đó không phải là vấn đề. Thầy của tôi, Serkong Rinpoche, giải thích rằng hai âm tiết của từ ngữ Tây Tạng được dịch là “thế gian” - jig-ten - tiết lộ ý nghĩa thật sự. Nó ngụ ý một cái gì đó với một cơ sở (ten) sẽ sụp đổ (jig). Nếu chúng ta hướng tới một mục tiêu sẽ sụp đổ, thì rõ ràng nó không thể đem lại cho mình hạnh phúc lâu dài. Nó sẽ chỉ mang lại nhiều vấn đề hơn, bởi vì nó không có nền tảng vững chắc.

Ví dụ, giả sử mục tiêu của chúng ta trong cuộc sống là có một gia đình tuyệt vời, đông con, cho rằng chúng sẽ chăm sóc ta khi về già, và ta sẽ rất hạnh phúc và an toàn. Điều đó không phải lúc nào cũng xảy ra một cách rất lý tưởng, phải không? Một ví dụ khác là phấn đấu để nổi tiếng. Càng nổi tiếng thì càng có nhiều người làm phiền mình và cố sử dụng thời giờ của mình. Chúng ta có thể xem các ngôi sao điện ảnh, những người thậm chí không thể ra ngoài mà không ngụy trang, vì mọi người sẽ phá phách họ, muốn xé những mảnh quần áo của họ, và làm những điều như thế. Thật ra làm một siêu sao thì giống như ở trong địa ngục.

Nếu ta nghiêm túc nhìn vào đời sống của mình thì nếu chỉ có hoàn cảnh vật chất thoải mái, hay mối liên hệ thoải mái về mặt cảm tình với những người xung quanh thì điều đó sẽ không đi sâu đủ để giúp mình khắc phục mọi vấn đề trong cuộc sống. Đó là vì khi vẫn còn giận dữ, luyến ái, tham lam, ghen tuông, kiêu ngạo, ngây thơ và tất cả những điều này, thì chúng ta vẫn sẽ gặp vấn đề, dù mình có thành công ra sao ở mức độ gọi là “thế gian”.

Cảm Xúc Phiền Não

Đạo Phật nói về những kiếp tương lai, và thảo luận về tất cả những nỗi khổ và những điều khủng khiếp có thể xảy ra với mình trong những kiếp tương lai, khi chúng ta có cái gọi là “cảm xúc phiền não”, và dựa vào chúng, ta sẽ hành động một cách bốc đồng và tích tập tiềm năng tiêu cực. Cách trình bày của đạo Phật cho thấy rõ rằng điều này thật dễ sợ, và phải tránh khỏi, nếu như ta biết điều gì tốt cho mình, bởi vì tiềm năng tiêu cực mang đến những khó khăn và bất hạnh.

Tuy nhiên, vì hầu hết người Tây phương không tin vào kiếp sau, hoặc không tin chắc vào điều đó, nên chúng ta có thể thảo luận về điểm này thậm chí trong chỉ kiếp hiện tại. Hiện nay, nhìn vào cuộc sống của chính mình, nếu như quán sát một cách sâu sắc thì ta sẽ phát hiện rằng nguồn gốc thật sự của vấn đề tình cảm của mình là ở bên trong. Các yếu tố bên ngoài chỉ là hoàn cảnh kích hoạt chúng. Trên thực tế, chính những cảm xúc phiền não như sân hận, luyến ái, tham lam, vân vân, đang cướp đi sự bình an và hạnh phúc của mình. Chúng là những gì đang ngăn cản ta sử dụng bất cứ phẩm chất tốt nào mà mình có. Chúng ta có thể cố giúp đỡ người nào, và đó là một phẩm chất tốt, nhưng sau đó, mình lại tức giận với họ. Ta cố gắng cho họ lời khuyên tốt, nhưng họ không muốn nghe, hoặc tranh cãi với mình, và mình mất kiên nhẫn. Những cảm xúc phiền não này ngăn cản mình thật sự giúp đỡ bất cứ ai.

Điều này đặc biệt khó khăn khi nó xảy ra với con cái của mình, khi ta mất kiên nhẫn và tức giận với chúng, khi ta nghĩ rằng mình biết điều gì là tốt nhất cho chúng, nhưng chúng không làm theo những điều mình khuyên nhủ. Điều này tạo ra một mối quan hệ rất khó khăn giữa mình và con cái, phải không? Vấn đề là nhận ra nếu mình không thể giải quyết điều này thì nó sẽ ngày càng trở nên tệ hại hơn. Có lẽ chúng ta có thể chín chắn hơn khi lớn tuổi hơn,  vì không còn nhiều sức lực như trước nữa, nhưng điều đó không có nghĩa là tâm sân hận và những điều này tự chúng biến mất. Chúng không tiêu hao đi.

Từ ngữ được sử dụng trong đạo Phật đối với những gì mình cần phải phát triển liên quan đến những triển vọng này là “sợ hãi”. Tuy nhiên,  “sợ hãi” là một chữ khó trong hầu hết các ngôn ngữ. Nó không có tiếng tốt. Đôi khi, tôi thích dùng chữ “khiếp sợ”, nhưng nó không dễ dịch sang những ngôn ngữ khác. Một lần nữa, “khiếp sợ” có nhiều ý nghĩa là “Tôi thật sự không muốn điều này xảy ra.”. Ví dụ, chúng ta phải dự một buổi họp thật là chán ngấy trong sở. Không phải là mình sợ buổi họp, mà mình thấy khiếp sợ vì phải tham dự nó. Mình thật sự không muốn làm điều đó.

Tuy nhiên, nói chính xác hơn thì cần phải phân biệt hai nỗi sợ, dù ta đang nói về nỗi sợ tái sinh khủng khiếp trong tương lai, hay sợ tuổi già khốn khổ, hay sợ bất cứ điều gì. Có nỗi sợ mà mình không thấy lối thoát, cảm thấy bất lực và vô vọng. Điều đó khiến mình bị tê liệt khá nhiều, phải không? Tôi nghĩ rằng đó là một nỗi sợ không lành mạnh, dù mình thường có cảm giác đó. Nhưng nỗi sợ được bàn luận trong bối cảnh quy y là một nỗi sợ khác, bởi vì mình thấy có một cách để tránh né vấn đề. Do đó, nó không phải là vô vọng, và chúng ta không hề bất lực. Nhưng như tôi đã nói trước đó, không phải là có một mãnh lực siêu việt hay đấng thiêng liêng nào sẽ cứu vớt mình ra khỏi tình trạng đáng sợ, và điều mình chỉ cần làm là cầu nguyện đủ thành khẩn, thì sẽ được giải thoát và thoát khỏi nỗi sợ hãi ấy.

Vấn đề là ta có thể bảo vệ chính mình. Điều gì sẽ giúp ta tránh tất cả các vấn đề mà mình gặp phải trong cuộc sống? Điều gì làm cho điều này khả dĩ? Trong bối cảnh lớn nhất, thực tế là tất cả những cảm xúc phiền não này gây ra vấn đề như sân hận, tham lam, luyến ái, vân vân, tất cả đều bắt nguồn từ vô minh về thực tại. Tất cả những cảm xúc phiền não này thật ra không phải là một đặc điểm bẩm sinh của tâm thức. Chúng có thể được loại bỏ mãi mãi, để không bao giờ tái phát nữa. Pháp Bảo cho thấy chúng có thể “thật sự chấm dứt”.

Tâm Hay Tâm Hành

Khi nói về tâm trong đạo Phật mà không đi sâu một cách chi tiết thì ta đang nói về tâm hành. Nó là hoạt động tinh thần từ sát na này đến sát na khác, diễn ra ngay cả khi mình ngủ. Tâm đề cập đến khía cạnh kinh nghiệm chủ quan của hoạt động tinh thần đó, trong khi khoa học não bộ mô tả cơ sở sinh lý học của nó. Trong cả hai trường hợp, bản chất cơ bản của hoạt động tinh thần đó không phải là điều nhất thiết phải có vô minh trong đó, hay sân hận, hay bất kỳ điều nào trong số những điều này. Về cơ bản thì những gì đang xảy ra trong mỗi sát na là có một sự sinh khởi của cái mà ta có thể mô tả như một tâm ảnh ba chiều. Chẳng hạn, từ quan điểm vật lý, các photon đi vào mắt và được chuyển dịch thành một loại xung điện nào đó đi đến não, thông qua các chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmitters), và bằng cách nào đó, não bộ sẽ tạo ra hình ảnh ba chiều bên trong. Điều đó được gọi là “nhìn thấy” cái gì đó, đúng không? Tất nhiên, điều này sẽ rất khác biệt, nếu nó xảy ra qua các tế bào mắt của con người, trái với các tế bào của mắt nhện hay mắt ruồi. Tương tự như vậy, qua một quá trình tương tự liên quan đến sự rung động mà chúng ta gọi là “sóng âm thanh” mà mình nghe được. Các tâm ảnh ba chiều có thể là bất kỳ giác quan nào, hoặc thậm chí chỉ là tư tưởng.

Về mặt nhìn thấy thì quá trình này không giống như các photon đi vào máy ảnh và được chuyển dịch thành một số xung điện, rồi tạo ra một tấm ảnh. Nó không giống như vậy, bởi vì sự phát sinh của một tâm ảnh ba chiều của một cái gì đó cũng là một loại “liên hệ với nhận thức” với nó. Bạn có ý thức hay không có ý thức, nhận thức hay không nhận thức về điều gì đó, nhưng nó vẫn là một loại đặc điểm về nhận thức.

Hoạt động tinh thần cũng không giống như những gì mà máy vi tính có. Chúng ta sẽ bấm các phím nhỏ và một số xung điện đi vào máy, và bằng cách nào đó, máy chuyển dịch thông tin này thành một hình ảnh phát ra trên màn hình, hoặc âm thanh từ chiếc loa. Có thể nói rằng máy vi tính có một số nhận thức, bởi vì với trí tuệ nhân tạo thì nó xử lý thông tin. Nhưng một cái máy vi tính thì không hoàn toàn giống như một sinh vật. Ngoài ra, điều phân biệt giữa mình và một máy tính là chúng ta trải nghiệm hạnh phúc hoặc khổ đau ở mức độ nào đó, liên quan đến hoạt động tinh thần của mình. Một máy vi tính thì không có kinh nghiệm này. Máy vi tính không có cảm giác hạnh phúc hay bất hạnh về bất cứ điều gì. Nó không suy nghĩ rằng, “Thôi rồi, mình vừa tạo ra một sai lầm bên trong, và khi được khởi động lại thì mình đã xóa hồ sơ mà mình đang làm việc”, và cảm thấy không vui vì điều đó. Nó không phải như vậy, đúng không? Mặt khác, chúng ta có thể rất buồn bã khi một điều như vậy xảy ra đối với mình.

Hoạt động tinh thần từ sát na này đến sát na khác là điều đang diễn ra trong mỗi một khoảnh khắc trong cuộc sống. Có một sự sinh khởi của một tâm ảnh ba chiều, một sự liên quan về tinh thần đối với nó, và một số cảm giác về một mức độ hạnh phúc hay bất hạnh. Ngay cả trong lúc ngủ thì hình ba chiều có thể là về bóng tối và sự liên hệ là mình không có ý thức, nhưng vẫn còn một chút nhận thức, nếu không thì ta sẽ không bao giờ nghe đồng hồ báo thức reo. Nhận thức không hoàn toàn mất hết. Có một số cảm giác, ngay cả một cảm giác trung lập, không hạnh phúc cũng không bất hạnh, khi mình không nằm mơ. Nếu mình nằm chiêm bao thì rõ ràng là cảm giác hạnh phúc hay bất hạnh có thể ở đó, cùng với tâm sân hận, tham lam, và tất cả những điều này. Nhưng những cảm xúc phiền não này không nhất thiết phải là một phần trong toàn bộ quá trình đang xảy ra từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác.

Hiển nhiên là có rất nhiều dòng suy nghĩ rất phức tạp mà mình có thể sử dụng, để ngày càng vững tin hơn về tánh thanh tịnh cơ bản của tâm hành của mình. Đây không phải là lúc để thực hiện điều đó, nhưng càng nghĩ về nó thì ta sẽ càng vững tin là mình có thể thoát khỏi tất cả những điều phiền não trong tâm hành.

Nói cho cùng thì định nghĩa của một cảm xúc phiền não là một điều gì đó khiến ta không an tâm và mất tự chủ, khi nó phát sinh. Hậu quả là ta sẽ hành động một cách bốc đồng theo đủ mọi cách phiền hà, dựa trên tâm sân hận, tham lam, v.v..., và điều đó chỉ tạo ra thêm nhiều vấn đề. Chẳng hạn như mình mất tự chủ rồi la mắng ai đó và nói những điều thiếu suy nghĩ, sau đó lại hối hận về những điều mình đã nói. Dù sao đi nữa thì điều này sẽ tích tập cái gọi là “tiềm năng tiêu cực”, khiến mình cảm thấy không vui sau này.

Nếu muốn tránh những vấn đề trong tương lai ở mức độ sâu hơn thì phải đoạn trừ tất cả những cảm xúc phiền não và vô minh này. Thật ra thì mình có thể đoạn trừ chúng, bởi vì chúng không phải là một phần của bản tánh bẩm sinh của tâm, của tâm hành này. Hơn nữa, nếu như tư duy nhiều hơn về loại  tâm hành này mà mình có trong mọi lúc thì một trong những đặc điểm tuyệt vời là nó có thể hiểu được mọi thứ. Chúng ta có thể hiểu một điều gì đó. Chúng ta cũng có thể có những phẩm chất tích cực khác, như lòng từ và lòng bi v.v... Những phẩm chất tích cực này là những yếu tố có thể được phát triển nhiều hơn và nhiều hơn nữa.

Hiện nay thì sự khác biệt là gì? Các khía cạnh phiền não thì dựa trên vô minh. Các khía cạnh tích cực như sự hiểu biết thì dựa trên những gì là thực tại. Lấy một ví dụ rất đơn giản, như vô minh có thể nghĩ rằng, “Tôi là trung tâm vũ trụ. Tôi là người quan trọng nhất. Mọi việc nên luôn luôn xảy ra theo ý của tôi. Tôi phải luôn luôn là trung tâm của sự chú ý”, và vân vân. Do đó, khi không phải là trung tâm của sự chú ý, và nếu mọi việc không xảy ra theo ý mình thì ta sẽ nổi giận. Giống như một con chó, ta sẽ sủa hay gầm gừ với ai đó. “Bạn đã không làm điều đó theo cách mà tôi muốn.”. Tất cả những điều đó đều dựa vào vô minh. Thực tế là tất cả chúng ta đều ở đây và chúng ta đều bình đẳng. Mọi người đều muốn làm việc theo cách riêng của mình, nhưng điều đó không thể được. Thực tế là dù sao đi nữa thì mình phải học cách sống với mọi người.

Diệt Đế

Càng quán sát thì sẽ càng thấy tâm vô minh không đứng vững. Nó sai lầm. Ở mặt khác thì hiểu biết đúng đắn là điều có thể kiểm chứng được. Nó đúng đắn, nên sự hiểu biết mạnh mẽ hơn và có thể vượt xa vô minh. Nếu như có được định tâm và giới luật thì ta có thể hiểu biết thực tại một cách đúng đắn trong mọi lúc, và vô minh không bao giờ có cơ hội để phát sinh nữa. Nó sẽ chấm dứt.

Đây là điểm chính của quy y. Chúng ta đang đưa phương hướng nào vào trong đời sống của mình? Ý nghĩa nào? Chúng ta sẽ có mục tiêu nào? Mục tiêu đó là để đạt được một sự “chân diệt” đối với tất cả vô minh, để loại bỏ nó hoàn toàn, để nó không bao giờ phát sinh nữa.  Tâm vô minh này chính là nguyên nhân thật sự tạo ra vấn đề cho mình, dù có nói về nó trong kiếp này hay những kiếp tương lai. Nó có thể được tiêu diệt hoàn toàn, mãi mãi, bởi vì nó không phải là một đặc điểm bẩm sinh trong hoạt động tinh thần của mình. Nó có thể được đoạn diệt bằng cách thay thế nó bằng sự hiểu biết đúng đắn. Khi không còn vô minh thì mình sẽ không còn phiền não nữa, nên sẽ không tạo ra khó khăn và đau khổ cho bản thân.

Có hai khía cạnh liên quan. Một là ta có thể đoạn trừ mặt phiền não này mãi mãi, và khía cạnh khác là có thể gia tăng và phát triển mặt tích cực. Mặt tích cực là sự hiểu biết đúng đắn. Chúng ta có thể đặt điều này trong bối cảnh của điều thường được dịch là “Tứ Diệu Đế”, hay chủ đề, hoặc cấu trúc chính của những điều Đức Phật đã dạy. Diệu đế đầu tiên là mình có nỗi khổ thật sự, nói về tất cả những vấn đề khác nhau mà mình phải trải qua. Tiếp theo là những nguyên nhân thật sự (tập đế), và đó là tâm vô minh. Thứ ba là có thể đạt được sự chấm dứt thật sự (diệt đế) của tất cả những điều này, để chúng không bao giờ sinh khởi nữa. Cuối cùng, ta sẽ đạt được diệt đế, nhờ cái gọi là “đạo đế”. Nhưng khi sử dụng chữ “đạo” này thì phải hiểu nó như “một cách thấu hiểu, đóng vai trò như một đạo lộ”. Đó là sự hiểu biết sẽ đem lại sự chân diệt này, và dẫn đến việc đoạn trừ  tất cả phiền não.

Rõ ràng đây là chiều hướng mà chúng ta muốn đời mình hướng về, phương hướng để đạt được chân diệt và chân đạo trong tâm thức. Đó là Quy Y Pháp. Khi nói rằng mình đang cải thiện bản thân, khi sử dụng thuật ngữ đó thì nó đề cập đến điều này.

Chúng ta đang cố gắng nhiều hơn và nhiều hơn nữa để thoát khỏi phiền não, và nỗ lực nhiều hơn nữa để chứng ngộ tiềm năng đối với mặt tích cực. Mình sẽ làm như vậy, bởi vì mình lo sợ một cách lành mạnh, rằng nếu cứ tiếp tục theo cách hiện tại, ngay cả khi có được một số tiền lớn, có rất nhiều bạn bè và rất nổi tiếng, thì ta vẫn sẽ gặp khó khăn. Đó là vì mình vẫn sẽ tham lam và cảm thấy bất an. Chúng ta vẫn sẽ tức giận, và vân vân. Mình sợ điều đó, nhưng thấy rằng có một cách để tránh nó. Giống như mình có thể sợ bị phỏng vì lửa, nhưng thấy rằng nếu như mình cẩn thận thì có thể không bị phỏng. Có một sự sợ hãi, nhưng đó là nỗi sợ lành mạnh. Chúng ta không nói về nỗi sợ hoang tưởng.

Ta sẽ thấy rằng nếu cứ tiếp tục tức giận và la hét, đặc biệt là với người thân và bạn bè, thì điều gì sẽ xảy ra khi mình về già? Ta sẽ trở thành một bà già cô đơn hay một ông già cô đơn, mà không ai muốn đến thăm, không ai muốn chăm sóc, bởi vì người ta thấy khổ sở khi ở cạnh mình. Chúng ta chỉ phàn nàn và la mắng mọi người, vậy thì ai sẽ muốn ở gần mình? Không có ai cả. Giải pháp cho vấn đề này không chỉ là có nhiều con cái, để chúng bắt buộc phải chăm sóc mình, hay mình phải có đủ tiền trong ngân hàng để có thể sống trong một viện dưỡng lão thoải mái, bởi vì mình vẫn sẽ đau khổ. Điều mà ta phải làm là cải thiện nhân cách của mình, nói theo ngôn ngữ rất đơn giản.

Tất Cả Mọi Người Đều Có Khả Năng Thay Đổi

Ta có thường nghĩ rằng nhân cách của mình là cố định, và đây chỉ là kiểu cách của mình hay không? “Tôi có tính khí thất thường, nên tốt hơn hết là bạn nên học cách sống với điều này.”.  Nói như vậy thì không ổn, đúng không? Việc tiêu diệt toàn bộ phiền não và chứng ngộ tất cả những phẩm chất tốt đẹp của mình là điều khả dĩ. Nhờ có nỗi sợ lành mạnh về những gì sẽ xảy ra, nếu mình không cải thiện bản thân, cộng với sự tự tin mình có thể đoạn trừ những phiền não này, cũng như có thể gia tăng và củng cố mặt tích cực, thì ta sẽ kết hợp phương hướng an toàn này vào trong đời sống.

Nếu muốn thực hiện điều này theo cách gọi là “Đại thừa”, Cỗ Xe Lớn, thì ta sẽ bổ sung thêm lòng bi vào đó. Về cơ bản thì quan điểm của Đại thừa là làm sao mình có thể giúp đỡ ai, nếu cứ nổi giận với họ? Chúng ta thật sự muốn có khả năng giúp đỡ người khác, và lo sợ nếu như mình tức giận với họ, hay lưu luyến, hoặc ganh tị, và vân vân thì sẽ làm hỏng chuyện. Phải đoạn diệt tất cả những cảm xúc phiền não và vô minh này để có thể giúp đỡ tha nhân một cách tốt nhất. Nhờ có cảm giác này mà mình thật tình muốn có khả năng giúp đỡ người khác, nhưng lại lo sợ là mình không thể làm được bao nhiêu việc. Chúng ta không có đủ kiên nhẫn, hay không đủ hiểu biết. Ta e ngại mình sẽ gây hại nhiều hơn lợi. Có lẽ thậm chí ta sợ mình sẽ thất bại trong việc nuôi dạy con cái. Điều đó sẽ rất dễ sợ, phải không? Nỗi sợ hãi đó là điều thúc đẩy để mình đưa phương hướng an toàn và đúng đắn vào trong cuộc sống, để cải thiện bản thân.

Quả thật là việc tu tập Pháp rất phù hợp với đời sống hàng ngày của chúng ta. Về phương diện quy y thì đó là cách rất trung thực về tình huống và vấn đề của mình. Tất cả chúng ta đều có những điều này. Tất cả chúng ta đều có những cảm xúc phiền não này. Điều đó không có gì đặc biệt. Có thể một số phiền não thì mạnh mẽ hơn những phiền não khác, với tất cả các loại biến thể, nhưng tất cả chúng ta đều có những sự khó khăn về cảm xúc này. Ở đây, chúng ta không nói về một người bị tổn thương tâm lý một cách nặng nề, mà nói về những điều hầu hết mọi người cho là bình thường. Nhưng điều nguy hiểm là mình xem điều đó là bình thường, nên đôi khi mình sẽ nổi giận, đôi khi mình sẽ tham lam, ích kỷ và ganh tị, vân vân. Chúng ta nghĩ rằng đó là việc bình thường và nó cũng ổn thôi. Nhưng nó không ổn, vì nó tạo ra vấn đề cho cả bản thân và những người mà có thể mình đang cố gắng giúp đỡ.

Mục tiêu của ta không chỉ là học cách sống với tâm sân hận, hay giữ nó trong tầm kiểm soát, trong khi nó vẫn còn nung nấu bên trong. Mục tiêu của ta không chỉ là làm suy yếu nó, mà là đoạn diệt hoàn toàn những điều phiền não như vậy. Chúng ta không muốn chỉ phát triển một chút hiểu biết vào thời điểm nào đó, mà là phát triển sự hiểu biết trọn vẹn về thực tại, để thấu hiểu cách mình tồn tại như thế nào, cách mọi người tồn tại ra sao, cách thế giới tồn tại như thế nào, và lúc nào cũng có tất cả những sự hiểu biết đó. Điều đó hoàn toàn khả dĩ, bởi vì trên cơ bản thì bản chất của hoạt động tinh thần là thanh tịnh, và có tất cả tiềm năng của những phẩm chất tốt đẹp.

Những Phẩm Hạnh Của Một Vị Phật Ở Mức Độ Hiển Nhiên

Khi nói về các đối tượng nêu ra phương hướng an toàn, hay quy y thì chúng ta nói về Phật, Pháp và Tăng. Có một vài mức độ để hiểu ba đối tượng này: mỗi đối tượng có mức độ hiển nhiên, mức độ sâu sắc nhất, và điều gì đại diện cho chúng. Trước tiên, hãy xem xét những phẩm chất tốt đẹp ở mức độ hiển nhiên của mỗi một đối tượng.

Thân Phật có những phẩm chất phi thường về thể chất, và những đặc điểm rất đặc biệt. Chẳng hạn như chư Phật có thể đến bất cứ nơi nào ngay lập tức, phân thân thành vô lượng sắc tướng, có mặt ở mọi nơi cùng một lúc, v.v... Tất cả đều tuyệt vời và bất khả tư nghì. Ngoài ra, khi một vị Phật nói thì mọi người đều hiểu lời của ngài theo ngôn ngữ của họ, dù ở xa đến đâu thì họ vẫn có thể nghe Đức Phật nói một cách rõ ràng. Hơn thế nữa, một vị Phật là một đấng từ ái, toàn tri, yêu thương mọi người một cách bình đẳng, và hiểu biết vạn pháp trong cùng một lúc.

Một lần nữa, điều này nghe có vẻ khá tuyệt vời và khó tin. Thế thì nếu chỉ nghĩ về những vị Phật ở mức độ này thì sẽ có một hiểm họa lớn, nếu như mình có ý tưởng sai lầm. Nghe có vẻ như việc này đang theo chiều hướng của một đấng siêu việt tuyệt vời, gần như một thượng đế, đúng không? Nhưng chẳng hạn như khả năng toàn trí không phải là Đức Phật biết số điện thoại của tất cả mọi người trên hành tinh, mà là Đức Phật biết đâu là nguyên nhân tạo ra tình huống của mọi người, đi ngược về quá khứ, và tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến họ. Khi một vị Phật dạy cho một người điều này hay điều kia thì ngài có ý thức về tất cả những hậu quả của điều đó là gì, không chỉ ảnh hưởng đến người này, mà còn ảnh hưởng đến tất cả những ai mà người này sẽ giao tiếp. Kết quả là, một vị Phật biết chính xác phương tiện tốt nhất để dạy tất cả chúng sinh. Điều đó quá tốt, phải không? Nếu như mình làm được như vậy thì tốt đẹp biết bao nhiêu.

Chúng ta tin rằng một vị Phật thấu hiểu và biết điều gì là tốt nhất để phổ độ mình. Phật nói ngôn ngữ của tôi và có thể đến với tôi ngay lập tức, bất cứ khi nào tôi thấy cần thiết. Nếu chúng ta đang theo chiều hướng nghĩ về Đức Phật như Thượng Đế thì giờ đây, điều này sẽ trở thành riêng tư một chút. “Ngài có thể giúp cho cá nhân tôi. Ngài sẽ hiểu tôi. Không ai hiểu tôi cả, nhưng Phật sẽ hiểu.”. Nhưng mình biết rằng một vị Phật có tình thương bình đẳng đối với mọi người. "Quá tuyệt. Mặc dù tôi sẽ thích hơn, nếu như Ngài dành cho tôi nhiều tình thương hơn người khác. Nhưng nếu chỉ vậy thôi thì cũng được.”. Một vị Phật có tình thương bình đẳng với tất cả chúng sinh, và phần thưởng dường như là dù mình có làm gì đi nữa thì cũng không sao. Chúng ta không phải cầu nguyện hay cúng dường Đức Phật. Ngài vẫn sẽ giúp bạn bằng mọi cách. Nên đó là giá rẻ. Chúng ta không phải trả bất cứ điều gì. Thật là một món hời! Thêm vào đó, vì Phật có quá nhiều kiên nhẫn, nên ngài sẽ không bao giờ ganh tỵ, nếu mình đi theo một vị thầy khác trong truyền thống khác, và sẽ không bao giờ phẫn nộ rồi dùng sấm sét giáng xuống đầu mình, hay bất cứ điều gì tương tự. Rất an toàn.

Đây là một sai lầm thông thường, dù có ý thức hay vô ý thức. Chúng ta tìm đến Phật như một nhân vật thay thế cho Thượng đế, là một món hời và an toàn hơn. Phật pháp có nói rằng một vị Phật sẽ không làm bạn thất vọng, và đại loại như vậy. Nghe thật tuyệt vời. Nhưng rồi chúng ta có thể đọc trong sách vở rằng một vị Phật không thể đoạn trừ nỗi khổ của mình ra như rút một cái gai ra khỏi chân mình. Chư Phật không toàn năng. Nhưng mình không coi trọng điều đó. Đó là mức độ hiển nhiên của một vị Phật, cách suy nghĩ phổ biến về Phật. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở mức đó mà không có sự hiểu biết sâu sắc hơn thì  sẽ có nguy cơ xem Phật như một người thay thế cho một Thượng đế, và sẽ cứu độ mình.

Những bức tượng và tranh đại diện cho chư Phật. Được, những tranh tượng này rất đẹp, nhưng liệu mình có lầm lẫn nó với một biểu tượng Cơ Đốc giáo chính thống hay không? Nó là gì? Có phải chúng ta tôn thờ thần tượng, như người Hồi giáo có thể cáo buộc mình? Điều gì thực sự đang diễn ra ở đây? Thật ra mình có phải cúi đầu trước một bức tượng không? Tôi nghĩ có những vấn đề ở đây, nếu mình chỉ để sự hiểu biết về một vị Phật dừng lại ở mức độ này. Sẽ có cơ hội hiểu lầm. Nhưng đối với một số người thì rõ ràng việc nghĩ về một vị Phật theo cách này có thể rất hữu ích, nhưng đó không phải là sự hiểu biết sâu sắc nhất. Ở mức độ này, như thể có một nhân vật gần giống như Thượng đế, được đại diện bằng các bức tượng và tranh vẽ, và chúng ta tôn thờ họ.

Những Phẩm Chất Tốt Đẹp Của Pháp Ở Mức Độ Hiển Nhiên

Mức độ hiển nhiên của Pháp là tất cả các giáo pháp. Đây là những gì Đức Phật đã tự mình chứng ngộ, và những gì Ngài đã dạy. Cách hiểu thông thường về việc này là chúng ta có một Thượng đế, đó là Phật, và có kinh điển. Thay vì một cuốn kinh thánh hay kinh Koran thì bây giờ tôi có kinh Phật. Nó giống như Kinh thánh Phật giáo của tôi, và chúng ta coi mỗi một chữ trong đó là thiêng liêng. Đúng, mình cần phải tôn trọng nó, nhưng chính Đức Phật đã nói: “Đừng tin bất cứ điều gì ta nói, chỉ vì ta đã thốt ra điều đó, vì tôn trọng ta, nhưng hãy tự khảo sát nó như thể mình đang mua vàng.”. Phật luôn khuyến khích tín đồ của ngài xem xét những gì ngài đã dạy Nhưng khi lười biếng thì chúng ta không muốn phân tích và phối kiểm mọi việc. Về mặt đời sống hàng ngày, ở mức độ này thì sự phù hợp là Đức Phật thương yêu ta, hiểu chúng ta, và đây là tất cả các quy tắc trong kinh thánh, và mình chỉ tuân theo điều đó. Chắc chắn là điều đó có thể có một vị trí trong đời sống hàng ngày, nhưng thật ra đó không phải là đạo Phật. Tất nhiên, hiện tại, nó có thể hữu hiệu cho một số người, nhưng chủ ý không phải là biến đạo Phật thành một hình thức khác của đạo Cơ Đốc.

Những Phẩm Chất Tốt Đẹp Của Tăng Đoàn Ở Mức Độ Hiển Nhiên

Vậy thì Tăng đoàn thì sao? Thật không may là ở phương Tây, chúng ta đã có thói quen gọi tất cả các thành viên trong trung tâm Phật giáo mà mình đến tu tập là “Tăng đoàn” của mình. Chắc chắn đó không phải là chủ ý của chữ này trong tiếng Phạn hay tiếng Tây Tạng. Nhưng đối với nhiều người, “Tăng đoàn” chỉ có nghĩa là các thành viên của giáo đoàn của mình, chùa của mình. Khi một số thành viên này là những người rất bất an thì mình có quy y với họ không? Hiện tại, tôi không có ý làm giảm tầm quan trọng của việc có một cộng đồng tâm linh gồm những người cùng chí hướng, nhắm đến cùng một mục tiêu, có thể cung cấp cho ta sự hỗ trợ nào đó, sự góp ý nào đó, v.v... Điều này rất, rất là quan trọng, nhưng đó không phải là đối tượng quy y.

Ở một mức độ khác của Tăng đoàn thì ta có thể hiểu đó là cộng đồng tu viện, tức là chư tăng ni. Tuy nhiên, không phải lúc nào mình cũng thấy những ví dụ hoàn hảo về chư tăng ni, đúng không? Có một số người rất bất an lại đắp y. Tuy nhiên, điều rất quan trọng là phải tôn trọng và hỗ trợ họ, nếu như họ cố gắng cải thiện bản thân bằng cách trở thành nhà tu. Nhưng một số tăng ni chỉ đắp y để trốn tránh khó khăn trong đời sống và, như một người bạn của tôi nói, để có  một bữa trưa miễn phí!

Vẫn còn một mức độ khác của Tăng đoàn. Chúng ta có thể nghe các đạo sư Mật tông nói rằng rằng thật ra Tăng đoàn là những vị “Hộ Phật Mật tông” mà chúng ta có, như Đức Quán Thế Âm, Tara, Đức Văn Thù, v.v... Bây giờ chúng ta có thể bắt đầu cầu nguyện với Thánh Mẫu hoặc Thánh Tara, và Bà sẽ cứu độ mình. Chắc chắn là những vị Phật này, như cách tôi gọi, những vị được gọi là Hộ Phật Mật tông này, không phải là những vị thánh, và bằng cách nào đó trở thành những vị trung gian, và giúp ta đến gần với Đức Phật Thượng đế.

Ý Nghĩa Sâu Sắc Nhất Của Phật, Pháp Và Tăng

Nếu nhìn vào ý nghĩa sâu sắc nhất của Phật, Pháp, Tăng thì ta sẽ khám phá ra ý nghĩa thậm thâm nhất của Pháp là sự chân diệt của tất cả vô minh, và những chứng ngộ chân thật, hay chân đạo, hoặc những đạo lộ trong dòng tâm thức. Đó chính là Pháp. Đó là những gì sẽ giúp mình thoát khổ, nếu mình đạt được chúng trong dòng tâm thức. Chúng ta có thể đạt được trạng thái này, với sự đoạn diệt của tất cả vô minh, cảm xúc, thái độ phiền não và khó khăn, và tất cả các chứng ngộ có mặt ở đó đầy đủ. Chư Phật là những người đã thành tựu viên mãn điều này, và dạy cho ta cách tự mình thành tựu nó. Thật ra Tăng đoàn nói về những người được gọi là “Thánh Tăng” (“Arya Sangha”), các hành giả có chứng ngộ rất cao, đã đạt được một số, nhưng chưa thành tựu tất cả các mức độ chân diệt và chân đạo. Bạn thấy đó, thật ra có nhiều cấp bậc và mức độ vô minh mà ta phải tự mình đoạn diệt, và nhiều cấp bậc chứng ngộ mạnh mẽ hơn trong tiến trình tu tập, để đối trị với vô minh. Quá trình đoạn trừ vô minh xảy ra theo các giai đoạn. Chư Thánh Tăng chưa đạt được việc đoạn trừ tất cả vô minh, toàn bộ vấn đề, nhưng đã đoạn trừ một số vô minh, và đang trên đường thành tựu nhiều hơn nữa.

Trong đời sống hàng ngày thì chư Phật và chư Thánh Tăng, những vị đạo sư vĩ đại của Ấn Độ và Tây Tạng trong quá khứ và một số vị trong hiện tại ban cho chúng ta rất nhiều cảm hứng. Điều này cho ta rất nhiều hy vọng. Mình sẽ thấy ai đó, hay gặp một người đầy nguồn cảm hứng như Đức Dalai Lama. Làm sao mà Ngài trở thành một người như vậy? Đó là nhờ giáo pháp. Dù Ngài là Phật hay không là Phật thì không có quan hệ gì. Nếu mình có thể trở thành như Ngài thì sẽ quá tốt. Tôi không chỉ nói về khả năng giảng dạy hầu hết mọi thứ trong lĩnh vực giáo pháp của Ngài, hay Ngài là một chuyên gia uyên bác nhất và sâu sắc nhất trong số các đạo sư. Không chỉ là lịch trình mà Ngài sinh hoạt, và thường xuyên vân du khắp nơi trên thế giới, cố gắng giảng dạy và giúp đỡ người khác, và tất cả những điều đó. Nhưng thêm vào đó, Ngài còn là kẻ thù công khai số một của Trung Quốc. Bạn có thể tưởng tượng, sự việc sẽ ra sao, khi có hơn một tỷ người coi bạn là ác quỷ, và làm đủ mọi điều khủng khiếp với người dân của bạn, mà bạn vẫn có lòng từ bi với họ? Ngài không đau buồn, và có thể làm tất cả mọi việc với một tâm hồn vui vẻ, bình an. Thật khó tin, phải không? Làm sao chúng ta có thể hoàn thành bất kỳ điều gì như vậy, trừ khi mình đã đoạn diệt những cảm xúc phiền não này, và đã thành tựu chứng ngộ? Không thể nào được. Dù Ngài đã thành Phật hay không cũng chẳng quan hệ gì.

Chúng ta có thể không cảm nhận được tất cả các phẩm hạnh của Đức Phật, nhưng ít nhất có thể thấy những phẩm hạnh của một người như Đức Dalai Lama. Điều đó rất truyền cảm. Nếu một người như Ngài có thể đạt đến mức độ thành tựu này, và bản tánh của tâm là thanh tịnh và có tất cả những tiềm năng này, thì không có lý do gì mình không thể làm điều đó. Không có lý do gì tại sao tất cả mọi người không thể làm như vậy. Hiển nhiên là cần phải có vô lượng công phu tu tập, nhưng nó là điều khả dĩ, và rất đáng để noi theo chiều hướng đó. Nếu Đức Dalai Lama tương tự như Đức Phật, thì có lẽ một số Lạt ma vĩ đại hiện đang giảng dạy không có phẩm chất của Đức Dalai Lama, nhưng tương tự như Tăng đoàn, các ngài có một số những phẩm chất này. Điều này cũng tạo ra rất nhiều cảm hứng.

Đức Dalai Lama và những bậc thầy vĩ đại khác có điểm gì giống nhau? Các ngài đã đoạn trừ sân hận, tham lam, thù hận, ganh tị, và vân vân, ở những mức độ khác nhau. Các ngài đã đạt được những phẩm chất tốt đẹp to lớn như sự thấu hiểu, lòng bi, lòng nhẫn nại, v.v. Chúng ta thấy điều này có sự tiến triển ở những mức độ khác nhau mà các Lạt ma có thể đạt được. Như tôi nói, đây là một ví dụ sống động hơn (nếu chúng ta tiếp xúc với họ), hơn là chỉ nghĩ về Đức Phật, hay Milarepa, và các ví dụ lịch sử khác, những người mà có lẽ mình khó tiếp cận hơn. Chúng ta có thể cảm thấy họ là những câu chuyện hay, nhưng liệu ta có tin rằng có một người như vậy không? Chúng ta đã đọc từ sách vở rằng Guru Rinpoche đản sinh từ hoa sen, và liệu mình có thể tin điều đó hay không? Điều đó có thể khó tiếp cận. Nhưng thay vì vậy, mình có thể tập trung vào sự vắng mặt của những phẩm chất tiêu cực, và sự hiện diện của những phẩm chất tích cực, như đã được Đức Dalai Lama và những bậc thầy vĩ đại minh chứng, những người giống như Đức Phật và Tăng đoàn ở ngay tại đây, trong hiện tại. Ta sẽ nhận ra mình cũng có khả năng thực hiện điều đó, đây là Pháp, và chân diệt cùng chân đạo là những mục tiêu có thể đạt được. Việc chúng ta có thể thực hiện điều này là khả dĩ, và điều này sẽ đem lại cho mình một phương hướng an toàn, ổn định và tràn đầy ý nghĩa, có thể được hội nhập vào đời sống của mình.

Quy Y Hay Phương Hướng An Toàn Trong Đời Sống Hàng Ngày

Việc đưa phương hướng này của Phật, Pháp và Tăng vào trong cuộc sống có ý nghĩa gì ở mức độ thực tế? Nó có nghĩa là mình luôn luôn cải thiện bản thân. Khi làm như vậy thì chẳng hạn như khi mình buồn bực, tức giận hay hành xử một cách ích kỷ thì ta sẽ ngày càng nhận thức rõ hơn về điều đó. Mình sẽ chú ý đến nó. Không phải là mình sẽ rất nặng tay với bản thân và tự trừng phạt bằng cách nghĩ rằng, “Mình quá xấu xa hay rất tệ, vì vẫn tức giận.”.  Chắc chắn không phải vậy, và chắc chắn không phải là một cực đoan khác khi nghĩ rằng đó chỉ là một thành phần của đời sống bình thường Trong trường hợp đó thì ta chỉ chú ý đến nó và nghĩ rằng, “Vậy thì sao? Mình sẽ tiếp tục như vậy.”.  Cũng không phải là như vậy. Nhưng ngay cả khi chỉ nhận thức được những cảm xúc phiền não và xem chúng là những điều mà mình muốn loại bỏ thì điều đó sẽ làm suy yếu thế lực của chúng.

Nhưng vấn đề là trong cuộc sống hàng ngày, khi những điều tiêu cực phiền phức này xuất hiện và mình chú ý đến chúng thì điều lý tưởng nhất là học hỏi một số phương pháp để cố gắng khắc phục chúng. Cần phải nhận thức rằng nếu như mình tức giận thì phải phát triển tính nhẫn nại. Khi có người đối xử với tôi một cách tồi tệ thì điều đó cho thấy họ rất đau khổ. Có một điều gì đó làm phiền họ. Thay vì nổi giận với họ thì hãy phát tâm bi với họ.

Để nói rõ hơn thì mình sẽ không đứng ở một phía, tức giận với bản thân vì đã nổi giận. Mặt khác, ta sẽ không đối xử với bản thân như một đứa bé và nói rằng mọi việc vẫn ổn, hay tất cả đều tốt đẹp, nhưng sẽ cố gắng hết sức để khắc phục tâm sân hận, bởi vì ta nhận ra rằng mình có thể làm như vậy. Có lẽ mình không thể loại bỏ nó rất nhanh, và chắc chắn không có khả năng để diệt trừ nó rất nhanh, nhưng đây là chiều hướng mà mình muốn thực hiện suốt đời. T sẽ làm điều này vì biết rằng thật sự có thể đoạn trừ những điều này. Nó không phải là một nỗ lực vô ích của cách suy nghĩ theo lý tưởng để noi theo phương hướng này.

Khi đối diện với một tình huống khó khăn, và mình có một chút kiên nhẫn, hay một chút hiểu biết, hay chút ít lòng nhân từ thì phải nhận ra rằng đây là những điều có thể gia tăng. Chúng ta có thể làm cho chúng trở nên mạnh mẽ hơn và hơn nữa. Mình có thể làm điều đó. Người khác đã làm điều đó và mình cũng có thể làm như vậy. Không có gì đặc biệt về người khác và không có gì đặc biệt về mình. Đây là nơi ẩn náu của chúng ta, đây là phương hướng an toàn trong đời sống, bởi vì càng đi theo phương hướng này thì chúng ta càng tự cứu mình ra khỏi những rắc rối và vấn đề.

Tóm Tắt

Cần phải hiểu quy y có nghĩa gì, đó là phương hướng an toàn, và lý do để đưa nó vào đời sống của mình. Nó được coi là điều quan trọng nhất, cơ bản nhất trong pháp tu của đạo Phật. Nhiều người có xu hướng tầm thường hóa nó, thật là xấu hổ. Dù mình có phương hướng này trong cuộc sống hay không thì điều này được cho là sự thay đổi đáng kể nhất, và tạo ra sự khác biệt lớn nhất trong đời sống. Quy y không chỉ có nghĩa là mình đã tham dự một buổi lễ, cắt một ít tóc, và có một pháp danh Tây Tạng, rồi bây giờ mình đeo một sợi dây màu đỏ trên cổ, và tham dự vào tăng thân. Điều này thật sự tầm thường hóa toàn bộ vấn đề, và biến nó thành điều gì khá vô nghĩa.

Câu hỏi mà tất cả chúng ta cần phải tự hỏi mình là: “Là một người đã quy y và là Phật tử, thật ra mình có đặt hướng đi này trong đời sống hay không? Nó có ý nghĩa nào trong cuộc sống của tôi không, ngoài việc chỉ tham gia tăng thân? Nếu việc quy y chưa tạo ra một sự khác biệt đáng kể trong đời sống của mình, thì đó là điều mình thật sự cần phải cải thiện. Việc cố thực hiện bất kỳ pháp tu cao cấp nào mà không có nền tảng này thì rất khó đem lại thành công.

Top