Phải nói rằng tôi rất vui và cảm thấy vinh dự được trình bày Bài Thuyết Trình Anwar Sadat Vì Hòa Bình. Là một vị chủ tịch, ông Anwar Sadat đã chọn những bước thật kiên quyết và quả cảm để kiến tạo hòa bình cho một phần thế giới thuộc về mình, và tôi là người ngưỡng mộ từ xa. Hôm nay, tôi đã gặp vợ ông và cảm thấy rất vui. Quả là một vinh dự lớn, và tôi đã nói với bà về lòng ngưỡng mộ đối với người chồng quá cố của bà. Nếu ông ôm ấp sự hoài nghi và thù hận thì thật khó mà có được lòng can đảm như vậy. Cách suy nghĩ một cách toàn diện hơn và rộng lớn hơn thì nhìn vào những lợi ích dài hạn, khi mà bạn tôn trọng, nói chuyện và bắt tay với kẻ thù, và xem xét sự khác biệt, cũng như các điểm tương đồng giữa hai bên, là điều tốt nhất.
Ai cũng muốn hòa bình và chẳng ai muốn gặp khó khăn hay bạo lực, những điều luôn tạo ra khổ đau. Khía cạnh tồi tệ nhất của bạo lực là sự bất ngờ. Một khi nó được thực hiện, dù với động cơ hay mục đích tốt trong tâm, nhưng vì phương pháp thực hiện là bạo lực thì sẽ đưa đến những hệ lụy khó lường. Điều này luôn luôn xảy ra. Thế nên tôi cảm thấy vô cùng vinh dự được nhân danh ông khi nói chuyện, và tôi muốn cảm ơn nhà trường, cùng những người liên quan, đã cho tôi cơ hội này.
Thúc Đẩy Hòa Hợp Tôn Giáo
Khi nói chuyện, trước hết, tôi tự xem bản thân là một con người. Dù chúng ta là người có đức tin hay không, chúng ta đều là con người, và trên cơ sở này, tôi sẽ nói về tâm bình an. Ở mức độ thứ hai, tôi là Phật tử, và một trong những cam kết của tôi là thúc đẩy sự hòa hợp tôn giáo. Trong các truyền thống tôn giáo quan trọng trên thế giới, có hai loại: các tôn giáo có đức tin về một đấng sáng tạo, và các tôn giáo khác không có ý niệm này. Đây là điểm khác biệt căn bản. Trong các tôn giáo hữu thần, còn có thêm những sự khác biệt khác về niềm tin về tiền kiếp, hậu kiếp và v.v.... Thế nên truyền thống Ấn giáo có một đấng sáng tạo cứu cánh, nhưng cũng vì luật nhân quả mà có những đời sau. Ngay cả giữa Cơ đốc giáo và Hồi giáo cũng có vài sự khác biệt nhỏ: Một Thiên Chúa, Thiên Chúa duy nhất, Thiên Chúa Ba Ngôi, và vân vân...
Trong truyền thống Ấn giáo cổ đại, ít nhất là ba nghìn năm, đã có một triết lý không có khái niệm về đấng sáng tạo. Kỳ Na giáo và Phật giáo đi theo triết lý này, và trong các truyền thống này, có sự khác biệt về sự tồn tại của một linh hồn hay bản ngã thường hằng độc lập, hoặc không có một thực thể vĩnh hằng độc lập nào như thế.
Mục đích của các quan điểm triết học khác nhau là gì? Đó là các cách tiếp cận khác nhau để trở thành một người biết lẽ phải và có lòng bi mẫn. Đó là lý do tại sao tất cả các truyền thống tôn giáo khác nhau đều có cùng một thông điệp về lòng từ ái, bi mẫn, khoan dung và tha thứ. Có những vấn đề và trường hợp mà con người nổi giận thì những giáo huấn về lòng tha thứ và khoan dung được nêu ra để thực tập. Lòng khoan dung trực tiếp chống lại sự giận dữ, và sự tha thứ trực tiếp chống lại lòng thù hận.
Vì vậy, tất cả các truyền thống tôn giáo lớn đều có cùng một thông điệp và tiềm năng mang lại hòa bình, qua thông điệp tình thương. Đương nhiên, theo lý lẽ, cuối cùng thì hòa bình liên quan đến tâm sân, hận và lòng bi mẫn để khắc phục chúng. Hòa bình, thậm chí ở phạm vi gia đình hay cá nhân phải xuất phát từ tâm bình an. Nguồn gốc của tâm bình an là lòng bi mẫn và tha thứ. Tất cả các truyền thống tôn giáo có cùng một tiềm năng để kiến tạo một thế giới hòa bình, một gia đình êm ấm và một cá nhân an lạc.
Vậy thì tại sao lại có những triết lý khác biệt này? Con người có rất nhiều thiên hướng khác nhau. Đối với một số người thì các truyền thống tôn giáo hữu thần có hiệu quả hơn, và đối với một số khác thì cách tiếp cận vô thần có hiệu quả hơn. Điều này giống như các loại thuốc khác nhau, chúng có thể chứa đựng các dược liệu khác nhau, nhưng đều có chung một mục tiêu là trị bệnh. Có nhiều bệnh tình khác nhau, tùy theo điều kiện thể chất và tuổi tác khác nhau, nên chúng ta cần các loại thuốc khác nhau. Tương tự như vậy, thang thuốc cho tâm bình an cũng cần nhiều loại khác nhau, nên tất cả các truyền thống tôn giáo lớn đều có cùng tiềm năng, mục đích và rất phù hợp cho bảy tỷ người chúng ta.
Các Phương Cách Tiếp Cận Khác Biệt Dành Cho Những Thiên Hướng Khác Nhau
Rõ ràng là trong Phật giáo, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng Đức Phật Cồ Đàm (Gautama Buddha), dù ngài đã thuyết giảng các quan điểm triết lý khác nhau. Tại sao? Bởi vì thính chúng của ngài có rất nhiều thiên hướng khác nhau. Vì vậy, việc chỉ dạy những phương cách tiếp cận khác nhau trong cùng một truyền thống là điều cần thiết. Hàng tỷ người ở trong các môi trường địa lý khác nhau, sống theo những phong cách khác nhau, nên họ có các thiên hướng khác nhau, cần có những phương pháp khác nhau. Nền tảng cho việc phát triển sự tôn trọng lẫn nhau là việc nhận thức tất cả các tôn giáo lớn đều mang cùng một thông điệp về lòng từ bi và sự tha thứ. Một khi có sự tôn trọng lẫn nhau thì chúng ta có thể bắt đầu học hỏi lẫn nhau, và điều này thực sự giúp cho truyền thống của quý vị thêm phong phú.
Từ kinh nghiệm cá nhân, kết quả của việc gặp gỡ các tín đồ Cơ đốc giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo và Ấn giáo là tôi đã học được những ý tưởng mới mẽ, điều này khiến cho việc tu tập của cá nhân tôi trở nên phong phú hơn. Vì vậy, việc phát triển sự hòa hợp thực sự giữa các truyền thống tôn giáo khác nhau, dựa trên sự ngưỡng mộ và tôn trọng lẫn nhau là điều khả dĩ. Do đó, cam kết thứ hai của tôi là thúc đẩy sự hòa hợp tôn giáo.
Áp Dụng Các Giá Trị Đạo Đức Trong Cuộc Sống Hàng Ngày
Như tôi đã đề cập trước đây, được có mặt ở đây thật là một vinh dự lớn. Trong khi nói chuyện về ông Anwar Sadat đã quá cố, chúng ta không nên chỉ nhớ đến sự vĩ đại của ông rồi ngừng lại ở đó, mà nên cố gắng áp dụng những giá trị của ông trong cuộc sống hàng ngày. Trong tinh thần đối thoại, ông đã cho thấy là dù khó khăn đến mức nào, điều quan trọng là giải quyết các vấn đề bằng sự đối thoại. Thông thường, tôi nói rằng thế kỷ 20 là thế kỷ đổ máu, và thế kỷ 21 nên là thế kỷ của hòa bình. Nó không có nghĩa là không còn khó khăn nào nữa, bởi vì chúng ta sẽ luôn luôn có vấn đề. Điều này có nghĩa là nhằm kiến tạo một thế kỷ hòa bình, chúng ta cần phát triển một phương pháp dựa trên các biện pháp ôn hòa và đối thoại, để giải quyết những vấn đề của mình.
Trước khi tới đây, tôi đã gặp con trai của ngài Thống Đốc, và tôi nói với anh ấy rằng có rất nhiều anh chị em cao niên thuộc thế hệ của thế kỷ 20 đã qua đời, chúng tôi đã sẵn sàng nói lời tạm biệt! Vậy thì thế hệ của thế kỷ 21, những người ở tuổi 15 đến 30, họ thực sự là thế hệ của thế kỷ 21. Chúng ta còn lại gần chín thập niên của thế kỷ này và thế hệ mới sẽ phải trải qua quãng đời còn lại trong thế kỷ mới, nên các bạn sẽ có cơ hội và trách nhiệm để tạo dựng một thế giới mới, tốt đẹp hơn và hạnh phúc hơn. Điều này có thể thực hiện được, dựa trên cơ sở của niềm tin vững chãi về sự thống nhất của nhân loại.
Tín ngưỡng tôn giáo hay dân tộc khác nhau là vấn đề thứ yếu, và không quan trọng lắm. Khi quá nhấn mạnh vào sự khác biệt ở mức độ thấp hơn thì chúng ta quên mất sự thống nhất của nhân loại, và thế là vấn đề phát sinh. Chúng ta cần tư duy theo hướng ngược lại. Đầu tiên, hãy nghĩ đến sự thống nhất của nhân loại. Thực tế ngày nay với vấn đề nhiệt độ gia tăng trên khắp thế giới và kinh tế toàn cầu cho thấy biên giới quốc gia và sự khác biệt tôn giáo không còn phù hợp, nên thế hệ mới nên nghĩ về nhân loại, về sự thống nhất của tất cả mọi người trên bình diện toàn cầu nhiều hơn. Việc thành tựu những lợi ích ngắn hạn vì sự khác biệt ở mức độ thấp hơn mà hy sinh sự thống nhất của loài người là một thảm họa. Hãy kiến tạo một tầm nhìn để cuối cùng, thế kỷ này sẽ trở thành một thế kỷ hòa bình, và cả thế giới trở thành nơi phi quân sự. Đây là điều khả dĩ, xin mọi người hãy tư duy về điều này một cách nghiêm túc hơn!
Cảm ơn các bạn! Bây giờ, chúng ta có một số câu hỏi.
Thưa Ngài, trong chuyến đi Newark năm 2011, Ngài có khuyên hệ thống giáo dục nước Mỹ nên kết hợp việc giảng dạy đạo đức. Liệu Ngài có đề nghị một lớp học đạo đức chính thức hay không? Có nhiều lớp học đạo đức bắt buộc trên thế giới; Ngài thấy có khó khăn gì khi đề nghị một khóa giảng dạy đạo đức chính thức trong hệ thống giáo dục của nước Mỹ hay không?
Dựa vào kết quả quan sát nhân loại, tôi nghĩ giáo dục thực sự mang lại một thế giới tuyệt vời. Tôi nghĩ trong tất cả các nơi trên thế giới, tất cả mọi người đều xem giáo dục là một việc rất quan trọng. Ngày nay, nhiều quốc gia và xã hội có tiêu chuẩn giáo dục hiện đại rất cao, nhưng chúng ta vẫn có nhiều khó khăn và khủng hoảng. Ngay cả với những người tạo ra rất nhiều vấn đề cho xã hội, họ có tiêu chuẩn rất cao về mặt học vấn. Về khía cạnh an lạc, tôi có nhiều bạn hữu có trình độ giáo dục tốt, nhưng ở bình diện con người, họ rất bất hạnh. Điều này tự động đưa đến một thái độ không lành mạnh và kết quả là sự giết chóc, dối trá, đạo đức giả, bóc lột và bắt nạt người khác, v.v.
Vì vậy, tôi thường nói với mọi người rằng tất cả các truyền thống tôn giáo lớn đều dạy chúng ta về các giá trị sâu sắc hơn. Tất nhiên, trong số những người giảng dạy những giá trị này, có một số không thực lòng áp dụng những điều họ giảng dạy. Tôi cũng đã nói nhiều lần, đôi khi những người phát ngôn nhân danh tôn giáo, trên thực tế, lại sống cuộc đời giả dối, khi họ nói những điều hay ho, nhưng lại làm việc khác. Đây là dấu hiệu rõ rệt của việc không có niềm tin thực sự vào giá trị nội tâm. Chỉ có niềm tin thực sự bằng đức tin thôi thì thật là rất hạn hẹp. Giống như Đức Cựu Giáo Hoàng có nói, đức tin và lý luận phải đi đôi với nhau.
Tôi nghĩ điều này rất đúng. Chúng ta cần có lý luận, nhờ giáo dục và nhận thức. Hy vọng duy nhất của chúng ta là giáo dục. Nếu chúng ta giáo dục mọi người về lòng nhiệt tình và ý thức quan tâm đến người khác, họ sẽ xem những điều này là nguồn gốc cứu cánh cho phúc lợi và sức khỏe cho bản thân. Các vấn đề trong gia đình và cộng đồng xảy ra là do thiếu các nguyên tắc đạo đức. Do đó, trong lĩnh vực giáo dục hiện nay, chúng ta cần có thêm bài giảng về các nguyên tắc đạo đức, bởi vì hiện tại, chúng ta chưa có đủ.
Về mặt tâm thức và cảm xúc, tư tưởng Ấn Độ cổ đại có rất nhiều lý giải về phương thức xử trí các cảm xúc tiêu cực như giận dữ, thù hận và sợ hãi. Với kinh nghiệm đối thoại của bản thân tôi trong hơn ba mươi năm qua với các nhà khoa học và giáo dục hiện đại, rất nhiều người trong số này thực sự đánh giá cao số lượng kiến thức của các truyền thống Ấn Độ cổ đại, bao gồm cả Phật giáo. Các nhà khoa học không chỉ đánh giá cao các kiến thức này, mà còn nghiên cứu bằng thí nghiệm và đưa ra bằng chứng có giá trị để ủng hộ chúng. Thế nên trong hai năm nay, chúng tôi đã nghiên cứu một cách nghiêm túc về cách đưa đạo đức luân lý, liên quan với tâm thức, vào hệ thống giáo dục hiện đại. Điều chúng tôi cần là một môn học về tâm thức, hay cái mà tôi gọi là “sơ đồ tâm thức”. Nhờ kinh nghiệm bản thân, các học sinh sẽ hiểu sự giận dữ hủy diệt tâm an lạc của họ như thế nào.
Các học sinh đánh giá rất cao tình cảm mà người mẹ và bạn bè dành cho họ. Ngay từ tấm bé, giá trị của những tình cảm này đã có sức sống trong lòng họ. Giống như chúng ta, khi trưởng thành, con người đôi khi nói rằng họ không cần tình thương, rằng họ có thể tự làm mọi việc, nhưng giá trị cơ bản của con người xuất phát từ yếu tố sinh học, chứ không phải từ tôn giáo. Tình thương của người mẹ dành cho con cái của mình thì bao la, đây là điều mà chúng ta cũng thấy ở các động vật. Đây là một yếu tố sinh học, không bắt nguồn từ tôn giáo. Do đó, điều chúng ta cần trong hiện tại là dạy cho trẻ con hiểu rằng những giá trị này rất quan trọng, trong khi chúng còn nhỏ và kinh nghiệm về tình cảm này còn sống động, và tiếp tục dạy dỗ đến ngày cuối đời, đến cho đến khi chúng chết. Những giá trị này là cội nguồn cứu cánh của hạnh phúc và niềm vui của chúng ta.
Chúng ta phải dùng giải thích hay lập luận gồm có bằng chứng khoa học, thay vì chỉ dựa vào tôn giáo. Nếu chỉ dựa vào tôn giáo thì cách tiếp cận này sẽ không mang tính phổ quát. Bởi vì chúng ta đang bàn về vấn đề phổ biến mà ta phải đương đầu, thì phương pháp xử lý cũng nên mang tính phổ quát. Tôi thường gọi cách tiếp cận này là “đạo đức thế tục”. Tôi cần giải thích từ “thế tục”, bởi vì ở Phương Tây, nó có vẻ mang một số ý nghĩa tiêu cực hay thiếu tôn kính đối với tôn giáo. Tuy nhiên, theo như cách hiểu của Ấn Độ về chủ nghĩa thế tục, điều này có nghĩa là tôn trọng mọi tôn giáo cũng như người không có đức tin, không thiên vị tôn giáo này hay tôn giáo kia. Đó là lý do mà khi Ấn Độ dành được độc lập, hiến pháp của họ đã được thành lập dựa trên các khái niệm thế tục.
Bởi vì Ấn Độ là một quốc gia đa tín ngưỡng, bạn không thể nói tôn giáo này cao hơn tôn giáo kia. Ở bình diện toàn cầu, chủ nghĩa thế tục là cách duy nhất có thể được chấp nhận một cách rộng rãi. Do đó, hiện nay, chúng tôi đang cố gắng kiến tạo một giáo trình có thể phù hợp với lĩnh vực giáo dục thế tục. Chúng tôi đang thực hiện điều này và có lẽ sẽ hoàn tất trong vòng một năm. Tuy nhiên, chúng tôi cần nghiên cứu thêm với các nhà khoa học, triết gia, giáo dục, v.v., và chúng tôi đang thực hiện điều này ở Ấn Độ.
Một khi chúng tôi hoàn thành chương trình này, có lẽ những nơi như trường đại học này có thể tiến hành một chương trình thử nghiệm. Một trường có thể dạy chương trình này, rồi kiểm chứng kết quả sau một vài năm. Nếu nó mang lại hiệu quả tốt thì chúng ta có thể hoàn tất giáo trình và mở rộng tới mười trường, một trăm trường, rồi tới phạm vi tiểu bang. Sau cấp độ tiểu bang, từ những cuộc thảo luận nghiêm túc hơn, có thể đi tới phạm vi liên bang, rồi tới Liên Hợp Quốc (UN), cho tới khi cả thế giới được khuyến khích đưa giáo dục đạo đức không dựa vào tôn giáo, mà dựa trên chủ nghĩa thế tục, vào nhà trường.
Ngài có cảm thấy rằng nỗ lực về đối thoại liên tôn giáo của mình đã trở nên khó khăn hơn trong thập kỷ vừa qua, vì sự lo ngại về Hồi giáo cực đoan, cũng như sự căng thẳng giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo hay không? Trong nguyên thập kỷ kể từ sự kiện 11/9, việc đối thoại có dễ dàng hơn không?
Chưa có nhiều thay đổi đáng kể; chúng tôi đã có những cuộc đối thoại hơn ba mươi năm, bốn mươi năm qua. Tôi luôn cố gắng để có những buổi họp liên tôn giáo mà không chỉ là các nghi lễ hay nghi thức ngắn ngủi, nơi mà bạn trao đổi vài câu chào hỏi với một nụ cười. Thay vì vậy, tôi muốn có những buổi thảo luận nghiêm túc hơn. Đâu là những điểm khác biệt, đâu là những điểm tương đồng giữa chúng ta, và đâu là mục tiêu? Điều quan trọng hơn là khi các tín đồ gặp gỡ nhau, tôi thực sự ngưỡng mộ một số tu sĩ Công giáo. Sau khi gặp gỡ Thomas Merton, một tu sĩ dòng Trappist nay đã quá cố, tôi đã học được rất nhiều về các pháp tu và kinh nghiệm của ông và các tu sĩ, nữ tu Cơ Đốc giáo. Một dịp ở Sydney, nước Úc, một vị mục sư Cơ Đốc giáo đã giới thiệu và mô tả tôi là một tín đồ Cơ Đốc thuần thành! Rồi khi tôi nói chuyện, tôi mô tả ông là một Phật tử thuần thành! Có một sự ý thức rằng chúng tôi có cùng một pháp tu, cùng một tiềm năng. Khi chúng ta gần gũi nhau hơn và hiểu biết nhau một cách sâu sắc hơn, thì sự tôn trọng và ngưỡng mộ lẫn nhau sẽ tự nhiên nảy sinh.
Tôi cũng có những nỗ lực đặc biệt trong việc gặp gỡ các anh chị em Hồi giáo. Những sự mâu thuẫn như cuộc chiến giữa người Hồi giáo của dòng Shia và dòng Sunni, giống như giữa các tín đồ Tin Lành và Công giáo ở Bắc Ireland, không phải là do tôn giáo, mà yếu tố thực sự là chính trị. Kể cả trong quá khứ, lịch sử của những mâu thuẫn nhân danh tôn giáo là do quyền lực hay lợi ích kinh tế, nhưng họ lại dùng danh nghĩa tôn giáo. Vì thế, chúng ta phải có một sự phân biệt. Các vấn đề chính trị cần phải được giải quyết bằng các biện pháp chính trị, chứ không phải bằng biện pháp tôn giáo. Về mặt tôn giáo mà nói thì không có cơ sở nào để làm hại người khác.
Những thảm kịch này nhắc nhở chúng ta không ngừng nỗ lực, bởi sự giết chóc nhân danh tôn giáo thực sự rất đáng buồn, đó là một điều không thể tưởng tượng được. Ngày nay, kể cả Phật tử ở Miến Điện (Burma) và Tích Lan (Sri-Lanka) cũng tham dự vào hành động này, có những tăng sĩ Phật giáo phá hủy đền thờ và nhà cửa của người Hồi giáo. Điều này thực rất đáng buồn. Trong một dịp, tôi nói với các anh chị em Phật tử rằng khi họ có những cảm xúc tiêu cực đối với cộng đồng Hồi giáo, họ nên nghĩ đến khuôn mặt của Đức Phật. Chắc chắn là Đức Phật muốn bảo vệ anh chị em Hồi giáo. Thế nên, đằng sau những mâu thuẫn, chủ yếu là lý do kinh tế, và khi tôn giáo tham dự vào thì những vấn đề như vậy xuất hiện, vì cảm xúc của con người tăng lên. Thật là đáng buồn, nhưng không có lý do gì để nản lòng. Chúng ta phải tiếp tục với nỗ lực không ngừng, rồi kết quả sẽ đến. Đôi khi, tôi cảm thấy chút ít tự hào rằng mình có một sự đóng góp cho sự hòa hợp tôn giáo.
Khi mọi người thể hiện lòng cảm kích, đồng tình nào đó đối với sự nỗ lực hay suy nghĩ của tôi thì điều đó đem lại cho tôi sự động viên lớn hơn. Khi giải thưởng Nobel Hòa Bình được thông báo, tôi lập tức trả lời rằng tôi chỉ là một tu sĩ Phật giáo bình thường, không hơn, không kém. Tuy nhiên, đây là một sự ghi nhận về những nỗ lực của tôi, đối với việc thúc đẩy hòa bình thế giới và tiến bộ của nhân loại.
Tôi nghĩ có hơn mười lăm nghìn anh chị em ở đây, và nếu các bạn không cảm thấy cần phải xem xét những điểm này một cách nghiêm túc thì không sao hết. Tuy nhiên, nếu các bạn có chút quan tâm và muốn tham gia thì xin hãy nghĩ về giá trị nội tâm của bản thân mình nhiều hơn. Trước tiên, hãy thực hành ở mức độ kiến thức, nhận thức đơn giản về các giá trị này, rồi trở nên quen thuộc với chúng, và sau đó, chúng sẽ trở thành những gì sống động. Tiếp theo, các bạn sẽ thực hiện các giá trị này và chúng trở thành một phần trong đời sống hàng ngày của mình, và các bạn sẽ thực sự có lợi lạc. Vậy thì hãy tư duy nhiều hơn! Cảm ơn các bạn!