Vô Ý Thức
Đức Phật đã dạy Tứ Diệu Đế. Đây là bốn sự thật mà các bậc “thánh nhân”, những bậc chứng ngộ cao cả, xem là chân lý.
- Tất cả chúng ta đều gặp khó khăn trong đời sống.
- Những khó khăn này xuất phát từ những nguyên nhân.
- Có thể hoàn toàn chấm dứt khó khăn, để chúng không bao giờ xảy ra nữa.
- Sự chấm dứt ấy sẽ được thành tựu bằng sự chứng ngộ, đoạn trừ nguyên nhân tạo ra những khó khăn này.
Khi nói về nguyên nhân sâu xa nhất tạo ra vấn đề thì nó ám chỉ điều thường được dịch là “vô minh”. Trong tiếng Anh thì chữ “vô ý thức” hay hơn nhiều. Vô minh ngụ ý là bạn ngu ngốc, nên không phải là một chữ hay. Nó không có nghĩa là mình ngu ngốc.
Có hai hình thức vô ý thức khác nhau. Theo một hình thức thì ta vô ý thức về nhân quả của hành vi của mình, rằng nếu như mình hành động một cách tiêu cực thì điều đó sẽ tạo ra vấn đề. Ở mức độ sâu hơn thì mình đang nói về việc vô ý thức về thực tại. Chúng ta có thói quen tưởng tượng các pháp hiện hữu bằng tự tánh, cũng có thể được dịch là “sự tồn tại tự lập”. Đây là tập khí bám chấp vào tự tánh. Vì tập khí này mà tâm trí của mình sẽ tự động làm cho các pháp có vẻ tồn tại bằng tự tánh trong mỗi sát na. Điều này có nghĩa là sự vật xuất hiện như thể có một cái gì từ phía nó, bằng tự lực của nó, thiết lập nó, để nó tồn tại như cách nó hiện ra mà không phụ thuộc vào bất cứ điều gì khác. Vì không ý thức là cách tồn tại này không tương ứng với bất cứ điều gì chân thật, nên ta xem các pháp thật sự tồn tại theo cách này.
Điều đó không dễ hiểu. Hãy minh họa điều này đang nói về cái gì, bằng ví dụ sau đây. Giả sử mình đang lái xe và có người nào ở tuyến khác đang bấm kèn và cố qua mặt mình. Người này xuất hiện với mình ra sao? Họ có vẻ là một thằng ngốc đang cố qua mặt mình. Dường như người này tồn tại như một thằng ngốc cố hữu; anh ta có vẻ được thành lập như một thằng ngốc từ chính phía mình, độc lập với bất cứ điều gì khác. Nói cách khác thì rõ ràng là có điều gì không ổn với người này, khiến anh ta thật sự là một thằng ngốc đang cố qua mặt mình và bóp kèn inh ỏi. Mình nghe tiếng kèn, nhìn thấy người đó và tự động nghĩ rằng, “Đồ ngốc!” Người đó có vẻ hiện ra như thế, và mình tin rằng bề ngoài này tương ứng với thực tế: đây thật sự là một thằng ngốc.
Điều Mà Không Tướng (tánh Không) Phủ Nhận
Đối tượng được ám chỉ bằng khái niệm của nhận thức khái niệm này về sự tồn tại của người này như một thằng ngốc là gì? Đối tượng được ám chỉ bằng khái niệm của nhận thức là một người thật sự tồn tại như một thằng ngốc; thật sự có một thằng ngốc có tự tánh trong chiếc xe đó. Đó là điều được ám chỉ bằng bề ngoài này, và cách mình suy nghĩ theo cách này. Ví dụ, nếu tôi nghĩ có ai ở phòng bên kia thì đối tượng được ám chỉ bằng khái niệm sẽ là ai đó ở phòng bên kia; đó là điều mà ý nghĩ sẽ tương ứng với thực tại. “Đối tượng được nhận thức bằng khái niệm” là một thuật ngữ rất quan trọng trong nghiên cứu Madhyamaka (Trung Đạo).
Trong bất cứ nhận thức khái niệm nào thì có nhiều đối tượng liên quan trong đó. Chữ “zhen”, trong “zhen-yul”, thuật ngữ tiếng Tây Tạng cho một đối tượng được ám chỉ bằng khái niệm, có thể được sử dụng như một động từ, “bám chấp”, và như một danh từ, zhen-pa, nghĩa là “sự bám chấp” như trong giáo pháp Thoát Khỏi Bốn Sự Bám Chấp (Parting from the Four Clingings) của phái Sakya. Nó bám chấp vào theo nghĩa là bám vào một cái gì đó trên thực tại, tương ứng với điều xuất hiện trong nhận thức khái niệm. Nói một cách ngấm ngầm là sự giả định về cách mà một pháp nào đó tồn tại theo bề ngoài sẽ thật sự tương ứng với thực tại, khi có sự bám chấp vào sự tồn tại tự thiết lập, có tự tánh. Trong ví dụ của mình, chúng ta khái niệm hóa rằng người bóp kèn trong chiếc xe kia tồn tại như một thằng ngốc có tự tánh. Vì việc khái niệm hóa này mà dường như là có một tên ngốc ở đó đối với mình, nên mình cho rằng thật sự có một thằng ngốc ở đó; và ta tin vào phóng tưởng của mình. Nhận thức được ngụ ý bằng khái niệm này và hiện tướng này là một thằng ngốc thật sự ở trong chiếc xe kia.
Không tướng (tánh Không) là một sự vắng bóng; một cái gì đó vắng mặt. Điều hoàn toàn vắng bóng trong trường hợp này là đối tượng được ngụ ý bằng khái niệm. Sự xuất hiện của một thằng ngốc chân thật, có tự tánh không tương ứng với thực tại. Mặc dù có một người lái chiếc xe ở đằng kia, nhưng anh ta không tồn tại một cách cố hữu như một thằng ngốc. Không ai có thể tồn tại như một thằng ngốc có tự tánh, bởi vì không có sự tồn tại như một thằng ngốc có tự tánh. Vì vậy nên không có thằng ngốc có tự tánh trong chiếc xe đằng kia. Đó là ý niệm chung. Tuy nhiên, mình sẽ phải tinh lọc nó, bởi vì điều đó không chính xác lắm.
Hãy sử dụng một ví dụ đơn giản hơn, tuy ít chính xác hơn. Giả sử một đứa trẻ nghĩ rằng có một con quái vật dưới gầm giường. Đối tượng được ngụ ý bằng khái niệm sẽ là một con quái vật thật ở dưới gầm giường. Nỗi sợ hãi mà đứa trẻ này cảm nhận không đề cập đến bất cứ điều gì chân thật. Thế thì điều mà chúng ta đang nói đến về tánh Không là sự vắng mặt tuyệt đối của một điều gì hoàn toàn cụ thể. Nó là sự vắng bóng của điều gì không hề tồn tại. Nó hoàn toàn bất khả.
Tuy nhiên, với tánh Không thì mình không nói về sự vắng bóng của một đối tượng bất khả, như một con quái vật. Chúng ta đang nói về một cách tồn tại bất khả dĩ. Chẳng hạn như có thể có một con mèo dưới gầm giường mà đứa trẻ nghĩ là quái vật, nhưng con mèo không tồn tại như một con quái vật, bởi vì không có thứ gì như “sự tồn tại của một con quái vật”. Ở đây, tánh Không không bác bỏ sự tồn tại của con mèo, nó bác bỏ sự tồn tại của con mèo như một con quái vật.
Định Danh Hợp Lệ
Hãy xem xét ví dụ về thằng ngốc một lần nữa. Thông thường thì trên thực tế, người này có thể lái xe như một thằng ngốc, nhưng làm cách nào mà mình có thể dán nhãn anh ta một cách hợp lệ bằng khái niệm “thằng ngốc”, và gọi anh ta như vậy? Bậc thầy Ấn Độ Nguyệt Xứng (Chandrakirti) đã đưa ra ba tiêu chuẩn về một danh xưng hợp lệ.
Đầu tiên, phải có một quy ước được thiết lập và chấp nhận, đồng ý với việc định danh. Ở Đức, có một số quy tắc nhất định về cách lái xe, và việc bóp kèn không được xem là việc đúng đắn, khi bạn cố qua mặt mọi người một cách liên tục. Một người làm điều đó có thể được xem là một thằng ngốc. Đó là điều tương đối. Ở Ấn Độ, đó là cách lái xe bình thường. Có một lần, tôi đến châu Âu với một người bạn Ấn Độ, đó là chuyến du lịch đầu tiên đến phương Tây của anh ấy, và điều khiến anh sửng sốt nhất là mọi người lái xe mà không bóp kèn! Bởi vì ở phương Tây, chúng ta có quy ước rằng một người lái xe như thế là thằng ngốc, nên việc gọi người này là thằng ngốc theo quan điểm đó là đúng.
Tiêu chuẩn thứ hai là điều này không cần phải mâu thuẫn với tâm nhận thức chân lý thiển cận hay quy ước một cách hợp lệ. Nói một cách khách quan thì có phải người đó lái xe như một thằng ngốc hay không? Tôi có đeo kiếng đàng hoàng hay không? Tôi có mang máy trợ thính đàng hoàng không? Tôi có thật sự nhìn và nghe đúng hay không? Mọi người xung quanh cũng thấy rằng người này đang cố qua mặt tất cả những chiếc xe khác, và đang bấm còi, vậy thì nó cũng không mâu thuẫn với cách người khác nhìn thấy một cách hợp lệ về khía cạnh thông thường này.
Tiêu chuẩn thứ ba là việc định danh này không mâu thuẫn với một tâm thức nhìn thấy chân lý tuyệt đối. Điều này đề cập đến một tâm thức thấy một cách xác thực rằng người này tồn tại như một thằng ngốc. Làm thế nào mà anh ta là một thằng ngốc? Có phải anh chỉ là một thằng ngốc trên quy ước, phụ thuộc vào việc anh ta lái xe đi đâu và lái như thế nào, hay mình chỉ phóng tưởng rằng người này vốn đã tồn tại như một thằng ngốc cố hữu? Nếu mình nghĩ rằng người này thật sự là một thằng ngốc có tự tánh thì điều đó sẽ mâu thuẫn với một tâm thức nhìn thấy cách vạn pháp thật sự tồn tại như thế nào. Theo quy ước thì người này đang lái xe như một thằng ngốc. Điều đó chính xác, đó là một quy ước hợp lệ, một nhãn hiệu hợp lệ và một sự thật thiển cận hợp lệ. Điều đã xảy ra là mình thổi phồng cách anh ta tồn tại như một thằng ngốc. Việc anh tồn tại như một thằng ngốc đơn thuần phụ thuộc vào nhiều yếu tố - cụ thể là việc định danh bằng tâm thức mà chúng ta sẽ thảo luận một cách ngắn gọn.
Chúng ta thổi phồng bề ngoài thiển cận và phóng chiếu lên nó điều gì không có mặt ở đó: một cách tồn tại không có mặt ở đó. Chúng ta không làm điều đó một cách ý thức, mà là vô thức. Nó chỉ tự động xảy ra vì thói quen nhìn mọi thứ theo cách này. Sự thổi phồng là anh ta tồn tại như một thằng ngốc có tự tánh. Phương cách tồn tại như một thằng ngốc có tự tánh không đề cập đến bất cứ điều gì chân thật. Một lần nữa, chúng ta đang nói về sự vắng bóng của một cách tồn tại bất khả, không phải là sự vắng bóng của một đối tượng bất khả.
Sự Khác Biệt Giữa “Bẩm Sinh” Và “Cố Hữu”
Hãy xem xét kỹ hơn một chút về ý nghĩa của sự tồn tại cố hữu và bằng cách định danh bằng tinh thần. Cần phải hiểu sự khác biệt giữa bẩm sinh và cố hữu.
Chúng ta có nhiều phẩm chất bẩm sinh. Ví dụ như dòng tâm thức của mình bẩm sinh có thân, khẩu, ý, sự hiểu biết, cảm xúc, và vân vân như một phần của việc là một chúng sinh. Chúng ta có Phật tánh và tất cả những khía cạnh của Phật tánh. Danh từ kỹ thuật cho “bẩm sinh”, lhan-skyes trong tiếng Tây Tạng và sahaja trong tiếng Phạn, đôi khi được dịch là “sinh khởi đồng thời”. Nó có nghĩa là những điều này là một phần của trọn gói, và chúng phát khởi đồng thời với mỗi một sát na của tâm thức. Trong mỗi sát na kinh nghiệm thì chúng ta có thân, khẩu, và ý - dù mình thức hay ngủ. Có thể mình không nói chuyện trong khi ngủ, nhưng có khả năng truyền đạt thông tin. Ví dụ như người khác có thể nhìn mình và thấy mình đang ngủ. Ngay cả khi mình không ngáy trong lúc ngủ thì hơi thở vẫn hoạt động đều đặn và chậm chạp, cho thấy là mình đang ngủ. Đó là một ví dụ về cách mình truyền đạt thông tin trong mọi lúc. Mặc dù phẩm chất này thường được dịch là “lời nói”, nhưng không bị giới hạn chỉ bằng lời nói. Đây là những yếu tố bẩm sinh.
“Cố hữu” (Tạng ngữ: rang-bzhin) là điều gì rất khác biệt. Điều gì cố hữu, nếu nó tồn tại, sẽ là bẩm sinh, theo một nghĩa nào đó, nhưng bằng tự lực của nó, nó sẽ làm cho điều gì tồn tại và làm cho nó tồn tại như cách nó xuất hiện. Đôi khi, nó được nói đến như một số đặc điểm hay nét đặc trưng xác định bên trong đối tượng, khiến cho nó là như vậy. Với tên ngốc này thì nó sẽ là điều gì không ổn với anh ta, điều có thể được tìm thấy bên trong anh ấy, vĩnh viễn ở đó, và bằng tự lực của nó, khiến anh là một thằng ngốc. Chúng ta thường nghĩ như vậy: “Con người ghê gớm ở bên cạnh nhà mình luôn luôn chơi nhạc...” hay “Người tuyệt vời này mà tôi vừa thấy...”, như thể lúc nào cũng có một cái gì cố hữu bên trong người đó, khiến anh ta hoặc cô ấy tồn tại theo cách này. Tôi đang sử dụng các ví dụ có tình cảm, nhưng đây là trường hợp của tất cả mọi thứ. Dường như có một cái gì cố hữu về bạn, khiến bạn là con người một cách cố hữu.
Điều này bên trong người lái xe khiến anh ta tồn tại như một thằng ngốc cố hữu, khiến anh ta tồn tại một cách độc lập với bất kỳ thứ gì khác, chỉ bằng tự lực của chính anh. Dường như nếu mình thật sự quán sát thì ta có thể tìm thấy nó và chỉ vào nó. Tất nhiên, khi quán sát và mổ xẻ thì mình không thể tìm thấy bất cứ điều gì từ phía đối tượng đang làm cho nó như vậy. Nếu như bắt đầu phân tích người này trong chiếc xe thì bạn sẽ thấy rất nhiều nguyên tử và trường năng lượng, và không tìm thấy bất cứ điều gì vững chắc mà bạn có thể chỉ ra, khiến anh ta là một thằng ngốc. Nếu mình phân tích hành động của người này theo chuyển động của một phần triệu giây (microseconds), thì có sự chuyển động di chuyển ngón tay một mili-mét theo cách này, và mili-mét tiếp theo theo cách này, và mili-mét kế tiếp theo cách đó, thế thì điều gì đang khiến người đó là một thằng ngốc? Bạn không thể chỉ ra bất kỳ một phần triệu giây nào của hành vi khiến cho anh ta trở thành thằng ngốc, đúng không? Theo cách này thì bạn không thể tìm thấy bất cứ điều gì từ phía đối tượng đang ngồi đó bằng tự lực của nó, khiến người này tồn tại như một thằng ngốc - mặc dù anh ta trông như một thằng ngốc.
Nói một cách thông thường thì anh ta hành động như một thằng ngốc. Ở đây, cần phải cẩn thận để không phủ nhận sự chính xác của bề ngoài thiển cận và sự chính xác của cách anh ấy đang hành động theo cách thông thường. Anh đang hành động như một thằng ngốc; điều đó đúng. Vấn đề là làm cách nào mà anh ta tồn tại như một thằng ngốc. Anh ấy đang hành động như một thằng ngốc, dựa trên những yếu tố khác; Nó phụ thuộc vào những điều khác, ngoài bản thân anh. Không phải là người này hành động như một thằng ngốc nhờ sức mạnh của điều gì đó bên trong anh ta. Người này đang hành động như một thằng ngốc dựa vào các bộ phận (tay anh ta đang di động theo một cách nào đó, v.v...) và phụ thuộc vào các nguyên nhân (anh ta đang ở trên đường phố giao thông và đang vội). Nếu anh là một thằng ngốc cố hữu thì sẽ phải là thằng ngốc khi không lái xe và ngay cả khi anh ấy ngủ. Việc anh đang hành động như một thằng ngốc phụ thuộc vào hoàn cảnh mà anh ấy rơi vào. Cũng có thể có đủ các yếu tố văn hóa, tâm lý và cá nhân khiến anh lái xe như một thằng ngốc. Nó phụ thuộc vào tất cả những điều này mà người này lái xe như một thằng ngốc.
Định Danh Bằng Tâm Thức
Hơn nữa, thậm chí mình có thể nói một cách cơ bản hơn là nhận thức về người lái xe như một thằng ngốc phụ thuộc vào khái niệm “thằng ngốc”. Nếu không có khái niệm như vậy thì mình không thể nói rằng người này lái xe như một thằng ngốc, đúng không? Điều đó đưa chúng ta vào thế giới của việc định danh bằng tâm thức.
Việc định danh có thể khá rắc rối. Khi mình gọi người này là một thằng ngốc thì nó không làm cho anh ta trở thành một thằng ngốc, đúng không? Chúng ta không nói về những đứa trẻ đang la hét với nhau, “Bạn là một thằng ngốc!”. Nhãn hiệu và danh tánh không có sức mạnh để biến điều gì thành cái mà mình gọi nó. Nhiều người nghĩ rằng định danh bằng tâm thức có nghĩa là mình tạo ra các thứ bằng từ ngữ và khái niệm. Đó chắc chắn không phải là ý nghĩa của việc định danh bằng tâm thức trong đạo Phật.
Hãy nghĩ về điều đó. Dù mình có gọi người này là thằng ngốc hay không, và dù mình có nghĩ “thằng ngốc” hay không, và thậm chí liệu có ai khác đang ở trên đường nhìn thấy người này lái xe hay không, thì liệu anh ta vẫn lái xe như một thằng ngốc hay không? Nếu anh ta lái xe một mình trên đường, và không ai gọi anh là thằng ngốc, thì liệu anh ấy vẫn lái xe như một thằng ngốc hay không?
Bạn sẽ phải nói rằng điều này khác đối với một nhóm người có khái niệm về thằng ngốc và một nhóm khác không có khái niệm đó. Thế thì nó phụ thuộc vào nhóm người và khuôn khổ khái niệm của nó. Điều duy nhất bạn có thể nói là người này lái xe như một thằng ngốc theo một quy ước nào đó, nhưng anh ta không lái xe như một thằng ngốc một cách tuyệt đối và cố hữu. Nó phụ thuộc vào luật pháp và phong tục, bất kể có ai nhìn thấy anh ta hay không. Nếu mình nói nó hoàn toàn độc lập với bất cứ điều gì khác, và chỉ dựa vào cách mà người đó đang lái xe, thì điều đó bất khả. Đây là những điểm mà người ta bị nhầm lẫn nhiều nhất về việc định danh bằng tâm thức.
Sau đó, bạn có thể tự hỏi, “Liệu mình có thể nói một cách khách quan về cách người này lái xe không?” Đây là một câu hỏi hoàn hảo để phân tích. Đó là vấn đề, sự bám chấp vào những gì đang thật sự xảy ra. Liệu anh ta có thật sự lái xe như một thằng ngốc hay không? Khi bước vào cõi giới về việc anh ta thật sự là gì thì mình đang ở trong cõi giới của sự tồn tại cố hữu. Người này lái xe như một thằng ngốc phụ thuộc vào khái niệm “thằng ngốc”, phong tục Tây phương, và v.v... Sự thổi phồng là anh ta thật sự là một thằng ngốc. Đó là sự tồn tại tự lập cố hữu; đó là điều bất khả.
Tôi nghĩ điều này bắt đầu cho thấy sự mê lầm này sâu xa như thế nào, bởi vì hầu hết chúng ta, trên thực tế, đều muốn biết vạn pháp thật sự là như thế nào, và nghĩ rằng chúng thật sự tồn tại theo cách nào đó, đúng không? Chúng ta nói rằng, “Đây là một ngôi nhà thật tuyệt vời”, hay “Chúng tôi đã có một khoảng thời gian thật vui vẻ tối nay”, như thể có một cái gì cố hữu ở đó, và mọi người nên nhìn thấy nó theo cùng một cách. Vì quá quen thuộc với điều này, nên mọi thứ tự động xuất hiện theo cách đó, và mình nghĩ về nó theo cách đó. Điều này được gọi là “hiện tướng lừa đảo”, đôi khi được gọi là “hiện tướng nhị nguyên”. Ở đây, “nhị nguyên” có nghĩa là nó trái ngược, không giống với thực tại. Cách nó xuất hiện không hài hòa với cách nó thật sự tồn tại. Hiện tướng nhị nguyên có nghĩa là như vậy, trong cách sử dụng thuật ngữ của trường phái Trung Quán Cụ Duyên của truyền thống Gelug (Cách-lỗ).
Vấn đề là người này đang lái xe như một thằng ngốc. Đó là điều chính xác theo quy ước. Có thể mình sẽ có một ý kiến điên rồ mà không ai đồng ý, hay một ý kiến mà họ sẽ đồng ý. Ở Đức thì người khác sẽ đồng ý rằng người này lái xe như một thằng ngốc, nhưng điều đó không làm cho anh ta trở thành một thằng ngốc thật sự. Chúng ta có thể có ý kiến rằng một con chó đang lái xe, nhưng không ai sẽ đồng ý. Có những ý kiến hoang đường và những ý kiến hợp lệ.
Vấn đề là có những nhận thức hợp lệ để biết thông thường thì mọi thứ là gì. Điều này rất quan trọng. Các trường phái khác nhau của Phật giáo Tây Tạng có những cách giải thích riêng về sự khác biệt này. Hệ thống Gelug nói về chân lý tương đối chính xác và không chính xác. Một chân lý tương đối không chính xác về điều gì thì không tương ứng với cách nó thông thường là như vậy. Có một sự khác biệt lớn giữa điều gì thông thường ra sao, và cách điều gì tồn tại như thị.
Định Danh Hợp Lệ Trong Cuộc Bàn Luận Của Các Hành Giả Trung Quán Y Tự Khởi Và Trung Quán Cụ Duyên Của Phái Gelug
Làm thế nào để biết một ý kiến là hợp lệ? Chúng ta sẽ sử dụng ba tiêu chuẩn của ngài Nguyệt Xứng về việc định danh hợp lệ. Ở đây, có sự khác biệt giữa Trung Quán Y Tự Khởi (Svatantrika-Madhyamaka) và Trung Quán Cụ Duyên (Prasangika-Madhyamaka), theo cách giải thích của phái Gelug. Phái Kagyu (Ca-nhĩ-cư) giải thích hai trường phái này hơi khác nhau. Điểm chính của Trung đạo là các pháp tồn tại phụ thuộc vào việc định danh. Điều đó không có nghĩa là vạn pháp hiện hữu tùy thuộc vào việc định danh trong tâm thức. Nó không có nghĩa là việc định danh tạo ra chúng. Cách trình bày của Trung đạo về việc định danh là sự sàng lọc của những điều mà các trường phái kém tinh vi hơn trong học thuyết Phật giáo Ấn Độ như Duy Thức (Chittamatra), giải thích về mối quan hệ giữa tâm và đối tượng. Một trong những điểm chính của việc nghiên cứu các trường phái học thuyết theo thứ tự đúng đắn là thấu hiểu mức độ ngày càng tinh vi hơn về mối quan hệ giữa tâm và đối tượng.
Ví dụ được sử dụng trong sách vở là định danh ai là “vua”. Người nào tồn tại như một nhà vua sẽ dựa vào khái niệm và chữ “vua”. Nếu không có phong tục xã hội của các nhà vua thì rõ ràng là không ai có thể là vua cả. Câu hỏi là: điều gì làm cho một danh hiệu hợp lệ? Trường phái Y Tự Khởi nói rằng các pháp có một số đặc điểm xác định cố hữu, có thể được tìm thấy từ phía chúng, để cho phép mình đặt tên đúng cho các pháp, như chúng là như vậy. Phải có điều gì đó bên trong nhà vua, khiến cho ông là hoàng gia, để có thể được định danh đúng là “vua”. Nếu không thì mình có thể gọi một con chó hay một người quét rác là “vua”, và điều đó sẽ biến họ thành vua. Chúng ta có thể thấy có một số tư tưởng chánh trị đằng sau điều này. Thật ra thì đó không phải là trò đùa. Triết lý này đã phát triển ở Ấn Độ, nơi mà tư tưởng về đẳng cấp rất quan trọng, nên phải có một cái gì đó vốn có ở một người nào đó, biến anh ta hay cô ta thành một thành viên của đẳng cấp hoàng gia. Đó là Y Tự Khởi.
Trường phái Cụ Duyên thì nói là không, không có điều gì có thể được tìm thấy từ phía người kia, khiến anh ta trở thành vua. Tất nhiên, thông thường thì có những đặc điểm xác định. Người nào cai trị một quốc gia trong hệ thống hoàng gia là một vị vua. Có một đặc điểm xác định một vị vua là gì. Nếu không có điều gì có định nghĩa thì mọi thứ sẽ không thể hoạt động, nhưng chúng chỉ là quy ước. Không phải là việc xác định các đặc điểm thật sự tồn tại như điều gì có thể được tìm thấy bên trong đối tượng, bằng tự lực của nó, làm cho một người trở thành hoàng gia, ví dụ vậy.
Làm thế nào để biết danh hiệu đó hợp lệ? Một lần nữa, mình sẽ trở lại với ba tiêu chuẩn của ngài Nguyệt Xứng. Vì những điều này rất quan trọng để hiểu, nên hãy minh họa chúng một lần nữa bằng một ví dụ khác. Đầu tiên, có một quy ước được thiết lập và thống nhất. Chúng ta sẽ về nhà và nhìn người bạn đời của mình. Để dễ dàng thảo luận thì hãy cho là người bạn đời của mình là phụ nữ. Mặt cô ấy có một vẻ nào đó: cô ấy nhíu mày, miệng trề, có vẻ như bực bội và tức giận. Cần phải có một quy ước được thiết lập. Đó là tiêu chuẩn đầu tiên. Có một quy ước rằng con người, đặc biệt là từ các nền văn hóa Tây phương, sẽ nhíu mày và trề miệng khi họ bực bội. Chó thì sẽ gầm gừ, nhưng con người thể hiện sự bực bội theo cách này. Người bạn đời của mình đang tuân theo quy ước về những điều mà con người sẽ biểu lộ khi họ giận dữ. Đó là một cách để xác nhận bề ngoài hợp lệ. Cũng có thể so sánh nó với những lần trước mà cô ấy bực bội, để phối kiểm xem biểu hiện của cô có phù hợp với thói quen thông thường của cô ấy không.
Tiêu chuẩn thứ hai là nó không mâu thuẫn với một tâm thức nhìn thấy chân lý thiển cận. Chúng ta sẽ đeo kính, bật đèn và đảm bảo là mình thấy biểu hiện ấy một cách chính xác. Không phải là trời tối, nên mình đã không nhìn thấy chính xác, hay không đeo kính. Tiêu chuẩn này đề cập đến điều gì rất thiết thực và thực tế.
Tuy nó không được đề cập rõ ràng trong sách vở, nhưng có thể kiểm tra các tiêu chuẩn khác, liên quan đến điểm thứ hai này, chẳng hạn như khả năng của điều gì tạo ra một hiệu ứng. Ví dụ như khi mình nói “chào em” thì cô ấy không nói gì cả. Điều này cung cấp thêm bằng chứng, cho thấy diện mạo bực bội của cô ấy là chính xác. Hành vi khác của cô chứng thực là cô đang bực mình, bởi vì khi bực bội và tức giận thì cô thường không chào hỏi. Nói cách khác là sự tức giận đã tạo ra hiệu ứng thông thường của nó. Nếu muốn phối kiểm vấn đề thì mình cũng có thể hỏi cô ấy là cô có bực bội hay không.
Nếu mình để nó như vậy và chỉ nói, “Cô ấy bực mình và tức giận, vì có lẽ điều gì khó chịu đã xảy ra hôm nay. Nó dựa vào nhiều yếu tố”, thì nhận thức của mình hoàn toàn hợp lệ. Nó sẽ không mâu thuẫn với một tâm thức nhìn thấy chân lý tuyệt đối, cách các pháp tồn tại, làm thế nào mà người bạn đời của mình tồn tại như đang tức giận.
Nếu như mình thấy người bạn đời không chỉ tức giận vì lý do này hay lý do nọ, mà lại nghĩ rằng, “Ôi Chúa ơi, cô ấy lại nổi giận nữa rồi. Cô ấy là một người sân hận, luôn bực bội về điều này hay điều kia. Tôi không thể chịu nổi!”, thì điều này sẽ mâu thuẫn với một tâm thức có thể nhìn thấy chân lý tuyệt đối. Không ai tồn tại một cách cố hữu như thế.
Nhờ có phương tiện này mà mình xác nhận việc dán nhãn cho người đó là bực bội và tức giận là hợp lệ, mà không cần phải có một cái gì cố hữu từ phía người đó, khiến cho cô ấy tồn tại một cách tức giận. Khi nói về tánh Không thì ta đang nói về việc khi mình nghĩ cô ấy là một người ghê gớm. Tánh Không là tuyệt đối không có cách tồn tại đó: sự vắng mặt tuyệt đối về việc có một điều gì thật sự sai lầm với người này, khiến cho mình rất khó sống chung với cô ấy. Khi tin rằng cô ấy thật sự tồn tại theo cách đó thì mình sẽ phản ứng một cách phiền não. Mình sẽ bực bội với cô ấy và thiếu kiên nhẫn.
Bạn có thể hỏi, “Không phải cách mình đối phó với hoàn cảnh một cách khôn ngoan và bình tĩnh cũng phụ thuộc vào việc thấu hiểu tại sao người bạn đời của mình tức giận hay sao?” Ngay cả khi không hiểu tại sao cô ấy tức giận thì mình vẫn cố gắng hiểu là nó phải phụ thuộc vào lý do và nguyên nhân; không phải là cô ấy vốn luôn tức giận. Điều này giúp cho mình thấy rằng có lẽ tình hình có thể được thay đổi theo cách nào đó. Tuy nhiên, việc nói rằng “Người bạn đời của tôi đang tức giận và bực bội” là chính xác. Đây là điều rất quan trọng. Nếu không thừa nhận là người bạn đời của mình đang bực bội theo cách thông thường, thì mình sẽ dựa vào cơ sở nào để có lòng trắc ẩn và giúp đỡ cô ấy? Tất cả mọi thứ sẽ sụp đổ, đối với cách mình có liên hệ tốt đẹp với cô ấy, và ta sẽ rơi vào biên kiến của chủ nghĩa hư vô.
Sự nhấn mạnh vào việc nhận ra đâu là chân lý tương đối chính xác, giúp cho mối liên hệ rất chặt chẽ giữa sự hiểu biết về tánh Không và lòng bi. Không có điều đó thì mình sẽ không xem trọng người khác, và sẽ làm cho việc dính líu đến vấn đề của người khác và giúp đỡ họ suy yếu đi. Nó khá tinh tế, nhưng tôi nghĩ điều này rất quan trọng.
Duyên Khởi Và Nghiệp
Nếu như hiểu lý duyên khởi thì không thể bỏ qua sự kiện là các hành vi tích cực và tiêu cực trên thực tế là tích cực và tiêu cực. Điều đó rất đúng. Khi nói về thuyết tương đối thì mình không giảm thiểu mọi việc đến mức bất cứ cái gì có thể là bất kỳ điều gì. Giết hại là việc phá hoại, bất kể động lực là gì. Ngay cả khi mình giết hại vì lòng bi rất mạnh mẽ, giống như Đức Phật giết người chèo thuyền, sắp giết 499 thương nhân trên thuyền, thì đó vẫn là hành động giết hại tàn phá. Nó đã trổ thành một kinh nghiệm đau khổ, khi chân của Đức Phật bị gai đâm. Nỗi khổ, hậu quả tiêu cực thì rất nhỏ, vì động lực bi mẫn mạnh mẽ, nhưng vẫn là một hành động phá hoại và vẫn chịu sự chi phối của luật nhân quả: một hành động tiêu cực sẽ đưa đến khổ đau. Cường độ của hành động tiêu cực thì tương đối, nhưng nó không hoàn toàn tương đối, vì một hành động phá hoại không thể trở thành một hành động mang tính xây dựng. Đạo Phật đồng ý là có một trật tự trong vũ trụ.
Thông thường thì giết hại là một hành động phá hoại, nhưng điều gì làm cho nó phá hoại? Điều mình có thể nói là không có gì có thể được tìm thấy trong hành động giết chóc bằng tự lực của nó, làm cho nó trở thành một hành động phá hoại. Nó tùy thuộc vào việc có ai giết người, một người bị giết và một dòng tâm thức bị điều này ảnh hưởng, và kết quả là nếm khổ. Nghiệp lực tiêu cực từ hành động này tiếp tục là một phần trong dòng tâm thức của thủ phạm ấy, nên người thực hiện việc giết chóc phải chịu khổ. Chúng ta không thể chỉ nói về điều gì là “phá hoại”, độc lập với nhân và quả. Nó không chỉ phá hoại trên bầu trời. Phá hoại có nghĩa là một hành động nào đó trổ quả thành kinh nghiệm đau khổ cho hung thủ.
Vậy thì điều gì khiến cho hành động giết hại là phá hoại? Hành động phá hoại phụ thuộc vào các yếu tố khác ngoài bản thân nó - trong trường hợp này là nghiệp quả của hành động. Không phải là hành vi ấy vốn là phá hoại từ phía nó, được tạo tác theo cách đó, vì một cái gì có thể được tìm thấy trong tự thân nó.
Hãy sử dụng một ví dụ khác để hạ thấp điều này xuống tình huống hàng ngày. Con chó của mình đi vệ sinh trên sàn nhà, nên ta tức giận và la hét, “Con chó hư! Mày làm dơ sàn nhà! Mày đã làm điều hư hỏng này!”, như thể hành động đó tồn tại như một điều xấu xa, độc lập với bất cứ điều gì khác. Trong ví dụ này, khi nghĩ về kết quả của hành động “nhân tạo” thì dễ dàng hơn, thay vì nghiệp quả mà con chó sẽ trải qua. Xin lưu ý rằng có một sự khác biệt giữa nghiệp quả và kết quả nhân tạo. Kết quả nhân tạo, hoặc trong trường hợp này là kết quả do con chó tạo ra là làm dơ nhà, và mình phải lau chùi. Dựa trên tiêu chuẩn đó thì những gì con chó tạo ra trên sàn nhà là không đẹp.
Duyên Khởi Và Sự Chọn Lựa
Dựa vào buổi bàn luận này về việc định danh hợp lệ và ý kiến thì chúng ta có thể đề nghị điều gì, để tạo ra quyết định đúng đắn? Có rất nhiều yếu tố khác nhau liên quan đến việc đưa ra bất kỳ quyết định nào, không chỉ đơn giản là vấn đề định danh chính xác cho phương án này hay phương án khác như câu trả lời, hoặc giải pháp cho một vấn đề nan giải. Ví dụ như, để xác định đâu là quyết định phù hợp nhất thì mình phải cố gắng tính tất cả những yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến kết quả. Bất cứ điều gì xảy ra thì không chỉ do một yếu tố tạo ra. Điều quan trọng là không thổi phồng quá mức hành động và tầm quan trọng của quyết định của mình về những việc phải làm. Nếu mình nói điều gì đó, ví dụ vậy, và làm ai bực bội thì có nhiều yếu tố khác làm cho người đó khó chịu, không chỉ điều mình nói.
Nói thì khá dễ, “Miễn là mình có ý tốt thì dù có quyết định làm gì cũng được”, nhưng có một cách diễn đạt bằng tiếng Anh: “Đường đến địa ngục được lát bằng những ý định tốt.”. Hơn nữa, ta có nhiều chủ ý và động lực đằng sau mỗi một phương cách hành động khác nhau mà mình có thể chọn lựa, không chỉ là một cách, nên rất phức tạp.
Một số người nói rằng, “Hãy hàng động một cách tự phát”, nhưng tự phát thường có nghĩa là loạn thần. Nếu như em bé khóc và việc đầu tiên mà mình nghĩ là nên tát nó, thì ta sẽ không cho rằng đó là quyết định tốt nhất, chỉ vì nó là điều tự phát. Phải cố gắng xem xét càng nhiều điều khác nhau càng tốt, trong việc đưa ra quyết định, đặc biệt là quyết định như có nên chấm dứt một mối quan hệ, hay có nên thay đổi công việc hay không. Cần phải làm sáng tỏ những điều tôi thích làm, những gì tôi muốn làm, những gì tôi cần làm, và trực giác của tôi nói gì. Bốn điều này có thể khác nhau.
Ví dụ như tôi cần phải ăn kiêng, tôi muốn tuân theo chế độ ăn kiêng của mình, nhưng lại muốn ăn một miếng bánh. Trực giác nói rằng mình sẽ cảm thấy tội lỗi vì việc này. Cần phải phân tích bốn khía cạnh của quyết định, cũng như lý do cho mỗi khía cạnh. Có lẽ mình muốn ăn vì ham ăn bánh. Tại sao mình muốn giảm cân? Có phải vì lý do sức khỏe, vì tính phù phiếm, hay muốn nhìn hấp dẫn hơn để tìm một người bạn đời? Cũng cần phải cân nhắc hậu quả của những gì mình làm, rồi cân nhắc tất cả những yếu tố khác nhau và xem cái nào hợp lệ và cái nào không hợp lệ. Ví dụ như “Tôi không muốn ăn ngay bây giờ, tôi không muốn ăn, nhưng nếu không ăn bây giờ thì tôi sẽ không có cơ hội ăn trong thời gian còn lại trong ngày, nên tốt hơn hết là ăn bây giờ.”.
Mình sẽ cố gắng đưa ra quyết định theo cách này, càng nhạy cảm với tất cả những yếu tố khác nhau thì càng tốt. Điều này đặc biệt quan trọng đối với việc đưa ra những quyết định khó khăn. Với những quyết định như tôi nên mặc áo đen hay áo xanh dương, hay tôi nên chọn món gì trong thực đơn của nhà hàng, cứ chọn đại món gì đi, không thành vấn đề. Chúng ta không muốn phân tích quá nhiều. Việc quyết định thì không dễ dàng.
Điều khá thú vị là một trong sáu phiền não căn bản là nghi ngờ, không có khả năng quyết định. Để khắc phục tâm trạng suy nhược này thì mình có thể quay qua việc phân tích giáo pháp một cách chi tiết về những yếu tố khiến mình cảm thấy thích làm điều gì, hay muốn làm điều gì. Các giáo lý về nghiệp và sự vận hành của tâm có thể giải thích cách mà các yếu tố này phát sinh một cách rất phức tạp và tinh vi. Trong đó, mình có thể phân tích những yếu tố nào mà các trường phái khác nhau của Phật giáo Tây Tạng cho là hợp lệ và không hợp lệ.
Vậy thì làm cách nào để biết là mình đã quyết định đúng? Trừ khi mình là Phật, ngoài ra thì không bao giờ biết được mình có quyết định đúng hay không. Chúng tôi không biết hậu quả của hành động của mình là gì. Ngoài ra, còn phải cởi mở với những thay đổi có thể xảy ra, đặc biệt là quyết định về việc chấm dứt một mối quan hệ. Đó là một vấn đề khó khăn. Sau khi cân nhắc càng nhiều yếu tố càng tốt thì nên bàn luận với người kia, và xem tình hình tiến triển như thế nào.
Trong cuộc thảo luận về tánh Không ở đây thì tánh Không trong bối cảnh này sẽ là sự vắng bóng của điều gì có tự tánh trong tình huống, sẽ đưa ra quyết định đúng đắn, từ phía của nó. Nó không tồn tại như thế. Nó phụ thuộc vào nhiều điều khác nhau. Nó không phải là điều mà mình quyết định hay nói bằng tự lực của nó, sẽ mang lại hiệu quả của những gì xảy ra. Những gì xảy ra phát sinh từ một triệu nguyên nhân khác nhau, không chỉ từ những gì mình làm.
Có vẻ như điều gì mình làm đã tạo ra rắc rối cho chuyện gì đó, nên mình có tội, như thể hành động của mình đã tồn tại một cách cố hữu, và nhờ tự lực của nó mà làm cho sự việc rắc rối. Dường như đó là cách nó có vẻ như vậy đối với mình, và mình tin điều đó, nên cảm thấy tội lỗi. Thông thường thì có thể mình đã góp phần vào vấn đề rắc rối, nhưng chắc chắn là những gì mình đã làm, bằng tự lực của nó, độc lập với mọi thứ khác, đã không tạo ra rắc rối này. Có nhiều nguyên nhân. Như Đức Phật đã nói, một cái xô không thể tràn đầy nhờ giọt nước đầu tiên, cũng không nhờ giọt nước cuối cùng; nó tràn đầy là nhờ sự tích tụ của tất cả những giọt nước. Có hàng ngàn và hàng ngàn yếu tố đem lại hiệu quả và chịu trách nhiệm cho những gì xảy ra.
Trách Nhiệm Và Tội Lỗi
Ví dụ như tôi làm đổ ly nước và làm dơ sàn nhà. Sự bừa bãi đó không chỉ vì tôi đụng nhằm cái ly, mà vì người khác đã để cái ly trên cạnh bàn, người đã xây cái bàn, sự kiện là nó ở độ cao này và ánh sáng là như vậy, nên tôi đã không nhìn thấy nó - một triệu yếu tố đã góp phần trong đó.
Hiện nay, chắc chắn mình không thể nói rằng người làm ra cái bàn, hay người để cái ly trên cạnh bàn phải chịu trách nhiệm cho sự bừa bãi này. Mình phải chịu trách nhiệm, nhưng mình không tội lỗi. Tôi làm đổ ly nước, nhưng điều đó không khiến tôi trở thành một thằng ngốc vụng về cố hữu, đến mức bạn không thể dẫn tôi đi đâu chơi, vì tôi sẽ làm đổ mọi thứ. Người ta lấy những điều như vậy làm bản sắc của họ: “Tôi vụng về”, hay “Tôi không thể nào thay bóng đèn mà không làm vỡ nó, nên hãy giúp tôi.”. Đây là những ý tưởng rất phổ biến mà tất cả chúng ta đều có. Chúng ta không nói về những điều triết học tinh vi, mà đang nói về cuộc sống hàng ngày.
Rồi thì “tội lỗi” có nghĩa là có một điều gì đó cố hữu trong chúng ta, khiến mình là người xấu, và những gì mình đã làm đều xấu xa một cách cố hữu. Mình đã làm điều gì đó, xác định điều mình làm là xấu xa một cách cố hữu, và bản thân ta là người xấu cố hữu, rồi ôm ấp sự nhận dạng này và không buông bỏ nó. Với sự hiểu biết về tánh Không thì mình hiểu rằng không có gì và không ai có thể tồn tại “xấu xa” một cách cố hữu, được thiết lập một cách độc lập từ phía của họ. Khi thấu hiểu điều này sâu sắc thì mình không cảm thấy tội lỗi nữa, nhưng nếu như hiểu tánh Không một cách đúng đắn thì ta cũng hiểu rằng mình phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
Tóm Tắt
Với sự hiểu biết về tánh Không thì mình sẽ nhận thức là dù anh chàng lái xe kế bên có bóp kèn và cố qua mặt mình, có vẻ như một thằng ngốc thật sự đối với mình, nhưng ta không thật sự tin rằng điều này phù hợp với thực tại. Chúng ta thấy mọi thứ phát sinh như “thế này” hay “thế kia”, phụ thuộc vào khái niệm và chữ “thằng ngốc”, chẳng hạn vậy, và nhiều yếu tố khác. Với sự hiểu biết này thì mình sẽ không mất kiên nhẫn và tức giận với người đó. Thông thường thì anh ta có thể lái xe như một thằng ngốc theo quan điểm quy ước của nước Đức, nhưng điều đó không làm cho anh tội lỗi như một người xấu xa một cách cố hữu.