Pháp Luyện Tâm Dành Cho Phạm Vi Trung Căn Và Thượng Căn

Kệ số 8 - 37

Tái Khẳng Định Động Lực Và Bình Luận

Hãy nhìn tất cả những người xung quanh bạn, dù họ gần hay xa, giàu hay nghèo thì tất cả chúng ta đều bình đẳng đối với việc muốn được hạnh phúc và thoát khổ. Cách tốt nhất để thành tựu điều này là tu tập Pháp. Chúng ta đã có được thân người đầy đủ, đã gặp gỡ toàn bộ giáo lý về giới luật, Đại thừa và Mật tông, và cũng đã gặp gỡ với các vị thầy có các phẩm chất cao quý. Do đó, nên phát khởi động lực Đại thừa đầy đủ, để đoạn trừ mọi phiền não, đạt được tất cả những phẩm chất tốt đẹp và đạt giác ngộ.

Điều cơ bản là có một tấm lòng nồng nhiệt và tử tế. Đây là căn nguyên của mọi niềm hạnh phúc cho bản thân và tha nhân, cả về mặt thiển cận và cứu cánh. Nó là căn nguyên của bồ đề tâm, đưa mình đến giác ngộ, và khả năng mang lại hạnh phúc cho tất cả chúng sinh. Do đó, cần phải có lòng nhân hậu càng nhiều càng tốt.

Đừng chỉ nói những lời suông như là “Nguyện cho con phát triển lòng nhân hậu.”. Điều mình phải làm là tu tập các giai đoạn để đạt được nó. Cần phải biết các phương pháp, rồi tu tập chúng. Các giáo pháp đầy đủ được tìm thấy trong hàng trăm tập Kangyur (King Tạng) của Đức Phật, và hai trăm tập luận giải Tengyur (Luận Tạng) của các đạo sư Ấn Độ. Vị Lạt ma chính đã đem toàn bộ lam-rim, những giai đoạn tiệm thứ về việc luyện tâm và thanh tẩy thái độ của mình đến Tây Tạng là A Đề Sa (Atisha). Đèn Soi Nẻo Giác (Lamp for the Path to Enlightenment, Tạng ngữ: Lam-sgron, Phạn ngữ: Bodhipathapradipa) là nguồn gốc của 37 Pháp Hành Bồ Tát. Vì 37 Pháp Hành Bồ Tát rất ngắn gọn và dễ hiểu, nên hãy cố học thuộc lòng, rồi trì tụng thường xuyên, tư duy về ý nghĩa và áp dụng nó vào việc tu tập.

Bây giờ thì hãy lắng nghe phần tiếp theo của bản văn này. Trước tiên, phải nhận ra thân người quý báu và nghĩ đến việc tận dụng nó. Vì chắc chắn là chúng ta sẽ chết và mất đi thân này, nên phải thoát khỏi nỗi lo toan về kiếp sống này, và cuối cùng, cũng thoát khỏi nỗi lo toan về những kiếp tương lai.

Để thực hiện điều này thì lúc đầu, phải nghĩ về cái chết và vô thường, và khi chết thì ta có thể tái sinh ở một trong ba cõi tồi tệ hơn. Tuy không thể nhìn thấy những chúng sinh bị mắc kẹt trong những cõi bất hỷ (địa ngục) hay ma quỷ (quỷ đói), nhưng chúng ta biết về súc sanh và những nỗi khổ của chúng. Mình có thể thấy cách chúng bị lạm dụng, đánh đập, bóc lột sức lao động, bị sử dụng một cách tàn nhẫn trong các thí nghiệm y học, thịt của chúng được dùng để tế thần, v.v... Trong đạo Phật thì ta phải phát tâm nhân từ với chúng. Trong một số tôn giáo khác thì họ cảm thấy việc giết hại thú vật không khác gì với việc chặt cây hay hái rau cho lắm, nhưng trong đạo Phật thì chúng ta thật sự xem xét và coi trọng nỗi khổ của thú vật, và nghĩ rằng mình có thể dễ dàng tái sinh thành một trong những súc sinh này.

Người thuyết giảng đường tu để tránh tái sinh thành súc sanh là Đức Phật đã giác ngộ viên mãn. Ngài đã dạy về luật nhân quả, về những hành vi phải được từ bỏ và những hành vì phải được thực hiện. Phải cố gắng học hỏi giáo pháp hoàn hảo của Đức Phật càng nhiều càng tốt, vì chúng không có gì sai lầm, và đã vạch ra một phương hướng an toàn và đúng đắn trong đời sống. Như chúng ta đã nói ngày hôm qua, Phật, Pháp, Tăng là Tam Bảo của Quy Y. Chỉ có ba điều này cung cấp một phương hướng an toàn, bảo hộ, ổn định, chẳng bao giờ sai chạy trong đời sống. Việc tìm cầu quy y tối hậu nơi chư Thiên thế tục như thiện tri thức giúp đỡ mình là điều không đúng đắn, dù nó không có gì sai lầm.

Hãy nhìn vào chư Tăng trong các tu viện ở Thái Lan và Miến Điện; họ thật là xuất sắc Họ chỉ có biểu tượng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở trong chùa, chứ không có ai khác. Trong chùa Tây Tạng thì chúng ta có thể có một hình ảnh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nhưng cũng có các Hộ Pháp trông kỳ lạ và vân vân. Ở Nhật Bản thì chỉ có hình ảnh của những vị thầy chính, và hầu như không có biểu tượng nào của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đương nhiên là có sự kiện Đức Phật bất khả phân với vị thầy, và xuất hiện theo nhiều sắc tướng, nhưng đây là một điều khác biệt. Vấn đề là người chủ yếu mà chúng ta phải hướng về để thọ nhận nguồn cảm hứng và soi sáng là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Người ta thường chỉ trích chúng ta và nói rằng người Tây Tạng quên đi Đức Phật và chỉ đánh trống trước những hình ảnh chư Hộ Pháp. Có nhiều hiểm họa đối với việc này. Vì vậy nên hãy cẩn thận, nhưng đối với điểm này thì vậy là đủ rồi.

Về Tăng Bảo thì việc tu tập ở Thái Lan và Miến Điện cũng rất xuất sắc. Các nhà sư rất được tôn kính, và được giới cư sĩ hỗ trợ và thí thực. Thật là xuất sắc. Người ta thường cảm thấy thật sự chỉ có nhị Bảo để Quy Y, đó Phật và Pháp, còn Tăng thì không cần thiết. Họ nghĩ rằng mình có thể quên đi Tăng đoàn. Tất cả mọi người không cần phải làm tăng ni, nhưng ta phải xem xét thiên hướng của mình, và nếu nó phù hợp với mình thì việc trở thành một nhà tu là điều tốt nhất. Tuy nhiên, ít nhất là đừng bao giờ chỉ trích tăng ni. Chúng ta cần quán xét và chỉ trích bản thân mình. Tăng đoàn rất quan trọng đối với việc nêu gương và tượng trưng cho giáo pháp của Đức Phật. Phải rất cẩn thận về nghiệp của riêng mình, về những gì chúng ta nói và làm.

Kềm Chế Hành Vi Tiêu Cực

(8) Pháp tu Bồ tát là không bao giờ làm điều ác, dù có mất mạng, vì Đấng Hiền Thánh đã dạy những nỗi thống khổ vô cùng khó chịu trong các cõi thấp là quả báo của ác nghiệp. 

Nói một cách đơn giản thì nếu chúng ta hành thiện thì sẽ gặt quả lành, nếu chúng ta tạo ác thì sẽ gặt quả xấu. Rất đơn giản. Quả sẽ cùng loại với nhân. Điều này không bao giờ sai chạy, và hơn nữa, từ những nhân nhỏ bé, mình có thể gặt những quả to lớn.

Ở các nước cũng vậy, bất kỳ cảnh ngộ khủng khiếp nào xảy ra đều xuất phát từ ác nghiệp được tích tập từ những hành vi phá hoại trong quá khứ. Chẳng hạn như ở Tây Tạng, đôi khi chúng ta bị hạn hán; mùa màng thất thu; đôi khi thì có chiến tranh, bị xâm lăng, vân vân. Tất cả những điều này là vì những hành vi phá hoại trong quá khứ của mình, và thiếu thiện nghiệp. Nếu như không có bất cứ thiện nghiệp nào được tích tập từ những hành vi trong quá khứ thì dù mình có làm gì đi nữa, nó cũng sẽ không đem lại hoàn cảnh tốt. Vì vậy nên phải luôn luôn mong muốn cho người khác được hạnh phúc. Giống như đối với người Trung Quốc thì chúng ta chỉ có thể chúc lành cho họ. Chúng ta không được mong họ gặp những điều xấu xa. Những gì họ trải nghiệm sẽ là kết quả của hành động của riêng họ.

Hành vi phá hoại xuất phát từ phiền não, và khi hành động theo phiền não thì ta sẽ tích tập ác nghiệp, không đem lại cho mình điều gì ngoài đau khổ. Hành vi phá hoại có thể thuộc về thân, khẩu hay ý. Một ví dụ về thân nghiệp là, ví dụ như giết hại, cướp đi sinh mạng của bất cứ chúng sinh nào, từ con người đến côn trùng. Giết hại là điều rất tiêu cực, nên chúng ta phải kềm chế bản thân càng nhiều càng tốt.

Tất cả chúng sinh đều có quyền sống bình đẳng, và trân trọng sinh mệnh của họ như chúng ta. Nếu như tay mình bị gai đâm thì ta sẽ nói, “Ây da, đau quá.”. Tất cả mọi người, tất cả chúng sinh đều cảm thấy y hệt như nhau. Điều đặc biệt kinh khủng là giết thú vật để tế thần; người ta vẫn còn làm điều đó ở một vài nơi. Trong quá khứ, họ đã làm việc này ở Kinnaur, Spiti, và một số nơi ở Nepal, và thậm chí ở vài quận ở Tây Tạng. Bề ngoài thì những người ở đó nương tựa vào tôi, Đức Dalai Lama, rồi lại dùng thú vật để cúng tế. Rất là tồi tệ. Họ trì tụng mật chú đại bi “Om mani padme hum” mà vẫn đem thú vật đi tế thần thì điều đó không bao giờ được.

Tiếp theo là trộm cắp. Điều này cũng rất tiêu cực. Tà dâm là ăn nằm với bạn đời của người khác, hoặc với người có quan hệ tình cảm với người khác, và không thấy có gì sai trái khi làm như vậy. Khi nhìn vào văn học lịch sử thì hầu hết những mối bất hòa và gây gỗ trong các gia đình hoàng tộc đều xuất phát từ vấn đề tà dâm. Đó là điều rất tiêu cực.

Tiếp theo là nói dối. Điều này cũng cực kỳ tiêu cực. Tất nhiên, nói dối để bảo vệ mạng sống của người nào là một việc khác, nhưng chúng ta phải luôn trung thực. Nếu như mình nói dối thì chỉ tạo ra bất hạnh. Chúng ta sẽ sống trong lo sợ là có người sẽ phát hiện ra việc này. Điều đó luôn làm cho tâm mình rất khó chịu, đúng không?

Kế đó là nói lời chia rẽ, khiến người khác không thân thiện và xa cách nhau. Chúng ta nghe chuyện xấu về ai đó, rồi đi kể lại khắp nơi. Điều này rất phá hoại. Phải cố gắng đem mọi người xích lại gần nhau. Khi người ta sống và làm việc với nhau thì sự hòa hợp dựa vào sự tin cậy lẫn nhau. Chẳng hạn như khi nhìn vào người Trung Quốc thì họ nói về mọi người như là đồng chí, nhưng đây chỉ là ở bàn thảo luận. Ở ngoài thì thậm chí họ sẽ không chia sẻ một cục xà bông với nhau. Đó là vì họ không tin cậy; không tin tưởng lẫn nhau. Và điều này bắt nguồn từ việc tạo ra  sự chia rẽ giữa người khác. Do đó, đừng bao giờ nói lời chia rẽ.

Tiếp theo là nói nặng lời, gọi người khác bằng những cái tên xấu như là “đồ ăn xin” và vân vân. Nó sẽ làm tổn thương họ, không hề đem lại hạnh phúc. Nói nhảm nhí là nói huyên thuyên, luôn luôn nói những điều vô nghĩa; hoàn toàn lãng phí thời gian.

Sau đó là tham lam. Người khác có món gì tốt mà mình muốn có, nên mình cứ đi quanh và chú ý đến món này, và chỉ muốn có được nó. Nếu như không cẩn thận thì chúng ta sẽ đi thẳng vào tường!

Suy nghĩ với ác ý là điều kế tiếp. Điều này cũng rất tiêu cực. Nó chỉ làm cho mình không vui. Nó thường không làm tổn thương người khác; nó chỉ làm tổn thương bản thân mình. Việc ôm ấp hận thù và mong muốn những điều xấu xa xảy cho người khác là điều tự hại mình. Không bao giờ có thể giải quyết vấn đề bằng cách ôm hận trong lòng. Vấn đề chỉ có thể được giải quyết bằng lòng từ bi và nhẫn nại; nên đừng bao giờ có ác ý. Cuối cùng là tà kiến: phủ nhận những gì tồn tại hay là sự thật, hoặc thêu dệt ra điều gì không tồn tại, hay không đúng sự thật.

Mười điều này, từ việc cướp đi mạng sống cho đến tà kiến, là thập ác. Phải nhận ra khuyết điểm của những điều này và tránh tạo tác chúng. Pháp tu thật sự là từ việc thấy được khuyết điểm của chúng nên mình sẽ kềm chế bản thân với nỗ lực bằng ý thức và hoan hỷ tinh tấn, để không giết hại, nói dối và vân vân... Ngay cả khi không thể kềm chế hoàn toàn thì phải cố giảm thiểu những hành động này càng nhiều càng tốt. Đây là những điều tiếp nối quy y.

Bây giờ thì đến giáo pháp khi mình có động lực của phạm vi trung căn.

Tu Tập Để Giải Thoát

(9) Pháp tu Bồ tát là hết lòng quan tâm đến trạng thái bất biến tối thượng của giải thoát, vì lạc thú trong ba cõi là các pháp biến hoại trong khoảnh khắc, như giọt sương trên đầu ngọn cỏ.

Bất kể chúng ta sinh ra ở đâu trong tam giới thì chỉ giống như ở trong những tầng khác nhau của một tòa nhà đang cháy. Tất cả mọi nơi đều là khổ, nên bằng mọi cách, mình phải được giải thoát. Luân hồi, hiện hữu tái diễn một cách bất tự chủ, đề cập đến các uẩn khổ đau, xen lẫn với vô minh, mà mình nhận lãnh từ nghiệp và phiền não. Phải nghĩ về điều này. Dù có được kiếp người quý báu, nhưng nếu phải chịu ảnh hưởng của nghiệp và phiền não, không có độc lập thì mình chỉ có thể tạo tác thêm nhiều đau khổ. Do đó, phải cố giải thoát bản thân khỏi những hội chứng lặp đi lặp lại này. Bất cứ thú vui trần tục nào mà mình thụ hưởng đều không phải là điều cứu cánh. Chúng chỉ thiển cận và tạm thời. Chúng ta có thể rơi vào một tái sinh tồi tệ hơn bất cứ lúc nào.

Nếu như nỗi khổ xuất phát từ các uẩn thân và tâm của mình, dưới mãnh lực của nghiệp và phiền não, thì ta có thể trốn ở đâu để tránh các uẩn cấu nhiễm vì vô minh? Hãy nghĩ về điều đó. Nếu chính các uẩn của mình mang bản chất khổ đau, thì làm sao ta có thể thoát khỏi chúng?

Nguồn gốc của khổ là phiền não, và những phiền não chủ yếu là tham và sân. Cả hai đều bắt nguồn từ vô minh, bám chấp vào sự hiện hữu có tự tánh, nhưng đây là quan điểm lệch lạc. Mặt khác, bằng cách trưởng dưỡng pháp đối trị với điều này, cụ thể là tri kiến đối nghịch, rằng sự tồn tại có tự tánh không hề tồn tại, và bằng cách làm quen với nó, rồi càng quen thuộc với chánh kiến thì vô minh sẽ càng giảm thiểu.

Cấu nhiễm của vô minh trong tâm thức thì bất định; chúng có thể được đoạn trừ. Vô minh bám chấp vào hiện hữu có tự tánh và sự hiểu biết về việc không có sự tồn tại có tự tánh đều nhắm vào cùng một đối tượng. Do đó, khi mình có một cái thì không thể đồng thời có cả cái kia. Theo cách này thì trí phân biệt hay trí tuệ chứng ngộ tánh Không hoạt động như pháp đối trị vô minh. Với trí tuệ này thì ta sẽ đoạn trừ tâm tham và sân, thành tựu giải thoát, thoát khỏi khổ đau.

Một số người nói rằng tâm tham và sân, hay thù địch là điều tự nhiên: chúng là một phần trong bản tánh của tâm. Họ nói rằng nếu như một người không có những cảm giác như vậy thì gần như là họ không còn sống nữa. Nhưng nếu chúng là những thành phần thuộc về bản tánh của tâm thì cũng giống như trường hợp khi mình chấp nhận tánh giác và tánh quang minh đơn thuần là bản tánh của tâm, thì những cảm giác tham ái và thù địch này phải có mặt trong mọi lúc. Nhưng ta thấy rằng tâm sân có thể được tiêu diệt, nó không tồn tại mãi mãi. Vì vậy, đó là quan điểm sai lầm, khi cho rằng chúng là những thành phần tự nhiên của đời sống, và bản tánh của tâm có tâm tham và sân trong đó.

Sau đó, cần có trí tuệ để thấy nhị đế: từ quan điểm tuyệt đối, vạn pháp đều không có tự tánh, nhưng về mặt quy ước thì duyên khởi chẳng bao giờ sai lầm. Đây là việc tu tập tuệ vô lậu học, và để đạt được nó thì phải tu định vô lậu học làm cơ sở của nó, để không có tâm tán loạn, và vân vân. Đối với điều này thì phải tu giới vô lậu học, với tư cách là một nhà tu hay cư sĩ. Chẳng hạn như có những các giới tại gia, ngũ giới, và điều quan trọng nhất là ít nhất phải giữ các giới này. Vì vậy, phải hành trì tam vô lậu học.

Tiếp theo là giáo pháp khi mình có động lực của phạm vi thượng căn.

Phát Bồ Đề Tâm

(10) Pháp tu Bồ tát là phát bồ đề tâm để giải thoát vô lượng chúng sinh, vì nếu những bà mẹ đã từng tử tế với mình từ vô thỉ đang chịu khổ đau, thì ta có thể làm gì với hạnh phúc của chỉ riêng mình?

Tất cả chúng sinh, bao la như không gian, đều mong muốn hạnh phúc và không muốn khổ, giống như mình. Chúng sinh thì vô số, và nếu bỏ mặc họ mà chỉ nghĩ đến mục tiêu của riêng mình thì thật là thảm hại, chưa nói là bất công. Phải đặt mình ở một bên, và tất cả những chúng sinh khác ở bên kia. Tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc và không muốn khổ; điều khác biệt duy nhất là mình chỉ là một người và chúng sinh thì vô lượng. Thế thì ai sẽ thấy việc ưu đãi một người so với tất cả những người khác là điều công bằng hay hợp lý?

Chư Bồ tát chỉ làm việc và mong tha nhân được hạnh phúc. Tất nhiên, không cần phải nói thêm là họ sẽ đạt giác ngộ, mà bên cạnh đó, họ cũng không đau khổ trên đường tu. Càng làm việc chăm chỉ vì người khác và càng bỏ mặc bản thân thì họ càng hạnh phúc hơn, nên điều đó khuyến khích họ làm việc chăm chỉ hơn nữa. Nhưng nếu chúng ta làm việc chỉ vì mục đích của riêng mình, và bỏ mặc người khác thì những gì mình sẽ có được là khổ đau, bất toại nguyện và chán nản. Thật là buồn cười khi sự việc là như thế. Vì vậy, phải cố gắng giảm bớt tâm ích kỷ và gia tăng lòng quan tâm đến người khác càng nhiều càng tốt, và nhờ vậy, bên cạnh đó, ta sẽ thấy mình trở thành một người hạnh phúc hơn.

Nếu chỉ làm việc vì mục tiêu của người khác, như được mô tả trong Nhập Bồ Tát Hạnh, thì ta sẽ không bao giờ sợ mình sẽ tái sinh ở nơi nào, hoặc trong những điều kiện nào. Dù ở bất cứ nơi nào thì ta sẽ làm việc vì mục tiêu giúp đỡ chúng sinh ở đó. Ngài Long Thọ đã nhấn mạnh điểm tương tự trong tác phẩm Bảo Hành Vương Chánh Luận (Precious Garland). Chỉ làm việc vì lợi ích của người khác và bỏ mặc mục tiêu của riêng mình là cách để thành tựu Phật quả.

Chúng ta nói rằng mình là hành giả Đại thừa, nhưng như Tông Khách Ba (Tsongkhapa) có nói, cần phải có tính cách Đại thừa để được xem là hành giả Đại thừa. Do đó, phải làm việc vì lợi lạc của tha nhân. Nếu như mình tìm kiếm những cách hữu ích và phát bồ đề tâm thì tự động mọi việc sẽ ích lợi cho tất cả mọi người. Vì vậy, phải noi theo pháp tu Đại thừa và hành trì càng nhiều càng tốt. Quý vị hiểu không?

Bây giờ, Bồ tát là gì? Tương tự với những điều tôi đã giải thích về chữ Phật, thì âm tiết đầu tiên trong tiếng Tây Tạng của chữ “bodhhi” là “jang” (byang) có nghĩa là đoạn trừ lỗi lầm, trong khi đó âm tiết thứ hai, “chub” (chub) có nghĩa là thành tựu mọi phẩm chất tốt đẹp. Thật ra thì có hai “bodhis” hay hai trạng thái được tịnh hóa, và điều được đề cập ở đây không phải trạng thái thấp hơn của những vị A la hán, mà là trạng thái cao hơn của tâm giác ngộ của một vị Phật. “Sattva” nghĩa là một người có tâm nhắm vào việc thành tựu trạng thái tịnh hóa cao hơn của bồ đề, giác ngộ, để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh.

Vì vậy, chúng ta cần cả hai mục tiêu. Phải nhắm vào chúng sinh để tạo lợi lạc cho họ, và nhắm vào giác ngộ để có thể làm điều đó. Đó là bồ đề tâm, và đây là điều mà mình phải phát triển. Làm sao để thực hiện điều đó?

Hoán Chuyển Ngã Tha

(11) Pháp tu Bồ tát là hoán chuyển hạnh phúc tự thân với khổ đau của tha nhân, vì tất cả khổ đau đều xuất phát từ việc mong cầu hạnh phúc cho riêng mình, trong khi Phật quả toàn giác bắt nguồn từ tâm nguyện vị tha.

Làm thế nào mà tất cả nỗi khổ đều bắt nguồn từ tâm chỉ mong muốn hạnh phúc cho riêng mình? Một ước muốn vị kỷ như vậy sẽ khiến mình tạo tác nhiều ác nghiệp, để hoàn thành mục tiêu ích kỷ của mình, do đó, ta sẽ nếm khổ. Mặt khác thì Phật quả bắt nguồn từ việc giúp đỡ tha nhân. Do đó, phải hoán chuyển thái độ của mình, và thay vì mong muốn hạnh phúc cá nhân cho riêng mình và bỏ mặc nỗi khổ của người khác thì ta chỉ muốn cho người khác hạnh phúc và bỏ mặc bản thân mình.

Để thực hiện điều này thì chúng ta sẽ tu tập theo pháp tu gọi là “cho và nhận” (tonglen), cụ thể là nhận lấy khổ đau của người khác và trao tặng hạnh phúc cho họ. Có một pháp quán tưởng rất tốt và hữu ích để giúp mình làm điều này. Cần phải quán tưởng tự thân trong sắc tướng bình thường ở bên mặt, ích kỷ và chỉ mong muốn hạnh phúc cho riêng mình. Ở bên trái thì quán tưởng vô hạn, vô lượng chúng sinh đều muốn được hạnh phúc. Rồi thì đứng xa ra trong tâm trí mình như một nhân chứng và thẩm phán, “Ai là người quan trọng hơn, người ích kỷ này ở đây hay tất cả những người khác?” Hãy nghĩ mình sẽ ủng hộ bên nào, và  muốn tham gia với bên nào? Bên người ích kỷ, hay bên tất cả những chúng sinh thảm hại này, là những người đều xứng đáng được hạnh phúc như nhau. Những pháp tu như thế này và những pháp tu khác được đề cập trong Nhập Bồ Tát Hạnh rất lợi lạc.

Bồ Tát Hạnh: Đối Phó Với Hãm Hại

(12) Pháp tu Bồ tát là dù có kẻ vì lòng tham khôn cùng, trộm cắp hay xúi dục người khác cướp đoạt toàn bộ tài sản của mình, hãy dâng hiến cho họ thân thể, của cải và công đức trong ba thời của mình. 

Bây giờ, chúng ta đã phát bồ đề tâm. Tuy nhiên, để thành tựu giác ngộ thì phải dấn thân vào bồ tát hạnh. Nếu như bị ai ăn cắp đồ thì mình sẽ có nguy cơ tức giận. Nhưng nếu chúng ta đang tu tập để đạt giác ngộ, và đang cho đi tất cả mọi thứ cho người khác, thì điều gọi là kẻ trộm này, đã sở hữu tài sản của mình trước đó rồi. Bây giờ thì anh ta tới lấy chúng, vì trên thực tế thì chúng đã thuộc về anh ấy rồi. Do đó, phải cống hiến không chỉ những tài sản mà anh đã đem đi, hoặc những món mà mình nghĩ rằng anh ta đã ăn cắp, mà thậm chí xa hơn, còn phải hiến tặng luôn thân thể và thiện hạnh của mình trong ba thời.

(13) Pháp tu Bồ tát là dù sắp bị kẻ khác chặt đầu, trong khi mình vô tội, hãy nhận lấy hậu quả xấu của họ cho mình, bằng mãnh lực của lòng bi mẫn. 

Nếu người khác làm hại mình thì nên có lòng trắc ẩn đối với họ, và gánh lấy tất cả những tổn hại mà người khác gây ra.

(14) Pháp tu Bồ tát là dù có kẻ đi loan truyền đủ điều không hay về mình ở hàng ngàn, hàng triệu, hàng tỷ thế giới, hãy đáp lại bằng lòng từ tâm, ngợi khen đức hạnh của họ.  

Khi người khác lạm dụng hay nói những điều không tốt về mình thì không nên nói bất cứ điều gì xấu xa về họ. Đừng bao giờ trả đũa bằng những lời khó nghe, mà chỉ nói những điều tử tế về họ, như ngài Tịch Thiên (Shantideva) đã giải thích trong Nhập Bồ Tát Hạnh.

(15) Pháp tu Bồ tát là dù có kẻ phơi bày lỗi lầm hay nói xấu ta giữa đám đông, hãy kính cẩn nghiêng mình và xem người ấy như thầy.

Ngay cả khi bị người khác làm nhục hay làm mình xấu hổ trước mặt người khác thì ta phải hành động như đã được dạy trong các phương tiện thanh tẩy thái độ của mình (luyện tâm). Nếu như người khác làm nhục mình, hay nêu ra lỗi lầm của mình, thì trên thực tế, họ chính là thầy của mình. Vì vậy, còn phải cảm ơn họ, vì họ đã giúp ta nhận thức được những thiếu sót của mình, và bày tỏ lòng tôn trọng cao cả đối với họ.

(16) Pháp tu Bồ tát là dù người mình đã chăm sóc yêu thương như con, lại xem mình như thù địch, hãy đặc biệt yêu thương người ấy, như bà mẹ chăm sóc đứa con bệnh hoạn.

Nếu một đứa trẻ hư hỏng khi đau ốm, thì người mẹ vẫn sẽ yêu con, dù nó có xấu xa thế nào đi nữa. Đây là cách mình phải nhìn tất cả chúng sinh.

(17) Pháp tu Bồ tát là khi có kẻ ngang hàng hoặc thấp kém hơn ta, vì kiêu mạn mà làm nhục ta, hãy tôn kính đặt họ trên đỉnh đầu, như một vị bổn sư.

Điều tương tự cũng đúng khi người khác cố gắng cạnh tranh với mình. Phải phát tâm nhẫn nhục. Như Nhập Bồ Tát Hạnh có nói, nếu như không có kẻ thù thì mình không thể phát tâm nhẫn nhục. Vậy thì chúng ta cần có một người khó chịu, để phát triển thái độ khoan dung. Không thể phát tâm nhẫn nhục khi hướng tâm về chư bổn sư hay một vị Phật. Phải có một kẻ thù để hướng tâm mình vào đó.

Chẳng hạn, tôi nghĩ về bản thân mình. Nếu ai đó viết trên báo hay gọi Dalai Lama là một người tị nạn yếu đuối và vân vân, nếu như tu tập một cách chân thành thì tôi sẽ cố phát tâm nhẫn nhục với người đó. Vì chúng ta cần có một vị thầy để giúp mình luyện tâm nhẫn nhục, nên một kẻ thù hay người nào thù ghét mình thì cũng rất quan trọng như vị thầy này.

Nếu như mình suy nghĩ nhiều hơn về điều này thì kẻ thù cực kỳ quan trọng, không phải hay sao? Nếu như tu tập theo Đại thừa thì phải trưởng dưỡng lòng nhẫn nhục và chịu đựng những tình huống khó khăn. Làm sao mình có thể tu tập Đại thừa mà không có kẻ thù? Nói tóm lại thì để hoán chuyển thái độ đối với tự thân và tha nhân thì cần có nhiều thử thách và khổ cực, nhiều hoàn cảnh thử thách. Do đó, kẻ thù hay những người rất khó chịu và khó khăn thì vô cùng quan trọng và quý giá.

Hai Hoàn Cảnh Nguy Ngập Cần Thực Hành Giáo Pháp

(18) Pháp tu Bồ tát là dù sống trong nghèo khó và luôn bị khinh miệt, hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, hay bị tà ma quấy rối, hãy nhận lãnh tội ác và khổ đau của tất cả chúng sinh, không chút sờn lòng.

Có hai tình huống rất quan trọng để thực hành Pháp. Một là vì những nguyên nhân trong quá khứ nên mình ở trong tình trạng rất khó khăn, nghèo nàn và vân vân, rồi cảm thấy chán nản. Điều thứ hai là khi mình vô cùng thoải mái và giàu có, thì lại tự hào và kiêu hãnh.

Cần phải cẩn thận trong cả hai trường hợp. Ví dụ, nếu như bị bệnh nặng mà mình tu tập pháp hoán chuyển ngã tha, cũng như pháp cho và nhận, thì ta sẽ hạnh phúc trong khi bệnh. Trên thực tế thì mình sẽ mong muốn nhận lấy bệnh tật và khổ đau của người khác.

(19) Pháp tu Bồ tát là dù được tán thán và bao người đảnh lễ, hay giàu có như Tỳ Sa Môn Thiên Vương (Hộ Thần Tài Bảo), đừng bao giờ tự phụ, mà hãy xem sự thịnh vượng thế gian không có chút thực chất nào.

Đây là một thái cực khác, một tình huống có tiềm năng nguy hiểm khác. Nếu như mình được quý trọng và tất cả mọi việc trong đời đều tốt đẹp, thì ta có thể rất tự hào về điều đó, lười biếng và kiêu căng. Vì điều này sẽ cản trở việc tu tập của mình, nên phải thấy rằng vận may thế tục không có chút thực chất nào.

Khắc Phục Tâm Sân Hận Và Tham Ái

(20) Pháp tu Bồ tát là điều phục tâm mình bằng hai đạo quân từ và bi, vì nếu chưa điều phục được kẻ thù bên trong, là tâm sân hận, dù có đánh bại kẻ thù bên ngoài thì những kẻ thù khác sẽ đến với ta.

Không có kẻ thù nào tệ hơn tâm sân hận. Nếu như nhìn vào thế giới, ví dụ như tình hình trong Thế Chiến thứ Hai thì ta có thể thấy tất cả đều xảy ra vì lòng sân hận và thù hằn. Vào thời điểm đó, các quốc gia phương Tây và Nga là đồng minh, và mặc dù họ đã chiến thắng, nhưng điều đó không chinh phục được lòng thù địch trong chính họ! Vì giờ đây, họ vẫn còn chất độc này, nên chúng ta thấy Liên Xô chống đối với phương Tây như kẻ thù. Nếu chiến tranh xảy ra trong tương lai thì nó sẽ xảy ra một lần nữa vì lòng sân hận và thù hằn. Nhưng nếu chúng ta mong muốn hòa bình và hạnh phúc mà không loại bỏ những thái độ tiêu cực này thì hòa bình và hạnh phúc sẽ không bao giờ xảy ra. Hòa bình và hạnh phúc chỉ phát sinh, khi chúng ta phát tâm từ bi. Do đó, cần phải luyện võ từ bi, để khắc phục hận thù.

(21) Pháp tu Bồ tát là buông bỏ ngay những đối tượng làm tâm tham ái và bám chấp gia tăng, vì dục lạc tựa như nước muối, càng uống càng thêm khát. 

Bất kể mình bị thu hút vì điều gì thì ta không bao giờ hài lòng với nó; không bao giờ có đủ. Nó giống như uống nước muối, vì mình sẽ không bao giờ hết khát nước, như được mô tả trong Bảo Hành Vương Chánh Luận. Hãy nghĩ về một ví dụ: chẳng hạn như mình bị nổi ban. Nếu như mình gãi chỗ bị ngứa thì sẽ thấy thoải mái. Nhưng nếu như gắn bó với cảm giác thoải mái đó thì mình sẽ càng gãi nhiều hơn, và chỉ làm cho nó tồi tệ hơn. Chỗ ngứa sẽ bị đau, bắt đầu chảy máu, bị nhiễm trùng và trở nên tồi tệ hơn. Tốt hơn hết là chữa bệnh ban ngay từ gốc, nên mình sẽ không muốn gãi chỗ ngứa.

Phát Tâm Bồ Đề Tuyệt Đối, Chứng Ngộ Tánh Không

(22)  Pháp tu Bồ tát là không để tâm bị lôi cuốn vào vòng nhị nguyên, chủ thể và đối tượng có tự tánh, bằng cách chứng ngộ vạn pháp như thị. Vạn pháp do tâm tạo. Từ khởi thủy, bản tâm vốn xa lìa vọng tưởng cực đoan.

Điều này có vẻ diễn đạt tri kiến của trường phái Y Tự Khởi (Svatantrika), rằng các điểm đặc trưng có tự tánh tồn tại trên quy ước, nhưng hoàn toàn không tồn tại theo quan điểm chân lý tuyệt đối, nhưng nó không nhất thiết phải là như vậy. Khi nó nói ở đây rằng hiện tướng là “do tâm tạo”, thì điều này có nghĩa là chúng là trò chơi của tâm mình, theo nghĩa là nghiệp do tâm tích lũy sẽ tạo ra mọi hiện tướng. Ngay từ đầu thì tâm tự nó không hề có cực đoan của sự tồn tại có tự tánh.

Nếu như hiểu được điều này thì ta sẽ không xem “đây” là ý thức chứng ngộ tánh Không, và “đó” là đối tượng của ý thức này, cụ thể là tánh Không, mà đúng hơn là ta sẽ đơn giản nhập định trong tánh thanh tịnh, phủ định vô xác định (non-affirming negation) đó là tánh Không - sự vắng bóng tuyệt đối của tất cả những cách tồn tại bất khả dĩ. Đây là pháp tu được phát họa ra ở đây.

(23) Pháp tu Bồ tát là khi gặp gỡ đối tượng thú vị, đừng xem chúng như thật sự hiện hữu, dù chúng đẹp đẽ như cầu vồng mùa hạ. Vì vậy, hãy buông bỏ tâm tham ái và bám chấp.

Dù vạn pháp xuất hiện đẹp đẽ như cầu vồng, nhưng phải thấy rằng chúng không có sự tồn tại có tự tánh, và không sinh tâm quyến luyến.

(24) Pháp tu Bồ tát là khi gặp nghịch cảnh, hãy xem chúng như giả dối, vì khổ đau tựa như cái chết của đứa con trong giấc mơ. Chấp vào hiện tướng giả dối là chân thật sẽ làm nhọc tâm.

Vì vậy, phải xem vạn pháp như hiện tướng lừa đảo, và không bị trầm cảm vì hoàn cảnh khó khăn. Đây là giáo huấn về cách phát bồ đề tâm tương đối và tuyệt đối. Tiếp theo là pháp tu Lục độ ba la mật (sáu hạnh hoàn hảo).

Lục Độ Ba La Mật

(25) Pháp tu Bồ tát là bố thí mà không mong cầu sự đền đáp và thiện báo, vì kẻ mong cầu giác ngộ phải bố thí cả thân mình, nói chi đến vật chất bên ngoài?

Đây là pháp tu bố thí ba la mật.

(26) Pháp tu Bồ tát là hãy trì giới mà không có chủ ý thế gian, vì nếu không giữ giới thì không thể thành tựu mục tiêu của riêng mình, nói chi đến ước nguyện thành tựu mục tiêu của chúng sinh, đó chỉ là một trò đùa.

Điều quan trọng nhất là giữ giới, đặc biệt là giới tránh ác nghiệp. Nếu không thì làm sao mình có thể giúp đỡ ai?

(27) Pháp tu Bồ tát là trưởng dưỡng tâm nhẫn nhục, không hận thù hay ghét bỏ một ai, vì đối với chư Bồ tát có ước nguyện giàu sang đức hạnh, thì tất cả những kẻ hãm hại họ đều giống như kho báu.

Chúng ta phải có nhiều hạnh nhẫn. Đối với một vị Bồ tát muốn tích tập công đức để đạt giác ngộ thì những người hãm hại họ, kẻ thù của họ, quý giá như ngọc quý. Đó là vì chúng ta có thể tu tập hạnh nhẫn với họ. Điều này sẽ tích lũy và củng cố bồ công đức, điều sẽ mang lại thành tựu giác ngộ cho mình.

(28) Pháp tu Bồ tát là nỗ lực tinh tấn, cội nguồn của mọi đức hạnh, vì lợi lạc của tất cả chúng sinh, vì ngay cả Thanh văn và Độc giác, chỉ mong thành tựu mục tiêu của riêng mình, cũng tu tập tinh tấn như đang khẩn trương dập tắt lửa trên đầu.

Điều này đề cập đến việc nỗ lực tinh tấn đối với thiện hạnh. Nếu các hành giả Tiểu thừa có thể khổ công tu tập để đạt được mục tiêu cho bản thân họ, thì với tư cách là hành giả Đại thừa, chúng ta còn phải khổ công tu tập nhiều hơn nữa, vì lợi lạc của tất cả chúng sinh.

(29) Pháp tu Bồ tát là trưởng dưỡng định tâm, để vượt qua bốn tầng thiền vô sắc, nhờ nhận thức rằng mọi phiền não đều được định và tuệ chế ngự hoàn toàn.  

Điều này đề cập đến thiền định ba la mật (định tâm) trong bối cảnh Kinh điển. Do đó, để chứng ngộ tuệ giác đặc biệt (vipashyana) thì phải đạt được định tâm (shamatha) để giữ gìn tuệ giác đặc biệt. Sau đó, chúng ta sẽ có một cặp định tuệ bất khả phân.

(30) Pháp tu Bồ tát là trưởng dưỡng trí tuệ vô niệm về ba phương diện, cùng với phương tiện, vì nếu không có trí tuệ ba la mật thì năm ba la mật kia không thể đem lại thành tựu giác ngộ hoàn hảo.

Chúng ta không thể đạt được giác ngộ chỉ với mặt phương tiện, cụ thể là một mình năm ba la mật đầu tiên. Chúng ta cũng cần có mặt trí tuệ. Vậy thì phải trưởng dưỡng phương tiện và trí tuệ bất khả phân. Cần phải có trí tuệ để thấy rằng ba vòng tròn của bất kỳ thiện hạnh nào dựa trên những ba la mật này - cụ thể là chủ thể, đối tượng và hành động - đều không có tự tánh.

Điều kế tiếp liên quan đến pháp tu hàng ngày của chư Bồ tát.

Pháp Tu Hàng Ngày Của Bồ Tát

(31) Pháp tu Bồ tát là liên tục quán xét bản thân và đoạn trừ lỗi lầm của mình, vì nếu chỉ thể hiện giáo pháp bên ngoài mà không tự quán xét lỗi lầm của bản thân, thì ta có thể hành động trái ngược với Pháp.

Nói cách khác là phải luôn luôn quán xét phiền não của mình mỗi ngày, bởi vì như đã nói ở đây, tuy bề ngoài có thể nhìn rất đúng đắn, nhưng trên thực tế thì lại không đúng đắn chút nào.

(32) Pháp tu Bồ tát là không nêu lỗi của các hành giả đã thể nhập Đại thừa, bởi nếu vì phiền não thôi thúc mà vạch lỗi của những ai là Bồ tát, thì chính mình sẽ bị suy đồi.

Đừng nhìn người khác với ý đồ tìm ra lỗi lầm của họ. Mình không bao giờ biết người khác có thể là ai, hay thành tựu của họ là gì. Đặc biệt là hành giả Đại thừa, chúng ta chỉ cần có tư tưởng giúp đỡ và tạo lợi lạc cho người khác, không phải để xét nét lỗi lầm của họ.

(33) Pháp tu Bồ tát là đoạn trừ tâm tham ái đối với gia đình của người thân, bạn bè và thí chủ, vì nếu bị lôi kéo vào vòng danh lợi thì chúng ta sẽ tranh chấp với nhau, làm giảm sút việc văn, tư, tu.

Sẽ có nhiều hiểm họa, nếu mình luôn trú ngụ trong nhà của thí chủ hay người thân, v.v... Chắc chắn ta sẽ vướng vào những hoàn cảnh phức tạp vì việc gây gỗ, tranh chấp, v.v... Do đó, phải tránh quyến luyến với những nơi như vậy.

(34) Pháp tu Bồ tát là từ bỏ lời khắc nghiệt, làm kẻ khác bất an, vì lời nói nặng làm xáo động tâm kẻ khác và làm hư hoại hạnh bồ tát của mình.

Căn nguyên của tâm sân là lòng tham ái đối với tự thân. Nhưng ở đây, tâm sân hận được nhấn mạnh, đặc biệt là khi nó tạo ra lời sỉ nhục. Những ngôn từ có vẻ khắc nghiệt như vậy sẽ tiêu diệt công đức của mình, làm phiền người khác và gây ra thiệt hại.

(35) Pháp tu Bồ tát là trang bị cho mình vũ khí đối trị là chánh niệm và tỉnh giác, để diệt trừ phiền não như tham ái và vân vân, ngay khi chúng vừa phát sinh, vì khi phiền não đã được huân tập lâu ngày thì khó mà khắc phục được chúng bằng các pháp đối trị.

Ngay khi tâm tham hay sân vừa phát sinh thì phải sử dụng chánh niệm và tỉnh giác để đối trị chúng ngay lập tức.

(36) Tóm lại, pháp tu Bồ tát là liên tục duy trì chánh niệm và tỉnh giác, để thành tựu mục đích làm lợi lạc chúng sinh. Bất luận đang ở đâu hay làm gì, hãy luôn quán xét tâm mình đang ở trong trạng thái nào.

Như Nhập Bồ Tát Hạnh có nói, cần phải liên tục quán xét tâm mình và thấy được tâm trạng của nó. Rồi với chánh niệm, phải áp dụng các pháp đối trị ngay lập tức, đối với bất cứ phiền não nào có thể phát sinh. Ví dụ, nếu như ở trong đoàn lữ hành để đến cao nguyên phía bắc của Tây Tạng thì chúng ta sẽ rất chánh niệm và cảnh giác, không đi đại đến bất cứ nơi nào. Chúng ta sẽ cẩn thận chọn đúng đường; nếu không thì có thể đi lạc dễ dàng. Cũng cùng một cách như vậy, ta sẽ không cho phép tâm mình đi lang thang bất cứ nơi nào.

(37) Pháp tu Bồ tát là hồi hướng mọi công đức thành tựu được từ những nỗ lực này cho quả vị giác ngộ, để đoạn trừ nỗi khổ của vô lượng chúng sinh, với trí tuệ hoàn toàn thuần tịnh về ba phương diện  

Vì vậy, pháp hành Bồ tát cuối cùng được đề cập ở đây là hồi hướng công đức của tất cả những hành vi này cho tâm giác ngộ và lợi lạc của tha nhân. Điều này hoàn tất phần chánh văn. Tiếp theo là phần thứ ba của bản phát họa, đó là phần kết luận.

Kết Luận

Dựa theo lời các bậc thánh nhân và ý nghĩa được tuyên thuyết trong Kinh điển, Mật điển và luận giải, tôi đã soạn ba mươi bảy pháp tu Bồ tát cho những ai muốn tu tập Bồ tát đạo.

Tác giả đã lấy những giáo huấn này từ nhiều nguồn khác nhau và cô đọng chúng thành ba mươi bảy pháp hành này.

Vì trí thông tuệ kém cỏi và học thức nghèo nàn, nên lời lẽ không được văn hoa để làm hài lòng bậc học giả uyên bác, nhưng tôi đã dựa vào Kinh điển và lời của bậc thánh nhân, nên thiển nghĩ các pháp tu Bồ tát này không giả dối.

Tiếp theo, tác giả cáo lỗi, nếu như ngài có phạm bất cứ lỗi lầm nào.

Tuy nhiên, đối với những người tâm trí trì độn như tôi thì khó mà hiểu được chiều sâu của những đợt sóng lớn của bồ tát hạnh. Xin thỉnh cầu các bậc thánh nhân kham nhẫn, lượng thứ cho những sai sót như mâu thuẫn, thiếu mạch lạc và những điều tương tự.

Rồi ngài chấm dứt bản văn bằng lời hồi hướng sau cùng.

Nhờ công đức này, nguyện cho tất cả chúng sinh, nhờ có bồ đề tâm quy ước và cứu cánh tối thượng, được sánh vai cùng Đấng Bảo Hộ Quán Thế Âm, người chẳng bao giờ chấp vào biên kiến hiện hữu luân hồi hay niết bàn tịch tĩnh. Bài này được Tỳ kheo Togme, một đạo sư tinh thông Kinh điển và luận lý, sáng tác trong hang động Rinchen ở Ngulchu, để tự lợi và lợi tha.

Điều này kết thúc 37 Pháp Hành Bồ Tát của Togme Zangpo.

Đọc và nghe chánh văn "37 Pháp Hành Bồ Tát” của Togme Zangpo.

Top