Mật Điển Là Gì?

Mật điển là một đề tài thường bị hiểu lầm ở phương Tây, nhưng trên thực tế thì nó không có gì là đặc biệt bí ẩn. Mật tông sử dụng một công cụ mạnh mẽ mà tất cả chúng ta đều có thể sử dụng, đó là trí tưởng tượng của mình. Đối với các hành giả có nền tảng vững chắc trong các học thuyết chủ yếu trong nhà Phật thì Mật điển là một phương tiện để thành tựu Phật quả một cách nhanh chóng và hiệu quả, để có thể tạo lợi lạc tối đa cho tất cả chúng sinh.

Nền Tảng Cho Pháp Tu Mật Điển

Mật điển là một pháp tu Đại thừa cao cấp để đạt giác ngộ. Nó được tu tập trên cơ sở của nền tảng vững chắc trong tất cả các pháp tu Kinh điển, như được chứa đựng trong giáo lý Lam-rim, đường tu tuần tự đến giác ngộ. Những điểm đặc biệt quan trọng là:

  • Phương hướng an toàn (quy y)
  • Quyết tâm thoát khổ và nhân tạo khổ (tâm xả ly)
  • Trì giới nghiêm ngặt
  • Bồ đề tâm (để đạt giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sinh)
  • Đặc biệt là lục độ ba la mật (sáu thái độ sâu rộng, paramitas)
  • Định
  • Trí tuệ chứng ngộ Không tướng (tánh Không)

Một khi một hành giả đã đạt được sự ổn định trong việc tu học về tất cả những chủ đề này, và một khi đã hoàn thành những pháp tu sơ khởi (ngondro) thì người ta đã sẵn sàng để thể nhập vào pháp tu Mật tông. Các pháp tu sơ khởi rất quan trọng, để tịnh hóa ác nghiệp và tích lũy công đức, để thành công với pháp tu. Một hành giả muốn tu Mật tông, bởi vì lòng bi mẫn và bồ đề tâm của họ quá sâu sắc và mạnh mẽ, nên họ không muốn phải chờ đợi một thời gian dài đăng đẳng để thành tựu giác ngộ chỉ bằng các phương tiện trong Kinh điển. Mật điển là phương tiện để kết hợp tất cả các hành trì trong Kinh điển với nhau một cách cực kỳ hiệu quả và toàn diện.

Ý Nghĩa Của Chữ “Mật Điển”

“Mật điển” trong tiếng Phạn có nghĩa là “cái gì được kéo dài ra” - được kéo dài theo hai nghĩa trong chữ này. Một cái được kéo dài ra như sợi dọc của khung cửi. Pháp tu Mật tông là sợi dọc để dệt tất cả các pháp tu Kinh điển lại với nhau. “Được căng ra” cũng có nghĩa là một dòng tương tục kéo dài mãi mãi theo thời gian, vô thỉ vô chung. Nói chung thì điều này đề cập đến dòng tâm thức của chúng ta – dòng tương tục của kinh nghiệm cá nhân, chủ quan của mình trong đời sống. Dòng tương tục này gồm có một thân thể, lời nói (một số phương tiện giao tiếp), tâm trí, hoạt động và nhiều phẩm chất tốt đẹp khác như hiểu biết và chăm sóc, cho cả bản thân và người khác (bản năng tự bảo tồn và bảo tồn các loài). Tất cả chúng ta đều có những khía cạnh này trên một số hình thức nào đó, và đến một mức độ phát triển nào đó trong mỗi cuộc đời. Những yếu tố biến đổi này, cộng với tánh Không của dòng tâm thức (nó không tồn tại theo bất cứ cách nào bất khả dĩ) và thực tế là những yếu tố này có thể được kích thích để tiến hóa xa hơn nữa, được gọi là “các yếu tố Phật tánh” của chúng ta. Chúng tạo thành một dòng tâm thức kéo dài mãi mãi, “một “Mật điển”.

Mật Điển Nền Tảng, Đường Tu Và Kết Quả 

Mỗi một dòng tâm thức có ba giai đoạn: nền tảng, đường tu và kết quả: 

Mật tông ở mức độ nền tảng là dòng tâm thức vô thỉ của nó, trong các hình thức bình thường trong mỗi kiếp sống, cứ tái diễn một cách bất tự chủ (luân hồi). Những hình thức bình thường này được tạo tác vì sự vô ý thức (vô minh) về cách chúng ta, người khác và vạn pháp tồn tại, cùng với những phiền não và nghiệp mà nó tạo ra. Vì bị xen lẫn với tâm vô minh, nên dòng tâm thức này chứa đầy những nỗi khổ khác nhau, tự chúng tồn tại mãi mãi, và sẽ tiếp tục ở mức độ cơ bản này mãi mãi, trừ khi mình sẽ làm gì để loại bỏ (tịnh hóa) sự vô minh này. Thế thì đặc điểm của Mật tông ở mức cơ bản là chưa được tịnh hóa.

Mật tông ở mức độ kết quả là sự tương tục không ngừng của những yếu tố Phật tánh hoàn toàn được tịnh hóa của chúng ta, giờ đây ở trong dạng thân, khẩu, ý, hoạt động và những phẩm hạnh tốt đẹp của một vị Phật giác ngộ viên mãn.

Mật tông ở mức độ đường tu là dòng tâm thức được tịnh hóa một phần, đóng vai trò như giai đoạn trung gian, để đưa dòng tâm thức từ mức độ nền tảng đến kết quả. Chúng ta sẽ thực hiện điều này bằng cách quán tưởng các yếu tố Phật tánh của mình - cơ thể của mình và vân vân - hiện đang xuất hiện như thân của một vị Phật, trong sắc tướng một Bổn tôn (yidam, Hộ Phật Mật tông). Ta sẽ thực hiện điều này, trong khi nhận thức rằng những điều mình đang tưởng tượng là một mức độ chưa xảy ra, nhưng có thể xảy ra, khi đã hoàn toàn tịnh hóa những yếu tố Phật tánh. Vì đặc điểm của việc quán tự thân trong sắc tướng của một vị Phật, nên pháp tu Mật tông được gọi là “Quả thừa” - hiện nay, chúng ta đang tu tập theo cách tương tự với kết quả mà mình sẽ đạt được. 

Nhiều Tay Chân

Nhiều vị Bổn tôn mà ta tự quán mình là các vị ấy, có nhiều mặt và tay chân, trong hành trì của đường tu Mật tông. Đây là những sợi dọc của Mật tông, bởi vì ở trên đó, ta sẽ dệt những điều mà chúng đại diện. Mỗi đặc điểm của cơ thể đại diện cho một khía cạnh khác nhau của giáo lý Kinh điển của lam-rim. Ví dụ như việc có sáu cánh tay đại diện cho lục độ ba la mật trong cùng một lúc – bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Bằng cách quán tưởng lục độ ba la mật theo hình thức tạo hình thì ta có thể giữ chánh niệm về chúng trong cùng một lúc, dễ dàng hơn nhiều, so với việc cố gắng thực hiện điều này một cách trừu tượng.

Pháp Tu Sơ Khởi

Trong khi quán tưởng mình trong sắc tướng có nhiều tay chân như vậy thì ta sẽ  tu tập cả hai, trong khi hành thiền và trong đời sống hàng ngày, để tích tập công đức và trí tuệ (hai bồ tư lương công đức và trí tuệ). Chúng ta sẽ giúp đỡ tha nhân bằng lòng từ bi, và chú tâm vào tánh Không của tất cả chúng sinh và tất cả các pháp liên quan trong đó. Hai bồ tư lương này cũng là những yếu tố Phật tánh, và sức mạnh của chúng là điều khiến cho những yếu tố Phật tánh khác của mình hoạt động ở mức độ nền tảng, đường tu, hay kết quả. Do đó, để khởi động quá trình củng cố hai bồ tư lương này, ta sẽ thực hành các pháp tu sơ khởi như lễ lạy và tịnh hóa với Đức Kim Cang Tát Đỏa, trước khi tu tập Mật tông.

Lễ Quán Đảnh (Điểm Đạo) 

Để bắt đầu quán tưởng mình là một vị Phật, trong sắc tướng của một Bổn tôn, thì phải nhận một lễ quán đảnh (điểm đạo) từ một đạo sư Mật tông hội đủ các phẩm chất cao quý. Chúng ta chỉ nhận quán đảnh, nếu như đã chuẩn bị đầy đủ về việc tu học Kinh điển, và hành trì pháp tu sơ khởi, ngondro. Nhờ mãnh lực của pháp quán tưởng mà đạo sư Mật tông và mình đã thực hiện trong nghi lễ, mà các yếu tố Phật tánh của chúng ta được kích hoạt và tăng cường, để bắt đầu chuyển hóa thành những yếu tố của một vị Phật. Để đảm bảo rằng sự chuyển hóa đó sẽ xảy ra mà không bị chướng ngại, thì hãy nhận nhiều giới nguyện để tránh những cách hành động, nói năng hoặc suy nghĩ theo những cách có thể làm hại việc tu tập của mình. Chúng gồm có các giới luật, Bồ tát giới, và trong một số trường hợp là Mật giới. Nếu như không toàn tâm toàn ý thọ những giới này, thì không nhận được lễ quán đảnh, và nếu không giữ giới càng thanh tịnh càng tốt, thì không có hành trì Mật tông thật sự.

Tóm Tắt

Không có bất cứ điều gì liên quan đến hoạt động tình dục hay nghi lễ bí ẩn, Mật tông đề xuất một hệ thống rất cao cấp và phức tạp, để đánh thức toàn bộ tiềm năng của chúng ta. Không nên xem thường pháp tu Mật tông, khi mình chủ động tham gia nghi lễ, thì đã cam kết giữ giới suốt đời. Vì lý do này mà chỉ nên khởi sự tu tập Mật tông, một khi đã có nền tảng vững chắc trong các học thuyết nhà Phật, nhưng đặc biệt là lòng từ bi phổ quát đối với tất cả chúng sinh, và hiểu rõ về tánh Không.

Đối với các hành giả cao cấp thì Mật tông giống như một quả bom hạt nhân đối với tâm thức. Nếu như được tu tập một cách chính xác thì Mật tông sẽ đoạn diệt bản ngã và tâm ái ngã, và nhanh chóng đưa hành giả đến giác ngộ, khi mà họ có thể tạo ra những lợi lạc to lớn và lâu dài cho tất cả chúng sinh.

Top